Бабье лето

Есть время природы особого света,
неяркого солнца, нежнейшего зноя.
Оно называется
            бабье лето
и в прелести спорит с самою весною.

Уже на лицо осторожно садится
летучая, легкая паутина...
Как звонко поют запоздалые птицы!
Как пышно и грозно пылают куртины!

Давно отгремели могучие ливни,
все отдано тихой и темною нивой...
Все чаще от взгляда бываю счастливой,
все реже и горше бываю ревнивой.

О мудрость щедрейшего бабьего лета,
с отрадой тебя принимаю... И все же,
любовь моя, где ты, аукнемся, где ты?
А рощи безмолвны, а звезды все строже...

Вот видишь—проходит пора звездопада,
и, кажется, время навек разлучаться...
...А я лишь теперь понимаю, как надо
любить, и жалеть, и прощать, и прощаться.

 

Dịch nghĩa

Có thời gian thiên nhiên toả ánh sáng đặc biệt,
Mặt trời không chói sáng, mức oi nồng dễ chịu nhất.
Thời gian đó gọi là chớm thu
Và thật tuyệt vời sánh với chính mùa xuân.

Đã có lúc khẽ khàng vương lên khuôn mặt
Màng nhện mỏng manh giăng bay phơ phất...
Đàn chim di trú muộn hót vang thế!
Những luống hoa bừng nở và lộng lẫy thế!

Những trận mưa rào đã ngừng từ lâu,
Cánh đồng màu tối và thầm lặng đã cho đi tất cả...
Ta hạnh phúc nhiều hơn bởi cách nhìn,
Và hờn ghen ít hơn và đắng cay hơn.

Ôi, sự sáng láng của chớm thu hào phóng nhất,
Ta hân hoan tiếp nhận ngươi...Như muôn sự vật,
Tình yêu của ta ơi, đâu rồi, chúng ta cùng hú, mi ở đâu?
Mà những cánh rừng lặng thinh, còn những vì sao nghiêm nghị hơn...

Ngươi thấy đấy - đã đến lúc mưa sao qua đi,
Và, dường như, thời gian vĩnh viễn chia cắt...
...Còn chỉ giờ đây ta mới hiểu, cần làm thế nào
Để yêu thương, gìn giữ, lượng thứ và vĩnh biệt (chia ly).


1960

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 2 trang (18 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bản dịch của Bằng Việt

Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ,
Cái nóng êm ru, màu trời không chói,
Mùa hè rớt - cho những người yếu đuối,
Cứ ngỡ ngàng như mới bắt đầu xuân!

Trên má, mơ hồ tơ nhện bay giăng,
Khe khẽ như không, nhẹ nhàng, phơ phất,
Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất,
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu!

Những trận mưa rào đã tắt từ lâu,
Tất cả thấm trong cánh đồng lặng sẫm...
Hạnh phúc - hiếm hơn khoé nhìn say đắm
Ghen tuông - dù chua chát cũng thưa hơn!

Ôi cái mùa đại lượng rất thân thương,
Ta tiếp nhận, vì ngươi sâu sắc quá!
Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta vẫn nhớ,
Tình yêu đâu?... Rừng lặng, bóng sao im.

Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm,
Ta biết lắm, thời gian đang vĩnn biệt...
Nhưng chỉ mãi bây giờ, ta mới biết
Yêu thương, ngậm ngùi, tha thứ, chia tay...!


Đây là nguyên văn bản dịch của Bằng Việt trong tập Thơ trữ tình thế giới thế kỷ 20 (NXB Văn học, 2005), do chính dịch giả sửa bản in. Còn những bản trên mạng thì là tam hoặc tứ sao mất rồi, nên chắc là thất bản.

Xin nói thêm: Hai câu sau trong bản dịch của BV có dấu gạch nối, và ý nghĩa có khác nếu chép không có dấu đó. Geo nghĩ là BV muốn chuyển tải 1 thông điệp: Chỉ 1 ánh nhìn thôi cũng đã là hạnh phúc ở tuổi này, trong cái “mùa hè rớt” này, nhưng hiếm hơn. Còn ghen tuông ư? Có ít hơn, nhưng đắng cay hơn... Tuy có hơi khác với nguyên tác, nhưng không đến nỗi nhiều lắm đâu.
Cảm ơn bạn đã đọc bài của Geo
35.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Cảm ơn chú Tạ Phương

Chúng cháu cảm ơn chú Tạ Phương, cháu sẽ đưa bản chính xác của bác Bằng Việt lên ạ.

Câu "hiếm hơn" cháu vẫn thấy không chuẩn với nguyên tác cho lắm, cho dù có thể hiểu được ý mà bác Bằng Việt chuyển tải, hì. Nếu bạn là một cô gái và đã từng ở Nga một mùa Hè rớt, bạn sẽ hiểu thế nào là "Все чаще от взгляда бываю счастливой, .."
Nhưng dù sao cháu vẫn nghĩ, чаще chứ không phải реже..., chú ạ.

Dễ dàng cảm thấy hạnh phúc hơn, còn ghen tuông thì tuy cay đắng nhưng lại hiếm hơn.
Bởi lẽ, mùa này chính là mùa độ lượng. Người Nga cổ thường dùng mùa này để làm lành với nhau, "bù đắP' mọi mất mát, xích mích trong các mối quan hệ xã hội...
Mùa hè rớt - một mùa đẹp của thiên nhiên dành cho con người, để con người được cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn...

Đó là thiển ý của cháu ạ.

Nhân gặp chú ở đây, cháu xin bày tỏ hâm mộ đối với các bản dịch của chú hi hi. Cháu rất thích nhiều bản dịch của dịch giả Tạ Phương, đặc biệt là bài Cánh buồm! Chỉ có chúng cháu chưa đủ thời gian để đánh lên Thi Viện thôi ạ. Những thiếu sót này chúng cháu sẽ sửa ngay trong đợt tới. Như một người yêu thích thơ Nga, cháu rất cảm ơn chú về những bản dịch ấy.

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Trao đổi thêm về bài “Mùa hè rớt” – một bản dịch tuyệt bút của Bằng Việt

So với rất nhiều bản dịch tài hoa khác của nhà thơ Bằng Việt, Mùa hè rớt có một vị trí đặc biệt, nó mang sắc thái lung linh vốn có của ông, nhưng cũng lại rất gần nguyên tác.

Riêng chữ “Rớt” trong tiêu đề bài thơ đã là một đóng góp đặc sắc của Bằng Việt. Nó có giá, và giá đó nếu so với toàn bài dịch của ông chắc không thua kém là bao. Nó là dấu ấn ông để lại cho đời, và ngoài ông có lẽ không ai làm được như thế.

Nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam đã yêu thơ Nga, đặc biệt thơ Olga Bergols, qua các bản dịch của Bằng Việt. Nhiều người cho rằng, ông không chỉ dịch mà còn đồng sáng tạo với tác giả. Điều đó gần như trở thành phong cách dịch của ông.

Cũng có người tỏ ra không hài lòng khi ông không đưa ra một bản dịch thật trung thành với nguyên tác. Nhưng biết làm sao được, nếu như vậy thì chúng ta đâu còn được thưởng thức những bản dịch đầy ngẫu hứng và tuyệt vời của ông.

Về bài Mùa hè rớt, nhiều người thắc mắc sao trong khổ thơ đầu ông lại dịch:

Mùa hè rớt - cho những người yếu đuối,
Cứ ngỡ ngàng như mới bắt đầu xuân!
Đó là những câu viết không giống với nguyên tác (Mùa đó được gọi là - mùa hè rớt - so về độ tuyệt diệu thì có thể sánh với mùa xuân - Оно называется бабье лето / и в прелести спорит с самою весною.).

Chả lẽ những người khoẻ mạnh sẽ không có cái “mùa hè rớt”, được ví với “thời kỳ hồi xuân” này sao? Geo thấy BV có lý khi ông dành cái “mùa hè rớt” ấy cho “những người yếu đuối” - cho tất cả phụ nữ trên thế gian, trước hết là trên nước Nga này. Họ vốn được coi là “phái yếu” mà. Vì vậy có thể hiểu “những người yếu đuối” trong lời dịch của Bằng Việt đồng nghĩa với “phụ nữ”, với “phái yếu”. Điều đó cũng phù hợp với cách gọi của người Nga là “Mùa hè của các bà” (бабье лето).

Nhiều người cũng thắc mắc về 2 câu dịch:
Hạnh phúc - hiếm hơn khoé nhìn say đắm
Ghen tuông - dù chua chát cũng thưa hơn!
Trong nguyên tác là “Thường xuyên hơn cảm nhận hạnh phúc chỉ từ một ánh nhìn - ghen tuông thưa hơn, nhưng đắng cay hơn” (Все чаще от взгляда бываю счастливой - все реже и горше бываю ревнивой). Theo Geo, câu thứ hai Bằng Việt đã dịch rất sát nguyên gốc, còn câu trước thì là một sáng tạo hoàn toàn chấp nhận được. Trong cái “mùa hè rớt” (tuổi hồi xuân) ấy, thường thường thì một “ánh nhìn (bình thường)” đã khiến người phụ nữ cảm thấy hạnh phúc rồi, nhưng niềm hạnh phúc được cảm nhận từ “khoé nhìn say đắm” thì hẳn là đã hiếm hơn nhiều. Câu thơ đã thể hiện được một sắc độ tình cảm cao hơn, hiệu quả hơn:
Hạnh phúc - hiếm hơn khoé nhìn say đắm
Ghen tuông - dù chua chát cũng thưa hơn!
Còn một ý kiến nữa cũng được nhắc đến về hai câu cuối bài:
Nhưng chỉ mãi bây giờ, ta mới biết
Yêu thương, ngậm ngùi, tha thứ, chia tay...!
(...А я лишь теперь понимаю, как надо
любить, и жалеть, и прощать, и прощаться...)
Một bạn nói, cần thêm chữ “cách” vào trước dòng cuối thì mới đúng nghĩa của nguyên bản. Riêng câu này, geo nghĩ BV đã dịch thoát và đủ ý. Không cần nói “biết cách yêu thương, ngậm ngùi…” đâu. Đến lúc này (mùa hè rớt), người phụ nữ mới tự tin, thấy đã biết yêu, biết chia sẻ tất cả. Còn trước kia, yêu đấy, chia tay đấy… nhưng còn khờ khạo, nông nổi lắm. Cái ngày xa xưa kia yêu là yêu, nào đã biết gì đâu…

Tóm lại, trong cảm nhận của geo, bản dịch bài Mùa hè rớt của Bằng Việt là một tuyệt bút, cho tới nay chưa có bản nào vượt qua được.

Dù biết thế, để cảm ơn thịnh tình của Hoa Xuyên Tuyết, dưới đây Geo xin chép tặng bản dịch của mình, biết rằng còn nhiều chỗ chưa được hoàn chỉnh. Rất muốn nhận được những góp ý của bạn đọc.

Cũng cảm ơn HXT đã biên tập rất cẩn thận mấy dòng viết cuối bài trước của Geo. Sau khi viết, Geo quên không dẫn 2 câu thơ có gạch nối đó, nhưng chưa biết cách sửa lại bài đã gửi lên diễn đàn. Sự biên tập đã giúp khắc phục được khiếm khuyết kể trên.

MÙA HÈ RỚT (*)

Có một mùa đất trời lạ lắm
Nóng thật dịu êm, nắng chẳng chói chang,
Mùa hè rớt –
Nôm na đời gọi thế
Đẹp mơ màng, chẳng kém tiết xuân sang.

Tơ nhện nhẹ nhàng theo gió khẽ vương
Trên má, trên môi… khi ta bước qua đường.
Tiếng lảnh lót - bầy chim trong chiều muộn!
Vẻ răn đe - hoa thắm đến rỡ ràng!

Những cơn mưa như trút nước đã ngừng,
Đồng tối, lặng sau vụ mùa vàng rực…
Chỉ một ánh nhìn giờ cũng ngời hạnh phúc,
Ghen ít hơn, nhưng chừng đắng cay hơn…

Ôi rớt hè, ngươi thật bao dung,
Và sáng láng, ta vui lòng đón nhận…
Nhưng sao quá nghiêm, còn rừng - nín lặng
Khi ta hỏi: tình ta giờ ở chốn nào?

Kìa, vệt sao băng rực rỡ vút trên đầu
Như số phận, đã điểm rồi, phút chót…
… Chỉ đến bây giờ, bây giờ, ta mới biết
Cánh yêu, thương, tha thứ, chia tay…


(*) Tiêu đề bài thơ Mùa hè rớt do nhà thơ, dịch giả Bằng Việt sử dụng lần đầu tiên.
Cảm ơn bạn đã đọc bài của Geo
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Cảm ơn chú!

Thưa chú, chúng cháu cảm ơn chú đã gửi bản dịch của mình ở đây. Cháu sẽ đọc kỹ bản dịch này và xin phép được phát biểu sau ạ.

Tuy có những phát biểu về bản dịch của Bằng Việt, cháu vẫn đồng ý với chú rằng, bản dịch của Bằng Việt dành cho bài "Mùa hè rớt" cũng như bài "Mùa lá rụng" vẫn cứ là những bản dịch tuyệt tác, và đã là những bản dịch được yêu. Rất được yêu quý! Bản thân cháu, tuy rất yêu Olga và thích tiếng Nga, chưa bao giờ cháu có ý định thử sức dịch lại hai bài này. Không hẳn vì sợ "đánh trống qua cửa nhà sấm" đâu ạ...

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Mùa Hè Rớt

Nhân thể nói về mùa Hè rớt, HXT cũng đã từng rất hâm mộ dịch giả nào đã chọn từ này, không ngờ đó chính là Bằng Việt? (Theo thông tin của chú Geo). HXT cứ nghĩ là trước Bằng Việt đã từng có ai đó dịch như vậy rồi.

HXT xin gửi lên đây bài viết về Mùa Hè Rớt của mình, để mọi người cùng đọc cho vui. Đây là cảm nhận của một cô gái Việt Nam ở Nga về cái mùa kỳ lạ này. :) Link ở đây ạ:
http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=856

Cả bài thì dài, cháu xin trích một đoạn cho vui (đúng là dùng "Mùa Hè Muộn" cháu thấy nó mất đi cái gì đó, hẫng, chú Geo ạ! :P)

MÙA HÈ RỚT

[...]

Ai từng gắn bó với nước Nga lại không biết đến Mùa Hè Rớt, lại không mong ngóng nó suốt cả một năm trời!

Phải rồi, đó là một mùa đẹp. Nhưng nó đặc biệt hơn các mùa đẹp khác, là vì nó quá ngắn ngủi và lại xuất hiện quá đột ngột, lọt thỏm giữa những lạnh giá u buồn của mùa lá rụng, mang cho con người chút ấm áp bất ngờ, như một mối tình sét đánh trong đời, cháy bùng lên rồi lịm tắt, nhưng vẫn cứ để lại những dư âm ngọt ngào không dễ gì nguôi quên. Mà cũng có thể ví nó như tuổi “hồi xuân” của người phụ nữ, đến cái độ mặn mà nhất của nhan sắc khiến khí chất nồng nàn lồ lộ với người thương, thắm thiết lên lần cuối bằng mắt sáng môi tươi, thậm chí còn khiến người ta say mê hơn cả những cô gái trẻ.

Có phải vì thế chăng mà trong tiếng Nga, mùa này được gọi là Babie-leto: “Mùa hè của các bà”?

Tôi thầm kính phục dịch giả nào là người đầu tiên chọn cái tên “Mùa Hè Rớt” mà đặt cho Babie-leto ở Nga. Dịch ra tiếng Việt như thế, nghe thật thanh thoát và độc đáo. Có người dịch là “Mùa hè muộn” - không, không phải thế, nó không muộn, nó đúng thời, đúng khắc đấy chứ! Đó đơn giản chỉ là, thiên nhiên kỳ vĩ đã vô tình đánh “rớt” một mùa Hè nhỏ trong lòng mùa Thu mới chớm bắt đầu.

Sau những đợt lạnh và mưa kéo dài, lá trên cây đã lác đác lên màu đỏ, vàng chen lẫn với màu xanh. Chúng chỉ ửng rực lên khi vào Mùa Hè Rớt. Lúc ấy, nắng mềm óng ả, trời sáng tươi, những cơn mưa hoàn toàn biến mất. Không khí khô và nhẹ khiến thở cũng dễ hơn, suy nghĩ cũng giản dị hơn, và vì thế mà cũng dễ dàng cảm thấy hạnh phúc hơn. Tôi nhớ đến bài thơ “Mùa Hè Rớt” của thi sĩ Olga Berggoltz, nổi tiếng đối với bạn đọc Việt Nam không chỉ vì Olga viết về mùa này một cách rung động sâu sắc, mà còn vì bản dịch rất tinh tế của nhà thơ Bằng Việt:

Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ,
Cái nắng êm ru, màu trời không chói,
Mùa hè rớt cho những người yếu đuối,
Cứ ngỡ ngàng như lúc mới vào xuân.

Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng,
Se sẽ như không, nhẹ nhàng, phơ phất...
Lanh lảnh bầy chim bay đi muôn nhặt,
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu…

Mùa mềm mại khiến lòng người cũng mềm mại theo. Tục cổ xưa của Nga kể rằng, trong một, hai tuần của Mùa Hè Rớt, người ta tranh thủ làm lành với nhau, gỡ hòa các mối xích mích căng thẳng trong quan hệ.

Có phải vì thế chăng mà Mùa Hè Rớt được đợi mong đến thế, suốt cả một năm ròng?

Mùa Hè Rớt còn được coi là mùa của lễ hội nông thôn Nga. Người ta vội vã kết thúc công việc đồng áng của năm: rơm se thành “bánh” trên đồng, khoai tây, táo được chất vào hầm, dưa chuột được sẻ vào các hũ to, muối để dành mùa rét, xếp chật các giá gỗ. Những buổi chiều nắng non, khói trên các mái nhà tỏa thơm mùi bánh mới. Rồi ấm xamôva reo rộn rã, mật ong tươi có màu óng ả, mứt dâu ngào đường thơm nức, táo cuối mùa đỏ dậy như má thiếu nữ, những quả phúc bồn tử đen thẫm cuối cùng lấy trong vườn nhà… tất cả được trang trọng đặt lên bàn giải hoa thêu, xung quanh vang lên tiếng hát dìu dặt cùng tiếng phong cầm ngẫu hứng, mải mê. Chiều xuống, mặt trời lại lưu luyến không rời trần gian, y như trong những ngày Hè ấm áp. Trời sáng cho đến tận đêm. Ở một nếp nhà quê nào đó, các mẹ, các chị quây quần vừa hát vừa guồng sợi, quay tơ, thêu thùa, đan móc. Đôi khi có ai đó hát nức lên một bài ca cổ buồn thảm thì vài ba người lại dừng tay làm, nhìn về phía vòm trời xa, tuy đã thẫm đi nhưng vẫn trong vắt… để mà thở dài…

[...]

Thuỵ Anh.

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Lời cảm ơn

Rất cảm ơn HXT đã cho đọc một bài thậy hay về Mùa hè rớt ở Nga. Trong đó có nhiều kiến thức bổ ích.
Đúng là chữ "Mùa hè rớt" sau Bằng Việt không thể dịch khác được nữa. Geo sẽ suy nghĩ thêm, nếu vẫn lấy tiêu đề "Mùa hè rớt" thì phải có chú thích chữ dùng đó là sáng tạo của BV.
Còn có 1 Thuỵ Anh hát nữa, có phải cũng là HXT không đấy?

Cảm ơn bạn đã đọc bài của Geo
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Kính gửi chú Geo

- Cháu xin phép được đưa bản dịch của chú lên vào danh sách bản dịch của Tạ Phương. Cảm ơn chú lần nữa ạ.

- Cháu có gửi tin nhắn xin chú thêm một số bản dịch nữa cho Thi Viện, nhưng không thấy chú nói gì, chẳng nhẽ chú không đồng ý ạ? :( Vậy cháu phải đi sưu tầm ở nơi khác mất rồi! :)

- Thuỵ Anh hát thì vẫn có thể là HXT ạ, nhưng Thuỵ Anh ca sĩ thì không phải :)

- Cháu sẽ xin phép giơ tay có một số ý kiến với bản dịch của chú ạ, nhưng cháu xin khất chú đến sau 15-5 cháu sẽ vào Thi Viện được lâu hơn mới viết được mạch lạc hơn ạ.

- Theo thiển ý của cháu, đầu đề bài thơ, chú cứ để là "Mùa hè rớt" thì vẫn hay hơn, và đúng là có chú thích từ dùng của dịch giả khác - đó là thái độ rất trân trọng và hợp lý. Vậy cháu đợi ý kiến cuối cùng của chú rồi sẽ sửa lại đầu đề bản dịch của Tạ Phương, chú ạ.

Kính,
HXT.

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Tạ Phương

Có một mùa đất trời lạ lắm
Nóng thật dịu êm, nắng chẳng chói chang,
Mùa hè rớt –
Nôm na đời gọi thế
Đẹp mơ màng, chẳng kém tiết xuân sang.

Tơ nhện nhẹ nhàng như khói vương vương
Trên má, trên môi… khi ta bước qua đường.
Tiếng lảnh lót - bầy chim bay chiều muộn!
Vẻ răn đe - hoa thắm đến rỡ ràng!

Những cơn mưa như trút nước đã ngừng,
Đồng lặng, tối sau vụ mùa vàng rực…
Chỉ một ánh nhìn giờ cũng ngời hạnh phúc,
Ghen tuông ít hơn, nhưng đắng cay hơn…

Ôi rớt hè, ngươi thật bao dung,
Và sáng láng, ta vui lòng đón nhận…
Nhưng tình ta đâu? Xốn xang, ta hỏi gặng,
Rừng lặng im, sao cứ chớp chớp hoài…

Kìa, vệt sao băng rực rỡ cháy ngang trời
Như số phận, đã tới rồi, phút kết…
… Chỉ đến bây giờ, bây giờ, ta mới biết
Cánh yêu, thương, tha thứ, chia tay…

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Nhân đọc bài viết về Mùa hè rớt của HXT

Tôi đọc rất thích đọc bài viết về Mùa hè rớt của Hoa Xuyên Tuyết. Thú thực tôi ở Nga 8 năm, nhưng suốt thời gian đó tôi không nghe nói và không để ý đến Mùa hè rớt. Do vậy, đọc bài HXT viết, tôi thấy như được thưởng thức một thứ gì đó rất mới mẻ. Càng thấy thiên nhiên đã hào phóng ban cho nước Nga một mùa quý giá đến dường nào. Đã lâu tôi có dịch 1 bài thơ của Apollinaire, nhan đề Mùa Thu. Một mùa thu của nước Pháp thật ảm đạm được miêu tả. Phải chi, ở nơi đó cũng có một Mùa hè rớt...

Xin gửi sau đây bản dịch của Geo:

APOLLINAIRE

MÙA THU

Người nông dân chân khoèo đi trong sương mù dày đặc
Con bò của anh cũng lững thững giữa sương thu
Làn sương phủ che những xóm nghèo ủ dột

Vừa đi anh vừa hát
Bài ca về tình yêu và sự bội tình
Bài ca kể về chiếc nhẫn và trái tim bầm giập.

Ôi, mùa thu, mùa thu, ngươi đã giết chết mùa hè
Trong sương mù hai bóng xám ra đi.


(Men say, 1912)

Cảm ơn bạn đã đọc bài của Geo
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Mùa hè rớt

- Hi hi, cảm ơn chú Geo. Chú có thể cho chúng cháu bản gốc bài thơ này ko ạ, để bọn cháu đưa lên thành một bài thơ khác trọn vẹn? Đọc bài này, thấy rầu thật. Hai câu cuối buồn và ám ảnh thế!


- Ở Pháp thực ra cũng có Mùa hè rớt mà, chỉ có điều người ta không nhận ra nó, hoặc không đón nhận nó nhiệt tình và sâu sắc như ở Nga thôi:

"....Lẽ đương nhiên, đâu chỉ một mình nước Nga có Mùa Hè Rớt! Ở châu Âu và Bắc Mỹ, mùa ấy đến muộn hơn đôi chút. Nó có tên là “Mùa hè thổ dân” (ở Mỹ), “Mùa hè Thánh Martin” (ở Ý và Pháp), “Mùa hè dân Tzigane” (ở Bulgaria), “Mùa hè tơ Nhện” (ở Tiệp)…

Nhưng, tôi có thể mạnh miệng mà đoan rằng, chắc chỉ có ở Nga mùa này mới được đón nhận say mê đến thế, bởi, phía trước là một mùa Đông khắc nghiệt và dài như cả một đời người… " (TA)

TB. Ngày 16-5 này là sinh nhật của OLga Becgôn, cháu sẽ mở một topic trong diễn đàn vào hôm đó, có gì, chú Geo và các bạn cùng vào hưởng ứng nhé!

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Trả lời

Trang trong tổng số 2 trang (18 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối