Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Thanh Mừng
Đăng bởi Kim Diệu Hương vào 16/02/2008 11:26, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 16/02/2008 12:37
Hãy ôm chặt nữa đi em
như thời son trẻ êm đềm ngày xưa
hẹn hò sớm đón chiều đưa
vòng xe đạp lượn nói mùa yêu thương.
Ta từng vượt những dặm trường
áo cơm nương níu con đường thi ca
chung lòng tát cạn giang hà
yên nhôm khung sắt hóa ra kiệu vàng.
Bon bon xe đạp cà tàng
vợ chồng con cái dọc ngang đất trời
băng qua thế kỷ hai mươi
cười ngờm ngợp mắt, thở sùi sụt tai...
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Kim Diệu Hương ngày 18/02/2008 00:41
"Những vòng xe đạp" của Nguyễn Thanh Mừng
Cập nhật Báo Bình Định ( điện tử) 10:14', 23/12/ 2004 (GMT+7)
Nước ta có nhiều người làm thơ tự trào. Hầu hết các nhà thơ thi vị hóa cái cảnh bần hàn thuở long đong, lận đận của mình. Họ lấy tiếng cười lạc quan, ngạo nghễ… để "đọ sức, chống đỡ" trước những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt nổi.
Nguyễn Thanh Mừng cũng đã góp vào nền thơ ca không chỉ một bài. Anh có cả một tập thơ lục bát, 33 bài thơ với nhiều giọng điệu, nhưng nổi lên vẫn là giọng thơ tự trào rất có duyên. Cái duyên ấy không phải cứ ai làm thơ mà có được.Bài thơ Những vòng xe đạp của Nguyễn Thanh Mừng là một bài thơ điển hình trong những bài thơ của anh với giọng điệu tự trào rất Nguyễn Thanh Mừng.
Với 3 khổ thơ, 12 câu lục bát, nhà thơ đã vén dần, khơi lộ cho ta thấy một thế giới sinh động quanh vòng quay xe đạp cà tàng mà vợ chồng thi nhân cùng con cái "dọc ngang đất trời".Khổ thơ đầu, dễ khiến ta nhớ tới hình ảnh trong thơ Xuân Diệu: "Em ngồi ríu rít ở sau xe/ Em nói làm anh mãi lắng nghe".
Khổ thơ thứ hai khiến ta liên tưởng tới câu: "Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn" và câu nói của người xưa: "yêu nhau" đất "…hóa ra vàng". Hoặc câu thơ của một nhà thơ nổi tiếng: "Cơm áo không đùa với khách thơ".Trong thơ Nguyễn Thanh Mừng ta thấy rất nhiều hình tượng, ý tưởng trong ca dao, tục ngữ… nhưng anh đã biết tiêu hóa chúng và đẻ ra những câu thơ của riêng anh.
Khổ thơ cuối đã cho ta thấy một năng lực tự trào của nhà thơ. Nhà thơ đã phóng bút một cách điệu nghệ để vẽ nên một bức tranh đẹp, có thần: "Bon bon xe đạp cà tàng/ vợ chồng con cái dọc ngang đất trời/ băng qua thế kỷ hai mươi/ cười ngờm ngợp mắt, thở sùi sụt tai…".
Tôi tin, Nguyễn Thanh Mừng là một "họa sĩ" bậc kỳ tài, bởi chỉ vài nét chấm phá, anh đã vẽ nên bức chân dung tự họa "cười ngờm ngợp mắt, thở sùi sụt tai" và nữa: "vợ - chồng - con cái - dọc ngang đất trời - băng qua thế kỷ hai mươi".
Vẽ mình bằng cây bút thơ, mà vẽ thành công, có thần thái, quả là… bái phục!
Kim Diệu Hương ( Nguyễn Anh Nông)