Trang trong tổng số 2 trang (11 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Tạo chủ đề mới để chuyển bài vào
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

Vậy là Nguyễn Đình Xuân đã post toàn bộ tập thơ "Tiếng sóng sông quê". Rất cảm ơn bạn đọc xa gần đọc và góp ý kiến. Dưới đây sẽ là một số bài viết cảm nhận về tập thơ của các nhà báo, nhà văn, nhà thơ và bạn đọc sau khi sách phát hành!
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

Nguyễn Đình Xuân: "TIẾNG SÓNG SÔNG QUÊ" THAO THỨC


    Cầm  tập thơ Tiếng sóng sông quê (NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2009) của Nguyễn Đình Xuân trên tay, tôi chợt cảm một dòng sông đã nồng nàn tuôn chảy suốt hơn bốn mươi năm.

Những đêm không ngủ nhớ quê

Sông hiện trong mơ

Vỗ trong lòng tôi, tiếng sóng...

Một dòng sông chan chứa tình quê, tình đất, tình trời, tình người, tình mẹ, tình cha, tình con và đặc biệt là... tình em.

Làm sao tôi quên được

Khi hôn em lần đầu

Quan họ xanh thăm thẳm

Rơi dải yếm sông Cầu...

(Nụ hôn quan họ)

Dòng sông hiện trong mơ ấy chính là dòng sông của tâm hồn. Dòng sông da diết đến độ thành dòng sông thơ. Cùng những thanh âm thao thiết của tình yêu. Rười rượi...

Nguyễn Đình Xuân là một người lính, nick name của anh trên mạng xã hội ngoisaoblog.com và một vài mạng khác là nhabaoquandoi, anh từng tốt nghiệp chuyên ngành vũ khí Học viện Kỹ thuật quân sự trước khi trở thành phóng viên báo Quân đội nhân dân hiện nay. Đọc thơ anh, tôi lại thấy vũ khí số một của anh là... trái tim.

Đi qua phía dòng sông con gái

Ngực trần phơi nước dưới ánh trăng

Cho người đắm hồn vào xa ngái

Thời ấy binh nhì còn trẻ măng...

(Đoạn đường đi qua)

Dòng sông thi sĩ ấy đã có biết bao con sóng duềnh lên trong đời.

Nhớ dấu chân trăng khuyết

Trên cát mịn

Gió xưa ngẩn ngơ

Bờ lau ngã vào cỏ

Sóng dội trong lòng tôi...

(Ở bến)

Và:

Nếu không ánh mắt em nhìn

Trăng và sóng cũng chìm vào hư vô...

(Trăng hồ)

Những con sóng ấy chính là nhịp đập trái tim, là những câu thơ thao thức, luôn muốn tràn bờ...

Vừa muốn tràn bờ với hiện tại, vừa luôn đau đáu trở về:

Sông của năm nao để ao ước bây giờ

Chẳng thể tắm như ngày con thơ trẻ

Em đã tuổi sông tóc thề để ngỏ

Anh trở về với thấp thoáng sông sương...

(Về với dòng sông)

Không chỉ là sự trở về trong trẻo của tình yêu. Đó còn là nỗi khát khao trở về của người quê sống giữa lòng thành phố.

Tôi đi lẫn người trên phố

Bâng khuâng nhớ mái tranh xưa

Trái bàng như đốm lửa nhỏ

Vỡ òa trên tay trẻ thơ...

(Đi qua thời gian)

Và trở về với mẹ của thương yêu:

Nghe mùa nhè nhẹ hương hoa sữa

Lại đau đáu nhớ cốm đầu mùa

Trăng còn treo ngang bờ tre cũ

Giật mình nghe mẹ gọi khuya mưa...

(Đi qua thời gian)

Dòng sông ấy đi qua muôn nẻo đời, những đợt sóng thơ vẫn luôn đăm đắm với cái đẹp, với tình người:

Trẻ người làm tốt qua sông

Trên bàn, giữa trận lại không rõ mình

Thắng, thua bởi kẻ bày binh

Còn em nguyên vẹn nét xinh nụ cười...

“Tiếng sóng sông quê” Nguyễn Đình Xuân sẽ còn thao thức mãi trong lòng ai...

Đỗ Ngọc Quang
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

CẢM HỨNG SÁNG TẠO TỪ “TIẾNG SÓNG SÔNG QUÊ”





“Những đêm không ngủ nhớ quê

Sông hiện trong mơ

Vỗ trong lòng tôi tiếng sóng...”

         Mấy câu thơ trên đây trích trong bài thơ “Tiếng sóng sông quê”-bài thơ lấy làm nhan đề của cả tập thơ của tác giả Nguyễn Đình Xuân. Tập thơ do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa phát hành đầu năm 2009. Đọc kỹ cả tập 65 bài này mới hiểu vì sao anh nhà báo quân đội, quê anh là một làng ven sông Kinh Thày, lại nặng lòng với dòng sông như vậy.

         Anh ra đi từ bên dòng sông, “Tiếng sóng sông quê vỗ bờ vọng mãi”. Và mãi sau này vẫn nhớ tiếc một thời:

“Sông của năm nao để ao ước bây giờ

Chẳng thể tắm như ngày còn thơ trẻ”

(Về với dòng sông)

         Anh đã “Ngược sông Thao đằm mình trong tán cọ/Chợt thức với sông Hồng đêm trở gió/Đò chòng chành dầm gác đợi ai qua” (Nhớ về Phú Thọ). Đến một miền sông nước miền Trung, anh cũng đã từng thảng thốt:

“Trên căn chòi hứng giọt sao rơi

Tôi ghếch mặt lên nồng nàn gió

Ngật ngưỡng đêm lũ tôm mắt đỏ

Say trăng hay uống mắt em cười?”

                          (Ba Ngòi)

         Đâu phải chỉ con sông quê. Mẹ sinh thành ra anh ở đấy. “Lặng lẽ một đời mẹ sống/Để lệ tràn trong tứ thơ con” (Chuyện kể của mẹ). “Ngày xưa có anh bộ đội qua làng/Áo anh được mẹ vá vai/Anh ấy hẹn mà rồi không về nữa” (Kỷ niệm của mẹ).

“Khổ từ lúc chửa ra đời

Lo toan vào cả tiếng cười khi vui

Thời con gái mẹ qua rồi

Để hương ở lại trong lời ca dao”.

                                  (Mẹ tôi)

         Ngoài hình ảnh mẹ thấp thoáng trong nhiều vần thơ, là bóng dáng người con gái, những cuộc gặp bất chợt trên đường hành quân, qua các bài Ngày xa em, Nụ hôn quan họ, Em, Chia tay... Bóng dáng “người đưa đường” cho anh hành quân qua đất Quảng Trị, làm sao da diết:

“Hình như tiếng vọng làng Vây

Cồn Tiên, dốc Miếu... ngỡ ngày ngưng trôi

Vầng trăng ngã giữa chơi vơi

Nắm tay anh ngỡ của người năm nao.”

(Người đưa đường)

Hay là em gái chèo thuyền đưa anh về một công trường chống chọi với lũ lụt:

Em chèo thuyền đưa tôi về Nho Quan

Nụ cười đón tôi ngược bên kia Gia Viễn

Những đêm lưng áo xanh

Loang loáng ánh đèn

Bộ đội đắp đê ngăn dòng nước dữ”

(Trở lại sông Hoàng Long)

Tập thơ đưa ta đến với nhiều địa danh như Thái Nguyên, Lạc Sơn, Phú Thái, Tây Nguyên... Ở đâu cũng gợi nhớ, gợi thương... Có những lưu luyến: “Ngập ngừng/chân bước/lại thôi/Mắt em/Níu cả bầu trời/trong anh.” Có những bâng khuâng: “Con nước chảy về đâu/Để chiều nay đơn lẻ”. Và không ít lần vất vả gian nan: “Con đường đá cứa những vết chân qua/Anh vác ký ức trên đôi vai phồng rộp...”. Nhưng dẫu đi đâu, gặp gỡ những ai, cuối cùng vẫn trở về với cái điểm xuất phát. Ấy là một dòng sông quê hương, và “Tiếng sóng sông quê vỗ bờ vọng mãi/Mẹ là quê hương trong lòng con”. Chợt nhớ một câu nói của M.Goóc-ki: “Không có mẹ thì không có nhà thơ, không có anh hùng”. Phải chăng đó là nguồn cảm hứng để Nguyễn Đình Xuân sáng tạo, ít ra là trong Tiếng sóng sông quê?



Vương Bạch
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

HÌNH ẢNH MẸ TRONG TẬP THƠ "TIẾNG SÓNG SÔNG QUÊ"


     Tôi đọc một mạch hết tập thơ Tiếng sóng sông quê của Nhà báo quân đội Nguyễn Đình Xuân , Nhà xuất bản QĐND ấn hành năm 2009   (có lẽ ít ai đọc thơ kiểu ấy ) nhưng do tôi bị lôi cuốn bởi cách viết dung dị và về những vấn đề rất đời thường gần gũi.
Để hiểu và đánh giá được hết về từng bài cũng như cả tập thơ thì phải đọc kỹ lại, và xem xét nghiêm túc. Nhưng điều mà tôi nhận thấy ngay khi đọc xong tập thơ đó là chủ đề xuyên suốt trong 20 năm qua của tác giả là những suy tư, trăn trở về số phận con người (nhất là về người lính và hậu phương ), về tình yêu đất nước, là tình cảm dành cho những người thân yêu trong gia đình...

    Trong thơ Nguyễn Đình Xuân hình ảnh và tình cảm với người Mẹ chiếm vị trí đặc biệt. Chỉ nói riêng về số lượng , trong tổng số 65 bài thơ thì tác giả đã dành mười một bài nói về Mẹ chưa kể còn nhiều bài thơ khác cũng có hình bóng mẹ như bài  Đi qua thời gian; Làng và phố; Trở lại sông Hoàng Long, Mong manh...  Tôi có cảm nhận người Mẹ ngoài đời của NĐX là nguyên mẫu là nguồn cảm hứng trực tiếp cho các bài thơ này ( trừ bài  Bà mẹ Vân Kiều ), thông qua hình ảnh người mẹ cụ thể người đọc cũng tìm thấy trong thơ NĐX hình ảnh của những người mẹ vùng đồng bằng Bắc bộ của thế kỷ XX tương đối điển hình, có số phận gắn liền với biến cố lịch sử và hoàn cảnh xã hội đương thời... Người mẹ  trong thơ được hiện lên qua lời kể của chính mẹ ( các bài Chuyện kể của mẹ ; Tình yêu của mẹ; Kỷ niệm của mẹ ...), từ sự cảm nhận trực tiếp trong những ngày sống cùng mẹ ( Mẹ, Mẹ tôi, Sinh nhật ...) và sự chiêm nghiệm của tác giả khi mẹ đã đi xa  ( Giàn trầu của mẹ , Nhớ mẹ...).

      Ở mỗi bài thơ thì hình ảnh cũng như tình cảm của tác giả dành cho mẹ được thể hiện ở các góc độ khác nhau, trong hoàn cảnh khác nhau. Nhưng có lẽ tôi tâm đắc nhất là hình ảnh của mẹ trong bài thơ Tiếng sóng sông quê ( cũng là tên tập thơ ). Trong bài này Nguyễn Đình Xuân ví mẹ như một dòng sông

" Sông và mẹ một đời lam lũ

Tiếng sóng hoà vào lời ru "

      Cuộc đời của mẹ thật vất vả, lam lũ. Đi làm từ lúc " vươn thở " khi về đã là " tiếng thơ " đến nỗi " Sớm chiều mẹ đi về con không nhìn rõ mặt " bất kể là những ngày  "mùa đông lạnh cắt " hay ngày hè " nắng rám trái bòng " Không những thế  đất nước có chiến tranh mẹ phải :

" Mẹ sống  những năm mong tháng đợi ngày

Niềm vui chưa trọn lại chia tay chồng ra trận

Mang nặng đẻ đau sinh con mấy bận

Một bóng một đèn như cánh cò bên sông "

Hai câu thơ tôi cho là "đắt nhất " mà tác giả thể hiện tấm lòng biết ơn của mình đối với mẹ là :

" Mẹ như bên lở

Cho bờ con bồi lớp lớp phù sa "

Nhớ về quê hương là nhớ về người mẹ và khi nhớ về mẹ tác giả lại nhớ đến quê hương yêu dấu của mình, đây là một sự liên tưởng rất thực nhưng cũng rất thơ :

" Tiếng sóng sông quê vỗ bờ vọng mãi

Mẹ là quê hương trong con "

       Rất tiếc do khả năng và trình độ có hạn, nhất là mới kịp " đọc một lần " nhưng vì cảm xúc yêu quý tập  thơ mà tôi viết những dòng cảm nhận  này, chắc chắn là " chưa tới " mong tác giả và bạn đọc lượng thứ, tìm đọc và cho thêm những nhận xét về tập thơ.

Tháng 4/2009

Vũ Tuấn Anh
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

CẢM NHẬN VỀ "TIẾNG SÓNG SÔNG QUÊ"

     Tôi cảm thấy trân trọng những tình cảm của các bạn trẻ khi nhìn thấy các bạn ấy nâng niu tập thơ “Tiếng sóng sông quê” của Nguyễn Đình Xuân.

     Tập thơ này Xuân viết từ lâu lắm rồi. Có bài thơ làm cách đây từ mười mấy năm,  nay mới có điều kiện in và phát hành

     Xuân đi bộ đội sau tôi, nhưng nỗi nhớ quê hương của Xuân được viết thành thơ. Còn tôi chẳng viết được cái gì nên hồn.

     Hãy xem Xuân mở đầu:

“Tôi lặng nghe như có tiếng sóng xô
Từng đợt trào dâng
Những đêm không ngủ nhớ quê
Sông hiện trong mơ
Vỗ trong lòng tôi, tiếng sóng...”

    Xuân quê Hải Dương, nhưng tập thơ của Xuân không chỉ viết về vùng đất Xuân sinh ra lớn lên và đi bộ đội.

Tôi đọc thấy Xuân viết về Quảng Trị:

Ta uống cạn cơn mưa trong ly rượu nhỏ
Thấy mặn mồ hôi hạt gạo cháy gió Lào
Nghe đất cựa mình bật lên chồi cỏ
Cửa Việt tiếng sấm xôn xao.

Viết về Vĩnh Phú:
Đêm dừng chân ở đất Phong Châu
Gặp cơn mưa đổ trong trí nhớ
Tiếng người xưa nghe trong nhịp thở
Bàn chân trần bấm xuống hoàng hôn.

Nhớ thuở nào trên mảnh đất Sơn Vi
Những người lính dồn bước chân trở lại
Mấy nghìn năm nhuộm màu da xanh tái
Dấu vết ngày cơn sốt rét rừng xanh.

Viết về vùng đất  Hòa Bình:

Chiều thêu nét hoa văn vào áo
Thiếu nữ Mường cõng nắng về thung
Bàn chân trần tứa màu đất đỏ
Nụ cười đi trước đón hoàng hôn.

Lạc Sơn thu về đau lá rụng
Heo may dột xuống nóc nhà sàn
Áo trẻ thơ quầng lên miếng vá
Đường kim đính dọc nỗi nhọc nhằn.

Lại còn  mấy bài viết về Mẹ.

Tôi rưng rưng nước mắt khi đọc bài “ Kỷ niệm của  Mẹ”:

Mẹ cứ lẩn thẩn mãi
Áo cất đi rồil lại giở ra.

Tay gầy miếng vá run rẩy
Mắt mờ, đường kim lỗi nhiều hơn.

Mẹ sợ nỗi cô đơn?
Áo mới để dành không mặc.

Thỉnh thoảng câu chuyện mẹ nhắc
Ngày xưa có anh bộ đội qua làng.

Áo anh được mẹ vá vai
Anh ấy hẹn mà rồi không về nữa.

Nào ai biết đâu, chỉ riêng mẹ nhớ
Năm ấy mẹ tròn tuổi hai mươi...

     Một kỷ niệm của một cô thôn nữ với người yêu đã ra chiến trận và không về nữa.

   Tôi nhớ năm 1979, tôi từ đơn vị quân đội trong sân bay Tân Sơn Nhất ra Quân khu Bảy. Tôi gặp thằng Hà học cùng khóa phổ thông với tôi. Nó làm lính gác cổng Quân khu Bảy (Vệ Binh)-Lúc ấy nó binh nhất.

    Nó nói với tôi:

-Lính Hà Sơn Bình cùng đi đợt với mình sang K năm ấy chết gần hết..

    Và biết bao nhiêu cô gái tuổi 20 ở tỉnh tôi ngày ấy....Đã  cất tấm áo để chờ người yêu về mới mặc. Bây giờ ngoài tuổi 50, họ có cháu nội, cháu ngoại và biết đâu trong rương, trong hòm vẫn cất tấm áo sơ mi mới của lứa tuổi hai mươi ...có thể là tấm áo phin nõn có màu trắng, xanh, hoặc có màu tím thương nhớ thủy chung...Những cái áo chưa bao giờ được mặc..

     Và những người chồng, người ông, của những phụ nữ ấy bây giờ (nếu biết) có xót xa tiếc nuối hộ vợ mình và có thông cảm không? Thương thay một nỗi đau chiến tranh ...vẫn còn mãi...nhờ mấy câu thơ..

    Tôi cảm thấy tim mình như có bàn tay nào đó bóp nghẹt lại khi đọc những bài này.

     Hơn chục năm in ra một tập thơ cũng không phải là thật lâu..Nhưng từng bài thơ của  Xuân, tôi đọc.. Tôi thấy hình như có bóng mình trong những bài thơ đó.

     Cái ý nghĩ thầm kín của mình trong bao nhiêu năm..Với quê hương,với bạn bè, với cha mẹ, người yêu... như có ai đọc được gan ruột mình ...sau đó đem viết ra thành thơ.

    Tôi gập tập thơ lại.

    Bồi hồi.

    Đáng xem.

    Buổi gặp gỡ hôm qua giữa nhà thơ và các bạn văn thơ mà tôi vinh hạnh được tham dự.

Hôm nay

Đã trở thành ký ức

Chẳng phai mờ

Cám ơn Xuân với tập thơ “Tiếng sóng sông quê” và các bạn yêu Thơ.

Nguyễn Minh Quang
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

TẢN MẠN VỚI "TIẾNG SÓNG SÔNG QUÊ"


Đánh thức trong tôi ngỡ ngàng

Ai mang quê mình ra phố

Chợt rền tiếng xe máy nổ

Như thấy khấp khểnh đường làng.



         Chị đọc thơ em đêm 23 tháng năm âm lịch, nóng giật thái dương, trương hai con mắt. Ly cà phê chị vừa pha tan loãng trong đá lạnh – vẩn vơ chị thấy cậu trai làng ra phố… ngẩn ngơ.

Rồi chị thấy em đi chiến dịch trong mơ…

Đi qua bao rừng bao suối

Bồi hồi tìm dấu chân cha

Áo xanh ra từ khói lửa

Giật mình xao xác tiếng gà…

      Chị thấy em hồn hậu mơ – hồn nhiên yêu – câu chữ viết ấm như hương lúa chín - như người đàn ông dễ tính chỉ biết yêu thương - cày cuốc xong dụi chân vào chổi – đánh giấc ngủ khoan thai giữa tiếng ầu ơ ru con của vợ -  tiếng dế ỉ ôi khi hoàng hôn buông cùng tiếng chão chuộc ộp oàng - rộn ràng là quê hương máu thịt.

Những gì tâm đắc nhất

Chắt lọc từ hồn ra

Đưa vào từng trang viết

Chợt bình minh tiếng gà

  Em kể chuyện chiến tranh – chia ly và buồn nhớ

“Khi ấy mẹ đang trong giấc ngủ

không nỡ đánh thức mẹ

nên ba một mình ra đi

Những đêm dài thổn thức

Chiến tranh ai hẹn trước ngày về”

    Nỗi nhớ tình yêu của mẹ em vẽ  qua cảnh mẹ bần thần “áo cất đi rồi giở ra” tránh cảm giác cô đơn nhớ cha ngày mẹ còn trẻ.

Em gốc quê chất phác, nghĩ suy hiền như đất quê mình

“Bao năm xa rồi vẫn nhớ

Sông và mẹ một đời lam lũ

Tiếng sóng hòa vào lời ru…”

       Đọc thơ em chị thấy cảnh vần vũ – quê mình lam lũ, mẹ tất tả ngược xuôi bên lở bên bồi.

“Niềm vui chưa trọn lại chia tay chồng ra trận

Mang nặng đẻ đau sinh con mấy bận

Một bóng một đèn như cánh cò bên sông”

       Việt Nam mình có bà mẹ nào không có chiến công – đất nước thắng giặc ngoại xâm vì hậu phương anh hùng hơn ra mặt trận. Em đi đâu ở đâu thì mẹ cũng là quê hương và quê hương là mẹ - Nỗi nhớ em đong đầy thành lời hát trái tim:

“Mẹ là dòng sông trong con nguồn cội

Bốn mùa nước chảy giữa lòng quê hương

Bốn mùa yêu thương suốt đời khắc khoải

Tiếng sóng sông quê vỗ bờ vọng mãi

Mẹ là quê hương trong con”

       Chị nghe tiếng sóng vỗ dồn bên ngực trái – thấy chiến tranh khói lửa, thấy ba và em trên từng chặng đường tuyến lửa - cả khi ba về làm vườn vẫn không yên:

Trở về với tóc muối sương

Ba xới mảnh vườn gieo hạt

Trong đất vọng về tiếng hát

Ba khóc người đã hư vô”

     Như em ngỡ ngàng xúc động – bàng hoàng lặng im trước mênh mông những nấm mộ đống chí :

“Ta lặng im trước Trường Sơn mênh mông

Những ngôi mộ dở dang không hài cốt

Nước mắt còn rơi xuống đất

Ở  đâu dấu chân trong rừng”.

      Lòng chị cào lên khi em đưa trở về kí ức – những cô gái đưa đường “mênh mang đồi núi trập trùng bước chân… Đi như thể giữa chiêm bao… Nhìn trong mờ ảo ánh đèn” – lời thơ em tả như có cả tiếng bom cày đạn xé.

       Chị không thấy thơ em qua hình ảnh cụ thể - chị thấy từng bức tranh hiện lên qua khung cảnh em nhớ, em qua. “Kí ức Trường Sơn”, “Bà mẹ Vân Kiều, “Thành phố”, Làng, Sông, “Thái Nguyên”, “Đền Hùng”, “khu tập thể”, “Con phố nhà binh”, “Mùa Thu”, “nhớ..” “Bình Minh”, “Hoàng hôn”…

       Vơi đầy trong từng khổ thơ, con chữ - là tiếng thở của em giữa nhịp sống đời:

“Hun hút con đường dốc

Ngả người vào hơi may

Uống từng tiếng dế thở

Dưới cỏ xanh thơ ngây”

      Em mê man trong cơn gió chuyển mùa, trong tà áo thoáng qua hằn lại nỗi nhớ. Em thả mình tắm trong cảm xúc – đàn ông như em có ai lạc mắt nhìn khi thiếu nữ đi qua ánh mắt gửi lại, hay vô tình gặp tà áo mỏng lấp loáng ánh trăng

“Thu lọt hồn nhiên qua kẽ tay

Gặp người tóc vội nhuốm màu mây

Dùng dằng ánh mắt trao ngày trước

để giọt lệ run rơi ấm tay”



“Anh như người đi trong mơ

Em xôn xao nỗi nhớ mong chờ

Đất trời như không còn khoảng cách

Mênh mang như chẳng còn bến bờ”



“Bờ suối run rẩy em

Gợn dưới chân sóng cát

Anh sa mạc cháy khát

Áo em mỏng gói trăng”.

     Em viết thơ như viết tâm sự mình – chị đọc Tiếng sóng sông quê vào một đêm khó ngủ - Chị thấy nhạc, thấy giai điệu đẹp – không thấy vần của một người nặn thơ. “Tiếng sóng sông quê” có tiếng sáo diều – tiếng tre đu đưa kẽo kẹt  - em không tô vẽ lên nhưng chị thấy quê hương mình.

   Chị thấy Xuân đi qua mỗi nẻo đường đất nước  – tình cảm em đặt vào con chữ mộc mạc khiến chị thương thót lòng - chỉ muốn ôm, muốn yêu, muốn vỗ về con người chất phác. Em trân trọng máu thịt mẹ cha đơm bông kết trái – muốn truyền cho con mình kí ức đất mẹ nuôi ba. Đưa con về quê chơi với ông bà “Những gì quen thuộc tuổi thơ/ Với ba con đều rất lạ” là nỗi đau đáu niềm mong con trai khôn lớn đừng quên quê cha đất tổ cội nguồn.

      Đêm Sài Gòn không có sóng và sông – vào Blog đọc thơ em chị thấy lòng mình mát mẻ. Chữ là mình – thơ là tâm hồn lời ca nên chả ai vẽ khác được.

      Tiếng sóng sông quê là em – mộc mạc chân tình.

NHÀ BÁO ĐỖ HƯƠNG
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

TÔI VÀ THƠ CỦA ANH


      Mấy hôm nay ở Rạch Giá thời tiết thất thường quá ! Tôi tới Bệnh viện đa khoa Kiên Giang thăm bệnh. Gặp người quen nhiều quá! Nào là anh em , bạn bè , nội ngoại gần xa ... Cứ thăm nuôi riết. Rồi tôi bị nhiễm cảm về lây cho cả nhà nằm li bì, .không có thời gian giao lưu bà con được. Cả nhà đều bị nhiễm cảm, rõ khổ ! Từ già đến trẻ lúc nào cũng " nhảy mũi , hắt xì". .Đêm buồn chẳng ngủ được . Cứ thơ thẩn ra vào. Buồn quá lấy tập thơ " Tiếng sóng sông quê" của Nhà báo quân đội Nguyễn Đình Xuân (do nhà xuất bản QĐND ấn hành tháng 3/2009) ra xem . Đọc một đêm hết nguyên tập mà chưa thấy đã ...  thơ Nguyễn Đình Xuân thật lôi cuốn tôi bởi những trang viết rất gần gũi với đời thường . Lẽ sống nhất quán của anh thể hiện trong từng bài thơ  ... Điều ngạc nhiên hơn cả,  một nhà báo mà cho ra đời  được tập thơ quả là một khó khăn!  Khi anh làm báo có bị tình cảm chi phối hay không nhỉ?             

      Đọc thơ anh quả nhiên tôi thấy một Nguyễn Đình Xuân con người rất giàu tình cảm . Tác giả  luôn trăn trở với những số phận con người . Tôi rất thích hình ảnh người Mẹ trong thơ của anh ..

" Sông và mẹ một đời lam lũ

Tiếng sóng hoà vào lời ru "

    Trong thơ Nguyễn Đình Xuân hình ảnh người Mẹ chiếm vị trí đặc biệt. Chỉ nói riêng về số lượng, Nguyễn Đình Xuân dành mười một bài nói về Mẹ  (trong tổng số 65 bài của tập thơ) và còn đâu đó những bài thơ khác cũng có hình bóng mẹ như bài  "Đi qua thời gian"; "Làng và phố"; "Trở lại sông Hoàng Long", "Mong manh"...  Tôi sẽ cảm thụ được thơ của anh hình ảnh người Mẹ ngoài đời của anh là sự rung cảm  tuyệt vời cho các bài thơ về mẹ của anh .Một nét đẹp từ tâm hồn anh in sâu  hình ảnh của những người mẹ vùng đồng bằng Bắc bộ vào cuối thế kỷ 20 , cái đẹp nhất ở những trang thơ là  số phận gắn liền với biến cố lịch sử và hoàn cảnh xã hội đương thời...

      Ở mỗi bài thơ thì hình ảnh cũng như tình cảm của tác giả dành cho mẹ  cứ lung linh , cứ nồng ấm , thiết tha ...cứ dậy vang trong "Tiếng sóng sông quê":       

" Mẹ sống  những năm mong tháng đợi ngày

Niềm vui chưa trọn lại chia tay chồng ra trận

Mang nặng đẻ đau sinh con mấy bận

Một bóng một đèn như cánh cò bên sông "

      Lòng tác giả ơn mẹ ! một ví von thật ngọt ngào mang nhiều cảm xúc

" Mẹ như bên lở

Cho bờ con bồi lớp lớp phù sa "

     Hay quê hương là người mẹ và khi nhớ về mẹ tác giả lại nhớ đến quê hương của mình có "tiếng sóng sông quê vỗ bờ vọng mãi"... để mỗi lúc xa quê hương xa mẹ lại bồi hồi ..

" Tiếng sóng sông quê vỗ bờ vọng mãi

Mẹ là quê hương trong con "

      Thật đáng khen tặng cho tâm hồn của Nguyễn đình Xuân đã truyền cảm cho tôi những tình yêu về quê hương , về Mẹ ... và mỗi hình ảnh đẹp đẽ trong thơ của anh ...

Trong những phút cảm xúc từ đáy lòng này bài viết chắc chắn  còn nhiều điều chưa  hoàn chỉnh mong tác giả và anh em  bạn đọc  lượng thứ và đóng góp thêm ...thú thật thời gian qua tập thơ "Tiếng sóng sông quê " của Nguyễn Đình Xuân là sự an ủi rất lớn đối với tôi trong những ngày sống và làm việc tại xứ người./.

P.S: Trước tiên một lần nữa em xin cảm ơn anh đã gửi tập thơ cho em và gia đình. Thơ anh viết rất tình người, mấy hôm nay em đang nhường lại cho hai bà cháu xem! Mỗi tối con em (học lớp 3) thường đọc thơ cho bà nội nghe. Bà thích thơ lắm! Thơ anh là niềm vui đối với mọi thành viên trong gia đình của em đấy anh ạ.

Lê Văn Hợp
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

Cảm nhận "Tiếng sóng sông quê" ... bằng thơ

       Chị Hồ Minh Quang, một bloger của Ngoisaoblog.vn đã gửi đến cho tác giả tập thơ "Tiếng sóng sông quê" một bài nhận xét rất đặc biệt. Phần lớn các bài thơ trong tập thơ được chị Hồ Minh Quang nhắc đến rất tự nhiên, và tóm tắt nội dung bài thơ trong một khổ thơ bốn câu. Nguyễn Đình Xuân chân thành cảm ơn chị Hồ Minh Quang và trân trọng giới thiệu bài viết này đến mọi người.

-------------------------------


Khai bút
mấy dòng bạn nôm na
Tiếng sóng sông quê là hồn ta
Vui buồn tiễn đưa năm cũ hết
Đón năm mới đường đời đầy hoa


Chuyện kể của mẹ sao thiết tha
Làm dâu sớm quá nhớ ngày xưa
Nhà chồng mẹ tảo tần khuya sớm
Kỷ vật giản đơn nỗi nhớ nhà


Tình yêu của mẹ là thư cha
Thư ra trận không lời đi lặng lẽ
Mẹ giữ kín cho cha theo đường mới mẻ
Dân công lên Tây Bắc điệp trùng
Góp phần làm nên Điện biên hào hùng...


Kỷ niệm của mẹ thầm giữ trong lòng
Vá vai áo ai qua làng xưa ngày ấy
Tuổi hai mươi bừng xuân thức dạy
Nhớ nhung hoài run rẩy đường may...

Ba làm vườn cuốc lại mảnh đất đây
Gieo hạt nhỏ cho mầm cây vươn lớn
Sau chiến tranh từ biệt rừng khuya sớm
Nhớ bạn lính nằm xuống cõi hư vô

Tiếng sóng sông quê đánh thức giấc mơ
Nhớ về mẹ hiền một đời lam lũ
Những đam mê cháy trong lòng con đó
Đều có vỗ về từ sông, mẹ yêu thương

Giao thừa ơi nỗi nhớ mênh mang
Xin gửi về Trường Sơn tới bạn
Đất trời chuyển giao ngậm ngùi vô hạn
Giữ hộ lòng người kỷ niệm thời gian

Quảng Trị ôm bao dấu chân dọc ngang
Dấu chân mờ nhưng tấm lòng mãi tỏ
Các anh chị bạn ơi hãy nằm yên nghỉ
Nước mắt rơi thấm mảnh đất anh hùng

Trở lại Trường Sơn nhớ những mịt mùng
Bom lửa không ngăn được nụ cười tiếng hát
Từ đất cằn hoa ngàn đời dịu mát
Ve vuốt hồn tử sĩ tháng năm…

Người đưa đường cô gái hay em
Dẫn anh qua núi đồi Quảng Trị
Bước chân nắm tay nụ cười giản dị
Nhẹ nhàng anh lạc giấc mơ tiên…

Bà mẹ Vân Kiều vẫn ngồi lặng yên
Lối mòn xưa im lìm khắc khoải
Khổ đau hằn nếp nhăn từng trải
Nhớ tiếng xe chạy giữa bom rền

Ký ức Trường Sơn giữ trọn niềm tin
Gợi lại trong ai bóng hình xưa không cũ
Gửi lại máu xương cho hòa bình hoa nở
Hương thắp lên mảnh đất dấu trận tiền

Tiếng tắc kè trong thành phố đêm đêm
Hoang vu chìm giữa đời ồn ã
Ngậm ngùi riêng một nỗi mong là lạ
Trở về rừng tắc kè gọi mênh mang

Nghe mưa ở Đền Hùng giữa đêm
Nước mắt tuôn rơi con nhớ cha người lính
Thấm lạnh núi rừng xa chồng lưu luyến
Mẹ âm thầm chờ chiến tranh qua…

Mẹ là lời ru hát ngân nga
Vỗ về êm cho giấc nồng con ngủ
Đời mẹ trải những gian lao vất vả
Cho đời con bay nhảy ước mơ xa

Mẹ tôi lo cả đời đến tận khi già
Vẫn đau đáu nỗi xây nhà chưa được
Mồ hôi mẹ ướt mắt thâm quầng rảo bước
Chân run run lưng cố thẳng nhìn xa

Giàn trầu của mẹ mãi là bài ca
Thân thương của tình yêu đôi lứa
Mà nay vắng mẹ rồi cau tìm đâu một nửa
Sánh với lá trầu đỏ thắm vôi tôi?

Mong manh tìm đâu lại xa xôi
Cảnh cũ người xưa đi lâu rồi
Mẹ vẫn nhớ về bao kỷ niệm
Sống cô đơn và mơ lại thế thôi

Vườn cũ còn đây tàn hay tươi
Đều là nguồn cội của mình thôi
Nâng niu hai tiếng quê hương đó
Cho mình lớn lên lớn để thành người

Tiếng gà trong khu tập thể gáy rồi
Mang tôi bâng khuâng về làng xưa cũ
Bà ở nhà bên từ quê lên cái tay nải nhỏ
Cười dịu dàng giản dị hồn quê

Đi qua thời gian lòng vẫn đam mê
Say tất cả bởi nhớ về ký ức
Tìm dấu chân cha gọi mẹ hồn thao thức
Tuổi thơ qua con đang lớn lên dần

Làng và phố tôi và em tần ngần
Nhìn nhau ngỡ ngàng con đường trước mặt
Gà gáy ao rau tiếng hỏi chào thân mật
Tầng nhà phố trên cao nghe tiếng em cười

Đêm Côn Sơn  lắng sâu chơi vơi
Chốn tiên bồng thông reo gió hát
Hạt sương rơi núi đồi dịu mát
Mưa hạ đầu mùa gợi nhớ cố hương

Nhớ về Phú Thọ nhớ ngã ba sông
Sông Lô Sông Hồng Sông Thao cuộn chảy
Bưởi Đoan Hùng nếp Phong Châu thơm mẩy
Một Việt trì thành phố trẻ vươn lên

Nhớ về Hà Nội bởi giữ trọn niềm tin
Trên những ngả đường băng rừng vượt núi
Ơi sông Hồng, Bờ Hồ, bóng hình em tối tối
Dịu dàng đi vào những giấc mơ

HỒ Minh Quang
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Bóng nắng

Cảm nhận về bài thơ "TIẾNG SÓNG SÔNG QUÊ"

Tôi lặng nghe như có tiếng sóng xô
Từng đợt trào dâng
Những đêm không ngủ nhớ quê
Sông hiện trong mơ
Vỗ trong lòng tôi, tiếng sóng...

Mẹ tôi dáng tất bật trên đê
Con thường ra ngõ đợi mẹ về
Bao năm xa rồi vẫn nhớ
Sông và mẹ một đời lam lũ
Tiếng sóng hòa vào lời ru.

Mẹ tôi chiếc áo bạc màu gió sương
Sớm, chiều mẹ đi về con không nhìn rõ mặt
Tiếng sóng cồn cào, mùa đông lạnh cắt
Mẹ như bên bờ lở
Cho bờ lòng con bồi lớp lớp phù sa.

Mẹ lo những ngày tháng ba
Gánh rau vườn nặng vai người phiên chợ
Ruộng xác xơ gốc rạ mùa nước lên, tôi nhớ
Nắng rám trái bòng tháng tám gió heo may.

Mẹ sống những năm mong tháng đợi ngày
Niềm vui chưa trọn lại chia tay chồng ra trận
Mang nặng đẻ đau mẹ sinh mấy bận
Một bóng một đèn như cánh cò trắng bên sông.

Mẹ là dòng sông trong con nguồn cội
Bốn mùa nước chảy giữa lòng quê hương
Bốn mùa yêu thương suốt đời khắc khoải
Tiếng sóng sông quê vỗ bờ vọng mãi
Mẹ là quê hương trong lòng con.
12-1997

--------------------------------------------------------------------



    Đây là một trong rất nhiều bài thơ viết về Mẹ của Nguyễn Đình Xuân. Trong tập thơ “Tiếng sóng sông quê” có rất nhiều bài thơ về Mẹ, và bạn sẽ thấy hình ảnh của người Mẹ hiện lên trong thơ rất dung dị và gần gũi thân thương.

     Tôi rất thích những câu thơ như rút ruột của anh:

Mẹ lo những ngày tháng ba
Gánh rau vườn nặng vai người phiên chợ
Ruộng xác xơ gốc rạ mùa nước lên, tôi nhớ
Nắng rám trái bòng tháng tám gió heo may.

       Trong thơ, tác giả đã để mẹ hiện ra bình dị như bao người mẹ Việt Nam , hình ảnh người mẹ “tất bật trên đê, chiếc áo bạc màu gió sương, sớm, chiều mẹ đi về con không nhìn rõ mặt”… tất cả hình như khắc sâu vào tâm trí Xuân khiến không anh không bao giờ quên…

      Tôi cũng rất thích khổ thơ:

Mẹ sống những năm mong tháng đợi ngày
Niềm vui chưa trọn lại chia tay chồng ra trận
Mang nặng đẻ đau mẹ sinh mấy bận
Một bóng một đèn như cánh cò trắng bên sông.

      Và theo tôi, hình ảnh đắt nhất trong bài thơ là: “Một bóng đèn như cánh cò trắng bên sông”.

    Vượt qua sáo mòn của hình tượng người mẹ như bóng cây, bàn tay, Nguyễn Đình Xuân lại ví mẹ mình là dòng sông:

Mẹ như bên bở lở

Cho bờ lòng con bồi lớp lớp phù sa

hoặc:               

Mẹ là dòng sông trong con nguồn cội
Bốn mùa nước chảy giữa lòng quê hương
Bốn mùa yêu thương suốt đời khắc khoải
Tiếng sóng sông quê vỗ bờ vọng mãi
Mẹ là quê hương trong lòng con.

     Ở bài thơ này, khổ đầu còn hơi sáo, không đặc sắc. Nếu có thể đảo khổ đầu xuống dưới cuối cùng (dĩ nhiên có sửa lại) như một vĩ thanh về một tiếng sóng của sông quê hương… Tuy nhiên, khổ đầu đóng vai trò là lời dẫn, tuy không hay lắm nhưng cũng đã tròn vai. Hình ảnh người mẹ được khắc hoạ trong thơ chưa đặc sắc dễ lẫn với muôn vàn người mẹ khác. Đối với người làm thơ mà không chọn được những hình “đắt”  thì người đọc sẽ có quyền “nghi ngờ” tác giả chưa lao động cật lực cho thơ…

      Có những bài thơ hay một tác phẩm nghệ thuật chỉ “đứng” được khi người thưởng thức biết được hoàn cảnh ra đời của nó, còn bài thơ “Tiếng sóng sông quê” một mình nó cũng đứng được độc lập, nên tôi cho rằng bài thơ này sẽ được nhiều người đồng cảm với tác giả…

Chu Thị Mỹ Lệ
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 2 trang (11 bài viết)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối