Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

Bế mạc Festival khèn Mông Hà Giang lần thứ nhất: "Tôi đã khóc khi có liên hoan khèn Mông..."


http://www.baovanhoa.vn/Controls/ThumbnailSizeOrigin.aspx?swidth=200&sheight=0&imageurl=upload/20110824/mua-khen-2.jpg


Vũ điệu khèn trong đêm bế mạc Festival khèn Mông


VH- Sau gần hai ngày trình diễn, tranh tài tại Festival khèn Mông lần thứ nhất trên cao nguyên đá Đồng Văn, hơn ba trăm nghệ nhân đến từ khắp huyện, thị của Hà Giang lại trở về với công việc thường ngày của mình.

Nhưng dư âm về Fesstival thì vẫn lắng đọng đây đó với những thanh âm nửa như mời gọi, nửa như chia ly, có lúc dồn dập phấn chấn, lại có khi miên man một nỗi buồn sâu thẳm. Khèn Mông là thế! Vốn là giá trị văn hóa không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của người Mông nhưng vì nhiều lý do, những giai điệu của đại ngàn này đang thưa dần ở các thôn, bản.

“Mình yêu tiếng khèn thì mình phải gắng tập thôi”


Nghe nghệ nhân Sùng Sèo Dính (thôn Méo Sầu, xã Lũng Tấu, huyện Đồng Văn) trình diễn bài khèn Vui ngày mùa tại lễ bế mạc, cảm nhận rõ sự đam mê gửi gắm trong từng giai điệu, sự tâm huyết, hết mình của người nghệ nhân này.

Với dáng đi nghiêng nghiêng, Sùng Sèo Dính bước chậm rãi lên sân khấu, cả khán phòng nín lặng, chờ đợi. Sùng Sèo Dính đưa cây khèn lên môi, giai điệu tràn ngập khán phòng như từ đại ngàn vọng đến, từ núi đá tràn về.

Những giai điệu khi dìu dặt, réo rắt, lúc trầm bổng, ngọt mà hào sảng diễn tả sự vượt lên khó khăn của đồng bào người Mông trong lao động sản xuất. Người nghe như nhìn thấy những ngọn núi cao lởm chởm; những cô gái, chàng trai trong trang phục Mông nâng niu từng vốc đất nơi kẽ đá và từ đó những mầm xanh bật lên kiêu hãnh.

Vẻn vẹn chưa đầy 10 phút nhưng bài khèn của Sùng Sèo Dính đã cho người nghe cảm nhận đầy đủ nỗi nhọc nhằn của đồng bào người Mông ở nơi đá nhiều hơn đất, cảm nhận được mùi mồ hôi trên lưng áo thiếu nữ; mùi đất hăng nồng trong kẽ đá, sự mướt mát của ngô non và hương vị ngọt ngào ngày thu hoạch.

Tiếng vỗ tay vang dậy. Những bông hoa rừng được đưa đến tay Sùng Sèo Dính. Phần trình diễn quá ấn tượng. Mọi người đều cảm động bởi Sùng Sèo Dính không chỉ là người tâm huyết với điệu khèn của đồng bào mà còn là người nghị lực vượt lên số phận.

Nói tiếng Kinh chưa thạo, Sùng Sèo Dính kể anh đã dồn hết tâm huyết vào bài khèn vừa biểu diễn: “ Mình cố hết sức rồi” - anh đưa bàn tay trái bị cụt mất cả bàn tay lên dụi mắt - “Hồi mới mười lăm tuổi mình theo mấy anh đi chăn trâu bò trên núi. Khi về nhặt được cục sắt. Không biết nó là cái gì nên đem ra cưa.

Thế là nó nổ. Tỉnh dậy thì mất cả bàn tay, còn mắt trái bị hỏng. Sau hơn một năm thì vết thương mới lành.Mình biết thổi khèn khi mới mười ba tuổi. Nay mình đã bốn ba tuổi rồi. Khi bị đau, không thổi khèn được thì bụng ấm ức lắm. Sau khi lành, mình quyết tâm tập. Thế là thổi lại được như bây giờ”.

Có lẽ không đơn giản đến mức “thế là thổi được như bây giờ đâu” bởi người có đủ mười ngón tay cũng khó mà thổi được như Sùng Sèo Dính. Người bình thường khi thổi thì hai bàn tay phải giữ chặt lấy bầu khèn, rồi dùng ba ngón tay bên này và ba ngón tay bên kia bấm vào những lỗ “gam” trên các ngón khèn.

Lúc đó mới tạo ra những âm thanh, giai điệu. Còn Sùng Sèo Dính đã mất một bàn tay, nhưng với nghị lực vượt qua nỗi đau mất mát, bằng tình yêu da diết với tiếng khèn của đồng bào mình, anh đã dùng phần còn lại để tạo ra những vũ điệu khèn hay nhất trong Festival.

Trong phần đánh giá chuyên môn, Ban tổ chức và đặc biệt là nghệ nhân cao tuổi Ma Kháy Sò, thành viên Hội đồng nghệ thuật đã gọi Sùng Sèo Dính là nghệ nhân xuất sắc của Festival. Sự xuất sắc của anh không chỉ đã vượt qua nỗi đau mất mát của một phần cơ thể mà bài trình diễn của anh đã chinh phục được khán giả và Hội đồng chuyên môn. Bởi thế, anh đã được Ban tổ chức trao giải A duy nhất.

http://www.baovanhoa.vn/upload/20110824/mua-khen-4.jpg


Hội xong lại về với bản (Các nghệ sĩ không chuyên đại diện cho phụ nữ Mông trong tỉnh về dự hội)



Sẽ thành lập Hội Nghệ nhân dân gian khèn Mông

Festival khèn Mông lần thứ nhất đã khép lại với biết bao dư âm đẹp trong lòng khán giả. Cũng chính từ những dư âm tốt đẹp ấy mà từ nghệ nhân cho đến những cơ quan chuyên môn cảm thấy trăn trở cho tương lai của tiếng khèn Mông. Bởi lẽ, số thiếu niên, thanh niên tham gia Fesstival lần này không nhiều.

Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Vàng Chá Xèo cho biết, để thổi được khèn không đơn giản. Phải học nhiều lắm từ ba đến năm năm mới có thể thổi được vài bài. Vì khó nên lớp trẻ bây giờ ít người theo đuổi học khèn Mông.Một số thổi thành thạo nhưng mải làm ăn nên không có thời gian trau dồi, luyện tập các bài mới.

Đồng cảm với tâm sự của các nghệ nhân, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh khẳng định: “Tôi đã xem hết các phần trình diễn của các nghệ nhân và thấy rằng các nghệ nhân rất tâm huyết với giá trị văn hóa riêng có của dân tộc mình.

Điều này càng chứng tỏ rằng, khèn Mông là nhạc cụ, là giá trị văn hóa không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Mông. Nhưng vì nhiều lý do, khèn Mông ngày càng thiếu vắng trong đời sống ở các thôn, bản. Muộn còn hơn không, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn cần có những hành động cụ thể để nhằm bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa riêng có này của đồng bào Mông.

Theo như Ban tổ chức cho biết, tới đây tỉnh sẽ thành lập Hội Nghệ nhân dân gian khèn Mông. Thông qua tổ chức này sẽ đề ra những kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát huy khèn Mông.

Giờ bọn trẻ không muốn học thổi khèn. Chúng bảo, học thổi khèn còn khó hơn học cái chữ. Học chữ thì đến năm thứ ba có thể biết đọc, biết viết rồi. Học thổi khèn ba năm chưa chắc đã thổi được.

Học thổi khèn phải trải qua mấy công đoạn, bắt đầu là sơ nhạc rồi đến tiểu nhạc, trung nhạc. Ai đạt đến độ đại nhạc nghĩa là không chỉ biết thổi hàng trăm bài mà còn biết tấu nữa thì đó mới chính là nghệ nhân chính cống. Khi được tin có liên hoan khèn Mông, tôi đã khóc. Vì nó sẽ là động lực khuyến khích các cháu nhỏ học thổi, phát triển thành phong trào. (Nghệ nhân Ma Kháy Sò, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tuyên cũ)


Lâm Sơn
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nguyễn Quân: vẽ với đam mê trần thế



SGTT.VN - Hoạ sĩ Nguyễn Quân vừa kết thúc một hành trình mới bằng những loạt tranh khoả thân và trừu tượng cuối tháng 6.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=146452



Trong vài năm liên tiếp, Nguyễn Quân trưng bày hai triển lãm cá nhân tại Hà Nội và tham gia nhiều triển lãm chung, có mặt trong nhiều hoạt động văn hoá miền Bắc đến mức khi ông vào Nam, để lại cả một khoảng trống. Tuy nhiên, văn hoá hai miền đã từ lâu hoà nhập, khoảng cách còn lại chỉ là những đặc điểm và tính cách vùng miền, càng phong phú cho đời sống tinh thần. Ở tuổi 63, ông vẫn vẽ trẻ trung và già dặn theo cách riêng của người sống với hội hoạ và lòng đam mê trần thế chưa bao giờ nguội đi.

Loạt tranh lần này chủ yếu bao gồm tranh khoả thân và trừu tượng, thực ra thì khoảng cách của chúng không xa nhau lắm trong tầm tay thể nghiệm của hoạ sĩ. Ông yêu phụ nữ, nhìn thấy ở những tấm thân ngọc ngà những số phận, sự thiêng liêng gần với tôn giáo có tính hiện sinh, và đầy xúc cảm dù không một con người nào được vẽ nguyên vẹn.

Giữa con người phê bình uyên bác và con người nghệ sĩ của Nguyễn Quân như có một vách ngăn. Trong hội hoạ và nghệ thuật nói chung, ông xa lánh sự thông minh, vật vã với cảm giác trần thế, vân vi với cỏ cây, hoa lá mây trời và hương vị đàn bà, và sự đến gần nghệ thuật theo cách riêng cho chính cái tôi của ông, đôi khi không thể chia sẻ.

Phan Cẩm Thượng
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sài Gòn có món gỏi và



SGTT.VN - Bún gỏi và với chữ sau viết là “và”, “dà” hay “già”, tại sao gọi tên món “bún” lại còn thêm chữ “gỏi”, là câu chuyện vẫn còn tranh cãi chưa có hồi kết đã nhiều năm theo chân nhiều cư dân Việt đi khắp bốn phương trời. Trong khi đó, bún gỏi và – một món ngon dân dã của người dân đất phương Nam sắp sửa thất truyền.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=136056
Gỏi và không phải là món gỏi mà là món bún nước. Ảnh: Như Trần



Đó là quán bún suông Diệu – một cái tên rất miền Nam, nằm ngay dưới chân cầu Ông Lãnh. Quán bán đủ các loại bún, nhưng lạ một điều là ngoại trừ món bún suông có mặt thường xuyên, các món còn lại: bún thịt nướng – chả giò, bún bì, bún măng vịt, bún thịt xào, bún bò Huế… bún gỏi và, mỗi ngày chỉ bán có một thứ. Cái lạ nữa là trong thực đơn của quán, chữ “và” lại ghi rành rành một chữ “già”.

Hỏi chị Võ Thị Huyền Diệu, chị cũng không biết tại sao lại là “gỏi già”, nhưng từ thuở mới về nhà chồng chị đã biết tên nó như vậy. Chị là người thừa kế gánh bún đã tồn tại hàng mấy chục năm ở khu cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối từ lúc bà ngoại chồng, rồi tới mẹ chồng buôn bán tại đây.

Bún gỏi và có vị ngon rất lạ nhờ cách nấu nước lèo và gia vị nêm độc đáo. Theo chị Huyền Diệu, nước hầm xương, thịt và tôm đất cho vào nồi nước, ngon hơn thì dùng nước dừa đun sôi lên. Me chín giằm với nước sôi, cùng với ít muối, đường cát nêm vô nước lèo để có vị chua chua ngọt ngọt gần giống như nước lẩu Thái, nhưng vị ngọt thanh hơn và không cay. Thịt tai heo (có thể là thịt ba rọi) thái miếng nhỏ vừa ăn. Tôm chín bóc vỏ rút chỉ lưng. Khi ăn cho bún vào tô xếp tôm, tai heo lên rồi chan nước lèo nóng, nhúng với rau thơm, giá sống, đặc biệt phải có hẹ, bông chuối xắt mỏng và đậu phộng rang. Nếu tô bún gỏi và không có muỗng nêm mắm ruốc xào với tỏi và nếp dẻo (nếp được nấu như nấu chè nếp) trộn lên cho thật mịn, thì cái ngon của nước lèo cũng trở nên vô nghĩa.

Một số người lại cho rằng gỏi và phải nêm với tương xay mới đúng điệu, như bà Trịnh Thị Nữ 65 tuổi, người Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) giải thích, thay vì làm gỏi (bánh tráng cuốn bún với tôm, thịt... chấm tương), các bà các cô xưa cho bún vào tô, trộn thêm thịt ba rọi, tép, rau và tương xay trộn đều... rồi dùng đũa “và” một miếng cho gọn. Do tiếng người miền Nam phát âm giữa “và”, “dà” hay “già” đều như nhau.

Một người Việt gốc Hoa khẳng định, gỏi và có nguồn gốc từ cộng đồng người Hoa di dân sang đất Nam bộ từ cách đây hàng thế kỷ. Đó là món ăn nguội, đơn giản và nhanh với bún làm từ gạo (của người Việt) với giá hẹ và tương hột. Tất cả được để trong cái chén “chiết yêu”, một loại chén bằng sành, miệng rộng nhưng đáy hẹp thắt ở giữa, trộn lên đủ một và là xong. Về sau, người Việt, thêm thắt thịt heo, tôm đất, rau cỏ làm cho phong phú hơn. Rồi biến tấu cho vô một bát nước lèo ăn cho nóng thành ra món bún gỏi và.

Bún gỏi và quả thật hấp dẫn nhờ vị béo bùi của nếp, vị đậm đà của mắm, vị chua nhẹ của me và chất ngọt của tôm đất, cay cay của ớt cùng với rau hẹ hăng nồng là một tổ hợp mùi vị khá tinh tế. Đến nay, gỏi và vẫn là một thứ đặc sản không lẫn vào đâu được giữa vô vàn món bún trên khắp dải đất hình cong chữ S quê hương của những người trồng lúa nước.

Như Trần
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Danh tác trong “bãi thải”



SGTT.VN - Năm 1863, triển lãm Salon chính thống ở nước Pháp loại tới 4.000 bức tranh. Hoàng đế Napoleon đệ tam đã quyết định tổ chức song song cuộc Triển lãm các tác phẩm bị loại (Salon des Refusés).

http://www.sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=153070
Bữa ăn trên cỏ, 208x264cm, sơn dầu, 1863



Một hành động dân chủ hoá nghệ thuật hiếm có. Chính ở cái “bãi thải” này, lịch sử mỹ thuật đã tìm thấy hàng loạt danh tác, Édouard Manet (1832–1883) và bức tranh cỡ lớn Bữa ăn trên cỏ là một.

Bức tranh làm giới chức, giới phê bình nghệ thuật phẫn nộ. Thứ nhất bởi nó thể hiện hai người đàn ông ăn mặc lịch sự, thảnh thơi với hai thiếu nữ, một đi tắm, một trần truồng. Hai anh đang đàm luận chuyện gì đó rất nghiêm túc. Cô khoả thân ngồi rất bình thản, như thể khoả thân như vậy là tất nhiên, đoan chính và phải đạo! Chính thái độ ngang nhiên ấy khiến tác phẩm bị lên án là suy đồi, là khiêu khích. Thời này tất nhiên chưa có những khu văn hoá khoả thân ở những bãi biển, khu rừng, công viên cắm trại dành cho mọi người sinh hoạt theo phong cách Adam–Eva như bây giờ. Nó còn giễu nhại một cách láo xược hội hoạ Phục hưng (bởi người ta phải liên tưởng tới các danh tác của Giogione và Tiziano!). Về bút pháp nó là sự cẩu thả, nguệch ngoạc như phác thảo dở dang!

Nhát bút tức thì khoáng đạt, hầu như không dùng tối sáng, viền nét, lên khối kiểu cổ điển, chỉ phối các màu nguyên, nhóm tĩnh vật phía trước (đủ là một kiệt tác), phong cảnh rừng cây, mặt hồ… bố cục đa hướng, ánh sáng đùa giỡn lung linh tế nhị, đề tài nhạt nhẽo vô lo... tất cả những cái mới tinh ấy khiến bức tranh bị hội đồng xét tuyển loại bỏ. Cũng chính chúng tạo nên cuộc cách mạng triệt để cho nghệ thuật toàn phương Tây. Các hoạ sĩ ấn tượng theo con đường của Manet, tôn ông làm sư tổ (mặc dù ông không nhận!)

Bữa ăn trên cỏ là tia nắng tinh sương báo hiệu ngày mới của nghệ thuật hiện đại.

Nguyễn Quân
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Xoá sổ làng cổ Cự Đà

Nỗi buồn làng cổ trước cơn lốc xây dựng mới



(Nhân Dân Điện Tử) – Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt nhà cổ bị phá bỏ, hàng trăm nhà cao tầng mới mọc lên. Nguy cơ biến mất ngôi làng cổ bình yên bên bờ sông Nhuệ với quần thể kiến trúc có tuổi đời hàng trăm năm đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, nay đã không còn là nguy cơ nữa. Làng Cự Đà đang thực sự bị xoá sổ.

http://www.nhandan.com.vn/polopoly_fs/1.295471!/image/3069497178.jpg_gen/derivatives/landscape_490/3069497178.jpg
Xe tải, xe công nông chở vật liệu xây dựng nối đuôi nhau qua cổng làng



Nỗi buồn của vị kiến trúc sư
Một buổi chiều cuối tháng tư, có dịp ngồi trò chuyện với KTS Ngô Doãn Đức – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam tại một quán cafe nhỏ. Trong câu chuyện đầy day dứt về kiến trúc và nhà ở nông thôn, vị kiến trúc sư chùng giọng xót xa. Ông nói, tuần trước mới có dịp trở lại Cự Đà sau một năm, mà ông đã không còn nhận ra làng cổ nữa. “Tanh bành tan nát hết rồi” – đó là câu ông nhắc đi nhắc lại mấy lần.

Làng cổ với những ngôi nhà thuần Việt xen lẫn những biệt thự kiểu Pháp được xây dựng hàng trăm năm trước đã trở thành đại công trường xây dựng, ngổn ngang và nhem nhuốc. Nhiều ngôi nhà cổ bị “triệt hạ”, nhà cao tầng hiện đại mọc lên san sát nhau chẳng khác gì mặt đường phố lớn ở thành thị.

“Trong đời kiến trúc sư của tôi, chưa bao giờ cảm thấy đau xót thế. Nhìn cả một quần thể kiến trúc cổ kính đẹp đẽ bị phá bỏ đi trước mắt mình mà không thể làm gì được”.- ông nói.

Mang theo nỗi buồn của vị kiến trúc sư có nhiều tâm huyết với kiến trúc nông thôn, chúng tôi tìm về làng cổ Cự Đà – ngôi làng nổi tiếng nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 20 km, đi qua quận Hà Đông xuôi về phía nam.

Quả đúng như những gì mà KTS Ngô Doãn Đức nói. Con đường nhỏ hẹp bên bờ sông Nhuệ dẫn vào làng rầm rập xe công nông. Tiếng phành phạch động cơ náo động cả một vùng. Xe vào xe ra chở đầy gạch đá cát sỏi, nối đuôi nhau phóng “bạt mạng” khắp các ngõ nhỏ trong làng. Có cả những chiếc xe tải quá khổ so với cổng làng, chở đầy đá dăm rồ ga nhả khói tìm cách chui qua cái vòm cổng cổ kính một cách thô bạo. Quả thật, vừa mới chạm đến cổng làng, gặp những hình ảnh này, chả riêng gì KTS Đức, mà hẳn ai cũng cảm thấy xót.

Dễ nhận thấy khi đi vào làng là các ngõ nhỏ đều tập kết đầy vật liệu xây dựng. Sân đình của làng cũng bị biến thành nơi chứa những cuộn sắt dài và cũng là nơi những người thợ đang hối hả cắt sắt. Đi sâu vào ngõ, những góc tường cũ hãy còn rêu phong bị đập phá nham nhở. Những địa chỉ mà một năm trước là ngôi nhà cổ, nay đã chỉ còn trơ lại cái nền đất. Một số khác thì đã kịp mọc lên ngôi nhà ba tầng hoành tráng. Hai bên đường đầy những biển hiệu văn phòng môi giới nhà đất…

Hầu khắp các tên xóm nhỏ bình yên của Cự Đà đều ngổn ngang như một công trường xây dựng. Xóm Chùa, An Lạc, xóm Con Cóc,… xóm nào cũng có công trình nhà ở đang xây dở.

Phá nhà cổ thành… phong trào
Đồng Nhân Cát-xóm được coi là có nhiều nhà cổ nhất, nhưng ngay mặt sau cái cổng ngõ cổ kính bé nhỏ hiền hòa đề tên xóm bằng chữ Hán, một cảnh tượng hiện ra thật quá đỗi trái ngược: Phía tay phải, một ngôi nhà cổ chỉ còn lại cái tường nhà đầu hồi đang đập dở. Nền nhà đang được dọn dẹp, một tốp thợ đang làm công việc đào móng. Một vài cái cột, vì kèo vừa dỡ ra để tạm bợ một góc sân.

http://www.nhandan.com.vn/polopoly_fs/1.295473!/image/4048860554.jpg_gen/derivatives/landscape_490/4048860554.jpg
Ngôi nhà mới xây của anh Trịnh Công Nhất - nơi đây vốn là ngôi nhà ngói 7 gian có tuổi đời gần 200 năm.




Phía tay trái, một ngôi nhà ba tầng bề thế với hai mặt tiền, xây theo kiểu hiện đại đang trong thời kỳ hoàn thiện. Nơi đây vốn là ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi của cụ Trịnh Đình Bính.

Toàn bộ khuôn viên gồm ngôi nhà chính bảy gian bằng gỗ xoan với nét chạm trổ rất cầu kỳ và điêu luyện trên từng thân cột, xà, vách gỗ, mái ngói âm dương, cùng với hai ngôi nhà ngang… đã không còn dấu vết. Cả sân nhà chứa đầy cát sỏi và sắt thép. Chủ nhân của ngôi nhà mới đang xây, anh Trịnh Công Nhất – con trai của cụ Bính – hãy còn rất trẻ (sinh năm 1985) cho biết, ngôi nhà mới xây đứng tên mình, bắt đầu khởi công từ đầu năm 2011 và đến tháng 6 âm lịch sẽ hoàn thành. Toàn bộ cột, vì, kèo.. những đầu đao chạm trổ, ngói của nhà cổ, Nhất “để lại” cho chủ nhân của một khu du lịch, nghe nói mang về để dựng lại trên đó.

“Nhà cũ xuống cấp bẩn lắm không ở được. Biết Cự Đà là làng cổ, quý vì có nhà cổ, nhưng vì nhu cầu, phải xây nhà mới thôi. Ở đây nhiều nhà đập bỏ nhà cổ đi xây nhà mới rồi. Chị nhìn sang bên kia, đầu ngõ đấy, nhà họ cũng đang đập rồi. Nhiều nhà đập lắm”.

Nhất chỉ tay sang phía đối diện. Chẳng còn nhận ra con ngõ nhỏ cổ kính như tái hiện lại khung cảnh quá khứ hàng trăm năm trước.

Cách nhà Nhất vài chục mét, là nhà cụ Trịnh Đình Sủng- bác của Nhất. Nhà cụ Sủng vốn là một ngôi nhà khá nổi tiếng trên các diễn đàn du lịch. Vừa bước vào nhà, câu đầu tiên mà cụ nói với chúng tôi: “Cổ gì nữa, tôi sắp phá rồi. Bằng giờ sang năm các chị quay lại đây là cái nhà ba tầng nhé!”.

“Bằng giờ sang năm, sẽ chẳng còn cái gì là cổ nữa hết!” Câu nói của ông cụ già 70 tuổi, là đời thứ sáu ở trong ngôi nhà cổ vốn là của một cụ đồ Nho được ghi niên đại là 1874 - nghe qua có vẻ thản nhiên như không. Tôi cự: “Nhà ba tầng ở đâu chẳng có, cụ muốn xây khi nào chẳng được, nhưng nhà cổ của cụ đây mới quý chứ, sao cụ lại đập đi?”. Cụ Sủng vẫn có vẻ thản nhiên: “Cả làng này người ta đập hết xây nhà cao tầng. Chung quanh họ ở nhà cao đẹp thế, mình tội gì ở lụp xụp thế này. Nhà kia (cụ đưa tay chỉ) cũng là nhà cổ hết cả đấy, họ đập rồi đấy, nhà kia nữa, cũng chuẩn bị phá đấy. Phong trào mà, cả làng người ta phá hết, tôi giữ lại làm gì.”

Một thôi một hồi cao giọng, cụ Sủng ngồi sụp xuống sau cánh cửa bức bàn bằng gỗ, ngó lơ ra ngoài. Tôi ngồi xuống bên cạnh: “Ở nhà mới ba tầng tiện nghi cũng sướng. Cả làng người ta phá nhà cổ xây nhà mới thì có khi cụ phải phá thật. Nhưng cháu hỏi thật cụ một câu nhé. Cụ có muốn phá nó đi không?”.

Im lặng một lúc, rồi cụ nói, bằng một thứ giọng rất khác lúc nãy: “Tôi chả muốn đâu. Tôi yêu cái nhà cổ của tôi lắm. Nhà tôi là nhà cổ nguyên bản đấy. Chị nhìn cái bức hoành phi kia ghi Tự Đức Giáp Tuất kìa. Tôi là đời thứ sáu ở trong cái nhà này, chưa sửa chữa một cái gì hết, chỉ đảo ngói vài lần thôi. Nói thật, chúng tôi giữ gìn thì nhà này còn được lâu lắm, trăm năm nữa chắc cũng chả đổ! Nhưng giờ dỡ ra thì chỉ có thành đống củi mục cho vào lò! Nhưng chị xem, sau này người ta xây nền đến lưng tường này, nhà tôi thành cái ao à. Chung quanh họ đào móng sâu làm nhà cao tầng, không phá thì nhà tôi cũng đổ! Tôi muốn giữ lắm, chả ai yêu nhà cổ bằng tôi. Không ai yêu bằng tôi…”

Im lặng một lúc lâu, rồi ông cụ lại như chợt tỉnh, nói to: Chắc chắn là rồi cũng phá! Họ phá thế tôi giữ làm thế nào đây?

Nỗi buồn… tự sát?!
Không chỉ riêng gì với cụ Sủng, gặp những người lớn tuổi ở Cự Đà bây giờ, người không quá nhạy cảm cũng có thể nhận biết, đằng sau những lời nói, vẻ mặt thản nhiên “như không” của họ thực ra chỉ là để che giấu nỗi buồn và nỗi xót xa.

Ông Vũ Văn Bằng, cán bộ văn hóa xã Cự Khê, cũng là chủ nhân của một ngôi nhà cổ trong làng Cự Đà cho biết, trong khoảng từ cuối năm 2010 đến cuối tháng 4-2011, có khoảng 150 ngôi nhà mới cao tầng mọc lên ở Cự Đà. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng chỉ trong mấy tháng đầu năm 2011, phải có đến hàng chục ngôi nhà cổ bị phá. Có những ngôi nhà năm gian bị “chặt” làm ba khúc, để xây ba cái nhà ba, bốn tầng, chia đều cho các hộ trong một gia đình.

Ông Vũ Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê, nói: “Khoảng hơn nửa năm về trước, đứng trên ban công tầng hai một ngôi nhà nào đó, còn chụp ảnh không gian làng cổ mái ngói đều tăm tắp cực đẹp. Nhưng bây giờ thì đố ai còn có thể chụp lại được hình ảnh ấy nữa. Nhà năm tầng nhô lên chiếm hết cả tầm ngắm rồi, nhà cổ có còn sót lại thì cũng bị đè bẹp”.

Lý giải nguyên nhân vì sao người Cự Đà bỗng nhiên đồng loạt xây nhà mới ngay trong làng cổ, và đập phá nhà cổ với tốc độ chóng mặt như vậy, ông Vũ Văn Chung cho biết: “Nguyên nhân trực tiếp là bởi người dân có tiền đền bù từ đất ruộng. Dự án Khu đô thị Thanh Hà đã lấy đi khoảng 80% đất canh tác của xã Cự Khê. Riêng làng Cự Đà được nhận số tiền đền bù 650 tỷ đồng. Với mỗi sào được định giá đền bù 351 triệu đồng, hầu như gia đình nào ở Cự Đà cũng được nhận một khoản tiền lớn. Nhà nhiều nhất gần 4 tỷ, ít cũng hơn 1 tỷ đồng.”.

Nguyên nhân thứ hai, theo ông Vũ Văn Chung, là hết sức quan trọng và không thể cưỡng lại được. Đó là hầu hết các hộ dân trong những ngôi nhà cổ đều bức xúc về chỗ ở. Nhiều gia đình có nhà cổ mấy thế hệ sống chung rất chật chội, điều kiện sinh hoạt cũ kỹ lạc hậu. Có nhà ba đứa con trai đều có gia đình riêng. Ông bố dù tiếc ngôi nhà cổ hàng trăm năm nhưng không thể không phá để lấy đất chia cho các con xây nhà mới.

Nhà nào còn ngần ngại tiếc nhà cổ chưa phá thì cũng xây nhà mới ngay bên cạnh nhà cổ.

“Nhiều năm trước, xã có quy hoạch quỹ đất để giãn dân và phát triển làng nghề, nhưng cho đến nay, quỹ đất đó vẫn chỉ nằm trên giấy tờ quy hoạch. Thay vì trông chờ vào những suất đất để làm nhà mới và trả lại không gian cho làng cổ, thì người dân lại nhận được một món tiền đủ xây mấy căn nhà! Có tiền, thiếu chỗ ở, họ đập nhà cổ xây nhà mới thôi. ”- ông Vũ Văn Bằng chua xót.

KTS Ngô Doãn Đức còn chua xót hơn: “Nếu không có dự án lấy đất ở Cự Khê thì làng Cự Đà không bao giờ mất cả. Nếu đúng như nguyện vọng người dân mà chúng tôi từng tiếp cận tìm hiểu, chúng ta có chính sách di dân đúng mức, giải tỏa dân số cho làng Cự Đà thì đã giữ được làng cổ. Bây giờ thì người dân mất đất canh tác, có tiền, quay trở lại phá hoại chính mình! Lẽ ra cho dân đất, thì lại cho người ta một đống tiền, thì người ta phá luôn làm nhà mới chứ sao. Nghe thật là chua chát, nhưng đúng là cho tiền để làng cổ tự sát. Đúng là một bài toán kinh tế ngược. Bỏ ra một đống tiền để xóa đi một làng quê lẽ ra là mãi mãi bền vững, thật là đau!
                                                                 
HỒNG MINH

(Còn nữa)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Rộng cửa thử nghiệm tại sân khấu mở



SGTT.VN - Hoạt động định kỳ mỗi tháng tại rạp Lệ Thanh, quận 5 TP.HCM, sân khấu mở của vũ đoàn Arabesque và nhà hát Kịch TP.HCM là nơi nghệ sĩ biểu diễn và khán giả kết nối với nhau một cách gần gũi và thân thiện.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=132332
Biên đạo múa người Anh gốc Việt – Ngọc Anh đang hướng dẫn cho khán giả cách để có sự tự tin trong chuyển động cơ thể. Ảnh: Arabesque



Biên đạo múa Thanh Phương trở về Việt Nam sau bốn năm theo học múa đương đại tại Folkwang Essen – Đức cùng hai người bạn học, yêu Việt Nam và yêu múa, là Verena Brakonier – người Đức và Marine – người Pháp. Sau những ngày lang thang Sài Gòn, cả ba cùng nghĩ đến việc tạo dựng một sân khấu mở, nơi có thể kết hợp các hoạt động trình diễn múa đương đại và các loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, nhạc thử nghiệm, nghệ thuật thị giác… Sau vài chương trình biểu diễn và workshop (hội thảo, trò chuyện) diễn ra trong năm qua với sự tham gia và hỗ trợ của nhà hát Kịch TP.HCM, vũ đoàn Arabesque và nghệ sĩ Tấn Lộc, nghệ sĩ múa Tố Như, một số người nước ngoài sống tại Việt Nam, sân khấu mở chính thức hoạt động từ tháng 1.2011 tại rạp Lệ Thanh, quận 5.

Mỗi tháng, không gian cũ kỹ nhưng ấm cúng của rạp Lệ Thanh lại rộng cửa cho những khán giả, nghệ sĩ, khách nước ngoài… tham dự những buổi workshop và các chương trình biểu diễn. Chừng 30 người tham gia một buổi workshop và tối đa 80 người tham gia chương trình trình diễn, sân khấu mở không quá đại trà nhưng rất phù hợp với những khán giả muốn tìm hiểu những hình thức thử nghiệm hiếm khi xuất hiện ở các sân khấu và chương trình nghệ thuật chính thống. Những khán giả không chuyên cũng sẽ có dịp trình bày các thử nghiệm, ý tưởng mới trong các hình thức nghệ thuật. Những người cầm trịch như Thanh Phương, Tấn Lộc, Tố Như… sẽ hỗ trợ tối đa để các nghệ sĩ và khán giả thể hiện tác phẩm một cách tự nhiên, vượt qua sức ỳ tâm lý đè trên sự sáng tạo.

Trong các ngày 23, 24, 25.2, biên đạo múa Tấn Lộc sẽ thực hiện các buổi trò chuyện, hướng dẫn tập luyện ngôn ngữ cơ thể trong múa đương đại với khán giả không chuyên. Tấn Lộc sẽ hướng dẫn cho những người tham gia cách liên hệ cơ thể mình với một số vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như bàn, ghế, khăn, giường, gương… và biến chúng thành những đạo cụ trình diễn có hồn mang nhiều ý nghĩa, nhiều sự tưởng tượng hơn. “Các buổi tập sẽ kích thích sự sáng tạo, giúp bạn khám phá cơ thể và hơi thở của mình. Đặc biệt, múa đương đại có thể giúp biến đổi những hành động hàng ngày của các bạn, những thói quen mà dường như bạn không chú ý đến vì cho rằng nó quá bình thường thành những động tác múa thật thú vị và đầy tính nghệ thuật”, biên đạo Tấn Lộc chia sẻ.

Các buổi trình diễn của sân khấu mở đã thu hút sự tham gia của đạo diễn Khánh Hoàng, nghệ sĩ Trần Minh Đức, Nguyễn Thuý Hằng, Nguyễn Hồng Giang, Văn Thành Công… Biên đạo múa Ngọc Anh, người đang làm trợ lý biên đạo cho đoàn múa Henri Oguike và hoạt động nghệ thuật tại Anh, khi về nước cũng dành thời gian trình diễn và hướng dẫn về múa đương đại cho nhiều khán giả của sân khấu mở.

“Mỗi ngày, các diễn viên múa đi diễn show sự kiện, tiệc cưới, dạy học về là họ mệt lả. Và như thế từng ngày sẽ trôi qua mà thiếu vắng những sáng tạo mới. Sân khấu mở hy vọng sẽ là một sân chơi để các nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là nghệ sĩ múa có chỗ để thể hiện những ý tưởng sáng tạo và thử nghiệm của mình, kích thích trí tưởng tượng của bản thân”, biên đạo múa Thanh Phương tâm huyết.

Nguyễn Trâm Anh
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đà Lạt “trang điểm” phố bằng tường vi



TT - Chính quyền TP Đà Lạt đang kêu gọi người dân trồng hoa tường vi (hoa hồng dại) để tạo thêm vẻ xinh xắn, thơ mộng cho đô thị phố núi.

Theo đó, UBND TP Đà Lạt đã giao Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ đô thị TP Đà Lạt ươm tạo ngay ít nhất 30.000 cây tường vi giống để cấp phát cho dân.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=518482
Một hàng rào tường vi ở Đà Lạt - Ảnh: N.H.T



Giám đốc công ty Bùi Trung Đường cho biết bất cứ người dân nào có nhu cầu trồng tường vi cho hàng rào mặt trước ngôi nhà của mình đều có thể đến trụ sở công ty ở đường Phạm Ngũ Lão để lấy về trồng, với số lượng không hạn chế.

Ông Đường cũng cho biết công ty sẽ nhân thêm quỹ giống tường vi để sẵn sàng cung cấp khi người dân cần.

N.H.T.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bao giờ phim Việt hết ồn ào?



SGTT.VN - Chưa có được những thành công lớn, nhưng phim truyền hình Việt Nam đã đủ gây ồn ào trên báo chí bởi sự kém thuyết phục và gượng gạo của mình. Nội dung trong nhiều phim còn khiến khán giả thấy mệt mỏi vì sự ồn ào không đáng có của lời thoại, sự kiện, màu mè... như những thứ trang sức kệch cỡm được dùng tạo dáng cho một cô gái kém duyên.

Xem nhiều bộ phim được gọi là tâm lý xã hội, tình yêu, tình cảm của ta, nhiều người choáng váng bởi những sự ồn ã mà không đạt hiệu quả nghệ thuật. Cứ diễn viên này vừa ngừng lời là diễn viên kia đối đáp như kiểu chuyền gậy chạy tiếp sức trong điền kinh vậy. Đã thế, lời thoại trong phim lại đầy một thứ kịch tính đơn giản chứ không đủ sức gợi để người xem phải ngẫm ngợi. Trong khi đó, nhiều phim truyền hình Hàn Quốc chỉ loanh quanh chuyện bếp núc cũng đủ khắc hoạ nhiều chân dung, tính cách và tạo ra những ý tứ hài hước. Đáng buồn hơn, lời thoại của nhiều phim Việt dường như vẫn theo kiểu diễn kịch nghiệp dư. Bởi lẽ, thay vì thái độ của lời nói nhằm hướng đến nhau, dẫn dắt mạch phim và gây hứng thú, tò mò cho người xem thì các nhân vật lại nói theo kiểu vừa diễn vừa nghe ngóng ý kiến khán giả. Lời lẽ như thanh minh, phân trần, trách móc theo những công thức định sẵn. Hay nói một cách khác, ở những bộ phim này, các nhân vật nói cho đầy dung lượng phim, diễn viên đỡ phải diễn!

Bên cạnh sự tệ hại ở lời thoại gay gắt nhưng ít tính kịch, sự ồn ã còn đến từ sự kiện liên tiếp mà không mấy khi rõ ý đồ. Một bộ phim về giá trị sống của người Hà Nội như Nếp nhà đáng ra phải ẵm trọn tình cảm của người xem bởi tác giả đã biết khơi đúng mảng đề tài lâu nay đang thiếu nhất. Cảnh trí, đồ đạc, những thú chơi tao nhã của đất Hà thành được huy động tối đa, nhưng đến tận cuối phim nội dung vẫn cứ loay hoay mãi với những gì muốn nói. Khác hẳn với cảm giác khi ta đọc truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải. Dường như, ở đây mới chỉ là chuyện về một đại gia đình của Hà Nội chứ chưa hẳn là một nếp nhà đất kinh kỳ.

Sự ồn ào của phim truyền hình Việt Nam còn khiến khán giả choá mắt bởi quá nhiều thứ sang trọng khoe mẽ, gây mệt mỏi cho thị giác. Nhan nhản trong các phim là xe sang, quần áo sang, đồ dùng “xịn”. Các diễn viên vào vai đại gia nói chuyện tiền tỉ nhưng những gì họ thể hiện thì chưa thể coi là sang trọng. Nếu như cái tầm của phim mới chỉ dừng ở mức độ của chiếc xích lô thì hãy biến nó thành một tuyệt phẩm gây ấn tượng cho người xem, thay vì chọn một chiếc xe hơi mà những gì anh thể hiện mới dừng ở xe thồ, xe kéo. Thiết nghĩ, đó cũng là một hướng đi để tạo ra chiều sâu lắng đọng thay vì cứ ồn ào, khoe mẽ như phim truyền hình Việt Nam lâu nay.

Lâm Việt (Tổ 4, phường Thịnh Lang, TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đọc sách thì lười!


1

TT - Tôi chọn ba cuốn sách, một cuốn sách ảnh, một cuốn có hình minh họa đẹp và một cuốn toàn chữ, mang cho Kíu Mẩy. Cô gái sống trong bản Tả Phìn của người Dao Đỏ, cách thị trấn Sa Pa (Lào Cai) hơn mười kilômet đường núi. Cô mười sáu tuổi, nhưng chỉ đi học đến hết lớp 5.


http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=518798



Tôi đã vòng quanh những chồng sách rất lâu, lật cuốn này, bỏ lại cuốn kia. Gửi một cuốn sách, tôi cố gắng chọn lựa những gì sẽ có ý nghĩa với người nhận, sẽ trao tặng sự hiểu biết và mạnh mẽ, sẽ nhân lớn niềm tin và tình thương yêu. Gửi sách cho ai, tôi cũng nghĩ rất lâu xem người nhận liệu có đọc cuốn sách mình gửi không, hay họ sẽ thờ ơ với chúng. Cầm ba cuốn sách đi, lòng tôi thắc thỏm.

Nhưng tối hôm đó, Kíu Mẩy ngồi tựa vào cái cột gỗ của nhà mình, trong ánh sáng của ngọn đèn mờ, chăm chú lần giở từng trang sách đầy chữ. Cuốn sách kể những câu chuyện nhỏ từ một vùng xa xôi của đất nước, những thân phận người, những giấc mơ và niềm tin của họ.

Tôi đến bên, cô cũng không để ý. Cô nói ở đây người ta không có sách đọc. Có người mang đến một vài cuốn sách, và rồi các cô cậu sẽ chia nhau đọc, có rất ít. Cho nên, cô đang ngồi trong ánh sáng mờ của ngọn đèn buổi tối, đọc một trong vài cuốn sách đầu tiên cô được đọc trong đời, trừ sách giáo khoa ở trường học. Chỉ có lúc này là cô được đọc. Còn ban ngày, không ai cho cô làm điều đó. “Nếu không đi nương thì phải ngồi thêu, có khi vừa đi vừa thêu”, Kíu Mẩy bảo.

Nếu đọc sách vào những lúc đó, cô sẽ bị mắng vì lười biếng. Cô bảo rằng sẽ chỉ được đọc những quyển sách tôi tặng vào lúc nghỉ trưa hay là sau khi ăn tối.

Định nói một điều gì đó nhưng cổ họng tôi nghẹn lại. Ở thành phố tôi sống, cách nơi đây gần bốn trăm kilômét, người ta cũng nghĩ không khác về những cuốn sách!


2

Những gì các em bé được đọc thường chỉ là những bài học trong nhà trường. Các em đọc chúng và phải đọc thật thuộc để trả bài. Một hạnh kiểm tốt hay một xếp loại giỏi thường là phần thưởng cho những học sinh biết chăm chỉ để nói lại đúng những gì được viết ra trong sách giáo khoa.

Các em không được khuyến khích đọc những cuốn sách sẽ kể những thân phận người hoặc quanh em hoặc ở xa em, hoặc chăm chỉ hoặc lười biếng, hoặc hiếu nghĩa hoặc bặm trợn, nhưng đều biết buồn biết đau và có chung một dòng máu như em. Các em không được dành thời gian đọc những cuốn sách sẽ nói với em rằng một tình thương cộng với một tình thương có thể nhân thành muôn vàn tình thương khác. Những cuốn sách giáo khoa ngắn ngủi, liệu chúng có nói được với em, rằng bạo lực không thể hóa giải được hận thù, rằng những hố ngăn xa cách có thể sẽ mất đi nếu lòng ta thật lòng muốn lấp đầy chúng?

Các em không được đắm mình trong cây cỏ thiên nhiên, được gần với những lá và hoa, được biết rằng những cây latana ngũ sắc mà em thấy đẹp đẽ ở bên ngoài đang xâm thực và lấy đi đất sống của rất nhiều loài cây bản địa ngay cả ở trong vườn quốc gia. Không ai dẫn các em tìm những loài chim, cho các em biết lắng nghe tiếng cu rốc đang gõ mõ và tiếng cành cạch đang điểm chuông, chỉ cho em một chú giẻ cùi óng ánh vừa bay qua, làm rớt lại một chiếc lông xanh trên thảm cỏ.

Không ai chỉ cho các em khi đi qua những bờ biển, rằng những cây bần cây đước sẽ giúp ta chống nước mặn xâm thực và giảm đi tác hại của những cơn bão nhiệt đới. Không ai cho các em đi sâu hơn nữa trong những khu rừng, để các em tự mình biết rằng con người đang đẩy những loài thú vào sâu và xa hơn nữa, lấy đi đất đai của chúng, làm chúng sợ hãi và không thể sinh con đẻ cái, rồi tìm theo để bắt và giết những gì còn lại.

Thay vào đó, các em học thuộc những công thức hay định nghĩa về các loại gen và cây trồng. Nếu các em cứ muốn vào rừng nhìn cây cỏ và ra biển ngắm chim cá, bố mẹ sẽ than phiền về các em. “Lười biếng quá”, họ có thể nói. Nhưng xã hội còn than phiền nhiều hơn nữa, nếu một mai em lớn lên, vào quán ăn thịt thú rừng hay làm nhà máy xả nước thải vào những dòng sông!


3

Kíu Mẩy vẫn ngồi dựa lưng cột, đôi mắt dán vào những hàng chữ xa lạ. Còn tôi, tôi nhớ câu chuyện của một người làm việc cho một dự án của Mỹ hỗ trợ thư viện các trường phổ thông ở những vùng xa xôi của Việt Nam. “Ở đây chúng tôi cố gắng thuyết phục ban giám hiệu và những người thủ thư mở cửa thư viện nhiều giờ hơn, nhưng điều đó là rất khó khăn - chị bảo - Họ thường chỉ mở cửa trong giờ nghỉ và khi hết giờ vào các thứ sáu trước cuối tuần, vì nếu mở cửa nhiều hơn, họ sợ học sinh mượn sách thì về nhà sẽ lười không học bài”!

Thế là một trong những công việc mà chị cán bộ dự án này bỏ công nhiều nhất là đi làm những bản thuyết trình, thuyết phục người ta rằng đọc sách là có ích chứ không phải là lười biếng!

HẰNG NGUYỄN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

“Đám tang” của chủ nghĩa lãng mạn



SGTT.VN - Danh tiếng của hoạ sĩ Pháp G. Courbet (1819-1877) lên đến tột đỉnh sau cuộc trưng bày tại triển lãm salon của viện Hàn lâm nghệ thuật Pháp trong đó có bức Đám tang ở Ornans và bức Những người đập đá.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=152535
Bức Đám tang ở Ornans, sơn dầu 314 X 663cm, 1850.



Nhiều người xưng tụng ông là thiên tài, còn ông tự nhận mình là hoạ sĩ hiện thực – đích danh là chủ nghĩa hiện thực Courbet và có khuynh hướng vô chính phủ, phủ nhận mọi thần quyền, chính thể, chỉ tôn thờ tự do tuyệt đối. Courbet luôn vẽ cảnh thực, người thực, việc thực… hệt như thực! Ông muốn thể hiện cái chân thực trong một âm hưởng hào hùng và bằng một giọng ca khê khàn và những nhát bút, hình khối, sắc màu nặng trĩu và thô nhám. Hội hoạ của ông được coi là cái cầu nối giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa ấn tượng.

Những tranh sinh hoạt của ông mô tả người lao động, bạn bè trí thức hay những người thân, những người đàn bà đều hoành tráng một cách trần trụi, lầm lỳ, thậm chí pha chút hài hước cay độc. Đám tang ở Ornans được vẽ trong hai năm 1849 – 1850. Đó là đám tang người ông của hoạ sĩ mất năm 1848 ở Ornans (Pháp). Một đám tang bình thường của những người bình thường – một sinh hoạt mà ta có thể thấy ở mọi nơi được hoạ sĩ đẩy lên mức đồ sộ bi tráng như một sự kiện lịch sử của các vị thánh hay vĩ nhân. Điều đó làm không ít người phẫn nộ, coi thái độ của hoạ sĩ như một sự báng bổ. Bức tranh quá khổ – hơn 20m2 – đủ chỗ cho mấy chục nhân vật to bằng người thật. Tất cả được đẩy ra cận cảnh và mô tả chi li cụ thể – dàn ngang trải dài cùng nhịp ngang của nền núi đồi và bầu trời phía sau. Người mẫu cho tranh không phải các diễn viên sắm các vai lịch sử, thánh thần như thông lệ mà là những người cụ thể đã dự đám tang này. Các nhân vật “trần xì”, thậm chí nhiều gương mặt méo mó như biếm hoạ, xoá sạch mọi xúc cảm, mơ màng chủ quan, mọi vương vấn anh hùng hoá hay lãng mạn hoá.

Thẩm mỹ hiện thực toàn thắng và có nhà phê bình viết rằng Đám tang ở Ornans cũng chính là đám tang của chủ nghĩa lãng mạn.

Nguyễn Quân
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [11] [12] [13] [14] [15] [16] [17] ... ›Trang sau »Trang cuối