Trang trong tổng số 1 trang (6 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

Giới thiệu bài thơ  
Trưng nữ vương của Ngân Giang

Rằng ngày xưa ấy Ngân Giang
Một dòng sông lạnh muôn ngàn sao rơi

Nữ sĩ Ngân Giang sinh năm 1916 mất năm 2002. Bà đã vang bóng một thời với sở trường thơ mang hơi hướng Đường Thi.
Suốt một đời người, nữ sĩ làm trên 4000 bài thơ, về số lượng này có thể nói bà là một nhà thơ có tác phẩm thơ nhiều nhất, nhì ở Việt Nam.

Thi sĩ Đông Hồ khi bình giảng bài Trưng nữ vương, ông đã quá xúc động trước vẻ đẹp mỹ lệ của thơ nên đã đột tử (vỡ mạch máu não) ngay trên bục giảng đường Đại học Văn khoa Sài Gòn vào ngày 25-3- 1969.

Nữ sĩ nổi tiếng là một nhà thơ nữ thời Tiền chiến và đã để lại nhiều áng thơ bất hủ.
Vậy mà không hiểu sao, bà không có tên trong sách Thi Nhân tiền chiến của Hoài Thanh, Hoài Chân; và cũng không có tên trong bộ sách Nhà Văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan.

Là “thiên tài bị bỏ quên”, nhưng giờ đây thơ của nữ sĩ vẫn còn khơi được nhiều cảm xúc trong lòng người đọc hôm nay, hơn hẳn nhiều người đã từng có tên trong những sách ấy, âu đó cũng là lẽ công bằng, là niềm an ủi cho anh linh của một nữ sĩ xinh đẹp, tài hoa nhưng bạc phận này.
(về đời riêng, bà đã gặp không ít nỗi éo le, các bạn muốn biết chi tiết xin đến địa chỉ: http://vtc.vn/phongsu/5835/index.htm)

***

Với mớ ngôn từ đã cũ, nhưng qua đôi tay khéo sắp đặt, trau chuốt của bà, chúng trở nên những viên ngọc quí mới lạ, thật phù hợp để ca ngợi, để thố lộ những gì trang nhã, cao cả và thiêng liêng.

Trong kho tàng thơ Việt, có không ít bài viết về Trưng nữ vương; nhưng đa phần tác giả đều là phái nam; bởi vậy, hay thì có nhưng thấm thì không.

Có thể nói bài thơ tôi sẽ post ngay sau đây, là bài thơ hay nhất viết về nhân vật lịch sử này.

Thật đặc biệt và cũng thật tinh tế, âm điệu toàn bài giống như một khúc bi hùng ca. Lẫn trong tiếng trống đồng, tiếng tù và, vừa rộn ràng, vừa uyển chuyển, diễn tả được hết niềm vui của người thắng trận; là tiếng rơi thật khẽ của những giọt nước mắt của người góa bụa trẻ thầm tủi cho thân phận cô đơn, lạnh lẽo của mình…

Chỉ có phụ nữ mới có thể hiểu cạn cùng tâm trạng của một phụ nữ.
Tôi nói vậy, có võ đoán lắm không? Và các bạn có nghe như tôi không?

Trưng Nữ Vương

Thù hận đôi lần chau khóe hạnh
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi

Ngang dọc non sông đuờng kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
Bốn phương gió bão dồn chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai

Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi

Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non hồng quét sạch bụi trần ai
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời...

Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi

Ngân Giang.1939


Nói thêm:
Các bạn nên vào địa chỉ mà tôi vừa nêu trên, để hiểu và thương cảm cho một số phận, một tấm lòng.

Với tôi, 4 câu cuối chỉ toàn là nước mắt.

Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi

(Khăn trở lạnh hàm ý nói lên sự th
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

(Khăn trở lạnh hàm ý nói lên sự thay đổi đột ngột từ vui-> buồn-> tiếng kêu thương; xảy ra ngay nơi lòng người chiến thắng, vì không còn người chồng yêu dấu đã cùng kề vai chiến đấu thuở nào để cộng sự, sẻ chia…

Các bạn đọc chầm chậm sẽ cảm nhận được cái hay của âm điệu trong thơ nhờ từ trở đứng ở vị trí này.Từ chàng ơi da diết lắm, không cần phải nói. Từ chếch cũng rất đắc địa. Ngoài nghĩa “xéo, lệch, không ngay”, nó còn gợi người đọc thêm thương cảm cho một phận người vì việc lớn nên phải nén chặt nỗi lòng. Sau những phút hoan ca, ba quân lui về nơi an nghỉ;cũng chính là lúc người chủ tướng thấy mình thật lẻ loi, hụt hẩng; giống hệt như bóng trăng vừa chơi vơi, quạnh quẽ vừa nghiêng lệch trên trời...)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng vũ cửu thiên

Cái link gửi trên kia không vào được chị ơi!

Em, có thể là do còn nông cạn, nên không cảm nhận được cái hay của bài thơ này như giới thiệu ở trên. Theo em thì bài thơ này hay nhất ở khổ cuối, khổ này mới toát lên được cái vẻ cơ đơn tịch mịch của Trưng Trắc.

Em chẳng thấy tiếng trống đồng, tiếng tù và đâu cả. Bài này cũng không nói lên cái sự hào hùng của Hai Bà.
Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

Cảm ơn bạn đã đọc bài.

Bạn đọc chầm chậm bài thơ sẽ nghe được những âm thanh ấy.

Thân.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

Thắp một nén hương muộn
dâng lên nữ sĩ Ngân Giang…

Sáng 30.06.2007 vừa qua , tại lễ đường nhà Thái học Văn miếu Quốc Tử Giám, Hội thảo khoa học giới thiệu thân thế sự nghiệp thơ văn của cố thi sĩ Ngân Giang đã diễn ra long trọng và tràn đầy tình cảm. Tới dự có các GS.TS, các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, các bậc cao niên trong làng thơ Đường Việt Nam và các bạn yêu thơ Đường nói chung và yêu thơ của nữ thi sĩ Ngân Giang nói riêng…

Bàn thêm về bài thơ Trưng nữ vương của nữ sĩ: Một bài tham luận đọc trong buổi hội thảo, sau được đăng tải trên web tại địa chỉ tôi ghi bên dưới (không thấy ghi tên diễn giả). Bài khá dài, tôi xin rút gọn, post lên để bạn đọc tham khảo:

Trong bài thơ Trưng Nữ Vương (người anh hùng liệt nữ đầu tiên trong sử Việt và cả nhân loại) của nữ sĩ Ngân Giang, thì 4 khổ thơ đầu chỉ là sự chuẩn bị cho khổ thơ tứ tuyệt cuối cùng và cũng là đoạn kết để đưa bài thơ vào cõi bất tử trong nền thi ca Việt.

Có thể nói rằng chỉ đến khi khổ thơ cuối được viết ra thì sự thăng hoa của một tài năng thơ, cùng với những gía trị nhân bản và tình yêu con người mới chấp cánh bay lên đến tận cùng. Tính minh triết sâu sắc qua hình tượng đặc thù của nghệ thuật thi ca cũng thể hiện một cách rất sắc sảo ở khổ thơ này.

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi.

Hai câu thơ với hình tượng thật là đắt giá: ngựa vốn là loại động vật mà phải “kinh vó” trước uy danh và chiến công hiển hách của Hai Bà, đủ thấy sự thành công vang dội của cuộc kháng chiến do Hai Bà lãnh đạo…
Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi,

Sự bi thương đến mức “lạnh” cả đầu voi thì thật là một từ rất đắt và không thể thay thế. Chàng ơi ! Điện ngọc bơ vơ quá!Trăng chếch. Ngôi trời bóng lẻ soi.Đọc đến hai câu này, những hình tượng khốc liệt, bi tráng trong cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng trong thơ, như đọng lại và nhường cho một không gian khác: Không gian nội tâm của con người.

Nỗi bơ vơ của con người trong đời sống thế nhân vốn chỉ là lẽ thường tình. Nhưng cái nội tâm “bơ vơ” thường tình ấy, khi đặt cạnh “Điện Ngọc” – một hình tượng của tột đỉnh của quyền lực, của sự đủ đầy vật chất mà thế nhân hằng mơ ước, thì  sự “bơ vơ” như được đẩy lên cho đến tận cùng, không còn nơi bấu víu.  Cùng với sự hào hùng bi tráng của cuộc kháng chiến Hai Bà Trưng trong sử Việt, cộng với vẻ đẹp tuyệt mỹ của bài thơ Trưng Nữ Vương mang đầy tình minh triết và nhân bản về tình yêu con người, sẽ vĩnh viễn là ngôi sao sáng lấp lánh trên dòng Ngân Giang. ....( hết tham luận)

Ở trang web này, tôi cũng bắt gặp những lời bình phẩm rất hay của một bạn đọc:

Bên trong cái vẻ oai hùng, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh lại là một người phụ nữ thật dịu dàng. Ngồi trên ngai vàng, địa vị tột đỉnh quyền uy nhưng tận cùng bên trong lại vẫn chỉ là một người Vợ. Cảm ơn nữ sĩ Ngân Giang đã cho độc giả thấy được hình ảnh thật sự của Hai Bà Trưng, một hình ảnh tiêu biểu cho nét đẹp của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Phương Đông.Hai câu kết của bài thơ "Hai Bà Trưng" thật sự làm cho cá nhân tôi thật bồi hồi xúc động...

Chàng ơi ! Điện ngọc bơ vơ quá!
Trăng chếch. Ngôi trời bóng lẻ soi.


Nữ sĩ đã cho cá nhân tôi thấy Phụ nữ Việt Nam mình đúng là đẹp nhất, đẹp từ dung mạo đến tận sâu thẳm tâm hồn.

Xin được kính cẩn thắp một nén hương dâng lên nữ sĩ Ngân Giang.
 
Khi tôi post bài này lên ngoisaoblog, một bạn đọc có tên Khải Hoàn đã đóng góp cảm nhận :

Nữ sĩ Ngân Giang, tôi xin viếng bà nén hương dân tộc, nghi ngút thơm và lan toả đến ngàn năm.
Hàng ngày tôi vẫn qua chỗ bà ngôì ngày xưa . Bên sông Hồng Hà cuộn chảy.  
Ngày ấy bà có biết chăng, bên Thủ đô Ánh Sáng, các thi sĩ xuống đường đi bán thơ của bà - nữ sĩ Ngân Giang, để làm giầu thêm cho tâm hồn nước Pháp.
Trong khi bà vẫn chăm quét lá bàng khô để nấu nước chè bán cho khách qua đường (như chúng tôi).
Xin hương hồn bà tha thứ cho những kẻ vô tình, vì họ buộc phải hững hờ chứ họ đâu là những kẻ vô cảm không tim.

Bùi Thụy Đào Nguyên,

sao chép& tuyển chọn lại

Nguồn :http://www.vietlyso.com/forums/showthread.php?t=1463
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bùi Thuỵ Đào Nguyên

link mới để đọc cuộc đời nữ sĩ Ngân Giang :http://vtc.vn/phongsu/5835/index.htm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài viết)
[1]