Thơ » Trung Quốc » Thịnh Đường » Đỗ Phủ » Phiêu bạc tây nam (760-770)
風急天高猿嘯哀,
渚清沙白鳥飛回。
無邊落木蕭蕭下,
不盡長江滾滾來。
萬里悲秋常作客,
百年多病獨登臺。
艱難苦恨繁霜鬢,
潦倒新停濁酒杯。
Phong cấp, thiên cao, viên khiếu ai,
Chử thanh, sa bạch, điểu phi hồi.
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu há,
Bất tận trường giang cổn cổn lai.
Vạn lý bi thu thường tác khách,
Bách niên đa bệnh độc đăng đài.
Gian nan khổ hận phồn sương mấn,
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi.
Gió thổi gấp, trời cao, vượn kêu buồn,
Bến nước trong, cát trắng, chim bay lượn vòng.
Vô vàn lá xào xạc rụng xuống,
Dòng sông dài cuồn cuộn chảy vô tận.
Xa nhà vạn dặm, vẻ thu hiu hắt, mãi vẫn làm khách xứ người,
Cuộc đời lắm bệnh, một mình lên đài cao.
Gian nan, khổ hận, tóc mai dày nhuốm màu sương gió,
Thân già ốm yếu nên mới phải thôi cạn chén rượu đục.
Trang trong tổng số 4 trang (40 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối
Gửi bởi Pang De ngày 27/06/2010 01:25
Thú thật, Vanachi nói như thế thì mình chịu không tài nào hiểu nổi!
Gửi bởi Vanachi ngày 27/06/2010 03:00
Tôi chỉ định giải thích rõ post trước của mình thôi, bạn hiểu chưa đúng cái tôi nói. Bạn kêu 2 câu cuối là cặp đối, nếu vậy thì 2 câu phải tương đồng về cú pháp. Suy tiếp ra, mấy chữ "hận phồn sương mấn" phải tương đương về cú pháp với "đình trọc tửu bôi" (tạm bỏ 2 chữ "khổ" và "tân" không can hệ lắm), nhưng điều đó là không thể, vì nếu như vậy thì mấy chữ kia sẽ dịch thành "giận những sợi tóc mai dày nhuốm bạc" (đối với: dừng lại chén rượu đục). Nó có nghĩa gì không bạn? Tác giả hận những sợi tóc của mình?
Gửi bởi Pang De ngày 27/06/2010 07:59
Thế thì mình đã giải thích ở post đầu tiên trả lời bạn rồi. Bạn có thể xem lại.
Vấn đề này có lẽ dừng ở đây thôi, bạn vẫn giữ quan điểm của bạn, về phần mình cũng vậy. :)
Trời cao , gió mạnh , tiếng vượn kêu ai oán .
Bến trong , cát trắng , chim bay về .
Khắp rừng lá trút ào ào như không bao giờ hết ,
Sông dài nước chảy cuồn cuộn không ngừng .
Ở nơi xa xôi ta thường làm khách thương mùa thu buồn .
Tuổi già lắm bệnh , một mình bước lên đài cao .
Hận đời gian nan , mái tóc càng thêm bạc trắng .
Vất vả mãi gần đây mới bỏ được cái thú uống rượu .
Dịch thơ :
Gió giật trời cao vượn hú sầu ,
Bến trong trắng cát chim về đâu ?
Ào ào lá trút chừng không dứt
Cuồn cuộn sông dài nước chảy mau .
Xa vắng thu buồn làm khổ khách *
Tuổi cao tật bệnh một mình đau .
Gian nan khổ hận đầu thêm bạc .
Cố mãi rượu xoàng ta trốn nhau !
--------------
Lời bàn : Dịch thơ là công việc khó khăn . Muốn dịch hay ta phải dịch nghĩa cho thật chuẩn , sau đó cùng với cách cảm của mỗi người mà dịch thơ có thể phóng khoáng khác nhau , cốt là cảm nhận đúng tác giả . Có người nói : ngữ pháp là kẻ thù của thi ca , có lẽ đúng . Ngay khi dịch nghĩa bài thơ này , ở câu 5 nếu lấy "khách" làm khách thể của "tác" , và câu 6 dịch theo nghĩa bóng thì cũng có thể dịch như sau :
Ở nơi xa nhà vạn dặm , mùa thu buồn thường làm khổ khách ,
Bệnh tật tuổi già nào ai gánh đỡ được đâu !
Riêng người dịch bài này vẫn muốn nghiêng về cách dịch sau , vì nó hợp với hoàn cảnh của tác giả hơn . Xin được chia sẻ cùng bạn đọc .
Gió gấp trời cao vượn ỉ ôi,
Bến trong cát trắng cánh chim hồi.
Xạc xào lá rụng không biên giới,
Cuồn cuộn sông về chẳng lúc thôi.
Vạn dặm thu sầu thường nhiễu khách,
Trăm năm thân yếu vẫn leo đồi.
Gian nan khổ hận đầu thêm bạc
Xiêu đảo mới dừng chén rượu hôi.
Gửi bởi Nguyễn Đông Ngạn ngày 15/08/2010 06:43
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Nguyễn Đông Ngạn ngày 15/08/2010 06:55
Có 2 người thích
1. Trước hết, theo Tiêu Đồng nên sửa lại phiên âm chữ 下 ở câu thứ 3, chữ thứ 7 là "há". Và sửa thêm "trường giang" (câu thứ 4) là "Trường Giang", vì ở đây sông là sông Trường Giang chứ không phải là con sông dài bất kỳ.
2. Tiêu Đồng Vĩnh Học xin cung cấp phần chú thích và phần bình giải bài thơ “Đăng cao” được lấy trong sách “Thơ Đường bình giải” của Nguyễn Quốc Siêu để bạn đọc rộng đường tham khảo:
Giải đề: Bài thất luật này Đỗ Phủ viết tại Biện Châu (Biện Châu nay thuộc về địa phận các huyện: Phụng Tiết, Vu Khê, Vu Sơn, Vân Dương tỉnh Tứ Xuyên) vào mùa thu năm Đại Lịch thứ 2 (767). Bốn câu đầu viết về ngày tết Trùng Cửu lên cao thấy những gì và đã vẽ nên cảnh thu, tiếng thu mênh mông bất tận. Bốn câu sau bày tỏ cảm xúc “vạn dặm thu buồn” của ông già bệnh tật sống phiêu bạt tha hương. Qua đó cũng biểu đạt đan xen thế vận gian nan của đất nước. Người xưa rất cảm, rất thích bài thơ này và coi là bài thất ngôn luật thi số một trong tập thơ Đỗ Phủ. Cũng có người đề cao hơn: là bài thơ đứng đầu trong tất cả những bài thất luật từ xưa đến nay.
登高
風急天高猿嘯哀,
渚清沙白鳥飛回。
無邊落木蕭蕭下,
不盡長江滾滾來。
萬里悲秋常作客,
百年多病獨登臺。
艱難苦恨繁霜鬢,
潦倒新停濁酒杯。
Phiên âm:
Đăng cao (1)
Phong cấp, thiên cao, viên khiếu ai,
Chử thanh, sa bạch, điểu phi hồi.
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu há,
Bất tận Trường Giang cổn cổn lai.
Vạn lý bi thu thường tác khách, (2)
Bách niên đa bệnh độc đăng đài. (3)
Gian nan khổ hận phồn sương mấn, (4)
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi. (5)
Chú thích:
(1) Đăng cao: Đây là bài thơ bày tỏ cảm xúc lúc trèo lên cao vào ngày tết Trùng Cửu (mồng 9 tháng 9 âm lịch, còn gọi là tết Trùng Dương). Tào Phi trong bài “Cửu nhật dữ Chung Do thư” có viết: “Năm qua tháng lại, bỗng tới mồng 9 tháng 9. Chín là số dương (số nhiều), mà tháng và ngày cùng ứng thì tục lệ đón mừng là để hợp với sự trường cửu, cho nên bày tiệc hội”. Ở Trung Quốc tục lệ có từ cổ xưa là đến ngày lễ tết này thì trèo trên đồi cao và cắm cánh thù du lên đầu hoặc mình nhằm tránh nạn dịch.
(2) Bi thu: Trong bài “Cửu biện” của Tống Ngọc (Tr CN 290 - Tr CN 223), nhà thơ lớn người nước Sở) viết: “Bi tai, thu chi vi khí dã, tiêu sắt hề thảo mộc dao lạc nhi biến suy, liêu lật hề nhược tại viễn hành” (Nghĩa là: Buồn thay khí thu, xào xạc cỏ cây trút lá mà tàn, thê lương lạnh lẽo như trên chặng đường xa). Sau Tống Ngọc, các nhà thơ nhà văn thời xưa cũng làm nhiều bài về thu buồn. Vạn lí: Vạn dặm, ở đây chỉ xa quê. Khách: Người li hương.
(3) Bách niên: Nói về một đời người: Người xưa coi thượng thọ là 100 tuổi.
(4) Sương mấn: Tóc mai như sương, sợi trắng nhiều hơn đen.
(5) Lạo đảo: Đau yếu (Đây là từ đa nghĩa, Từ Hải coi từ này trong câu thơ của Đỗ Phủ mang nghĩa: ốm yếu. Đường thi tam bách thủ toàn dịch – NXB Nhân dân Quý Châu cũng chú thích là đau ốm quặt quẹo, do bị lao phổi).
Dịch nghĩa:
Gió (thu lạnh) thốc, trời cao (xanh), tiếng vượn kêu sầu thảm,
Bến nước trong, bãi cát trắng, chim bay lượn.
Rừng cây mênh mông xào xạc trút lá,
Con sông Trường Giang mênh mông cuồn cuộn đổ về.
Thường phải tha hương nơi đất khách xa muôn dặm mà gặp cảnh thu buồn,
Lại còn cuối đời lắm bệnh tật nữa chứ, lúc này ta một thân một mình trèo lên đài cao.
Thời thế gian nan, tiếc thương tóc mai đã nhuốm sương,
Ốm đau quặt quẹo không còn gần với chén rượu được nữa.
Lời bình:
Bốn câu đầu là bức tranh thiên nhiên thảm đạm, với cảnh gió thốc vượn kêu, lá rụng và cả sóng nước cuồn cuộn mà quạnh vắng. Đó cũng là bức tranh về xã hội đương thời. Bốn câu sau nói về cảnh ngộ nhà thơ, là lời than về nỗi buồn đau tích tụ. Liên thứ ba: Vạn lí … đăng đài thật là xúc tích mà hàm nhiều tầng nghĩa, bao đời nay các nhà bình thơ rất thán phục.
Về nghệ thuật, điểm đặc sắc thứ nhất là tình và cảnh đã hòa quyện làm một, không thể chỉ ra là nhân cảnh mà sinh tình hay nhân tình mà sinh cảnh. Hãy quay lại bốn câu đầu với cảnh tượng thê lương do lên cao mà thấy được, đó cũng chính là nỗi đau về nhà về nước và về mình. Điểm thứ hai là lời thơ hàm súc, sâu lắng và tinh luyện, nhất là với liên thứ ba. Điểm thứ ba là rất đối chỉnh, cách luật chặt chẽ. Ở đây, ta thấy cả 8 câu đều đối, 4 liên đối rất chỉnh mà lại rất tự nhiên. Hồ Ứng Lân đời Minh cho rằng bài thơ này: rất có sức nặng mà tỏa sáng muôn xa.
Gửi bởi Nguyễn Đông Ngạn ngày 15/08/2010 06:50
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Nguyễn Đông Ngạn ngày 15/08/2010 06:57
Có 2 người thích
Tiếng vượn kêu thương, gió lộng trời,
Chim bay, cát trắng, bãi xanh phơi.
Bạt ngàn cây gãy tơi bời rụng,
Dằng dặc sông dài cuộn cuộn trôi.
Muôn dặm sầu thu thêm não khách,
Một thân đa bệnh bước lên đài.
Buồn phiền vất vả phai màu tóc,
Chén rượu vừa ngưng, lảo đảo rồi.
Gửi bởi Vanachi ngày 17/08/2010 02:43
Cảm ơn góp ý của bạn. Theo ý kiến của mình thì hai chữ "trường giang" không hiểu là tên riêng có lẽ phù hợp hơn. Đành rằng tác giả làm bài thơ này ở bến sông TG, và dòng sông trong bài thơ chính là sông TG, nhưng theo mình hiểu 2 chữ "trường giang" ở đây chỉ có nghĩa là sông dài. Một là nó đối với "lạc mộc", thứ hai là nghĩa của nó tương hỗ cho từ "bất tận". Nếu hiểu theo nó là một tên riêng thì sẽ không hết nghĩa.
Thực ra để phân biệt rạch ròi đây là tên riêng hay không rất khó, vì trên thực tế sự sai khác cũng không nhiều. Ngay tên riêng của nó cũng xuất phát từ ý nghĩa là sông dài.
Gửi bởi ớtmile ngày 27/11/2010 22:34
Đọc bài viết của mọi người quả thật em rất khâm phục. sự hiểu biết của các anh chị về thơ đường rất sâu. Em cũng đang dược tiếp cận thơ đường qua chương trình hán nôm, nhưng gặp rất nhiều khó khăn về phần nghệ thuật đối.bài đăng cao của đỗ phủ là bài được nhận định là bài đối chỉnh.anh chị nào có thể giúp em phân tích kĩ về nghệ thuật đối trong bài thơ nay được không ạ. e cám ơn nhiều lắm.
Tôi thấy dịch nghĩa 2 câu cuối có điểm không ổn:
Gian nan, khổ hận, tóc mai dày nhuốm màu sương gió,
Thân già ốm yếu khiến mới phải dừng cạn chén rượu đục.
Theo tôi hiểu thế này:
Gian nan (làm cho ông) rất hận vì tóc mai đã bạc trắng như sương
Chán ngán (làm cho ông) tạm dừng chén rượu nhạt (đục)
Bài thơ này còn có tên Cửu Nhật Đăng Cao. Theo tập quán người Hoa, vào ngày 9 tháng 9 âm lịch có họ thường trèo lên nơi cao ráo và uống rượu ngâm hùng hoàng để phòng tránh dịch bệnh. Bài thơ này ra đời trong bối cảnh vậy, Đỗ Phủ một mình đăng cao, không bạn bè thân thích, cả cuộc đời phiêu bạt lang thanh vất vả ốm đau bệnh tật, nhưng không phải do đau ốm đến mức phải dừng uống rượu (cai rượu) vì đến mức đó thì ông không đủ sức leo cao như thế này. Chữ Lạo đảo bản thân chỉ có nghĩa chán ngán, bất đắc ý mà thôi. Ông chán ngán vì thời cuộc, vì đơn độc đất khách quê người nên chén rượu đang dở dang mới dừng lại không uống tiếp.
Còn trường giang hay Trường Giang? theo tôi dùng Trường Giang đúng hơn vì địa diểm làm bài thơ này là tại chiếc đài cao ngoài thành Bạch Đế Quỳ Châu 夔州 (chứ không phải Biện Châu như chú thích. Địa điểm này cũng rất quen thuộc với người Việt qua bài Há Giang Lăng của Lý Bạch (cũng là nơi có nhiều vượn)
Trang trong tổng số 4 trang (40 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối