Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Giải thưởng Sách Hay 2011: Thông điệp có tính khuynh hướng



SGTT.VN - Mười một tác phẩm thuộc bảy lĩnh vực: lẽ sống, giáo dục, nghiên cứu, kinh tế, quản trị, văn học thiếu nhi, văn học – tiểu thuyết vừa được tôn vinh tại giải Sách hay 2011 vào sáng qua (8.9) tại khách sạn Kim Đô, TP.HCM.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một giải thưởng về sách đã mời gọi người đọc và những chuyên gia ngồi “chung bàn”, gặp gỡ, đề cử, trao đổi và đi đến đồng thuận chọn ra những đầu sách xứng đáng. Ban tổ chức giải thưởng quy tụ các chuyên gia uy tín trên các lĩnh vực (Nguyên Ngọc, Bùi Văn Nam Sơn, Quách Thu Nguyệt, Giản Tư Trung, Nguyễn Văn Trọng...), với một tinh thần, tiêu chí riêng, không lệ thuộc vào sự “bao cấp” lẫn áp đặt tôn chỉ nào khác. Sự độc lập tìm kiếm và khẳng định các giá trị văn hoá đọc là giá trị đầu tiên của giải thưởng này, nhất là trong bối cảnh những “giải thưởng quốc doanh” đang tự đẩy mình vào tình trạng bị rẻ rúng do nhiều bất cập.

Có rất nhiều tác phẩm lần này đã đoạt quá nhiều những giải thưởng khác trong nước và quốc tế như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh từng đoạt giải thưởng hội Nhà văn Việt Nam 1991, giải thưởng châu Á 2011, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần từng đoạt giải A một cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi của NXB Trẻ 2002 và 2009 đoạt giải Peter Pan của Thuỵ Điển, bản dịch Nghệ nhân và Margarita (Mikhail Bulgacov) của Đoàn Tử Huyến từng nhận giải thưởng hội Nhà văn 1991, Hoàng tử bé của Antoine de Sain-Exupéry quá nổi tiếng tại miền Nam trước 1975...

Tuy nhiên, nếu không đề cao quá về khả năng phát hiện thì với việc khẳng định lại những giá trị thật bằng một nhãn quan độc lập, vẫn có thể xem đây là nỗ lực quan trọng của ban tổ chức khi mà chuyển động của đời sống văn hoá đọc tại Việt Nam trên thực tế rất chậm chạp, cái mới thật sự giá trị còn quá hiếm hoi.

“Qua việc chọn và trao giải, ban tổ chức muốn gửi đi một thông điệp có tính khuynh hướng về văn hoá đọc”, nhà văn Nguyên Ngọc, thành viên ban tổ chức nói. Và, có thể hiểu rằng, ở những lĩnh vực không tìm thấy sách hay để trao (như sách viết về lẽ sống, sách nghiên cứu) cũng là một thông điệp với giới viết, làm xuất bản.

Một trong những điều cảm động nhất mà giải thưởng này làm được, đó là trong lễ trao giải, ban tổ chức đã dành nhiều thời gian đọc các diễn từ của người vắng mặt. Như theo dịch giả Phạm Toàn, đây là một “thông điệp cho người Việt Nam trong công cuộc dân chủ hoá”. Trong khi đó, nhà văn Bảo Ninh đang điều trị bệnh gout cũng gửi đến ban tổ chức những lời tri ân (xem trích dẫn) và đặc biệt đến những người thầy, những đầu óc đổi mới đã truyền cho ông sinh khí viết nên tác phẩm gây tiếng vang. Với người đã khuất như thi sĩ, dịch giả Bùi Giáng, GS Dương Thiệu Tống, GS Đặng Phong thì ban tổ chức tôn vinh họ bằng những phút mặc niệm hiếm thấy ở những cuộc trao giải khác.

Một tuần trước khi giải được công bố, đã có một không khí chờ đợi hồi hộp trong giới làm xuất bản. Thoát khỏi mối lo toan quẩn quanh về một thị trường sách đang rơi vào khó khăn, nhiều người kinh doanh sách được đánh thức “lý tưởng và trách nhiệm” để tự nhìn lại và đánh giá không chỉ trên thước đo doanh thu mà còn trên giá trị chất lượng, đóng góp cho sự phát triển của tri thức cộng đồng. Nhìn ở góc độ này, những giải thưởng nghiêm túc có thể là những kích hoạt cần thiết cho các tác giả, dịch giả, nhà sản xuất trong việc tạo ra những sản phẩm sách giá trị trong tương lai và lôi kéo sự quan tâm của giới viết, dịch, làm xuất bản trong cả nước. Điều quan trọng nữa mà giải thưởng này làm được, đó là góp phần định hướng phát triển văn hoá đọc.

N.Vinh


Kết quả giải thưởng Sách Hay 2011

- Sách lẽ sống:
sách viết: không có; sách dịch: Khuyến học (Fukuzawa Yukichi, Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Trẻ, 2004, Nhã Nam & NXB Tri Thức, 2008).

- Sách giáo dục: sách viết: Phương pháp nghiên cứu giáo dục và tâm lý (Dương Thiệu Tống, NXB ĐH QG TP.HCM, 2002, Phương Nam Book & NXB KHXH, 2005); sách dịch: Dân chủ và giáo dục (John Dewey, Phạm Anh Tuấn, NXB Tri Thức, 2008).

- Sách nghiên cứu: sách viết: không có; sách dịch: Nền dân trị Mỹ (Alexis de Tocqueville, Phạm Toàn dịch, NXB Tri Thức, 2007).

- Sách kinh tế: sách viết: Tư duy kinh tế Việt Nam 1975 – 1989 (Đặng Phong, NXB Tri Thức, 2008); sách dịch: không có.

- Sách quản trị: sách viết: Công ty: vốn, quản lý & tranh chấp (Nguyễn Ngọc Bích & Nguyễn Đình Cung, Phương Nam Book & NXB Tri Thức, 2009); sách dịch: bộ ba cuốn Chiến lược cạnh tranh; Lợi thế cạnh tranh và Lợi thế cạnh tranh quốc gia (Michael Porter, nhóm dịch giả, DTBooks & NXB Trẻ, 2009).

- Sách thiếu nhi – văn học: sách viết: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần, NXB Trẻ, 2008); sách dịch: Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéry, Bùi Giáng dịch, NXB Văn Nghệ, 2005).

- Sách văn học (tiểu thuyết): sách viết: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh, NXB Hội Nhà Văn, 1991); sách dịch: Nghệ nhân và Margarita (Mikhail Bulgacov, Đoàn Tử Huyến dịch, TT Ngôn ngữ Đông Tây & NXB Lao Động, 2006).
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Dàn vĩ cầm ở thôn Then



TT - Đoàn làm phim tài liệu Chuyện làng Then (tên phim dự kiến của Hãng Phim tài liệu khoa học trung ương vừa có hơn nửa tháng về thôn Then để nghe câu chuyện về những người nông dân chơi vĩ cầm.

56 năm tồn tại, đội văn nghệ ở thôn Then lần đầu tiên sẽ lên màn ảnh rộng, phim dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2011.

Cách Hà Nội chưa đầy 90km về phía bắc, đội vĩ cầm thôn Then (xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) có đến 50 nông dân. Và không chỉ chơi thành thạo violon, họ còn truyền dạy cho con cháu những bản nhạc thật đẹp như đang thực hiện một giấc mơ đầy huyền ảo.

Cuộc gặp gỡ sau 56 năm
Mỗi khi đọc một bài báo hay xem một phóng sự nào đó về dàn vĩ cầm thôn Then, ông Đỗ Bài đều bùi ngùi xúc động khi nghĩ về những đôi bàn tay lóng ngóng chỉ quen làm ruộng của những người nông dân ở đây. Cũng phải đến 56 năm sau ông mới có dịp trở lại thôn Then để gặp lại học trò của mình, những người đã không chỉ học mà còn truyền đam mê của mình cho biết bao người nông dân khác.

Lý do để ông Đỗ Bài trở về chốn cũ cũng bởi đoàn làm phim của Hãng Phim tài liệu khoa học trung ương đang dựng một bộ phim về đội văn nghệ này. Hai đạo diễn Trần Phi và Hoàng Dũng đã tìm mọi cách rước ông già ngấp nghé tuổi 80 với mái đầu bạc trắng về Bắc Giang để xem và nghe các học trò của mình trực tiếp biểu diễn.

Cuộc gặp gỡ với nhiều xúc động bởi trong số 10 người được ông Đỗ Bài dạy học giờ chỉ còn lại sáu người. Sáu người ấy cũng ngậm ngùi không kém mỗi khi nhắc đến thầy: “Đã rất nhiều lần chúng tôi muốn đi tìm thầy nhưng ngặt nỗi đường sá xa xôi, kinh tế lại eo hẹp, cả đời chỉ quanh quẩn ở vùng đồi núi Bắc Giang nên cũng không biết thầy giáo ở đâu mà tìm” - ông Nguyễn Hữu Đưa xúc động nói.

Bặt tin, nhưng bất kể ai hỏi đến phong trào chơi vĩ cầm ở thôn Then tất cả từ già trẻ gái trai đều nói: đó là công của ông Đỗ Bài. Họ nói vậy dù thực chất trừ mấy học trò của ông thì không ai biết ông Đỗ Bài mặt ngang mũi dọc ra sao. Thế nên hết thảy họ đều tò mò mà tập trung về nhà văn hóa của thôn.

Rồi cũng chính họ, tự hào, ưỡn ngực gác cây vĩ cầm lên vai chơi những bản nhạc Nga, Đức, Pháp và VN được chuyển soạn cho violon với một niềm say mê đến khó tả. Còn ông Đỗ Bài thì hết sức ngỡ ngàng vì cả đời làm nhạc công của mình, ông không nghĩ cái duyên gặp gỡ rất tình cờ giữa ông và những nông dân ở Bắc Giang ngày ấy lại đã tạo nên một nét văn hóa đặc sắc vào bậc nhất của làng quê nông thôn Bắc bộ.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=520076
Ông Nguyễn Hữu Đưa dạy lớp trẻ em trong làng những bài học vĩ cầm đầu tiên - Ảnh: Công Hoan/VNP



Sau ruộng lúa là... violon
Trong căn nhà chẳng mấy khá giả ở một con ngõ sâu hun hút nhưng ngan ngát hương cau, ông Nguyễn Quang Khoa (đội trưởng đội văn nghệ thôn Then) vừa nhanh tay phết hồ làm hàng mã vừa i ỉ hát. Bản nhạc chèo vừa chuyển soạn cho violon đang “đeo bám” ông: “Nói thực thì đúng là râu ông nọ cắm cằm bà kia, nhưng chúng tôi thiếu nhạc để chơi nên tôi cứ liều mà chuyển soạn. Không chỉ có chèo đâu mà cả quan họ nữa kìa. Có vẻ oái oăm nhỉ?”. Ông Khoa vẫn không ngừng tay quết hồ mà dí dỏm nói như vậy khi nhắc đến dàn violon của thôn Then.

“Lứa đầu tiên học thầy Đỗ Bài là mười người, bắt đầu từ năm 1955. Rồi sau đó, lứa đầu tiên ấy lại trở thành thầy và tiếp tục truyền dạy cho những người nông dân yêu thích âm nhạc trong thôn. Đã có lúc toàn thôn có đến gần 90 người biết chơi violon. Trung bình cứ ba gia đình thì có một người chơi thành thạo loại nhạc cụ này. Không được học hành chính quy, thậm chí rất ít người được học hết lớp 7 (hệ 10 năm) nên việc tiếp cận với một loại nhạc cụ của Tây, giáo trình của nước ngoài (chủ yếu là Nga, Pháp, Đức, Bulgaria) là vô cùng khó. Vậy nhưng chúng tôi vẫn học, cần mẫn dù đứt đoạn bởi chiến tranh, dù rất nhiều thanh niên biết chơi vĩ cầm đã lên đường ra mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ” - ông Khoa bắt đầu kể câu chuyện chơi violon của thôn Then như thế.

Phải hơn năm năm (1973 - 1978) ông mới hoàn tất chương trình học violon do thầy Đưa dạy. Sau đó ông đi bộ đội. Năm 1985 phục viên về làng, có thêm nhiều lứa học trò khác đã chơi thuần thục violon. Ông Khoa nhớ lại: “Dù cơ hội để chúng tôi được biểu diễn không nhiều, nhưng bất kể khi nào ngơi tay khỏi đám ruộng thì chúng tôi đều cầm đàn. Cứ sau mỗi vụ mùa, bàn tay những người nông dân chúng tôi lại bị “cứng”, lại phải mất vài buổi tập rồi mọi sự mới trở lại từ đầu”. Không phải dáng đứng nào cũng đẹp, cách cầm đàn nào cũng đúng, nhưng bỏ qua tất cả những khó khăn ấy những nhà nông đất Việt vẫn chơi vì yêu thích và đam mê loại nhạc cụ quyến rũ ấy của phương Tây.

Bốn thế hệ ở thôn Then
Bây giờ ở thôn Then có đến bốn thế hệ biết chơi vĩ cầm: lớp già (gần 70 tuổi), lớp trung (50 tuổi), lớp thanh niên (20 tuổi) và lớp thiếu nhi (10 tuổi) - mỗi lứa có hàng chục tay violon thành thạo.

Nên mỗi khi có dịp lễ lạt hay hội nghị quan trọng nào đội văn nghệ thôn Then lại hùng dũng lên đường vác theo cây vĩ cầm và trình tấu những bản nhạc Tây cho phần lớn khán giả là nông dân nghe.

“Không giống như ca nhạc đâu, mỗi khi tiếng vĩ cầm vang lên thì tất cả khán giả đều lặng yên thưởng thức” - ông Nguyễn Quang Khoa tự hào khoe như thế.

Đời sống vật chất còn rất nhiều khó khăn, để sắm được cây đàn mỗi gia đình đều phải dành dụm, thậm chí phải hi sinh nhiều vật dụng cần thiết khác. Đến như chiếc cà vạt hay bộ complet đồng phục của các thành viên trong đội trước khi mua cũng đều được nâng lên đặt xuống nhiều lần. Vậy mà trong ngôi làng nhỏ hết thế hệ này sang thế hệ khác cứ nhiệt thành truyền lại cho nhau niềm đam mê rất đỗi thanh tao ấy.

Chẳng cần đến nhà hát hay khán phòng sang trọng, mơ ước lớn nhất của đội nhạc hiện nay là có được một dàn âm thanh “tàng tàng” mà nhà hát nào đó loại đi để phụ trợ cho những buổi biểu diễn ngoài trời. “Nhưng tiếc quá, đến bản nhạc soạn cho violon chúng tôi còn không đủ để mà chơi, và cứ chơi đi chơi lại mấy chục bài cũ thì cũng nhàm tai những khán giả nông dân mất thôi” - một nghệ sĩ ở làng nói vậy.

HOÀNG ĐIỆP - KIM SA


Tự luyện thi đại học cho con

Nguyễn Quang Cường, con trai út của ông Nguyễn Quang Khoa, hiện là sinh viên năm 4 Trường đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương, cho biết: “Mỗi ngày đều đặn ba tiếng bất kể thời gian nào rảnh rỗi bố đều chỉ bài cho tôi. Từ lúc bắt đầu cầm vào đàn đến khi có thể kéo thành thục bản nhạc Phiên chợ Ba Tư thì mất đúng một năm trời”. Thi đỗ vào một trường nghệ thuật với số điểm năng khiếu (chơi violon) không cao (6,5), nhưng ít nhất đã hình thành cho Quang Cường con đường theo hướng chuyên nghiệp.

Trước đó chị gái của Cường là Nguyễn Thu Hà, cũng bằng sự rèn dạy của bố thông qua cây đàn organ đã trở thành sinh viên Đại học Nghệ thuật quân đội. Bây giờ Hà là giáo viên dạy âm nhạc tại Trường THCS Tân An (Bắc Giang).
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tạm biệt bến phà Thủ Thiêm

Neo ký ức trong lòng phố thị



SGTT.VN - “Hơn 30 năm, tôi gắn đời mình với khúc sông, bến phà này, sắp chia tay cũng bùi ngùi! Tình cảm là vậy, nhưng phà phải nhường lại cho công trình khác hiện đại và tiện dụng hơn”. Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hùng bộc bạch rồi tì ngón trỏ lên nút bấm, chiếc phà hụ ba hồi còi rồi rẽ sóng sang sông. Bên kia bờ là phố, phía còn lại Thủ Thiêm, xóm đã nhường chỗ cho những công trình…

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=154862
Phà Thủ Thiêm gắn bó với người Sài Gòn từ nhiều năm nay. Ảnh: Thanh Hảo



Hồi ức về một bến phà xưa
Trong ký ức của thuyền trưởng Hùng, năm 1982, khi xuất ngũ, ông về bến phà này nhận công tác thì lúc ấy trên sông vẫn còn rất nhiều đò chèo đưa khách sang sông. Thuyền trưởng Hùng là người lái phà lâu nhất hiện nay ở bến phà Thủ Thiêm nên còn biết thêm, khúc sông này hiện diện hai chiếc phà chạy dầu của một hãng phà tư nhân thời chế độ cũ được Nhà nước tiếp quản.

“Tôi cũng có nghe những người lớn tuổi kể lại, thời Pháp đã từng có những chiếc phà chạy hơi nước, rồi chạy dầu của người Pháp. Chiếc phà thời tôi mới lái, khi muốn khởi động máy, thuyền trưởng gõ chuông ra hiệu cho thợ máy dưới hầm. Bây giờ hiện đại hơn vì máy nổ suốt cả hành trình 12 tiếng đồng hồ”, Ông Hùng kể.

Năm 1985, khi đất nước còn ở thời kỳ bao cấp, quận 2 (huyện Thủ Đức cũ) vẫn là chốn hoang vu, dân cư thưa thớt với ba xóm lao động nghèo là xóm Đình, xóm Than và xóm Cây bàng. Nghề nghiệp chính của người dân ngoài đưa đò là làm ruộng. Vì vậy, hàng nông sản từ quận 2 nhờ những chuyến phà vận chuyển sang bán ở trung tâm. Ngược lại các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng từ phà chuyển lại cho bán đảo.

Không chỉ có vậy, các tay buôn hàng lậu đường, bột ngọt… từ miền Trung, miền Bắc khi vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ cũng tìm cách “né” trạm thuế bằng cách chuyển qua phà. Dọc bên sông hình thành những băng nhóm giang hồ khét tiếng… Ông Hùng nhớ lại: “Mấy năm đó, thuỷ thủ, thuyền trưởng thường ít dám lên bờ vì dễ bị đánh vì phà nhà nước cạnh tranh với đò nhỏ. Sau đó, quận 2 thành lập, Nhà nước siết quản lý gắt nên lần lượt những tay anh chị số má vào tù. Thủ Thiêm hình thành những khu dân cư đông đúc, giàu có. Nhịp đời thăng trầm, giờ đây người dân nhận đền bù giải toả, từ đất rẻ được giá cao để nhường lại cho khu đô thị mới sẽ khang trang cho thành phố đẹp hơn”.

Sẽ nhớ lắm khúc sông quen
Ông Nguyễn Công Dân, phó giám đốc xí nghiệp phà Cát Lái – Thủ Thiêm cho biết, hiện nay ở bến phà Thủ Thiêm có sáu chiếc phà do Việt Nam đóng. Trong đó bến có bốn chiếc 20 tấn, một chiếc 25 tấn và chiếc còn lại 60 tấn. Những chiếc phà này không đủ lớn để chạy trên sông lớn như ở phà Cát Lái, vì vậy có thể chúng sẽ được hoán đổi công năng để làm tàu du lịch trên bến thuỷ nội địa. Như vậy, khi kết thúc sứ mệnh đưa hàng triệu lượt khách sang sông, những chiếc phà này tiếp tục neo trong tình cảm người Sài Gòn.

Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hùng trầm ngâm: “Từ khi có cầu Thủ Thiêm, khách giảm từ hơn 40.000 lượt/ngày chỉ còn 8.000 lượt/ngày. Bến phà lỗ nhưng vẫn phải hoạt động vì phục vụ bà con”.

Công ty quản lý cầu phà thành phố đề xuất ngày 20.11 sẽ ngừng hoạt động phà Thủ Thiêm, để nhường chỗ cho các công trình hiện đại hơn như hầm qua sông và cầu đường bộ. Những người gắn bó lâu năm ở phà Thủ Thiêm rồi sẽ chuyển công tác về nơi khác. Nếu rời vô lăng, chắc phần đời còn lại ông sẽ nhớ lắm những tiếng còi phà.

Một mai, dù có qua sông Sài Gòn bằng cầu hay đường hầm dưới lòng sông, bến phà Thủ Thiêm vẫn sẽ là nỗi nhớ, là nét văn hoá một thời không thể nào quên trong lòng mỗi người Sài Gòn, như câu hò xưa của người Nam bộ: “Sài Gòn có bến Chương Dương, có dinh Độc lập có đường Tự do, có chợ Quán có Cầu kho, bến xe lục tỉnh con đò Thủ Thiêm”.

Thanh Nhã – Từ An
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hội đồng Nghệ thuật đi vắng, tượng đài đứng… bâng khuâng?



(BeeNet.vn) - Mấy chục năm sau giải phóng, ở ĐBSCL mọc lên nhiều tượng đài hơn mấy trăm năm trước đó cộng lại. Có 3 loại chính: Tượng đài danh nhân, tượng đài ghi dấu sự kiện lịch sử và tượng đài mang tính biểu tượng địa phương. Đến nay hầu hết đứng… bâng khuâng trong nhếch nhác.


Rễ đước, bông lúa và tay chân  “phía co phía duỗi”

Trong công viên ở trung tâm thị trấn Đức Hòa (Đức Hòa, Long An) có bức tượng cao lớn tạc một người cầm đuốc đang bước. Tay phải cầm  đuốc cong cong giơ ra, tay trái xuôi theo thân mình, chân sải bước trên trụ cao nên hình dáng lòng khòng, thiếu vững chắc. Nhìn xa, bức tượng như một bà già cầm đuốc đi tìm cái gì đó trong công viên. Lại gần thấy hao hao giống lão nông với những nếp nhăn lo âu. Chỉ khi đọc hàng chữ ở chân tượng đài mới biết đây là tượng ông Võ Văn Tần (1894 – 1941) Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.

Ở phường Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) có  địa điểm các nhà cách mạng tiền bối họp bàn việc thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng năm 1929. Sau giải phóng, địa phương dựng ở đây tấm bia kỷ niệm. Một cái bệ hình tròn, tấm bia hình chữ nhật, phía trên có ngọn lửa đỏ với hình búa liềm nằm giữa. Trước tấm bia đặt một lư đồng. Chúng tôi hỏi nhiều cán bộ ở ngành VH-TT, tuyên giáo, mặt trận, văn nghệ địa phương là đặt lư đồng thể hiện ý nghĩa gì? Không ai trả lời được rõ ràng. Có người nói: “Để ngày kỷ niệm đến thăm viếng đốt nén hương … cho thơm”(?)

Tượng đài của tỉnh Cà Mau đặt ở ngã 5 trung tâm thành phố Cà Mau, được dựng lên qua một cuộc thi khá rầm rộ. Khối bê tông cốt thép gồm có hình rễ đước và bông lúa. Thêm hình 2 người đàn ông, 2 người đàn bà đại diện cho công nhân, nông dân, trí thức và binh sỹ. Nhiều người nhận xét khối bê tông cao lớn ấy chưa phải… tượng đài bởi rối rắm quá! Các hình rễ đước và bông lúa gọi là cách điệu nhưng không giúp người giàu trí tượng tưởng nhận ra thêm điều gì mới mẻ. Còn 4 người đứng nhìn ra 4 hướng, quay lưng vào nhau thì chưa phải đại diện của Cà Mau.

Đó là những bia, tượng có chút sáng tạo, còn bia tượng “thật thà” tạc hình ảnh nam phụ lão ấu cầm súng, cầm gậy, cầm liềm, cầm cờ, tay chân phía co phía duỗi như tranh cổ động có ở khắp mọi nơi thì chưa kể.

Bia tượng “ngự” giữa chợ
Ở xã Anh hùng LLVT Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), hỏi nhiều em học sinh, nhiều chị bán quán ven đường mà không ai biết tấm bia kỷ niệm dân quân du kích của xã nằm ở đâu. Tìm anh Lý Văn Năm - Phó chủ tịch UBND xã, mới được anh cho biết: “Bia dựng lên năm 1993, không biết đơn vị nào thi công, kinh phí bao nhiêu nhưng nay đã xuống cấp trầm trọng. Chúng tôi đã trình Sở VH-TT xin xây mới ở vị trí phù hợp hơn nhưng chưa được”. Anh dẫn chúng tôi ra xem tấm bia nằm trong một cái chợ ồn ào. Tấm bia chìm lỉm giữa quầy áo quần, tạp hóa, chân tượng đã lún sụp, nứt nẻ còn bị chồng lên bao nhiêu thau chậu, chai lọ.

http://bee.net.vn/dataimages/201109/original/images784936_260911a5.jpg
Bia kỷ niệm dân quân du kích xã Anh hùng LLVT Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) đứng giữa chợ. Ảnh: Tiến Hưng



Tượng đài Chiến thắng Tầm Vu (tỉnh Hậu Giang) dựng tại  địa điểm của 4 trận thắng giặc Pháp, trong đó có  trận ngày 19/4/1948 thu được khẩu pháo 105 ly. Tượng đài là tác phẩm của cố GS Nguyễn Phước Sanh, khánh thành ngày 28/4/1995, tựa như bức tranh cổ động bằng bê tông cốt thép. Bởi rõ hình ảnh 3 người gồm 2 nam 1 nữ, người giơ tay thổi kèn, người bồng súng và người mang súng. Trước khi dựng tượng đài đã dựng một tấm phù điêu bằng bê tông cốt thép thể hiện cảnh dùng trâu kéo pháo chiến lợi phẩm. Bây giờ tượng đài đứng giữa, bên trái là tấm phù điêu (cách chừng 3 mét), bên phải là khẩu pháo 105 ly thật (cách chừng 4 mét), tạo nên một cụm “khó ăn nhập với nhau”, không hài hòa với xung quanh.

Đó là chưa kể tình trạng bia tượng được dựng lên khắp nơi, không theo quy họach nào. Sự kiện khởi nghĩa trên đảo Hòn Khoai  (Năm Căn, Cà Mau) với nhà giáo cách mạng Phan Ngọc Hiển đứng đầu đã được dựng bia tượng ở 5 chỗ trên đất Cà Mau. Đó là: Đài liệt sỹ nghĩa trang Hòn Khoai và bia tưởng niệm liệt sỹ Hòn Khoai tại huyện Năm Căn, bia kỷ niệm liệt sỹ Hòn Khoai tại xã Tân Ân (Ngọc Hiển), bia tưởng niệm liệt sỹ Hòn Khoai và bia Phan Ngọc Hiển tại TP Cà Mau.

Bia tưởng niệm nạn nhân cơn bão số 5 (năm 1997) ở Cà Mau tại 2 nơi: Cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh) và cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời).

Nhếch nhác
Mỗi bia, tượng ít cũng mấy chục triệu đồng, nhiều thì tiền tỷ nhưng hầu hết mới khánh thành mấy năm  đã hư hỏng nặng nề, thậm chí hoang phế  trong nắng mưa, chìm lấp trong cỏ dại.

Xã Khánh Lâm (U Minh, Cà Mau) có 2 nhà bia và  1 bia căm thù. Chúng tôi đến xem bia căm thù ở  kinh Dớn Hàng Gòn, không thể hình dung tình trạng thảm hại mới sau 5 năm khánh thành: Chân đế nứt làm  đôi, khắp nơi tróc lở nham nhở, tấm đá khắc dòng chữ “Dớn Hàng Gòn-Bia căm thù” đã rơi xuống vỡ vụn dưới đất. Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm-Huỳnh Phước Hậu nói: “Chúng tôi đã đề nghị sửa chữa và Phòng VH-TT huyện cùng Bảo tàng tỉnh đã khảo sát nhưng chưa thấy động tĩnh gì?”.

Ở Cần Thơ còn có Tượng đài Chiến thắng Quân khu 9 do Quân khu này dựng trước cơ quan Bộ tư lệnh. Cũng là tác phẩm của cố GS Nguyễn Phước Sanh, giống bức tranh cổ động bằng bê tông cốt thép: có 4 người đủ nam, nữ, già, trẻ áo quần thẳng nếp, người cầm súng, người phất cờ. Không có nguồn kinh phí bảo dưỡng thường xuyên nên đã xuống cấp và cỏ rác đang tấn công. Trước tượng đài có đặt một lư hương, hồi mới khánh thành, vào các ngày lễ lớn, đại biểu quân dân chính đảng địa phương tập trung thắp hương. Về sau, thấy rất ít khi nơi này được hương khói. Hiện tại, xung quanh nhà cửa xây dựng cao lên, khu tượng đài chìm xuống, hễ mưa là đọng nước. Quân khu 9 đang phải cử vệ binh canh gác ngày đêm để… ngăn tệ nạn xã hội.

Hội đồng nghệ thuật tỉnh “đi vắng”?
Trước thực trạng bia, tượng như thế, một câu hỏi đặt ra: Các Hội đồng nghệ thuật địa phương ở đâu? Tỉnh thành nào cũng có Hội đồng nghệ thuật và Hội đồng này đương nhiên có trách nhiệm kiểm soát việc xây dựng bia, tượng. Thế nhưng đáng ngạc nhiên là chúng tôi hỏi nhiều cán bộ ở các Sở VH-TT, Ban tuyên giáo, Hội văn nghệ và nhiều nghệ sỹ nhưng không ai biết chính xác Hội đồng nghệ thuật gồm những thành phần nào hoặc cá nhân nào? Thậm chí, nhiều cán bộ cũng không biết Hội đồng nghệ thuật có tồn tại.

Lần tìm, chúng tôi cũng nắm được thành phần chính của Hội đồng nghệ thuật ở một địa phương như sau: Phó chủ tịch UBND phụ trách văn xã, Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Sở VH-TT, Sở Xây dựng, Sở KH-CN và do Phó Bí thư Tỉnh ủy (hoặc Thành ủy) làm Chủ tịch. Hình thành theo cơ cấu mà người ở các chức danh cơ cấu này thay đổi theo nhiệm kỳ (có khi trước nhiệm kỳ) nên Hội đồng nghệ thuật họat động không có nền nếp và khó đạt chất lượng cao.

Khi cần thẩm định một tác phẩm nghệ thuật, Hội  đồng nghệ thuật cũng mời một số nghệ sỹ am hiểu để tham vấn song không mấy kết quả. Bởi có nhiều lý do khiến nghệ sỹ không tiện đánh giá tác phẩm của đồng nghiệp, chưa kể không phải lúc nào lời nói của nghệ sỹ tư vấn cũng được lắng nghe. Ở TP Cần Thơ đã có kiến nghị thành lập Hội đồng thẩm định nghệ thuật gồm các nghệ sỹ tên tuổi để giúp Hội đồng nghệ thuật có các quyết định đúng đắn song chưa thuyết phục được tất cả nên vẫn chưa ra đời.

ĐBSCL có nhiều địa danh cần khắc ghi vào tâm khảm con người nhưng có thật cần thiết ở đâu cũng dựng bia, tạc tượng? Ở tỉnh Bến Tre, nơi khởi phát cuộc Đồng khởi năm 1960 được đặt một tảng đá hoa cương trị giá 200 triệu đồng, uy nghi và vĩnh cửu, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên thì giữ cây đa cổ thụ tỏa bóng mát cao rộng. Cây cổ thụ không phải không có vẻ linh thiêng còn tạo bóng mát lôi cuốn nhiều người đến mỗi ngày, tạo cảnh đẹp cho xóm ấp, lợi cho môi trường và đặc biệt không tốn công của bảo dưỡng. Song hướng tư duy này chưa lan rộng.

Nên bia, tượng vẫn đua nhau mọc lên gây tốn kém và… nhếch nhác.

Sáu Nghệ
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Kính thưa, khó bước qua cái lông vịt



TT - Lão Tử có bảo rằng chuyện dễ (như bước qua cái lông vịt) phải coi nó là khó thì nó mới là dễ. Thánh nói không sai. Chỉ riêng chuyện nhỏ “kính thưa” trong các cuộc hội nghị của nước ta mà hơn bảy năm nay vẫn chưa bước qua được. Bảy năm là chỉ tính từ ngày Chính phủ ban hành nghị định 154 ngày 9-8-2004 về nghi thức nhà nước trong tổ chức mittinh, hội nghị, có quy định rõ ràng về chuyện “kính thưa”.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=522909



Kính thưa trong các cuộc họp là một “lời chào mào đầu câu chuyện”, đơn giản vậy thôi. Trên diễn đàn các nước dân chủ phương Tây, nơi thời gian là vàng bạc, chỉ một câu “Ladies and gentlemen” là cỗ máy đã có thể bắt đầu vận hành. Còn ở xứ ta (có lẽ năm rộng tháng dài chăng) thì... ngay một cuộc họp HĐND xã, dễ cũng phải mất hàng chục phút “kính thưa” đủ các loại quan khách và đại biểu! Chuyện nhỏ như cái lông vịt ấy chắc đã thành vấn đề lớn nên Chính phủ mới phải ra nghị định nói trên.

Nhưng dù đã có chỉ thị từ năm 2004, chuyện kính thưa vẫn gây ra nhiều cuộc bàn bạc ồn ào ngay trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội ba năm sau đó. Bởi vì khắp nơi, mọi chốn làm như “quên” chỉ thị trên, vẫn lan tràn nạn “kính thưa”. Một em học sinh tiểu học cũng có thể tính ra, nếu mỗi bài diễn văn, mỗi lời phát biểu người ta mất 10 phút để “kính thưa” với đầy đủ chức vụ, chức trách kiêm nhiệm của các vị khách thì mỗi năm, với hàng trăm ngàn, chưa nói tới hàng triệu cuộc họp, cả nước mất bao nhiêu thời gian vô ích. Thời gian không còn là vàng bạc mà thành rác rưởi mất rồi. Vì chuyện “kính thưa” ở các cuộc họp Quốc hội là tấm gương, nên vấn đề được nóng lên cũng phải! Chúng ta có thể nhắc lại lời kết luận của chủ tịch Quốc hội khóa X trong cuộc họp bàn năm đó về nghi lễ các cuộc họp: “...

Hiện nay, vẫn còn có những bài phát biểu mà thấy “kính thưa” mãi vẫn chưa kết thúc (...) Do đó cũng nên phải có cải tiến để tránh sự rườm rà”. Vậy mà đến nay hình như người ta vẫn chưa bước qua được cái lông vịt. Cho nên bốn năm sau (2011), Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong đề án cải tiến hoạt động lại phải đặt ra vấn đề “kính thưa”. Chủ tịch Quốc hội khóa XI nói: “Không nên mở đầu phát biểu nào cũng phải “kính thưa” tất cả, từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới Quốc hội. “Kính thưa” như thế chỉ nên ở những phát biểu quan trọng, chẳng hạn như khai mạc kỳ họp. Còn sau đó, chỉ cần “kính thưa Quốc hội” là đủ”.

Hai khóa Quốc hội tuy dùng dao mổ trâu làm thịt gà mà vẫn chưa dứt điểm được chuyện “kính thưa”, đủ biết cái lông vịt khó bước qua thế nào. Bởi vì ai cũng biết, nếu trên hội trường Quốc hội các vị thay mặt dân, được quyền miễn trừ, vẫn “kính thưa” tràn lan thì làm sao ngăn được “kính thưa” ở các cuộc họp xóm? Nếu nghiêm chỉnh thực hiện được, các cuộc họp của Quốc hội sẽ có chất lượng hơn, ít nhất cũng tiết kiệm được thời gian, điện đóm và nhiều của cải vật chất khác của xã hội. Và quan trọng hơn, đỡ nhàm chán.

Hàng chục năm không dứt điểm được chuyện “kính thưa”, nguyên nhân không chỉ là người ta thích hình thức rườm rà hay không biết tiếc thời gian mà là vấn đề văn hóa, là ý thức dân chủ của mỗi người nên mới khó.

Nếu trên diễn đàn, anh ý thức được mình đang phải tranh thủ thời gian luôn quý hiếm để làm việc, đóng góp ý kiến chứ không phải giao đãi lấy lòng ai, khi anh tự tin, hiểu được mình là ai, trách nhiệm của mình là gì mình có quyền phát biểu đến đâu thì anh sẽ biết quý thời gian như vàng bạc. Khi trên diễn đàn, trước micro, anh tự cảm thấy mình được bình đẳng với người nghe ở dưới (mọi người sinh ra đều bình đẳng mà), anh đang phát biểu ý kiến đóng góp trong một cuộc họp dân chủ chứ không phải đang trình sớ lên “hoàng thượng sáng suốt”, dù anh chỉ là anh Hai Lúa hay một ông bộ trưởng thì người nói người nghe phải coi trọng lẫn nhau.

Mọi người đến đây để nghe, để bàn chứ không phải đến ra lệnh cho anh. Thật sự làm chủ được mình thì anh sẽ không rối trí, líu lưỡi, không cảm thấy có “kính thưa” bao nhiêu cũng chưa đủ, chưa vừa, không nơm nớp mình đang phạm tội tày đình là quên mất ai đó. Và anh không vã mồ hôi, bài phát biểu của anh đi vào lòng người, cuộc họp có chất lượng hơn, vì anh và nhiều người như anh đã bước qua được cái lông vịt!

Cái lông vịt nhỏ mà không là nhỏ vậy!

NGUYỄN QUANG THÂN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:

Kính thưa, khó bước qua cái lông vịt



TT - Lão Tử có bảo rằng chuyện dễ (như bước qua cái lông vịt) phải coi nó là khó thì nó mới là dễ. Thánh nói không sai. Chỉ riêng chuyện nhỏ “kính thưa” trong các cuộc hội nghị của nước ta mà hơn bảy năm nay vẫn chưa bước qua được. Bảy năm là chỉ tính từ ngày Chính phủ ban hành nghị định 154 ngày 9-8-2004 về nghi thức nhà nước trong tổ chức mittinh, hội nghị, có quy định rõ ràng về chuyện “kính thưa”.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=522909

Câu Đố Hiểm Hóc

Nhỏ bé như là cái lông
To đùng như là cái chổi
Chẳng có cái gì làm nổi
Đố biết đó là cái gì?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nghĩ mãi không ra, chịu thua bác Tuấn thôi.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Có câu lạc bộ ca trù không biết gì về ca trù!



TT - Từ ngày 13 đến 16-10, Liên hoan ca trù toàn quốc sẽ diễn ra tại Hà Nội. Tuy nhiên, trong suốt hai năm sau khi nghệ thuật ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, hoạt động ca trù vẫn mang tính tự phát.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=523564
Ca nương Bạch Vân (phải) hướng dẫn một khán giả nước ngoài cách đánh phách - Ảnh: H.Điệp



Đó là ý kiến của ông Lê Văn Toàn - viện trưởng Viện Âm nhạc quốc gia VN, đơn vị tổ chức Liên hoan ca trù toàn quốc.
Mời các bạn xem tiếp tại http://tuoitre.vn/Van-hoa...ng-biet-gi-ve-ca-tru.html
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011: Phục dựng bốn không gian diễn xướng



http://www.baovanhoa.vn/upload/20111012/phucdung1.jpg


Phục dựng Múa Bài Bông trong Không gian hát cửa đình


VH- Ngày 13.10, Hội nghị Đánh giá kết quả kiểm kê di sản văn hóa Ca trù 2009 – 2010 và Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011 sẽ chính thức diễn ra tại HN. Đáng chú ý, lần đầu tiên bốn không gian diễn xướng của Ca trù sẽ được phục dựng ít nhiều tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011.

Cùng hành động để bảo vệ Ca trù

Hội nghị Đánh giá kết quả kiểm kê di sản văn hóa Ca trù được tổ chức trong ngày 13.10 tại Viện Âm nhạc với sự tham gia của các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu âm nhạc và đại diện 15 tỉnh, thành có di sản Ca trù sẽ thông tin về hiện trạng di sản thế giới này thông qua kết quả kiểm kê được cập nhật mới nhất.

Đây là một hoạt động quan trọng trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản Ca trù. Bởi theo cam kết trong Hồ sơ Quốc gia đệ trình UNESCO, hằng năm các địa phương có Ca trù cũng như VN phải báo cáo hiện trạng di sản thông qua kết quả kiểm kê.

Hơn thế, Hội nghị cũng là dịp để các địa phương có Ca trù trao đổi kinh nghiệm trong việc kiểm kê cũng như bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Bởi nói cho cùng, việc bảo vệ di sản cần sự định hướng và thống nhất nhưng mỗi địa phương có những cách thức triển khai khác nhau, đối mặt với những khó khăn khác nhau…

http://www.baovanhoa.vn/upload/20111012/IMG_9838-copy.jpg


Nghệ nhân ca trù Ảnh: Mai Loan


Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng phòng Di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa cho biết: “Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO 2003 mà VN là một trong những thành viên quy định, với bất kỳ di sản của quốc gia nào được UNESCO vinh danh thì sau bốn năm phải báo cáo các kết quả bảo vệ, kiểm kê.

Nếu không hoàn thành báo cáo kết quả kiểm kê cũng như một số cam kết trong chương trình bảo vệ, di sản có thể có nguy cơ bị UNESCO rút khỏi danh sách đã được vinh danh”. Nhìn lại, sau hai năm Ca trù được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, VN đã triển khai nhiều hoạt động để bảo vệ di sản này.

Trong đó, kiểm kê cũng chính là một phương thức để đánh giá sức sống của di sản cũng như những vấn đề cần phải tháo gỡ, phục hồi bảo vệ. Cho đến nay, nhiều địa phương có Ca trù cũng đã tuyên bố và triển khai những chương trình hành động để bảo vệ và phát triển Ca trù như các tỉnh: HN, Hải Dương, Hà Tĩnh…

Trả lại không gian cho Ca trù

Ngay sau khi Ca trù được UNESCO vinh danh ít lâu, cuối năm 2009, LH Ca trù toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức trang trọng tại HN như một cuộc báo công, chung vui của làng Ca trù Việt. Đến hẹn lại lên, sau hai năm LH Ca trù toàn quốc lại mở hội.

Đây không chỉ là một trong những hoạt động nằm trong cam kết trong Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO mà hơn thế còn là dịp để phục dựng, trả lại một vài không gian trình diễn tưởng chừng chỉ còn “vang bóng một thời” của Ca trù.

Hiện 23 CLB, giáo phường, nhóm Ca trù thuộc 15 tỉnh, thành có di sản Ca trù đã đăng ký tham gia LH. Nét mới đáng chú ý là tại LH lần này các nghệ nhân, nghệ sĩ Ca trù sẽ trình diễn theo bốn không gian khác nhau: Không gian hát cửa đình, Không gian hát cửa quyền, Không gian hát chơi, Không gian hát thi.

http://www.baovanhoa.vn/upload/20111012/phucdung1.jpg


Phục dựng Múa nhịp ba cung bắc của CLB Ca trù Cổ Đạm - Hà Tĩnh


Điều thú vị là với Không gian hát cửa đình sẽ phải trình diễn một trong các điệu múa như Bài bông, Bỏ bộ, Bát dật, Tứ linh và hát các điệu Thét nhạc, Hát nói, Hát giai, Hát mở cửa đình… Trong khi đó, tham gia Không gian Hát chơi ngoài các điệu cơ bản như Hát nói, Hát kể chuyện, Đò đưa, Mưỡi… các nghệ nhân còn phải trình diễn với lời thơ mới, có phần bình thơ của quan viên cầm chầu trước khi vào hát…

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan khẳng định: “LH lần này cố gắng đem đến những hiểu biết về Ca trù. Với bốn không gian diễn xướng khác nhau, LH sẽ phục hồi, tái tạo lại một số không gian trình diễn quen thuộc xưa của di sản này.

Trả lại trọn vẹn không gian trình diễn cho Ca trù là việc không thể thực hiện nhưng chí ít với bốn không gian này cũng có thể tạo sức bật cho Ca trù trở lại trong tương lai”. Tại LH, khoảng 140 nghệ nhân sẽ trình diễn, thi tài ở 28 chương trình khác nhau, trong đó có 4 CLB, giáo phường đăng ký tham gia Không gian hát cửa đình, 4 Không gian hát cửa quyền, 11 Hát thi, 8 Hát chơi và 1 hát thờ tổ.

Nhiều không gian trình diễn kể trên của Ca trù hiện gần như không còn, nhưng với những hoạt động phục hồi, tái tạo ít nhiều sẽ đem đến những bất ngờ cho LH. Bởi với mỗi không gian trình diễn khác nhau, với sở trường khác nhau của các nghệ nhân cũng như bản sắc các CLB, giáo phường khác nhau có thể có những thể cách của Ca trù sẽ khoe mình tại LH khiến nhiều người bất ngờ.

Phúc Nghệ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hoàng gia Thái Lan cúng dường cho nhà sư ở Huế



TT - Sáng 16-10, tại chùa Huyền Không (xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) đã diễn ra lễ dâng y do quốc vương Thái Lan cúng dường cho sư trụ trì chùa.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=525860
Đại diện của quốc vương Thái Lan (phải) làm lễ cúng dường cho sư trụ trì chùa Huyền Không - Ảnh: Thái Lộc



Buổi lễ diễn ra với sự tham dự của phái đoàn đại diện quốc vương Thái Lan, đại diện Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM, các chức sắc tôn giáo và đông đảo tín đồ Phật giáo đến từ Thái Lan, Lào, Campuchia và VN.

Đại diện của quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej đã ban y hoàng gia, đồng thời cúng dường cho chùa Huyền Không gần 800 triệu đồng. Số tiền này, ngoài của nhà vua Bhumibol Adulyadej còn có sự đóng góp của Bộ Ngoại giao Thái Lan, Đại sứ quán Thái Lan tại VN, Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM và của tín đồ Phật giáo Thái Lan.

Lễ dâng y là một trong những nghi lễ chính của Phật giáo Nam tông, được tổ chức lúc kết thúc khoảng thời gian an cư kiết hạ của các vị sư vào mùa mưa. Đây là dịp phật tử dâng cho các chư tăng những bộ y mới với niềm tin cả người dâng cúng lẫn chư tăng sẽ đạt công đức.

THÁI LỘC
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [12] [13] [14] [15] [16] [17] [18] ... ›Trang sau »Trang cuối