Trang trong tổng số 54 trang (534 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [51] [52] [53] [54]

Ảnh đại diện

Bào Như Hồ 1934

quangchinhchuongmy đã viết:
Thơ mời hoạ:


TRƯỚC MỘ CỤ TÚ XƯƠNG

Tám lượt thi không đậu bảng vàng
Vậy mà danh tiếng mãi còn vang
Mom sông, thương vợ thân tần tảo
Lều chõng, giận mình phận dở dang
Ví được phong quan làm phụ mẫu
Thì đâu có tú nổi thi đàn
Vị Xuyên đất tổ lưu hài cốt
Chẳng tước chức gì vẫn vẻ vang.

Hồ Văn Chi (Đà Nẵng)


Bài hoạ:


ĐỜI THI NHÂN

Đời đâu có được khắc bia vàng
Chẳng sáng sữa bò tối rượu vang
Xót cảnh mom sông thân vạc lội
Nhớ người góc biển cánh chim dang
Bao lời chính trực bầm gan ruột
Một giọng hiên ngang vẳng tiếng đàn
Thi sĩ hào hoa danh rạng rỡ
Vần thơ tâm huyết mãi ngân vang.



Đinh Nho Hồng


Bài hoạ:


THẦN THƠ THÁNH CHỮ **

Thần Thơ Thánh Chữ quý hơn vàng
Lều chõng bao lần phải dở dang
Cụ Tú Vị Xuyên danh mãi vọng
Ông Nghè Nam Định tiếng còn vang
Thất ngôn bác học trong như suối
Tứ tuyệt uyên thâm ngọt tựa đàn
Trào phúng, trữ tình... bao tuyệt tác!
Thi đàn lấp lánh ánh hào quang.



Quang Chính


** Ghi chú: Nhà văn Nguyên Công Hoan đã tôn vinh thi sĩ Tú Xương là THẦN THƠ THÁNH CHỮ
Có chí !

Có chí quyết tâm chiếm bảng vàng
Đạt thời hãnh diện lắm hân hoan
Hữu tài "1" mấy lượt buồn trơn trợt
Bất lợi bao lần tủi dở dang
Ngày mãi "sôi kinh"_ đâu lạc bước
Đêm luôn "nấu sử" há lầm đàng
Tận nhân lực ắt tri thiên mạng...
Ẩn sĩ về vườn hoá vẻ vang !

Học hành !

Học hành nghiêm túc mộng khoa vàng
Trì chí tinh thần mãi lạc quan
Rèn luyện văn chương - đăng ứng thí
Dùi mài kinh sử - tiến lên đàng
Lập thân mục đích - đời tươi sáng
Số phận thôi rồi - hại dở dang
Trời hỡi ! Tám lần đều đổ lệ...
Ẩn danh cầm bút tiếng cười vang !

03-08-2016.
Bào Như Hồ - Gò Công.

"1" nhà thơ Tú Xương có công ăn học , kiên nhẫn đeo đuổi đến tám lần thi cử , quả là hiếm thấy có một không hai trên đời./-
Được-mất lòng không quản
Thấp-cao dạ chẳng phân
Bể dâu qua mấy cuộc
Thiện tánh vững muôn phần
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

THƠ XƯỚNG HOẠ
(Trích từ bài "Một số điểm cần lưu ý khi sáng tác thơ luật Đường" đăng trong tờ nội san "Thơ luật Đường Nhuệ Giang" số 5 ra quý I/2016 của Chi hội thơ Đường luật Nguyễn Trãi và Câu lạc bộ thơ Đường Hà Đông).

Xướng hoạ là một trong những thú giao lưu được nhiều người chơi thơ Đường ưa thích.
Nếu bài xướng thể bằng, bài hoạ thể trắc và ngược lại, thì bài hoạ đó sẽ được đánh giá cao hơn bài hoạ cùng thể với bài xướng. Tuy bài hoạ cùng thể bằng - trắc với bài xướng vẫn không bị coi là phạm lỗi hay mắc bệnh (Đã trình bày cụ thể trong bài "Một số điểm cần lưu ý...") và trong thực tế có lẽ khoảng một nửa các bài hoạ của hầu hết các nhà thơ là cùng thể bằng - trắc với bài xướng; nhưng nên cố gắng khác thể, lúc đó sẽ được đánh giá cao hơn bài hoạ cùng thể.
Đương nhiên là, khi bài hoạ khác thể bằng trắc với bài xướng, thì chắc chắn sẽ không phạm vào lỗi nhại từ áp vận.
- Lỗi nhại từ áp vận trong bài hoạ: Trong bài thơ hoạ, không được nhắc lại từ áp vận (chữ sát vần, tức chữ thứ 6 trong câu thơ) của bài xướng, nếu không sẽ mắc lỗi nhại từ áp vận.
Ví dụ:
Nếu bài xướng có câu: "Trông vời quê mẹ nỗi cô liêu"
mà bài hoạ dùng câu: "Xa xôi vời vợi thấy cô liêu"
là nhại từ áp vận "cô". Phải sáng tác bài hoạ để trong câu không có chữ "cô" đứng sát trước chữ "Liêu", ví dụ có thể dùng các từ "quan liêu", "tịch liêu" chẳng hạn.
Xin nhắc lại là, khi bài hoạ khác thể bằng trắc với bài xướng, thì không bao giờ mắc phải lỗi nhại từ áp vận.
Tuy vậy, cũng có những trường hợp ngoại lệ, rất hãn hữu, khi người hoạ cố tình lặp lại một vài từ, thậm chí có khi lặp lại cả một vài câu của bài xướng để nhấn mạnh chính kiến của mình, có thể coi như là một kiểu chơi thơ xướng - hoạ. Nhưng, xin nhắc lại là rất hiếm khi người ta chơi kiểu xướng - hoạ này.
- Lỗi điệp vận: Trong thực tế, lỗi này ít gặp. Trong một bài thất ngôn bát cú, có 5 từ đặt ở cuối câu 1,2,4,6,8 phải cùng âm, nhưng không lặp lại từ. Nếu có hai từ trùng nhau thì mắc lỗi điệp vận (trừ thơ thủ vĩ ngâm và độc vận). Từ trước đến nay, người ta vẫn cho rằng, nếu hai vần giống nhau, nhưng khác nghĩa thì không mắc lỗi điệp vận (ví dụ từ "hương" trong hương liệu, hương vị, hương thơm là khác nghĩa với quê hương, cố hương, đồng hương). Trong chữ Quốc ngữ, chữ đọc giống nhau thì viết cũng như nhau, nhưng trong chữ Nôm cũng như chữ Hán, chữ đọc giống nhau có thể viết khác nhau. Ta hãy đọc bài "Thu điếu" của Tam nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần câu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Cũng có ý kiến khác, khắt khe hơn, cho rằng đã điệp vận là điệp vận, không kể cùng nghĩa hay khác nghĩa, cứ theo vần a, b, c trong chữ Quốc ngữ mà xét. Vì thế, đã có người đề nghị chữa từ cuối trong câu thứ 2 của bài thơ trên thành "bé tẻo tèo". Có vẻ hợp lý, lại tránh được gieo vần cùng dấu (trùng thanh độ) hai câu đề (Đã trình bày trong bài "Một số điểm cần lưu ý..." Nhưng xem xét kỹ lại thấy không hợp lý, gượng ép và không thể hay bằng, mượt mà bằng câu thơ của Tam Nguyên Yên Đổ.
Khi đưa bài "Trước mộ cụ Tú Xương" ra mời mọi người hoạ, hẳn tác giả Hồ Văn Chi (Đà Nẵng) đã có ý riêng của mình.

DNH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

VÀO CANH BẠC
(Hoạ hoán vận bài "Thu điếu của Nguyễn Khuyến)

Canh bạc lao vào túi cháy veo
Ra về thất thểu, xác tong teo
Quanh năm suốt tháng thua dồn dập
Nửa bữa đôi lần được tị teo
Nhà cửa đất đai đều biến sạch
Công danh địa vị cũng bay vèo
Lưu manh - cụ lớn như nhau cả
Làm bác bần xong hoá bọt bèo.
DNH
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

quangchinhchuongmy

THU ĐIẾU

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.


Nguyễn Khuyến


VÀO CANH BẠC

(Hoạ hoán vận bài "Thu điếu của Nguyễn Khuyến)

Canh bạc lao vào túi cháy veo
Ra về thất thểu, xác tong teo
Quanh năm suốt tháng thua dồn dập
Nửa bữa đôi lần được tị teo
Nhà cửa đất đai đều biến sạch
Công danh địa vị cũng bay vèo
Lưu manh - cụ lớn như nhau cả
Làm bác bần xong hoá bọt bèo.


DNH


CỜ BẠC

(Bát vĩ đồng âm)

Cờ bạc, lô đề túi sạch veo
Cơ đồ, mộng ảo sắp đi teo
Số đen nhà cửa đành bay véo
Bìa đỏ, đất đai cũng chạy vèo
Chỉ muốn thêm tiền qua vận héo
Hằng mong bớt khổ thoát cơn nghèo
Con gầy, vợ ốm kêu nheo nhéo
Chẳng thoát thân lươn, kiếp bọt bèo.


Quang Chính – 07/7/2017
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 54 trang (534 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [51] [52] [53] [54]