Lời truyền cáo thị;
Nói với sĩ phu.

Nước Nam ta có mối xung thù;
Cùng giặc Tây là loài di địch.

Bởi chúng nó đem lòng bội nghịch;
Khiến dân mình gặp thuở loạn ly.

Chẳng qua là trời bắt gian nguy;
Cho nên nỗi nước nhiều tai nạn.

Đường trị loạn sách xưa còn bản;
Lẽ chánh tà đời trước treo gương.

Làm người khôn nghĩ xét cho tường;
Thà đứa dại lỗi đường cũng đáng.

Nọ thủa Hung Nô đánh Hán, tướng mạnh như hùm, binh đông như cỏ, cướp ải Lang, dành ải Hổ, tới mãn tuồng Nô cũng về Nô;
Kìa khi Đột Quyết quấy Đường, xe đi chật đất, ngựa tế đầy đồng, phá trấn Bắc, đốt trấn Đông, chừng rã đám Đột hoàn lại Đột.

Xa thơ mới hãy còn lộn một;
Phong cương này há để chia ba.

Nay Tây cùng ta:
Muôn trùng non nước cách xa;
Trăm việc ở ăn lạ thói.

Tuy lắm tàu đồng ống khói;
Dẫu nhiều súng thiếc đạn chì.

Trải sáu tỉnh qua dẹp cõi biên thuỳ;
Hơn trăm trận liền hao ngôi tướng soái.

Đòi xin ba tỉnh, lời nào rằng phải;
Bắt hoạ muôn dân, của mấy cho vừa.

Ta hiệp lòng há nhịn thua ư;
Mọi lấn chỗ sao đành để vậy.

Ở đâu mà chẳng thấy phá miễu chùa, đào mồ mả, làm những việc bất nhân;
Ở đâu mà chẳng thấy đốt nhà cửa, hãm vợ con, làm những điều vô đạo.

Hỡi ơi!
Thành xiêu quách đổ bởi ai gây;
Ruộng nát vườn tan do lũ ráo.

Lồng lộng cao xanh, há nỡ để dân ta búng xáo;
Mênh mông soi xét, lẽ nào cho chúng nó ăn chơi.

Xưa nay ai mạnh qua trời;
Đâu đó vật đều có chủ.

Ngỏ nay:
Nơi thần kinh ấy nơi thiên phú;
Đức kim thượng là đức Thánh Tông.

Hơn ba mươi tỉnh hội đồng;
Dư sáu chục năm huệ dưỡng.

Văn võ hiếm người làm tướng;
Man di nhiều nước đến chầu.

Nhớ xưa kia chúng đã cúi đầu;
Đến nay lại tay nào trở mặt.

Ở các tổng làng!
Chớ thấy chín từng hoà nghị mà tấm lòng địch khái vội quên;
Chớ rằng ba tỉnh trọn vong mà công cuộc báo cừu nỡ bỏ.

Nhớ mới thuở rèn mác trường, đương nón gỗ, lên đường hăm hở ra oai;
Há buổi nay chạy bạc nén, vén tiền trăm, vào cửa lom khom tạ nó.

Mặt đâu tới lãnh bằng ngày nọ;
Xác nào ra đầu thú hôm nay.

Đã thề nguyện hết sức đánh Tây;
Đâu sợ chết cúi mình theo giặc.

Một đường cái há phân Nam, Bắc;
Một tóc tơ nỡ nhuộm xanh vàng.

Đừng cho thày Địch thở than;
Chớ để họ Nhạc cay đắng.

Ơn thuỷ thổ thảy đều mang nặng;
Việc thần dân chớ khá lỗi nghì.

Cố bảo nhau gắng giữ lòng bền;
Đừng nghe chúng ra mà đầu thú.

Chớ thấy Gò Công thất thủ, mà trở mặt hại nhau;
Đừng rằng Bến Nghé an cư, mà đành lòng theo mọi.

Sao rằng gian, sao rằng nịnh, ai muốn hỏi hãy nhìn tiêu trên mả Nguỵ Khôi;
Đâu là hoạ, đâu là tai, ai muốn hỏi nên xem bảng tại làng Đa Phước.

Oan nhường ấy, tình nhường ấy, căm thù nhường ấy, tính sao trả được mới hài;
Công bấy lâu, nghiệp bấy lâu, lao khổ bấy lâu, đâu nỡ bỏ đi sao phải.

Dẫu có lỡ sát thời hãy tìm nơi sơn trại mà tụ tập anh hùng, sống vì vua, thác vì vua, dốc cùng lòng trước sau chẳng trái;
Dẫu có rủi sa cơ phải xuống dưới tuyền đài cũng phụng thờ hương khói, tên còn chép, họ còn chép, để nức danh thơm rọi sáng hoài.

Chớ để xóm làng cho bạch quỷ vãng lai;
Chớ để phần mộ cho Tây dương phá hại.

Khá ra tay mà vùa cột cái;
Tua gắng sức chống đỡ tường xiêu.

Để nghìn năm dằng dặc, vững cơ đồ đất Thuấn trời Nghiêu;
Ngõ muôn kiếp miên miên, bền sự nghiệp thư son khoán sắt.

Chữ đới thiên bất cộng, nghĩ căm căm ruột tím gan bầm;
Câu dữ quốc đồng ưu, phải khăng khăng lòng ghi dạ tạc.


Năm 1862, vua quan nhà Nguyễn bất lực trong việc chống xâm lược của thực dân Pháp, ký nhượng ba tỉnh miền Đông là Gia Định, Biên Hoà, Định Tường cho Pháp. Trước tình cảnh đó, phong trào Cần Vương nổ ra ở miền Nam. Bài hịch này ra đời trong hoàn cảnh đó, nhưng chưa rõ tác giả là ai.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]