Trang trong tổng số 1 trang (2 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Nguyễn Văn Thọ

Suy nghĩ và tập viết về thơ
Nguyễn Văn Thọ

(Bài đã đăng trên tuyển tập Hãy Để Chim Chóc Làm Đầy Bầu Trời,
Tạp chí Người Việt Hải Ngoại xuất bản, Vancouver 2007)



      1.
Tôi đọc bất kì tập thơ nào rơi vào tay tôi. Thơ đã nhận tặng, tôi đọc hết sức cẩn trọng, dầu tập đó của nghệ sĩ điện ảnh đã về hưu đang tập làm thơ, dầu cuốn ấy một thi sĩ chưa nổi tiếng. Tôi tìm mua, đọc các tác giả đang được dư luận quan tâm, cả trong và ngoài nước. Qua thời gian và chính sự va đập từ thơ của người khác đã làm nhiều quan niệm về thơ của tôi luôn trượt trên những quan niệm cũ, phủ nhận chính tôi và đôi khi phủ trắng cả những điều trước đó tôi tưởng là chân lí. Tôi nhận ra, thơ càng đọc càng thấy bất ngờ và bí hiểm. Sự thành bại của mỗi một sinh thể thơ, là chỗ gợi mở cho tôi suy nghĩ thêm về con đường của thi pháp. Với tôi, đọc thơ dầu còn dở của người, cũng là cách tiếp cận thêm một ông thầy lớn; và biết thêm rằng, không có một tiêu chí nào bất biến trong thơ riêng và nghệ thuật nói chung.

          Trong ba tập thơ đã xuất bản, tôi làm thơ có vần, vận và không vận. Tôi làm thơ lục bát lên, lên xuống xuống; từng bị Huy Cận phê: "Anh chẻ câu sáu làm đôi làm gì?" Khi đó tôi im lặng nghe. Nhưng vẫn không nản lòng, viết lục bát lên, xuống; chẻ thêm câu sáu làm ra dăm đoạn. Bên cạnh thứ lục bát chẻ đôi ba đó, tôi viết lục bát sáu tám nguyên thể. Hai cách ấy song hành, không phải từ lời phê của chú Huy Cận. Những câu thơ có chủ đích, sự khác nhau trong lục bát biến dạng ấy, khi ngắt câu, bỏ dòng không còn sáu/tám, nếu ý tứ của từng cặp câu đòi hỏi sự phá bỏ mạch đều đều chảy nhịp (vốn dễ rơi vào triền miên tẻ nhạt) tạo nên sự rơi, để nhấn mạnh một ý, làm chậm lại tốc độ đọc. Còn khi cả bài thơ cần dịu dàng chảy như một dòng êm đềm, tôi vẫn sáu/tám, nguyên đai, nguyên kiện.
Mỗi một bài thơ, cần ở thể nào, chọn một hình thức thể hiện nào, không phải chủ đích tùy nghi để cố làm cho lạ, mà từ tình cảm, cảm xúc và ý lý, tư tưởng quyết định. Dầu là từ một câu thơ bất kì xuất hiện, tôi cũng chọn lại hình thức biểu hiện. Cũng vậy, tôi làm tứ tuyệt và dùng cả hơi thơ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn lẫn thứ thơ miên man, tràn ngập từ ngữ, xô bồ ào ào, trào ra tự trái tim không chiết cất.
Cũng ngày xưa ấu trĩ, tôi tưởng thơ không vần là mới. Lần gặp, nhân ăn sinh nhật nhà thơ, dịch giả Đức Fran Farber tròn chín mươi xuân tại Berlin, người đầu tiên rước nàng Kiều vào Đức, tôi mới ngã té ra rằng, thơ không vần, chẻ câu có từ lâu, rất lâu trong thơ cổ Hy lạp. Chính ông ta đã chọn nó, hình thức cổ ấy, để cùng bà vợ ông, tiến sĩ ngôn ngữ Irenne Faber, tự học tiếng Việt trong hai năm, để sau bảy năm trời dịch Kiều từ Việt sang tiếng Đức, không qua bản song ngữ Việt - Pháp. Đọc vài đoạn ngắn từ nguyên bản của bản dịch ra tiếng Đức này - Das Madchen Kieu - tôi lóe sáng thêm nhận ngộ, thêm một điều là, nếu một nhà văn, nhà thơ chỉ nhăm nhăm đi tìm sự mới về hình thức biểu hiện thì hay mắc bệnh tưởng.

2.
Thơ Việt đương đại, Lê Đạt vẫn thực sự là người lớn, Phu chữ như  ông từng nói (Tôi muốn dùng từ khiêng hơn là dùng phu chữ. Phu chữ nghe có vẻ lực điền thơ quá, nhưng cũng có thể hiểu sang nghĩa khác được không, khi mà nhà phê bình Đặng Tiến cười mách ở tận Paris, ông cho rằng từ Phu ở đây còn hàm ý dấu diếm Đại Phu nữa. Vậy là đại trượng phú của chữ?). Ông thành công ở Bóng chữ (chứ không phải Ngó lời), không phải ở những bài thơ khó hiểu. Thơ ông, những bài thuyết phục được nhiều thi sĩ và bạn đọc trẻ, như tiếng nhạc và ngôn ngữ của màu sắc, những cặp nghĩa đa chiều, trong dãy chữ, nhóm từ. Thơ Lê Đạt thực chất là xương cốt Đường Thi, chặt bỏ những từ rườm, mang một cấu trúc mới về ý thức tạo câu, liên từ. Viết tới già, bất chấp tuổi và bệnh tật tiếp tục sáng tạo, lao động thành công tới vậy mà Lê Đạt có lần nói với tôi: “Mình cách tân phải trả giá, khi có người không hiểu thơ mình tức là mình bất lực.“ Tức là ông chưa khiêng đủ chữ cho xứ mệnh ông định. Lực bất tòng tâm! Ông tự biết vậy, còn chúng ta, lứa hậu sinh từng cứ tưởng bở bao nhiêu là bao nhiêu?
Suy nghĩ về sự thành bại của nhà thơ Lê Đạt, tôi lại phải một lần nữa, ở xứ người, tìm đọc lại các giai đoạn thơ riêng ông. Dầu tập Ngó lời kém hơn tập trước Bóng chữ, Lê Đạt vẫn là cái bóng cao lồng lộng, tạo riêng một phong cách cho nền thơ Việt đương đại, ảnh hưởng nhiều tới lứa thi sĩ trẻ, và về khiêng chữ, tới nay chưa ai vượt qua ông.

2.
Khác Lê Đạt, sự chơi dòng chảy của dòng thơ miên man không khiêng chữ mà các thi sĩ Việt ở Hải ngoại đã khai thác, tạo thêm nên những dòng ngôn ngữ không lời, tạo nên suy nghĩ, cảm xúc cho người đọc.
Ở trong nước, điển hình lối thể hiện này, tác giả không theo Lê Đạt, là Vi Thùy Linh - kẻ đi đầu, khai phá vỉa thơ cứ trào sôi sức chảy. Đọc thơ Vi Thùy Linh, để giải mã, nên dùng lời khuyên phá chấp của Phật. Phá chấp, ta sẽ nghe thấy tiếng vỗ của một bàn tay. Những dòng sông trẻ ấy, sau Vi, nhan nhản trên các diễn đàn điện tử hôm nay, về bản chất cũng là sự cách tân khá đậm nét về hình thức, dù một bên là ý thức và một bên, điểm xuất phát có khi là từ bản năng.
Khai phá cái mới, đường rừng thơ thực nhọc nhằn và bí hiểm!
Cứ đặt hai tập thơ của hai nhà thơ nữ, Vi Thùy Linh và Phan Huyền Thư, thấy rõ hơn điều này. Phan Huyền Thư tỏ ra rất chịu tu từ và kiến trúc một khối thơ nén chặt chữ nghĩa. Vi Thùy Linh thì dường như giả vờ không chú ý tới điều ấy, thơ Linh rào rạt vô bến vô bờ. Nhưng hỏi thơ ai truyền cảm súc mạnh hơn ai? Thật khó trả lời. Đó là hai mặt của một khối thơ khó lẫn và điển hình trong lớp sau lứa thơ thập niên 40-50. Như âm và dương, trái và phải. Ở nước ngoài, mang hai ả Tố nữ đi theo, tôi được sống thêm với thơ của họ. Giờ đây, vượt qua tai tiếng và trả giá, hai thi sĩ này xuất hiện trước thiên thanh, tới được vị thế định vị bên các nhà thơ đàn anh đi trước.

3.
Các nhà thơ tìm tòi phải chịu trận, cũng như nhà văn cần dấn thân. Không nên đi đâu cũng lu loa kêu khổ làm khó chịu đời sống vốn lắm bức xúc của đồng nghiệp. Con đường rừng của thi ca vốn dễ lạc như rừng rậm. Khó khăn lắm, nhưng như Nguyễn Duy đã viết một câu thơ có thể như một lời nhắn, với tôi là tâm đắc: “Xin em chớ nản lòng yêu!“  
Ngôn ngữ thơ khó khăn thật, khi mà cũng tạo nên nghệ thuật, hội họa tưởng vô ngôn mà siêu thặng hơn, tự do hơn. Bởi khi chẳng có gì cụ thể gắn bó với đời sống xã hội như văn thơ phải dùng chữ, nói lời gắn với cuộc sống quanh ta. Hội họa như có ngôn ngữ âm thầm cất lên kiểu riêng rẽ khoẻ ăn; là sự kết hợp như siêu nhiên, như vô thức, từ màu tới hình, từ cân đối tới không nhận ra âm và dương, vẫn có lời và tha hồ nói. Chính sự vô ngôn cụ thể khó nắm bắt ở hình và màu, bố cục và cả âm thanh tiếng động vang lên từ nhịp màu (từng gam) tạo nên cơ hội tự do hơn cho hội họa... Tôi nói vậy, vì có bằng chứng là ở ta hiện nay sự cấm kị trong hội họa đa số rơi vào cái gì dễ nhìn, kém cỏi tới phô dễ suy đoán. Cuộc trình diễn sắp đặt của vài họa sĩ trẻ ở bên Quốc Tử Giám năm nào bị la ó, chính chỉ là quậy, chưa tới mức thẩm mĩ. Nó như tiếng đàn phô mà thôi. Hoặc dăm cái tranh vẽ về tình dục, về nude là dễ bị la ó, phê phán nhất. Ở đây, sự cần và đủ do nhu cầu nội tại của cá nhân trong nghệ thuật nói chung là con đường rất dễ nhầm lẫn, sa ngã lắm, nếu chỉ nhăm nhăm tìm một vế của giá trị một tác phẩm. Nó đòi hỏi một sinh thể thơ mang tính thống nhất giữa nội dung và hình thức, là một cặp phạm trù song hành không có sau và trước.

4.
Từ sự quan sát thơ Việt và thơ bè bạn ở Đức cũng như sự liên hệ với hội họa, tôi suy nhận ra nhiều điều hết sức có tính cảm thức...
Thơ hay là gì? Từ kinh nghiệm thơ Lê Đạt mà soi rọi vào vài nhà thơ khác.
Thơ cũng đôi khi, là nhật kí của dòng cảm xúc, mà "câu chuyện" không phải kể cho hết, cho đủ ; và hình như nếu là thơ thì câu chuyện của thời điểm nào đó chỉ là cái cớ, là điểm tựa vào để nhóm lên lửa cảm xúc ở bạn đọc từ những xúc động bên trong nhóm chữ xây dựng nên một hành trình nào đó.
      Đôi khi, thơ lơ ngơ như thằng điên, say, lảm nhảm vẫn hay; Hay không phải vì cái để hiểu, mà chính là sự chẳng rõ ràng gì, chỉ để có đủ một tiếng reo của tấm lòng, không thể lí giải cụ thể bằng thước đo trước nó. Sự vô nghĩa của trật tự ngữ pháp, sự vô lí của trật tự ngôn ngữ, sự ghép từ tạo được thanh âm, màu sắc, gợi mở những từ có nghĩa nào đó cho bất cứ luồng, tuyến của riêng độc giả đã tạo nên cái hay của thơ. Điều này, xuất hiện chỉ gần đây khoảng ba chục năm, chảnh nhất là Bùi Giáng, rồi là thế hệ sinh sau. Dường như đây là sự tiết khí của vận thi sĩ chứ Bùi Tiên Sinh không phải là nơi tạo nguồn cho dòng chảy này. Vì loại viết lơ ngơ này, xuất hiện cả ở hai miền Nam - Bắc khi chia li, mà khi ấy mọi thông tin về Bùi tại xứ Bắc không thể có được. Có thể trích ra một câu rất nhiều người thích, khi Bùi viết “Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau.” Mùa xuân phía trước có ý lí, còn vế sau chả có ý nghĩa gì. Miên trường là cái gì? Bố ai hiểu. Thế mà lắm kẻ yêu thơ, chơi thơ thuộc ngay. Đọc lên, vẳng như có tiếng binh bong... Thế là hay chứ còn chi nữa.

Thơ, sự giãi bầy một xúc động nào đó trứoc đủ loại đối tượng (khách thể) mang đầy tính cá nhân, mà bản chất chỉ là cái cớ, phơi bầy cái Tôi, cái cá nhân con người sản sinh ra tình cảm mình bằng ngôn từ, có khi lại là nỗi buồn sang trọng...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Văn Thọ

Tiếp theo
5.
Tại hải ngoại, năm qua có cuộc thảo luận thu hút khá nhiều nhà thơ trong-ngoài Việt Nam tham gia: Thơ đến từ đâu? Thơ từ trăm ngả, hỏi thế tưởng hắc búa, song có ngay lời đáp ở bài ca dân gian: Con kiến mày leo cành đa…Hỏi thế, các nhà thơ rào rào luận, nhưng đọc mãi chỉ thấy “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Thơ hay từ đâu, đáng hỏi, nên hỏi. Người ta chỉ quan tâm tới thơ hay, thơ mới và hay, chứ thơ dở lăng nhăng thì hỏi mất công. Một câu hỏi mập mờ, sẽ khó có câu trả lời cần và đúng.
Lại nghĩ về tính chuyên, gần đây tôi đọc một bài trên Văn Nghệ dẫn lời Steven King, “Chỉ những nhà văn nghiệp dư mới chờ cảm hứng.” Câu ấy có lẽ phải bàn. Tôi sợ sự cảm hứng triền miên không chờ như điên của các nhà thơ nghiệp dư. Vì chả có cảm hứng nào ý trí tạo nên cả và không phải cứ ngồi vào bàn viết, không có cảm hứng, mà ra được cái hay. Vì sự trời cho, cộng sự luôn thường trực cảm hứng, dẫn các nhà văn bước ra cánh rừng mà trở thành chuyên nghiệp. Đau đáu vì nó, như yêu, bất kì khi nào cũng suy nghĩ về thơ văn là cần và đủ tạo nên thái độ chuyên nghiệp của người viết. Còn họ có chờ hay không chờ, ngồi vào bàn hay không, kiếm ăn nuôi thân bằng nghề gì, không nói lên được điều cốt từ của tính chuyên. Không có sản phẩm chuyên nghiệp thiếu cảm hứng và không thể dùng lí trí tạo nên cảm hứng.

6.
Tôi không dám coi thường sự biết của các nhà văn khác. Song tôi cũng quan ngại khi nhiều người biết cả đấy, nhưng lờ đi vì một ý thức ngoài văn chương, nói không đúng điều đang nghĩ. Nhà văn luôn cần tính độc lập và dân chủ, ai chả biết! Song hiện tại, có hiện tượng nhà văn bị các nhà sách, các nhà báo dắt mũi họ. Có thể nói tự vài nhà văn đã thủ tiêu chính sự độc lập của chính mình.
Nền phê bình văn chương của chúng ta từ gốc rễ đang có vấn đề. Từ lâu có vấn đề vì phê bình chưa làm cho công chúng chuyển hoá theo kịp với sự phát triển của hiện trạng văn chương thế giới…
Giết tôi ngay, tôi vẫn công khai không mê, không khen những bài thơ tôi biết theo tôi là không hay. Dẫu là cả thiên hạ xưng tụng. Nhưng tôi còn biết sợ, sợ khi bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan đại nhân, được người ta biết nhiều trong thiên hạ hơn cả bài Đèo Cả của chính ông.

       Càng sợ hơn nữa khi bức tường Berlin vừa đổ, ngay tại Hà Nội giữa báo Văn bấy giờ, trong trà dư tửu hậu, có bọn có tiếng tăm định chôn cả Nguyễn Du. Họ chê bai, cười ngặt nghẽo những người làm thơ lục bát, khi mà, toàn bộ các nhà thơ, văn Việt Nam, ý thức hay vô thức, đều bị ảnh hưởng từ Nguyễn Du ít hoặc nhiều mà thôi. Tôi đã mang theo bài thơ lục bát Bờ sông vẫn gió của Trúc Thông (cùng với các bài thơ hay của bè bạn) bên những li rượu XO thơm đầm và dịu, để thay nỗi nhớ khát thèm rượu nếp lên hương, chôn xuống đất vườn đủ bách nhật. Và, chúng tôi đã bớt khóc nhờ bài thơ của Trúc Thông, mà vượt qua trăm ngàn trận bão tuyết rồi vui sống, lần hồi sống, kiếm từng đồng Đức mã để trở về. Lục bát của Trúc Thông, cũng như nhiều bài thơ truyền thống và hiện đại của nhiều thi sĩ Việt nam, tồn tại song hành bên giá sách của tôi với những tập thơ hay, hiện đại của người Đức, người Nga, Pháp và Ba Lan.

7.
Ở nước ta hôm nay văn chương đã và đang có vấn đề.
       Hiện tượng thơ Mở miệng, nhóm Ngựa trời và Bóng đè Đỗ Hoàng Diệu là "vấn đề về nhận thức thẩm mĩ" chứ chả có gì là suy thoái đạo đức cả. Chính điều đó dẫn tới cuộc tranh biện không phân thắng thua mà cũng chưa giúp ích gì cho nền phê bình văn học ở nước nhà.

      Nhận thức thẩm mĩ đang mưng mủ, tạo nên những dị bào mà thôi. Nó sẽ bị con dao mổ thời gian cắt bỏ khối u của nghệ thuật. Bởi vì sự phá phách chối bỏ truyền thống thì ở đâu cũng có, nước nào cũng có. Đề tài tình dục đã rất lâu xa xưa được văn chương đề cập. Tôi đồng ý với ý kiến của Vương Chí Nhàn khi cho rằng không chỉ cứ nói tới tình dục thì mới là rất người. Xa xôi lắm, ca dao Việt đã có “Buồn chi một nỗi tháng giêng / Con chim cái cú nằm ngiêng thở dài.” Sự mãn nguyện chất chứa tình trong thơ của Hồ Xuân Hương đưa tới mõm mòm mom cái tình của Bà chúa thơ Nôm. Ở Liêu trai chí dị bên Trung Hoa, trai gái cứ thỗn thện nói về thỏa mãn yêu. Thế giới thì vô vàn cái cảnh yêu hết mình, kể cả cảnh loạn trong những tác phẩm của Nga, như Sông Đông êm đềm. Vấn đề là nói thế nào chứ nói như ta mà để bạn đọc thấy hãi cái cảnh làm tình thì gay rồi! Ngập ngụa tinh khí, nhầy nhục bản năng đã làm cho vẻ đẹp trường tồn thấy bị ê tởm hơn là muốn ném sách xuống vào ôm choàng lấy vợ.
Vì nghệ thuật, theo tôi, nếu đề cập tới bất cứ vấn đề nào, đều phải để cảm xúc bay lên chứ đừng dìm nó xuống. Nói về dục mà thấy ghê tởm thì cần chi tới nhà văn. Viết một bài báo, trình diễn ẩn ức còn hơn! Cũng như vậy, sự khai thác hiện thực và lên án phê phán nó, độc giả không bao giờ trông chờ ở sự trình bày tự nhiên chủ nghĩa trong tác phẩm. Một tác phẩm hiện thực, khác một bài báo là ở chỗ ấy. Chính thiếu sự phân biệt này mà Nguyễn Huy Thiệp đã thất bại trong tiểu thuyết. Hai cuốn của Nguyễn Huy Thiệp gần đây bị lớp trẻ và già chê vì viết như vậy thì đọc báo còn hơn. Sự thất bại này không phải Thiệp không có tài, mà chính từ quan niệm thẩm mỹ của ông giữa tiểu thuyết và truyện ngắn có vấn đề. Tuy là nhà văn siêu hạng về truyện ngắn, nhưng khi ông đánh mắt đưa tay đong đưa với tiểu thuyết thì đã bị Thị hất ra. Người Đức có câu “Nếu như bạn tiến hành một việc mà không biết kĩ về nó, tức là ngay từ khởi đầu có khả năng  thất bại 99 % rồi.”
Sao viết tiểu thuyết lại dễ hơn truyện ngắn? Từ sự khó khăn khi thao tác truyện ngắn phải cô đọng, nay xây dựng một ngôi nhà lớn hơn, quy mô hơn, đa thanh và nhiều cung bậc diễn tả hơn lại dễ dàng hơn ư? Trong nghệ thuật, theo tôi nhận thức, mỗi một loại hình cần một thế trận riêng. Những phẩm chất có được ở lại hình này mang áp dụng cho loại hình khác là sự hiểu biết lầm lẫn. Ví dụ, những ưu thế của một nhà văn viết truyện ngắn thành công mang thủ pháp ấy sang áp dụng khi viết tiểu thuyết sẽ không đắc dụng. Mỗi một hình thái cần một thao tác thích hợp với nó. Không thể coi thao tác tiểu thuyết dễ hơn truyện ngắn và ngược lại. Sức đi của nhà văn Việt nói chung, vốn có truyền thống không dài, nay ở thể dài hơi hơn, cần công năng nhiều hơn chứ. Dung lượng ở tiểu thuyết lớn hơn, cần phẩm chất khác và do dung lượng thay đổi, dài hơn thì tất yếu nhà văn nhọc nhằn hơn; ấy là nói riêng về cơ bắp, thời gian thao tác.

8.
       Tôi luôn hỏi: Thơ, vì sao?
Vì sao Phùng Quán vịn vào thơ mà đứng dậy, còn thơ hôm nay đang có thể chỉ là cái nạng để không phải nhằm đứng dậy. Một cái nạng trước là để có danh và vô danh thì sao mà bay được. Ai bay lên với nạng? Có mà nhờ các mẹ phù thủy trong tập truyện của bà văn sĩ "Anh cuốc" thi nhân mới có thể bay trên trời với một cái nạng của những hãng nổi tiếng...
Thơ, vì sao? Dù chưa khi nào tôi là thi sĩ, là phê bình phê thơ...


Hà Nội – Berlin, 2/2007
Nguyễn Văn Thọ

(Bài đã đăng trên tuyển tập Hãy Để Chim Chóc Làm Đầy Bầu Trời, Tạp chí Người Việt Hải Ngoại xuất bản, Vancouver 2007)

-0-
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài viết)
[1]