Trang trong tổng số 3 trang (25 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3]

Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Những bài thơ tuyệt mệnh

Thi pháp Đường thi truyền thống đưa tới một hiệu quả nghệ thuật - nhân sinh rất đặc biệt. Đòi hỏi một sự nhất hóa cao độ giữa ngoại giới với nội tâm, nó khiến người làm thơ bộc lộ không những kiến thức, nhân phẩm, tâm tính, phong cách mà nhiều khi cả tiềm thức, dự cảm của mình nữa. Cho nên trong giai thoại thơ Đường có không ít các truyện kể về việc xem tác phẩm mà biết được tài năng, chí khí, sự nghiệp, cuộc đời của tác giả. Có thể xếp những bài thơ tuyệt mệnh của Trịnh Thục Tân, Nguyên Chẩn, Thôi Nguyên Phạm, Lã Quần dưới đây vào loại “thơ khẩu khí” đó.

Trịnh Thục Tân người Vinh Dương, giỏi làm thơ ngũ ngôn, tuổi đã già mới được cử làm một chức Huyện úy ở vùng Giang Tải. Ngày lên đường thân thích bạn bè bày tiệc tiễn ở cửa Thượng Đông, Thục Tân làm thơ rằng:

Úy đồ phương vạn lý,
Sinh nhai cận bách niên.
Bất tri tương bạch thủ,
Hà xứ nhập hoàng tuyền.
(Đường hoạn muôn trùng nhiều hiểm trở,
Đời người trăm tuổi khổ sinh nhai.
Đành đem tóc trắng liều thân thế,
Gởi xác nơi nào thật chẳng hay).

Uống say rồi ngâm, thanh điệu bi thiết. Kế quả chết tại nơi làm quan, trong niên hiệu Trường Thọ (693 - 694).

Trong niên hiệu Thái Hòa (827 - 836) Bạch Cư Dị làm Lệnh doãn Hà Nam. Nguyên Chẩn được phong làm Tả Thừa tướng, từ Việt Châu qua đất Lạc thăm Cư Dị, có làm hai bài thơ từ biệt như sau:


I. Quân ưng quái ngã lưu liên cửu,
Ngã dục dữ quân từ biệt nan.
Bạch đầu đồ lữ tạm hy thiểu,
Minh nhật khủng quân vô thử hoan.
II. Tự thức quân lai tam độ biệt,
Giá hồi bạch tận lão tỳ tu.
Luyến quân bất khứ quân tu hội,
Tri đắc hậu thời tương kiến vô?
(I. Bạn cứ lạ ta lưu lạc mãi,
Ta toan chào bạn ngại ngùng hoài.
Bạn bè tóc bạc dần thưa vắng,
E bạn mai ngày ít dịp vui.
II. Tính lại ba phen mình cách mặt,
Lần này râu tóc thảy như bông.
Thương nhau nấn ná giờ ly biệt,
Biết có ngày sau gặp lại không?).


Chẳng bao lâu quả nhiên Chẩn chết ở Ngạc Châu. Cư Dị khóc nói “Trước lấy thơ kết giao, sau lấy thơ vĩnh quyết, đàn bút ta thôi hết, chắc là ngày nay chăng!”.

Thôi Nguyên Phạm làm Giám sát Ngự sử ra thanh tra Chiết Đông. Trước đó Quan sát sứ Chiết Đông Lý Nạp có một đêm lên vọng lâu trong thành nghe lời hát rằng “Nhạn Môn sơn thượng nhạn sơ phi” (Chim nhạn vừa bay núi Nhạn Môn), âm điệu gấp gáp thê thiết. Nạp gọi tới hỏi, người hát thưa rằng “Thiếp là con hát ra khỏi sổ tên Thịnh Tiểu Tùng”. Đến hôm Nguyên Phạm thanh tra xong trở về kinh, Nạp hội quan viên ở mạc phủ bày tiệc đưa chân, sai Tiểu Tùng hát, mỗi khách trên tiệc đều làm một bài thơ tứ tuyệt để tiễn. Thơ của Nạp như sau:

Tú y bôn mệnh khứ tình đa,
Nam quốc giai nhân liễm thúy nga.
Tằng hướng giáo phường thinh (thính) quốc nhạc,
Vị quân trùng xướng Thịnh Tùng ca.
(Áo thêu chăm chắm lại kinh hoa,
Người đẹp phương Nam dạ xót xa.
Từng hướng ca phường nghe tiếng nhạc,
Vì ông lại bảo Thịnh Tùng ca).

Nguyên Phạm hiểu ý chúc tụng của Nạp, bèn làm một bài thơ từ tạ rằng:

Dương công lưu yến Nghiễn Sơn đình,
Lạc Phố cao ca ngũ dạ tình.
Độc hướng Bách đài vi lão lại,
Khả lân lâm mộc hưởng dư thanh.
(Quan hiền ý tiễn xiết chân thành,
Người đẹp lời ca nặng nghĩa tình.
Chức lại riêng già nơi phủ quạ,
Nghĩ thương cây lá vọng âm thanh).


Khách trên tiệc có người nói “Quan Thị ngự là Trung thư nơi gác Phượng, tiền trình như chim phượng, làm sao mà già nơi phủ quạ (thời Hán trong phủ Ngự sử trồng nhiều cây bách, có đàn quạ hoang vài ngàn con tụ tập, sáng bay đi tối bay về, người ta vì thế gọi phủ Ngự sử là Bách đài hay Ô đài) được, xin ngài sửa câu ấy”. Nguyên Phạm không chịu, đến mùa thu đi xét án ngục tại Tiêu Trung, chết ở chức Ngự sử.


Lã Quần, vào năm Nguyên Hòa thứ 11 (816) thi rớt, đi chơi tới đất Thục. Tính khắt khe với kẻ dưới, đám đầy tớ đánh xe đều oán hận. Tới My Châu ngụ lại ở một ngôi chùa, Quần đề hai bài thơ trên vách phía đông rằng:

I. Lộ hành tam Thục tận,
Thân cập nhất dương sinh.
Lại hữu tàn đăng hỏa,
Tương y tọa đáo minh.
II. Xã hậu từ sào yến,
Sương tiền biệt đới bồng.
Nguyện vi hồ điệp mộng,
Phi khứ mịch Quan Trung.
(I. Lối trước hỏi đường ba Thục hết,
Đông về gặp khí nhất dương sinh.
Đèn tàn ngọn lửa còn leo lét,
Đến sáng nương nhau tỏ bóng hình.
II. Bỏ rường, trên tổ không chim én,
Đứt rễ, trong sương sót cánh bồng.
Mong được mơ màng trong giấc bướm,
Bay về chấp chới kiếm Quan Trung).

Ngâm xong rơi lệ, ngậm ngùi không thôi. Chẳng bao lâu thì bị đầy tớ giết chết.

Thơ của Trịnh Thục Tân là lời tuyệt vọng, của Nguyên Chẩn là lời tuyệt giao, của Thôi Nguyên Phạm là lời tuyệt danh, của Lã Quần là lời tuyệt tâm. Bốn người đều có chỗ đoạn tuyệt với đời, có lẽ cũng là điềm tuyệt mệnh. Song Thục Tân tuy tuyệt vọng mà không tuyệt chí, Nguyên Chẩn tựa tuyệt giao mà không tuyệt tình, Nguyên Phạm giống tuyệt danh mà không tuyệt ý, nên kết cục còn được trọn vẹn. Riêng Quần thì khí cục nhỏ nhen, không dung ngoại vật, đi chơi dừng lại mà than là hết đường, chim én lánh đông mà tả là bỏ rường, quả là con người khắc bạc. Đến như biết đèn sắp tắt mà vẫn gượng soi đến sáng, có ý khinh đời song lại đợi chờ giấc bướm, thì việc làm nông nổi, lời nói bừa bãi đã cho thấy là kẻ cư xử bất cẩn vậy. Lời thơ Chim én bỏ rường, Cánh bồng đứt rễ quả là cái triệu tuyệt tâm, song kẻ nào nhất thời chán đời cũng có thể viết ra được, chưa phải đã thực sự là điều hệ trọng. Đáng nói là tình tuyệt chỗ hết đường, ý tuyệt chỗ nương đèn, chí tuyệt chỗ giấc bướm, tâm tình cùng ý chí đều tuyệt, thật đã đáng ngại lắm. Huống chi tâm sự đã phiền não, tâm tính vốn khắc bạc mà tâm tư lại bất cẩn, thì chết phi mệnh dưới tay kẻ hầu hạ thất học nghĩ cũng đúng thôi.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Ban ngày trăng sáng, Mùa hè tuyết giăng

* Trông xa một đống đen sì,
Đến gần kính ngắm ấy thì mỏ than.
* Giống ruồi là giống hiểm nguy,
Mỗi chân của nó rất vi trùng nhiều.
* Liên Xô thật đáng tự hào,
Có Ga-ga-rỉn (rin) bay vào vũ tru (trụ).
* Anh đi công tác Pờ-lây,
Ku dài dằng dặc biết ngày nào vê (về).


Ba bài thơ đầu tả cảnh mỏ than ở Quảng Ninh, kêu gọi diệt ruồi để giữ vệ sinh và ca ngợi thành tích chinh phục vũ trụ của Liên Xô (cũ) trên đây tương truyền là của nhà thơ Bút Tre, một người làm công tác văn hóa ở khu vực Vĩnh Phú trong những năm 60. Không rõ đó có đúng với nguyên tác và thật của thi sĩ hay không, bởi qua tháng năm thiên hạ đã gán cho ông quá nhiều thi phẩm dị hợm như đoạn thơ tiễn bạn đi công tác vào Pleiku (có lẽ xuất hiện sau 1975), song chắc chắn là ông cũng có không ít các thi phẩm loại ấy, những thi phẩm mang phong cách cấu tứ và nhất là nghệ thuật tu từ độc đáo không có trong lý luận văn học của mọi quốc gia và thời đại song đã thực sự đặt nền tảng cho một hạng mục văn chương được gọi là thơ Bút Tre. Có điều loại thi sĩ và thi phẩm Trúc Bút ấy ít ra cũng đã xuất hiện từ thời Đường ở Trung Hoa, với hiện tượng Quyền Long Bao mà xét về phương diện kỳ quái thì còn trên tài cả Hoàng Phủ Thực bạn Hàn Dũ.


Long Bao người Tần Châu, trong niên hiệu Cảnh Long (707 - 710) giữ chức Tả vũ tướng quân, rất thích làm thơ song không biết gì về thanh điệu và thi luật. Có lần Trung tông họp các Học sĩ cùng làm thơ, Long Bao cũng vào dự rất tự nhiên, vua thấy thế gọi đùa là Quyền Học sĩ. Trước đó cha Long Bao có tội nên ông ta bị liên lụy từng phải đi đày, hôm ấy bèn làm bài thơ dâng vua như sau:


Long Bao hữu hà tội,
Thiên ân phóng Lĩnh Nam.
Sắc tri vô tội quá,
Truy lai dữ Tướng quân.
(Long Bao nào có tội,
Ơn vua đày Lĩnh Nam.
Nay hay không tội trạng,
Phong bù chức Tướng quân).


Dĩ nhiên tác giả cũng có ý nói mình không có tài cán gì, chỉ nhờ vô tội - trung thành mà được làm quan, song ý tứ trung thuận ấy lại được thể hiện bằng lời kể lể quá khứ nào có tội khá ngây ngô nên đâm ra giống một sự tố cáo rất phản tác dụng. Có điều Trung tông nghe xong lại cả cười, có lẽ vì biết rõ tâm tính của Long Bao và chắc vì bài thơ chẳng ra chương pháp gì, ngay cả bốn câu cũng hạ bốn vần khác nhau!


Long Bao có hai câu thơ tả cảnh Hạ nhật (Ngày hè) rằng “Nghiêm tuyết bạch hạo hạo, Minh nguyệt xích đoàn đoàn” (Tuyết lạnh trắng rực rực, Trăng sáng đỏ tròn tròn), nghe thì đối chan chát nhưng chẳng ra ý tứ gì. Hôm ấy lại là dịp Thái tử Lý Đán (tức Duệ tông về sau) mời khách ăn tiệc làm thơ, có người ngạc nhiên nói “Đó đâu phải là cảnh mùa hè”, Long Bao đáp “Chỉ là theo vần thôi” (Sấn vận nhi dĩ) - ý chừng câu Nghiêm tuyết... lạ đời kia là ông ta muốn tả ánh nắng ngày hè chói chang sáng trắng, và vì câu trên có chữ tuyết nên câu dưới hạ chữ nguyệt cho theo vần! Mọi người nghe Long Bao nói đều phá lên cười, Lý Đán thì cố nín cười kéo bút viết luôn mấy câu bình luận:


Long Bao tài tử,
Tần Châu nhân sĩ.
Minh nguyệt trú diệu,
Nghiêm tuyết hạ khỉ (khởi).
Như thử văn chương,
Sấn vận nhi dĩ.
(Tài tử Long Bao,
Nhân sĩ châu Tần.
Ban ngày trăng sáng,
Mùa hè tuyết giăng.
Văn chương như thế,
Chỉ là theo vần).


Lời bình được đọc lên, khách khứa lại bò ra cười!


Thật ra, Long Bao đã nổi tiếng với loại thơ Chỉ là theo vần của ông ta từ trước đó khá lâu. Trong niên hiệu Vạn Tuế Thông Thiên (696 - 697) ông ta được cử làm Thứ sử Thương Châu, vừa tới nơi nhận chức, trong bữa tiệc gặp mặt đầu tiên đã đưa ra một bài thơ diện kiến khiến tất cả các quan liêu thuộc cấp có mặt đều phát run vì phải nhịn cười:


Dao khán Thương Châu thành,
Dương liễu uất thanh thanh.
Trung ương nhất quần hán,
Tụ tọa đả bôi giác.
(Xa ngó thành Thương Châu,
Dương liễu biếc một màu.
Ở giữa có một bọn,
Quây quần cùng nhậu nhẹt).


Mọi người không ai dám họa lại, đều cố gắng trấn tĩnh từ tạ rằng “Ngài thật tài hoa phóng dật”. Long Bao cũng khiêm tốn đáp “Không dám, chỉ là theo vần thôi”. Ít lâu sau lại làm một bài thơ đặt nhan đề là Thu nhật hưu hoài (Ngày thu nghỉ ngơi cảm hoài) lời lẽ cực kỳ bí hiểm:


Thiềm tiền phi thất bách,
Tuyết bạch hậu viên cương.
Bão thực phòng lý trắc,
Gia phẩn tập dã lang.
(Trước thềm bảy trăm bay,
Tuyết trắng viền sau vườn.
No bụng nghiêng trong buồng,
Nhà xí họp hung đồng).


Các quan Tham quân trong châu được Thứ sử đưa xem chẳng hiểu gì cả, hỏi nghĩa thì ông Bút Tre thời Đường này đáp “Nghĩa là có khoảng bảy trăm con chim chích bay qua trước thềm, áo giặt phơi sau vườn trắng như tuyết, ăn no nằm trong buồng, phải nằm nghiêng, cầu xí trong nhà đầy những bọ hung (khương lang) từ đầm ngoài đồng bay vào” (!), khiến người nghe thảy phát ngán khịt mũi về cái sự cảm hoài ngày thu chân thực tới mức ít thẩm mỹ và thật thà tới nỗi thiếu vệ sinh của ông ta...


Về Quyền Long Bao thì còn lắm giai thoại ly kỳ, nhưng chỉ cần nêu thêm một mẩu chuyện cho phép nhìn nhận kiến thức của ông ta về mặt văn chương chữ nghĩa. Lúc ở Thương Châu, vào cuối năm nhận được thư của một người quen ở Kinh Châu trong có câu “Cải niên đa cảm” (Năm tháng đổi thay, lòng nhiều cảm xúc), ông ta bèn đem thư đưa cho quan Phán ty ở châu, nói “Triều đình đổi niên hiệu là Đa Cảm nguyên niên”, người ta kể cho nhau nghe để cười.


Đương nhiên, ra quận làm nổi Thứ sử, về triều làm tới Tướng quân, Quyền Long Bao hoàn toàn không phải là một kẻ bất học vô thuật. Song giống như nhiều người không có khả năng mà vẫn muốn tự khẳng định mình trong lãnh vực văn chương chữ nghĩa, ông ta lại trở thành một kẻ làm trò cười cho cả đương thời cũng như hậu thế với những câu thơ loại Ban ngày trăng sáng, Mùa hè tuyết giăng ngốc nghếch và kỳ quặc của mình. Ai cũng có lúc nói ra những lời ngu xuẩn cả, nhưng điều quan trọng là đừng nói chúng ra một cách nghiêm chỉnh. Long Bao lại đọc những bài thơ Chỉ là theo vần kia ra với một thái độ nghiêm chỉnh, nghĩa là coi chúng là thơ thật, thì trách gì không bị thiên hạ chê bai.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Thơ này của Trẫm biết đưa ai xem

Đường Thái tông Lý Thế Dân làm mười bài thơ Đế kinh, bài tựa có đoạn rằng “Ta lúc việc nước nhàn rỗi, nghỉ ngơi ở văn chương, xem việc đế vương các đời, ngẫm chuyện trị bình trước mắt... Ngậm ngùi hoài cổ, nhớ bậc triết nhân, muốn nối phong thái Thuấn Nghiêu, bỏ tệ đoan Tần Hán. Dùng văn chương đẹp đẽ, đổi lời lẽ mơ màng, cốt ở lòng người, chẳng phải là khó. Cho nên nếu xem văn giáo ở sáu kinh, xét võ công nơi bảy đức, đài gác xa nơi nước lửa, vàng đá hòa với thần người, giữ mực chỗ trung hòa, không rơi vào phóng đãng thì ngòi rãnh đủ vui cần gì sông biển, gác Lân đủ ngắm cần gì núi gò, người trung đủ giao tiếp cần gì thần tiên, kinh đô đủ dạo chơi cần gì tiên giới? Nếu lại bỏ quả tìm hoa, phóng tâm theo ý, làm loạn đạo lớn thì bậc quân tử lấy đó làm điều xấu hổ. Vì vậy làm thơ Đế kinh để nêu rõ ý nguyện về văn chương nhã chính mà thôi”.


Đương nhiên, một ông vua như Lý Thế Dân phải hướng văn nghệ vào những con đường có lợi hay ít ra là vô hại đối với quyền lực của vương triều, đây là yếu tố quy định tính mục đích rất minh bạch của bài tựa nói trên. Có điều phía trên (hay phía sau) cái ý thức dùng văn nghệ phục vụ chính trị ấy vẫn có một điểm khả thủ, đó là theo tác giả, văn chương phải vì thế đạo, thi sĩ phải vị nhân sinh. Và hãy xem cái nhận thức về thế đạo và nhân sinh của ông vua có được giang sơn nhờ thanh gươm yên ngựa này qua bài thơ Nhược liễu minh thu thiền (Ve thu kêu trên liễu yếu):


Tán ảnh ngọc giai liễu,
Hàm thúy ẩn minh thiền.
Vi hình tàng diệp lý,
Loạn hưởng xuất phong tiền.
(Bóng liễu qua thềm ngọc,
Ve kêu sắc biếc tràn.
Nhỏ nhoi nằm dưới lá,
Trước gió giọng ran ran).


Nhìn từ phương diện nghệ thuật, đây cũng là một bài thơ hay. Nhưng tiếng ve ran trước gió theo bóng liễu phất qua thềm ngọc kia vẫn có một cái gì đó không bền vững, nhất thời và mong manh. Dường như Lý Thế Dân trị vì mà không làm chủ được thế đạo và nhân sinh trong cương giới của Đường triều. Hãy thử đọc thêm một bài nữa, bài Bạch nhật bàng tây sơn (Mặt trời trắng cạnh non tây):


Hồng luân bất tạm trú,
Ô phi khởi phục đình.
Nham hà tiệm tiệm lạc,
Khê âm thốn thốn sinh.
Hoắc diệp tùy quang chuyển,
Quỳ tâm trục chiếu khuynh.
Vãn yên hàm thụ sắc,
Thê điểu tạp lưu thanh.
(Vầng đỏ chẳng thôi chuyển,
Bóng ô đâu ngớt bay.
Gò cao màu ráng lịm,
Suối biếc bóng râm dài.
Lá đậu xoay theo ánh,
Hoa quỳ nghiêng hướng tây.
Cây chiều in sắc khói,
Chim ngủ rộn theo bầy).


Bài thơ không chỉ đơn giản nhằm tả cảnh mặt trời lặn sau non tây, vì đối với một ông vua như Lý Thế Dân, việc chọn một đề tài như vậy còn là một cuộc tự trắc nghiệm về tri thức và tinh thần, một sự tự thử thách về quyền uy và tâm lý. Và cũng tương tự như trong bài Nhược liễu minh thu thiền tả tiếng ve mùa thu, bài Bạch nhật bàng tây sơn tả mặt trời phía tây này là một thành công của Lý Thế Dân thi sĩ nhưng là một thất bại của Đường Thái tông hoàng đế. Tại chỗ giao thời trên vòng tuần hoàn ngày đêm của tự nhiên - ngoại giới nói trên, con mắt của ông vua sáng nghiệp Đường triều quả cũng kịp bắt gặp được lòng trung thành của cánh hoa quỳ luôn hướng theo ánh nhật. Nhưng rõ ràng đóa hướng dương cô độc ấy vẫn bị chìm lấp giữa những ánh chiều bóng râm, những tiếng chim sắc khói cứ tràn ra khi nắng tắt, và hoàn toàn không giữ được cho mặt trời không rơi xuống sau non tây... Dường như một khi đối diện với tạo vật và tự ngắm vào lòng mình, người đứng đầu của quốc gia, vị chúa tể của Đường triều này đều cảm thấy bất an, bất lực trước một cái gì đó không thể nắm bắt và nhận thức, không thể làm chủ và chế ngự. Có lẽ đây là chỗ bắt đầu của những thất bại tại ngai vàng và cô đơn trong quyền lực, cố nhiên là của mọi ông vua.


Có một lần Đường Thái tông làm thơ theo thể Cung từ rồi sai văn thần là Ngu Thế Nam họa. Thế Nam nói “Bệ hạ làm thơ rất hay, song đó không phải là thể thơ nhã chính. Người trên mà yêu thích, kẻ dưới sẽ làm quá. Thơ này mà truyền ra, văn phong trong thiên hạ sẽ rối loạn, thần thật không dám phụng chiếu”. Về sau Thái tông làm một bài thơ ghi lại về việc phế hưng thời cổ, làm xong lại than rằng “Chung Tử Kỳ chết thì Bá Nha không gảy đàn nữa. Thơ này của trẫm biết đưa ai xem”, rồi ra lệnh cho Thế Nam đốt đi.


Chủ trương làm thơ nhã chính vì nhân sinh và cho thế đạo, Lý Thế Dân đã phải nhượng bộ quan niệm chính thống đương thời khi Ngu Thế Nam không chịu họa thơ ngự chế. Nhưng ngay cả với những bài thơ nhã chính, ông vua thi sĩ này cũng có những lúc thấy mình thất bại tại ngai vàng và cô đơn trong quyền lực. Và đó không phải là điều hài hước, vì khám phá đời sống bằng tư duy nghệ thuật, người ta sẽ nhận ra được một chân lý, là thế đạo và nhân sinh tự chúng đều vượt ra khỏi phạm vi nhận thức của mọi vua chúa cũng như quyền lực của mọi vương triều.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Nhớ hoài trăng núi cũ

...Nhân hữu bi hoan ly hợp,
Nguyệt hữu âm tịnh viên khuyết,
Thử sự cổ nan toàn.
(...Người có buồn vui tan hợp,
Trăng có tỏ mờ tròn khuyết,
Từ xưa khó vẹn toàn).


Nhìn nhận cuộc sống con người từ quy luật của giới tự nhiên, Tô Thức với đoạn trong bài Thủy điệu ca đầu nói trên đã nhắc tới một nỗi buồn lớn của nhân sinh - nỗi buồn ly biệt. Quả thật sau nỗi khổ sinh lão bệnh tử, điều làm người đời bận tâm nhiều hơn cả có lẽ là những cuộc chia tay, những cuộc chia tay nhiều khi mang mùi vị đắng cay tới mức khiến họ phải xếp nỗi buồn sinh ly ngay sau niềm đau tử biệt. Hiện thực thế nhân ấy cũng tràn vào tác phẩm của các thi tăng đời Đường, nhưng đáng nói là nhiều khi như một minh chứng cho tôn chỉ vạn sự giai không, kết hợp ý đạo với tình đời ở đây lại làm nên một biệt sắc trong thơ văn của những người coi cuộc sống là phù du, nhân sinh là ảo ảnh.


Sư Pháp Chiếu có bài Tống Thiền sư quy Tân La như sau:


Vạn lý quy hương lộ,
Tùy duyên bất toán trình.
Đăng sơn bách nạp tệ,
Quá hải nhất bôi khinh.
Dạ túc y vân sắc,
Thần trai tựu thủy thanh.
Hà niên trì bối diệp,
Khước đáo Hán gia thành?
(Muôn dặm về quê cũ,
Lâu mau phó chữ duyên.
Lên non áo rách lối,
Qua bể chén đưa thuyền.
Ngủ giữa màu mây kết,
Ăn trong tiếng suối rền.
Năm nào kinh lá bối,
Lại chở tới Trung nguyên?)


Đưa người đồng đạo Triều Tiên về lại nước cũ Tân La, sư Pháp Chiếu cũng bộc lộ tình lưu luyến, lòng mến thương qua hai câu thơ cuối. Nhưng bài thơ tuyệt nhiên không có nỗi đau thương, không có lời oán hận, mà ngược lại, lại vẽ ra tư thái ung dung thanh thản của một bậc cao tăng trên đường trở lại quê xưa. Nẻo thiên sơn vạn thủy, cảnh ăn bụi ngủ bờ không làm bận lòng cả người đi lẫn kẻ ở, bởi đi lâu hay mau, gặp lành hay dữ thì cả hai đều quan niệm là tùy duyên. Cuộc tiễn đưa không phải không nặng tình, song thái độ tùy duyên được khẳng định ngay đầu bài thơ đã mở ra cho mối tình đồng đạo ở đây một không gian biệt ly vượt khỏi những tiếc thương, buồn đau thế tục. Chính vì vậy mà nói cho cùng thì việc nhà sư Tân La kia có trở lại đất Trung Hoa và tái ngộ sư Pháp Chiếu hay không cũng chẳng phải là điều làm hai người trăn trở, bởi trở lại hay không trở lại, tái ngộ hay không tái ngộ thì cũng đều vì đạo pháp, bởi nhân duyên...


Đầu niên hiệu Chí Đức (756 - 758) vương tử nước Tân La là Kim Địa Tạng vượt bể tới Trung Hoa, vào ẩn cư tu hành trong núi Cửu Hoa, có một tiểu đồng người Trung Quốc theo hầu hạ. Sau người tiểu đồng xin về, sư làm bài Tống đồng tử hạ sơn rằng:


Không môn tịch mịch nhử tư gia,
Lễ biệt vân phòng hạ Cửu Hoa.
Ưu hướng trúc lan ky (kỵ) trúc mã,
Lãn ư kim địa tụ kim sa.
Thiên bình giản để hưu chiêu nguyệt,
Phanh dánh âu trung bãi lộng hoa.
Hảo khứ bất tu tần hạ lệ,
Lão tăng tương bạn hữu yên hà.
(Vắng vẻ Thiền môn chú nhớ nhà,
Lạy chào sư phụ xuống non Hoa.
Ngựa tre tơ tưởng niềm nhân thế,
Cửa Phật lơ là chuyện xuất gia.
Băng cạn đáy khe thôi múc gánh,
Hoa sôi trong ấm hết pha trà.
Lên đường khỏe mạnh, đừng rơi lệ,
Mây khói cùng sư vẫn bạn mà).



Khác với sư Pháp Chiếu chia tay với một người trong cửa Thiền, ở đây sư Kim Địa Tạng chia tay với một người rời bỏ cuộc sống tu hành trở về cùng thế tục. Cho nên trong bài thơ có tới hai cuộc chia tay: cuộc chia tay giữa người tiểu đồng với lý tưởng tu hành lồng trong cuộc chia tay giữa chú ta cùng tác giả. Nhưng mang tấm lòng về lại với đời thường, người tiểu đồng kia cũng lập tức phát sinh tục niệm với những giọt lệ thế nhân trong giờ ly biệt. Thái độ hồn hậu trong lời an ủi của sư Kim Địa Tạng ở hai câu cuối rõ ra tấm lòng bao dung của một vị cao tăng đắc đạo, song chính vì vậy mà ở đây lại xuất hiện một nghịch lý trong cái thế song hành tương phản: kẻ trở về với gia đình như hằng mong ước dường như lại thấy mình mất mát nên rơi nước mắt, còn người ở lại lẻ loi trong cô tịch vẫn thản nhiên thấy mình còn đủ cả người quen bạn cũ giữa cảnh yên hà trên núi Cửu Hoa...


Nhân hữu bi hoan ly hợp... Những người trong cửa Thiền cũng có lúc phải chia tay và cũng đều cảm xúc lúc chia tay, nhưng họ nhìn nhận hay cố gắng nhìn nhận những cảm xúc ấy bằng một con mắt thản nhiên, hay nói đúng hơn, cố gắng đồng quy những xử cảnh, nhất hóa những cảm xúc ấy vào với nhịp điệu hữu sinh hữu diệt thường hằng của dòng đời vô tận vô cùng miên viễn. Trên đường hướng này mà vào một ngày cuối xuân tiễn bạn, sư Vô Muộn đã viết bài Mộ xuân tống nhân:


Chiết liễu đình biên thủ trụng huề,
Giang yên đạm đạm thảo thê thê.
Đỗ quyên bất cố ly nhân ý,
Cánh hướng lạc hoa chi thượng đề.
(Vin liễu giơ tay mãi cạnh đình,
Khói sông nhàn nhạt cỏ xanh xanh.
Đỗ quyên chẳng nghĩ người ly biệt,
Lại cứ kêu hoa rụng dưới cành).



Bài thơ như một bức tranh ở đó một khoảnh khắc của cuộc tiễn đưa được tác giả khắc họa trong một giây phút ngưng thần: người tiễn giơ tay lần thứ hai mà chưa nỡ bẻ cành liễu tặng người đi, giơ tay bẻ liễu mà mắt nhìn ra bờ sông xa tít tắp cỏ xanh và nhạt nhòa khói sóng, trong khi tai nghe tiếng chim cuốc kêu ran dưới gốc dương tả tơi hoa rụng còn tâm tư thì liên tưởng tới việc tạo vật vô tình. Ở đây thi pháp Đường thi với tâm thức Thiền môn đã được kết hợp một cách tài tình: người cứ chia tay còn cuốc cứ kêu xuân chẳng cần biết tới mối tình ly biệt, chim đầu hạ không kêu cho hoa cuối xuân song mối ly tình lại gắn tiếng chim hạ kêu với cảnh hoa xuân rụng, mà mối liên hệ chim kêu - hoa rụng kia tự nó lại hàm chứa sự tiếp nối xuân - hạ tự nhiên của đất trời tạo vật, cũng giống như đời người hết hợp rồi tan...


Nguyệt hữu âm tịnh viên khuyết... Dĩ nhiên, thông thường thì cuộc chia tay nào cũng có kẻ ở người đi, và trong ba bài thơ trên thì ba nhà sư Pháp Chiếu, Kim Địa Tạng và Vô Muộn đều đóng vai trò kẻ tiễn. Trong một vai trò ngược lại, sư Thương Hạo làm bài Lưu biệt Gia Hưng tri kỷ để từ giã bạn bè trước khi rời chùa Đông Lâm:


Nhất tọa Đông Lâm tự,
Tùng lai vị hạ san.
Bất nhân tầm trưởng giả,
Vô sự đáo nhân gian.
Túc vũ sầu vi khách,
Hàn cầm tán vị hoàn.
Không hoài cựu sơn nguyệt,
Đồng tử tụng kinh nhàn.
(Một bận lên chùa học,
Hôm nay mới hạ san.
Chẳng mong tìm trưởng giả,
Bởi rảnh tới nhân gian.
Mưa tối cho buồn khách,
Chim côi chửa họp đàn.
Nhớ hoài trăng núi cũ,
Lúc nhỏ tụng kinh nhàn).


Thông thường thì trong những cuộc chia tay người đi vẫn là kẻ mang tâm tư bị xáo trộn nhiều hơn, nên ở đây tâm tình của sư Thương Hạo cũng bị xáo động trước khi chính thức bước vào cảnh sống của một Thiền sư vân du hành đạo. Đáng chú ý là ông lại tự cho rằng mình rời chùa Đông Lâm không phải để tìm những người trưởng giả có thiện duyên nhằm hoằng dương Phật pháp, mà chỉ vì nhàn rỗi nên bước vào chốn nhân gian. Song người ta lại thấy ông dự cảm về nỗi buồn làm khách trên đường giữa đêm mưa đồng thời trăn trở cảnh bầy chim lạnh bay tan trong một liên tưởng thân côi vắng bạn. Và một cách tự nhiên, ông cũng theo hoài niệm trở về dĩ vãng, ở đó dưới vầng trăng lung linh màu kỷ niệm, ông và bạn bè còn là những tiểu đồng chuyên cần kinh kệ trong một tâm trạng vô lo...


Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy thì bài thơ của sư Thương Hạo chẳng có gì đáng gọi là thơ Thiền. Nó mang một cấu trúc chìm riêng với đầu mối nằm ở sự liên hệ giữa câu 4 và câu 8. Tác giả xuống núi vì nhàn rỗi và nhớ mãi những ngày xưa nhàn rỗi! Điểm bất thường nếu không nói là phi lý này đòi hỏi phải được giải thích, và chỉ có thể giải thích nó trên cơ sở một cách giải mã khác, một hướng tiếp cận - cách nhận thức khác đối với chữ nghĩa bài thơ. Từ giã cảnh sống nhàn ngày cũ để bước vào cuộc tiêu dao trong cảnh sống không nhàn, sư Thương Hạo đã mang tấm lòng nhàn - đạo tâm nó giúp ông không chỉ nhìn thấy nơi vầng trăng một vầng trăng nữa. Và trên lằn ranh giữa hai cảnh sống mà cũng là hai thế giới nhận thức - ứng xử này, ông đã hiểu rằng cuộc chia tay với các bạn tri kỷ ở chùa Đông Lâm thật ra cũng là cuộc chia tay với chính mình trong quá khứ. Cho nên vầng trăng trong hoài niệm của sư Thương Hạo không phải là vầng trăng tự nhiên với những tỏ mờ tròn khuyết như trong bài Thủy điệu ca đầu của Tô Thức mà là một vầng trăng biểu kiến, nó vằng vặc mãi ánh sáng an nhiên trầm mặc tỏa ra từ một tấm lòng phá chấp đã hòa vào cảnh giới của không gian tịch diệt vô sinh...


Đưa người đi, sư Pháp Chiếu nói Lâu mau phó chữ duyên, sư Kim Địa Tạng nói Lên đường khỏe mạnh, đừng rơi lệ, sư Vô Muộn nói Đỗ quyên chẳng nghĩ người ly biệt. Từ biệt bạn, sư Thương Hạo nói Nhớ hoài trăng núi cũ. Cả bốn người đều hướng tới một bản chất sau hiện tượng, một quy luật trong khoảnh khắc của cuộc đời và nhận thức để ứng xử. Có lẽ đi hay ở, tan hay hợp đối với nhà Phật đều là chuyện nhân duyên...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Diệp Đồng

Đêm đêm khí vẫn xông trời đất

Long Tuyền là một thanh kiếm báu đời cổ ở Trung Quốc. Tương truyền đời Tấn Huệ đế, Quảng Vũ hầu Trương Hoa thấy khoảng giữa sao Đẩu và sao Ngưu có khí màu tía, nghe nói người Dự Chương là Lôi Hoán giỏi về cái học tinh vĩ thiên tượng, bèn gọi tới hỏi. Hoán nói “Đó là khí tinh hoa của kiếm báu ở Phong Thành xông lên trời vậy”. Trương Hoa nhân đó cử Hoán ra làm Huyện lệnh Phong Thành, sai tìm kiếm báu. Hoán tới Phong Thành, cho đào ở nền ngục thất được một cái hòm đá, bên trong có hai thanh kiếm, đều có khắc tên, một đề Long Tuyền, một đề Thái A, lấp lánh mờ mắt. “Thanh kiếm Long Tuyền” về sau trở thành một văn liệu phổ biến trong văn chương chữ Hán để ví với tài năng, phong thái của người anh hùng, nhưng ít khi câu chuyện về thanh kiếm này lại trở thành một đề tài sáng tác như trường hợp bài Cổ kiếm ca của Quách Nguyên Chấn.

Quách Nguyên Chấn (Tân Đường thư chép là Quách Chấn, đây theo Cựu Đường thư) là người Quý huyện thuộc Tử Châu, thiên tư hùng mại. Năm 18 tuổi (có sách chép là 16 tuổi) thi đậu Thái học sinh (Tiến sĩ). Ra làm Huyện úy Thông Tuyền, xử đoán công việc ngang tàng hào hiệp, không câu nệ theo tiểu tiết pháp luật. Vũ hậu biết được, triệu về hạch hỏi. Đến khi trò chuyện, thấy là người lạ, bèn hỏi tới văn chương trước tác lúc bình nhật, Nguyên Chấn dâng bài Cổ kiếm ca (có sách chép là Bảo kiếm ca), toàn văn như sau:

Quân bất kiến: Côn Ngô thiết dã phi viêm yên,
Hồng quang tử khí câu hách nhiên.
Lương công đoàn luyện phàm kỷ niên,
Chú đắc bảo kiếm danh Long Tuyền.
Long Tuyền nhan sắc như sương tuyết,
Lương công ta tư thán kỳ tuyệt.
Lưu ly ngọc hạp thổ liên hoa,
Thác lũ kim hoàn sinh minh nguyệt.
Chính phùng thiên hạ vô phong trần,
Hạnh đắc dụng phòng quân tử thân.
Tinh quang ảm ảm thanh xà sắc,
Văn chương phiến phiến lục quy lân.
Phi trực kết giao du hiệp tử,
Diệc tằng thân cận anh hùng nhân.
Hà ngôn trung lộ tao khí quyên,
Linh lạc phiêu linh cổ ngục biên.
Tuy phục trầm mai vô sở dụng,
Do năng dạ dạ khí xung thiên.
(Anh chẳng thấy: Sắt tốt Côn Ngô bay khói nóng,
Ánh hồng hơi tía đều rát bỏng.
Thợ hay rèn luyện mấy năm liền,
Đúc được kiếm báu tên Long Tuyền.
Long Tuyền màu sắc như sương tuyết,
Thợ hay tấm tắc khen kỳ tuyệt.
Bao ngọc lưu ly nảy hoa sen,
Khâu vàng chạm trổ sáng ánh nguyệt.
Gặp khi thiên hạ lặng phong trần,
May được quân tử dùng phòng thân.
Thân rắn sống xanh màu lóng lánh,
Văn rùa lưỡi chớp vảy linh lung.
Nếu chẳng kết giao cùng hiệp khách,
Cũng từng thân cận với anh hùng.
Sao nói giữa chừng bị bỏ vứt,
Rơi rụng phiêu linh cạnh ngục thất.
Tuy bị vùi chôn chẳng được dùng,
Đêm đêm khí vẫn xông trời đất).

Vũ hậu xem xong rất khen ngợi, truyền đưa cho bọn Học sĩ Lý Kiều đọc. Từ đó Nguyên Chấn bắt đầu được trọng dụng, dần làm tới Tể tướng (Thượng thư bộ Lại), kế ra làm Đại Tổng quản quân Sóc Phương rồi về triều làm Thượng thư bộ Binh, oai danh lừng lẫy. Thời Đường Minh hoàng được phong là Đại quốc công, sau có lỗi bị giáng, kế được phục chức Tư mã rồi chết. Về sau Đỗ Phủ qua ngang nhà cũ của Quách, có làm thơ rằng:

Tráng công lâm sự đoán,
Cố bộ thế hoành lạc.
Cao vịnh Bảo kiếm thiên,
Thần giao phó minh mạc
(Hào hùng gặp việc không câu nệ,
Ngoái lại vết xưa thầm gạt lệ.
Cao giọng ngâm bài Bảo kiếm ca,
U minh kết giao cảm tri kỷ).

Về câu “Thần giao phó minh mạc” trong bài Quá Đại công cố trạch trên đây, Đường thi kỷ sự chú rằng: Nguyên Chấn có hai câu thơ rất hay là “Cửu thú nhân thiên lão, Trường chinh mã thiểu phì” (Người già năm viễn thú, Ngựa ốm lối trường chinh). Tương truyền Nguyên Chấn ngụ trong núi, đêm thấy một người mặt to như cái mâm hiện ra dưới đèn bèn viết hai câu thơ nói trên vào trán, người ấy biến mất. Hôm sau xuất hành, thấy một cây to có vết như cái vành tai, hai câu thơ ghi ở chỗ ấy, mới biết là quỷ thần tới nghe thơ!

Mặc dù đường công danh cũng gặp nhiều chuyện không may, Quách Nguyên Chấn vẫn có một kết cục nhìn chung khá trọn vẹn. Song được dùng thì làm quan, không được dùng thì giữ chí, người ấy đã hiện ra qua thơ ấy rồi. Bài Cổ kiếm ca với hai câu “Nếu chẳng kết giao cùng hiệp khách, Cũng từng thân cận với anh hùng” đã cho thấy một tài thức hào mại hơn đời, và với hai câu cuối “Tuy bị vùi chôn chẳng được dùng, Đêm đêm khí vẫn xông trời đất” thì một thiên tư cứng cỏi không chịu khuất phục nghịch cảnh đã hiển hiện. Cho nên thân làm Tể tướng, tước tới quốc công, vào triều ra trấn lừng lẫy tiếng tăm, trở thành bậc danh thần một thời, cũng có gì là lạ đâu?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 3 trang (25 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3]