Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [119] [120] [121] [122] [123] [124] [125] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tượng đài: Vĩ đại không đồng nghĩa với khổng lồ



(NLĐO) - Sau bài phỏng vấn Cục trưởng Cục Mỹ Thuật Vi Kiến Thành về công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang tiến hành xây dựng tại tỉnh Quảng Nam, chúng tôi xin được giới thiệu đến bạn đọc bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc.

Tôi được biết đến dự án tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng” ở Quảng Nam ngay từ đầu, thậm chí đã được những người có trách nhiệm chia sẻ, tâm sự, rồi mời đi xem phác thảo cỡ nhỏ, đề nghị góp ý kiến với tác giả.

Lúc đó tôi đã nói với một số anh lãnh đạo tỉnh rằng tôi không mặn mà với chuyện này. Có mấy lý do như sau:

Tôi đồng tình với ý kiến của một số nhà hoạt động mỹ thuật có uy tín rằng nói chung tượng đài ở ta còn rất chưa ổn, có lẽ nên dừng lại, đừng làm tượng đài đến vài chục năm nữa. Một trong những đặc điểm quan trọng của tượng đài là đã làm rồi thì rất khó phá bỏ dù có nhận ra là xấu, hỏng đến đâu. Làm tượng đài với chủ đề lớn như Mẹ Việt Nam anh hùng và với quy mô lớn như dự kiến lúc này là rất không nên.

Về mặt nghệ thuật, theo tôi có hai chuyện cần hiểu và tính đến:
   
Văn học với điêu khắc, đặc biệt là tượng đài, là hai ngành nghệ thuật hoàn toàn khác nhau, sử dụng những ngôn ngữ nghệ thuật hoàn toàn khác nhau. Một ý tưởng văn học rất hay khi đem chuyển sang ngôn ngữ tượng đài lại có thể trở nên rất dở.

Xin nói một ví dụ cụ thể: Tượng đài Anh hùng Núp ở Pleiku lấy ý tưởng anh thanh niên Ba Na Núp, người đầu tiên khám phá ra chân lý quân Pháp xâm lược trước nay vẫn được coi là thần thánh, bất tử, hóa ra cũng chỉ là người, cũng “chảy máu” khi bị bắn trúng tên, hoàn toàn có thể bị đánh bại…

Đây vốn là một ý tưởng văn học hay nhưng khi đem cố gắng biến thành tượng đài thì lại ra hình tượng một người vừa chạy vừa giơ cao tay, chẳng hề khác chút nào các tượng công nông binh người nào cũng hăm hở dấn chân, nhô mình tới trước, vung tay lên trời mà ta đã nhìn thấy ở khắp nơi.

Quả đây là một tượng đài thất bại (nhưng đã dựng rồi thì khó mà phá bỏ đi được?). Nhầm lẫn ngôn ngữ nghệ thuật là điều tai hại thường gặp ở ta. Trong trường hợp tượng đài lại càng tai hại vì rất tốn tiền, hơn bất cứ nghệ thuật nào khác.

Còn một nhầm lẫn khác nữa, tưởng nhỏ nhưng lại có thể rất lớn: nhầm lẫn giữa tượng (tròn) nhỏ, và tượng đài lớn. Đấy cũng là hai ngành nghệ thuật hoàn toàn khác nhau, có ngôn ngữ đặc trưng khác nhau, tác động đến người xem khác nhau, được sử dụng cho những điều kiện khác nhau.

Khi xem phác thảo tượng đài Mẹ Việt Nam bằng thạch cao, cỡ nhỏ, tôi thấy tác giả đã dựa trên một ý tưởng văn học có thể là hay: người mẹ Việt Nam anh hùng như từ đất đai thiêng liêng của Tổ quốc mà nảy sinh, là một phần gắn bó mật thiết với đất mẹ ngàn đời ấy, vừa nổi lên vừa chìm đi trong đất ấy... Đấy có thể là cảm xúc khi xem phác thảo nhỏ. Nhưng còn khi đã phóng đại đến quy mô khổng lồ thì tác động sẽ thế nào? Quả thật tôi rất nghi ngờ.

Tượng đài là cả một quả đồi lớn, cái đầu người (người mẹ) sẽ nhô lên thành một khối cao to đến hơn chục mét, tôi xin lỗi, cho tôi nói thật, tôi rất lo sẽ gây ra cảm giác không phải vĩ đại, mà là dị hợm, trẻ con nhìn thấy ắt sẽ hoảng sợ, người lớn đi qua đó ban đêm thanh vắng cũng có thể run… Tượng tròn, nhỏ, thì thỉnh thoảng ta mới đến nhìn ngắm trong bảo tàng hay ở một nơi trưng bày nào đó với mục đích thưởng thức nghệ thuật, còn cái đầu khổng lồ kia thì sẽ mãi mãi trở thành một bộ phận không thể tách rời của không gian sống hằng ngày quanh ta, cạnh ta. Nên chăng?

http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/09/23/hinh-261.jpg



Thêm một điều nữa, có thể còn quan trọng hơn, quan trọng nhất, khi nghĩ đến tác phẩm nghệ thuật về Mẹ Việt Nam anh hùng. Điều vĩ đại nhất ở người mẹ, người mẹ nói chung, và người mẹ Việt Nam, người mẹ Việt Nam anh hùng, là sự hy sinh bền bỉ, âm thầm, vô danh.

Làm một tượng đài khổng lồ, hết sức tốn kém, là trái với ý tưởng cơ bản ấy về Người Mẹ, Mẹ Việt Nam, Mẹ Việt Nam anh hùng. Phản tác dụng là khó tránh. Người Mẹ là vô cùng đối lập với cái gọi là “hoành tráng”, đặc biệt người mẹ Việt Nam, chắt chiu, tần tảo, lặng lẽ nuôi chồng nuôi con, suốt đời hy sinh.

Tôi nhớ Đài Chiến sĩ vô danh ở thủ đô nước Nga, là một tấm đá đen phẳng lì và sát mặt đất, hầu như không hề một chút nhô lên khỏi mặt đất. Con người đến đó để mà ưu tư về sự vĩ đại lặng lẽ và vĩnh hằng của hy sinh vô danh. Hẳn về người mẹ cũng nên tìm một cách nghĩ như vậy. Vĩ đại không đồng nghĩa với khổng lồ.

http://nld.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/09/23/hinh%20nhn.jpg
Đài Chiến sĩ vô danh ở Nga. Ảnh: Internet



Tôi cũng vô cùng dị ứng với những suy nghĩ “nhất thế giới” của những người có trách nhiệm trong chuyện này. Thật kệch cỡm và không lành mạnh, nhất là khi lại ở Quảng Nam, tỉnh đang nghèo, khó khăn, còn trăm nghìn nỗi lo hằng ngày thiết yếu cho dân, từ cây cầu qua sông cho trẻ nhỏ đi học, cho đến miếng ăn cho bà con miền núi.

Cho tôi được nói ý kiến của tôi: Nên dừng lại. Dẫu đã dấn vào đến mức nào đó cũng nên có quyết định sáng suốt và dũng cảm, tránh những hậu quả khôn lường về rất nhiều mặt.
      
Nguyên Ngọc
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Tuấn Khỉ đã viết:
Họ sẽ vẫn cứ làm cho mà xem!
Làm 1/3 thôi, còn lại ...

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Tuấn Khỉ đã viết:
Họ sẽ vẫn cứ làm cho mà xem!
Làm 1/4 thôi, còn lại...

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

dangthuoc

Làm được là tốt. còn hơn bỏ vào việc khác mà chẳng ai biết gì !
Đặng Thước
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Khi đã không được lòng dân rồi thì làm hay không làm, làm bao nhiêu hay không làm bao nhiêu... cũng vậy thôi!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Có lẽ người ta tưởng rằng xây càng to càng có nhiều du khách tới và đạt doanh thu lớn?
Té ra là làm to để cho những người hiếu kỳ đến chiêm ngưỡng.
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Từ chuyện học sinh phải lội sông đến trường



SGTT.VN - Phải đến lúc VTV1 vào tối 21.9 đưa tin và hình ảnh những học sinh hai bản Ông Tú và Ka Ooc thuộc xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình cởi trần, đội túi nilông đựng quần áo và tập vở, lội dòng nước chảy xiết của khe Rào để đến trường thì sức mạnh của hình ảnh truyền hình mới khiến cho nhiều người cảm thấy kinh hoàng, muốn rơi nước mắt, dù những thông tin và hình ảnh ấy một số báo mạng đã đưa trước đó mấy ngày.

Nhìn những thân hình bé nhỏ ngụp lặn giữa dòng nước, khó ai kìm nổi cảm thương và bức xúc. Càng buồn hơn khi các em, như em Hồ Không – học sinh lớp 5, cho biết không phải các em không sợ bởi đã từng có cô giáo cũng như người dân bị nước cuốn trôi (dù cuối cùng được cứu), nhưng vì muốn học chữ nên các em đành phải liều.

Thật ra, chính quyền xã trước đây cũng đã cấp một chiếc xuồng để các em qua sông nhưng rồi bị nước lũ cuốn trôi và mới đây, theo chỉ đạo của huyện, có cấp lại một chiếc xuồng khác cùng với áo phao, nhưng dù có xuồng các em vẫn phải nghỉ học một tháng vào mùa lũ vì lúc ấy nước chảy rất xiết, bơi xuồng cũng không an toàn. Xã cũng đã vận động để xây một chiếc cầu, và huyện cũng đã đến khảo sát nhưng trước kinh phí dự kiến đến 50 tỉ đồng, huyện đành bó tay. Cấp tỉnh thì không nghe nói có động thái gì. Vậy là chưa biết đến bao giờ các em học sinh khát chữ và hơn 100 người dân của hai bản mới có thể thoát khỏi cảnh bị cô lập, và các em học sinh mới không còn phải đánh đổi rủi ro tính mạng để được đến trường.

Nghĩ cho kỹ, chỉ riêng việc các em vì muốn học chữ mà phải đánh liều và biết vượt qua nỗi sợ để băng qua sông đến trường cũng đã xứng đáng được tưởng thưởng bằng việc xây tặng một chiếc cầu. Huống hồ đây là việc làm hoàn toàn phù hợp với chính sách ưu tiên cho nông nghiệp – nông dân – nông thôn, là cách xoá đói giảm nghèo có hiệu quả nhất thông qua việc giúp con em nông dân được học hành, được trang bị kiến thức để sau này tự làm chủ lấy vận mạng của mình.

Từ việc các em học sinh ở khe Rào, Quảng Bình phải bơi qua sông đến trường đến việc các em học sinh ở Pôkô, Kon Tum phải đu dây qua sông trước đây (mà ông cựu bộ trưởng Giao thông vận tải khen là “một sáng tạo không ngờ”), hay xa hơn nữa là việc các em học sinh chồng chất qua đò ở Nông Sơn, Quảng Nam khiến đò lật, 18 em thiệt mạng, sau đó là sự chung tay của cộng đồng để học sinh và người dân các địa phương ấy có một chiếc cầu, người ta lại thấy nổi lên một câu hỏi: vậy Nhà nước đâu? Bởi dù có sự đóng góp tự nguyện của cộng đồng thì Nhà nước vẫn không thể thoái thác trách nhiệm của mình trước cuộc sống và những hiểm nguy mà người dân phải đối mặt. Huống hồ, người dân đang chứng kiến Nhà nước dễ dàng dùng tiền ngân sách, tức tiền đóng thuế của dân và doanh nghiệp, để bảo lãnh cho không ít dự án có tính kinh doanh mà lẽ ra chủ đầu tư phải tự vay tự trả (như một số dự án ximăng) hoặc chi cho những dự án, công trình hoành tráng, tuy không phải kinh doanh nhưng hiệu quả xã hội chưa thuyết phục được đông đảo người dân (như tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng mới đây). Trong quản trị quốc gia nói chung, trong chi xài tiền đóng góp của dân và doanh nghiệp nói riêng, dường như lợi ích trực tiếp của người dân đang bị lép vế so với những lợi ích khác.

Đừng quên Nhà nước đã long trọng ghi lên lá cờ của mình sáu chữ vàng “của dân, do dân, vì dân”. Chuyện các em học sinh ở khe Rào thuộc xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình phải hàng ngày hai bận vượt sông đến trường và về nhà, kể cả lúc nước xiết, và phải nghỉ học mỗi năm một tháng trong mùa lũ, không biết có khiến người cầm cờ giật mình ngước nhìn lên để chắc rằng sáu chữ vàng vẫn còn nguyên đó?

Quỳnh Yên
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thương về miền Trung quê tôi



Mỗi năm, cứ đến mùa bão lũ là tôi không dám đọc những bài báo về miền Trung, Quảng Nam quê tôi. Vì tôi luôn chắc ở đó luôn có cái đói nghèo khó khăn. Mà bão lũ lại về thì không tránh khỏi đau thương, tang tóc. Không biết vì ông trời không công bằng với miền Trung nghèo khó hay vì mùa hè hạn hán, mùa đông bão lũ mà miền Trung trở nên nghèo khó như vậy?

Không biết từ đâu, thiên tai có từ bao giờ. Khi tôi lớn lên, biết cảm nhận được thế giới xung quanh thì nơi ấy cũng đã vậy rồi.

Ngày đó, mỗi lúc mùa đông về là tôi rất sợ, sợ cái lạnh, cái ẩm ướt. Nhưng sợ nhất là nhà bị sập. Lúc đó giàn gỗ nhà tôi bị mối ăn rất nặng, tối ngủ cũng không yên vì nằm 1 tí thì nước giọt xuống ướt chỗ ngủ. Đi kiếm cái nồi, cái niêu để hứng nước, thế là 2 cha con phải nép vào phần còn lại để ngủ. Rồi những bữa cơm sống vì không có củi để nấu, rơm rạ thì cũng bị ướt, mỗi lần nấu cơm y rằng trên mái bếp nhà có 1 cột khói cao vời vợi.

Với bao gia đình trong làng thì tình trạng cũng không khá hơn gia đình tôi là mấy. Với tôi, cái cảm giác mùa đông miền Trung luôn là 1 dấu ấn. Đường sá, kể cả quốc lộ 1A cũng bị ngập, sạt lở. Thế là được nghỉ học. Và đâu đó luôn có tin có người chết vì nước cuốn trôi. Nhà tôi trên sườn núi, vả lại không gần sông nên không phải lo ngập nước. Chứ cách đó vài kilômét nào là bò, heo, chó mèo phải mang đi gửi hết, kể cả lúa gạo và người già trẻ con.

Có người ngủ say quá, khi nước ướt giường mới nhận ra. Lúc đó thì mọi chuyện đã muộn, chỉ kịp bỏ của chạy lấy người. Nếu đứng ở khu núi gần nhà tôi nhìn ra thì chỉ toàn nước là nước. Xa xa đâu đấy chỉ nhìn thấy vài ngọn cây chưa bị nuớc nhấn chìm.


Hết ngập lụt vài hôm, các dịch bệnh lại thi nhau kéo về. Rồi khi bệnh tật tạm lắng xuống, thì người dân quê tôi lại chống chọi với một, hai cơn bão nữa. Mỗi mùa đông như vậy, có khoảng ít nhất 2 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới. Chừng ấy cũng đủ mệt mỏi rồi. Đồng ruộng, ngô khoai đều bị nước nhấn chìm. Khi nước cạn thì cũng đã là mùa xuân, lúc đó mới làm lại vụ mới. Thử hỏi cái đói, cái rét sao không đeo bám người dân. Mà nhà nông chúng tôi thì ít người có của ăn của để. Làm được ít lúa gạo thì phải bán để mua thức ăn, để lấy tiền mua phân bón cho vụ sau.

Bởi không chịu nổi cái cảnh bữa no bữa đói như vậy, thanh niên trai tráng trong làng, người có sức lao động đều đi làm ăn xa hết, hoặc vào miền đất hứa Sài Gòn, hoặc lên Tây Nguyên hái cà phê thuê. Lúc tôi về thăm quê, đi thăm nhà ai cũng chỉ có đàn bà và trẻ con. Hỏi thì ai cũng bảo người nhà của họ đi làm ăn hết rồi. Thế đấy, nếu mùa mưa lũ về, chỉ có đàn bà, trẻ con và người già làm sao chống chọi được?


Hình ảnh chiếc trực thăng thả từng gói mì, cân gạo xuống nước và hình ảnh những người dân ngập trong nước với những chiếc áo tả tơi, quần ướt sũng, trên tay bế đứa trẻ run lên vì rét, vẫy vẫy vài cánh tay gầy gộc khiến lòng tôi cứ rưng rưng, tôi tự hỏi liệu có thể làm được gì để giúp họ?

Nguyễn Văn Đề, lưu học sinh Budapést, Hungary
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

letam đã viết:
Có lẽ người ta tưởng rằng xây càng to càng có nhiều du khách tới và đạt doanh thu lớn?
Té ra là làm to để cho những người hiếu kỳ đến chiêm ngưỡng.
Té ra với té vào gì ! Xây càng to, càng tốn tiền thì càng có lợi cho người cho xây chứ đâu phải vì ai. Chẳng phải vì các mẹ anh hùng, cũng chẳng phải vì du khách du khứa hiếu kỳ hay không hiếu kỳ. Chỉ chết tiền thuế của dân thôi !!!
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Trần Đăng Tuấn, 2.000 đồng và những đứa trẻ vùng cao

(VTC News)- Nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, vừa trở về từ Suối Giàng (Yên Bái) với những trải nghiệm đầy xúc động. Câu chuyện giản dị của ông sau khi được đăng tải trên Blog cá nhân đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Mê trẻ miền núi

Sáng nay, lần đầu tiên lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ. Vào tuổi này, có lúc chợt lo là nhiều cái lạ ở đất nước, mình đã nghe, biết từ lúc còn là trẻ con, mà giờ chưa nhìn thấy tận mắt…

Xe lên đến trung tâm xã Suối Giàng, thế nào lại đỗ ngay trước cửa trường học. Mấy trăm đứa trẻ con đang tập thể dục. Ngay cạnh đó là mấy dãy nhà nội trú của chúng nó. Không hiểu sao, cứ nhìn thấy trẻ con miền núi là mình mê.

http://farm.vtc.vn/media/vtcnews/2011/09/28/suoigiang.jpg  
Nhà báo Trần Đăng Tuấn trước cổng trường tiểu học Suối Giàng (Yên Bái)



Cậu chủ quán trước cửa trường, sau mới biết rằng có vợ là giáo viên, cho biết trường tiểu học có 80 học sinh nội trú. Phải có từ 100 học sinh nội trú trở lên mới có chế độ hỗ trợ của nhà nước. Khu nội trú này dân nuôi hoàn toàn. Cha mẹ góp gạo mỗi  tuần hai kg, và 5 ngàn tiền thức ăn. Bọn mình không tin, cứ  lục vấn mãi: Sao lại 5 ngàn thì chúng nó ăn uống kiểu gì? Cậu ta cứ khăng khăng đúng thế, đúng thế. Vừa lúc có một bác người Mông xách xô nước đi ngang, cậu chủ quán bảo: Đấy, ông này nấu cơm cho chúng nó đây. Thế là bọn mình đi theo luôn. Trèo tắt qua mấy dãy nhà trên đồi, đi thẳng vào cổng Ủy ban Xã Suối Giàng, rồi vòng ra sau nhà Ủy ban, thì có cái lều tường che gỗ ván, giữa có cái bếp đang đỏ lửa, ngoài cửa có cái chậu tắm lớn đầy những cái bát to bẩn chưa rửa. Một loại bát như nhau thôi. Trong bếp ngoài nồi cơm đang nấu, một nồi nữa chắc để nấu canh, còn thì chẳng có đồ đạc gì cả.

Hỏi: 80 đứa chỉ ăn  cái nồi cơm này đủ à? Bác H Mông nói: Nồi to lắm đấy, 13 -14 cân gạo mới đầy đấy. Lại hỏi: Thế ăn cơm với cái gì ? – Với canh rau….

Bây giờ mới nhìn ra chỗ tôi tối có mấy bó rau cải bé tẹo, mà lại đã úa vàng một nửa. Không hiểu canh nấu với gì, vì mắm muối giấu ở đâu, chứ không có trong bếp. Hỏi: Sao ít rau thế? – Ừ, không đủ đâu, phải mua thêm nữa đấy. Thế có thịt cá ăn bao giờ không?- Không có đâu, bao giờ bố mẹ đóng thêm tiền thì mua cho ăn một bữa có thịt.

Một nồi cơm (hy vọng là đủ) và một nồi canh rau cải (gồm xô nước vừa được xách lên, mấy bó rau, chắc ít muối, mắm, dầu mỡ cho vào nữa – nhưng quả thật bọn mình không thấy chúng được cất chỗ nào, chắc không có trong bếp vì sợ chó mèo hay ăn trộm chăng ?).

Đó là bữa ăn trưa cho 80 mầm non của đất nước vào ngày 22 tháng 9 năm 2011. Tức là khi đất nước đã bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21. Là sau một năm tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, là năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội 11…vv..và ..vv..

Bọn mình nói: Trưa nay bác mua thịt cho chúng nó ăn được không? Bạn mình đưa ít tiền. Mình đưa thêm nữa, hỏi: Đủ mua thịt chưa? Bác người Mông: Đủ chứ, đủ chứ. Chốc nữa lên xem chúng nó ăn thịt mà. Nói xong bác đi xuống chợ ngay, hình như chợ gần thôi, ở mé núi bên kia.

Sống thì chắc được thôi, nhưng mình nghĩ học khó vào lắm. Hồi đi học, lúc nào mình cũng muốn ăn, dù bố mẹ nuôi nấng đầy đủ hơn bọn trẻ con hàng xóm nhiều. Khi  bắt đầu đi học đại học ở Thanh xuân, cả ngày thấy đói. Ăn tập thể, xong bữa, rửa bát cầm về, dọc đường từ nhà ăn đến phòng ở đã thấy thèm ăn nữa. Cơm không thịt ăn đủ suất rồi mà bụng cứ như chưa ăn. Ngồi trên lớp, lúc nào cũng nghĩ đến ăn. Tối bọn chúng nó rủ sang phòng con gái, mình không đi, vì nhìn mặt con gái cũng thích nhưng đang nói chuyện tự nhiên thấy đói thì không thích gì nổi nữa .

http://farm.vtc.vn/media/vtcnews/2011/09/28/3_2.jpg  
Những em nhỏ vùng cao khiến nhà báo Trần Đăng Tuấn "mê mẩn"



Mình hình dung sự thèm ăn là một thằng cha khả ố, nó cứ ngồi chồm chỗm trong người ta, lúc nào nó cũng nhắc là nó đang ở đây, ở đây. Nó cứ ngồi đấy thì cảm xúc không từ trong ra ngoài được, chữ nghĩa với toán, tính không từ trên bảng chui vào đầu được.

Từ bếp vào chỗ học sinh nội trú ở, có giường tầng, mỗi buồng có bảng ghi ở cửa “Nhóm bản Lóp”, “Nhóm bản…”.. Chăn chiếu bẩn lắm. Nhưng thôi, cái này mình nhìn thấy nhiều rồi. Được cái nhà cũng kín, mùa đông trên núi nhà kín là quan trọng nhất .

Sang bên khu nội trú (cũng dân nuôi) của trường trung học thì nhà cửa có vẻ tuềnh toàng hơn nhiều. Mùa đông thế này chết rét mất. Các cô giáo ở ngay cùng dãy với học sinh. Một cô khi từ dưới đi lên nhìn cứ tưởng học sinh, vì thấp nhỏ, mặc cái áo khoác trắng như đồng phục, đến nơi nghe cô ấy nói mới hiểu là cô giáo.

Bếp chung luôn với khu giường tầng, cả hai bếp đều đỏ lửa hun hai cái nồi to đen, mở ra thấy một nồi cơm, một nồi canh bí. Mình tò mò cúi hẳn xuống nhìn, thấy mấy miếng xanh xanh cứ nhảy lộn tùng phèo trong đó (lửa rất to, ở đây không thiếu củi). Hình như cũng có ít váng mỡ.

Hỏi: Thế có món gì nữa không hả cô ? Cô giáo chỉ gói nilon nhỏ trên bàn, mình cầm lên xem, thì ra mấy miếng cá khô. Có 45 đứa cấp hai nội trú ăn ở đây, cũng tiêu chuẩn 5 ngàn /tuần. Nhưng bọn này có vẻ được ăn khá hơn lũ cấp I. Các cô giáo bớt tiền lương của mình, cộng vào tiền bố mẹ góp, để mua thức ăn.

Theo nhẩm tính thì mỗi tháng 45 đứa có 900 nghìn đồng tiền thức ăn (trừ gạo) do bố mẹ góp. Tiền các cô giáo cho thêm cũng chừng ấy nữa. Bình quân mỗi học sinh mỗi ngày có được 2 nghìn đồng tiền thực phẩm (bên cấp 1 chỉ 1.000 đồng/ngày, như ông nấu cơm nói cho chúng tôi biết) .

Quy củ hơn bên cấp I, bên này đều đặn mỗi tuần được một bữa ăn thịt. Cụ thể là: Mua dưới chợ 1 kg loại thịt rẻ nhất, rồi kho lẫn với đậu phụ.100 nghìn đồng, thế là cả khu nội trú có món thịt cộng đậu phụ kho. Còn như bây giờ, một tuần may ra chúng nó mới có một lần được như vậy .

Mỗi anh em gởi cô giáo ít tiền, để cô mua thêm thức ăn  cho học sinh .

Lại nhớ đã 6-7 năm trước, làm Nối vòng tay lớn lần thứ hai hay thứ ba gì đó, mình cử mấy nhóm đi vào các miền nghèo. Mỹ Linh (Giờ vẫn dẫn Văn hóa- Sự kiện và nhân vật trên VTV3) đi mũi Tây Bắc. Cũng vào chỗ học sinh dân tộc nội trú, quay cảnh bữa cơm của lũ trẻ. Rồi hôm phát trực tiếp từ trường quay S9 Mỹ Linh nói rằng chỉ cần 2 ngàn đồng/ngày cho mỗi đứa bé thôi thì hàng ngày bữa ăn có màu sắc hơn, chứ bây giờ chỉ thấy có màu trắng của cơm và trắng của măng nấu muối….

Rồi cô nàng không nén được, khóc nấc trước cả bao triệu người xem TV. Khóc thật sự, dù cố nén.

Bằng ấy năm trôi qua. Năm vừa rồi là năm đầu tiên mình không còn chủ trì làm Nối vòng tay lớn của VTV. Nhưng hôm nay lên Suối Giàng, vẫn thấy bữa cơm như thế, rồi vẫn thấy con số 2 ngàn đồng thì mỗi ngày sẽ có thịt ăn, nhưng vẫn chưa có được cái hai ngàn ấy. Mà hai ngàn đồng cách đây 7 năm to hơn 2 ngàn đồng bây giờ  lắm chứ.

Dự án 9 triệu/tháng

Đi xuống, gặp cô người Mông trẻ bế con chắc mới 7-8 tháng tuổi, ngồi trên tảng đá. Hỏi ra mới biết từ bản xuống thăm con ở nội trú cấp một, đang đợi giờ tan học để gặp con. Và chắc đem 5 ngàn với hai cân gạo xuống nộp tiền ăn một tuần cho con. Đứa bé ngoan thật, người lạ bế cứ cười toe toét. Còn cô mẹ cũng hóm ra phết, mình hỏi đùa “ Cho tao mang về nuôi nhé”, thì trả lời “ Ừ, cho đấy, đẻ đứa khác được mà !”. Mấy anh em cho ít tiền gọi là mừng tuổi bé ( mới tháng 8, khà khà..) thì đỏ mặt, phải dúi vào tay mới chịu lấy.

http://farm.vtc.vn/media/vtcnews/2011/09/28/2_4.jpg
Nhà báo Trần Đăng Tuấn trăn trở với dự án giúp các em nhỏ vùng cao



Trên đường trở ra, mới tính kỹ: Mỗi khu nội trú ( một khu 80 đứa cấp một, bên kia 45 đứa cấp hai)  ngày nếu một bữa có thịt kho lẫn đậu phụ, sẽ cần 2kg thịt cho cấp 1, 1kg cho học sinh cấp, kèm đậu phụ nữa là 300 ngàn/ ngày, hay là 9 triệu đồng/ tháng. Mỗi năm sẽ cần 108  triệu đồng. Nếu cả hai bữa có thịt trong ngày thì cần gấp đôi: 18 triệu/ tháng, hay 216 triệu/ năm .

Nếu cứ như thế 10 năm, để 125 đứa học sinh này ngày nào cũng có món thịt kho kèm đậu phụ (chắc chắn học sinh được ăn cơm với tý thịt khác với học sinh chỉ ăn cơm với món canh loãng, vì tuổi ấy, chúng nó cần đạm lắm để phát triển não), cần có từ một tỷ hai đến trên hai tỷ bốn trăm triệu. Với bằng ấy tiền, 125 đứa trẻ con được ăn có đạm trong cả mười năm! Với từng cá nhân thì đó là món tiền lớn rồi.

Nhưng để có 125 đứa trẻ (à, sau 10 năm, đó là các cô cậu thanh niên chứ) khỏe khoắn, đầu óc sáng láng…thì thêm số tiền đó có gọi được là nhiều không? 10 năm cơ mà, sau 10 năm, cả một thời đại công nghệ mới đã thay thế cái cũ trên thế giới này. Trong 10 năm ấy, ở chỗ này, nếu có từ 1 đến 2 tỷ ( VNĐ đấy nhé, đừng nhầm sang USD mà phải tội)  – giúp được trên 100 đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh hơn, thông minh hơn để bước vào thời đại đó.

Mình biết nước ta nghèo (nói chung, rất chung thôi). Nhưng có nghèo đến thế không?

Thôi, không nghĩ chuyện xa xôi, mình quyết định là về nhà, gọi ngay Tiến Trọc và Thánh Cô để bàn về dự án cơm thịt kèm đậu cho 125 nhóc Suối Giàng này. Bước đầu là 1 bữa có thịt/ngày, hay còn gọi dự án 9 triệu. Kéo được thêm bạn bè thì chuyển càng nhanh càng tốt sang 2 bữa có thịt/ngày, hay dự án 18 triệu/tháng. Lạy giời, đừng có lạm phát hay tăng giá nữa nhé, mức ấy là mức thịt bạc nhạc rồi, không hạ cấp xuống được nữa đâu!

Hay là bàn với Tiến Trọc và Thánh Cô lập hội những người bạn của trẻ con vùng cao? Bây giờ có bao người đi phượt vùng cao, góp mỗi người một chút cho các nhóc. Lập trang web…Nhưng thôi, chuyện nhỏ làm được thì mới có khả năng làm chuyện to hơn.

Khi rời Suối Giàng được vài chục cây số, chợt nhớ chuyện không biết buổi sáng bọn trẻ con này nó có được ăn gì không. Nói với  mọi người trên xe. Mỗi người đoán một kiểu, nhưng không ai dám chắc.

Về đến Phú Thọ, thì mình hiểu ra: Từ lúc rời Suối Giàng đến giờ, tâm trạng xót và bi quan, có cả chút phẫn nữa, nhưng lại vẫn có một sợi  gì đó ấm áp lẩn khuất, mà rõ ràng là từ các câu nói nghe được. Chợt nhớ lúc ở bếp trường cấp hai, mình hỏi cô giáo: Thế mỗi cô giáo phải bớt bao nhiêu tiền từ lương của mình để mua thức ăn cho các cháu? Cô giáo trả lời: Dạ, không giống nhau, người lương cao hay là Đảng viên thì góp nhiều hơn, giáo viên hợp đồng hay quần chúng thì góp ít hơn…

Vậy là Đảng viên thì san từ lương giáo viên miền núi của mình số tiền  nhiều hơn người khác để mua thức ăn cho học sinh. Quả thật, đã lâu lắm rồi, mình hiếm khi nghe được một điều đẹp đẽ như vậy. Mà không phải nghe từ một diễn đàn hay khung cảnh hoành tráng nào mà nghe thì tin ngay. Nghe mà thấy lòng đỡ lạnh. Bởi mình cũng là đảng viên đã mấy chục năm rồi .

Về đến Hà Nội, mở máy ra viết dòng đầu của bài này, để gửi cho Tiến Trọc – đấy , chính cái dòng: “Hôm nay, lần đầu lên Suối Giàng, định ngắm mấy cây chè cổ thụ”…mới nhớ ra là sáng nay tất cả đã quên chuyện xem cây chè. Đỗ xe xong , sà vào đám trẻ, bần thần cả người bởi chuyện ăn uống của chúng nó, lên xe về, chẳng ai nhớ mục đích của việc phóng xe lên đỉnh núi Suối Giàng.

Bạn đọc suy nghĩ gì về cuộc sống của những trẻ em ở vùng cao qua câu chuyện giản dị của nhà báo Trần Đăng Tuấn. Ý kiến thảo luận của độc giả xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết.

Đọc tại đây
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [119] [120] [121] [122] [123] [124] [125] ... ›Trang sau »Trang cuối