Trang trong tổng số 41 trang (410 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

Phần thưởng cho sự cởi mở



Craig là bạn thân của tôi ở trường đại học, mỗi khi anh bước vào đâu thì y như là anh sẽ mang đến đó một luồng gió mới. Bạn nói ư? Anh ta sẽ tập trung nghe. Thế là tự dưng bạn sẽ cảm thấy mình có thua chi “anh Ba, chú Bảy” trên cơ quan. Thử hỏi ai mà chẳng quý mến một người như vậy.

Vào một ngày mùa thu chan hòa ánh nắng, tôi và Craig đang ngồi nơi góc học tập như thường lệ. Tôi lơ đễnh đưa mắt qua cửa sổ và nhìn thấy vị giáo sư của tôi đang băng qua bãi đậu xe.
“Tôi chẳng muốn gặp ông ta chút nào”. Tôi ngao ngán nói.
“Sao vậy?” Craig ôn tồn hỏi.
Tôi bèn giải thích rằng vào học kỳ trước, tôi và vị giáo sư đã “đụng độ” – Tôi không thích những ý kiến của ông và ngược lại, ông cũng chẳng ưa gì tôi.

Craig nhìn qua cửa sổ, dõi theo vị giáo sư đang bước nhanh dưới kia, phán: “Có thể anh đã suy đoán sai. Có thể chính anh là người đã quay lưng với ông ta và anh hành động như vậy chỉ vì tính cả sợ của anh. Rất có khả năng là vị giáo sư ấy nghĩ rằng anh không thích ông ta nên ông ta không tỏ thái độ thân thiện với ông. Người ta chỉ thích người nào thích mình. Nếu anh tỏ ra quan tâm đến ông ta, ông ta sẽ quan tâm đến anh. Bây giờ anh thử đi nói chuyện với ông ta xem nào!”

Những lời của Craig làm tôi bừng tỉnh. Tôi chạy vội xuống những bặc thang, lao vào bãi đậu xe. Tôi cung kính chào vị giáo sư và thăm hỏi ông về mùa hè vừa qua. Ông nhìn tôi lộ vẻ ngạc nhiên. Chúng tôi cùng nhau sánh bước ra khỏi bãi đậu xe, vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ và chắc hẳn trên kia Craig cũng đang nhìn tôi cười thầm.

Craig đã dạy cho tôi một triết lý sống đơn giản, hết sức đơn giản đến nỗi tôi chẳng bao giờ có thể tin rằng trước kia tôi chưa bao giờ biết đến nó. Như hầu hết các bạn trẻ khác, tôi cảm thấy thiếu tự tin và khi xuất hiện nơi đông người tôi luôn e dè bị người khác xét nét. Trong khi thật ra họ cũng đang cuống cuồng lên vì sợ bị xét nét. Từ đó trở đi, thay vì dò tìm sự xét đoán trong đôi mắt người đời, tôi đã nhận ra nhu cầu giao thiệp của con người, nhu cầu được chia sẻ.

Chẳng hạn, một lần nọ trên con tàu xuyên Canada, tôi đã bắt chuyện với một người mà mọi người đều lẩn tránh vì ông ta ăn nói như một gã say. Thế nhưng hóa ra ông ta vừa thoát khỏi một chứng bệnh ngặt nghèo. Trước đây ông lái tàu trên chính tuyến đường này. Chúng tôi đã chuyện trò thâu đêm và ông đã kể cho tôi nghe những khúc bí sử chôn chặt dưới mỗi nhịp đường ray: đây là thung lũng Cốt Đôi, sở dĩ nó mang tên ấy vì người ta đã tìm thấy dưới đó hàng nghìn bộ xương trâu do các thợ săn da đỏ để lại. Rồi đến huyền thoại về Big jack, một công nhân đặt đường ray gốc người Thụy Điển có khả năng nhắc bổng những thanh tà vẹt nặng đến 200 kg, và câu chuyện về người soát vé tên Mc’Donald lúc nào cũng mang theo chú thỏ tinh nghịch làm bạn đồng hành.

Khi những tia nắng đầu tiên trong ngày xuất hiện nơi chân tời, ông nắm lấy tay tôi nói:"Cảm ơn con đã lắng nghe. Người ta chẳng bao giờ chịu nghe kẻ già này". Ông ta chẳng cần phải cảm ơn, tôi cũng đã hạnh phúc lắm rồi.

Trên một góc phố sầm uất ở Oakland, Califomia, một gia đình đến từ vùng bờ biển hoang vu phía bắc châu Úc đã chặn tôi lại hỏi đường. Tôi thăm hỏi về cuộc sống của họ ở quê nhà. Thế là bên ly cà phê họ đã "thết đãi" tôi bằng những câu chuyện kỳ thú về giống cá sấu nước mặn, sống gần nhà họ, có tấm lưng to bè như cái mui xe hơi.

Mỗi cuộc gặp gỡ là cả một cuộc phiêu lưu đầy hấp dẫn, mỗi con người là một bài học bổ ích trong cuộc sống. Những kẻ giàu có, những người cùng khổ, những kẻ quyền thế và những người cô độc, tất cả đều chất chứa trong mình những ước mơ và nghi kỵ như ta.

Chúng ta đã bỏ qua nhiều cơ hội như thế rồi: một cô nàng mà mọi người đều cho là quê mùa, một anh chàng ăn vận xệch xạc - họ cũng có những câu chuyên cần phải kể. Và cũng như bạn, họ ước ao có ai đó chịu lắng nghe họ.

Đây chính là điều Craig luôn nhắc nhở tôi: trước tiên hãy tỏ ra mình thích người đó, rồi ân cần hỏi han, Rồi bạn xem, cái ánh sáng bạn soi toả lên người khác sẽ phản chiếu lên người bạn trăm lần rực rỡ hơn.


(ST)
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Dòng lệ ăn năn

Ông Ba thuộc hạng lão nông tri điền. Ông yêu ruộng đồng như yêu con mình. Nơi xứ đảo không trồng được lúa, chỉ trồng được tỏi hành. Tỏi hành trồng tận núi cao, trồng sát mép biển. Màu xanh bạt ngàn của tỏi hành lấn át mọi thứ cây trồng khác ra khỏi giang sơn của nó.

Một hôm, sớm tinh mơ lên đồng, ông sững sờ vì mấy vạt tỏi non bị nhổ. Sương mai lung linh mà lá tỏi héo queo héo quắt. Lòng ông đau thắt. Tiếc quá ông đem tỏi non về.

Tháng tám nắng nám trái bưởi. Tèo hay nghịch ngợm, chạy nhảy tưng tưng giữa trưa nắng gắt nên bị cảm nắng. Nghe tin, ông Ba lấy tỏi bị nhổ, tỉ mẩn lột bỏ lớp vỏ ngoài, rửa sạch rồi nấu cháo đem cho Tèo. Bát cháo nóng nghi ngút tỏa hương thơm, người không bệnh cũng thèm ăn đến chảy nước miếng.

Thấy ông Ba mang bát cháo tỏi sang, mắt Tèo rơm rớm. Ông Ba sờ trán Tèo, bàn tay thô ráp nhưng ấm áp lạ thường, ông bảo:

- Cháu của ông sốt cao quá. Ba má đi làm chưa về, để ông lau mồ hôi và chườm khăn ướt lên trán cho đỡ sốt.

Ông lau đến đâu Tèo nghe như có luồng điện chạy đến đó. Đôi mắt nó chớp chớp liên hồi, ươn ướt.

Rồi ông Ba lấy thìa định đút cháo cho Tèo nhưng nâng lên để xuống mấy lượt vẫn thấy nóng, liền bảo:
- Để ông thổi cho nhanh nguội, cháu gắng ăn là lành bệnh ngay. Cháo tỏi trị bệnh cảm hay lắm đấy!

Ông Ba miệng còn phì phò thổi cho cháo nhanh nguội. Không biết Tèo nghĩ gì mà bật khóc. Nó ôm chặt cánh tay ông, miệng lí nhí thú nhận điều gì ông không nghe rõ!

MAI DUY QUÝ
(Lý Sơn, Quảng Ngãi)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bạch Hổ

Hãy yêu nhau bằng những lời nói ngọt ngào



Cụm từ “anh yêu em” hoặc “em yêu anh” là một trong những từ ngữ mà thông thường chúng ta vẫn nói và nghe nhiều nhất trong tình trường và trong đời sống hôn nhân. Không chỉ bằng những lời anh yêu em, em yêu anh, những ngày đầu gặp nhau, đôi tình nhân còn có trăm cách nói để làm vui lòng nhau. Nói bằng ánh mắt, qua thư từ, điện thoại. Nói bằng tặng vật. Nói bằng những vuốt ve, những nụ hôn. Nhưng rồi với sức ép của thời gian, những căng thẳng cuộc sống, và những va chạm thường nhật đã từ từ biến thái những lời yêu đương thành thứ ngôn ngữ mà cả người nói lẫn người nghe đều cảm thấy khó nghe và khó chấp nhận.

Hồng ân của Thiên Chúa:

“Nhà cửa và của cải là gia tài để lại của người cha, nhưng người vợ khôn ngoan đến từ Thiên Chúa” (Cách Ngôn 19:14). Lời này không chỉ áp dụng cho người chồng hay người vợ, mà là cả hai. Không chỉ người vợ khôn ngoan đến từ Thiên Chúa, mà người chồng tài đức cũng đến từ Thiên Chúa nữa.

Thật vậy, nhà cửa, tài sản chúng ta có thể có, nhưng người vợ hoặc người chồng hiền đức, tư cách, và khôn ngoan không phải hễ lúc nào chúng ta muốn là có. Không phải ai muốn cũng được. Do đó, nếu Thiên Chúa ban cho chúng ta người chồng đàng hoàng tử tế, người vợ đức hạnh, duyên dáng thì đó là một hồng ân cần phải trân quí. Đánh mất ân huệ của ngài rồi mong mỏi tìm kiếm trở lại là một điều rất khó. Kinh nghiệm này chúng ta có thể thấy trong những cặp vợ chồng ly dị. Việt Nam ta có câu: “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” hay “chê thằng toét mắt, lấy thằng gù lưng”.

Theo những thống kê về đời sống hôn nhân cho biết, những người đã ly dị một lần thường là rất dễ ly dị hoặc sẽ tiếp tục ly dị những lần kế tiếp. Tiếc một điều là nhiều người sau khi ly dị đã không kiếm được người mà mình mong muốn, ngược lại, thường là ngậm đắng nuốt cay. Bởi vì hạnh phúc không đến từ bên ngoài, mà là tự nội tâm con người. Không phải là mình sửa đổi người chồng, người vợ, nhưng là sửa đổi chính mình. Thánh Phaolô đã nhìn vấn nạn này, và bằng một cái nhìn tích cực, ngài đã khuyên giáo dân Êphêsô: “Hỡi những người chồng hãy yêu thương vợ ngươi như chính mình. Hỡi người vợ hãy kính trọng chồng mình” (Eph 5:33).

Thương vợ như thương chính mình. Và như vậy phần thưởng chính sẽ là được vợ “kính trọng” lại. Thử hỏi ai mà chẳng thương mình, và ai mà chẳng o bế, và để ý săn sóc chính mình.

Nhân danh tình yêu:

Thương vợ như thương chính mình. Kính trọng chồng như coi trọng mình. Nhưng nếu không tế nhị và cẩn thận, chính khi nhân danh tình yêu mà nhiều người lại làm khổ nhau. Nhiều người thường bào chữa những lời nói sai trái của mình rằng: “Tôi chỉ muốn cho ông ấy sửa đổi thôi, nhưng thật là khó chịu và bực bội. Trăm lần như một, ông ấy không hề sửa đổi”. Hoặc: “Nói cho tức mà chừa. Vậy mà vẫn không chừa”.

Nếu để ý, chúng ta thấy ngay cái mâu thuẫn trong những câu nói đó. Có nghĩa là không phải vì thương chồng, yêu chồng, muốn sửa đổi cho chồng, mà những người vợ này đã nói năng như thế, nhưng là thương mình và yêu mình. Muốn chồng sửa đổi để mình khỏi phải bực bội hay khó chịu. Và trong những trường hợp như vậy, lời nói không những không được dịu dàng, dễ nghe mà ngược lại, mang một hình thức tiêu cực, ích kỷ, và thiếu xây dựng.

Tâm lý hôn nhân cho việc thông cảm và chia sẻ một cách cởi mở, tích cực là một hình thức tâm lý trị liệu. Nó có khả năng giải tỏa khủng hoảng trong đời sống hôn nhân gia đình. Nhưng chia sẻ và cảm thông không có nghĩa là nhiều lời. Hành động nói ở đây, do đó, được bao gồm không những bằng từ ngữ mà còn bằng chính hành động “body language” nữa.

Body language:

Thường ngày, những người chồng có thể nói tiếng “yêu” với vợ mình bằng những hành động cụ thể như giúp vợ rửa chén bát sau mỗi bữa ăn, giúp thổi một nồi cơm nếu vợ bận không làm kịp. Hoặc mỗi khi vợ đi chợ về, người chồng có thể phụ mang những thức ăn, hoặc đồ dùng giúp vợ. Đây là một cách thức cụ thể của lời nói “anh yêu em”.

Body language – nói qua hành động, còn được hiểu là một cái nháy mắt, một cái vuốt ve, một nụ hôn trên mái tóc vợ hoặc chồng. Những lời nói này chúng ta vẫn thường nói với nhau lúc mới gặp nhau, quen nhau. Nhưng đây là những lời nói có khi còn mạnh mẽ hơn bằng ngàn lời “anh yêu em” hoặc “em yêu anh” mà không thể hiện một hành động nào để minh chứng tình yêu ấy.

Ngôn ngữ:

Tiếp đến lối nói bằng từ. Có lẽ đây là lối trình bày quan niệm chung, cách riêng nữ giới hay dùng nhất. Phần đông nữ giới vẫn nghĩ rằng nói nhiều thì chồng họ sẽ thấm thía mà chừa, hoặc làm điều họ muốn. Nhưng chính vì nói nhiều quá, nên người nghe cảm thấy chán nản, bực dọc và có khuynh hướng đi tìm một sự thư giãn bên ngoài. Và do đó, vô tình nhiều người đã đẩy chồng hoặc vợ mình vào vòng tay người khác, vì khi ở ngoài, chồng hoặc vợ họ sẽ gặp những người khác ngọt ngào hơn, thông cảm hơn, tế nhị hơn.

Tóm lại, dù là nói với chồng hay vợ vẫn được coi như một nghệ thuật, cần phải để ý, tập luyện, và nhất là nói với lòng trọng kính, yêu thương người phối ngẫu. Riêng với nam giới, thái độ bình tĩnh và quảng đại luôn là một cách nói hữu hiệu nhất. Hành động bình tĩnh và lắng nghe luôn tạo điều kiện tốt cho việc cảm thông giữa hai vợ chồng.

Cuộc sống hôn nhân là một cuộc sống chung, đòi mỗi người phải nói và phải nghe nhau. Nhưng nếu nói mà không có ai nghe là độc thoại. Mà nói mà cả hai cùng nói là cãi lộn, là to tiếng. Chỉ khi nào có người nói, có người nghe lúc đó mới tạo sự cảm thông và sẽ đem lại hạnh phúc.

Khắc khẩu:

Chúng ta vẫn thường nghe nói rằng 3 năm đầu của cuộc sống hôn nhân, anh nói em nghe, hoặc em nói anh nghe. Nhưng 3 năm kế tiếp anh nói anh nghe, em nói em nghe. Và sau 3 năm ấy là những lần anh nói em không nghe mà anh cũng không nghe nhưng bà hàng xóm nghe. Hoặc em nói em không nghe mà anh cũng không nghe nhưng ông hàng xóm nghe.

Anh nói em nghe, em nói anh nghe thường được dệt bằng những lời nói tế nhị, hiểu biết và kính trọng. Những lời nói như thế được lồng vào khung cảnh yêu thương càng làm thích thú người nói và ngườii nghe. Người nói hạnh phúc vì lời mình nói được đón nghe mà người nghe ấy lại là chồng hay vợ mình. Và người nghe cảm thấy hạnh phúc, vì đó là những lời nói được nói ra do vợ hoặc chồng mình.

Anh nói anh nghe hoặc em nói em nghe, thường được dệt bằng những lời nói không đúng nơi, đúng lúc. Những lời nói thiếu nhẹ nhàng, tế nhị. Những lời nói để người nghe “nghe mà chừa”. Những lời nói làm đau lòng nhau và xoi mòn tình yêu giữa vợ chồng.

Anh nói anh không nghe, em cũng không nghe nhưng bà hàng xóm nghe. Em nói em không nghe, anh cũng không nghe nhưng ông hàng xóm nghe. Những lời nói vượt qua ràng rào và lọt vào tai những người hàng xóm. Nói như vậy không phải là nói, nhưng là chửi lộn, xào xáo, và bất hòa. Ở đây yêu tố lời nói, yếu tố khung cảnh, yếu tố âm điệu của lời nói chỉ phản ảnh sự thiếu bình tĩnh, thiếu tế nhị, và thiếu thông cảm của người nói. Đối với người nghe, thì đây là một thử thách lớn lao đối với sự bình tĩnh và tự chủ, vì những lời nói trong lúc nóng giận thường mang tính tiêu cực và thiếu xây dựng.

Người Việt Nam có câu: “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Những lời này không chỉ áp dụng cho những hình thức giao tế xã hội, ngoài công cộng. Nếu đối với người ngoài mà ta cần phải tế nhị, tôn trọng, thì đối với vợ hoặc chồng mình thì sự tế nhị và tôn trọng lại càng phải để ý hơn. Nhưng trong thực tế, người ta dễ dàng và tỏ ra tế nhị hơn với những người ngoài, ngược lại, dễ tỏ ra cộc cằn, thô lỗ, đôi khi lỗ mãng đối với vợ hay chồng mình. Và lời bào chữa cho những hành xử thiếu trưởng thành và thiếu tâm lý ấy là “đã là vợ chồng còn giữ kẽ với nhau làm gì!” Hoặc: “Vợ chồng chúng tôi luôn luôn khắc khẩu”.

Những lời nói ngọt ngào:

Tóm lại, hạnh phúc hôn nhân, hạnh phúc lứa đôi là những gì có thật và rất thật trong cuộc sống. Nụ cười, ánh mắt, bờ môi, nụ hôn. Những vuốt ve trìu mến. Những săn sóc tỉ mỷ và nhỏ mọn. Những lời tế nhị, nâng đỡ, khích lệ, và thông cảm. Tất cả chỉ để nói lên hai chữ “yêu em” hoặc “yêu anh”. Và từ những lời nói ấy mà đời sống hôn nhân tìm được ý nghĩa và hạnh phúc.

(sưu tầm)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Dọn Rác Đạo Đức - Spa Lương Tâm

1. Ở các điểm dừng, các ngã tư thành phố… ta thường bắt gặp hình ảnh các tiếp thị viên phát tờ rơi quảng cáo về một sản phẩm hoặc dịch vụ gì đó cho khách đi đường. Khi nhận những tờ rơi, khách đi đường thường có những thái độ sau: Một số rất ít cầm lấy, liếc qua rồi nhét vào túi; còn lại đa phần là không quan tâm, thản nhiên chạy xe đi, mặc cho tờ giấy ấy rơi rớt dọc đường, thậm chí có người còn vội chụp lấy tờ giấy và quăng ngay xuống đường cho khỏi vướng.

Thái độ “xả rác” của số đông này, ngoài việc xấu là xả rác nơi công cộng theo nghĩa đen, còn là một hành xử thiếu lịch sự nếu không nói là kém đạo đức.

Những nhân viên tiếp thị  - đa phần là sinh viên học sinh, những người thu nhập thấp, cần việc làm thời vụ để kiếm những đồng tiền ít ỏi -  ắt không khỏi có cảm giác bị coi thường, hất hủi… trước hành xử rất khiếm nhã của đồng bào mình.

Hãy thử một phút đặt mình vào vị trí những nhân viên tiếp thị ấy để thông cảm, để thương yêu… mà không nên có những hành xử vô tình gây tổn thương – dù rất nhẹ - đến tâm lý người khác. Có tốn công gì nhiều đâu khi ta mang những tờ rơi ấy bỏ vào thùng rác nhà mình.

Làm được như thế, không chỉ là tránh khỏi hai việc nhỏ là xả rác nơi công cộng và không làm tổn thương, gây khó chịu cho người khác mà còn mang đến một lợi ích lớn hơn nữa là nhắc nhở ý thức yêu thương, thông cảm, trân trọng người khác trong chính con người của ta, tự làm cho ta trở nên văn minh hơn, từ ái hơn.

Ai cũng mong muốn mình trở thành một người tốt hơn, nhưng lại không biết chú ý  tự làm cho mình tốt hơn từ những việc nhỏ nhặt nhất mà mình có điều kiện và khả năng làm dễ nhất.

2. Đi xe buýt, có nhiều người đã ngồi vắt vẻo trên ghế rất thoải mái rồi, nhưng khi nhân viên bán vé đến thì bị họ đưa cho mấy mảnh tiền lẻ nhàu nhò với thái độ rất vênh váo và người bán vé phải vất vả kéo xếp lại mấy mảnh tiền kia trong tư thế ngã tới ngã lui vì xe chạy.

Tại sao khi ta đã được ngồi yên, tay chân rất rảnh, ta làm cái việc kéo xếp mấy tờ tiền kia cho thẳng thớm sẽ dễ dàng hơn người bán vé (phải đứng chông chênh suốt ngày trên xe) mà ta hổng làm giúp họ?
Vừa là một hành xử văn hóa khi đưa tiền cho người một cách tử tế, vừa là cách thể hiện lòng cảm thông, giúp người của ta.

Chuyện hết sức nhỏ nhặt như thế, nhưng nếu biết chú tâm thì dù chuyện nhỏ, lâu ngày sẽ hình thành dần một tính cách lớn, đó là sự tôn trọng và lòng biết cảm thông, chia sẻ nỗi cực nhọc của người khác.

Làm được những việc nhỏ như thế, ngoài việc đem lại lợi ích cho người, trước tiên là đem lại lợi ích cho ta, ta tự nâng mình lên với những hành xử có tính nhân văn nhẹ nhàng tinh tế như thế.

3. Khi ăn uống ở một quán ăn, nhà hàng nào đó, nghĩ rằng ta có quyền ăn uống xả rác bày bừa bãi trên bàn, quanh khu vực ta ngồi vì ta đã trả tiền cho phí phục vụ, và sẽ có hầu bàn dọn dẹp, nên nhiều người đã hết sức “hoang dã” xả rác, làm dơ bẩn hết ga: Nhai và nhổ thức ăn thừa, quăng bừa hoặc trưng ra trên bàn một cách hết sức thoải mái.
Sao ta không nghĩ rằng cái mẫu thức ăn do chính ta thải ra mà nếu ta tự tay nhặt nó lên dọn đi thì ta cũng gớm rồi, huống là người khác. Hoặc khi ta đứng lên nhìn chén muỗng chỏng chơ tá lả trên bàn, chỉ cần một vài thao tác rất nhỏ, không mấy tốn công sức như: để cái muỗng lật ngang kia vào cái chén, đẩy hai chiếc đũa nằm góc 40 độ kia xếp lại kề nhau trước khi ta đứng lên để “quang cảnh” bàn tiệc dòm bớt “hoang tàn đổ nát” một chút.

Đó vừa là hành động chứng tỏ đẳng cấp văn hóa, vừa là tấm lòng nghĩ đến người phải dọn dẹp cho ta. Thế nhưng có người lại nghĩ rằng bắt người khác phục vụ mình càng nhiều thì càng chứng tỏ mình sang trọng. Dù là mình đã trả tiền để được phục vụ, nhưng chớ vì thế mà “đày đọa” người khác cho “đáng đồng tiền bát gạo”.

Khi có thể bớt được điều gì có thể bớt, để không phải làm người khác vất vả vì mình thì ta nên bỏ chút công sức thừa thải của mình để bớt việc cho người khác. Đó là cách ta làm đẹp cho lương tâm mình.

Ta luôn chú ý làm đẹp hình thức bên ngoài mà không quan tâm đến chuyện làm đẹp cho lương tâm mình. Một vài động tác tự “chăm sóc” nhỏ thôi như thế nhưng cũng sẽ giúp mình như đi spa cho lương tâm vậy.

THU NGUYỆT
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

mây langthang

Đến với anh chị những lời chúc tốt đẹp nhất và đằm thắm nhất trong năm mới Con Mèo này
Chỉ còn mây lang thang
Về đâu ,về đâu nhỉ ?
Trái đất này rộng mở
Sao chẳng chốn dừng chân !
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Xuân mới, em kính chúc anh Đồ Nghệ và bạn Phượng Hoàng Lửa cùng các cháu luôn vui, khoẻ, hạnh phúc và có thêm nhiều thơ hay nhé!

Thơ mãi xuân
         và tình người mãi trẻ
Vợ dịu dàng
        chồng mạnh mẽ
                    toả hương
Bạn bè gần xa
          yêu mãi nhé!
Đời mãi tươi
           rực rỡ vạn ánh dương...
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cafe_coc

CÀ PHÊ CHỦ NHẬT _ TRÊN TAY CÓ ĐÁ._

http://inlinethumb45.webshots.com/44652/2945361880098439191S500x500Q85.jpg

Buổi sáng Chủ Nhật, dân xóm hay nhậu ngày thứ Bảy, sáng dậy sớm hok nỗi nên quán vắng như chùa Bà Đanh. Buồn tình pha ly cà phê đá, quơ lấy tờ báo Tuổi Trẻ thấy cái mục Cà phê Chủ Nhật, Nguyễn Ngọc Tư viết bài “Trên tay có đá”. Khoái con nhỏ này, đọc chơi...

Trên một ngọn núi cao lêu đêu đứng khều mây, có ông thầy.

Lần đầu tới chơi, thầy kêu bỏ mấy cục đá xuống cho rảnh tay múc giùm ta gàu nước. Bạn cãi ủa con có cầm đá gì đâu. Thầy cười, khi nãy con định ném đá cho bể đầu ông xe ôm dưới chân núi mà. Tại thằng cha đó lấy tiền công mắc quá, mới chạng vạng mà tính giá gấp đôi lúc ban ngày, bạn ngoáy cái miệng phân trần. Thầy lại cười, mấy chục ngàn đó cũng còn rẻ, vì chở con là chở theo một đống đá, nặng lắm chớ đâu phải chơi.

Giọng thầy không có chút cà rỡn nào, làm bạn ngờ ngợ ngờ ngợ ngờ ngợ miết. Không nén được, bạn xoè tay ra coi và thật kỳ lạ, bạn thấy trên tay mình thiệt tình là có đá. Thiệt tình là bạn đang lăm le chực chờ ném vào người khác, giống hệt cái cách người đời hăng hái ném nhau.

Bạn về nhà rồi, chuyện mấy cục đá cũng lẽo đẽo theo về, đeo bám dai dẳng. Đôi khi bạn bĩu môi lườm nguýt ai đó… mà thấy rõ ràng mình vừa ném đá vào người ta. Đôi khi viết một đoạn chữ mà thấy lổn nhổn nặng nề như đá. Đôi khi chỉ nói nữa câu mà thấy người nọ rúm ró vì đau. Ném đi rồi thấy sướng phút đó, hể hả phút đó nhưng dường như người không nhẹ bớt, vì cục đá thiên hạ ném trả bạn nhặt lấy mang theo bên mình, rình chờ cơ hội chọi lại.

Những hòn đá đó không bao giờ rơi xuống đất, bởi không người này cất người kia cũng cầm. Vì nó mà mình đau nhưng người ta vẫn giữ gìn để tiếp tục làm đau người khác, hòn đá được ném đi ném lại trong một hành trình sát thương không ngơi nghỉ. Sách nói vậy. Sau này, bạn nghiền ngẫm sách thiền các loại, bạn nghiên cứu kinh Phật, kinh Thánh, kinh Coran… Bạn cố không lẫn lộn giữa chê bai và lăng mạ, giữa phê bình và đạp đổ, giữa gièm pha và hạ nhục… để nếu có ném đi thì chỉ là những hòn đá con con. Thấy chưa ăn thua, bạn hay lên núi nói chuyện với ông thầy học cách làm sao bỏ đá khỏi tay. Ông thầy cười nói phải có cách nào thì ta đâu có bỏ chạy lên đây, ở một chỗ chỉ có mây và một vài nhà hàng xóm. Ít người lại qua, ít va chạm, ít thị phi thì đở phải ném đá nhau…

Nhưng bạn ở một chỗ nào? Chỗ mà sáng sớm dừng ở đèn đỏ có kẻ chạy xe lấn đường xước cả tay bạn. Chỗ mà sáng sớm phát hiện ra chị kia thản nhiên cân thiếu. Chỗ mà sáng sớm anh cảnh sát giao thông ngoắc bạn lại kiếm tiền lót tay. Chỗ mà sáng sớm mở trang báo thấy bao nhiêu chuyện nát lòng: chó nhà giàu cắn chết người nghèo, mẹ ngược đãi con, chồng giày vò vợ… Chưa hết, biển thông tin đưa bạn tới gần những sự thật, ở đâu đó người ta đào bới tận diệt thiên nhiên. Ở đâu đó có những đứa trẻ bị đẩy ra đường phơi mưa nắng kiếm tiền khi vẫn còn ẵm ngửa. Ở đâu đó có những người phụ nữ bị bán mua rẻ mạt…

Bạn nghe bốc lửa lên đầu, giận đầy ứ họng. Căm. Uất. Ngột ngạt. Nghe đá ở đâu bỗng chất oằn cả người, kẻ thủ ác mà đứng trước mặt bạn dám ném cho họ chết lắm. Nhưng đó là “ở đâu đó…”, giờ chuyện xãy ra ngay ở quê hương bạn, cách chỗ bạn ở chỉ hai mươi cây số. Nghe đâu, coi bản tin thấy hai vợ chồng trẻ người mà tàn ác, man rợ, nhục hình tra tấn thằng nhỏ làm công mà tỉnh bơ như thở, như ăn, có một bà già quê đập bể tivi rồi xách dầm xuống xuồng bơi đi “đi đánh hai đứa ác ôn đó coi tụi nó biết đau không?”.

Như thể hết cách rồi, đá phải được đáp trả bằng đá. Bạn giận mình sao không được như bà già đó. Những cuốn sách về nghệ thuật buông bỏ, hạn chế sân hận, trải rộng tình thương… đã trở nên vô nghĩa.

Không thể buông bỏ ở cái thời thế còn ngổn ngang này. Đến cha mẹ mà tàn tệ với con, không phải loạn thì là cái gì. Ông thầy trên núi gọi điện thoại xuống, nói ông coi tivi rồi. Lặng đi giây lát, ông nói “ta thấy sợ…”. Ông thấy sợ vì tôn giáo mà ông đeo đuổi làm sao cứu rỗi được người đã đánh mất chất người. Còn bạn sợ vì luật pháp làm sao cải tạo, thay đổi được người mà không phải người. Sách nói không có gì là rác hết, bạn đã từng tin vậy nhưng giờ chê sách xạo, thiệt tình.

Tội ác biết đâu nảy sinh từ những cú ném đá lặt vặt nhỏ nhít mà người ta không nhận ra. Cho đến một ngày…
Sự thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ơi, cặp ba lá...



SGTT.VN - Khi tôi trở thành thiếu nữ, cặp ba lá đã biến mất tự hồi nào. Nhưng mẹ thì vẫn “son sắt” với cặp ba lá, với một niềm tin bất di bất dịch về lẽ yêu thương.

1 - Khi còn là một cô bé con, tôi luôn mong ước có mái tóc dài giống mẹ. Tóc mẹ mềm mượt, óng ả, kẹp gọn gàng sau gáy bằng một chiếc cặp ba lá. Thỉnh thoảng, khi nhìn mái tóc ngắn cũn cỡn của mình trong gương, tôi lại ước ao có ngày tóc tôi sẽ dài ra như tóc mẹ để tôi có thể tết đuôi sam và mang cặp ba lá. Nhưng tóc cứ dài ra được một chút là mẹ lại cắt cụt đi. Đôi lần tôi ấm ức, tỏ vẻ không muốn cắt tóc, mẹ liền dỗ dành: “Khi nào con lớn, con tự chăm sóc được đầu tóc của mình thì mẹ cho để tóc dài”. Bố đi công tác xa nhà biền biệt, mình mẹ một nách hai đứa con nghịch như quỷ sứ, lại phải trực đêm trực hôm trong bệnh viện, mẹ chẳng còn thời gian để chải chuốt, thắt nơ tết tóc cho con gái nên cách tốt nhất là cắt ngắn nó đi!

Khi tôi trở thành thiếu nữ, cặp ba lá đã biến mất tự hồi nào. Thỉnh thoảng mới thấy một vài phụ nữ nông thôn bán rau ngoài chợ còn mang nó. Con gái thành phố bây giờ chẳng ai còn dùng cặp ba lá. Khi được hỏi về chiếc cặp tóc đặc biệt này, đám thiếu nữ ngơ ngác không biết nó là cái gì. Và nếu có biết, đương nhiên họ sẽ chẳng bao giờ cặp lên tóc mình cái thứ trang sức giản dị, quê mùa ấy. Tôi hết để tóc thề ngang vai lại chuyển sang tóc tém đơmi-gacson đi kèm băngđô đủ màu sặc sỡ. Nhưng mẹ thì vẫn “son sắt” với cặp ba lá. Từ thời mẹ còn là con gái, đến khi lấy chồng, sinh con và bây giờ trở thành bà ngoại, chiếc cặp ba lá vẫn không rời mái tóc mẹ…

2 - Mẹ lấy chồng năm 18 tuổi. Bố mẹ chồng mất sớm, chồng đi bộ đội, mẹ một mình ở nhà làm ruộng nuôi dạy hai cô em chồng nhỏ hơn mẹ năm – bảy tuổi. Làng quê nghèo khó, quanh năm mất mùa, mẹ và cô em lớn rủ nhau lên Hà Nội tìm việc. Hai cô thôn nữ tuổi mười tám, đôi mươi vừa đi làm vừa học bổ túc văn hoá. Trong tấm ảnh đầu tiên trong đời chụp ở Hà Nội, hai chị em ôm nhau cười rất tươi, khi đó, cô tôi đã kịp uốn tóc phidê tân thời, còn mẹ vẫn kẹp tóc bằng cặp ba lá. Sau rất nhiều thăng trầm, đổi thay của cuộc đời, cô tôi phải một mình nuôi con khi chồng hy sinh ngoài mặt trận. Cô không còn là cô thôn nữ nhút nhát ngày nào nữa, ít nhất là khi nhìn cái vẻ ngoài sang trọng, giàu có của cô. Nhưng mỗi lần cô đến nhà thăm bố mẹ tôi, tôi lại nghe cô và mẹ nhắc lại cái ngày xưa nghèo khó ra đồng bắt cua, mót lúa. Rồi cô khóc khi nhắc đến chồng cô: “Giá mà anh nhà em còn sống, ngày xưa anh ấy chịu khổ nhiều quá…” Nước mắt chưa khô, cô đã quay sang căn vặn mẹ: “Sao bây giờ mà chị còn mặc cái áo này, cái áo lông em mua ở Đức cho chị đâu không mang ra mặc?” Mẹ cười hiền lành: “Có đi tới đâu mà áo lông với áo dạ! Thế này là tốt chán rồi. Ngày xưa ở nhà quê có mỗi cái manh áo đụp thì sao?”

Có lần, nhân ngày 8.3, tôi mua tặng mẹ một chiếc cặp tóc màu xanh gắn đá lấp lánh. Mẹ ngắm nghía trong gương một lúc rồi gỡ cái cặp ra: “Thôi, già rồi còn làm dáng thế này, người ta cười cho!”, và kẹp tóc lại bằng chiếc cặp ba lá quen thuộc. Ngày cưới của tôi, mẹ diện áo dài tím nền nã, tóc vấn lên bằng cặp ba lá. Nhìn mẹ thuần phác, trang nhã đến mủi lòng! Trong tấm hình chụp chung trong ngày cưới của tôi, mẹ và cô tôi vẫn ôm nhau cười tươi. Cô búi tóc bằng một chiếc cặp nơ óng ánh kim sa, mẹ vẫn giản dị với cặp ba lá. Tóc của hai chị em đều đã ngả bạc và thưa đi nhiều…

3 - Sinh ra và lớn lên ở thành phố, tôi gắn bó với quê nhà và cảm nhận về gốc gác của mình qua những câu chuyện của cha mẹ, của các cô. Trong hồi ức của họ, tôi thấy bóng dáng của những người nhà quê chân chính, như ông nội tôi, sẵn sàng chia sẻ chút thóc ít ỏi còn sót lại cho những người hàng xóm đang lả đi vì trận đói năm 45; như ông ngoại tôi, goá vợ khi còn rất trẻ, cả đời không đi ra khỏi luỹ tre làng mà vẫn một mình nuôi dạy đàn con nên người bằng những triết lý giản đơn như củ khoai, củ sắn…

Tôi luôn cho rằng, chỉ những chuyến đi xa mới giúp con người ta nhìn ra những điều cao cả, phi thường, giúp người ta vượt lên trên những điều vụn vặt, tầm thường trong đời sống thường nhật. Tôi luôn mơ về những chặng đường dài, luôn tìm kiếm những trải nghiệm về sự mênh mông vô định trên đại dương, luôn tìm cách xác tín những niềm tin rạn nứt… Mẹ cũng như ông ngoại, mẹ chẳng đi đâu xa khỏi ngôi nhà của mình, cũng chẳng biết đến những khái niệm trừu tượng như “trải nghiệm sự vô định” hay “xác tín niềm tin”, nhưng mẹ biết cách nắm lấy tay bà lão ăn xin đứng thập thò ngoài cửa và hỏi chuyện rất chân thành. Mẹ luôn đầy lòng trắc ẩn với những người nghèo khổ. Không cần đi khắp thế gian, cũng chẳng cần tìm cách thoát ra khỏi đời sống thường nhật tẻ nhạt, mẹ vẫn luôn nhìn thấy những điều cao cả, đẹp đẽ quanh mình.

Hơn năm mươi năm nay sống ở thành phố, dường như chưa bao giờ những thói quen kiểu cách thị thành ngấm vào mẹ. Mẹ vẫn giữ được vẻ thuần phác, hiền lành, quê mùa ngày trước. Mẹ vẫn tự tay may vá quần áo và dùng chiếc cặp ba lá để luồn lại chun quần cho lũ cháu nội, ngoại. Đôi lần đưa mẹ đi chơi phố, thấy mẹ ngơ ngác như cô thôn nữ lần đầu ra thành phố. Trên phố, mẹ luôn khiêm nhường nép vào một bên nhường chỗ cho mọi người hối hả vượt lên. Vào nhà hàng buffet, mẹ lúc nào cũng chỉ chọn ngô, khoai và mấy món ăn dân dã. Sang trọng không làm mẹ choáng ngợp, nghèo khổ không làm mẹ khinh thường. Mẹ sống với cái triết lý “ở hiền gặp lành”, “đói cho sạch, rách cho thơm” mà ông ngoại dạy bảo và cả đời cứ theo lẽ sống đó. Mẹ có một niềm tin bất di bất dịch: yêu thương là cho đi mà không mong nhận lại điều gì! Và chưa bao giờ mẹ phải băn khoăn tìm cách xác tín lại điều này.

Bao nhiêu năm nay, tôi cứ ngỡ mình trưởng thành nhờ những chuyến đi học xa nhà, từ những cuộc viễn du đầy ắp những điều kỳ ảo… nhưng thực ra, tôi trưởng thành từ chính cái “nhân cách nhà quê” mộc mạc đầy tự trọng của mẹ!

Lưu Hương
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tiểu Thanh Đình

Nhân ngày lễ Tình yêu xin gửi đến một câu chuyện rất cảm động sưu tầm trên net;

Chúc toàn thể các anh chị em trên thi viện có một ngày lễ đầy ý nghĩa và hạnh phúc:


Tấm thiệp Lễ tình nhân

Tỉnh giấc nửa đêm vì tiếng chuông điện thoại, tôi không khỏi khó chịu bởi sự quấy rầy của ai đó. Hóa ra người ấy là bố tôi, ông cụ sống tại trại dưỡng lão ở phía nam Georgia. Giọng ông nài nỉ khẩn trương: “Con phải giúp bố việc này, ngày mai xuống Miami... làm như thế... như thế...”. Ông dặn đi dặn lại: “Việc gấp lắm, không được chậm trễ... nhớ câu cú thật tình tứ, nét chữ khỏe, thẳng và hơi tròn”.

Sáng sớm, gọi điện đến công ty xin nghỉ rồi vội vã lái xe vượt hơn trăm dặm để thực thi cái việc mà bản thân tôi chỉ hiểu mù mờ. Nhưng tôi tin ở bố, mọi điều ông làm đều trong sáng và thiết thực.
Một tháng sau lên trại thăm bố, tôi mới được nghe kể tường tận câu chuyện...

Ở trại có cụ bà Maria nhiều năm không có người thân thích nào thăm viếng. Gần đây cụ lú lẫn và yếu lắm, ngày về nước Chúa đã kề... Chẳng biết ký ức thuở xưa nào trở lại trong trí óc khi tỉnh khi mê mà cụ hay lôi ra một tập ố vàng vừa thư vừa thiệp khoe khắp mọi người: “Của Paul gửi đấy, anh ấy tình cảm và chu đáo lắm...”. Cụ lại hỏi ngày tháng rồi lẩm bẩm một mình: “Sắp đến lễ Valentine rồi sao chưa thấy gì nhỉ, thường thì mình vẫn nhận được thiệp trước lễ hai ba ngày...”.

Sáng 14-2. Sau bữa điểm tâm, các cụ đông đủ tại phòng sinh hoạt. Một nhân viên bưu điện xuất hiện với bó hoa đỏ thắm: “Ai là cụ Maria? Xin nhận hoa và thiệp”. Bà cụ hồ hởi hẳn lên, cố rướn người trên xe lăn ôm bó hoa vào lòng, rồi run run cầm tấm thiệp lật qua lật lại. Gắng chút hơi tàn cụ thều thào trong miệng: “Đúng dấu bưu cục Miami... Tôi đã bảo mà, anh Paul chẳng quên đâu...”.

Cụ nhờ cô điều dưỡng đọc lớn nội dung cánh thiệp như thể muốn mọi người cùng chia sẻ: “Maria của anh! Nhân lễ Thánh Valentine, anh gửi tới em niềm yêu thương vô bờ. Trong lòng anh, em mãi mãi là người tình thủy chung, xinh đẹp...”. Nhiều cụ ông cụ bà lau vội giọt nước mắt hiếm hoi...

Tối hôm ấy cụ Maria trút hơi thở cuối cùng. Những người kề cận lúc cụ lâm chung nói rằng cụ ra đi thanh thản, trên khuôn mặt nhăn nheo còn vương vất một nụ cười mãn nguyện... và vẫn ôm ghì bó hoa tươi. Người ta tìm thấy trong mớ giấy tờ của cụ mảnh báo cũ từ 50 năm trước, viết về một con tàu đánh cá mất tích ngoài khơi Florida giữa cơn dông bão. Trong số sáu người vĩnh viễn không trở về có một chàng trai tên Paul Fisher...

Theo TuoiTreOnline
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

Cuốn sách và giỏ đựng than

Có một câu chuyện kể rằng tại một trang trại ở miền núi xa xôi, miền Đông bang Kentucky, có một ông cụ sống với người cháu của mình. Mỗi buổi sáng, ông cụ đều dậy rất sớm để đọc sách. Có những cuốn sách ông đã đọc nhiều lần, đến mức cuốn sách sờn cũ, nhưng lúc nào ông đọc cũng say mê và chưa một buổi sáng nào ông quên đọc sách.

Cậu cháu trai cũng bắt chước ông, cũng cố gắng mỗi ngày đều ngồi đọc sách. Rồi một ngày, cậu hỏi ông:

- Ông ơi, cháu cũng thử đọc sách như ông, nhưng cháu không hiểu gì cả. Hoặc là có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại là cháu quên ngay. Thế thì đọc sách có gì tốt đâu mà ông đọc thường xuyên thế ạ...

Ông cụ lúc đó đang đổ than vào lò, quay lại nhìn cháu và chỉ nói:

- Cháu hãy đem cái giỏ đựng than này ra sông và mang về cho ông một giỏ nước nhé!

Cậu bé liền làm theo lời ông, dù rằng tất cả nước đã chảy ra hết khỏi giỏ trước khi cậu bé quay về đến nhà.

Nhìn thấy cái giỏ, ông cụ cười và nói:

- Nước chảy hết mất rồi! Có lẽ lần sau cháu sẽ phải đi nhanh hơn nữa!

Rồi ông bảo cháu quay lại sông lấy một giỏ nước.

Lần này cậu bé cố chạy nhanh hơn, nhưng lại một lần nữa, khi cậu về đến nhà thì cái giỏ đã trống rỗng. Thở không ra hơi, cậu nói với ông rằng “đựng nước vào cái giỏ là điều không thể”, rồi đi lấy một chiếc xô để múc nước. Nhưng ông cụ ngăn lại:

- Ông không muốn lấy một xô nước. Ông muốn lấy một giỏ nước cơ mà! Cháu có thể làm được đấy, chỉ có điều cháu chưa cố hết sức thôi!

Rồi ông lại bảo cháu ra sông lấy nước. Vào lúc này, cậu bé đã biết rằng không thể đựng nước vào giỏ được, nhưng cậu muốn cho ông thấy rằng dù cậu chạy nhanh đến đâu, nước cũng sẽ chảy hết ra khỏi giỏ trước khi cậu về đến nhà. Thế là cậu bé lại lấy nước, lại chạy nhanh hết sức, và khi về đến chỗ ông, cái giỏ lại trống rỗng.

- Ông xem này - Cậu bé hụt hơi nói - Thật là vô ích!

- Cháu lại nghĩ nó là vô ích ư... - Ông cụ nói - Cháu thử nhìn cái giỏ xem!

Cậu bé nhìn vào cái giỏ, và lần đầu tiên, cậu bé nhận ra rằng cái giỏ trông khác hẳn ban đầu. Nó không còn là cái giỏ than đen bẩn nữa, mà đã được nước rửa sạch sẽ.

- Cháu của ông, đó là những gì diễn ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ được mọi thứ, nhưng khi cháu đọc, sách sẽ thay đổi cháu từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy.
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 41 trang (410 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] ... ›Trang sau »Trang cuối