Trang trong tổng số 2 trang (20 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]

Ảnh đại diện

Trần Mậu Hạnh

Chào các huynh,

Tôi rất thích thơ và con người của Phùng Quán.Nhà thơ xuất thân từ lính, đúng nghĩa là lính.nên chất hào hùng, thẳng thắn, khí khái, bộc trực, dám đương dầu với những tệ nạn quan liêu tham nhũng.Tôi nhớ không lầm thì đầu tiên tác giả đến với văn học là tiểu thuyết: Vượt Côn Đảo, sau đó tác phẩm : Quê Nội cũng rất hay.Nhưng Tôi thích nhất là tác phẩm : Trăng Hoàng Cung, vừa lãng mạn, vừa bất cần, vừa tinh tế, rất là Phùng Quán.Nếu có thể, các bbạn nên đọc tác phẩm này để hiểu Phùng Quán hơn.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Văn Thọ

Bài này viết đà lâu. Nay lấy làm bài trình làng thành viên mới. Cũng là chia sẻ với ai cũng yêu thơ và nhân cách cố thi sĩ Phùng Quán
NVT
Đọc thơ trong ngày giỗ
Phùng Quán
                 

Tôi thuộc lớp người mới lớn đã phải tham gia chiến tranh nên chẳng được đọc nhiều thơ văn lớp của đàn anh. Đọc Phùng Quán thì càng ít, dù rằng tên tuổi của ông đã ghi đậm trong tâm khảm tôi từ lúc còn thơ. ấy là năm 60, 62 gì đó, tôi lục trong tủ sách của cha tôi tìm được cuốn Vượt Côn Đảo. Khi ấy cuốn sách của ông Phùng Quán viết đã cuốn hút tôi bởi cái bất khuất của những người tù. Tuổi thơ, không hiểu biết lắm về văn chương, tôi cứ đinh ninh Phùng Quán là người tù Côn Đảo. Hoặc ít ra thì đời ông cũng nếm náp tù đày. Thế rồi, chiến tranh. Trong chiến trường chúng tôi càng không có điều kiện để đọc. Tôi có ngờ đâu rằng, có bài thơ anh em lính tráng Hà Nội đọc truyền khẩu cho nhau, ngâm đến thuộc nhàu, như bài Hôn, lại là thơ Phùng Quán. Hầu hết anh em trong đại đội chúng tôi cũng không hiểu gì về ông. Có lẽ họ giống tôi, chỉ biết đến Phùng Quán với tư cách một nhà văn qua cuốn Vượt Côn Đảo. Và thoáng đâu đó, nghe nói, ông ta trong nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm chống đảng. Chống đảng thì tệ hại quá rồi, nhất là trong hoàn cảnh bấy giờ và ở môi trường quân đội. Thời gian trôi đi, người ta không mấy ai công khai nhắc tới lớp người như Phùng Quán. Sách của những tác giả như ông thì tuyệt đối không có in. Vì thế, sau chiến tranh, mười năm sống giữa Hà Nội, tôi chỉ loáng thoáng đọc ông, không hệ thống và rất ít.
Năm 1997 tôi về thăm quê. Khi trở lại nước Đức tôi có mang theo cuốn Thơ Phùng Quán (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn-1995). Xuân 97 đến muộn. Tuyết rơi trắng trời. Một đêm, tôi nhớ tới cuốn thơ của ông, lần đọc. Đêm ấy, cuốn Thơ PQ như có ma lực cuốn hút tôi kỳ lạ. Tôi đọc thâu đêm. Đọc đi đọc lại và không khỏi nhiều lần âm thầm rơi lệ. Những bài thơ của ông như: Di chúc chiến sĩ, Đất, Chống tham ô lãng phí, Lời mẹ dặn, Say... trong đêm ấy, cho tôi có cảm giác như Phùng Quán lúc như đối diện với tôi, lúc như đâu đó, gần lắm, rõ ràng lắm, đang nói cho riêng tôi nghe, thì thào vào tai tôi. Ông hiện ra trong gió, tuyết trắng xoá cứ ào ào bay ngang cửa sổ.
Thì ra, Phùng Quán đã hành quân suốt với chúng tôi trong những năm chiến tranh mà tôi không biết. Thì ra, nhà thơ, nhà văn ấy, con người ta, suốt cả cuộc đời dâng hiến mà sợi dây oan nghiệt cứ buộc vào. Mấy ngày sau đó, tôi cứ luôn vơ vẩn nghĩ đến ông và trong một đêm không cầm lòng, tôi viết không một lần sửa chữa, một hơi, bài thơ: Đọc Thơ Phùng Quán.
Mùa xuân 98, tôi lại về thăm quê. Đến thăm gia đình M.Lâm người bạn của tôi. Thật không ngờ, cả hai ông bà Cao Nhị, gia đình M.Lâm lại là bạn rất thân của ông Phùng Quán. Hai ông bà liền rủ tôi đến ăn giỗ lần giỗ thứ ba của cố thi sỹ. Tôi nhận lời ngay. Tôi muốn đến thắp một nén hương cho người mà tôi thương vọng.

Tới ngày giỗ. Ông bà Cao Nhị đưa tôi đến cái ngõ nhỏ cạnh trường Chu Văn An. Bằng sự liên tưởng của mình từ những bài viết của Phùng Quán, tôi hăm hở rảo bước. Trước mặt tôi, Tây hồ hiện ra mênh mông sóng, lấp lánh... Mùa xuân, cỏ ven hồ xanh mướt. Một dãy nhà hàng san sát trông ra hồ. Nhao nhác người chào mời vào quán xá. Chúng tôi tới một ngôi nhà hai tầng, vật liệu chủ yếu bằng tranh, tre, gỗ, lá. Phùng Quán từng ở đây ư? Ngôi nhà ngóng sóng đây ư? Tôi chợt hỏi. Bây giờ phong cảnh chẳng còn thơ mộng như thơ ông nữa. Không khí chẳng còn đầy ngún không gian thơ. Tôi ngắm, nghe. ồn ào, xô bồ cạnh Tây hồ rộng phẳng. Cuộc sống đã đòi hỏi nhiều gia đình biến nơi đây thành tụ điểm kiếm sống.
Chúng tôi vào trong nhà. Đã có nhiều khách của gia đình có mặt. Bà Phùng Quán, người nhỏ bé, gầy gò, ra đón chúng tôi, rước tới bên một bàn nhỏ kê trước hương án của nhà thơ. Đến cùng với chúng tôi khi ấy, còn có vợ của cố thi sỹ Trần Dần, nhà soạn kịch kiêm họa sỹ Phan Tại đã ngồi sẵn, chòm râu bạc lơ phơ, phì phèo cái tẩu thuốc. Ông bà Cao Nhị ngồi chưa ấm chỗ đã giới thiệu tôi với bà Phùng Quán và mọi người, nói: “Hôm nay chúng tôi có mang theo một người bạn của con tôi bên Đức. Cháu rất mến mộ anh Phùng Quán và cháu có viết một bài thơ về anh nhà ta đấy". Tôi không biết tới thái độ của mọi người nữa. Đôi mắt tôi dán chặt vào hương án của cố thi sỹ. Tấm ảnh nhà thơ, chòm râu cước bạc, ung dung ngồi viết, lờ mờ hương trầm nghi ngút. Rất nhiều thơ từ, điện của thân bằng cố hữu từ nhiều miền đất nước gửi tới nhân ngày giỗ của ông, được bà Phùng Quán bày trân trọng trên hương án. Tôi nghĩ: Trên đời, cái gì cũng thật có duyên mới nên. Khi ông Quán còn sống, mình cũng sờ sờ ở đây, đôi lần đến quanh đây mà chẳng khi nào được hội kiến. Ngay cả thơ ông cũng không được đọc hết. Đến giờ, phiêu bạt xứ người, lại gặp gỡ ông tận ở Đức. Khóc ông ở bên đấy. Xa lắm, nhưng vẫn còn là gặp, là may.
Tôi ngỏ lời với bà Quán muốn thắp hương cho cố thi sỹ. Thấy vậy, bà Cao Nhị nhắc ngay: “ Cháu nó có thơ viết cho ông Quán!“ Tôi trộm nghĩ, thơ tôi viết, hay hay dở, cái đó là thuộc quyền của bạn đọc. Nhưng một điều tôi biết chắc chắn là, tôi viết bài thơ ấy trong trạng thái không thể gì cưỡng được của tình tôi với cá nhân ông Phùng Quán. Trước bàn thờ đây, có khôn thiêng thế nào ông cũng về. Đây là dịp tôi muốn và có thể chia sẻ với ông. Không lưỡng lự, tôi lần kẹp bản thảo, tìm bài thơ đã viết. Tôi quay lại nói với bà Quán, bấy giờ đã đứng rất nghiêm cẩn cạnh tôi: “Thưa bà! Cháu có bài thơ này, gọi là như nén hương lòng gửi tới nhà thơ ". Nói xong, tôi thắp ba nén hương khấn linh hồn thi sỹ rồi chậm trãi đọc bài thơ của mình trước bàn thờ và tất cả mọi người.
Tôi là người thường hay xúc động. Đọc thơ của mình trước hương án ông hôm ấy, tôi không sao cầm được nước mắt thương cảm. Cuộc đời Phùng Quán trước tôi một thế hệ, nhưng các thế hệ bước vào chiến tranh vệ quốc đôi khi có nét trùng hợp. Ông, 16 tuổi cầm súng đánh Pháp. Tôi, 16 tuổi cầm súng đánh Mỹ. Ông, đeo tiểu liên Sten báng xếp trực tiếp công đồn. Tôi, cũng 12 năm trời AK báng gập trực tiếp chiến đấu... Chỉ có điều, ông tài năng và lận đận. Chỉ có điều, tấm lòng rất trong sáng thẳng ngay của ông, cả đời lẫn thơ đều mang một nhân cách lớn, song điều ấy chẳng cho ông hạnh phúc. Ngược lại, ông một thời là: “Tai họa kết là lính quay giáo“ (Thơ Tào Mạt tặng Phùng Quán). Nhân cách thơ của ông, biết yêu và dám sống, cả dám chết, như ông viết: “ Trước mặt lán, sát bờ vực suối, tôi đào một cái huyệt dài hai mét, rộng một mét, sâu một mét rưỡi. Tôi nguyền, nếu không tìm thấy thơ, tôi sẽ lăn xuống đó, thế là xong một đời..“ (Trăng hoàng cung, Phùng Quán). Cuộc đời tôi và nhiều người khác không dấn thân được như ông. Cuộc sống có quá nhiều cám dỗ, cạm bẫy để nhiều khi quay giáo lại chính mình.
Đọc xong bài thơ, tôi châm lửa hoá lập tức. Tôi quay lại, không ngờ là tất cả khách khứa có mặt bấy giờ đều đứng dậy cả. Tôi lau nước mắt. Bà Phùng Quán cũng rưng rưng cám ơn tôi, ngỏ lời xin bài thơ làm kỷ niệm. Tôi đành hẹn, khi nào thơ đăng, sẽ mang tới biếu bà, còn hiện tại bản thảo duy nhất mang theo đã gửi cho ông Phùng Quán rồi.
Ngay sau đó, tôi được biết rằng, bạn bè của cố thi sỹ hôm đó, những ai còn sống đều tới đông đủ. Thấy ông Dương Tường, ông Lê Đạt và các bà quả phụ.
Bữa ăn hôm ấy, được ngồi chung với các bậc cha chú, đàn anh, bạn cũ của ông nên tôi được hóng thêm vài điều về Phùng Quán. Chính vì thế, có chuyện; khi khởi bút bài thơ Đọc thơ Phùng Quán, tôi đã viết: Mày là ai?/ Tử tế thẳng ngay / Ti tiện một lũ giòi / Văng vẳng tiếng ông quát, hỏi. Bữa ấy, ông Cao Nhị nhẩn nha nói: “ Phùng Quán không nói chữ Mày đâu! Anh ấy tử tế, tình cảm, tốt với bè bạn lắm.“ Bà Cao Nhị đế theo: “Nhà bị hỏng mái, dột, chả ai dám leo lên chữa. Phùng Quán đến, thấy, phăm phăm leo lên mái dưới trời mưa gió, rọi lại chỗ dột..“ Tôi lắng nghe từng khúc, từng khúc, chậm rãi uống hết ly này đến ly khác, tận say. Đêm về, suy nghĩ lại, tôi sửa: Anh là ai...Văng vẳng tiếng ông nói, hỏi.
Sau bữa ấy, tôi còn nán lại Hà Nội mấy ngày. Sau, một vài người bạn văn chương có đọc bài thơ của tôi và có người nói: “PQ làm gì đến độ thơ hay như mày tưởng!" Lại có người bảo: “Cái đời ông Quán cuối đời, suốt ngày say sưa...!" Có người rỉ tai tôi: “úi trời! Cũng ghê lắm! Sửa sai rồi, ông ấy còn choảng ông T.H. ra trò."
Tôi nghe vậy mà giận dữ im lặng. Tôi đâu có tưởng! Tôi vẫn giữ nguyên những tình cảm tốt đẹp của tôi đối với Thi sỹ Phùng Quán cũng như giữ nguyên những dòng thơ từ trái tim tôi với nhà thơ đã mất. Thế! Cứ cho là có một người ngất ngưởng say ở hè phố Hà Nội hay cố đô Huế đi. ừ! Cứ cho là đã có lần có ai đó động chạm tới ông X đi. Nhưng điều ấy có hề chi? Có hề chi! Đấy là chỉ có Phùng Quán... Cũng như trăm ngàn vị anh hùng khác trên đời này, ở họ thiếu gì những cái bóng đời thường, thậm chí lại phải thương hơn, khi ta nhận ra một cái bóng chập chờn cuối đường ám ảnh bên ông, lởn vởn bên ông, bao dầy vò, đau đớn đến cùng cực. Còn nguyên hình ông? Những dòng thơ khi nào cũng hôi hổi mỗi khi tôi đọc, kể cả những bài thơ, theo tôi còn nguyên hơi thở của những khẩu hiệu viết trên tường, nhưng lại viết bằng chính dòng máu sạch, tươi rói, yêu da diết chiết tháo òa ra từ con tim của ông. Không phải giả dối, không có thương vay khóc mướn, không phải dùng kỹ xảo ngôn từ để lừa mị...Trong tôi không có gì thay đổi cả! Ông là Người Lính, Nhà Thơ, Con Người mà tôi mến mộ. Nhân cách thi văn ấy sừng sững! Tôi lại nhìn thấy, trong đời sống tinh thần của tôi, thêm một con người tha thiết yêu, yêu cay đắng như li rượu từ lá Khổ Sâm: Tự mình cất li rượu uống.../ Đắng đến tận cùng nỗi đắng thế gian (Lá Khổ Sâm, Thơ Phùng Quán) và người như ông, hẳn luôn suy nghĩ dằn vặt để sống thật trong sạch, thủy chung, thanh tao như những dòng thơ ông hạ. Công bằng như bạn ông, Tào Mạt, từng viết: “ Lòng trong sạch tự chiết xuất ra văn".
Con người ta, dù có lúc kiệt sức, tưởng muốn ngã; song lại quyết tự tôi đứng thẳng, cũng như ông viết: “Có những phút ngã lòng". Và ông đã trung thành với nàng Thơ đến phút cuối cùng, giây chót của cuộc sống. ở đây, cái cần thiết của một con người cho ra Người là: “Tôi vịn vào thơ mà đứng dậy". Trên đời, đã mấy ai biết vịn vào cái gì mà đứng dậy? Mấy ai biết vịn vào cái cao đẹp thờ phụng mà đứng dậy! ấy nữa là, tôi nghĩ, ông chẳng bao giờ có lỗi với riêng ai. Và khi đã đứng lên như thế, thì người ấy đáng đời đời để cho ta yêu vọng lắm chứ?
Con Người Phùng Quán, hẳn khi ông mất kia, ông bay lên cao, lên cõi thăm thẳm xanh, làm vì sao hai tám!  
                                                               
                                            Berlin, tháng 7-98
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Bài viết hay quá! Đừng ai nói là ngoài tình yêu đôi lứa không còn gì có thể tạo ra được những rung động sâu sắc tuôn trào mãnh liệt!
Cảm ơn nhà văn Nguyễn Văn Thọ! Nguyệt Thu đọc bài viết mà thấy quá bồi hồi! NT cũng mê Phùng Quán, không phải vì ông là người cùng quê mà yêu chính cái nhân cách thơ, phẩm cách chính trực của người đời Phùng Quán. Đọc "Ba phút sự thật" của ông, NT cũng đã cùng khóc cười với nỗi đau nhân thế hội tụ trong ông, trong tác phẩm ấy!

Cảm ơn...bạn nhiều!(NT không biết nên gọi như thế nào cho phải: gọi là bác thì quá lớn, gọi là anh trên mạng ảo thì NT không quen, thôi thì xin được gọi là "bạn" cho gần!:) Mong không bị trách phiền vì thiếu tôn trọng!:))
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Văn Thọ

Cám ơn Nguyệt Thu. Gọi là bạn là tớ thích lắm. Bởi tự nhiên thấy trẻ lại như ai...( Hoa xuyên Tuyết chả hạn)
Còn tớ đêm Văn không đệm Hữu nhé. Ông Hữu là Phó chủ tịch nước mất lâu rồi.
Tớ tên nôm na là Nguyễn Văn Thọ.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Nguyễn Văn Thọ đã viết:
Cám ơn Nguyệt Thu. Gọi là bạn là tớ thích lắm. Bởi tự nhiên thấy trẻ lại như ai...( Hoa xuyên Tuyết chả hạn)
Còn tớ đêm Văn không đệm Hữu nhé. Ông Hữu là Phó chủ tịch nước mất lâu rồi.
Tớ tên nôm na là Nguyễn Văn Thọ.
Hic! NT xin lỗi nhé! Không hiểu sao, đã thấy đầy đủ họ và tên bạn rõ ràng thế kia, lại gõ lên thành "Hữu"! :P Cái này chắc là bị...nhập tâm mất rồi!:D
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuan Quynh

Tuấn Quỳnh xin chào các thi hữu , Nhân dịp vào diễn đàn Thơ PHÙNG QUÁN .TQ  xin đăng lên Một bài gọi là giao lưu đầu năm nhé , Nếu được , mời các bạn ghé thăm Diễn đàn "Tặng bạn" nhé
TRĂNG
Trang du đãng ngủ nhờ thềm lạnh,
Muốn mời vào nhà,không chiếu chăn
Tỉnh giấc trăng đi còn để lại
Nước mắt đầy thềm tạ cố nhân
          PHÙNG QUÁN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Lê Hậu Đình Truyền

Cảm ơn các bác nhìu nhé ! Tui cũng thich Phùng Quán và nhũng sang tác của ông. Ai có bài viết nào hay về ông thì gủi lên cho mọi người xem với nhé . Thank you!
sakuras
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

commission

Mình cũng mê truyện của Phùng Quán lắm. Nhất là cuốn "Tuổi thơ dữ dội" đó. Đọc xong khóc luôn.
Con người ta có thể ăn nửa bữa, ngủ nửa đêm nhưng không thể đi nửa đường chân lý và yêu bằng nửa trái tim
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuyết Tương Giao

Phùng Quán có bài này ko biết các bạn đã nghe chưa :

           Lời mẹ dặn
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi - trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
- Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
THấy buồn muốn khóc là khóc
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
CŨng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
CŨng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Từ ấy người lớn hỏi tôi:
-Bé ơi, bé yêu ai nhất ?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời :
-Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
CHo tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không ! Những lời dặn đó
Như trang giấy trắng tuyệt vời,
In lên vết son đỏ chói.

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Những lời mẹ dặn thủa lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.

Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu .

Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
tôi muốn đi đến phía cuối con đường
nơi dòng lệ đã trở thành cay đắng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

nh0crua_mt

haspv52 đã viết:
Ui! Nhắc đến Phùng Quán sao không thấy ai nhắc đến bài thơ mang một cái tên cực kì romantic nhỉ? Xin được gửi lên để bạn đọc cùng chia sẻ và cảm nhận!
Trời đã sinh ra em
Để mà xinh mà đẹp
Trời đã sinh ra anh
Để yêu em tha thiết.
Khi người ta yêu nhau
Hôn nhau trong say đắm
Còn anh, anh yêu em
Anh phải đi ra trận.
Yêu nhau ai không muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu.
Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn.
Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ.

Bài thợ mang nhan đề " Hôn". Bạn đọc hãy đọc và ngẫm nghĩ nhé! hãy cùng nhau nhớ về một thời kháng chiến oai hùng của toàn dân tộc, và những khoảnh khắc dữ dội của chiến tranh!!!!!
Rùa biết đến nhà thơ Phùng Quán từ khi được đọc cuốn sách "Tuổi thơ dữ dội", không hiểu sao mà đọc xong rùa lại khóc ngon lành (mà cái này thì dễ có nguy cơ gọilà mít ướt quá!), Rùa thương cho tất cả các chú bé liên lạc đó, từ Vịnh sưa, Tư Dát, Bộ xương cách trí hay Lượm sứt, chỉ có điều đúng như nhà văn Phùng Quán viết, nhân vật có lẽ làm Rùa thổn thức nhất chính là cậu bé Quỳnh sơn ca và cái chết của cậu. Rùa không dám so sánh cuốn sách đó với truyện cùng tên của nhà văn Maxim Gorki nhưng nếu xét về cảm nhận của bản thân, Rùa vẫn thích cuốn truyện của nhà văn Phùng Quán hơn,...Lớn lên một chút, mới biết PQ không chỉ viết văn mà còn sáng tác thơ, một trong những bài thơ mà rùa biết là bài thơ  mà chị haspv52 nói là có cái tên rất romantic (:D). Xin được đóng góp một bài viết về sự tích  bài thơ "Hôn" của nhà thơ Phùng Quán.
Ai bảo trong chiến tranh chỉ có bom gầm pháo dội, những đau thương mất mát, chia tay? tin rằng ở đó vẫn còn những phút giây tình cảm lãng mạn đủ sức nâng đỡ con người vượt qua những thời khắc gian nguy nhất,"những khoảng khắc dữ dội của chiến tranh"...
Nhà thơ Phùng Quán để lại nhiều bài thơ hay, được hàng triệu người đọc Việt Nam thuộc nằm lòng như Lời mẹ dặn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, Say… Trong đó Hôn là bài thơ hay được nhắc đến nhiều nhất. Bài thơ Hôn có trong hành trang của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ được tuyển đi tuyển lại trong hàng chục tuyển tập thơ từ 50 năm nay. Được in trong tuyển tập Panorama de la Littérature Vietnamism do nhà văn hoá Hữu Ngọc dịch. Bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc.

Khi người ta yêu nhau
Hôn nhau trong say đắm
Còn anh, anh yêu em
Anh phải đi ra trận!

Nhưng:

Yêu nhau ai không muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu!

Bài thơ được coi như là tuyên ngôn tình yêu của người lính khi Tổ quốc đang bị giày xéo dưới gót giày quân xâm lược: Nhưng dù chết em ơi/ Yêu em anh không thể/ Hôn em với đôi môi/ Của một người nô lệ! Âm hưởng bài thơ giống như khẩu khí thơ của các nhà thơ cộng sản Nadim Hikmet, Pe-tơ-pi. Bài thơ viết năm 1954, khi Phùng Quán 22 tuổi. Đọc bài thơ tôi cứ ngỡ nhà thơ viết tặng một cô gái nào đó mà anh từng yêu thương, nhớ nhung dọc đường ra trận. Nhưng không phải! Sự tích bài thơ bi hùng hơn rất nhiều. Tôi dùng chữ “sự tích” vì đây là một câu chuyện dài, đầy chất anh hùng ca, liên quan đến “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán.

Mới đây nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã cung cấp cho tôi lai cảo một bài viết dài của Phùng Quán viết tại Chòi Ngắm Sóng Hồ Tây năm 1992, có tựa đề: “Bản anh hùng ca bị mối xông và mười bảy bộ hài cốt…”. Tôi đọc và bàng hoàng vì câu chuyện được kể lại vô cùng lẫm liệt về cuộc chiến đấu và sự hy sinh dũng cảm, khí phách của 17 chiến sĩ cảm tử của Trung đoàn Vệ quốc quân Trần Cao Vân giữa lòng thành phố Huế năm 1946. Bài viết cũng nói rõ xuất xứ của bài thơ Hôn. Nhà thơ Phùng Quán viết: “… Cách đây trên ba mươi năm có lẻ, trong những ngày gian khó nhất của đời mình, trong nỗi buồn bã và thất vọng khôn cùng, tôi khởi viết một thiên hùng ca… Thiên hùng ca kể lại một câu chuyện có thật, những người anh hùng có thật, hơn nữa những người anh hùng mà tôi quen biết, và tôi có mối hàm ơn sâu nặng vì một lần họ đã cứu tôi thoát khỏi đạn đại liên giặc ăn thịt trong trận đánh kinh hồn vào vị trí Miễu Đại Càng… Thiên anh hùng ca gồm 10 chương, khoảng nghìn câu thơ, với một Khai từ và một Hậu từ. Từ năm 1958 đến 1988, tôi bị mất quyền in sách nên thiên hùng ca chịu chung số phận với nhiều tác phẩm khác của tôi: Mối xông! Nghìn câu thơ nay không còn nhớ nữa. Nhưng cốt truyện, đoạn khai từ và lác đác dăm câu thơ, đoạn thơ khắc hoạ ý tưởng chính tôi vẫn còn nhớ như in… Thiên hùng ca ấy có tên là Huyệt lửa chôn chung”. Xin gác lại chuyện các chiến sĩ Trung đoàn 101 Trần Cao Vân đã cứu sống và đã phạt roi Phùng Quán như thế nào, để tập trung vào sự tích bài thơ Hôn. Điều cực kỳ thiêng liêng và cảm động là bài thơ Hôn là một đoạn được trích ra từ Thiên hùng ca ấy, viết về tình yêu của người chiến sĩ thật có tên là Phùng Huấn!

Tháng 7-1992, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân có bài viết Tìm được hài cốt của 17 liệt sĩ hy sinh từ năm 1946 in trên báo Lao động. Bài báo kể lại, ngày 4-6-1992, trong lúc đào móng cải tạo công trình nhà của Uỷ ban Khoa học kỹ thuật tỉnh TT-Huế tại 18 - Hà Nội - Huế, người ta phát hiện ra 17 bộ hài cốt Vệ quốc đoàn. Trong đó có một bộ hài cốt có sợi dây chuyền nhỏ có đeo lủng lẳng một miếng nhôm, rửa sạch miếng nhôm hiện lên dòng chữ khắc: “Phùng Huấn - VQĐ - Thuận Hoá”. “VQĐ” là Vệ Quốc Đoàn. Còn Phùng Huấn là anh con bác của Phùng Bốn (tức ông Nguyễn Vạn, nguyên Bí thư tỉnh uỷ TT-Huế) chú ruột của Phùng Quán. Tức Phùng Quán gọi liệt sĩ Phùng Huấn là bác! Đọc bài báo đó, Phùng Quán bàng hoàng nhớ lại thiên anh hùng ca mình đã viết 30 năm trước…

… Nhân vật mà tôi mất nhiều công sức nhất để miêu tả và khắc hoạ tính cách với cả trăm câu thơ, là nhân vật chiến sĩ. Anh tên là Phùng Huấn, xuất thân nông dân, quê ở làng Thanh Thuỷ Thượng. Phùng Huấn yêu một cô gái làng, sắp làm lễ cưới. Mặt trận Huế bùng nổ, anh hoãn ngày cưới, cùng nhiều trai làng xung phong gia nhập Vệ quốc đoàn. Anh được tuyển chọn vào cảm tử quân… Bài thơ Hôn là tôi trích ra từ Thiên hùng ca ấy:

Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn!

Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ!

Đó là lời của Phùng Huấn nói với vợ chưa cưới của mình trước giờ xung trận. Phùng Huấn là bác họ của tôi. Trong Thiên hùng ca tôi không nói chi tiết này, chỉ miêu tả mỗi lần chúng tôi đứng cạnh nhau, cả đơn vị ai cũng lầm là hai anh em ruột vì chúng tôi giống nhau như hai cục bùn móc dưới ruộng sâu lên… Trong đội cảm tử quân, Phùng Huấn được phân công vào “Tổ vũ khí nặng”. “Vũ khí nặng” Phùng Huấn phụ trách là một cặp đầu đạn đại bác 75 ly tịt ngòi được công binh xưởng biến báo thành mìn đánh xe tăng… Tổ “vũ khí nặng” là siêu cảm tử, nên mỗi chiến sĩ được Mặt trận phát một chiếc “lập lắc” bằng nhôm cứng, trên mặt khắc tên họ, giây đeo bằng thép không rỉ, để lỡ hy sinh xác người nọ khỏi lẫn xác người kia…

Một buổi sáng, Phùng Huấn ngoắc tay gọi tôi: “Bê! Bê!” (tên gọi tôi ngày còn ở nhà) ghé sát tai tôi nói nhỏ: “Tối ni đơn vị tau đi cảm tử vị trí nhà hàng Sap-phăng-giông (Cửa hàng bách hoá số 1, đường Hà Nội, Huế hiện nay). Mặt trận sẽ đãi tụi tau một bữa thịt bò, thịt heo với xôi, ở sân chùa Vạn Phước, để lỡ có chết thì anh em được chết no! Tắt mặt trời mi nhớ chạy xuống mà ăn chực…”

Bữa ăn đó, cũng được kể trong bài báo Lao động nói trên, qua lời kể của người vợ chưa cưới của liệt sĩ Phùng Huấn: “Vợ chưa cưới của đồng chí Phùng Huấn, đã 70 tuổi, từ xã Thuỷ Dương (tên mới của làng Thanh Thuỷ Thượng), chống gậy lên thăm hài cốt của người yêu xưa. Bà kể: Chiều đó tôi lên thăm anh ấy, rủ anh đi ăn. Anh ấy nói: “Tối nay đi đánh Pháp, thế nào cũng được ăn một bữa thịt bò, bây giờ ăn ngang bụng”. Anh ấy không đi. Thấy trên tay anh có đeo một cái “lập lắc”, tôi hỏi: “Người ta đeo vòng vàng xuyến bạc, còn anh đeo chi miếng thiếc ni?” Anh nói: “Đơn vị bảo đeo. Đi đánh giặc lỡ có chết người ta biết tên mà nhận xác”. Tôi tưởng anh nói chơi, ai ngờ anh chết thiệt. Từ sau đó gia đình cứ lấy ngày 10 tháng chạp giỗ anh ấy”.

Trận “cảm tử” vào nhà hàng Sáp-phăng-giông đêm ấy không kết quả. Toàn đơn vị rút ra căn cứ cả, còn Trung đội cảm tử bị mắc kẹt lại ở trong ngôi nhà hai tầng. Địch bắn như điên, kêu gọi đầu hàng, các anh vẫn chống trả quyết liệt. Giặc phun xăng đốt ngôi nhà. Các chiến sĩ đã xuống tầng trệt, dùng bộc phá nổ tung ngôi nhà, biến ngôi nhà thành ngôi mộ chôn chung của 17 anh em! Ôi, 46 năm sau, cô gái trong bài thơ Hôn của Phùng Quán mới gặp lại hài cốt người yêu của mình! Ngày xưa ở Huế, đối với con gái nhà lành, chuyện hôn nhau vô cùng hệ trọng, nhà trai đi hỏi rồi vẫn chưa dám hôn nhau, chờ khi cưới. Cho nên:

Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn

Hiểu “sự tích” tích bài thơ ta càng muôn lần cám ơn nhà thơ Phùng Quán, anh đã lấy “tuổi thơ dữ dội” của mình làm chất liệu để viết nên những câu thơ tình thế kỷ, đẹp như kinh cầu nguyện!
"Cái giàu nghèo của nó là vô biên. Niềm vui nỗi buồn của nó là trường cửu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (20 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]