Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sư tử đá Trung Quốc chễm chệ trong chùa Việt Nam?



Thực tế đã xuất hiện những “mẫu” sư tử do một số cơ sở điêu khắc đá sao chép từ mẫu sư tử đá mà người ta bắt gặp đâu đó trong phim ảnh Trung Quốc, được một số người tiến cúng vào các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, dẫn đến những so sánh không tránh khỏi sự khập khiễng.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/Uploads/Su-tu-2_1311329542.jpg



Mối họa "sư tử lạ"
Thời gian vừa qua dư luận tỏ ra quan tâm đến việc ở một số nơi người ta xếp đặt sư tử đá của Trung Quốc trong các công trình tôn giáo, văn hoá. Một số tác giả, nhà nghiên cứu đã lên án hiện tượng này và cho rằng đây là một "mối họa sư tử". Cũng có người đặt ra câu hỏi như: Sư tử đá đặt trước cửa chùa có hợp văn hoá Việt Nam hay không? Có phải sư tử đá là một biểu tượng thẩm mỹ chỉ phổ biến trong các công trình kiến trúc Trung Quốc? Không hiểu họ làm mới di tích hay phá hoại văn hoá?...

Những câu hỏi như trên đã thúc giục chúng tôi tìm hiểu về ý nghĩa văn hoá, tôn giáo của biểu tượng sư tử. Trong khuôn khổ bài viết, chỉ xin tìm hiểu mô-típ sư tử ở lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc Phật giáo để xem thực chất nó có "xa lạ" với văn hoá Phật giáo hay không.

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư: "Hình tượng sư tử vờn khối cầu hay khối ngọc là một mô-típ thường gặp trong nghệ thuật điêu khắc cổ, xuất hiện khá muộn vào cuối thế kỉ 14 trong một bức chạm trên nhang án chùa Xuân Lãng, tỉnh Phú Thọ (niên đại 1392). Hình ảnh sư tử giai đoạn này mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ. Vào thời sau, ở 2 di tích tháp Bình Sơn thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc và đình Lỗ Hạnh tỉnh Bắc Ninh thế kỷ 16, hình ảnh sư tử được đồng nhất với lân, các chi tiết được chạm tinh tế hơn...".

Điều chúng tôi quan tâm ở đây là biểu tượng sư tử trong văn hoá Phật giáo, chứ không phải "mẫu" của những con sư tử cụ thể, mới được trang trí trong một số đình chùa, đền miếu hiện nay.

Qua một số dịp đi khảo sát thực tế và được tiếp cận với một số tư liệu Phật giáo, chúng tôi nhận thấy sư tử là một biểu tượng văn hoá, thẩm mỹ, điêu khắc phổ biến, quen thuộc của Phật giáo. Hình tượng sư tử được nói đến trong rất nhiều kinh điển Đại thừa Phật giáo như Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Thắng Man (Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại PhươngTiện Kinh)...

Đức Phật được ví như Sư tử chúa và tiếng rống của Sư tử (sư tử hống) được lấy làm ví dụ cho tiếng thuyết pháp của Đức Phật, có uy lực nhiếp phục muôn loài.

Sư tử không chỉ được ví cho sự xuất thân vương giả của Đức Phật mà sau này còn trở thành biểu tượng của triều đại vua A-Dục, một vị vua Phật đã cử những phái đoàn đi khắp nơi trên thế giới để truyền bá tư tưởng đạo Phật. Ông đã cho chạm trổ rất nhiều những cột trụ sư tử ở khắp đất nước với những sắc dụ ảnh hưởng sâu sắc lời dạy của Đức Phật. Về sau, biểu tượng cột đá sư tử đã được Chính phủ Ấn Độ sử dụng làm Quốc huy.

Theo thời gian, biểu tượng sư tử đã trở thành một mô-típ phổ biến trong các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo cả Nam lẫn Bắc, và được mỗi nền văn hoá, tiếp biến và sử dụng ở những mức độ đậm nhạt khác nhau.

"Văn hóa sư tử" trong các chùa Việt
Ở nước ta, những con vật như: Cá sấu, lân, nghê, sư tử dần thâm nhập vào nhau và trở thành một mô-típ khá đặc trưng ở khắp các ngôi chùa miền Bắc. Theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh: "Các nhà chép sử ở thời Lý - Trần xưa kia gọi giống cá sấu Chiêm Thành đem tiến cống là sư tử, tức sấu (hình con sấu trên nắp lư hương)..." (1).

Cụ thể, trong chùa thường có hai vị Thiện - Ác Hộ pháp cao lớn, mặc giáp trụ, cầm bảo khí, ngồi trên lưng sấu, một loại sư tử trong huyền thoại, trông rất uy dũng...

Mời kích vào đây để xem tiếp một số hình ảnh và bình luận.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Cuộc đời bà Cầu qua lời Xẩm đỏ



TT - Ðược bắt đầu bằng một gánh xẩm có loa thùng và hai thanh niên hát dọc phố cổ Hà Nội, toàn bộ câu chuyện về xẩm xoay quanh nhân vật chính là bà Hà Thị Cầu, báu vật nhân gian sống của môn nghệ thuật xẩm.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=512375
Bà Cầu trong Xẩm đỏ - phim do Trung tâm Unesco điện ảnh phát triển và Hãng truyền thông Tứ Vân phối hợp thực hiện, dự kiến ra mắt vào ngày 18-8



Ðược bắt đầu bằng một gánh xẩm có loa thùng và hai thanh niên hát dọc phố cổ Hà Nội, toàn bộ câu chuyện về xẩm xoay quanh nhân vật chính là bà Hà Thị Cầu, báu vật nhân gian sống của môn nghệ thuật xẩm.

1. Không lời bình, không dẫn dắt, toàn bộ phim là những bài bà Cầu hát cùng một vài bộc bạch của bà với đạo diễn. Không màu mè, không cách điệu. Thời gian không được nhắc đến nhưng người xem có thể cảm nhận được thông qua con đường về Yên Mô, từ khi nó còn là đường đất bụi mù mịt, rồi rải sỏi, rồi tráng nhựa. Hoặc từ khi tiếng nhị của bà Cầu còn réo rắt, có lúc nghịch ngợm và cuối cùng là sầu não, xế chiều. Toàn bộ cuộc đời bà Cầu đã được lồng ghép trong những lời hát của bộ phim Xẩm đỏ.

Bà hát những chuyện ngược đời: Chạch mấy chấu thời cắn cổ ba ba. Một lũ chị đàn bà đuổi bóp vú đàn ông. Người nằm xuống để cho lợn cạo lông. Một chục quả hồng nuốt bà lão tám mươi. Nắm xôi chim nuốt thằng bé lên mười. Con gà, chai rượu để nuốt người lao đao. Lươn nằm để cho ống bò vào. Một đàn cào cào đuổi đớp đầu cá rô. Thóc giống đương giữ chuột trong bồ. Lòng đong, cân cấn để mổ cò xôn xao. Thớt kia mày định nghiến con dao. Một đàn con cóc chực đớp ông sao giời trên giời.

Trở thành vợ lẽ của ông trùm Mậu. Lang thang rày đây mai đó. Nghiện rượu. Bà Cầu không một lời oán thán, nhưng tiếng hát của bà cất lên thì: Ðau đớn thay chút phận đàn bà. Vất vả xa gần, ai vò mà rối, ai giần mà đau. Một mình đứng tủi ngồi sầu, than thân, trách phận bạc rầu với hoa.

16 tuổi lấy chồng, 17 tuổi sinh con, liền tù tì bảy lần sinh, còn lại được ba người, đói quá đành cho đi một: Mẹ mới có thai kể từ một ân thì con ơi mẹ mới có thai. Âm dương nhị khí để nào ai biết gì. Nơi trong lòng thì con ơi mẹ chịu sầu bi. Trong lòng con ơi mẹ chịu sầu bi. Mẹ thời cay đắng, vất vả, mẹ thời héo hon, bữa cơm ăn không biết miếng ngon. Con ơi lòng mẹ chua xót về con đêm ngày.

2. Chợ Yên Mô, một ngày sau mưa. Chiếu xẩm của bà Cầu đặt giữa chợ. 10 năm? 20 năm, 30 năm? Người dân Yên Mô mới thấy lại hình ảnh ấy. Bà Cầu miệng hát, chân dập phách, tay kéo nhị, những lời hát nỉ non: Nắng mấy mưa lội suối trèo đèo, đắng cay tủi nhục vẫn nghèo xót xa. Vợ lìa chồng, con phải xa cha. Bơ vơ nào biết có nhà là đâu. Biển trời con ơi ảm đạm một màu. Biển với trời ảm đạm một màu. Cha con bồng bế bước mau, ới con ơi âm thầm cuộc sống tha phương, lạc loài đất khách khói sương quê người. Kể ra càng cay đắng xót xa...

Xung quanh chiếu xẩm, người ta xúm đen xúm đỏ, một phụ nữ luống tuổi nhớ lại: “Hay lắm, tối 30 hai ông bà hát ở cổng đình kia kìa, trải cái chiếu rồi ngồi hát. Bà thì gõ phách, ông thì hát”.

Những người từng chứng kiến mà mê giọng hát xẩm của bà Cầu đều còn nhớ rất rõ hình ảnh gia đình hát xẩm ấy đã từng sinh sống, đã từng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của những người dân nông thôn.

3. Trở về từ chiếu xẩm ở chợ, bà Cầu thẫn thờ nhìn ra con đường trước cửa. Cuộc đời bà, cũng như những lời xẩm. Cũng đã xế chiều: “Ai muốn học thì tôi đều muốn dạy cho. Tôi chết thì cũng mang đi, nhưng dạy được cho mấy cô, học xong các cô ấy lên tỉnh”.

Lên tỉnh. Vừa hay lúc đó có chiếc xe phát tờ rơi một chương trình ca nhạc tạp kỹ tại nhà văn hóa. Người đi trên chiếc xe ấy không biết, những người dân đi nhặt tờ rơi quảng cáo cũng không để ý, bóng bà Cầu héo hắt, nhỏ bé, lẻ loi sau đám bụi đường.

Xẩm đã gắn bó với cả cuộc đời bà Cầu. Và rồi tiếng hát ấy, tiếng nhị vô tiền khoáng hậu ấy vẫn ai oán trong khi những hình ảnh cuối cùng khép lại: Mặt nước cánh bèo, bấy lâu nay mặt nước lại cánh bèo. Ðã từng lưu lạc, đã từng lưu lạc để nhiều điều vất vả gian truân. Ông trời cao có thấu tình chăng. Trời mấy cao có thấu tình chăng. Ðời người mấy lúc.

Những câu hát buồn đến thế, đa đoan đến thế, như chính cuộc đời bà nay đã ở tuổi 94: Vất vả gian truân, trời cao vất vả gian truân. Ðời người mấy lúc, đời người mấy lúc gian truân mà già.

HOÀNG ĐIỆP
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đời buồn hát có vui đâu



38 tuổi, nhận mình luôn thích những điều cũ cũ, chầm chậm, đạo diễn LƯƠNG ÐÌNH DŨNG đã hoàn thành những phần việc cuối cùng của bộ phim tài liệu Xẩm đỏ.

http://images1.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=512377
Đạo diễn Lương Đình Dũng và bà Hà Thị Cầu - Ảnh do đoàn phim cung cấp



Ðạo diễn trẻ chia sẻ: “Xẩm bà Cầu đối với tôi là một giá trị xuyên thời gian, xuyên qua những binh biến, loạn lạc của thời cuộc, xuyên qua những bất hạnh và nghèo đói của cuộc đời”.

* Anh quay bà Cầu suốt hơn hai năm trời với hơn 1.200 phút để rồi chắt ra được 35 phút lên phim. Ðiều gì khiến anh nhẫn nại đến vậy?

- Tôi nghe xẩm bà Cầu từ lâu lắm rồi. Thú thật, hồi đó tôi cứ tưởng bà đã chết. Một lần xem bà hát trên truyền hình, mới hay bà vẫn còn sống, thế là tôi lên đường đi quay. Nghe bà Cầu lần thứ nhất không thấy hay, nghe đến lần thứ ba thì mình cảm động. Hơn nữa, chuyện đời của bà cuốn hút tôi, những bài hát của bà sầu thế, cuộc đời đâu có thể vui hơn. Nhưng cuộc đời bà, không hát chắc bà sẽ chết.

Ban đầu tôi chỉ nghĩ quay một tháng là xong, nhưng rồi kéo dài từ năm 2008 đến 2010. Ở tuổi này rồi, bà lúc nhớ lúc quên, “phanh” lại một chút thì không biết nối vào đoạn nào nữa. Tôi quay mỗi lúc một chút, có những cảnh không thể cứ muốn là quay được. Bản thân con người bà Cầu hay, giọng hát hay, cuộc đời thì vô cùng ly kỳ nhưng bà lại hay quên. Nhiều khi quay xong rồi, phát hiện một điều thú vị khác, có khi một tháng sau lại có điều mới hơn. Có lần xuống tôi quay 3-4 ngày liên tục, có hôm quay đến 1-2g sáng. Cứ đi về bao nhiêu chuyến như thế tôi cũng không nhớ nổi nữa.

* Vậy anh làm thế nào để xâu chuỗi toàn bộ câu chuyện từ một ký ức đầy ắp nhưng thiếu logic như thế?

- Tôi phải suy nghĩ rất kỹ và rất lâu trước ngổn ngang hơn 1.200 phút phim. Tôi muốn kể một câu chuyện về cuộc đời âm nhạc của một người nghệ sĩ, bà hát những bài sầu như hát về chính số phận mình. Trong 35 phút phim, tôi cố gắng giữ lại hình ảnh chân thực của một người hát xẩm và không đòi hỏi gì thêm. Nhưng đúng ra cũng rất khó và mất công vì cứ nói dở câu chuyện hay hát dở rồi bà lại quên. Bà hát lúc nào cũng hay nhưng mỗi lần hát, giọng điệu, cảm xúc nó khác nên tôi không thể nối các đoạn vào với nhau theo kiểu kỹ thuật dựng phim được. Cách tốt nhất là đành phải chờ bà “tua” lại từ đầu tới cuối rồi ghi thôi. Chắt từ 1.200 phút quay để ra 35 phút, tôi và người dựng phim đã phải ngồi “gọt” từ sáng tới tối trong suốt ba tháng trời. Dựng phim cho tôi cũng là một người rất tâm huyết, vì ngày nào cũng ngồi nghe từng đó băng quay hát xẩm, rất dễ bị stress.

* Nguyên tắc nào được anh duy trì trong suốt quá trình quay bà Cầu?

- Ðó là tính dung dị, tự nhiên. Bà Cầu lạ lắm, nhiều khi chuẩn bị sân khấu, thắp đèn cẩn thận, dặn: “Bà ơi, 7g tối bà hát nhé!”. Dặn thế rồi nhưng bà lại chả hát được, một lúc kêu mệt lại phải nghỉ. Nhưng có lúc đang ngồi chơi bảo: “Bà ơi, hát đi!”, thế là bà hát rất tự nhiên và hay vô cùng.

* Bà Cầu trong Xẩm đỏ dù ngồi hát giữa chợ hay đứng buồn đầu ngõ thì vẫn rất quen thuộc với khăn mỏ quạ, áo nâu, với những điệu hát của cả thế kỷ trước. Vậy anh làm cách nào để định vị được bà Cầu đang sống ở những năm tháng hiện tại?

- Trong phim sẽ có một cảnh bà Cầu đứng ở cổng nhà, nhìn một đoàn ca nhạc đi qua. Nó diễn tả một điều rằng bà vẫn hiện diện trong cuộc sống hiện đại dù người ta đi lướt qua bà, dù ngay cả những người hàng xóm cũng không phát hiện ra một vật báu ngay cạnh nhà mình.

HÀ HƯƠNG thực hiện
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

UBND TP.HCM vừa giao nhiệm vụ cho sở Văn hoá – thể thao và du lịch (VH – TT&DL) chuẩn bị phương án di dời văn phòng làm việc của sở sang khu số 3 Phan Văn Đạt (quận 1) để UBND TP.HCM xin chủ trương bán đấu giá khu đất trụ sở của sở này tại 164 Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM.

Băn khoăn về giá trị vàng của một địa chỉ

Không biết 64 đơn vị (90% là doanh nghiệp nước ngoài) tham gia cuộc đấu giá “lịch sử” này nghĩ gì về giá trị vàng của khu đất 164 Đồng Khởi. Chắc hẳn tất cả đều xoay quanh cái diện tích tổng thể khá lớn, nếu tính cả khu vực giải toả là hơn 7.000m2; lại rất vuông vức; lại nằm chính giữa trung tâm của trung tâm thành phố, sát bên các công trình kiến trúc cổ xưa và độc đáo bậc nhất của Sài Gòn là nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố.

Những người không đủ điều kiện tham gia đấu giá và vì thế cũng khó lòng được biết các thông tin liên quan đến tiêu chí đấu giá khu đất (ngoài mức giá khởi điểm), ví dụ độ cao được phép là bao nhiêu, diện tích xây dựng chiếm tỷ lệ tối đa là bao nhiêu, yêu cầu bắt buộc về kiến trúc là những gì v.v.

Thế nhưng, ngoài những người tham gia hoặc không đủ điều kiện tham gia cuộc đấu giá thì vẫn còn nhiều người tự giao cho mình bổn phận phải lo lắng trước mỗi dấu hiệu về khả năng an nguy cho ký ức và vẻ đẹp lâu đời riêng biệt của thành phố này. Họ phập phồng mỗi khi đón nhận tin công bố đưa vào thực hiện một dự án nào đó trong khu vực trung tâm của trung tâm thành phố.

Cái đẹp cổ xưa và riêng biệt của một đô thị ở Đông Nam Á đã bị phá đi từng phần qua các thời kỳ, từ năm 1954. Niềm hy vọng giữ được hẳn một vài khu phố có đầy đủ yếu tố di sản để được công nhận đã tiêu tan trong gần 40 năm qua. Mơ ước bảo tồn cảnh quan di sản được giới hạn hơn nữa: gìn giữ chỉ một con đường thôi, đường Đồng Khởi là nơi còn khá nhiều công trình kiến trúc cổ. Con đường ấy có khởi đầu là nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố và có kết thúc là khách sạn Majestic. Ở giữa hai đầu con đường là các không gian kiến trúc xinh đẹp với quảng trường và Nhà hát thành phố, với khách sạn Continental và càphê Givral lừng danh, với công viên Chi Lăng có hàng cây cổ thụ gần trăm tuổi như một điểm lắng cho cả con đường này – vốn ra đời trước năm 1880 là năm nhà thờ Đức Bà được xây xong. Mơ ước nhỏ nhoi ấy cũng đã tắt rồi, khi mà các toà nhà ngạo nghễ đã và đang mọc lên trên đường từ mấy năm qua thay thế cho những nơi chốn cũ xinh đẹp. Những nơi chốn dù cũ vẫn còn cất giữ ký ức của một con đường, một thành phố. Giá trị vàng của một địa chỉ có lẽ chìm sâu trong ký ức ấy nên khó mà nhận ra để mà gìn giữ chăng?

Nguyễn Trương
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nguy cơ một “cái chết” văn hóa…



“Cái chết” văn hóa ấy, nó thuộc về những người quản lý và khai thác du lịch. Bởi khi những vẻ đẹp văn hóa độc đáo, bản sắc của một làng, một bản, một cộng đồng nhỏ hay một vùng bị chết sẽ dẫn đến “cái chết” của một nền văn hóa đa sắc tộc.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/Uploads/welcome-langbiang_1311329193.jpg



Nhà nhà làm du lịch, ngành ngành làm du lịch...
Chưa bao giờ, ngành du lịch Việt Nam lại phát triển như bây giờ. Du lịch đang săn tìm những vùng đất mới lạ để khai thác. Nhưng có nhiều nơi, việc khai thác vô tội vạ những vẻ đẹp và thiếu một tầm nhìn văn hóa đã vô tình "giết chết" những vẻ đẹp đó.

Xin lấy việc khai thác du lịch của người Lạch để minh chứng một phần cho nhận định trên.

Với ưu thế  là địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng, người Lạch đã biết tự đứng ra làm du lịch, khai thác nền văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Hiện tượng này không chỉ là của riêng dân tộc Lạch mà đã trở thành một "phong trào" của nhiều địa phương khác. Người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch và ngành ngành làm du lịch.

Nhưng những lễ hội này vô tình đã làm mất đi vẻ đẹp truyền thống và tinh thần tâm linh vốn có, thay vào đó là một cuộc kinh doanh đầy tính thời thượng và vụ lợi. Vì không hiểu được cần phải giữ gìn những bản sắc và vẻ đẹp văn hóa đặc biệt của mình nên khi tổ chức khai thác du lịch, ngành du lịch các địa phương từng bước "giết chết" những vẻ đẹp văn hóa ấy.

Người Lạch (hay còn viết Làc, Lat, M'Lates) là tên gọi của một nhóm cư dân nhỏ người Kơ ho, sống lâu đời trên cao nguyên Lang Biang. "Lạch", theo tiếng địa phương, có nghĩa là "rừng thưa" dùng để chỉ vùng rừng thông, đồi trọc từ dãy Lang Biang trải dài xuống Tây Nam, bao gồm cả thành phố Đà Lạt ngày nay. Tên gọi thành phố cũng bắt nguồn từ đó: Đạ Lạch (đất người Lạch, đất người ở rừng thưa).

Vượt qua nhiều con dốc, chúng tôi đặt chân đến căn nhà của người Lạch. Trước mặt chúng tôi là một khoảng sân nhỏ lợp mái tôn với đống củi to đặt giữa. Đồng bào người Lạch đón chúng tôi, nói tiếng Kinh rất sõi. Trời mưa không ảnh hưởng đến buổi gặp mặt, ghế nhựa lịch sự, dàn loa keyboard chuẩn bị công phu. Có vẻ họ đã có nhiều kinh nghiệm tiếp du khách khắp nơi đổ về thăm đất Đà Lạt sáng nắng chiều mưa này.

Sau vài bản nhạc xập xình, tiếng keyboard eo éo, thêm vài nhạc phẩm cách mạng cho có không khí, chương trình được bắt đầu.

Một người đàn ông với vai trò MC bước ra, tuôn một tràng thổ ngữ. Đoàn chúng tôi còn ngơ ngác chưa hiểu gì, anh ta mau mắn giải thích. Buổi giao lưu rộn ràng hơn. Chúng tôi- những người khách lạ - nhanh chóng làm quen nhau, hát với nhau. Chương trình dàn dựng rất ấn tượng và chuyên nghiệp.

Từ sự dí dóm của chàng MC bản xứ đến các cô gái kéo tay chúng tôi lên múa hát theo họ. Tôi có cảm giác mình đang quay trở lại Hà Nội, ngồi tại hàng ghế nhà hát xem diễn viên đóng vai người dân tộc vậy. Và đây, những dòng đầu tiên của bản thông cáo về nguy cơ của một "cái chết" văn hóa bắt đầu xuất hiện.

"Cái chết" văn hóa thuộc về ai
Khách du lịch đến với người Lạch không phải để xem kiểu trình diễn ca nhạc nửa tây, nửa ta nói trên. Họ đến Đà Lạt, đến với dân tộc Lạch để được hòa vào cây lá, đất trời, không gian thiên nhiên. Để được hòa vào những vẻ đẹp tinh khiết, được nhận về mình một không khí tâm linh và sự huyền ảo của đời sống do ngôn ngữ, nhà cửa, ẩm thực, những làn điệu dân ca, những nghi lễ thiêng liêng và bí ẩn của dân tộc Lạch. Chứ không phải để chứng kiến những sản phẩm của công nghệ giải trí hiện đại.

Nền văn hóa Pháp theo chân người Pháp trong cuộc chinh chiến trước đây, đến với người Lạch còn sớm hơn cả người Việt, đặc biệt là khi Đà Lạt được hình thành để trở thành nơi nghỉ dưỡng, du lịch.

Rất dễ hiểu, "Những thăng trầm vào thời xa xưa đã đưa người Lạch cũng như các cư dân Thượng đến giữa vùng rừng núi, áp đặt cho họ một khung cảnh hoang dã và tự nhiên. Họ buộc phải chọn một cách ứng xử nước đôi trước tự nhiên: Đối phó với môi trường chung quanh và thích ứng với nó, một thái độ mềm dẻo đã ăn sâu trong từng nếp sống của họ". (trích Những kết quả nghiên cứu kinh tế xã hội Lâm Đồng, Đà Lạt, 1989)

Sau khi người Pháp di dời họ cách xa trung tâm Đà Lạt, núi rừng trùng điệp và kỳ bí với địa thế hiểm trở đã buộc người Lạch co cụm lại thành những nhóm nhỏ, sống theo những buôn làng độc lập. Không còn nhà sàn và nhà sạp nữa, thay vào đó là những căn nhà mái tôn. Theo thời gian, cuộc sống của họ có nhiều thay đổi, mức sống có khá hơn, nhưng tiếc thay, bản sắc văn hóa dân tộc của họ cũng mai một dần.

Giờ đây, khách du lịch đến thăm, sẽ không còn được nghe thấy tiếng dàn cồng chiêng 6 chiếc, tiếng kơmbuat (kèn ống bầu), cêng kơrla (đàn ống tre)... nữa. Thay vào đó, từ 2 bên loa đã quá tải âm thanh, tiếng nhạc xập xình tự lúc nào đã theo chân bao người con gái xứ Lạch nhảy múa cùng khách du lịch.

Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ biến mất 1 vùng văn hóa cổ truyền phong phú. Người Lạch cũng như mọi dân tộc ít người cần được phát triển đời sống để bớt đi thiếu thốn, bớt bệnh tật, để con cái họ được đến trường, để có điều kiện tốt nhất gìn giữ những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc họ chứ không phải để làm mọi cách cho miếng ăn.

Với những hiểu biết của tôi thì trên thế giới có biết bao quốc gia phát triển cao vẫn giữ được những vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên và những vẻ đẹp tinh khiết của văn hóa. Tôi nói vậy bởi có không ít người đang nghĩ rằng đất nước phải nhanh chóng phát triển và thời hiện đại thì mọi thứ phải hiện đại hóa.

Có thể bây giờ người ta chưa nhận ra sự tàn phá âm thầm nhưng tàn khốc của việc khai khác du lịch một cách thiếu hiểu biết và chỉ nhằm mục đích thu lợi. Nhưng qua những gì đang diễn ra ở 1 bản người Lạch thôi, có thể nói 1 cách không cực đoan rằng: Nguy cơ của một "cái chết" văn hóa là rất rõ ràng...

Nguy cơ này không phải chỉ riêng của người Lạch, mà nó lan nhanh nhưng âm thầm tới nhiều vùng dân tộc của nhiều địa phương trong cả nước, khi du lịch được coi là một ngành "công nghiệp không khói".

"Cái chết" văn hóa ấy, nó thuộc về những người quản lý và khai thác du lịch. Bởi khi những vẻ đẹp văn hóa độc đáo, bản sắc của một làng, một bản, một cộng đồng nhỏ hay một vùng bị chết sẽ dẫn đến "cái chết" của một nền văn hóa đa sắc tộc.

Nó có thể không chết trên hình thức của nó, như khi bạn đang nghe người Lạch hát dân ca của mình trên một sân khấu thời thượng. Hay đang nhảy những điệu nhảy truyền thống của mình, đã bị biến thể quá nhiều với sự trợ giúp của các loại nhạc cụ điện tử và ánh sáng sân khấu "thời trang". Nhưng tinh thần của những làn điệu dân ca, những điệu nhảy ấy, nói rộng hơn là tinh thần văn hóa làm nên dân tộc ấy, đã chết.

Trương Hồng Tú  (VIetnamNet)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vẽ graffiti lên tường tổng lãnh sự quán Đức



SGTT.VN - 15 sinh viên đại học Mỹ thuật TP.HCM đã hoàn tất các bức vẽ lên tường của công trình xây dựng tại tổng lãnh sự quán Đức (126 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 – ảnh) bằng nghệ thuật graffiti.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=152078



Dự án nhằm tạo sân chơi cho các sinh viên theo đề tài  Germany meets Vietnam (tình hữu nghị Đức – Việt), cũng là một minh chứng cho quan điểm graffiti là nghệ thuật chứ không phải “bôi bẩn“. Dự án được tài trợ bởi quỹ Văn hoá của tổng lãnh sự quán Đức.

Bức tường rào của công trình có hình vẽ graffiti này sẽ hiện hữu đến hết tháng 9.2011.

tin, ảnh: Vân D
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thanh Ngọc

Nhật Bản hỗ trợ phục hồi nghề gốm làng cổ Phước Tích



http://static.baomoi.vn/Uploaded/2011_08_19/137/6841828.jpg



VH- Ngày 17.8, tại làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), tổ chức JICA (Nhật Bản) đã khởi động chương trình phục hồi nghề gốm cổ truyền của làng này.


Chương trình do chuyên gia gốm hàng đầu của Nhật Bản- ông Mizokami Yoshihiro hướng dẫn. Hơn 20 người dân Phước Tích, phần lớn là các nghệ nhân lớn tuổi đã tham gia chương trình. Đây là một trong những hoạt động của dự án “Phát triển du lịch cộng đồng tại làng cổ Phước Tích” do tổ chức JICA và Đại học Nữ Chiêu Hòa của Nhật Bản thực hiện.

Theo kế hoạch, chương trình phục hồi gốm Phước Tích sẽ được tiến hành trong ba đợt, kéo dài từ nay đến năm 2012. Mục tiêu nhằm giúp người dân Phước Tích duy trì nghề gốm bằng cách sản xuất các sản phẩm, mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống. Dự kiến, những sản phẩm đầu tiên của chương trình này sẽ được giới thiệu tại Festival Huế 2012.

THÙY AN
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đức Phật rỗng không



SGTT.VN - Hoạ sĩ Ưu Đàm vừa hoàn thành tác phẩm điêu khắc Đức Phật rỗng không trong mùa Vu lan 2011. Tác phẩm bằng đồng này có hai kích cỡ, phiên bản cao 95cm sẽ đặt nổi trên một hồ nước như gương, dưới tán một cây to, tại Viet Art Center – Houston, Hoa Kỳ.

Ưu Đàm cho biết anh có ý tưởng về Đức Phật rỗng không kể từ chuyến đi thăm làng gốm Bát Tràng cách đây khá lâu. “Chỉ một cái bình không cắm hoa trên bàn thờ, ông chủ nhà nói với tôi, bình trống không để chứa đựng sự rỗng”, Ưu Đàm kể.

Ban đầu, Ưu Đàm cắt đôi một cái bình gốm ra để hình dung sự rỗng. Từ đó, anh tạo dáng “âm bản” thành hình một người ngồi thiền. Từ những tượng thô sơ ban đầu, anh từ từ phát triển nó, bỏ bớt các chi tiết thừa cho đến mức tối giản. Khi sang Mỹ định cư (năm 1994), anh đục bỏ luôn phần trên để không khí và không gian di chuyển tự do qua phần rỗng đó. Sau 10 – 15 năm, anh đã tạm hài lòng với tác phẩm hiện tại. “Một ý tưởng cũng cần được chăm sóc như một cây ăn trái”, Ưu Đàm nói.

Triết lý tánh không (súnyatà) rõ ràng đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm của Ưu Đàm trong tác phẩm này. Anh chia sẻ: “Trống rỗng ở đây là cái “rỗng” trong thiền. Tượng nói về cái rỗng đó chứ không phải chuyện rỗng hay đặc. Rỗng có nghĩa là không lo, không vướng bận, không đau khổ, tự do… Đó là sự tự do tuyệt đối của mỗi cá nhân để tạo ra niềm hạnh phúc cho nhân loại”.

Chủ đề này không phải là sự khai phá của Ưu Đàm. Tuy nhiên, những chủ đề mang tính triết lý nền tảng thường không phải là chuyện mới – cũ, trước – sau, bởi đây là hành trình tìm về nguồn cội tâm linh, nó như cách để mỗi nghệ sĩ tu thân. Chủ nghĩa tối giản và dấu ấn duy mỹ của bản thân hiện diện khá rõ trong tác phẩm này.

Với Ưu Đàm, làm tượng rỗng còn khó hơn tượng nguyên khối. Bởi cách tư duy và xử lý vật liệu cũng phải thay đổi theo. Anh phân tích: “Vật liệu rất quan trọng – đại diện cho hình thức. Nó như vóc dáng một cô gái đẹp, còn nội dung là tính tình của cô gái đó. Vóc dáng làm mình quay nhìn khi tình cờ bắt gặp, dù chưa biết tính tình cô ấy ra sao. Một tác phẩm mà có được cả nội dung lẫn hình thức tốt sẽ làm người xem thoả mãn và có giá trị lâu dài”.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=152531
Tác phẩm Đức Phật rỗng không qua hai thời kỳ, tượng bên trái Ưu Đàm phác thảo bằng bêtông khi mới sang Hoa Kỳ, tượng bên phải bằng đồng, mới hoàn tất.



Ưu Đàm sinh 1971, lấy bằng thạc sĩ nghệ thuật tại đại học School of Visual Arts, New York, 2005. Các triển lãm tại Hoa Kỳ và quốc tế của anh được khen ngợi trên The New York Times, Time Out New York, Los Angeles Times Register... Ưu Đàm từng làm tượng Bùi Giáng, Võ Phiến, Trịnh Công Sơn, Du Tử Lê, Hoàng Khởi Phong, Lê Uyên Phương, Khánh Trường, Kiều Chinh…

Hiền Hoà
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tranh sinh hoạt Hà Lan



SGTT.VN - Tranh sinh hoạt theo nghĩa hẹp là tranh Hà Lan thế kỷ 17 mô tả như thực, trần trụi, không thêm không bớt những cảnh huống sinh hoạt trước đó vẫn bị nghệ thuật “cao quý” coi khinh là vô nghĩa, tầm thường, vụn vặt… Dựa vào tranh sinh hoạt, các nhà văn và đạo diễn hiện đại phục dựng chân xác tuyệt đối đời sống ở đô thị Hà Lan thời đó.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=151352
Cô hầu sữa, sơn dầu, 1656.



Tranh sinh hoạt là sản phẩm trực tiếp của điều thần kỳ kinh tế ở quốc gia nhỏ, nằm dưới mực nước biển này. Hà Lan bỗng trỗi dậy như một siêu cường vượt cả Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý… nhờ sự khoan dung, cải cách tôn giáo, dòng người nhập cư tài giỏi, dòng vốn khổng lồ từ các nơi đổ về qua một hệ thống ngân hàng tiên tiến. Nước cộng hoà đầu tiên ra đời. Tầng lớp thị dân – công dân lớn mạnh đã hiện thực hoá tư tưởng nhân văn Phục hưng: con người là ông trời trên mặt đất! Họ coi nghề nghiệp, lao động là vinh quang, là thiên chức, không phân biệt sang hèn! Các hoạ sĩ hình như cũng rất tâm đắc câu danh ngôn cổ: “Tất cả những gì thuộc về con người đều không xa lạ với tôi”. Họ không bỏ qua dù một chi tiết nhỏ nhất của sinh hoạt ngày thường (không phải lễ hội hay dịp gì đặc biệt). Họ tìm thấy hạnh phúc và ánh sáng thiên đường trong những hạt bụi của một số phận tầm thường nhất.

Có một tiểu thuyết và một bộ phim cực hay – Thiếu nữ với hoa tai ngọc trai – về Jan Vermeer (1632 – 1675) và cô hầu gái (không phải cô trong tranh này) giúp ta hiểu sâu sắc tư tưởng tình cảm con người thị dân thời bình minh của chủ nghĩa tư bản. Trong tranh Jan Vermeer, cô giúp việc thô khoẻ, chất phác đang làm bếp trong một góc nhà với những đồ đạc lặt vặt cũng thô phác như cô. Ánh sáng chéo từ cửa sổ kính hắt vào làm cho nội thất trở thành một vương quốc trù phú của sáng – tối, hơi ẩm và các dạng vật thể: bánh mì và bình gốm, giỏ liễu và lò sắt, vải áo và khăn bàn, những hạt bụi li ti và những vết trầy, hoen gỉ, bong tróc, những lỗ thủng và mũ đinh trên tường nhà cùng những viên gạch len tường cũ kỹ… Cô hầu chăm chú làm cái việc không tên của mình, vô tư lự. Chẳng có gì đáng nói, đáng kể ở tranh này cả. Nhưng lại có rất nhiều, cả một thế giới, để ngắm – nhìn và thấy – biết.

Nguyễn Quân
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ngư dân Bình Thảng dạy hát dân ca



SGTT.VN - Không thù lao. Không bồi dưỡng. Một tuần hai buổi, ông Bình Thảng dạy học sinh ở một trường cấp ba thuộc huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên hát dân ca. “Tui sợ dân ca bị mai một nên giữ bằng cách này”, ông thổ lộ.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=142433
Ông Bình Thảng dạy hát dân ca ở trường THPT Nguyễn Văn Linh. Ảnh: T. Hội



Bốn giờ chiều thứ năm và thứ bảy, sau khi kết thúc các môn học, khoảng 20 học sinh trường THPT Nguyễn Văn Linh (huyện Đông Hoà) lại cùng nhau tập hát dân ca. Địa điểm học không cố định, khi thì tại phòng truyền thống, khi thì trong một phòng học trống nào đó. Những điệu hò câu hát cất lên, dẫu đôi chỗ còn vụng về nhưng người hát cảm thấy vui. Người dạy còn vui hơn thế.

Ông Bình Thảng kể: “Sau những ngày đầu bỡ ngỡ, các em bắt đầu thích thú với môn học này. Để giờ học thêm sinh động và hào hứng, mỗi khi dạy các em hát một làn điệu dân ca, tôi dạy kèm theo một điệu hò, điệu lý”. Mở lớp dạy hát dân ca cho học trò là ý tưởng của ông Bình Thảng – người có gần 30 năm đắm đuối với những câu hát điệu hò ngọt ngào, chứa chan tình cảm của người xưa. “Tui sợ dân ca bị mai một nên nảy ra ý đưa dân ca vào trường học. Theo tui, đây là cách giữ gìn dân ca tốt nhất”, ông Bình Thảng chia sẻ.

Ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Văn Linh đã gật đầu cái rụp khi nghe ông Bình Thảng đề xuất việc đưa dân ca vào ngôi trường này. Và lớp học hát dân ca khai giảng, sau khi các em học sinh bước vào năm học 2010 – 2011.

Cứ ngỡ ông Bình Thảng công tác trong ngành văn hóa, nhưng không phải. Hiện giờ ông là công an viên ở xã Hoà Hiệp Trung (huyện Đông Hoà). Nhưng cảm hứng với những làn điệu dân ca bắt đầu từ những năm tháng ông học ở trường trung học Văn hoá nghệ thuật tỉnh Phú Khánh (nay tách ra thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà). “Năm 1984, tui mê hát dân ca quá nên đăng ký và được huyện đưa đi học. Sau sáu tháng, do gia đình khó khăn, tui về đi làm biển”, ông Bình Thảng kể. Và người đàn ông tay lưới tay chài này gởi tình yêu dân ca vào những câu hát, trong các cuộc gặp mặt bạn bè. Những câu hát đưa ông đến với phong trào văn nghệ ở địa phương, trở thành một trong những giọng ca trụ cột. Tham gia liên hoan dân ca Việt Nam 2011 khu vực Nam Trung bộ, ông đoạt giải B với hò đẩy ghe, một điệu hò của cư dân bãi ngang ven biển.

Ngoài thời gian dành cho công việc chuyên môn ở xã, công an viên sinh năm 1964 này lo dạy hát, tập hát, sáng tác và tham gia dàn dựng các chương trình văn nghệ dự thi từ cấp huyện cho đến cấp Trung ương. Gia tài của ông là hơn 100 tác phẩm dựa trên các làn điệu dân ca, tiểu phẩm, kịch bản tuyên truyền, trong đó có những tác phẩm đoạt giải cao tại các hội thi chuyên ngành ở khu vực và toàn quốc.

Phương Trà
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [10] [11] [12] [13] [14] [15] [16] ... ›Trang sau »Trang cuối