Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 16/10/2021 16:54, số lượt xem: 439

Thù nhà nợ nước nặng vai,
Mộ chiêu quân sĩ đêm ngày luyện binh.
Tham tàn Tô Định nghe tin,
Lê Chân giỏi võ lại thêm đẹp người,
Ép nàng tì thiếp một đời,
Thẳng thừng từ khước, nàng rời mẹ cha (1).
Hai thân Định giết chẳng tha,
Xuôi Nam nàng đến dựng nhà Vụ Nông (2).
Người làng thân quyến theo đông,
Lê Chân phát triển tằm, trồng dâu nuôi (3).
Nhân dân phấn khởi theo người,
Sở trường thuỷ trận đồng thời kiếm cung.
Đầu quân dưới trướng Bà Trưng,
Tiên phong xung trận khi cùng ra quân.
Luy Lâu vây bởi Lê Chân,
Quận thành giải phóng Hán quân chạy dài (4).
Xưng vương Trưng Trắc an bài,
Thánh Chân Công Chúa vua Bà phong cho (5).
Binh quyền Chưởng quản chăm lo,
Tăng gia sản xuất, ấm no dân tình,
Hằng ngày huấn luyện quân tinh (6),
Hán sai Mã Viện đem binh xâm loàn.
Lê Chân chận đánh Bạch Đằng,
Thánh Thiên biên giới, Bát Nàn bộ quân (7).
Quân Bà thuyền nhỏ chạy nhanh,
Giặc không đuổi kịp về thành Mê Linh (8).
Hai Bà thua trận trầm mình (9).
Rút về Kim Bảng hội binh phục hồi.
Chưa xong Mã Viện tới rồi,
Giao tranh quyết liệt, giặc trời mạnh hơn,
Bảo toàn khí tiết cho tròn,
Giát Dâu đỉnh núi giữ còn tiết trinh (10).
Hai mươi ba tuổi bỏ mình,
Nghìn năm ghi nhớ “trung trinh” của Người.

(1) Lê Chân lớn lên là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú. Một hôm, Thái thú Tô Định, một kẻ tham tàn, bạo ngược đi kinh lý qua trang Yên Biên. Nghe kẻ nịnh thần tâu bày về sắc đẹp của nàng Lê Chân, Tô Định bèn dùng quyền thế ép về làm tì thiếp nhưng bị dứt khoát chối từ.
(2) Lê Chân phải rời bỏ quê theo Kinh Tây (nay là sông Kinh Thày) xuôi xuống phía Nam, đến vùng Vụ Nông, khu vực ngã ba sông Kinh Thầy, sông Vận và sông Cấm ngày nay.
(3) Lê Chân còn phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thuỷ hải sản.Tại đây bà đã chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng.
(4) Đạo quân của Lê Chân từ mạn biển xứ Đông đánh thốc lên Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) - lỵ sở quận Giao Chỉ, nơi đóng quân của bọn Tô Định, phối hợp với quân của Hai Bà Trưng và các thủ lĩnh nghĩa quân khác, giải phóng quận thành. Tô Định vội vã tháo chạy về đất Nam Hải (Trung Quốc).
(5) Lê Chân được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức Chưởng quản binh quyền nội bộ.
6) Bà đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất.
(7) Đội quân thường trực phòng thủ ven biển Đông Bắc do Chưởng quản binh quyền Lê Chân chỉ huy đã ra quân kịp thời chặn đánh quyết liệt đoàn thuyền binh đông đảo của giặc ngay từ cửa sông Bạch Đằng. Trên bộ nữ tướng Thánh Thiên đem quân lên đánh giặc ở biên giới, còn nữ tướng Bát Nàn chặn cánh quân trên bộ của Mã Viện ở cửa biển.
(8) Đội thuyền binh của Lê Chân nhỏ nhẹ, ngược sông Bạch Đằng tiến rất nhanh, còn binh thuyền của Mã Viện to lớn, nặng nề nên đuổi theo không kịp. Theo đường sông Bạch Đằng - Kinh Thầy - sông Đuống, thuỷ quân của Lê Chân tập kết về vùng hồ Tây, Hoàng Mai bên bờ hữu sông Hồng. Trong thời gian ngắn trú quân ở đây, nữ tướng Lê Chân gấp rút củng cố lực lượng, tuyển thêm binh sĩ, đóng thêm thuyền chiến. Bà cho binh sĩ luyện tập võ nghệ, mở lò đấu vật rồi gấp rút về bảo vệ kinh đô Mê Linh.
(9) Hai Bà Trưng chống cự không nổi, Hai Bà Trưng phải lui về Cấm Khê (Hà Nội). Nhưng do giặc quá mạnh, Hai Bà đã trầm mình xuống sông Hát tự vẫn..
(10) Lê Chân đã lên núi Giát Dâu gieo mình tự vẫn để bảo toàn khí tiết, quyết không sa vào tay giặc. Năm ấy bà vừa 23 tuổi.