題黃鶴樓

漢水城邊雲樹秋,
仙人不見只空樓。
何時天際來黃鶴?
底意江中付白鷗。
李伯未應收筆力,
崔君不合作鄉愁。
越南使者吳時位,
鬥膽題詩記此遊。

 

Đề Hoàng Hạc lâu

Hán Thuỷ thành biên vân thụ thâu (thu),
Tiên nhân bất kiến chỉ không lâu.
Hà thì thiên tế lai hoàng hạc?
Để ý giang trung phó bạch âu.
Lý bá vị ưng thâu bút lực,
Thôi quân bất hợp tác hương sầu.
Việt Nam sứ giả Ngô Thì Vị,
Đấu đảm đề thi ký thử du.

 

Dịch nghĩa

Thành bên sông Hán Thuỷ, cây và mây đã nhuốm vẻ thu,
Người tiên không thấy đâu, chỉ còn thấy lầu không.
Hạc vàng ở bên trời bao giờ trở lại?
Lòng cứ để mặc theo đàn âu trắng bay giữa sông.
Lý Bạch còn chưa ưng ý thơ, đành thu bút lại,
Thôi Hiệu cũng không thấy hợp, khiến lòng nhớ nhà khôn nguôi.
Sứ thần Việt Nam là Ngô Thì Vị,
Đánh bạo đề thơ ghi lại chuyến thăm lần này.


Hoàng Hạc lâu ( 30.539,114.301): Hoàng Hạc lâu 黃鶴樓 là một ngôi lầu được ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Lầu được xem là một trong Tứ đại danh lâu của Trung Quốc (cùng với Nhạc Dương lâu ở Nhạc Dương, Đằng Vương các ở Nam Xương, Bồng Lai các ở Bồng Lai). và là ngôi lầu nổi tiếng được các thi nhân ca tụng. ghềnh đá Hoàng Hạc của Xà sơn bên bờ sông Dương Tử, thuộc thành phố Vũ Hán, huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, vào năm Hoàng Vũ thứ 2 (223) đời nhà Ngô thời Tam Quốc. Đến nay, lầu đã có 12 lần bị thiêu huỷ, 12 lần xây cất lại, mỗi lần lại cao hơn và có nhiều tầng hơn.

Tên gọi Hoàng Hạc của lầu này bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian. Tương truyền Phí Vĩ 費禕 (?-253) tự Văn Vi 文偉, một tu sĩ đắc đạo thành tiên thường cưỡi hạc vàng ngao du sơn thuỷ. Một hôm, tiên và hạc bay ngang Vũ Hán và dừng chân lại trên Xà sơn để nhìn ngắm, một bên là cảnh đẹp hùng vĩ của Trường Giang và bên kia là Ngũ Hồ trong khói sương diễm lệ. Người đời sau đã từ nơi tiên cưỡi hạc vàng bay đi xây lên một tháp lầu đặt tên là Hoàng Hạc lâu. Thời xưa, đây là nơi gặp mặt của các văn nhân mặc khách. Thời Đường (618-907), các thi nhân đến đây để vừa thưởng ngoạn phong cảnh non nước mây ngàn hữu tình, vừa uống rượu làm thơ.

Chiến tranh và thời gian đã phá huỷ những kiến trúc của lầu và đều được tái thiết. Lầu nguyên có 3 tầng, vào khoảng niên hiệu Hàm Phong (1851-1861) bị giặc giã đốt phá, tới niên hiệu Đồng Trị (1862-1874) tình hình ổn định, lầu Hoàng Hạc mới được xây dựng lại năm 1868 gồm 2 tầng, tầng trên thờ Phí tiên, tầng dưới thờ Lã tiên, gọi là Thanh lâu, nhưng đến niên hiệu Quang Tự lại bị cháy năm 1884. Năm 1957, khi ngôi cầu đầu tiên vượt sông Dương Tử được xây cất, vị trí cũ của Hoàng Hạc lâu bị trưng dụng và các kiến trúc Hoàng Hạc lâu được dời cách vị trí cũ 1km. Tháng 10-1981, Hoàng Hạc lâu được tái thiết và tháng 6-1985 khánh thành. Tháp hiện nay là một công trình được xây lại bằng vật liệu hiện đại và có một cầu thang máy. Hoàng Hạc lâu giờ nằm trong Hoàng Hạc công viên, là nơi thu hút du khách trong và ngoài nước Trung Quốc.

Hoàng Hạc lâu
Hình: Hoàng Hạc lâu

Hoàng Hạc lâu
Hình: Hoàng Hạc lâu

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Ngô Sử Nậu

Hán Thuỷ bên thành nhuốm sắc thâu (thu)
Lầu không vắng vẻ thấy tiên đâu
Bao giờ trở lại ơi hoàng hạc
Chỉ thấy sông dài trắng bóng âu
Bác Lý thơ thần mà chùn bút
Ông Thôi quê cũ gợi thơ sầu
Sứ giả Việt Nam Ngô Thì Vị
Đánh bạo đề thơ viếng cảnh này


Theo “Dòng Ngô Phúc Cơ - Tả Thanh Oai - Ngô gia văn phái”, Báo Hà Tây.
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Kiều Am

Hán Thuỷ bên thành cảnh sắc thu,
Người tiên chẳng thấy, thấy hoang lầu.
Bên trời liệu có về hoàng hạc,
Trên sóng cứ bơi thoả bạch âu.
Bác Lý tài cao sao bút gác?
Ông Thôi quê lạ đã thơ sầu.
Việt Nam sứ giả Ngô Thì Vị
Đánh bạo đề thơ tả viễn du.


tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Hán Thuỷ thành bên mây cảnh thu,
Người tiên chẳng có thấy hoang lầu.
Hạc vàng trời thẳm bao giờ lại?
Để mặc sông dài trắng bóng âu.
Lý Bạch tài thơ đành cất bút,
Họ Thôi lòng nhớ nhà nên sầu.
Sứ thần nước Việt  Ngô Thì Vị,
Đánh bạo đề thơ ghi chuyến này.


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trương Việt Linh

Sông Hán bên thành nhuốm vẻ thu
Người tiên không thấy, trọi trơ lầu
Bên trời đâu nữa mong hoàng hạc
Trên sóng thôi đành dõi bạch âu
Bác Lý thơ hay đành gác bút
Chàng Thôi quê lạ khiến tâm sầu
Việt Nam sứ giả Ngô Thì Vị
Trộm viết, thi tài chẳng dám đâu


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đinh Tú Anh

Đã nhuốm sắc thu, thành Hán Thuỷ,
Người tiên chẳng thấy thấy lầu không.
Hạc vàng khuất nẻo tầng mây lặng,
Âu trắng còn đây giữa bãi sông.
Thơ Lý chưa ưng, thu bút, ngẫm,
Ý Thôi không hợp, nhớ nhà, trông.
Sứ thần Nam Việt Ngô Thì Vị,
Đánh bạo đề thơ chớ quở ngông!


02/2/2024
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời