Trang trong tổng số 3 trang (22 bài viết)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tố Tâm

Tôi Yêu Em (PusKin)
  Puskin là nhà thơ vĩ đại của nước Nga và thế giới . Điều này chúng ta ai cũng biết rõ. Và  tôi không phải là một người yêu thơ theo đúng nghĩa của nó là yêu một cách nồng nàn hay yêu những giọng thơ hay, tôi chỉ là một độc giả biết đọc, cảm nhận , và rung động trước những mối tình đẹp mà nhà thơ đã khắc họa trên bức tranh tình muôn màu sắc mà thôi. Theo tôi THƠ TÌNH là một thế giới dễ đi vào lòng người nhất , nhưng để hiểu sâu sắc về nó thì không phải ai cũng làm được.
 “ Tôi yêu em” có ai nghĩ rằng đó là tên một bài thơ không? Giống như một lời tỏ tình ẩn chứa sau đó bao điều muốn nói, cũng giống như việc giãi bày một sự thật, hay một sự khẳng định chắc chắn từ nhân vật tôi, nhân vật đó chính là Puskin nhà thơ của thời đại. Puskin kết hôn muộn, có một người vợ trẻ đẹp nhất Maxcova lúc bấy giờ, đó là Natalya.  Có lẽ là một thi sĩ tài năng, tên tuổi cùng với sự hào hoa của ông đã lôi cuốn được người đẹp và họ đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Là chàng trai, là thi sĩ đa tình, yêu nhiều và thất bại nhiều, có lẽ Puskin là người biết trân trọng hạnh phúc hơn bao giờ hết. và bên cạnh đó những người phụ nữ biết yêu và biết làm vợ thường không bao giờ ghen với quá khứ hào hoa của chồng. Những trang viết của Puskin khi có gia đình càng trở nên mặn mà, nồng cháy. Giá như không có người thứ 3 bước vào gia đình ông, và cuộc đấu súng định mệnh đã xảy ra. Puskin đã thất bại trước một tay súng lão luyện như Đantex.  Khi vợ ông đưa về nhà ông đã mất quá nhiều máu và qua đời với một lời nhắn nhủ với vợ thật cảm động: “Em không phải nói gì cả, em không có lỗi, sau khi anh qua đời, em hãy đưa anh về quê…rồi hãy tìm một người xứng đáng với em”. Đó là câu chuyện mà tôi chợt nghe kể cách đây khá lâu khi giọng nữ trầm ấm đọc giữa đêm khuya trên sóng radio. Đó quả là một tình yêu đẹp của ông dành cho người vợ yêu quý của mình. Khi nghe đọc về cái chết và chuyện tình của ông tôi chợt nhớ ra bài thơ mình được học năm lớp 11 “ tôi yêu em” tôi lại càng cảm sâu sắc hơn về tình yêu mà ông miêu tả, một tình yêu bất diệt và tuyệt đẹp. tình yêu không phải là sự ích kỷ nhỏ nhen mà nó là cả bầu trời, cả mặt biển mênh mông . Bên ạnh tình yêu thắm thiết dành cho vợ, ông còn nhiều tình yêu khác nó cũng bao la như mặt biển mênh mông vậy. đó là tình yêu trong bài “ tôi yêu em”, tình yêu ông dành cho một người tình.
 Bài thơ “Tôi yêu em” là một trong những bài thơ tình đặc sắc của Puskin. Là người “ca sĩ tự do”, Puskin đã hát lên những ca khúc tình yêu tuyệt đẹp “ca sĩ vĩ đại của tình yêu”. Đọc thơ Puskin ta cảm nhận được một tâm hồn Nga, phong cách Nga, hồn thơ Nga sôi nổi ngọt ngào đằm thắm.
 Nói về tình yêu đã có bao nhiêu giấy mực để thể hiện những trạng thái và cung bậc tế vi của nó. Chừng nào con người còn sống trên trái đất thì chừng đó tình yêu còn tồn tại. Thiếu tình yêu cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết bao dẫu tình yêu có đầy đủ vị ngọt ngào và đắng cay của nó.
 Một người đẹp có tên là Olenia đã bước vào cuộc đời của Puskin và nàng thơ. Mở đầu bài thơ là một tâm sự bộc bạch chân thành:
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
 Tôi ở đây là ai? Có thể là tác giả? Có thể là một người nào đó? Mà cũng có thể là chính bạn, là tiếng lòng của bạn mà Puskin chỉ là người thư ký trung thành của trái tim. “Tôi yêu em” là lời thổ lộ chân thành từ đáy sâu tấm lòng trung thực. Nhưng buồn thay càng yêu em da diết bao nhiêu càng phải đau khổ bấy nhiêu vì phải dập tắt ngọn lửa lòng say đắm đó đi. Vì đó là tình yêu đơn phương, tình yêu từ một phía, đó là phía anh.
 Nhưng yêu em, anh đã yêu cuồng nhiệt mất rồi. Nó không phải là đam mê nông nổi nhất thời. Nó đâu tàn lụi một sớm, một chiều trong anh…vô vọng đấy mà sao tha thiết quá! Tình yêu của anh dành cho em là tình yêu số một, tình yêu duy nhất, tình yêu vĩnh cửu. Nhưng đau khổ thế mà không thể trút đau khổ cho em, càng không muốn em phải phiền lòng. Cái quan trọng không phải là tình yêu đơn phương của tôi, nỗi say đắm và vô vọng của tôi, mà là nỗi u hoài của em mới cần được giải thoát . Dẫu có đau đớn bao nhiêu khi phải chấm dứt mối tình cô đơn, lạc lõng này tôi cũng không muốn gây phiền toái cho em. Một bên là tình yêu cần được đền đáp (ai khi yêu cũng đòi hỏi nhưng lại không phải là sự ép buộc), và một bên là sự yên tĩnh, thanh thản của tâm hồn em. Cả 2 con đường ấy tôi chỉ được chọn 1 và cả hai đều đau khổ như nhau. Sự sung đột lý trí buộc phải dập tắt ngọn lửa tình cảm thật khiến người ta như cảm thấy muốn đập phá một cái gì đó khi đứng trước một ước mơ không thể thành hiện thực.
Tôi yêu em âm thầm không hi vọng
Lúc dụt dè khi hậm hực lòng ghen
 Hình như chúng ta đã bắt gặp con người đó ở đâu thì phải? Vâng! Người con trai ấy yêu…và rất yêu nhưng chỉ dám đứng trông cuối con đường ngóng đợi mà không dám đi bên, Chỉ dám ghen thầm khi thấy em cười vui cùng người khác mà không dám trách móc, chỉ dám tỏ những lời rụt rè, run rẩy mà không dám yêu cầu. Em đấy, gần mà xa xôi như một ảo ảnh mà tôi không bao giờ nắm được. Điệp từ “Tôi yêu em” càng xoáy sâu vào bi kịch tuyệt vọng của nhân vật tôi, giữa cái có và cái không có…cái mơ uớc và cái không thể biến thành sự thật. Yêu và ghen – điều tự nhiên của tình yêu cũng là điều đau khổ. Bởi càng đơn phương lại càng ghen. Chính cái ý thức giàng buộc giữa hai con người, ý thức sở hữu trái tim vì đã yêu là mong muốn sở hữu khiến tình yêu thêm vị đắng cay của nó. Nhưng không chiếm được trái tim em, tôi sẽ làm gì đây? Sẽ trả thù em chăng? Không, con người đau khổ tột cùng ấy lại cao thượng vô cùng.
Tôi yêu em chân thành đằm thắm
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.
Đọc câu thơ giản dị này ta liên tưởng tới 3 mức độ:
-Mức độ 1: Tôi rất yêu em, nhưng thôi…em đâu cần tôi, em hãy yêu người khác .
- Mức độ 2: Tôi rất yêu em nhưng cũng đành cầu chúc cho em có một người yêu tuyệt vời .
- Mức độ 3: Tôi yêu em…cầu chúc cho em có một người yêu tuyệt vời như tôi đã từng yêu em (một sự khẳng định tình yêu, một sự cao thượng)
 Em sẽ vẫn sẽ đi tìm nửa kia, đi tìm cái người yêu mà em cho là hoàn hảo, và em cho là yêu họ. Nhưng em đâu biết em đã có một người yêu em như thế, em đã bỏ tất cả khi nhận một lời chúc ở chặng đường chông gai phía trước. Hạnh phúc trong tay mà ta không biết trân trọng, khi mất đi rồi mới thật sự hối tiếc…lâu nay trò đời vẫn thế. Tôi yêu em, em lại theo đuổi một ai đó, đuổi bắt nhau mãi, nhưng không ai có lỗi cả, chỉ tại nữ thần tình yêu mà thôi. Người ta suốt đời đi tìm hạnh phúc nhưng biết đâu đã tự đánh mất hạnh phúc của mình. Và có khi cuối cuộc hành trình tìm kiếm vẫn trắng tay.
 Một tình yêu đơn phương nhưng không tầm thường, không tàn lụi, tình yêu là thế đấy. Nó có thể gắn kết hai con người hoàn toàn xa lạ đến với nhau nhưng nó có thể đẩy hai người xa nhau mãi mãi. Làm sao lý giải được trái tim, làm sao đòi hỏi được cái gì không thể có! Điều quan trọng là chia tay em, tôi vẫn thành thực cầu cho em được hạnh phúc, cái cao thượng hơn người chính là ở chỗ đó.
 Tình yêu cần sự cảm thông, cần sự sưởi ấm; không chỉ đòi hỏi mà cần cả đức hi sinh và lòng nhân hậu nữa, như vậy mới bền chặt. Puskin đã từng viết trong một bài thơ khác:

Trẻ trung hồn lại đẹp xinh
Mai em được biết bao tình yêu mến    (Hết rồi tình tan vỡ)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nguyendinhthao1957

bai nay la 1 baui tho tinh rat hay, phan anh day du cung bac cua tinh yeu
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

@nguyendinhthao1957: Hãy post bài lên Thi viện bằng Tiếng Việt có dấu đi bạn ạ. Đó là quy định.
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

”Я вас любил “- “Tôi yêu em”, bài thơ không hình ảnh



"Tôi yêu Em" của Puskin chắc chắn là một trong những bài thơ dịch nổi tiếng nhất ở nước ta nói chung và của dịch giả Thuý Toàn nói riêng. Bản thân người viết những dòng này cũng thuộc lòng bài thơ từ tuổi học trò.

http://i836.photobucket.com/albums/zz289/mit55/pus1ChndungthacaPuskin.jpg

Chân dung tự họa của Puskin.



Tuy nhiên, vì "Tôi yêu Em" không chỉ tồn tại trong sổ tay các bạn trẻ đang tuổi yêu đương mà còn được dạy trong trường phổ thông, tôi muốn góp ý với dịch giả về một vài chỗ chưa chính xác và nhất là một số khía cạnh độc đáo của nó mà có lẽ do thiếu thông tin nên ông đã bỏ qua.

Nguyên bản tiếng Nga của bài thơ như sau:

Я вас любил
Александр Сергеевич Пушкин

Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.
Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам Бог любимой быть другим.


Dịch nghĩa:

Tôi yêu Em: tình yêu, có lẽ,
Trong lòng tôi vẫn chưa tắt hẳn;
Nhưng thôi, chớ để nó quấy rầy Em thêm nữa.
Tôi không muốn làm em buồn vì bất cứ điều gì.
Tôi yêu Em lặng thầm, vô vọng,
Bị giày vò khi vì rụt rè, khi bởi ghen tuông.
Tôi yêu em chân thành đến mức, dịu dàng đến mức,
Lạy Trời mà Em mà được ai khác yêu như vậy.


Còn đây là bản dịch của Thúy Toàn:

TÔI YÊU EM
Alexander Sergeyevich Pushkin

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em


1. Một nhược điểm dễ nhận thấy trong câu đầu tiên của bản tiếng Việt là cụm từ "chừng có thể" không được Việt lắm, vì thế nó không trung thành với ngôn từ trong sáng của nguyên bản. Theo tôi, tốt nhất là ta cứ dịch một cách giản dị, sát nghĩa thành:

Tôi yêu em: tình yêu, có lẽ,

Tuy nhiên, đó chỉ là tiểu tiết. Quan trọng hơn là Thúy Toàn đã thay lối biểu đạt ngập ngừng đầy kịch tính của Puskin bằng một câu văn trôi chảy. Nhưng ngay cả điều này có lẽ cũng có thể chấp nhận được trong chừng mực nào đó nếu như nó không liên quan đến những đặc điểm quan trọng hơn mà tôi sẽ bàn dưới đây.

2. Một nét độc đáo của bài thơ nằm ở chỗ nó hoàn toàn  không hề có một hình ảnh nào. "Ngọn lửa tình" là hình ảnh Thúy Toàn thêm vào, có lẽ do gợi ý của động từ "tắt" (угасла). Nhưng từ "tắt" ở đây chỉ đơn thuần có ý nghĩa là chấm dứt hẳn, kết thúc hoàn toàn, như khi ta nói "ngày đã tắt", "chiến tranh đã tắt hẳn" hay "hy vọng cuối cùng đã tắt". Chính nét độc đáo này đã gây nên những cuộc tranh cãi thú vị giữa những người theo quan điểm truyền thống (cho rằng "thơ là tư duy bằng hình tượng", rằng một bài thơ hay phải có hình ảnh độc đáo), với những nhà Hình thức chủ nghĩa (chủ trương "Nghệ thuật như là thủ pháp" - tên tiểu luận có tính cách mạng của Shklovsky đã được dịch ra tiếng Việt).

3. Một nét độc đáo khác của bài thơ là  sự "nghèo nàn" về ngôn ngữ. Và điều này cũng lại trái ngược với quan niệm truyền thống cho rằng một bài thơ hay phải có ngôn từ phong phú, trau chuốt, hay độc đáo. Ngoài từ duy nhất ít mang nghĩa ít nhiều bóng bẩy là từ "tắt" chỉ sự kết thúc hoàn toàn đã nói ở trên, tất cả các từ trong bài đều được dùng với nghĩa trực tiếp, giản dị nhất. Roman Jakobson, trong bài  Thơ của Ngữ pháp và Ngữ pháp của Thơ [1], chỉ ra rằng bài thơ chỉ có 47 từ nhưng có tới 14 đại từ, 10 động từ, và chỉ có 5 danh từ, đều là danh từ trừu tượng. Cái hay của bài thơ, vì thế, chủ yếu nằm ở các thủ pháp ngữ pháp đặc biệt, trong đó có cách ngắt câu ngập ngừng tôi đã nói ở trên.

4. Nhưng thủ pháp ngữ pháp đặc biệt nhất và hiệu quả nhất là ở hai câu cuối cùng, cũng là hai câu Thúy Toàn đã hiểu sai ý tác giả. Mặc dù "дай вам Бог" ở mệnh lệnh thức, nó thật ra không có ý nghĩa mệnh lệnh thức hay cầu khẩn. Puskin sử dụng nó làm vế thứ hai của một cấu trúc so sánh "так...как..." Nghĩa thực của câu cuối cùng không phải là một thái độ cao thượng: "Cầu em được người tình như tôi đã yêu em" như trong bản dịch của Thúy Toàn, mà là "Có lạy Trời em [mới lại] được ai khác yêu chân thành, nâng niu đến thế". Lối nói này cũng tương tự khi người Việt nói: "Có trời mà biết được!" để nói rằng "Chẳng ai biết được đâu!"[2].
Tóm lại, Puskin muốn nói: "Tôi là người yêu Em nhất", hoặc "Chẳng bao giờ có ai yêu Em được như tôi nữa đâu!"

5. Một khó khăn khi dịch bài thơ là làm thế nào để chuyển tải ý nghĩa của lối dùng kính ngữ (вас) sang tiếng Việt. Tôi cho rằng Thúy Toàn đã đúng khi cho tác giả xưng "Tôi" chứ không phải là "anh". Tuy nhiên, với từ "em", tôi đề nghị dùng cách viết hoa. Đây chính là cách dùng kính ngữ của của người Italia: khi "lei" viết thường, nó được hiểu là ngôi thứ ba giống cái số ít (cô ta, bà ta...), còn khi viết hoa, "Lei", nó được hiểu là ngôi thứ hai, tương tự như "BAC" trong tiếng Nga. (Trong bản dịch nghĩa ở trên tôi đã dùng cách viết hoa này).

6. Cuối cùng, viết những dòng này, với tư cách độc giả, tôi muốn tỏ lòng biết ơn đến dịch giả Thuý Toàn, người đã cho tôi biết Puskin trước khi tôi biết tiếng Nga. Bất kỳ bản dịch nào cũng cần phải sửa chữa nhiều lần. Tôi không có ý định đưa ra bản dịch của mình, vì Thúy Toàn xứng đáng là người tự chỉnh trang lại bản dịch. Vả lại, tôi nghĩ, giả sử có định dịch lại, chắc tôi cũng sẽ phải ghi tên Thúy Toàn là đồng dịch giả. Bản dịch của ông từ lâu đã là một phần ký ức trong tôi.

N.T.L
(BT chép lại từ sổ tay một người bạn yêu thơ Nga)
--------------------------------------------------------------------
[1] Roman Jakobson. "Poetry of Grammar and Grammar of Poetry. in Language in Literature". Cambridge: Harvard UP, 1987. p. 125.
[2] Xem thêm: Roman Jakobson. "Poetry of Grammar and Grammar of Poetry. in Language in Literature". đã dẫn.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Bài này em cũng từng đã đưa lên Thi Viện, lâu rồi, và cũng đã có bài phản biện đấy. Về nhiều điểm em ko đồng ý với anh Ngô Tự Lập. Để em tìm lại bài rồi sẽ post lên lại đây nhé,.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoài Thư

Em rất thích bài thơ này từ hồi còn học phổ thông. Em đồng ý với anh Ngô Tự Lập ở chỗ nếu để nguyên gốc dòng cuối cùng của bài là "Có lạy Trời em [mới lại] được ai khác yêu chân thành, nâng niu đến thế", nó là sự khẳng định "Trên đời này không ai yêu em hơn tôi" thay vì thái độ cao thượng (dối lòng) là ""Cầu em được người tình như tôi đã yêu em"...
Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

@Hoài Thư: Điểm này vẫn là điểm đang tranh cãi chứ cũng chưa khẳng định được, mình nghĩ vậy. Về câu chữ phân tích thì anh Lập theo mình có chỗ cũng chưa chính xác lắm, theo ngữ pháp tiếng Nga.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

A.N.

- Tôi nghĩ  Ngô Tự Lập nên rút lại bài bình về bản dịch của Thuý Toàn vì những hiểu biết hời hợt của N.T.L. với thơ ca nói chung và đặc biệt là thơ Nga. Khi đưa ra nhận xét của mình N.T.L. đã quá chủ quan và tôi nghĩ cái đó đã xúc phạm đến dịch giả Thuý Toàn- Cây đại thụ lớn nhất trong trường dich văn học Nga. Thân ái T.N.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Dưới đây là trao đổi riêng của bác A.N với ĐN qua thông điệp của Thi Viện, ĐN cũng đồng tình với những điều bác A.N phân tích nên đã xin phép bác A.N để đăng trao đổi riêng này lên đây.

Trong những phân tích của Ngô Tự Lập (N.T.L) về bản dịch của Thuý Toàn có vài điều tôi muốn nói. Trước hết chúng ta hãy so sánh hai câu:"Tôi yêu em đến nay chừng có thể" và "Tôi yêu em ,tình yêu có lẽ". Chú ý là động từ yêu của Puskin ở thời quá khứ mà thời điểm diễn đạt là hiện tại vậy cái câu của N.T.L rõ ràng là không ổn vì nó không có chiều sâu của thời gian.  N.T.L  còn cho là nó không được Việt nam lắm nhưng xin hỏi tai sao nó lại phải Việt nam lắm mới được trong khi xuất xứ của nó là từ nước ngoài và lại thuộc dòng dõi quý tộc vốn rất xa lạ với Việt nam. Về một khía cạnh khác chính cái "Chừng có thể ấy"đã diễn đạt được cái do dự,băn khoăn mà  N.T.L  đề cập tới phần sau. Mặt khác,cái"Tình yêu,có lẽ" ấy nó hơi nhạt nhẽo,không xứng đáng với Puskin.
- Người ta không nói:'Ngày tắt"-"chiến tranh tắt"-"hy vọng tắt" mà là "Ngày đã kết thúc"-"chiến tranh đã chấm dứt"-"đã mất hết hy vọng". Việc chuyển hoá động từ "Tắt" từ tiếng Nga thành "Ngọn lửa tình...tàn phai" theo tôi hoàn toàn có thể chấp nhận.
-  N.T.L  đã quá chủ quan khi cho là Thuý Toàn hiểu sai câu cuối của bài thơ. Đó là một câu cầu chúc và theo tôi đó là câu thơ sáng giá nhất vì nó là linh hồn của bài thơ qua đó Puskin mới là Puskin chư không phải  N.T.L .
- Điều duy nhất tôi đòng ý với N.T.L là chữ "Em".
Tôi cũng đã sống và làm việc ở nước Nga 24 năm.Tôi thấy Thuý Toàn hiểu rất sâu và dịch rất thành công văn học Nga. Ông rất xứng đáng với phần thưởng cao quý mà nhà nước Nga vừa trao tặng. Tôi muốn qua diễn đàn "Thi viện" bầy tỏ lòng biết ơn những cống hiến của ông trong văn học nghệ thuật.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Tôi thấy rằng bản dịch của Thuý Toàn là tuyệt đối chính xác và không thể thay đổi từng câu, từng chữ, thậm chí đảm bảo cả nhịp điệu và âm thanh của bài thơ. Kể cả hình ảnh "ngọn lửa tình" và cấu trúc ngữ pháp của câu cuối cùng cũng hoàn toàn chính xác, không cần bàn cãi.

Theo tôi, kể cả chữ em cũng không cần viết hoa vì tiếng Việt không có thói quen đó. Để tỏ ý tôn trọng, tiếng Việt sử dụng ngữ cảnh và ngữ điệu nói, mà điều này thì hiển nhiên là bản dịch của Thuý Toàn đã quá đảm bảo.

Thậm chí, tôi có cảm giác chủ quan rằng, bản dịch tiếng Việt này là bản dịch hay nhất bài thơ của Pushkin ra mọi loại ngôn ngữ.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 3 trang (22 bài viết)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối