Trang trong tổng số 2 trang (12 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bảo Ngọc Điệp

Thiền dân gian bàn về tình yêu

( Tác giả : HUYỀN THI )

“Nhân loại dù tiến bao xa
Hôn nhau vẫn cũ như là ngày xưa
Dù người làm được nắng mưa
Thì em vẫn mới ta chưa hiểu gì”

Định nghĩa

Thái cực sinh lưỡng nghi, âm và dương làm chuyển hoá vũ trụ, chuyển hoá toàn thế giới cũng chỉ bởi đàn ông và đàn bà. Những mối tình thượng đế đủ cả ghen tuông, hờn giận trên đỉnh núi Olimpia của Zớt và Hê-len làm rung chuyển cả thiên đường và trái đất. Mối tình tay ba giữa Ngọc hoàng thượng đế cùng Thiên hậu và Tây Vương Mẫu còn để lại hình ảnh Hằng Nga và Hậu Nghệ cho muôn đời sau. Rồi đến cảnh Thiên Bồng Nguyên Soái vì quấy rối tình dục Hằng Nga trên cung quảng nên bị đày xuống hạ giới làm Trư Bát Giới mà vẫn không chừa tính hiếu sắc.

Rồi cảnh trần và tiên giao hoan nơi chốn Đào nguyên giữa Từ Thức, Lưu Nguyễn với tiên nữ còn mãi để lại trong lòng người niềm bâng khuâng luyến tiếc mơ hồ.
Ngay dưới âm ty lạnh lẽo, tối như đêm, dầy như đất, những mối tình ma quái trong “Liêu Trai Chí Dị” cũng làm rạo rực lòng người trong lúc lãng đãng mây chiều, nơi thâm sâu cùng cốc, lập loè đom đóm ma chơi:

“Một làn hơi trắng toả trong sương
Hài xanh lướt cỏ cánh thoa vương
Bồng lên thiếp nhẹ hơn làn khói
Tình nồng quên cả cõi âm dương”

Còn trong chốn cát bụi hồng trần cũng đủ cảnh giới yêu hơn cả Bồng lai tiên cảnh, hoặc chốn “Liêu Trai Chí Dị”.

“Kìa xem đôi yêu ma bươm bướm
Sống ở trên đời đã là sự điên rồ
Lại còn định bay lên tận trời xanh
Sao không ngủ đi trong sự dịu êm”

Vậy, tình yêu là gì mà ngay cả:

“Kìa cầm thú là loài động vật
Dẫu vô tri cũng biết đèo bòng
Có âm dương, có vợ chồng”

Đạo trời đất là đạo quân bình. Quân bình âm dương, quân bình lý trí và tình dục. Quân bình cửa Phật giữa Quán Thế Âm Bồ Tát, hai bên là Văn Thù Bồ Tát – lý trí và Phổ Hiền Bồ Tát – tình yêu theo đạo Phật là đồng nhất giữa lý trí và tình cảm giữa Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát. Tình yêu của Phật trải ra toàn cõi chúng sinh gọi là từ bi hỷ xả. Tình yêu của cõi giới niết bàn, của Phật không có ghét. Tình yêu của Phật là tình yêu tự đồng nhất:


“Nếu yêu những kẻ yêu nhau
Thì mình đâu có nỗi đau nhân tình
Nếu thân không nệ cái hình
Ra ngoài sự vật thì mình thành tiên”

Theo kinh Tân ước, tình yêu là do A-Đam và E-Va ăn phải quả cấm nơi địa đàng. Còn loài người cũng do trò chơi tình ái của Tạo hoá sinh ra. Và loài người lại chơi trò chơi tình ái sinh ra như Tạo hoá.

“Tạo hoá tạo ta chơi
Ta chơi trò tạo hoá
Hợp tan mây thành đá
Nhật nguyệt hoá như như”

( CÒN TIẾP )
Chỉ biết mượn thơ để giải sầu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bảo Ngọc Điệp

Napoléon hỏi mỹ nhân:
- Sao nàng đẹp thế còn trang điểm làm gì?
Mỹ nhân đáp:
- Hoàng đế đã chiếm cả thế giới còn chiếm thêm mỹ nhân làm gì?
Câu hỏi này chỉ có bắc thang lên hỏi ông trời!
Sao Càn Long có 3000 cung tần mỹ nữ còn du Giang Nam chơi gái lầu xanh làm gì?
Tống Huy Tôn phải đào hầm hàng 10.000m để trốn đến lầu xanh làm tình cùng kỹ nữ Lý Sư Sư, vì sao?
Vua Tự Đức đã bão hoà tình ái vẫn mủi giải khóc lóc người tình:
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi”
Theo phép dùng binh của Tôn Tử, có 36 kế thì mỹ nhân kế là rẻ nhất vì có sự đồng mưu giữa trời và người.

“Bẫy tình tạo hoá lừa ta
Bị yêu lại cứ tưởng là được yêu”

Tô Châu Đát Kỷ, Dương Quý Phi, Điêu Thuyền đẹp đến đổ quán siêu đình. Vì tự cổ anh hùng đa hiếu sắc, mấy khi anh hùng vượt qua được cửa ải mỹ nhân. Loài người vốn hiếu sắc hơn hiếu đức.
Ngay cả đến các tổng thống như Bil-clin-tơn cũng từng gây ra biết bao vụ scandal tình ái làm cho khốn khổ, điêu đứng cùng cô thư ký mỹ miều.
Từ Hải “trước cờ ai dám tranh cường, dọc ngang nào biết trên đầu có ai” cũng vì tình mà chết đứng. Để đến nỗi Nguyễn Du vi quá đau xót, nên đã có lúc định nghĩa quá vội vàng và phiến diện về tình yêu: “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Định nghĩa của Nguyễn Du về tình yêu mới chỉ đánh giá được một mặt của tình yêu.
Tình yêu cũng như cõi phúc, khi tình yêu xẩy ra như một năng lượng không có bản ngã bên trong, nó là sự giải thoát, là niết bàn. Nên định nghĩa “tình là dây oan” không phải là hoàn toàn đúng. Vì tình vừa là phúc, vừa là oan. Hoạ là chỗ nấp của phúc, phúc là chỗ nấp của hoạ. Hoạ hoạ, phúc phúc đều tự tình ái sinh ra. “Tình là dây oan” là một nửa của chân lý, còn nửa kia nằm ở phía đối lập. Suy lý có một chiều, hiện hữu có hai chiều.
Nguyễn Du, hiệu là Tố Như. Tố Như nghĩa là chấp nhận vạn pháp không tốt, không xấu.
“Khi vô tích, khi lâm tri
Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”
Tố Như là tự tánh rỗng không, là chân như. Nhà văn chỉ chứng kiến chứ không có ý kiến. Tố Như là không chấp có, không chấp không, tâm bất nhị. Khi Nguyễn Du chấp vào cái có: “tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Tố Như bị kẹt vào cái có. Tố Như thành tố hữu. Hữu nghĩa là có, nghĩa là chấp vào cái có. Như nghĩa là sắc sắc không không. Sắc tức thị không, không tức thị sắc.

“Kinh Phật lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay tất cả đều quên hết
Còn lại trong đầu một chữ như”
Chỉ biết mượn thơ để giải sầu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bảo Ngọc Điệp

Tố Hữu là nhà thơ cách mạng duy lý. Ông đã có định nghĩa tình yêu tỉnh táo sâu sắc như triết học Đề-mô-crít, như thuyết cấu trúc cơ học Niutơn. Cơ học sinh cơ tâm:


“Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu
Em sung sướng thế cũng nhiều anh nhỉ
Rồi hai đứa hôn nhau hai người đồng chí”

Vì chấp vào cái hữu, không chấp vào cái vô, Tố Hữu đã tư duy theo hình nhi hạ.
Xuân Diệu cũng vậy. Xuân Diệu là nhà thơ nhập thế. Xuân Diệu coi tình yêu như một thực thể bất động, có thể chia cắt, đo đếm từng phần như toán học. Cỗ máy tình yêu có thể tháo rời ra từng bộ phận. Để rồi Xuân Diệu cũng bế tắc như các nhà khoa học là không thể tổng hợp lại được:
“Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà lại được yêu
Cho rất nhiều mà trả chẳng bao nhiêu”
Không, yêu là sự biến đổi huyền ảo giữa thân và tâm, sự biến đổi nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng. Chưa đầy chớp mắt Lưu Nguyễn đã cùng tiên hoan lạc nơi Bồng lai tiên cảnh. Rồi cũng chỉ chớp mắt lại bần thần ngơ ngác ngay giữa quê hương.


“Lưu Nguyễn không tìm lại gặp tiên
Tìm về trần thế hoá vô duyên
Đi mà không đến là Tây trúc
Đến mà chẳng được, ấy Đào Nguyên”


Lần đầu, Lưu Nguyễn lạc đường tới thiên thai là do kỳ ngộ. Lần sau, lạc đường ngay giữa quê hương là do tự mê.
Làm sao mà Xuân Diệu cân, đo, đong, đếm được tình yêu. Vua ngủ với cung tần mỹ nữ nơi màn loan trướng huệ sướng gì hơn kẻ ăn mày ngủ với nhau nơi đầu đường só chợ.

“Rồi sẽ hiểu ít nhiều đều là đủ
Trẻ hay già vô nghĩa trước mai sau
Vua ôm ấp bao cung tần mỹ nữ
Sướng hơn gì người cùng khổ ôm nhau”
Chỉ biết mượn thơ để giải sầu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bảo Ngọc Điệp

“Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Trong cõi tâm linh thế nào là ít? Có khi 1> 1000. “Một miếng khi đói bằng gói khi no”, “bát cơm siếu mẫu đền ơn nghìn vàng”. Ít, nhiều tự tánh đều không. Yêu chung thuỷ một người không ít hơn yêu hàng nghìn người. Chỉ hôn một lần mà có khi đã mãi mãi hôn nhau.

“Một đêm quân tử nằm kề
Còn hơn thằng ngốc vỗ về quanh năm”

Còn cả đời phải sống với người mình không yêu thì có cũng bằng không:
“Con vợ khôn lấy thằng chồng dại
Như bông hoa nhài cắm bãi *** trâu”

Có lúc vì quá mê, Xuân Diệu đưa tình yêu ra mặc cả, tính toán một vấn đề không thể mua bán, mặc cả như chợ búa:
“Có thể mua được người yêu
Không ai mua được cách yêu của người”
Chỉ có thể bàn về cách đi, không bàn về đường đi:
“Núi yêu kiểu núi đứng im
Gió yêu kiểu gió cánh chim giang hồ
Tình yêu như một bài thơ
Ngàn năm chưa có bao giờ giống nhau”

Tình yêu là mầu sắc ở chỗ không mầu sắc. Tình yêu không mầu, không sắc ở chỗ có sắc, có mầu. Tình yêu không từ đâu đến, tình yêu cũng không đi về đâu. Tình yêu không có mở đầu, tình yêu không có kết thúc.

“Tình nào cũng chỉ dở dang
Đôi ta tạo hoá cũng đang hoàn thành
Cái gì cũng chỉ dở dang
Ngay như vũ trụ cũng đang hoàn thành”

Tình yêu không thường hằng, tình yêu vô thường luôn chuyển biến từ trạng thái này sang trạng thái khác:
“Tìm đường để đến nhà em
Đến nơi mới biết nhà em là đường
Thuyền tình cập bến yêu đương
Biết đâu bến cũng là đường mà thôi”

Con đường tình ái liên lỷ, liên hồi từ kiếp này sang kiếp khác. Như mối tình giữa Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng là vô tiền, khoáng hậu, từ kiếp này sang kiếp khác. Kiếp trước, Dương Quý Phi là Tuỳ Dượng Đế, Đường Minh Hoàng là Quý Phi của Dượng Đế. Quý Phi đã hy sinh để bảo vệ Dượng Đế. Kiếp sau, Dượng Đế lại thành Dương Quý Phi. Khi chạy loạn An Lộc Sơn đến đèo Mã Ngôi, để cứu Đường Minh Hoàng, trước khi chết, Quý Phi hỏi thiền sư:
- Thế có kiếp sau không?
Thiền sư đáp:
- Có.
Dương Quý Phi cầu xin trời phật để kiếp sau lại được lấy Đường Minh Hoàng. Mối tình này còn sâu sắc hơn cả Rô-mê-ô và Juy-ly-ét. Ngày nay, du khách qua đèo Mã Ngôi, ai cũng bâng khuâng nhớ tới mối tình vạn thuở:
“Thiên hương quốc sắc đâu rồi
Chỉ còn thảm cỏ chân đồi Mã Ngôi
Nghiêng thành nghiêng nước đâu rồi
Ngàn năm mây trắng nghiêng trời vẫn bay”
* * * * *
Chỉ biết mượn thơ để giải sầu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bảo Ngọc Điệp

“Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà lại được yêu
Cho rất nhiều mà trả chẳng bao nhiêu”

Mang cái cân, cái thước hữu hạn của lý trí để đo cái vô hạn, cái huyền bí như vũ trụ của tình yêu thì quả là ngu ngơ của nhà thơ. Cái ngu ngơ thật đáng yêu. Yêu nhau là duyên nợ từ nhiều kiếp, trong cõi mơ hồ.

“Người yêu ta để trên cơi
Nắp vàng đậy lại để nơi giường thờ
Đêm qua ba bốn lần mơ
Chiêm bao thì thấy, dậy sờ lại không”

Ai mang cân thước để đo mơ. Tình yêu cũng như đường chân trời, nó gần ngay trước mắt mà ta càng đến càng xa, ta chỉ có thể tiệm cận tới tình yêu. Rồi còn “cho rất nhiều mà trả chẳng bao nhiêu”. Tình yêu là vừa cho vừa nhận, cho cái nhận, nhận cái cho. Cho và nhận là một thì làm sao tính được ít hay nhiều?

“Mấy khi nguyệt thực trong lòng
Mấy khi hai trái tim lồng đúng tâm
Mấy khi nhật thực toàn phần
Để mong thấy được tri âm lờ mờ”

Chỉ lờ mờ thấy được tri âm đã mãn nguyện. Tình vốn mơ hồ. Tình vượt ra sự tính toán số học “ít, nhiều” kiểu Xuân Diệu. Một vạn lạng vàng dễ kiếm, một người tri kỷ tri âm khó tìm:
“Dễ dàng đè bẹp anh hùng
Hồng nhan tri kỷ khó cùng tri âm”
Định nghĩa tình yêu của Hồ Zếnh mang cảnh giới sắc sắc không không của thiền:
“Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”
Tình yêu thật nằm ở chỗ nửa có nửa không, ở chỗ hình như. Tình sẽ tan biến khi cụ thể hữu hình:

“Yêu nhau giây phút hình như
Cho nhau những cái còn chưa của mình
Buồn sao hình chạm vào hình
Đôi bong bóng đụng hồn mình chợt tan”

Tình yêu cũng như đôi bờ của dòng sông:

“Đôi ta như thể đôi bờ
Gặp nhau sông chẳng bao giờ thành sông
Thôi đành muôn kiếp song song
Đôi ta trả lại dòng sông cho đời”

Khi ta yêu cái gì thì mặt đối lập của nó sẽ xuất hiện. Yêu nhau lắm cắn nhau đau. Tình yêu là vô ngã, yêu và ghét đều cùng một lý do. Ta yêu nhau về cái gì sẽ ghét nhau về cái đó:

“Yêu và ghét đều giống nhau
Lý do đừng hỏi trước sau làm gì
Chỗ đến là chỗ để đi
Lý do yêu ghét không gì khác nhau”

Người yêu chỉ là màn ảnh để ta phóng chiếu tâm trí của ta. Cho nên, yêu nhau cần có bốn người: hai người là thực, hai người là mơ. Người yêu là màn ảnh để phóng chiếu giấc mơ lên:

“Yêu nhau phải có bốn người
Hai người là thực, hai người là mơ
Ghét nhau phải có bốn người
Hai người là thực đang mơ ngược chiều”

Cho nên, mọi mối tình chỉ đẹp ở phút ban đầu, ở sự dang dở:

“Mới yêu nhìn đã tri âm
Lâu dần tiếng Việt nghe nhầm tiếng tây”

Vì ta chỉ yêu giấc mơ của chính mình. Con đường dẫn tới tình yêu là có thật. Cái đích của tình yêu là giả. Nhưng nếu không có cái đích giả thì cũng không có con đường thật. Khi đến cái đích giả, tình yêu sẽ tan biến và chuyển sang nghĩa:

“Không ngồi lâu quá một nơi
Sinh lòng luyến ái khi rời nhớ thương
Khi đã hiểu lẽ vô thường
Nhìn đâu cũng chỉ thấy đường mà thôi”

Nguyễn Bính là nhà thơ trực cảm chân lý dân giã. Nguyễn Bính là nhà thơ chân quê, của hương đồng gió nội, song có lúc xuất thần lại định nghĩa tình yêu tiệm cận với thiền.

“Nhân loại dù tiến bao xa
Hôn nhau vẫn cũ như là ngày xưa
Dù người làm được nắng mưa
Thì em vẫn mới ta chưa hiểu gì

HUYỀN THI
__________________
Chỉ biết mượn thơ để giải sầu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bảo Ngọc Điệp

Thiền dân gian bàn về tình yêu ( tiếp theo)

“Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Tình yêu là vô ngã. Yêu là giả, nhân duyên là thật. Vì yêu là nhân duyên, cho nên nằm ngoài ý muốn của ta. Yêu say đắm đến tương tư, Nguyễn Bính coi đó là bệnh. Thường thì người ta chỉ coi cao huyết áp, đau dạ dầy là bệnh, còn diễn biến trong tư tưởng thì cho là về đạo đức. Tình yêu đến tương tư, xét tới cùng là bệnh. Ngay cả mọi suy nghĩ sai lầm của chúng ta cũng là một bệnh. Có ai thù hằn gì với người cao huyết áp, đau dạ dầy? Nếu ta hiểu tương tư và mọi sai lầm là bệnh thì chắc chắn thế giới này mọi người đều đối xử với nhau sẽ chỉ có yêu thương.

“Khi biết mỗi sai lầm là đều là bệnh
Chắc lòng người sẽ lượng cả bao dung”

Có thể định nghĩa tình yêu ở góc độ phản ứng hóa sinh. Chuyện các quan bàn nhau định nghĩa về tình yêu. Người bảo yêu nhau về hình thức, kẻ bảo yêu nhau về nội dung. Riêng các hoạn quan không bàn gì. Họ là người thực nghiệm định nghĩa này hơn ai hết: tình yêu là một phản ứng hoá sinh.


Thiền định nghĩa tình yêu
“Phải vào mới thấy lối ra
Phải yêu mới biết đâu là không yêu
Tìm ai suốt cả bốn chiều
Rồi ra mới biết bốn chiều đều không”

Không ở đây không phải là không và có. Mà tình yêu không tự có. Tình yêu do nhân duyên đưa đến:

“Nhân duyên đến nhân duyên đi
Chúng mình ngoài cuộc hẹn gì với nhau
Lá trầu chẳng đợi quả cau
Tự nhiên tan hợp thành mầu nhân duyên”

Tình yêu không tự có. Tình yêu là kết quả của nhân duyên. Vậy, tình yêu cũng như vạn pháp đều vô ngã. Tự tánh của tình yêu là không: “Tìm ai suốt cả bốn chiều, rồi ra mới biết bốn chiều đều không”. Vậy nên, khi đã có duyên thì rồi sẽ gặp:

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng”

Đạo Phật hiểu và định nghĩa tình yêu theo chữ duyên, chữ phận. Nhân duyên là tự tánh của vạn pháp. Kinh kim cương viết: “Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định” – một miếng ăn, một hớp uống cũng do tiền định.

“Vẻ chi ăn uống sự thường
Cũng còn tiền định khá thương lọ là”

Còn dân gian hiểu chữ duyên mộc mạc:

“Còn duyên như tượng tô vàng
Hết duyên như tổ ong tàn ngày mưa
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”
Chỉ biết mượn thơ để giải sầu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bảo Ngọc Điệp

Thiền thời Lý Trần thường nghiêng về phần không mà ít thắm sắc. Thơ tình ái cũng nghiêng về lý mà kém tình. Chỉ đến sau này, thiền mới quân bình giữa tình dục và lý trí. Thơ Xuân Hương phần tình dục vô thức đã nổi lên thành ý thức. Xuân Hương là người treo bức tranh nude hiện đại đầu tiên của Việt Nam thời Phong kiến:

“Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông
Quân tử dùng dằng đi chẳng nỡ
Đi thì cũng dở, ở không xong”

Bức tranh nude càng đậm đà bản sắc dân tộc ở chỗ anh chàng “quân tử dùng dằng đi chẳng nỡ, đi thì cũng dở, ở không xong”. Còn người tây xem tranh nude họ bình tĩnh mở to mắt ra.
Bức tranh Thuý Kiều nude của Nguyễn Du vẫn còn mang tính ước lệ của sự giả dối Phong kiến:

“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Rày rày sẵn đúc một toà thiên nhiên”

Nhưng dù sao Nguyễn Du cũng là nhà thơ Việt Nam tả về tình yêu đã mang tính rạo rực của thân xác, gợi cảm của nude.

“Sóng tình dường đã siêu lòng
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”

Một trong yếu tố đầu tiên định nghĩa tình yêu, ta cần phải hiểu về tình dục. Nhà thơ Huyền Thi đã viết bốn câu thơ đủ nói lên sự uyên nguyên của dâm và tình:

“Khi mê tình chỉ là tình
Ngộ rồi mới biết trong tình có dâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ rồi mới biết trong dâm có tình”

Tình mà không dâm là hư vô:

“Chàng bảo yêu bởi tâm hồn
Em thay giới tính chàng con yêu không”

Dâm mà không tình là súc vật. Cho nên, ta hiểu tại sao Napoléon, vua Càn Long không thích ngủ với cung tần mỹ nữ mà thích vi hành du Giang Nam chơi gái lầu xanh, vì họ dâm có tình:

“Cung phi ngủ với con trời
Chứ đâu ngủ với cái tôi của mình
Càn Long rời bỏ cung đình
Để đi tìm những mối tình không vua”

Tình không vua nghĩa là dâm có tình.
Thời Phong kiến, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Mối tình thơ mộng – dâm có tình – thường nằm ngoài lễ giáo Phong kiến như Thuý Kiều, truyện “Dưới mái tây hiên”, “Liêu Trai Chí Dị”… Cho nên, những mối tình đẹp, dâm có tình thường chỉ ở chốn lầu xanh:

“Thuý Kiều, Từ Hải, Thúc Sinh
Cả ba đắc đạo mối tình thanh lâu”

Mối tình kỹ nữ là sự đòi hỏi nhân quyền, tự do yêu đương thoát khỏi lễ giáo Phong kiến. Một loạt những bài thơ đầy cảm xúc đê mê trong mối tình kỹ nữ thời 1930-1945 thật tuyệt vời. Đó là những bài thơ tình kỹ nữ của:
Xuân Diệu:

“Khách ngồi lại cùng em đây gối lả
Tay em đây mời khách ngả đầu sang
Đây rượu nồng và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử”

“Xao xác tiếng gà
Trăng ngà lạnh buốt
Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi
Du khách đi
Du khách đã đi rồi”

Thế Lữ:

“Thuyền khách đi rồi tôi vẫn cho
Lòng tôi theo lái lối phong mơ
Bâng khuâng trong cõi sầu vô hạn
Không khóc vì chưng mắt đã khô”

Vũ Hoàng Chương:

“Cắm thuyền sông lạ một đêm mơ
Trăng thượng tuần cao sáng ngập bờ
Đâu đó tầm dương sầu lắng đợi
Nghe hồn ly phụ khóc trên tơ”

Những mối tình kỹ nữ thời đó mang tính nhân văn, đòi hỏi giải phóng khỏi lễ giáo Khổng Tử:

“Khi mê tình chỉ là tình
Ngộ rồi mới biết trong tình có dâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ rồi mới biết trong dâm có tình”

Chỉ đúc kết bằng bốn câu thơ: dâm có tình và tình có dâm, nhà thơ Huyền Thi đã ngộ được tính sắc sắc không không của vạn pháp. Thiền là “gương soi gương không có hình ở giữa, trong suốt không không vẫn thấy sắc hình”. Dâm và tình cũng như sắc và không. Ngộ được dâm và tình là thiền định. Dâm có tình, tình có dâm, đó là chỗ cùng huyền tắc diệu của tình yêu. Bốn câu thơ này là một công án thiền về dâm và tình.
Nắm bàn tay người yêu là ta nắm vào cái vô hạn, cái vô thường. Không thể lấy cái hữu hạn để hiểu được cái vô hạn. Vũ trụ cũng không có hai cái vô hạn. Cho nên, ta không thể định nghĩa được tình yêu là gì. Khi đang yêu, hiển nhiên ta biết mình đang yêu, nhưng nếu ai hỏi ta yêu là gì, thì ta không thể hiểu được:

“Yêu là nhớ ít tưởng nhiều
Yêu là chẳng hiểu mình yêu cái gì
Yêu nhau đâu bởi hàng mi
Đắm say đâu phải chỉ vì đôi môi
Yêu là yêu
Biết thế thôi”

Hai đôi môi hữu hạn đang hôn nhau trong cái vô hạn, tưởng như là ta đã biết về nhau. Thật ra, ngay cả loài người đã từng hôn nhau hàng mấy triệu năm mà vẫn không hiểu nổi yêu là gì? Em là ai? Sau mấy triệu năm hôn nhau thì sự bí mật huyền vi của tình ái càng huyền ảo hơn. Khoa học tình ái là khoa học huyền bí bỏ đi cái huyền bí. Mọi người định nghĩa tình yêu chỉ là giải thích một điều khó hiểu bằng một điều khó hiểu hơn. Dù loài người có hôn nhau vài triệu năm nữa thì câu hỏi: em là ai? Cũng như câu hỏi linh hồn có hay không cũng là cuộc tranh luận bất phân thắng bại, như: “Dã tràng xe cát biển đông, như ta phân biệt có, không trên đời”.
“Nhân loại dù tiến bao xa
Hôn nhau vẫn cũ như là ngày xưa
Dù người làm được nắng mưa
Thì em vẫn mới, ta chưa hiểu gì”
Tình yêu là đạo. Không thể dựa theo nghe mà đi tìm đạo, không thể dựa theo thấy mà đi tìm đạo sẽ không đắc đạo. Tình yêu cũng vậy, không thể định nghĩa tình yêu bằng mầu sắc, bằng âm thanh, bằng khối lượng. Người cao 1,1m làm tình không kém người cao 1,8m. Vua ngủ với mỹ nữ không sướng gì hơn kẻ ăn mày ngủ với nhau nơi đầu đường só chợ:
“Vua ôm ấp bao cung tần mỹ nữ
Sướng hơn gì người cùng khổ ôm nhau”
Chỉ biết mượn thơ để giải sầu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bảo Ngọc Điệp

Những người sống độc thân là những người có một tình yêu say đắm nhất. Họ không yêu ai bằng chính yêu bản thân họ, và chỉ tương tư chính họ:
“Những người quyết chẳng lấy ai
Là người chỉ quyết một hai lấy mình
Tương tư trong mọi mối tình
Là tương tư chính bóng hình của ta”
Còn những người sống ly thân nơi trần thế đâu phải họ chán yêu. Vì quá yêu say đắm con người, để tôn trọng tình yêu ấy, họ phải ly thân để kính nhi viễn chi:
“Vì yêu tha thiết con người
Cho nên mới lánh về nơi không người
Quạnh hiu ngay giữa đất trời
Còn hơn hiu quạnh giữa người thân thương”
Đi tìm người yêu là con đường tìm về chính nội tâm mình. Yêu là mình yêu mình, cuộc hành trình vào bên trong của tâm linh:
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội
Cửu thập đèo cũng qua
Đã yêu chẳng quản gần xa”
Cuộc hành trình này hành giả nào cũng cô độc. Người hành giả lữ thứ đều thấy yêu là đến với đớn đau. Cuộc hành thiền khám phá bên trong đều cô đơn, đều phải tự hoá giải:
“Không ai mang bệnh giúp mình
Không ai hôn hộ người tình giúp ta
Không ai mua được ngây thơ
Chẳng ai bán được dại khờ cho ai”
Yêu là đạo, đạo ngây thơ. Chúng ta hãy đi vào ngôi đền tình ái như đứa trẻ thơ, mỗi bước đi là một bước đến, vì thân thể thường minh triết hơn lý trí. Khi thân thể tự đồng nhất với lý trí, ta sẽ ngộ được tình yêu, ngộ được trong dâm có tình, trong tình có dâm.
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo” cũng là công án thiền, như Tôn Ngộ Không cũng từng cô đơn trèo qua vạn núi, lội đến nghìn sông để tìm gì? Khi Tôn Ngộ Không hỏi người tiều phu chỗ ở của sư phụ, thì người tiều phu chỉ tới chỗ gọi là linh đài, phương thốn. Linh đài là huyệt đạo trên đỉnh đầu, phương thốn là huyệt đạo cách rốn 3cm. Linh đài, phương thốn là bản thân mình. Đi tìm đạo, đi tìm người yêu là tìm mình:
“Tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội
Cửu thập đèo cũng qua
Đã yêu chẳng quản gần xa”
Là cuộc hành thiền, cuộc phiêu lưu lữ thứ cô đơn tìm về nội tâm:
“Tôi là người bộ hành phiêu đãng
Đường trần gian xuôi ngược để mua vui”
Tình yêu cũng phải chịu nỗi khổ nhục như hành đạo. Hồn ma đi đầu thai kiếp khác phải mất 7*7=49 ngày. Hành đạo phải chịu 9*9=81 nạn. Tìm tình yêu cũng vượt qua phải đủ tam tứ núi, thất bát sông và cửu thập đèo:
“Bố cu lổm ngổm bò trên bụng
Thằng bé u ơ khóc dưới hông
Tất tả những là thu với vén
Vội vàng nào những bống cùng bông”
Sự mệt mỏi nào kém gì Tôn Ngộ Không bị lửa dục tam muội của Hồng Hài Nhi thiêu đốt. Cảnh yêu nhau tam tứ núi cũng trèo phảng phất hình tượng thái tử Tất Đạt Đa cô đơn cưỡi con ngựa Trắc Kiền bỏ ngôi vua tìm về nơi rừng hoang núi vắng để tìm ra chính mình, sự cùng huyền, tắc diệu của Tạo hoá. Cũng là hình ảnh của Rô-bin-sơn, I-li-át Ô-***-xê, Sin Bát trong “Nghìn lẻ một đêm” là cuộc hành thiền. Họ không khám phá ra cái bí mật của đại dương, mà họ đi tìm cội nguồn tình yêu của chính họ. Họ đi thật xa để thấy cái ngay trong họ:
“Kính đeo ngay trước mắt mình
Nhiều khi vẫn cứ đi tìm loay hoay
Cửa đời chìa khoá cầm tay
Mà sao vẫn cứ loay hoay đi tìm”
Đông-ky-sốt khật khưỡng, điên khùng đi tìm người đẹp. Mà người đẹp là ai, là nàng Đuyn-xi-nê ở xóm Tô-bô-dô. Cô ta là hàng xóm của Đông-ky-sốt. Sác-lơ đi tìm hạnh phúc, sau khi đi hết quả địa cầu, anh chàng si tình Sác-lơ cũng trở về lấy cô hàng xóm. Hạnh phúc ngay trước mắt: “cửa đời chìa khoá cầm tay, mà sao vẫn cứ loay hoay đi tìm”. Anh chàng quý tộc Nga trong truyện “Phục sinh” lẽo đẽo hành trình theo cô gái điếm Maslôva đến tận Si-bê rét âm dưới 400, cũng là một hành giả đi tìm chính bản thân. Mọi cuộc hành thiền vào nội tâm, thiền nhân đều cô đơn.
Tìm người yêu là hành giả tìm chính mình. Người yêu là tâm trí của chính mình. Cho nên, khi ta bỏ người vợ hoặc người yêu trước lấy người vợ sau thì bản thể người vợ sau cũng chỉ là người vợ trước, có khác chăng chỉ là ở cái tên. Vì người vợ trước và vợ sau đều là bản ngã của chính mình. Chê mẹ chồng trước đánh đau, lại gặp mẹ chồng sau mau đánh. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa:
“Trao nhau nhẫn cưới ước mong
Đeo vào bỗng hoá thành vòng kim cô
Lại mong lại ước lại chờ
Tháo ra rồi lại ước mơ đeo vào”
Chối bỏ người yêu, người vợ là chối bỏ chính bản thân mình. Ta là dương bản thì vợ là âm bản. Cũng như có người ngủ mê choàng tỉnh dậy, thấy tên cướp hung dữ trước mặt, anh ta hô hoán ầm lên. Mọi người xông tới cứu, hoá ra anh ta đang soi gương. Hình ảnh ta trong gương cũng chính là hình ảnh bản ngã của ta. Cho nên, người làm sao, của chiêm bao làm vậy. Thơ làm sao thì bồ của họ là vậy:
“Muốn so thơ dở thơ hay
So bồ của họ biết ngay thôi mà”
Cho nên, quan điểm coi người yêu là một nửa của ta. Tìm người yêu là tìm cái một nửa. Định nghĩa này không đúng. Đây không phải là cái bánh chia đôi, mà người yêu là một dòng chẩy tự nó vào chính nó để trở thành nó. Tình yêu là sự tự đồng nhất. Tình yêu không là một nửa mà tình yêu trong toàn thể.
“Phía trước người anh hùng vĩ đại
Đều có hình người đẹp phía sau
Phía trước những anh chàng đại bại
Đều có hình vợ dại phía sau”
Tình yêu như đạo. Đạo ngây thơ. Chúa dậy ta: “Hãy đi vào ngôi nhà của Chúa như đứa trẻ thơ”. Lão Tử dậy: “Vô vi để vạn pháp tự biến hoá”. Phật dậy: “Niết bàn cực lạc là vô ngã”.
Vô vi, vô ngôn là hãy đến với tình yêu một cách tự nhiên, như nhiên. Hãy vứt bỏ duy ý chí sang một bên để hưởng thụ toàn thể sự cực khoái của đồng nhất, của hiện hữu. Khi chưa có lời, thì mọi cách tỏ tình đều chân thật:
“Nghĩ về em, anh là nhà triết lý
Cảm về em, anh chỉ để làm thơ
Còn khi yêu, em vừa thực vừa mơ
Không triết lý, chẳng làm thơ mà hiện hữu”
Tất cả mọi mưu mô tính toán đều thua ngây thơ. Ngây thơ là vô tư, vô ngã, là thiền. Khi ta thiền, ta sẽ không hiểu thiền là gì, cũng như người cố ngây thơ chỉ là ngây thơ cụ. Người khôn quá sẽ không được lên xe hoa:
“Em đừng khôn quá em ơi
Không quá không chọn được người mình yêu”
“Chiến trường thích cựu chiến binh
ái tình thích kẻ chiến chinh lần đầu”
Tất cả mọi mưu mô chống lại thiên nhiên, ngược lại quy luật của Tạo hoá, tính toán duy ý chí thường sẽ thất bại:
“Cố tình trồng hoa, hoa không nở
Vô tình cắm liễu, liễu lên xanh”
Kant – nhà triết học Đức – trước khi lấy vợ đã nghiên cứu rất kỹ về vợ chưa cưới của mình. Nghiên cứu tất cả mọi sách vở để đúc kết triết lý: có nên lấy vợ hay không. Sau khi kết luậtn mình nên lấy vợ, thì lúc đó người yêu đã lấy chồng và có ba con rồi.
Tình không bất biến, tình yêu là vô thường. Hai người yêu nhau chân thật, thề sống với nhau đến thuở bạc đầu. Khi ghét, học cũng chân thật đòi bỏ nhau càng nhanh càng tốt:
“Đôi ta trên một con đò
Vạch thuyền đánh dấu ai ngờ sông trôi
Hẹn lời thề giữ lấy lời
Biết đâu lời của mỗi người là sông”
Không bao giờ loài người được dừng lại. Sống là sự đi tìm. Đạo là con đường dẫn ta đi. Dừng lại là chết. Cho nên, ta mãi mãi phải tìm tòi, khám phá trong tình yêu. Cũng như mãi mãi Tam Tạng phải trên đường thỉnh kinh:
“Đi mà không đến là Tây Trúc
Đến mà chẳng được, ấy Đào Nguyên”
Ta vừa là kẻ đi tìm, vừa là người được tìm. Đi tìm là vĩnh cửu:
“Tôi đi gõ cửa tìm sư
Quy y tam bảo thấy sư đang tìm”
Hết tìm tòi, hết khám phá là tình yêu chết trong phai tàn:
“Quanh năm trăng sáng trăng tròn
Thì rằm tháng tám đâu còn trung thu
Khi tình tuyệt đẹp như mơ
Thì tình yêu đến phút giờ biệt ly”
Phan Bội Châu hô hào: “Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân”, kẻ sỹ ba ngày gặp nhau phải nói cái mới. Thiền viết: “Nhất hồi niêm xuất, nhất hồi xuân”. Người Pháp có câu: “Touts beaux touts nouveaux”- tất cả cái mới đều là cái đẹp. Hạnh phúc tình ái là gì? Là ở chỗ sắc sắc không không. Là ở chỗ hình như, ở nơi dang dở, ở chỗ nửa có nửa không, ở chỗ lúc nào cũng đang là. Trung Quốc có công ty đi tìm mối tình đầu. Ai đó muốn biết cách đây vài chục năm, người yêu cũ của mình ra sao? Công ty đi tìm mói tình đầu sẽ cung cấp thông tin.
Thật ra, nên luôn luôn khám phá sáng tạo về nhau thì tình nào chả là tình đầu. Tình yêu thật không bao giờ cũ. Ta ngồi với người yêu lúc 7giờ khác lúc 8 giờ, 8 giờ khác lúc 9 giờ… Hay nói như thiền, khi ta yêu thì trong từng sát na đều mới. Tình yêu không mới không gọi là tình yêu.
“Tình nào cũng mối tình đầu
Không ai đến được nơi đâu hai lần
Không gì cũ như mùa xuân
Mỗi lần xuân đến vẫn lần đầu tiên”
Và sau mấy triệu năm thành loài người thì người yêu không bao giờ cũ cả:

“Nhân loại dù tiến bao xa
Hôn nhau vẫn cũ như là ngày xưa
Dù người làm được nắng mưa
Thì em vẫn mới ta chưa hiểu gì”

Tìm cái lạ trong cái quen là thiền, tìm cái lạ trong cái lạ là kẻ điên Trâu Quỳ. Học đạo hay học yêu như học thiền. Đầu tiên thấy núi là núi, sông là sông. Sau đó, thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Cuối cùng, lại thấy núi là núi, sông là sông.
Khám phá, tìm tòi cái mới trong tình yêu vĩnh cửu là ngộ lẽ vô thường. Quy luật của khám phá cái mới là:

“Những cái nghĩ mãi mới ra
Đều là những cái người ta nghĩ rồi
Những cái nghĩ mãi trên đời
Khi ta nghĩ lại khác người nghĩ ra”

Sáng tạo, khám phá về tình yêu là làm cũ cái mới và làm mới cái cũ. Đấy cũng là học thiền, là ngộ lẽ vô thường, vô ngã. Phải luôn đổi mới tình yêu, nếu không sẽ thành chán, vì:

“Sống một ngày đất lạ thành quen
Sống một đời người quen thành lạ”

Có nhiều cặp vợ chồng già ngạc nhiên nghĩ: không hiểu vì sao ngày xưa họ lại yêu nhau? Yêu nhau là thật, lấy nhau thì tình yêu thành giả và trở thành đạo vợ chồng. Yêu là thật, lấy nhau thành yêu giả, nhưng nếu không có giả thì không có thật:

“Trượt chân mà té xuống bùn
Chiếc quần tụt xuống anh hôn chỗ nào
Hôn em ở chỗ má đào
Để dành chỗ ấy cắm sào dừng chân”

“Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Tình mất vui nhưng đạo vợ chồng lại siêu việt lên:

“Đàn ông như thể cánh diều
Đàn bà cầm sợi tơ điều trong tay
Đừng già néo, kẻo đứt dây
Thả chùng xuống để diều bay đúng tầm”

Hoa Đà kê đơn cho vợ cả Tào Tháo: đàn ông thích trăng hoa, đàn bà cả ghen. Nếu Tào Tháo tiết dục, vợ bớt ghen, bệnh sẽ tự khỏi. Vợ chồng phải biết chín bỏ làm mười. Chồng giận thì vợ làm lành, tay chào miệng hỏi rằng anh giận gì. Thời báo Nữu ước tổ chức cuộc thi: thế nào là người chồng dẹp nhất. Câu trả lời trúng giải: “Người chồng đẹp nhất là người chồng chết ngay sau giây tân hôn”. Vì tuyệt đối không có tuyệt đối gọi là tuyệt đối. Chồng bát phải có lúc xô:

“Muốn cho chồng bát khỏi xô
Thì đem chôn xuống đáy mồ dưới sông
Người chồng đẹp nhất trong lòng
Đã chết ngay phút động phòng tân hôn”

Có chuyện ông thầy bói ngồi sau cửa phòng đăng ký kết hôn. Đôi nào nhờ thầy bói, thầy chỉ trả lời một câu: “Muộn rồi!”. Cưới nhau là kết thúc tình yêu, là muộn của tình ái, mà là bắt đầu của đạo, đạo vợ chồng. Có chuyện anh chồng khoe với mọi người lần đầu tiên anh ta đi với vợ quãng đường dài mà không cãi nhau. Đó là lần anh ta đi đưa đám vợ.
Vậy, vợ chồng suy nghĩ gì về nhau? Thiền bàn gì về đạo vợ chồng?

“Vợ là thánh chỉ vua ban
Có sao dùng vậy không bàn đúng sai
Quỷ thần chứng cả hai vai
Vợ là thiên tạo trần ai miễn bàn”

Theo thiền, trong đạo vợ chồng thì chúng ta không thoát ra bên ngoài sự vật để chứng ngộ sự vật. Đối với mâu thuẫn gia đình, thiền nhân không thoát tục rồi ngồi kiết già trên đỉnh núi cao nhìn mọi người oanh kích vào nhau tự cho là ta cao đạo. Siêu thoát tuyệt đối là chấp nhân hiện hữu một cách toàn thể. Coi vợ là một hiện hữu, ta chấp nhận và cộng sinh. Kẻ nào đòi thay đổi hoàn toàn vợ mình là kẻ điên:

“Chối bỏ cách sống một người
Là mình chối bỏ cái trời sinh ra
Chối bỏ cách nghĩ người ta
Là mình tự cắt thịt da của mình”
Chỉ biết mượn thơ để giải sầu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bảo Ngọc Điệp

Trong tình ái, người Hinđu chia làm bốn giai đoạn:

- Từ 1 – 25 tuổi: tích luỹ trí thức trường học.
- Từ 25 - 50 tuổi: xây dựng gia đình.
- Từ 50 – 60 tuổi: như hoa sen, thân nằm trong gia đình nhưng hoa nở giữa thinh không.
- Từ 60 tuổi trở lên: phiêu diêu thoát tục.
Còn theo người Anh thì vợ chồng:

“Hãy yêu nhau như ta yêu thời tiết
Ngắm trời xanh và biết tránh mưa giông
Hãy cãi nhau như bàn về thời tiết
Tình cảm ngược chiều mà vẫn thấy như không”

Người Anh có kiểu phớt ăng lê, kiểu thiền độc đáo là: ai duy ý chí gay gắt tranh luận về chính trị, về khẩu vị, thì người Anh vô vi, người Anh thiền bằng cách chuyển sang bàn về thời tiết. Yêu nhau như thời tiết là yêu nhau theo phong cách thiền kiểu Anh. Vì người Anh ngộ sự duy ý chí dẫn đến hiểu nhầm nhau vô lối. Món ăn này ta thích không có nghĩa là hợp khẩu vị với người khác. Đối với ta là thế này thì người khác là thế kia:

“Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến, người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang”

Đừng nghĩ, đừng cảm, chỉ hiện hữu và bỗng nhiên bạn không có đó và thế giới này không có đó. Cái một brahman được lộ ra. Bạn và thế giới cả hai đã trở thành một. Như người lái đò sẽ không có sang, không có về. Cái đó là vô hạn và đó là chân lý. Chúng ta phải tự bằng lòng với cái ta đang có. Phải yêu những cái ta có, đừng có những cái ta không yêu. Tất cả vạn pháp do tâm sinh, vạn pháp bất sinh bất diệt:

“Đừng chê canh nhạt của tôi
Vì anh ăn mặn lâu rồi thành quen
Em đen đâu bởi em đen
Em đen là bởi cái đèn bật lên”
Chỉ biết mượn thơ để giải sầu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bảo Ngọc Điệp

Đạo bồ bịch

Vợ là cửa cái
Bạn gái là cửa sổ
Càng nhiều cửa sổ càng sang
Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra
Vợ là cửa cái nhà ta
Lại là cửa sổ thằng cha láng giềng
****
Thà bị mọc chín cái sừng
Còn hơn bồ báo tin mừng sinh ba
*****
Vợ là cơm nguội nhà ta
Lại là phở tái thằng cha láng giềng
*****
Mọi việc trên đời đều nhỏ
Vợ nhỏ là lớn nhất đời

Chuyện bồ bịch vốn cổ như trái đất. Bồ bịch cũng có đạo bồ bịch. Ăn trộm cũng có đạo chích. Các cụ xưa lấy thú vui hát ả đào, ca trù làm thư giãn. Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê:

“Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
Có khi tầng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”

Nguyễn Công Trứ cũng khoái hoạt tuyên bố: “thú hành lạc chơi bao nhiêu là lãi đấy”. Và Nguyễn Công Trứ sững sờ khi nghe cô bồ cũ nhắc khéo:

“Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ chăng”

Rượu, chè, cờ bạc, gái trai là hiện tượng của cuộc sống. Nó không hề có hại. Có hại chăng nữa là người không biết sử dụng nó đúng mục đích. Cũng như con dao có thể dùng để thái thịt hoặc giết nguời.
Các cụ nhà nho cặp bồ với các ả đào rất thanh tịnh vô vi. Và đạo bồ bịch của các vị cũng cao đạo như các vị liền anh liền chị hát giao duyên với nhau. Cao đạo là phải giữ cho hậu phương thật mạnh: vợ cái con cột các cụ trụ thật chắc. Còn những giây phút lãng đãng mây chiều, hồn bướm mơ tiên chỉ động viên cho các cụ yêu quý hơn vợ cái con cột tại gia và tăng trí phấn đấu trong cuộc đời.
Nói tưởng đùa. Có một ông bạn già hỏi tôi nên cặp bồ hay không? Tôi chỉ đành vô ngôn. Sau đó, tôi tặng ông ta một bài thơ:

Cặp bồ

Rửa tay gác kiếm gặp ma
Đem cả áo giấy, cà sa mặc vào
Tóc bạc lại gặp má đào
Hoàng bào, áo giấy mặc vào cà sa

Ông bạn già yêu cầu giải thích. Tôi bảo thơ phải tự ngộ, vì theo Đào Tiềm: “thậm giải bất thành thi”. Sau đó, ông cố nèo, tôi phải diễn nôm: ông đã già, mắt mờ, chân chậm cần phải cảnh giác giữ gìn. Người ta còn tinh mắt thì đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Tôi khuyên ông nên mặc cả hai thứ vì sợ ông kém mắt lẫn lộn giữa bụt và quỷ. Còn đạo bồ bịch thì yêu cầu ông phải có ba thứ áo: áo hoàng bào, nghĩa là có nhiều tiền như vua; áo giấy, nghĩa là ông phải nhiều mưu; áo cà sa, nghĩa là ông phải có đức độ như Phật, mang lại hạnh phúc cho cả vợ lẫn bồ. Về mặt đạo đức và mưu thì ông cũng ngộ nhận là có. Còn khoản tiền thì ông hiểu ngay là không. Giải thích xong thơ tôi tặng ông, ông hoát ngộ và hứa từ nay xin dứt tuyệt chuyện bồ bịch vì không có hoàng bào – tiền:

“Ai cũng thấy tiền mình còn thiếu
Mấy ai người thấy thiếu lương tâm”

Chuyện thứ hai, hiện ở đường Láng Hoà Lạc nghe đâu có một câu lạc bộ của các cụ “trẻ không chơi, già hư đốn” là những người xưa sống quá đức độ, từ chỗ cực hữu chuyển sang cực tả, nay mỗi ông đều có một cô vợ lẽ. Nhìn những ông thất thập cổ lai hy đang đeo kính quấy bột, chống gậy giặt tã sẽ ngộ ra được lẽ huyền vi của Tạo hoá. Con người phải sống quân bình, điên cực tả sẽ trở thành điên cực hữu. Cần phải sống một vừa hai phải, phải sống trung dung. Đặc biệt, không thể diệt dục, chỉ có quân bình dục:

“Ái tình nếu uống đủ liều
Loài người sẽ thoát được điều tà dâm
Ai ai cũng sống khoả thân
Mặc quần sẽ lại khiêu dâm mọi người”
Chỉ biết mượn thơ để giải sầu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (12 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối