Với mẹ và sông

       "Tiếng sóng sông quê"  (NXB Quân đội nhân dân ấn hành) là tập thơ đầu tay của nhà báo quân đội - kỹ sư vũ khí Nguyễn Đình Xuân, tập hợp 65 bài thơ tiêu biểu nhất của anh viết trong khoảng hai chục năm nay, từ khi còn là một binh nhì đến bây giờ đã là một trung tá ngoài bốn mươi tuổi.
      Vốn là một kỹ sư vũ khí được đào tạo chính qui ở Học viện Kỹ thuật quân sự, thơ Nguyễn Đình Xuân tư duy logic, mạch lạc và rất... khoa học. Những thi tứ của anh được triển khai "có đầu có cuối" một cách hoàn hảo. Những thi ảnh của anh cũng được... tính toán hết sức hợp lý: Con đường như dấu chia đôi/ Em ngượng ngùng phố, còn tôi dấu làng... (Làng và phố); hoặc: Hai cuộc đời lẻ bóng/ Còn đây núi vẫn đôi/ Một người vào huyền thoại/ Một người thành xa xôi (Núi Đôi). Sở trường này là mặt mạnh nhưng đôi khi cũng là hạn chế và nếu có dịp xin trao đổi thêm với tác giả vào một dịp khác.
       Là một nhà báo, Nguyễn Đình Xuân được đi nhiều, gặp nhiều và dấu ấn của những chuyến đi ấy in khá rõ trong tập thơ: Quảng Trị, Trường Sơn, Tây Nguyên, Khánh Hoà, Thái Nguyên, Phú Thọ... Nghĩa là trong mỗi chuyến đi công tác ấy, công việc của một nhà báo vẫn không lấn át nổi chất thi sĩ trong con người Nguyễn Đình Xuân. Nhờ thế mà bạn đọc hôm nay được biết thêm nhiều điều về những địa danh mà anh từng đến, ngoài những bài báo nóng hổi tính thời sự mà có lẽ chính tác giả cũng đã quên...
     Nhưng nét nổi trội tạo nên ấn tượng của tập thơ không phải là những mặt mạnh, những ưu điểm trên đây, mà chính là hình ảnh của bà mẹ được tác giả nhiều lần nhắc đến trong gần một phần ba số bài thơ của tập thơ, chưa kể hình ảnh bà mẹ còn được liên tưởng, gợi nhớ đến trong nhiều cảnh huống ở nhiều bài khác không trực tiếp nói về mẹ. Mẹ và em, quê hương và đất nước là nguồn cảm hứng muôn thủa của thi ca, của muôn mọi nhà thơ. Nhưng bà mẹ trong tập thơ "Tiếng sóng sông quê" là của riêng Nguyễn Đình Xuân không lẫn với ai:

Mười một tuổi mẹ làm nàng dâu

Ngày cưới có đủ đầy hai họ

Về nhà chồng mẹ là cái Đỏ...

(Chuyện kể của mẹ)

   Người mẹ ấy những năm đất nước chìm trong đau thương: Làng ta ngày ấy địch lập tề/ Mẹ giữ kín tung tích người chồng "mất tích"/ Rồi mẹ bỏ làng tề/ Nhập đoàn dân công lên Tây Bắc (Tình yêu của mẹ). Đến chuyện lo toan vun vén cho con cháu ngỡ như có ở mọi bà mẹ Việt Nam, ở đây ta vẫn thấy có nét riêng của một gia đình cụ thể: Khổ từ lúc chửa ra đời/ Lo toan vào cả tiếng cười khi vui... Chưa xây xong nổi ngôi nhà/ Mẹ lo mình đã sắp là người xưa (Mẹ tôi). Từ bà mẹ ruột thịt của mình, Nguyễn Đình Xuân hướng cảm xúc đến những bà mẹ Việt Nam "đương đại", những bà mẹ khắp mọi miền quê, thân thuộc nhất là những bà mẹ châu thổ sông Hồng. Cuộc đời của những bà mẹ gắn liền với những biến cố bi hùng của đất nước những năm nửa cuối thế kỷ hai mươi. Đó là những bà mẹ: ... sống những năm mong tháng đợi ngày/ Niềm vui chưa trọn lại chia tay chồng ra trận/ Mang nặng đẻ đau sinh con mấy bận/ Một bóng một đèn như cánh cò ven sông (Tiếng sóng sông quê). Bà mẹ nào cũng có một thời thiếu nữ, cũng có những điều "sống để dạ, chết mang theo", nhất là những mối tình thầm kín thời tuổi trẻ. Những đứa con khôn lớn, trưởng thành của mẹ không chỉ hiểu, cảm và tôn trọng điều thiêng liêng ấy mà còn thi vị hoá được điều đó: Ngày xưa có anh bộ đội qua làng/ Áo anh được mẹ vá vai/ Anh ấy hẹn mà rồi không về nữa/ Nào ai biết, chỉ riêng mẹ nhớ/ Năm ấy mẹ tròn tuổi hai mươi! (Kỷ niệm của mẹ). Chuyện đã xưa rồi, ấy thế mà: Mong manh dưới gốc đa làng/ Sân đình ai hẹn xốn xang đến giờ... (Mong manh).

   Nhớ mẹ, thương mẹ, khắc ghi công ơn trời biển của mẹ... là nỗi niềm hầu như quán xuyến trong tập thơ "Tiếng sóng sông quê" của Nguyễn Đình Xuân. Ngoài những bài thơ trực tiếp viết về mẹ, có cảm giác như ở những bài thơ thuộc những chủ đề khác, hễ có dịp là anh lại giãi bày tình cảm của mình về mẹ. Đến một miền quê nào đó, gặp dáng cau gốc trầu cũng nhớ mẹ. Nhà hàng xóm trong khu tập thể có bà cụ dưới quê lên thăm con cũng khiến anh rưng rưng. Chiều ba mươi tết ở thị thành, bỗng nôn nao nhớ nồi nước thơm của mẹ những chiều tất niên xưa... Và mỗi lần sinh nhật lại nhớ mẹ cồn cào, bởi: Mẹ sinh con dễ dàng đâu/ Qua sông nước mà mẹ thì vượt cạn/ Đêm tháng Mười muộn vầng trăng tán/ Mẹ mỏi mong đợi những tiếng gà... (Sinh nhật). Sinh nhật là một trong những ngày vui nhất trong năm của mỗi người. Kỷ niệm ngày sinh mà nhớ đến người đã sinh thành nuôi dưỡng mình là điều tưởng không có gì đặc biệt, nhưng trong cuộc sống xô bồ ồn ào thực dụng và hơi bị "Tây hoá" như hiện nay, nỗi nhớ này khiến không ít người đọc phải "giật mình". Hơn nữa trong thơ Nguyễn Đình Xuân, nhớ không chỉ để mà nhớ, không chỉ để nói những lời tri ân, mà là để tự soi mình, tự hoàn thiện mình: Lặng lẽ một đời mẹ sống/ Để lệ tràn trong tứ thơ con (Chuyện kể của mẹ); và: Vầng trăng mẹ hao khuyết/ Cho đời con tròn đầy (Mẹ)

      Bất kỳ ai cũng có một bà mẹ sinh thành. Nhưng với rất nhiều người để trở thành nhà thơ cần phải có thêm một dòng sông nữa. Dòng sữa mẹ nuôi dưỡng con người khôn lớn và dòng sông quê bồi đắp tâm hồn thi sĩ, cảm xúc nhân văn. Thấm nhuần lẽ ấy nên Nguyễn Đình Xuân đã đặt tên cho tập thơ đầu tay của mình là "Tiếng sóng sông quê" và mở đầu là một bài thơ viết về mẹ; kết thúc tập thơ cũng là một bài thơ viết về mẹ. Nếu đó chỉ là một sự tình cờ thì ấy là sự tình cờ hợp lẽ tự nhiên. Nhưng nếu đó là ý đồ của tác giả thì anh cần phải cố gắng hơn nữa trong lao động nghệ thuật, bởi thơ hay không chỉ cốt ở nội dung...

Bùi Minh
Từng con chữ dường như biết nói...