Trang trong tổng số 3 trang (25 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Làm sao chống lạnh đây

 Nho giáo đề cao đạo thầy trò tới mức đặt thầy trên cha trong thứ bậc Quân Sư Phụ. Triều đình nhà Đường cũng vậy. Sử sách chép khi Lý Thế Dân còn là Tần vương, được Đường Cao tổ Lý Uyên đón Trương Phục Dận làm khách dạy cho kinh sử. Sau Thế Dân lên ngôi, có lần đãi yến quần thần ở hồ Nguyệt Trì, đắc ý hỏi Trương Phục Dận rằng “Như đệ tử ngày nay thì thế nào?”. Phục Dận tâu “Xưa đức Khổng tử có ba ngàn học trò mà kẻ được vinh hiển chẳng một ai được phong tới tước tử tước nam, thế mà thần tán trợ một người liền trị vì thiên hạ, cứ kể cái công của thần, còn vượt cả đức Tuyên thánh”, Thái tông nghe nói liền cười. Xem câu chuyện trên đủ biết các ông vua khai sáng triều đại đều trọng đãi kẻ sĩ đồng thời trọng vọng người thầy, nên Phục Dận mới dám đùa cợt với Đường Thái tông kiểu ấy. Thế nhưng nhiều người trong đám hậu duệ của Đường Thái tông lại coi ông thầy là hạng đầy tớ, nên giai thoại thơ Đường còn ghi lại câu chuyện không cười nổi về trường hợp Tiết Lệnh Chi.

Lệnh Chi là người Trường Khê đất Mân, thi đậu Tiến sĩ. Trong niên hiệu Khai Nguyên (713 - 741) đời Huyền tông, Lý Hanh (sau là Đường Túc tông) làm Đông cung Thái tử, Lệnh Chi được lấy hàm Hữu Bổ khuyết kiêm Đông cung Thị giảng thay cho Hạ Tri Chương lúc ấy từ chức Hữu Thứ tử thăng làm Thái tử Tân khách sung Bí thư giám. Thời bấy giờ quan lại liêu thuộc ở phủ Đông cung lương bổng rất đạm bạc, nên Lệnh Chi làm một bài thơ Tự điệu (Tự xót thương) như sau:

Triêu nhật thượng đoàn đoàn,
Chiếu kiến tiên sinh bàn.
Bàn trung hà sở hữu?
Mục túc trường lan can.
Phạn sắc thời nan quán,
Canh hy trợ dị khoan.
Vô dĩ mưu triêu tịch,
Hà do bảo tuế hàn.
(Mặt trời lên ngày ngày,
Chiếu vào mâm của thầy,
Trong mâm có những gì?
Rau muống cọng dài dài.
Cơm cháy thìa khôn vét,
Canh suông đũa đỡ rầy.
Chẳng đủ lo hai bữa,
Làm sao chống lạnh đây).

Kể ra một nhà nho làm thầy, lại là thầy của Đông cung mà đến nỗi phải công khai than thở bất chấp nguyên tắc sống quân tử ăn chẳng cần no như vậy thì quả là triều đình Đường Minh hoàng trả lương cho giáo viên tệ thật. Nhưng tệ hơn nữa là khi Lệnh Chi trình bài thơ ấy cho Lý Hanh xem, thì gã học trò này hoặc là dốt, hoặc là hỗn, hoặc là cả hai, lại đã không giúp đỡ hay cảm thông cho thầy mà còn lên giọng cháu nội trời (vì chưa phải là con trời) phê vào bên cạnh bài thơ của ông bốn câu rất hách:


Trác mộc khẩu chủy trường,
Phượng hoàng vũ mao đoản.
Nhược hiềm tùng quế hàn,
Nhiệm trục tang du noãn.
(Gõ kiến lo ăn không ngắn mỏ,
Phượng hoàng chuộng đẹp chẳng dài lông,
Cung son nếu ngại đời heo hút,
Quê cũ về đi khỏi lạnh lùng).


Lệnh Chi đọc xong bài thơ của Lý Hanh, bèn cáo bệnh từ chức về quê. Đến niên hiệu Càn Nguyên (758 - 759) Túc tông đánh dẹp loạn An Lộc Sơn, Sử Tư Minh mới thấm thía về công ơn của các ông thầy, bèn tặng Hạ Tri Chương hàm Thượng thư bộ Lễ và triệu Tiết Lệnh Chi ra làm quan, song lúc bấy giờ thì ông này đã chết.


Chẳng cần bình phẩm nhiều hơn về bài thơ của Lý Hanh, vì nghĩ cho cùng đó cũng chỉ là sự hỗn láo tầm thường của một gã hoàng tử quen coi người như rác. Điều đáng nói là trong bài thơ giống như kêu ca về sự đói ăn rất đỗi tầm thường kia, dường như Tiết Lệnh Chi còn bộc lộ nỗi lo lắng về thời sự thông qua dự cảm cho một tương lai về nhân cách. Là một nhà nho, ông cũng muốn giữ khí tiết cao thượng bất chấp gian khổ như lời Khổng tử “Tuế hàn nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã” (Mùa lạnh tới mới biết cây tùng cây bách tàn tạ sau cùng), song là một con người, ông cũng thấy ý chí ấy nơi mình cứ mỏi mòn qua nhiều tháng ngày giữa thời bình mà chẳng đủ lo hai bữa. Hơn thế nữa, một ông thầy dạy học cho Thái tử trong thời bình mà lại lo lắng về việc làm sao chống lạnh, thì cái mùa lạnh An Lộc Sơn - Sử Tư Minh kia quả đã chớm tới trong lòng những kẻ sĩ phục vụ cho Đường triều đương thời rồi. Ở đây, lối đãi ngộ và đối xử với trí thức - người thầy của chính quyền Đường Minh hoàng chính bộc lộ sự suy thoái về cả khả năng tổ chức lẫn đạo đức chính trị của nó. Cố nhiên, những ngày tháng bôn ba đánh dẹp để gìn giữ ngai vàng cũng đem lại cho Đường Túc tông Lý Hanh một nhận thức khác trước về các ông thầy, song như người ta đã thấy, sau loạn An Sử thì nhà Đường không còn khả năng giữ gìn ngôi báu một cách chủ động nữa. Bởi vì chưa nói tới những tổn thất và khó khăn về kinh tế - xã hội, chỉ trên phương diện văn hóa - giáo dục thì ngay trong lối tôn trọng trên danh nghĩa và vụ lợi đối với trí thức - người thầy như vậy, nhà Đường sau loạn An Sử cũng đã là một chính quyền không có tương lai.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Một thời làm khách nay về lại
 
Thôi Nguyên Lượng tự Hối Thúc, người Từ Châu, sinh năm Đại Lịch nguyên niên (766). Năm Trinh Nguyên thứ 19 (803) triều đình mở khoa Hoằng từ cho những người đã đậu Tiến sĩ và làm quan thi, lấy bốn người là Nguyên Chẩn, Lã Quế, Vương Khởi, Bạch Cư Dị đậu hạng Bạt tụy, bốn người là Lý Phục Lễ, Lã Tần, Kha Thư Viên, Thôi Nguyên Lượng đậu hạng Bình phán. Nguyên Lượng đậu sau rốt, có thơ tự vịnh như sau:

Nhân gian bất hội vân gian sự,
Ưng tiếu Bồng Lai tối hậu tiên.
(Người đời dốt chuyện trên tiên giới,
Cứ nhạo Bồng Lai tiên đứng sau).

Năm Trường Khánh thứ 3 (823) triều đình cử Bạch Cư Dị làm Thứ sử Hàng Châu, Nguyên Chẩn làm Quan sát sứ Chiết Đông lãnh Thứ sử Việt Châu, Thôi Nguyên Lượng làm Thứ sử Hồ Châu (tức khu vực quận Ngô Hưng nước Ngô thời Tam quốc), Bạch Cư Dị nhân đó làm thơ đùa Nguyên Lượng rằng:

Việt quốc phong cương thôn bích hải,
Hàng Châu lâu các nhập thanh thiên.
Ngô Hưng ty tiểu quân ưng khuất,
Vị thị Bồng Lai tối hậu tiên.
(Đất Việt cõi bờ gom biển lớn,
Châu Hàng lầu gác vút trời cao.
Ngô Hưng nhỏ mọn anh nên nhịn,
Chỉ bởi Bồng Lai tiên đứng sau).


Khoảng đầu niên hiệu Thái Hòa (827 - 835) Nguyên Lượng về triều giữ chức Tán kỵ Thường thị, kế được thăng làm Thái tử tân khách đổi làm Phân ty Ngự sử ra làm việc ở Lạc Dương. Khi Đường Văn tông cùng Tể tướng Tống Thân Tích mưu diệt trừ đám hoạn quan Cừu Sĩ Lương lũng đoạn triều chính, việc bị tiết lộ, bè đảng hoạn quan là Trịnh Chú phao rằng Thân Tích toan làm phản, bắt bớ tra xét khắp nơi, trong triều ngoài quận náo động. Nguyên Lượng được tin vội về Trường An, lấy chức Gián nghị đại phu dẫn đầu các gián quan tới điện Diên Anh ra sức tâu bày can ngăn, khiến bọn Cừu Sĩ Lương phải chùn tay, chỉ giáng Thân Tích làm Tư mã Khai Châu, nên từ đó rất có danh vọng trong triều đình. Kế bị bệnh trở về Lạc Dương, được triệu ra làm Thứ sử Hào Châu thì chết.


Bài mộ chí Thôi Nguyên Lượng của Bạch Cư Dị chép Nguyên Lượng cuối đời hâm mộ đạo Phật, bỏ hết sắc tướng. Đêm Nguyên Lượng chết, người nhà mới thay chiếu xong thì Cư Dị được tin hốt hoảng đến thăm cũng vừa tới, chỉ thấy ông lặng lẽ như được giải thoát, tắt thở mà vẻ mặt vẫn điềm nhiên, ở cuối tờ di sớ trên bàn có bốn câu thủ bút như sau:

Tạm vinh tạm tụy thạch xao hỏa,
Tức không tức sắc nhãn sinh hoa.
Hứa thời vi khách kim quy khứ,
Đại Lịch nguyên niên thị ngã gia.
(Thoắt vinh thoắt lo đá khua lửa,
Ấy không ấy sắc mắt sinh hoa.
Một thời làm khách nay về lại,
Đại Lịch nguyên niên mới thật nhà).


Kể ra Thôi Nguyên Lượng cũng là một con người kỳ lạ: một mặt ông coi cuộc sống ngắn ngủi như tia lửa nhoáng lên từ viên đá lửa còn thế giới như tấn tuồng hư ảo thoắt có thoắt không làm hoa cả mắt người, thậm chí còn cho rằng mình lúc chưa sinh ra mới đích thực là mình, song mặt khác lại vẫn ôm bầu nhiệt huyết với cuộc đời như việc làm trong vụ Tống Thân Tích đã ít nhiều cho thấy. Song tình trạng giống như một sự lưỡng phân giữa tư tưởng và lý trí, quan niệm nhân sinh và khuynh hướng thực tiễn ấy dường như lại là sản phẩm phổ biến của xã hội Trung Hoa thời Đường sau loạn An Sử, ở đó phần đông những kẻ sĩ có tài có đức vừa bị hoàn cảnh lịch sử buộc phải bước ra cứu nước giúp đời song vừa bị thực tế chính trường đẩy vào chỗ không thể hết sức hết lòng xả thân cho lý tưởng. Chính vì vậy mà ở một mức độ nhất định, có thể coi con người Thôi Nguyên Lượng như một trích đoạn nhỏ của một tấn bi kịch lớn, tấn bi kịch của những người trí thức phải sống cuộc đời hai mặt với khẩu phần cô đơn như một cách thức thích ứng để tồn tại, một biện pháp dung hòa để hành động trong mâu thuẫn giữa lý tưởng xã hội với thực tiễn hoạt động, giữa tự do tư tưởng với số phận cá nhân....

Lúc ở Hồ Châu Nguyên Lượng có làm bài thơ Tam tịch (Ba thói xấu) trong đó ông tự xưng là “Tam tịch ông” chỉ ba việc mê thơ, mê đàn và mê rượu của bản thân viết lên quạt gởi Lưu Vũ Tích ở Quỳ Châu. Vũ Tích làm thơ họa kèm bài tựa gởi lại, trong có câu “Hội thư đoàn phiến thượng, Tri quân văn tự công” (Đọc thơ trên chiếc quạt, Đủ biết được tài ông), xem đó đủ thấy thi tài của Thôi Nguyên Lượng được các danh sĩ đương thời trân trọng. Những thơ văn xướng họa giữa ông với Bạch Cư Dị ở Hàng Châu, Nguyên Chẩn ở Việt Châu trong hai năm cuối của niên hiệu Trường Khánh (823 - 824) về sau được Bạch Cư Dị tập hợp thành Tam châu xướng họa tập. Tập thơ này được sao lục rải rác trong một số sử sách thời Tống như Tân Đường thư, Thông chí và Đường thi kỷ sự còn toàn tập chưa từng khắc in nên đã mất hẳn từ đầu thời Minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Ruộng vườn mờ mịt lối
 
Lưu U Cầu có bài thơ Thư hoài (Tỏ nỗi lòng) như sau:

Tâm vị minh thời tận,
Quân môn thượng bất dung.
Điền viên mê kính lộ,
Quy khứ dục hà tùng.
(Lòng dạ phô bày hết,
Cửa vua còn chẳng dung,
Ruộng vườn mờ mịt lối,
Quay bước khó về cùng).


Lưu U Cầu người Ký Châu, cuối đời Trung tông làm quan tới chức Ngự sử. Khi Vi hoàng hậu đầu độc Trung tông, phế Tương vương mà lập Ôn vương làm vua để thao túng triều đình, con Tương vương là Lâm Tri vương Long Cơ (tức Huyền tông Đường Minh hoàng sau này) đem quân giết Vi hoàng hậu, tôn Tương vương (tức Duệ tông) làm vua, U Cầu cũng có công. Niên hiệu Tiên Thiên (712) làm Tể tướng nhưng quyền hành còn dưới nhiều người, có ý chưa thỏa mãn. Khi Đậu Hoài Trinh, Thôi Thực giúp Thái Bình công chúa mưu phản, U Cầu khuyên Minh hoàng nên trừ đi, lời nói tiết lộ nên bị Thái thượng vương Duệ tông đày ra Phong Châu, năm sau Thái Bình công chúa bị giết lại được triệu về kinh. Đầu niên hiệu Khai Nguyên (713 - 741) được tiến cử làm Tả Thừa tướng, nhưng vì đang giữ chức Thái tử Thiếu bảo nên triều đình bàn thôi việc ấy. Tể tướng Diêu Sùng lại vốn ghét, tâu rằng U Cầu vì giữ chức tản quan (chức quan nhàn rỗi - không quan trọng) thường có lời oán vọng. Vua giáng chiếu sai bọn Lư Hoài Thận tra xét, đều tâu rằng U Cầu khinh nhờn ngạo mạn, mất phong thể đại thần, nên bị biếm làm Thứ sử Mục Châu, đổi làm Thứ sử Hàng Châu và Sâm Châu. U Cầu phẫn uất chết trên đường đi.


Người xưa thường lấy việc giúp vua trị nước làm công danh sự nghiệp của kẻ sĩ, việc Lưu U Cầu bày tỏ ý nguyện như vậy chẳng có gì là sai trái. Song tình người có lúc ấm lúc lạnh, đường đời có chỗ thẳng chỗ cong, không thể cố chấp mà xử sự theo một lối được. Không rõ có phải bài Thư hoài kia là chứng cớ cho nhóm Lư Hoài Thận kết luận về tội “ngạo mạn” của U Cầu không, song ít ra thì câu Ruộng vườn mờ mịt lối cũng cho thấy tác giả không đạt lẽ tiến thoái nên đã tự ngăn lấp đường lui rồi. Mà đã quyết ý không lui thì lẽ ra cứ phải kiên tâm mà tiến, đây lại vừa gặp điều không như ý đã lập tức trách móc rằng triều đình không dung thì rõ là tâm chí đã tự bại trước, làm sao còn tiến được nữa! Nhưng ý khí lại không dung được sự không dung của triều đình, cứ cậy tài cậy công muốn tiến, cương cường quá nên thành khắc bạc, đến nỗi mất cả phong thể đại thần, không được dùng thì oán vọng ra lời, bị giáng chức thì phẫn uất mà chết, tối tăm sự lập chí, mờ mịt việc chung thân như thế, đáng thương mà cũng đáng trách lắm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Ngày xưa vâng lệnh triệu, Lòng đạo dễ đâu toàn

 Phí Quan Khanh tự Tử Quân, người Trì Châu. Đi học lâu ngày ở kinh đô, có làm bài thơ Cảm hoài:

Huỳnh chúc bất vi khổ, Cầu danh thủy tân toan.
Thượng quốc vô giao thân, Thỉnh yết đa thiểu nan.
Cửu nguyệt phong đáo diện, Tu hãn thành băng phiến.
Cầu danh sĩ công đạo, Danh dữ công đạo viễn.
Lực tận đắc nhất danh, Tha hỉ ngã thả khinh.
Gia thư thập niên tuyệt, Quy khứ tri thùy vinh.
Mã tê Vị Kiều liễu, Đặc địa khởi sầu thanh.
(Học hành không cực khổ, Thi cử mới chua cay.
Ở kinh không người thân, Gặp quan nhiều khó khăn.
Cuối thu gió táp mặt, Mồ hôi thẹn thành băng.
Cầu danh đợi công đạo, Danh, đạo thảy xa xăm.
Hết sức được chút danh, Họ mừng ta lại khinh.
Mười năm thư mẹ vắng, Về quê ai thấy vinh.
Ngựa hí liễu cầu Vị, Tiếng sầu theo ý nhanh).


Năm Nguyên Hòa thứ 2 (807) Quan Khanh thi đậu Tiến sĩ thì mẹ chết. Chôn cất xong, ông than rằng “Cầu làm quan hưởng lộc là để nuôi mẹ mà thôi. Được lộc mà mẹ đã mất rồi, có gì đáng gọi là lộc nữa”. Bèn về ẩn trong núi Cửu Hoa ở Trì Châu. Trong niên hiệu Trường Khánh (821 - 824) quan ở Điện Viện tiến cử là người hiếu hạnh, được phong làm Hữu Thập di, lời chế viết rằng “Tiến sĩ tiền triều Phí Quan Khanh, theo nghiệp Thi Thư, lấy văn thi đậu. Lộc không kịp để báo hiếu, xót mẹ chết nghĩ đau lòng, bèn về gởi thân núi gò, bỏ đường tiến thủ. Giữ vẹn hiếu hạnh suốt mười lăm năm, tiết cao tuy không dùng, tiếng hay đã đồn khắp. Phàm nêu rõ điều chí hiếu, cất nhắc kẻ dật nhân là để phong tục thêm thuần, danh giáo thêm sáng. Khanh nên nhân việc khích lệ người có đức để răn dạy kẻ vô tình, ra giữ chức trọng gần vua mà lập công danh trung ái”. Quan Khanh không nhận chức, làm hai bài Mông triệu bái Thập di, thư tình (Đội ơn vời ra trao chức Thập di, ghi lại tình cảm) như sau:

I. Thập di đế trắc tri thùy đắc,
Quan hệ tài vi khủng bất thăng (thắng).
Hảo thị trung triều tuyệt thân hữu,
Cửu Hoa sơn hạ chiếu lai trưng.
II. Tam thiên lý ngoại nhất vi thần,
Nhị thập niên lai nhiệm vận thân.
Kim nhật hốt mông Thiên tử triệu,
Tự tàm kinh động quốc trung nhân.
(I. Thập di là kẻ kề bên chúa,
Chức nặng tài hèn dạ chẳng an.
Đã tuyệt bạn bè nơi đế khuyết,
Chiếu vời lại tới Cửu Hoa san.
II. Ba ngàn dặm thẳm thân hèn mọn,
Hai chục năm rồi ý nước mây.
Thiên tử hôm nay ban lệnh triệu,
Làm phiền non nước thẹn cho ai).


Quan Khanh ẩn trong núi Cửu Hoa, Thị lang bộ Lễ Tiêu Kiến gởi thơ rằng:

Kiến thuyết Cửu Hoa phong thượng tự,
Nhật cung do tại hạ phương khai.
Kỳ trung u cảnh khách nan đáo,
Thỉnh vị thi trung đồ họa lai.
(Nghe nói chùa trên ngọn Cửu Hoa,
Mặt trời lại tự phía tây ra.
Bên trong cảnh vắng người khôn tới,
Xin vẽ thành thơ gởi kẻ xa).


Quan Khanh làm một bài ngũ ngôn trường thiên đáp, hai câu cuối như sau:

Quân năng khí danh lợi,
Tuế yến nhất tương phùng.
(Nếu anh bỏ danh lợi,
Năm hết sẽ tương phùng).


Quan Khanh là người học hành uẩn súc, chán danh lợi, ít giao thiệp. Khi từ chối không ra làm quan theo lệnh triệu, có thơ bày tỏ chí hướng rằng:

Quân thân đồng thị tiên vương đạo,
Hà như cốt nhục nhất xứ lão.
Dã tri thần bất hợp tá thì,
Tự cổ vinh hoa thùy khả bảo.
(Hiếu trung cùng đạo tiên vương cổ,
Sao bằng cốt nhục chôn cùng chỗ.
Cũng hay thần chẳng biết làm quan,
Gìn giữ giàu sang ngàn thuở khổ).


Dễ thấy rằng Phí Quan Khanh về ở ẩn không chỉ vì mẹ chết mà còn vì chán ngán công danh. Có lẽ từ những ngày bôn ba thi cử ở Trường An, ông đã có quá nhiều dịp để chứng kiến và suy nghiệm về cái mặt trái của tầng lớp quan lại đương thời, cái mặt trái tình người chai sạn và thậm chí trở thành phi nhân trên con đường danh lợi. Cho nên bắt đầu từ tình cảm mà cũng là sự hối hận với người mẹ mà ông xa cách mười năm trong ý nguyện sẽ lập công danh để phụng dưỡng ngày sau nhưng khi ông vừa bắt đầu có thể phụng dưỡng bằng bổng lộc của triều đình thì đã ra người thiên cổ, Phí Quan Khanh trong những ngày ẩn dật ở núi Cửu Hoa cuối đời đã tiến tới một “đạo tâm” thuần phác vượt khỏi các quan niệm hiếu trung song cũng không rơi vào quan niệm vạn sự giai không của đạo Phật theo lối cực đoan kiểu “Mặt trời lại tự phía tây ra” như Tiêu Kiến lầm tưởng. Có lẽ đây chính là cái tinh túy nhất trong chất người ẩn sĩ nơi ông, cái tinh túy mà về sau Đỗ Tuân Hạc sẽ đề cập tới trong bài thơ điếu nấm mộ hoang tàn của vị dật nhân họ Phí:

Phàm điếu tiên sinh giả, Đa thương kinh cức gian.
Bất tri tam xích thổ, Cao khước Cửu Hoa san.
Thiên địa hữu hà ngoại, Tử tôn vô diệc nhàn.
Đương thời nhược trưng khởi, Vị tất đạo thân hoàn.
(Người điếu tiên sinh trước, Thường đau nỗi mộ hoang.
Nào hay ba tấc đất, Cao sánh Cửu Hoa san,
Trời đất có chi khác, Cháu con không cũng nhàn.
Ngày xưa vâng lệnh triệu, Lòng đạo dễ đâu toàn).
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Nguyên Chẩn, nhà thơ đa tình

Thi nhân vốn đa tình, nên nói Nguyên Chẩn là một nhà thơ đa tình e chưa chính xác. Song người đời cũng có lắm kẻ đa tình mà không phải là thi nhân, vả chăng sự đa tình ở thi nhân cũng có lắm chỗ khác với người đời, nên nói như vậy cốt để làm rõ rằng ông chỉ là người đa tình trong các nhà thơ mà thôi, chứ chẳng phải là so với con người trong thiên hạ.

Chẩn nghe danh kỹ Tiết Đào ở Ích Châu giỏi từ chương, muốn gặp mà chưa có dịp. Đến khi được cử làm Giám sát vào Tây Thục lấy quyền Ngự sử xét việc ngục tụng thì vì địa vị lại khó tới gặp nàng. Quan sở tại biết ý, bảo Tiết Đào tới gặp. Sau Chẩn về kinh đổi bổ làm việc ở Hàn lâm viện, có gởi nàng một bài thơ rằng:

Cẩm Giang hoạt nhị Nga My tú,
Sinh xuất Văn Quân dữ Tiết Đào.
Ngôn ngữ xảo thâu anh vũ thiệt,
Văn chương phân đắc phượng hoàng mao.
Phân phân từ khách đa tình bút,
Cá cá công hầu dục mộng đao.
Biệt hậu tương tư cách yên thủy,
Xương bồ hoa phát ngũ vân cao
(Núi sông đất Thục trời cho đẹp,
Sinh được Văn Quân với Tiết Đào.
Ngôn ngữ êm lời anh vũ nói,
Văn chương sánh giá phượng hoàng cao.
Thi nhân rối rít đành ngưng bút,
Khanh tướng mơ màng mãi Ích Châu.
Ly biệt nhớ nhau vời khói sóng,
Xương bồ năm sắc dáng hoa đâu).

Sau Chẩn làm Liêm vấn Chiết Đông, lại gặp nàng Lý Thái Xuân từ đất Hoài tới, dung nhan đẹp đẽ không ai sánh được. Chẩn làm thơ tặng nàng rằng:

Tân trang xảo dạng tận song nga,
Bao mạn Thường Châu thấu ngạch la.
Chính diện thâu luân quang hoạt vẫn,
Noãn hành kinh đạp trửu văn ba.
Ngôn từ nhã thác phong lưu túc,
Cử chỉ đê hồi tú mị đa.
Cánh hữu não nhân trường đoạn xứ,
Tuyển từ năng xướng Vọng phu ca.
(Mày tô lối mới tựa tiên nga,
Y phục xinh tươi rỡ gấm là.
Trước mặt môi son ngời yểu điệu,
Sau chân sóng gợn bước kiêu sa.
Nói cười gieo ngọc trong như nhạc,
Dáng vẻ tiêu hồn thẹn chết hoa.
Lại khéo não nùng cung đứt ruột,
Chọn lời đặt khúc Vọng phu ca).

Vọng phu ca tức khúc hát La Hống, một khúc điệu khởi từ Lý Thái Xuân. Chẩn ở Chiết Hà bảy năm, một hôm uống rượu say đề thơ ở cửa Đông Vũ rằng:

Dịch dịch hành nhân sự, Phân phân toái bạ thư.
Công phu lưỡng nha tận, Lưu trệ thất niên dư.
Bệnh thống mai thiên phát, Thân tình hải ngạn sơ.
Nhân tuần vị quy đắc, Bất thị ức lô ngư.
(Việc lại nhiều phiền toái, Công văn chán rối mù.
Công phu hai chỗ hết, Nát bét bảy năm dư.
Bệnh xót trời mai nở, Tình sầu góc bể thưa.
Bởi về chưa thỏa ý, Gỏi vược chẳng tương tư).

Thị lang Lý Giản Cầu đùa rằng “Thừa tướng không nhớ gỏi cá vược (ý nói nhớ quê) mà chỉ thích sắc xuân trên Kính Hồ thôi” (Sắc xuân chỉ nàng Thái Xuân).

Vợ trước của Chẩn là con gái Kinh triệu doãn họ Vi, tên Huệ Tùng. Khi Huệ Tùng chết, Chẩn làm thơ khóc, có câu rằng:

Tằng kinh thương hải nan vi thủy,
Trừ khước Vu Sơn bất thị vân.
(Đã qua bể thẳm khôn còn nước,
Ngoài chốn non Vu chẳng có mây).

Lời thơ bóng bẩy nhưng ý tứ rất chân thành - Chẩn ví vợ mình như nước bể thẳm, mây non Vu, đã chung sống với nhau rồi thì trong thiên hạ khó có được người đàn bà nào có thể thay thế. Cái tình cảm sâu nặng với vợ ấy ở ông không phải là giả dối, mặc dù ông vẫn có quan hệ tình cảm với nhiều người khác. Bởi vì là con người thì ông là một kẻ thâm tình, còn là thi nhân thì ông là một người đa tình, mà sự đa tình ở thi nhân có chỗ khác với ở người đời là không chỉ trong phạm vi tình trai gái. Đa tình ở đây không phải là có tình với nhiều người mà là với nhiều điều có thể làm người ta ngưỡng mộ và phát sinh tình cảm. Tình cảm của Nguyên Chẩn với hai nàng danh kỹ Tiết Đào, Lý Thái Xuân và với vợ là ví dụ tiêu biểu. Ông có tình với Tiết Đào là có tình với tài, có tình với Lý Thái Xuân là có tình với sắc, có tình với vợ là có tình với tình. Và phải chăng khả năng ngưỡng mộ và phát sinh tình cảm với những điều tốt đẹp trên đời trước hết qua các dạng thức hoàn hảo cụ thể của chúng chính là yếu tố quan trọng bậc nhất làm nên phẩm chất và bản lĩnh thi nhân?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Sứ quân họ Bạch là tài tử
 
Vu Sơn là một dãy núi ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Núi này gồm mười hai ngọn, ngọn cao nhất là Thần Nữ phong, dưới có đền thờ Thần nữ. Thời Chiến quốc, nhà thơ nổi tiếng nước Sở là Tống Ngọc cùng Sở Tương vương ra chơi đầm Vân Mộng (đầm lớn ở Hồ Nam, Hồ Bắc), làm bài Cao Đường phú, đề tựa rằng “Xưa tiên vương ra chơi Cao Đường (tên một cái đài của nước Sở trong đầm Vân Mộng), đến tối đi nghỉ, mộng thấy một nữ nhân tới nói là gái ở Vu Sơn, làm khách Cao Đường, nghe vua tới Cao Đường, xin hầu chăn gối. Khi chia tay nàng ấy xưng là ở sườn núi Vu Sơn, trên dốc non cao, sáng làm mây, chiều làm mưa, sáng sáng chiều chiều ở dưới Dương Đài”. Người sau nhân đó dùng chữ “Vu Sơn vân vũ” (mây mưa non Vu) để chỉ việc ái ân trai gái, núi Vu Sơn lại là một thắng cảnh, vì vậy lại càng nổi tiếng. Từ Hán Ngụy đến Nam triều, thi nhân Trung Hoa đua nhau đề vịnh Vu Sơn, thời Đường càng thịnh. Nhưng Bạch Cư Dị (tức Bạch Lạc Thiên), một nhà thơ nổi tiếng thời Đường thì không, mặc dù ông từng lên tới núi Vu Sơn, vào tận đền Thần nữ. Về việc này, Đường thi kỷ sự chép như sau:

Lạc Thiên được thăng chức Thứ sử Tô Châu, theo đường sông tới nhậm chức. Lúc bấy giờ có Bà Tri Nhất ở huyện Thê Quy, nghe tin Cư Dị sắp đi ngang Vu Sơn, bèn tới trước lấy phấn viết lên tường đền Thần nữ một bài thơ bằng chữ lớn rằng:

Trung Châu Thứ sử kim tài tử,
Hành đáo Vu Sơn tất hữu thi.
Vị báo Cao Đường thần nữ đạo,
Tốc bài vân vũ hậu thanh tì (từ).
(Sứ quân họ Bạch là tài tử,
Đi tới Tô Châu ắt ghé đây.
Báo trước Cao Đường thần nữ biết,
Mây mưa bày gấp đợi thơ hay).

Cư Dị tới đọc thấy rất khoan khoái, bèn mời Tri Nhất tới. Tri Nhất nói “Lang trung ở Lịch Dương là Lưu Vũ Tích, làm quan ở thành Bạch Đế ba năm, muốn làm một bài thơ về Vu Sơn mà không làm được. Đến khi nghỉ chức qua ngang, xóa hết hơn ngàn bài thơ đề vịnh ở đây, chỉ để lại có bốn bài mà thôi”.

I. Thơ của Thẩm Thuyên Kỳ:
Vu Sơn cao bất cực, Hợp đạp kỳ trạng tân.
Ám cốc nghi phong vũ, U nhai nhược quỷ thần.
Nguyệt minh Tam Giáp thự, Triều mãn Cửu Giang xuân.
Vị vấn Dương Đài khách, - Ưng như nhập mộng nhân?
(Một dãy Vu Sơn cao chót vót,
Phô bày cảnh vật vẻ thanh tân.
Hang sâu mờ mịt hồn mưa gió,
Núi kín âm u ý quỷ thần.
Trăng chiếu đêm ngời Tam Giáp rạng,
Triều dâng nước rẫy Cửu Giang xuân.
Mơ màng hỏi khách Dương Đài trước,
- Có khứng đưa nhau tới mộng chăng?)

II. Thơ của Vương Vô Cạnh:
Thần nữ hướng Cao Đường, Vu Sơn hạ tịch dương.
Bồi hồi hành tác vũ, Uyển luyến trục Kinh vương.
Điện ảnh giang tiền lộ, Lôi thanh giáp ngoại trường.
Triêu vân vô xứ sở, Đài quán hiểu thương thương
(Chiều buông Thần nữ hướng Cao Đường,
Để lại Vu Sơn lặng tịch dương.
Bịn rịn gieo tràn mưa luyến ái,
Êm đềm ruổi giữa mộng Kinh vương.
Sấm vang ngoài núi thanh rền rĩ,
Chớp sáng đầu sông ánh tỏ tường.
Mây sớm bơ vơ không chốn ngụ,
Quán đài xanh ngắt buổi tinh sương)

III. Thơ của Hoàng Phủ Nhiễm:
Vu Giáp hiện Ba Đông, Thiều thiều xuất bán không.
Vân tàng Thần nữ quán, Vũ đáo Sở vương cung.
Triêu mộ tuyền thanh lạc, Hàn huyên thụ sắc đồng.
Thanh viên bất khả thính, Thiên tại cửu thu trung.
(Vu Sơn cao ngất cõi Ba Đông,
Hiện giữa trời xanh dáng lạ lùng.
Mây giấu đền Vu Thần nữ vắng.
Mưa rơi cung Sở cố nhân mong.
Sáng chiều tiếng suối gieo châu ngọc.
Ấm lạnh màu cây biếc trúc thông.
Vượn hú não nùng nghe chẳng nổi,
Giọng buồn riêng ngập bóng thu trong).

IV. Thơ của Lý Đoan:
Vu Sơn thập nhị trùng, Giai tại bích không trung.
Hồi hợp vân tàng nhật, Phi vi vũ đới phong.
Viên thanh hàn độ thủy, Thụ sắc mộ liên không.
Bi hướng Cao Đường khứ, Thiên thu kiến Sở cung.
(Một dãy mười hai ngọn chập chùng,
Vu Sơn sừng sững giữa không trung.
Mây quanh cuộn cuộn vầng dương lịm,
Mưa tuyết giăng giăng nét gió cong.
Tiếng vượn lạnh vang trong tiếng suối,
Màu cây chiều xuống lẫn màu không.
Cao Đường nghĩ xót khi ly biệt,
Tình ý ngàn thu gởi Sở cung)

Bạch Cư Dị đọc xong bốn bài rồi, cùng Bà sinh đều xuống thuyền, không đề thơ ở Vu Sơn nữa.

Là một nhà thơ tài hoa, cho dù không làm được một bài thơ thật đặc sắc về Vu Sơn, chắc chắn Bạch Cư Dị cũng có thể viết nổi một bài nghe được. Nhưng ông không viết. Người độc giả mang cái tên đầy vẻ ngụ ngôn truyền thuyết Bà Tri Nhất (chữ Bà còn có âm là phiền (nhiều) - nhiều mà biết có một) kia đã nhắc khéo ông rằng nếu không làm được thơ hay hơn cả bốn bài nói trên, thì đừng gượng gạo vô ích. Bởi qua tay một danh sĩ Lưu Vũ Tích trăn trở suốt ba năm cho một bài thơ về núi Vu Sơn, bốn bài không bị xóa kia đã trở thành một cụm thơ liên hoàn về truyền thuyết cuộc gặp gỡ giữa Sở vương và Thần nữ Vu Sơn trong kết cấu hoàn chỉnh về bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông ở Vu Sơn rồi. Và có tài hoa đến mấy thì Bạch Cư Dị cũng không thể vượt lên trên thi tài của cả năm danh sĩ đương thời, vả chăng cần gì phải làm thêm một bài thơ mà chính những nhà thơ như Lưu Vũ Tích và người đọc như Bà Tri Nhất đều thấy là không cần thiết nữa? Lưu Vũ Tích đã làm một bài thơ về núi Vu Sơn mà không viết, Bạch Cư Dị được đọc một bài thơ về núi Vu Sơn nên không làm. Và Bạch Cư Dị không làm thơ về Vu Sơn, mà người đời được một bài học qua việc ông không làm thơ về Vu Sơn. Kẻ tài sĩ thì khí lượng giống người quân tử, một bài thơ cũng coi là việc chung thiên hạ, có ai gánh được rồi thì mình thấy thanh thản, và cũng xử sự như bậc anh hùng, thấy không tiến được thì lui ngay, bởi có thừa tài thức nên tự trọng thân phận, quyết không thể khinh dị mà sống chết cầu danh ở một bài thơ như đám tục tử thùng rỗng kêu to được.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Người tiên mời rượu ở đâu rày?

Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi.
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
Đá mòn rêu nhạt,
Nước chảy hoa trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời.
Trời đất từ đây xa cách mãi,
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
Ai cũng biết bài Tống biệt trên đây là của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, song có lẽ ít người đối chiếu để thấy cảm hứng chủ đạo của nó đã được khơi gợi từ năm bài liên ngâm Thiên Thai thuật chuyện Lưu Nguyễn du Thiên Thai của Tào Đường. Hơn thế nữa, còn có thể nói những câu như Đá mòn rêu nhạt, Nước chảy hoa trôi, Cái hạc bay lên vút tận trời chính là dịch thoát ý các câu Thương đài bạch thạch dĩ thành trần, Lưu thủy đào hoa mãn giản hương, Vân hạc tiêu điều tuyệt cựu lân trong Thiên Thai ngũ thủ. Và điều thú vị là trước Tản Đà mấy trăm năm, một số nhà thơ Việt Nam cũng đã dịch thơ Thiên Thai, mà một số tư liệu cần được tìm hiểu thêm về văn bản dưới đây là bằng chứng.
I. Lưu Nguyễn du Thiên Thai
Thu nhập Thiên Thai thạch lộ tân,
Vân hòa thảo tĩnh quýnh vô trần.
Yên hà bất tỉnh sinh tiền sự,
Thảo mộc không nghi mộng hậu thân.
Vãng vãng kê minh nham hạ nguyệt,
Thời thời khuyển phệ động trung xuân.
Bất tri thử địa quy hà xứ,
Tu tựu Đào nguyên vấn chủ nhân.
II. Lưu Nguyễn động trung ngộ tiên tử
Thiên hòa thụ sắc ái thương thương,
Hà trọng lam thâm lộ diểu mang.
Vân đậu mãn sơn vô điểu tước,
Thủy thanh duyên giản hữu sinh hoàng.
Bích sa động lý càn khôn biệt,
Hồng thụ chi biên nhật nguyệt trường.
Nguyện đắc hoa gian hữu nhân xuất,
Miễn linh tiên khuyển phệ Lưu lang.

III. Tiên tử tống Lưu Nguyễn xuất động

Ân cần tương tống xuất Thiên Thai,
Tiên cảnh na năng khước tái lai.
Vân dịch ký quy tu cưỡng ẩm,
Ngọc thư vô sự mạc tần khai.
Hoa đương động khẩu ưng trường tại,
Thủy đáo nhân gian định bất hồi.
Trù tướng khê đầu tùng thử biệt.
Bích sơn minh nguyệt chiếu thương đài.
IV. Tiên tử động trung hoài Lưu Nguyễn
Bất tương thanh sắc lý nghê thường,
Trần mộng na tri hạc mộng trường.
Động lý hữu thiên xuân tịch tịch,
Nhân gian vô lộ nguyệt mang mang.
Ngọc sa dao thảo liên khê bích,
Lưu thủy đào hoa mãn giản hương.
Hiểu lộ phong đăng dị linh lạc,
Thử sinh vô xứ vấn Lưu lang.
V. Lưu Nguyễn tái đáo Thiên Thai bất phục kiến chư tiên tử
Tái đáo Thiên Thai phỏng Ngọc Chân,
Thương đài bạch thạch dĩ thành trần.
Sinh ca tịch mịch nhàn thâm động,
Vân hạc tiêu điều tuyệt cựu lân.
Thảo thụ tổng phi tiền độ sắc,
Yên hà bất tự vãng niên xuân.
Đào hoa lưu thủy y nhiên tại,
Bất kiến đương thời khuyến tửu nhân.
(I. Cây rợp non tiên một nẻo phân,
Đất chăng bụi bụi cỏ êm chân.
Khói xanh bóng tiển xem đương mặt,
Nước biếc duyên ưa nọ có thân.
Dải non cao, chăng khối nguyệt,
Doành sông thẳm, một dường xuân.
Chẳng hay người ấy về đâu tá,
Niệm đến Đào nguyên hỏi chủ nhân
II. Cây khói xanh xanh thức biếc tương,
Trước đông thuở dải bóng trì đường.
Mây che cửa, chim bay hết,
Suối thay cầm, tiếng nhặt xoang.
Sông có bích đào non nước dẫy,
Cõi nhiều hồng hạnh tháng ngày trường.
Cách hoa dầu chẳng người tiên rước,
Chó sủa âu là hẳn ấy làng.
III. Ân cần đưa khỏi nẻo Thiên Thai,
Tiên cảnh làm sao đón lại người.
Chén quỳnh gắng uống,
Thư ngọc khoan coi,
Nhắn nhủ cùng nhau có thế thôi.
Hoa lưu động thắm,
Nước xuống trần xuôi,
Kẻ ở non tiên luống ngậm ngùi.
Khách tục lòng trần chưa đoạn tuyệt,
Ngơ ngẩn,
Đầu khe,
Thôi giã biệt,
Non sâu trăng sáng biếc rêu dài.
IV. Chẳng còn nhớ đến khúc nghê thường,
Một phút chiêm bao một phút thương.
Thuở động ngày chầy xuân vắng vẻ,
Khi người đường cách nguyệt mơ màng.
Đất nhiều cỏ ngọc qua ưa biếc,
Nước có hoa đào hết tấc hương.
Gió thổi đèn tàn đêm lạnh lẽo,
Thân này khôn chước hỏi Lưu lang.
V. Ngọc Chân lại hỏi đến chưng đây,
Rày đã rêu rêu bụi bụi đầy.
Ca khúc rền rền vách núi,
Làng doành văng vẳng khóa mây.
Thức cây chẳng phải xanh phen nọ,
Điểm khói nào còn biếc bấy chầy,
Mặt nước hoa trôi rành rạnh đấy,
Người tiên mời rượu ở đâu rày?) (1)

Tương truyền Tào Đường ngụ tại một ngôi chùa ở Giang Lăng, trong chùa có một tòa thủy đình (đình xây trên mặt ao). Một hôm Đường ra đó chơi, nghĩ được hai câu “Thủy để hữu thiên xuân mạc mạc, Nhân gian vô lộ nguyệt mang mang” (Đáy nước có trời xuân thẳm thẳm, Cõi trần không lối nguyệt mang mang), lấy làm đắc ý bèn ngâm vang lên. Hôm sau lại ra thủy đình ngồi chơi, chợt thấy hai người đàn bà vận xiêm trắng đi chầm chậm ngâm nga hai câu thơ nói trên. Đường rảo bước tới gần hỏi, hai nàng ấy không đáp, đi chưa được mười bước thì biến mất. Vài ngày sau thì Đường chết, vì vậy không kịp đi thi. Câu chuyện thật ly kỳ song lại quá hoang đường, có điều nó ít nhiều cho người ta một ý niệm về quá trình sáng tác Thiên Thai ngũ thủ, vì hai câu thơ nói trên là một dị bản của hai câu 3 - 4 trong bài IV: có thể năm bài Thiên Thai đã được Tào Đường nghiền ngẫm để sáng tác trong nhiều năm.
Về hai câu này lại có thuyết kể bạn Đường có người đùa “Nghiêu Tân làm thơ ma”, Đường nói “Làm gì có”. Người bạn nói “Câu Đáy nước có trời, Cõi trần không lối, không phải thơ ma thì là gì?”, Đường cười lớn mà không đáp.
Tào Đường tự Nghiêu Tân, người Quế Châu, buổi đầu làm đạo sĩ, sau làm Tùng sự phủ Thứ sử, chết trong niên hiệu Hàm Thông (860 - 874). Có tập Du tiên thi hơn trăm bài, ngôn từ trong trẻo, ý tứ lạ lùng, có lẽ cũng do ông ít nhiều chịu ảnh hưởng thuyết tu tiên của Đạo gia.
(1) Bốn bài I, II, IV, V trên đây là các bản dịch Thiên Thai ngũ thủ ra thơ Nôm của một số dịch giả khuyết tên thời Lê, nhưng chỉ mới được giới thiệu chủ yếu như những tác phẩm thơ Nôm trong Hồng Đức quốc âm thi tập của Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1982, chúng tôi trích lại với ý nghĩa là các dịch phẩm có thể góp phần vào việc tìm hiểu lịch sử dịch thuật văn chương Việt Hán mặc dù ở đây còn có vấn đề văn bản. Riêng bài III không thấy có bản dịch nào được giới thiệu trong Hồng Đức quốc âm thi tập, có lẽ các văn bản chữ Nôm mà hai tác giả Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên sử dụng bị chép sót, nên chúng tôi phải dịch. Và sở dĩ chúng tôi mạo muội mô phỏng thể loại, nhạc điệu bài Tống biệt của Tản Đà trong bản dịch bài III này là vì muốn giúp người đọc thấy được phần nào sự sáng tạo của ông nơi bài Tống biệt, chứ tuyệt nhiên không dám có ý bất kính mà học đòi một nhà thơ tiền bối tài hoa.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Thở than người khác nhạn

Trong niên hiệu Như Ý (692) có cô gái nhỏ mới 9 tuổi đã biết làm thơ. Võ Tắc Thiên triệu vào cung, thử mấy lần đều ứng khẩu làm được, bèn giữ lại. Người anh đưa cô ta lên vào chào để ra về, Tắc Thiên sai làm thơ để tiễn, cô ta bèn đọc rằng:

Biệt lộ vân sầu khởi,
Ly đình diệp chính hy.
Sở ta nhân dị nhạn,
Bất tác nhất hàng phi.

(Lối rẽ mây sầu nổi,
Tay rời lá úa phai.
Thở than người khác nhạn,
Nên chẳng một hàng bay)

Bài thơ lập ý rõ ràng có chỗ khác người, kể cũng là một cô gái có tài. Song Đường Tống di sử chỉ chép có thế, không rõ số phận cô ta về sau ra sao.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Nơi lầu Chim Én luống mơ màng

Bạch Cư Dị có bài Yến Tử lâu thi, đề tựa rằng:


Trương Thượng thư ở Từ Châu (tức Trương Kiến Phong) có người con hát yêu tên Miến Miến, giỏi ca múa, phong tư trang nhã xinh đẹp. Tôi làm Hiệu thư lang, tới vùng Hoài Tứ, được Trương Thượng thư mời ăn tiệc, lúc rượu say ông gọi Miến Miến ra ca múa giúp vui. Tôi nhân đó làm thơ tặng, hai câu cuối như sau “Túy kiều thanh bất đắc, Phong niểu mẫu đơn hoa” (Say vẻ yêu kiều quên tiếng hát, Chỉ hay múa gió mẫu đơn mềm). Một lần vui rồi chia tay, từ đó về sau tuyệt không biết gì về nàng cả. Đến nay đã mười hai năm, hôm trước quan Tư huân Viên ngoại lang Trương Trọng Tố (con Trương Kiến Phong) tự Hội Chi tới thăm tôi, nhân ngâm ba bài Yến Tử lâu, lời lẽ dịu dàng đẹp đẽ, hỏi ra thì là thơ của Miến Miến. Hội Chi làm Tùng sự ở Vũ Ninh nhiều năm, biết rõ chuyện Miến Miến, kể rằng Trương Thượng thư đã chết, phủ đệ cũ ở Bành Thành có ngôi lầu nhỏ gọi là Yến Tử lâu (Lầu Chim Én), Miến Miến nhớ lòng yêu dấu của ông ngày trước nên không lấy chồng, về ở lầu ấy hơn mười năm, nay vẫn còn sống. Thơ Miến Miến như sau:


I. Lâu thượng tàn đăng bạn hiểu sương,
Độc miên nhân khởi hợp hoan sàng.
Tương tư nhất dạ tình đa thiểu,
Địa giác thiên nhai bất thị trường.
II. Bắc khâu tùng bách tỏa sầu yên,
Yến tử lâu nhân tứ tiệu nhiên.
Tự mai kiếm lý ca trần tán,
Hồng tụ hương tiêu thập nhất niên.
III. Thích khan hồng nhạn Lạc Dương hồi,
Hựu đổ huyền cầm bức xã lai.
Dao sắt ngọc tiêu vô ý tự,
Nhiệm tùng thù võng nhiệm tùng khôi.
(I. Trên lầu nến lụn, sáng mờ sương,
Tỉnh giấc yêu đương gối lẻ giường.
Một tối tương tư tình xiết kể,
Biển trời khôn sánh dạ sầu thương.
II. Tùng bách gò xa ngút khói sương,
Nơi lầu Chim Én luống mơ màng.
Từ chôn giày kiếm đàn ca dứt,
Mười một năm rồi áo nhạt hương.
III. Hồng nhạn phương xa thấy kéo sang,
Lại nghe ríu rít sát bên tường.
Đàn vàng sáo ngọc mơ gì nối,
Mặc nhện giăng tơ, mặc bụi vương).


Tôi ưa thích ý thơ mới lạ, bèn họa lại như sau:


I. Mãn song minh nguyệt mãn liêm sương,
Bị lãnh đăng tàn phất ngọa sàng.
Yến Tử lâu trung hàn nguyệt dạ,
Sầu lai chỉ vị nhất nhân trường.
II. Tế đới la sam sắc tự yên,
Kỷ hồi dục khởi tức tiềm nhiên.
Tự tùng bất vũ Nghê thường tụ,
Điệp tại không sương thập nhị niên.
III. Kim xuân hữu khách Lạc Dương hồi,
Tằng đáo Thượng thư mộ thượng lai.
Kiến thuyết bạch dương kham tác trụ,
Nhẫn giao (giáo) hồng phấn bất thành khôi.
(I. Song ngập màu trăng, rèm ngập sương,
Chăn côi nến lụn hắt hiu giường.
Trăng soi đêm vắng lầu Chim Én,
Một bóng hình xưa mấy nhớ thương.
II. Thắt lưng màu khói áo màu sương,
Mấy bận toan dùng lại chẳng màng.
Từ điệu Nghê thường không múa nữa,
Mười hai năm ấy xếp mùi hương.
III. Xuân này có khách Lạc Dương sang,
Qua mộ người xưa biết tỏ tường.
Dương trắng bên mồ nay đã lớn,
Phấn hồng trong ý vẫn còn vương).


Lại tặng nàng một bài thơ tứ tuyệt như sau:


Hoàng kim bất tích mại nga mi,
Luyện đắc như hoa tứ ngũ chi.
Ca vũ giáo thành tâm lực tận,
Nhất triêu thân khứ bất tương tùy.
(Chẳng tiếc ngàn vàng cưới mỹ nhân,
Bốn năm đóa đẹp rộn cành xuân.
Múa ca tiệc dứt, trần gian vắng,
Chín suối nhìn quanh chỉ một thân).


Sau Trọng Tố đem bài thơ của tôi đưa Miến Miến xem, nàng đọc đi đọc lại, khóc nói “Từ Trương công mất, thiếp không phải không dám chết, nhưng lại sợ trăm năm sau người đời cho rằng công chuộng sắc đẹp nên có thê thiếp chết theo, lại làm nhơ đức tốt của công, đành gượng sống mà thôi”. Bèn làm bài Họa Bạch công như sau:


Tự thủ không lâu liễm hận mi,
Hình đồng xuân hậu mẫu đơn chi.
Xá nhân bất hội nhân thâm ý,
Nhạ đạo tuyền đài bất khứ tùy.
(Lầu không luống hận mặt giai nhân,
Như mẫu đơn tàn buổi cuối xuân.
Ai đó biết đâu lòng kín đáo,
Lại ngờ phụ nghĩa chẳng liều thân).


Bài tựa của Bạch Cư Dị tới đây là hết. Nhưng theo Trường Khánh tập, sau khi được thơ của họ Bạch, Miến Miến bắt đầu nhịn ăn, mười ngày thì chết. Nhưng lại ngâm thơ rằng “Nhi đồng bất thức xung thiên vật, Mạn bả thanh nê ô tuyết mao” (Trẻ con chẳng biết loài bay bổng, Cứ lấy bùn xanh trát cánh lông).


Trên thực tế, hai bài thơ của Bạch Cư Dị đã giết Miến Miến. Nhưng trên thực tế thì đây cũng không phải là một vụ án mạng Đường thi. Phải đâu họ Bạch không am hiểu tâm sự Miến Miến? Câu cuối trong bài Họa Yến Tử lâu thi cho thấy ông biết nàng không có cớ để chết theo Trương Kiến Phong, và bài thơ tặng đóng vai một người thương xót họ Trương mà kết án đám con hát bạc tình kia chính là nhằm tạo lý do cho nàng hoàn thành sở nguyện. Và dĩ nhiên Miến Miến cũng hiểu cái ý tứ sâu xa ấy, nên trong bài Họa Bạch công nàng đã tỏ lòng biết ơn ông bằng cách nhắc lại lời thơ “mẫu đơn” mười hai năm trước. Và chính là nhờ biết Bạch Cư Dị hiểu được tâm sự của mình, nên nàng mới ngạo nghễ nói với người đời rằng vì bị họ Bạch bôi nhọ nên nàng phải chết bằng hai câu thơ trước khi nhắm mắt. Tự ví mình như loài chim én “xung thiên” bị trẻ em trát bùn lên cánh trắng - Bạch Cư Dị có hiệu là Lạc Thiên, nàng quy trách nhiệm cái chết của mình về ông, nghĩa là cho người sống chứ không phải về Trương Kiến Phong, để dập hết những đàm tiếu của người sau đối với người chồng mà nàng yêu thương kính trọng. Mới biết cái tâm tình tài tứ, độ lượng tri giao của hạng danh sĩ kỳ nữ, loại người tầm thường có dễ mà theo kịp được đâu!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Ai nói người tiên dời gốc giúp

Quách Tứ lang ở Hàm Dương có người hầu mang kiếm thích văn chương, có làm bài thơ như sau:

Thanh điểu hàm bồ đào,
Phi thượng kim tỉnh lan.
Mỹ nhân khủng kinh khứ,
Bất cảm quyển liêm khan.
(Chim xanh ngậm nho chín,
Bay xuống đậu bên song.
Mỹ nhân sợ bay mất,
Chẳng dám vén rèm trông).


Bài thơ chỉ vẻn vẹn có hai mươi chữ nhưng vô cùng súc tích. Nói theo lối ngôn ngữ học thì cái phần hàm ngôn của nó quyện chặt với phần hiển ngôn làm thành một thông báo bao hàm lượng thông tin rất lớn với một cơ cấu ý nghĩa đa tầng. Con chim xanh sứ giả của Tây Vương mẫu trong truyền thuyết thời Hán đến thời Đường đã trở thành con chim đưa tin trong văn chương, song điều đáng chú ý là ở đây nó ngậm trái nho, một thứ trái cây nhiệt đới vẫn được coi là quý hiếm ở Trung Hoa ngày trước. Và căn nhà có dãy lan can chạm trổ thếp vàng lộng lẫy (kim tỉnh lan) trong bài thơ hẳn là vắng vẻ tịch mịch lắm, nên con chim mới chọn làm nơi thưởng thức thứ trái cây đặc sản mà nó may mắn vớ được ấy, còn người đẹp lẻ loi kia chắc đã lặng lẽ đứng cạnh song trước khi con chim đáp xuống, chứ không thì nó đã bay đi vì tiếng bước chân của nàng tới cạnh cửa rồi. Rõ ràng con chim xanh ngậm trái nho ở đây đã đưa về một cái tin từ đâu đó xa lắm, ở tận nước ngoài cho người đẹp lẻ loi trong hiu quạnh, mặt khác có lẽ người đẹp đã trải qua nhiều ngày tháng đợi chờ nên mới không vén rèm, nàng đợi chờ vì thói quen chứ không phải vì sốt ruột. Không biết đó là tin gì và người đẹp đợi chờ ai, song ở đây dường như có một câu chuyện dài được đặc tả bằng hai chi tiết - nếu trong trái nho lóng lánh tím trên mỏ chim thấp thoáng muôn dặm núi sông xa xôi cách trở thì nơi tấm rèm im lìm buông bên song cửa phảng phất một chuỗi tháng năm đằng đẵng đợi chờ...


Tuy nhiên, hình ảnh người đẹp đứng sau khung cửa cách một tấm rèm chăm chú nhìn con chim xanh ngậm trái nho tím vừa tới đậu trên lan can chạm trổ thếp vàng và chỉ sợ nó bay đi ấy có lẽ chỉ là một hiện thực biểu kiến. Bố cục thời gian và tình tiết của bài thơ tạo ra hai không gian cảnh của tình và tình của cảnh trên hai yếu tố động - tĩnh vận động một cách ăn khớp và nhịp nhàng còn làm phát sinh ở đây một hiệu quả nghệ thuật riêng. Bài thơ bắt đầu với việc chim và trái bất chợt khuấy động sự yên tĩnh của cảnh và người, rồi khi con chim bắt đầu hòa vào cảnh yên tĩnh trong sự bận tâm với trái nho của nó thì cảnh và người tuy cũng chìm lại vào yên tĩnh song tâm và tình của người đẹp lẻ loi cô quạnh nơi căn nhà vắng vẻ tịch mịch kia lại xáo động càng lúc càng mãnh liệt vì nàng phải tự kìm chế Chẳng dám vén rèm trông. Yếu tố động của bài thơ bị dồn nén, cô lập và vận động trong tâm tình của người đẹp ở đây mở ra một không gian nhận thức khác. Con chim rồi cũng sẽ bay đi sau khi ăn xong trái nho của nó, cái tin nó mang tới kia vẫn mãi mãi mơ hồ vì được đọc qua tấm rèm che cửa, một tương lai mang dấu chấm lửng bên cạnh một số phận mang dấu chấm hỏi của người đẹp vẫn vĩnh viễn còn đó - bài thơ chông chênh nhưng lung linh trên một hiện thực ngoài tầm tay và trong khoảnh khắc, ở đó cái đẹp chập chờn trước một ước mơ bất lực còn sự thật phũ phàng với những khát vọng không tên... Chính tại đây thân phận thi nhân kết tinh trong tâm tình tác giả: cái hiện thực biểu kiến kia mang trong nó một thực tại bị đè nặng bởi quá khứ và quan trọng hơn, một hiện tại luôn khát khao chờ đợi nhưng lại rụt rè e ngại không dám mặt đối mặt tiến thẳng tới tương lai.


Nhưng thế giới luôn đổi thay, và để làm nên cũng như hòa nhập vào một thế giới luôn đổi thay, con người phải vượt khỏi chính mình. Có thể coi bài Đề mẫu đơn (Đề hoa mẫu đơn) là tác phẩm đánh dấu điểm bắt đầu con đường vượt khỏi chính mình của người hầu mang kiếm trong nhà họ Quách:


Nhất chủng phương phi xuất hậu đình,
Khước thâu đào lý đặc giai danh.
Thùy năng vị hướng thiên nhân thuyết,
Tùng thử di căn thượng thái thanh.
(Thơm tho tươi tốt đứng sau đình,
Kém mận thua đào nghĩ tủi tình.
Ai nói người tiên dời gốc giúp,
Đem lên trồng giữa chốn trời xanh).


Khác hẳn bài Thanh điểu hàm bồ đào đậm màu rụt rè nhút nhát, ở bài Đề mẫu đơn này tác giả đã mạnh dạn đồng thời thẳng thắn bày tỏ tình cảm giống như một phản ứng về sự trái ngược hay ít ra là chênh lệch giữa giá trị và thân phận của mình. Mặc dù còn mong mỏi một phép mầu để đổi thay số phận, người hầu mang kiếm của Quách Tứ lang cũng đã chính thức khẳng định bản thân là một người có tài chẳng may rơi vào địa vị thấp hèn, giống như khóm hoa mẫu đơn tươi đẹp thơm tho sở dĩ kém mận thua đào chỉ vì bị trồng ở nơi vườn sau vắng vẻ. Và quả nhiên về sau người ấy thấy nhục nhã với thân phận nô lệ nên bỏ trốn, lúc ra đi có để lại một bài thơ từ biệt chủ nhân lời lẽ rất cảm động, họ Quách cũng không truy tìm đuổi bắt. Phạm Cứ cuối thời Đường thuật lại câu chuyện trên trong Vân Khê hữu nghị, có chép lời Kinh triệu doãn Hàm Dương Lục Toàn Hiểu nhận xét người hầu mang kiếm ấy là nhân vật vượt khỏi thói thường.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 3 trang (25 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối