Trang trong tổng số 8 trang (78 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

72
RU NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG


Đôi ta đâu phải Ngưu Lang Chức Nữ
mà cầu Ô thước cách xa đôi bờ muôn trùng thương nhớ
Mỗi năm chỉ một lần gặp gỡ
nỗi niềm hân hoan chưa thoả đã vội rời xa
dải ngân hà anh bước thấp bước cao
em ngẩn ngơ đếm từng giọt thời gian đi qua
đợi chờ mùa ngâu tới.
Em hay giận dỗi trách hờn mỗi bận nước mắt trào vì bởi..
yêu xa.
Chờ nhau bên bờ viễn phương hạnh ngộ đôi ngày
góp nhặt chút ấm nồng nuôi mộng chung đôi.

Chưa hết thu phân anh đã lo lắng gởi về chiếc áo khoác mặc ấm
ngày mùa sắp tới gói ghém cả một trời tình thắm ngát hương.
Trời lập đông bây giờ đâu rét ngọt như những năm xưa
mà chỉ vừa cho má thêm hồng môi thêm đỏ,
chút hơi hướm lành lạnh của mùa đông
để em co ro làm duyên với áo khoác vào những sớm
tinh mơ trên đường lãng đãng mù sương.
Những con đường vùng nhiệt đới quê mình quanh năm khói bụi,
may mà thành phố nơi đây còn có những hàng cây xanh để mỗi
sớm mai còn nghe tiếng chim trong trẻo ẩn mình nơi chòm lá
dấu nồng nàn trong sương khói rêu phong.
Khoác vội chiếc áo màu rong
cẩn thận cài thêm hàng cúc
cảm nhận hơi ấm người yêu niêm phong
theo ký ức vỡ oà
những khi bước chân ngang qua trường cũ.

Một ngày như mỗi ngày, em thắp niềm tin trong từng ngăn nhịp đập vang mạnh vào tim sắt se lòng chung thuỷ
đợi chờ người yêu dấu trăm năm.
Nếu có khoảng lặng nào bất chợt, cho dẫu mưa sa gió táp
hay phồn hoa quyến dụ ngoài kia em vẫn vô tư ngủ vùi trong
áo ấm gọi giấc mơ tìm về bên nhau ru nỗi nhớ mùa đông cho
những ngày trầm lắng xa xăm...

LÃNG THANH
*****************
*
Tình yêu quả thật là món quà đặc biệt mà Thượng đế đã hào phóng ban tặng cho vũ trụ này, bởi với ngay cả những cô cậu Tiên ở cõi Thượng giới – những vị tưởng chừng như đã đạt tới cảnh giới siêu phàm thoát tục rồi – cũng không thoát khỏi lưới tình giăng bẫy, thế nên chàng Ngưu ả Chức vì luỵ tình nên đành phải nhận lãnh hình phạt chia lìa hai đầu xa thẳm của Ngọc Hoàng…

Lại cứ tưởng ở trần gian này chuyện yêu đương nam nữ là cực kỳ tự do thoải mái theo ý muốn chủ quan của con người, nào hay cũng nhan nhản biết bao đôi tim đang mong ngóng chiếc cầu Ô Thước để ráp vần cho bài ca hạnh ngộ…

Đôi ta đâu phải Ngưu Lang Chức Nữ
mà cầu Ô thước cách xa đôi bờ muôn trùng thương nhớ

Khi yêu nhau thắm thiết rồi, dẫu có tan vào trong nhau vẫn mãi hoài là không đủ, huống chi mỗi năm chỉ có một lần mới được thấy mặt nhau? Cái tỷ lệ vô cùng ít ỏi nhỏ nhoi của lần gặp gỡ so với thời gian đằng đẵng đợi chờ mong ngóng, ôi chao! sao mà thê thiết!

Mỗi năm chỉ một lần gặp gỡ
nỗi niềm hân hoan chưa thoả đã vội rời xa
dải ngân hà anh bước thấp bước cao
em ngẩn ngơ đếm từng giọt thời gian đi qua
đợi chờ mùa ngâu tới.

Trùng phùng mà lo ngay ngáy cho cái chia xa cận kề, trong Hợp mầm Ly đà ươm sẵn bảo sao không dỗi hờn ngúng nguẩy run rẩy giọt lệ nồng nhất là khi ta chỉ là một bông hoa tình mỏng manh yếu đuối oặt ẹo đi bởi cái nghiệt ngã của năm tháng đợi chờ mòn mỏi sầu thương?

Em hay giận dỗi trách hờn mỗi bận nước mắt trào vì bởi..
yêu xa.
Chờ nhau bên bờ viễn phương hạnh ngộ đôi ngày
góp nhặt chút ấm nồng nuôi mộng chung đôi.

Vẫn biết rằng ở phương trời xa thẳm ấy người vẫn luôn dõi mắt về ta với bao chăm sóc vỗ về lắng lo trìu mến…nhưng tất cả đó, người ơi! cũng chỉ là những “vật ngoài thân”, cần mà chưa đủ.

Chưa hết thu phân anh đã lo lắng gởi về chiếc áo khoác mặc ấm
ngày mùa sắp tới gói ghém cả một trời tình thắm ngát hương.
Trời lập đông bây giờ đâu rét ngọt như những năm xưa
mà chỉ vừa cho má thêm hồng môi thêm đỏ,
chút hơi hướm lành lạnh của mùa đông
để em co ro làm duyên với áo khoác vào những sớm
tinh mơ trên đường lãng đãng mù sương.

Bởi mùa đông của đất trời dẫu có lạnh buốt thể nào thì ta vẫn còn có cách che chắn để tồn tại, nhưng nếu thiếu dáng hình anh bên cạnh thì trái tim này sẽ giá đông chết lặng ngay cả giữa mùa hè nóng bỏng rỡ ràng... Một mình đơn côi lầm lũi mà nghe lạc lõng bước chân trong dòng đời nháo nhào xuôi ngược, hững hờ cả với vòm xanh đang rộn rã ríu rít tiếng sơn ca. Mê huyễn trong ký ức về anh và những tự tình xa vắng…

Những con đường vùng nhiệt đới quê mình quanh năm khói bụi,
may mà thành phố nơi đây còn có những hàng cây xanh để mỗi
sớm mai còn nghe tiếng chim trong trẻo ẩn mình nơi chòm lá
dấu nồng nàn trong sương khói rêu phong.
Khoác vội chiếc áo màu rong
cẩn thận cài thêm hàng cúc
cảm nhận hơi ấm người yêu niêm phong
theo ký ức vỡ oà
những khi bước chân ngang qua trường cũ.

........
Dẫu mỏi mòn giận hờn là thế tình ơi, ta vẫn miệt mài tạc lên tượng đài chung thuỷ sắt son trong mong ngóng đợi chờ, vẫn không nản lòng giữa bão táp phong ba của tình đời đen bạc nhiều mưu ma chước quỷ…

Một ngày như mỗi ngày, em thắp niềm tin trong từng ngăn nhịp đập vang mạnh vào tim sắt se lòng chung thuỷ
đợi chờ người yêu dấu trăm năm.

Đã và sẽ trễ tràng biếng nhác điểm phấn tô son lược gương chuốt chải , sẽ mắt mờ tai điếc trước cảnh bướm ong dập dìu cỏ hoa réo gọi, phong kín tim lòng trong chiếc áo ấm tình yêu mà người đã nồng nàn đan dệt hiến tặng hôm nào…

Nếu có khoảng lặng nào bất chợt, cho dẫu mưa sa gió táp
hay phồn hoa quyến dụ ngoài kia em vẫn vô tư ngủ vùi trong
áo ấm gọi giấc mơ tìm về bên nhau ru nỗi nhớ mùa đông cho
những ngày trầm lắng xa xăm...

Nhưng xin nhớ rằng, Tình yêu này là chung của cả hai chúng ta, nếu dựa vào sức của chỉ một người thôi thì làm sao mà giữ bền cho nổi?

Bởi thời gian là một loại hoá chất rất lạ kỳ đối với lòng người. Thời gian tâm lý co duỗi khác xa thời gian vật lý. Trong lĩnh vực tình yêu, nếu có khi nó là thần dược giúp xoá đi vết thương lòng, thì lắm lúc chính nó cũng là bom hạt nhân khiến cho nhịp cầu Ô Thước vĩnh viễn không bao giờ được kết nối được nữa…

Sức người có hạn, lòng người khôn lường… xin chớ để thời gian cách trở trong yêu thương vượt qua sự chịu đựng tới hạn để vô tình biến thành câu: “Xa mặt cách lòng!”.

HANSY
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

https://lh3.googleusercontent.com/-O6_n81-26fg/YPufd69UwPI/AAAAAAACQ78/5vr0g_zyiz0e-aLJgYVboag0o7IM6gl3QCLcBGAsYHQ/w200-h185/image.png


2026


https://1.bp.blogspot.com/-CcZNzeS92U0/YLYa62RjxUI/AAAAAAACQYA/fYZBtgzQtyAIGU6ZEOJXdM5FopbRqCXPQCLcBGAsYHQ/w640-h451/%2540.1.PNG

15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

73
HÃY CÁM ƠN THƠ


Nhà thơ là người sáng tạo ư? Không, tôi ngờ lắm. Từ xưa đến nay, nhà thơ có mang lại điều gì mới mẻ đâu. Hắn là người, bằng sự nhạy bén riêng của mình, phát hiện sâu sắc hơn ai hết những chất thơ đã vốn có, đã bàng bạc, ẩn tàng, giấu khuất đâu đó trong vũ trụ, ở thiên nhiên, ở cuộc đời, ở lòng người. Gió vẫn có đấy chứ, quen thuộc lắm mà, từ bao nhiêu đời rồi, nhưng phải đợi đến lúc nhà thơ ra đời, nghiêng mình làm lá, gió mới cất thành tiếng reo. Trăng vẫn có đấy chứ, từ xưa, trên cao, nhưng phải đợi đến lúc nhà thơ xuất hiện, lặng mình làm một mặt nước hồ im, trăng mới lại hiện về, long lanh hơn, huyền ảo hơn, ngay trên mặt đất, rất vừa tầm nhìn. Nhà thơ có sáng tạo được gì đâu? Hắn chỉ là lá reo để đón gió, là hồ im để đón trăng, là cỏ ngửa mặt để chờ sương. Hắn nắm bắt và giữ lại cho đời những chất thơ kín đáo nhất, mong manh nhất, thoáng qua nhất.

Ừ, mà nói cho ngay, nhà thơ cũng có sáng tạo đấy chứ. Nhưng ít thôi. Chỉ một điều: tạo ra linh hồn cho vạn vật, cái mà Thượng đế quên lúc tạo ra vũ trụ. Nhờ nhà thơ, gió trở thành hữu hình, trăng trở thành gần gũi, sương khói trở thành ấm áp. Có phải khói sóng xưa kia chỉ là người tình của sông của biển? Khi nhà thơ ra đời, khói sóng tự nhiên hoá thân thành một nỗi niềm: “Yên ba giang thượng sử nhân sầu”; “Lòng quê dờn dợn vời con nước”. Có phải hiện tượng nắng ngả màu, mây trôi chậm và gió bỗng dưng hiu hiu xưa kia chỉ là hiện tượng của tự nhiên? Khi nhà thơ ra đời, lạ lùng chưa, tất cả trở thành tín hiệu của tình yêu, đều nói lên cái nao nao, cái bâng khuâng của kẻ lần đầu “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư”. Có phải vầng trăng xanh xao trên kia ngày trước chỉ hờ hững đi ngang qua mặt đất mỗi tháng mấy lần? Khi nhà thơ ra đời, trăng hết lạnh lẽo. Trăng thành tình nhân. Trăng thành nỗi nhớ. Từ nỗi nhớ của những người yêu nhau nhưng phải xa nhau “vầng trăng ai xẻ làm đôi” đến nỗi nhớ day dứt cồn cào của những kẻ lưu cư nơi đất khách không nguôi một niềm ước mơ vô hạn được trở về:

Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
                         (Lý Bạch)

Mặc dù ngay từ đầu truyện, Nguyễn Du đã giới thiệu Kiều là một người hay thơ, nhưng tôi tin Kiều chỉ thực sự làm thơ hay sau buổi đi tảo mộ về. Nghĩ lại coi, có lạ không, khung cảnh lúc Kiều đi với lúc Kiều về khác nhau biết mấy. Cũng là thiên nhiên ấy, nhưng lúc đi, thiên nhiên chỉ là thiên nhiên; lúc về, thiên nhiên đã vương rất nhiều tâm tư của con người. Dòng nước tự nhiên “trong veo”, nhịp cầu không chỉ “nho nhỏ” mà còn có “tơ liễu”, có “bóng chiều thướt tha”. Thiên nhiên không còn vô tình nữa. Thiên nhiên bị lây cái bâng khuâng của Kiều sau lần gặp gỡ Kim Trọng. Thiên nhiên cũng trở thành bâng khuâng. Kiều trở thành nhà thơ.

Chỉ trở thành nhà thơ khi người ta đã phá vỡ cảm giác đồng nhất giữa mình với ngoại cảnh để khám phá ra, trong sự phân thân kia, xuất hiện một sự đồng cảm sâu sắc. Làm thơ là dựng lên mối tương quan thân tình giữa con người và không gian chung quanh. Để con người bớt đi cái cảm giác lẻ loi giữa cái bao la vô tận của trời đất như Trần Tử Ngang ngày trước, “Niệm thiên địa chi du du / Độc sảng nhiên nhi thế hạ”. Để không còn xa xôi, vô tình nữa, trước con người, một cành hoa, một áng mây, một vì sao. Để con người và vạn vật có khả năng đồng cảm với nhau hơn, chia sẻ với nhau những nỗi niềm cô đơn của mình:

Không gian dày đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng và nàng cũng trăng
                               (Hàn Mặc Tử)

hay:

Trời hiền khép một vòng thân
Trông cao xa ấy mà gần tâm tư.
                  (Cung Trầm Tưởng)

Nhà thơ không chỉ làm cho con người bớt khắc khoải trong cô đơn. Nhà thơ còn làm cho tâm hồn nhân loại giàu có, rộng rãi mênh mông gấp bội. Trước khi nhà thơ ra đời, trái đất này có lẽ đã quá cũ. Cứ thế, cứ thế lặp lại hoài những vòng quay. Cứ thế, cứ thế phô bày vẫn bấy nhiêu cảnh trí. Như từ ngàn xưa. Với sự xuất hiện của nhà thơ, núi non sông biển lại hiện ra những bức tranh mới, luôn luôn biến hoá và đẹp đẽ vô ngần (Hải sơn vị ngã xuất tân đồ - Nguyễn Trãi). Nguyễn Trãi đã không từng tự hào về sự giàu có của thi nhân đó sao?

Nhãn để nhất thì thi liệu phú
Ngâm ông thuỳ dữ thế nhân đa?
(Một thoáng chất thơ đầy cả mắt
Người đời dễ sánh khách thơ a?)

Làm thơ là ban phát sự giàu có ấy cho mọi người. Trước khi nhà thơ ra đời, có lẽ loài người đã biết yêu nhau. Adam và Eve đã biết yêu nhau. Và chỉ biết yêu nhau. Với sự xuất hiện của nhà thơ, trong tâm hồn con người, không còn lẻ loi một người tình đang ngự, mà còn, hằng hà chung quanh, bao nhiêu chất thơ từ trời đất hiện về, điểm tô. Trên chân dung người tình, không chỉ có đôi mắt, dù đôi mắt vô hạn đẹp. Mà còn có dòng sông: “Mắt em là một dòng sông. Thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em” (Lưu Trọng Lư). Rồi còn có gió có mây nữa: “Có phải em mang trong áo bay / Hai phần gió thổi, một phần mây / Hay là em gói mây trong áo / Rồi thở cho làn áo trắng bay?” (Nguyên Sa). Đứng trước người yêu, mình không chỉ là mình, mình còn có thể là hoa cỏ may: “Hồn anh như hoa cỏ may / Một chiều cả gió bám đầy áo em” (Nguyễn Bính).

Chao ôi, trước khi nhà thơ ra đời, có lẽ tâm hồn con người hạn hẹp lắm. Có khi chỉ là một chiếc gương soi. Soi bản thân mình. Có khi chỉ là một bàn thờ. Thờ thần linh. Thờ người tình. Với nhà thơ, diện tích tâm hồn con người mở ra, thênh thanh vô cùng vô tận. Những cành cây héo úa đâu đó dưới mắt thờ ơ của những kẻ chỉ biết cúi đi lầm lũi, nhờ nhà thơ, bỗng lại xanh tươi và nở hoa trong hồn người. Những làn hương dịu nhẹ dễ bị gió xua tan, nhờ nhà thơ, cứ đọng lại, mãi mãi vấn vương trong từng nhịp thở của con người. Những triều sóng vỗ của biển dễ bị chìm hút trong lãng quên, nhờ nhà thơ, cứ đọng lại hoài hoài một dư âm.

Và, còn nữa. Nhờ nhà thơ, con người nhìn rõ hơn diện mạo tâm hồn mình. Xưa, tâm hồn thăm thẳm mà u uẩn quá. Nó là cõi đêm. Nó là giông tố sấm chớp dữ dội nhưng cũng mù mịt vô cùng. Nhà thơ là kẻ lặn sâu hơn ai hết vào cái vùng bất an và vô định ấy. Nhà thơ có thể tả trăng, tả gió, tả mây, tả hoa... nhưng nghĩ cho cùng, qua đó nhà thơ nói lên tâm tư của con người. Trăng, gió, mây, hoa... chỉ là những cái cớ. Mục đích của nhà thơ không phải là tả cảnh mà là biểu hiện. Chỉ có trong thơ dở, cảnh mới là cảnh. Trong tất cả những bài thơ hay, cảnh là tâm tư, cảnh là người. Như Xuân Diệu từng viết: “Hồn ơi, phong cảnh cũng là người”.

Thơ không xuất phát từ nhu cầu ghi lại mà từ nhu cầu nói lên. Thơ không nẩy lên theo một vầng trăng mọc mà theo một cảm xúc mới nhú. Ừ, mà hình như, thường người ta bắt đầu làm thơ hay mê thơ lúc bắt đầu thấy xôn xao trong lòng một tình yêu chớm nở. “Yêu nàng, bao nhiêu người làm thơ”, Nguyễn Nhược Pháp nói thế... Phần lớn con người đi vào cõi thơ vì một ánh mắt một nụ cười hơn là một “tịch dương vô hạn hảo”. Có phải không, khi các cô các cậu học trò, đến tuổi nào đó, vào lớp, biết vuốt lại mái tóc mình, biết hãm lại tiếng cười cho vừa đủ độ giòn cũng là lúc xuất hiện trong các cặp sách của họ, quyển vở nắn nót chép thơ? Nhu cầu làm thơ khởi từ chỗ chấm hết, trong tâm hồn, cái yên ả của tuổi thơ. Làm thơ trở thành một cách tỏ tình. Đọc thơ trở thành một cách tìm kiếm cảm thông. Trong hàng vạn, hàng chục vạn người biết yêu và vì biết yêu mà biết làm thơ ấy, cuối cùng, có lẽ chỉ có một hai người là trở thành nhà thơ thực sự: đó là những kẻ có đôi mắt tinh, đôi tai thính nhất có thể phát hiện ra từng tế bào đang đổi mới trong hồn mình.

Nhiều người, ở đời, chỉ có một mùa hoa. Cái rạo rực chỉ đến một lần rồi xa hẳn. Tôi luôn luôn đón nhận tin một nhà thơ nào đó chết đi với tất cả sự ngỡ ngàng, hoang mang. Bởi nhà thơ như một kẻ không có tuổi. Cứ giữ lại hoài trong lòng những phiến lá mới để sẵn sàng reo lên xôn xao ngay trước những cơn gió khẽ khàng.

Mọi người tìm kiếm trong thơ những tiếng nói chưa thành của mình. Mà đời đâu phải chỉ có những rạo rực của tình yêu. Mọi nàng Kiều rồi sẽ bị xô bật ra khỏi lầu khuê có trướng rủ màn che. Mọi người, kẻ sớm người muộn, đều bị đẩy ra biển. Biển trầm luân. Để giơ thân đón sóng. Sóng đau thương. Nhà thơ, khác với mọi người, là kẻ làm cho sóng dội lên thành dư vang ngân mãi. Làm thơ là một cách tạo âm cho biển. Đoạn trường tân thanh là tiếng biển gào. Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc... cũng là những tiếng biển gào. Ngay cả những câu thơ hết sức bâng quơ Em không nghe mùa thu cũng là một thứ tiếng biển. Biển đang lặng sóng. Thầm thì.

Tất cả những bài thơ hay đều vang vọng âm thanh của biển. Phải không? Thơ đâu phải là tiếng đập riêng của trái tim. Thơ còn là, phải là tiếng dội của lòng người trước dư ba của sóng. Bởi vì là tiếng dội của sóng nên thơ không là tâm sự thuần tuý khép kín của một cá nhân. Thơ mở ra, gợi ra man mác những nỗi niềm tâm sự chung. Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm. Thơ là tiếng nói một người nhân danh tất cả mọi người trong hoàn cảnh ấy, số phận ấy. Nhà thơ chỉ độc quyền được cho mình một cánh cửa. Sau cánh cửa kia là của mọi người. Trên núi Kính Đình ngày xưa chỉ một mình Lý Bạch ngồi buồn hiu hắt ngắm mây bay chim bay nhưng còn nỗi cô đơn của ông, nỗi cô đơn ấy là của chung của nhân loại. Cả ngàn năm nay, mỗi khi con người lẻ loi trước thiên nhiên thì chợt nhớ lại, đọc lại “Chúng điểu cao phi tận / Cô vân độc khứ nhàn / Tương khan lưỡng bất yếm / Duy hữu Kính Đình san”. Ngỡ như nỗi cô đơn và niềm bâng khuâng ấy là của riêng mình.

Thơ xoá đi cái không gian trống giữa người với người. Để “giậu mồng tơi xanh rờn” không là nỗi phân ly. Để “tam tứ núi, thập bát đèo” không là điều cách biệt. Thơ cũng xoá đi cái không gian chết giữa đời này với đời khác. Để những giọt lệ của Kiều ngày xưa còn cay cay trong mắt người bây giờ. Để nhân loại hôm nay còn thấy bàng hoàng trước tiếng thét dài làm lạnh cả hư không của thiền sư Không Lộ một ngàn năm xa xưa.

Giữa biển sóng trùng trùng, con người, với thơ, quờ quạng tìm đến với nhau. Chia cho nhau một chút lửa. Chia cho nhau một làn hương hoa. Thơ là hoa của mặt đất đầy bất an. Đừng phong thánh cho mình lúc cầm bút làm thơ, bạn nhé? Lý thuyết thật nhiều, nhưng sự thực lại rất đơn giản. Nhà thơ ơi, hãy làm thơ để loài người tìm thấy một nỗi niềm chung hầu gần lại với nhau hơn; để cho mỗi người tự thấy tâm hồn mình rộng lớn và đẹp đẽ hơn vô ngần những chén cơm, những manh áo, những thân thể ngọc ngà; để những ai trong các căn phòng khoá chặt kia biết nao lòng trước những luồng sóng vỗ làm quặn đau những nàng Kiều bất hạnh.

Và những ai, chiều nay, bước ra khỏi nhà, nhìn lên bầu trời thăm thẳm xanh biếc trên cao mà tự dưng cảm thấy trong lòng mình có chút xôn xao, bâng khuâng mơ hồ, thì xin hãy nhớ đến nhà thơ.

Những ai, đêm nay, sau cơn vật vờ giữa cuộc trầm luân, trở về nhà, lòng thảnh nhẹ, thoáng nhận ra đâu đó có làn hương bưởi, chợt nhớ đêm đã khuya lắm và thấy lòng ấm lại một mùi hoa, thì xin hãy nhớ đến nhà thơ.

Và hãy cám ơn thơ.

NGUYỄN HƯNG QUỐC
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

74
NHÉ ANH!


Đưa em về với biển đi anh!
Em muốn được một lần nghe biển hát
Muốn được khoả thân trần trên cát
Nằm im nghe con sóng hát tình ca.

Em uốn lưng cong vũ điệu giao hoà
Anh giữa đất trời, mênh mang vẫy gọi
Vai kề vai tựa vầng trăng buổi tối
Biển lung linh ôm bóng đôi mình.

Em thích ngắm trời biển lúc bình minh
Mặt trời phong quang, ánh dương rạng rỡ
Biển rực hồng, con sóng tung tăng
Em yêu anh, như sóng vẫn yêu bờ.

Bên biển trời, em viết khúc tình thơ
Gọi ngàn khơi con sóng tình trổi dậy
Xin hiến dâng niềm tin yêu mãi...
Không bao giờ thay đổi, ...nhé anh..!

Hạ Buồn
************
*
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào

Những giai điệu mượt mà trong ca khúc trữ tình của Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu phổ từ thơ của Nữ sỹ Xuân Quỳnh cứ quấn quýt vân vê hồn ta khi du mình về khoảng trời nắng gió của biển khơi lồng lộng thanh âm tình tự. Tình yêu quả là choáng ngợp lớn lao biết mấy khiến ta phải tìm đến những khoảng trời bao la vời vợi mới thấy thoả lòng bày tỏ nỗi niềm. Thế nên lời van víu của tác giả HẠ BUỒN qua NHÉ ANH cũng là một ước ao đồng vọng chung mà bao con tim đang yêu dẫy đầy rạo rực của khúc tình ca

Đưa em về với biển đi anh!
Em muốn được một lần nghe biển hát
Muốn được khoả thân trần trên cát
Nằm im nghe con sóng hát tình ca.

Lời nằn nì dễ thương của một tình yêu đang lên cơn sốt, thấy cái không gian hiện tại sao mà chật chội, tù túng không đủ diễn tả hết những âm vang đang cuồn cuộn trong lòng. Hãy đưa tim về khoảng trời bao la xanh thẳm của bồng lai tiên cảnh để được đón nhận thật nhiều, cảm xúc thật lắm và cả thể hiện thật đủ đầy những gì bấy lâu nay chất chứa trong lòng

Biển khát, biển khát bờ
Em khát anh như nắng khát chờ mưa
(Trương Ngọc Ninh)

Khát vọng về với biển để tan hoà trong cái mênh mông diệu vợi của sóng nước muôn trùng, mà như là tình của ta dành cho người với bao nỗi khát khao mong đợi từ thuở hồng hoang xưa cũ. Nỗi ước ao được vùi lòng trong biển tình dạt dào và sâu thẳm của người mang đến cho ta từ độ mở cửa vườn tình. Để mãi hoài chìm nghĩm trong một vũ khúc nghê thường đắm mượt

Em uốn lưng cong vũ điệu giao hoà
Anh giữa đất trời, mênh mang vẫy gọi
Vai kề vai tựa vầng trăng buổi tối
Biển lung linh ôm bóng đôi mình.

Dẫu biết rằng, cuộc đời luôn có hai mặt đối lập mâu thuẫn nhau nhưng vẫn ước toả lan trái tim tình trên sóng biển, thả miên man trong trăng gió muôn trùng. Khoả trần trái tim yêu thương ta dành cả cho người để minh định một tình yêu thơm nồng và vĩnh cửu

Yêu biển vỗ dưới chân mình dào dạt
Dẫu đôi khi vì sóng núi hao gầy
(Đỗ Trung Quân)

Và biển đêm dẫu có mịt mù sâu thẳm thì cuối bến bờ tìm kiếm vầng thái dương của bình minh hạnh phúc vẫn luôn là đích đến của mọi khúc tình. Qua đêm dài sẽ loé ánh ban mai, ngàn đợt sáng sẽ xua đi vòm tăm tối

Em thích ngắm trời biển lúc bình minh
Mặt trời phong quang, ánh dương rạng rỡ
Biển rực hồng, con sóng tung tăng
Em yêu anh, như sóng vẫn yêu bờ.

Và muốn được chết lịm đi trong cái mật ngọt ngất ngây của những lời tình yêu mà người đang khe khẽ ru lòng ta vào những bến bờ huyển ảo của bồng lai huyền diệu

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Để hát mãi bên gành
Một tình chung không hết
(Xuân Diệu)

Rồi đắm chìm trong làn gió mát mượt của yêu thương, của chênh chao sóng tình cuồn cuộn, của bềnh bồng mây gió trăng sao, bình minh và ánh dương tà, của dặt dìu tiếng hát nhân ngư mê hoặc che kín nẻo đường về, trong hoan lạc tận cùng của ngàn đêm góp lại, hãy ngoéo tay nhau cho thêm đà đượm chữ xuân tình

Bên biển trời, em viết khúc tình thơ
Gọi ngàn khơi con sóng tình trổi dậy
Xin hiến dâng niềm tin yêu mãi...
Không bao giờ thay đổi... nhé anh..!

***
NHÉ ANH với những lời diễn đạt mộc mạc đơn sơ nhưng đã ẩn chứa biết bao khát khao ngóng đợi…

HANSY
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

75
THĂM TRƯỜNG CŨ


Bao lần lỗi hẹn trở về đây
Ấp ủ buồng tim nỗi luyến đầy
Mãi nhớ trường yêu, nơi khởi nghiệp
Hoài vương kỷ niệm, buổi chia tay
Trò xưa thắm nghĩa giờ đâu chốn…
Bạn cũ thâm tình nẻo biệt nay…
Khẽ bước nghe lòng xao xuyến gợn
Sân chiều tĩnh lặng thả hồn ngây…

Sân chiều tĩnh lặng thả hồn ngây
Chếch ánh dương tà buổi xế nay
Lặng lẽ mơ về bao kỷ niệm
Bồi hồi nhớ đến những vòng tay
Hồ Sen Thuỷ Tạ còn lưu dấu
Lữ Quán cầu kia vẫn khắc đầy
Tự trách lòng, sao hờ hững vậy…
Bao lần lỗi hẹn trở về đây…

Trần Tấn Lai
*
Cứ mỗi khi sắc Phượng đỏ rực khắp các nẻo đường, biết bao cuộc chia tay cảm động dưới mái trường lại diễn ra. Cô trò dưng dưng tạm biệt nhau, có khi là mãi mãi chia tay với tuổi học trò, để sau này ra đời trong tim mỗi chúng ta đều dành một góc cho mái trường thân yêu và những kỷ niệm đẹp đẽ thời học sinh. Cuộc sống bận rộn nhiều khi làm ta quên lãng đi, nhưng bất chợt một ngày nhìn thấy các em học sinh bịn rịn chia tay dưới tán hoa phượng đỏ thắm, trong lòng ta không khỏi bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian đẹp nhất đã đi qua – quãng đời đi học.

Một mùa hè lại đến!
Hãy để tâm hồn mình lắng lại để nhớ về ngôi trường thân yêu, nơi ta đã sống trong tình thương của thầy cô, bạn bè. Bài thơ THĂM TRƯỜNG XƯA của tác giả, nhà giáo Trần Tấn Lai với rất nhiều tình cảm gửi gắm trong từng câu chữ làm lay động lòng người, mỗi chúng ta như thấy một phần tâm sự của chính mình trong đó.

Bài thơ mở đầu và kết thúc lặp lại câu: “Bao lần lỗi hẹn trở về đây” như một lời xin lỗi, tự xin lỗi với lòng mình thôi, trường cũ tình xưa vốn bao dung ta như lòng mẹ, lúc nào cũng mở cửa đón ta về. Như đứa con đi xa lâu ngày, quay về nơi đưa nôi giúp ta khôn lớn, nên người, không đâu khác chính là mái trường kỷ niệm. Nhìn đâu cũng đong đầy tình cảm, kia Hồ Sen Thuỷ Tạ, đây cầu Lữ Quán… ta với bạn cùng học, cùng chơi, trao nhau những tình cảm đầu đời… “Cái thuở bạn đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên”, tất cả như hiển hiện ra trước mắt làm lòng ta xao xuyến, bồi hồi. Khung cảnh được tác giả tả lại là lúc chiều tà, khi ánh dương đã dần khuất, đó là thời điểm lãng mạn dễ đưa ta quay lại với những hồi ức, mà ở đây là những kỷ niệm về một thời bỏng cháy, những vòng tay ôm chặt nhau, những giọt nước mắt của vài bạn nữ sinh trong buổi ra trường, những trò tinh nghịch của đám con trai với những tiếng cười ròn rã vô tư…. nơi đây đã lưu dấu biết bao kỷ niệm, sao ta có thể lãng quên.

Ai lớn lên cũng từng đi qua quãng thời gian đi học, rồi chia xa mỗi đứa một phương trời, ở sâu thẳm trong tim mỗi người đều dành một góc cho trường lớp, thầy cô và bạn học cũ. Cuộc sống dẫu nhiều bận rộn, hãy cố dành lại một vài giờ đồng hồ để sống chậm lại, quay về với kỷ niệm bởi đó là những giây phút quý giá vô cùng. Hơn ai hết tác giả bài thơ, một người thầy giáo đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho sự nghiệp trồng người càng hiểu rõ điều đó. Trong buổi về thăm lại trường cũ, gặp lại thầy cô, bạn hữu, sống lại với những kỷ niệm, tác giả Trần Tấn Lai đã làm bài thơ THĂM TRƯỜNG CŨ với lời thơ hết sức giản dị như đang tự kể lại những tâm tư của mình. Bài thơ viết theo thể loại thơ Đường luật, nhẹ nhàng sâu lắng, lời thơ trải mượt mà. Đọc xong bài thơ, tự nhiên muốn được quay về một lần sống lại thời học sinh vô tư… và rồi cũng tự trách lòng mình: Đã quá lâu rồi ta chưa về thăm trường, thăm thầy cô, bạn bè, nơi có hàng phượng vĩ, có tán bàng xanh rợp… Ôi một nỗi nhớ đong đầy!

Minh Hien
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

76
MỘNG LÀM NHÀ THƠ

Lâu nay, thú thực, tôi không thể gạt khỏi óc mình cái ý nghĩ này: có thể tôi đã là một nhà thơ, không chừng là nhà thơ kha khá, nếu hồi nhỏ tôi không từng là một học sinh quá giỏi văn.

Xin nói ngay: cách diễn đạt có vẻ chứa đựng một nghịch lý ở trên không hề là một biện pháp tu từ cốt để gây chú ý. Ðiều tôi vừa trình bày là một nhận định hết sức nghiêm chỉnh. Và tôi tin đó không phải là kinh nghiệm của một mình tôi.

Tôi mê đọc sách rất sớm, có lẽ ngay từ những năm lớp 3 hay lớp 4 gì đó. Loại sách tôi mê đọc đầu tiên trong đời, oái oăm thay, lại là... truyện chưởng. Nguyên nhân chủ yếu là do ông anh cả của tôi, lớn hơn tôi bảy tuổi, dạo ấy đang ghiền đọc loại này. Mỗi cuối tuần, anh lại tha về bốn, năm tập. Tôi đọc ké. Anh tôi không bao giờ đủ rộng lượng hay kiên nhẫn để chờ tôi đọc hết mới mang đi đổi các tập khác. Do đó, tôi phải cố gắng đọc nhanh ngang với tốc độ đọc của anh ấy. Và phải đọc nhảy: trong lúc anh đọc tập một thì tôi phải đọc tập hai; khi anh xong tập một thì tôi phải xong tập hai và chuyển sang tập ba để nhường tập hai lại cho anh. Cứ như thế, đến lúc anh đọc tập cuối cùng thì tôi quay lại đọc tập một. Với sức đọc như thế, chỉ vài năm sau là lượng sách trong tiệm cho thuê đã cạn. Và tôi cũng chán nữa: đọc riết, tôi khám phá ra năng lực tưởng tượng của các tác giả truyện chưởng cũng khá nghèo: các câu chuyện có thể khác nhau ở nhân vật và một số tình tiết nhưng kết cấu chung thì cứ như đúc từ một khuôn. Rất công thức. Rất đơn điệu. Và do đó, rất khả đoán.

Chán truyện chưởng, tôi quay sang đọc các loại sách văn chương nghiêm chỉnh hơn. Không hiểu sao, tôi lại sa vào thơ. Tôi không những đọc nhiều thơ, vô số thơ, mà còn làm thơ nữa. Những bài thơ đầu tay của tôi được các thầy cô giáo khen ngợi nồng nhiệt và mang đọc cho học sinh các lớp khác nghe. Tôi nhanh chóng nổi tiếng là một “nhà thơ trẻ đầy triển vọng” không những trong cái trường cấp hai nơi tôi học, mà còn cả trong làng tôi ở, cái làng nhỏ xíu tập hợp những mảnh đời khốn khổ do chiến tranh xô đẩy tới.

May, tôi nhạy bén đủ để ý thức rất sớm “tiếng tăm” trong một môi trường như thế là điều hoàn toàn không đáng tin cậy. Tôi nuôi tham vọng lớn hơn: được công nhận là nhà thơ trong cả nước. Muốn thế, tôi không ngừng tự trau dồi “tay nghề” của mình bằng cách học thật kỹ những bài thơ được tuyển trong chương trình giảng văn trong lớp. Tôi đã tin, như vô số người khác từng tin và đến nay vẫn còn tin, những bài thơ ấy là “kinh điển”, là mẫu mực của cái hay và cái đẹp bất hủ trong lịch sử. Ði theo những bài thơ ấy, nói như Hồ Chí Minh, “toàn thắng ắt về ta.”

Những nhà thơ đầu tiên trong chương trình cổ văn tôi học thời ấy là Lê Thánh Tông và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Giữa hai người, sự ái mộ của tôi nghiêng hẳn về Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chẳng hiểu tại sao. Tôi đọc thuộc lòng các bài thơ về nhân tình thế thái của ông. Và tôi cũng làm thơ y như ông. Cũng Ðường luật. Cũng bằng bằng trắc trắc. Cũng niêm, cũng đối. Và nhất là cũng ngất ngưởng chán đời. Ðến bây giờ, tôi chỉ còn nhớ được hai câu:

Thôi, giã biệt trời cao danh vọng
Về làm thi sĩ chốn thâm sơn.

Giọng thơ như thế, từ một đứa bé 13, 14 tuổi đầu, đã được các thầy cô giáo khen ngợi nức nở. Tôi phởn lên, làm tiếp. Trong một năm, về số lượng, không chừng tôi qua mặt cả Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Sau đó, chuyển sang phần kim văn, tôi được học những bài thơ mới hơn, chủ yếu trong phong trào Thơ Mới thời 1932-45. Cũng chẳng hiểu tại sao, trong phong trào Thơ Mới, tôi lại tâm đắc nhất với Thế Lữ. Tôi không những học thuộc các bài thơ của ông được trích tuyển trong sách giáo khoa mà còn tìm đọc cả tập Mấy vần thơ của ông nữa. Ðọc, mê và... bắt chước. Bắt chước đến độ hình như bài thơ nào của tôi thời ấy cũng phả ra cái mùi của Thế Lữ. Chẳng hạn:

Ta dẫu biết yêu đương là đau khổ
Nhưng bóng nàng hồ dễ xoá trong tim.

Dạo ấy, học lớp 8, tôi mê một cô bạn học cùng lớp. Tôi tự đặt cho mình một “chỉ tiêu”: mỗi ngày làm tặng “nàng” một bài thơ. Chồng vở chép thơ cứ ngày một dày cộm. Bài thơ nào cũng nồng nặc mùi Thế Lữ. Không biết cô gái ấy nghĩ thế nào chứ thầy, cô và bạn bè của tôi thì ai cũng khen tíu tít. Tôi rất tự hào, nghĩ thầm: thơ mình không khác gì, và do đó, không thua gì thơ Thế Lữ. Chưa hết. Tôi tưởng tượng tiếp: theo cái đà ấy mà mài sắc ngòi bút thêm khoảng vài ba năm nữa, đến lúc xong cấp ba, hẳn thơ mình sẽ vượt xa Thế Lữ! Tôi nén lòng không gửi đăng trên tờ báo nào cả. Chủ yếu là để dành cho thiên hạ một sự ngạc nhiên. Tôi lại tưởng tượng: sau này, đọc thơ tôi, giới phê bình sẽ bắt chước Hoài Thanh khi viết về Chế Lan Viên ngày trước, trầm trồ: “ông” xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị.

Trong lúc giới phê bình chưa kịp bàng hoàng trước “niềm kinh dị” ấy thì người con gái tôi yêu lại ngả lòng trước thằng bạn tôi; một thằng bạn, trước, tôi xếp vào hạng bất tài và vô danh tiểu tốt: học kém, lười, và tuyệt đối không biết... làm thơ. Khổ, hắn không biết làm thơ nhưng lại hát hay lạ lùng. Tôi và bạn bè trong lớp khám phá ra điều ấy trong một buổi văn nghệ cuối năm. Bạn tôi lên sân khấu, guitar trên tay, hát bài “Mùa thu chết”. Tôi nghe, lặng người. Lặng người, thoạt đầu, vì xúc động, sau, vì ngưỡng mộ, và cuối cùng, vì ghen tuông: khi nhìn sang một góc phòng, thấy cách “người yêu” của tôi nhìn thằng bạn tôi, tôi biết là tôi đã mất cô ấy. Mà mất thật. Sau đó, hai đứa bắt bồ với nhau. Tôi đau đớn nhận thấy cả mấy trăm bài thơ “không khác và không thua gì thơ Thế Lữ” của mình không địch nổi bài hát “Mùa thu chết”.

Thất tình, tôi mở các “thi phẩm” của mình ra đọc lại. Chỉ thấy nhạt. Và dở. Tôi đâm ra hoang mang. Cất các tập thơ ấy thật kỹ; mấy tháng sau, mang ra đọc lại. Vẫn thấy nhạt và dở. Hơn cả hoang mang, tôi bàng hoàng, thấy, không phải chỉ mất một người yêu mà có thể còn mất cả niềm hy vọng trở thành một “nhà thơ lớn”. Tôi cố không tin điều đó. Tôi xếp các tập thơ vào kệ sách, chờ một ngày bình tâm sẽ đọc lại, biết đâu sẽ thấy hay... như cũ. Tiếc, cái ngày ấy không bao giờ đến cả. Càng về sau, đọc lại, tôi càng thấy những bài thơ từng làm mình ngất ngây và từng được thầy, cô cũng như bạn bè khen ngợi nhiệt liệt ấy, chỉ là những bài thơ sáo rỗng, nhạt nhẽo và lười biếng. Chúng chẳng có chút gì đáng gọi là sáng tạo. Chúng chỉ ò e theo những khuôn nhịp đã có sẵn, những cảm xúc và những tư tưởng đã có sẵn. Có khi đã có sẵn từ nhiều trăm năm trước. Tôi quyết định đem đốt tất cả các “thi phẩm” của mình. Ðốt sạch. Nghĩ thầm: mình không thực sự có tài về thơ. Và tự dặn dò mình: Ðừng làm thơ nữa, vô ích.

Nếu ví văn chương như một canh bạc thì, từ đó đến nay, chưa bao giờ tôi bỏ một đồng nào trong cái ô gọi là “thơ” cả. Xu thì có; nhưng đồng thì không. Tôi không muốn mất thì giờ và năng lực vào cái nơi mình biết chắc là không phải sở trường của mình.

Tuy nhiên, viết bài này tôi không có chủ ý khoe mình giỏi văn hay chê thơ mình dở. Tôi chỉ muốn mượn kinh nghiệm học thơ và làm thơ của mình để nói về một chuyện khác: chương trình giáo dục môn Văn ở Việt Nam, một chương trình, theo tôi, rất lạc hậu, và không có ích lợi gì trong việc đào luyện văn tài cho các thế hệ trẻ.

Đó là lý do tại sao mở đầu bài này tôi đã viết: “có thể tôi đã là một nhà thơ, không chừng là nhà thơ kha khá, nếu hồi nhỏ tôi không từng là một học sinh quá giỏi văn.”

Lần tới, tôi sẽ bàn thêm về chuyện này.

Nguyễn Hưng Quốc
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

77
ĐÔI MẮT PLEIKU


Em đẹp thế Pleiku ơi, Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi.
Không dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy.

Có hàng thông xanh trong đôi mắt em,
Có dòng Sê San trong đôi mắt em,
Có hương rượu cần say men, say men,
Có ngọn lửa nào đang nhen, chơi vơi.

Em đẹp thế Pleiku ơi, Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi.
Không dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy.

Nhạc sỹ NGUYỄN CƯỜNG
*
Khi tôi còn rất bé chỉ khoảng 7, 8 tuổi, tôi có may mắn được gặp và nghe Nhạc sỹ Nguyễn Cường nói chuyện và biểu diễn những bài hát do ông phổ nhạc ở ngay tại gia đình mình. Khi đó bố mẹ tôi cứ khoảng 2 tuần, hay 1 tháng lại tổ chức những buổi liên hoan ca nhạc nhẹ ở ngay tại gia và mời bạn bè là các văn nghệ sỹ về để nói chuyện văn chương. Nhạc sỹ Nguyễn Cường là lớp đàn anh của bố mẹ tôi, khi đó đã khá nổi tiếng với các sáng tác về Tây Nguyên, buổi mạn đàm có nhạc sỹ để lại dấu ấn mãi trong tôi đến tận bây giờ. Hôm đó, nhạc sỹ đến ăn mặc giản dị, hơi bụi bặm một chút, đầu vẫn đội chiếc mũ cao bồi, khá giống với hình ảnh ông thường xuất hiện trên mặt báo, ông vừa hát vừa đánh đàn ghita 2 bài, một bài phổ nhạc cho bài thơ của bố tôi, và 1 bài rất nổi tiếng của ông “ĐÔI MẮT PLEIKU”.

Tuy chất giọng của nhạc sỹ hơi khàn, không được hay như các ca sỹ nhưng sức truyền cảm rất lớn, đến tận bây giờ vẫn lắng đọng trong hồn tôi tiếng hát say mê với lời bài hát “Đôi mắt Pleiku”, toàn bài hát chỉ có 4 câu và 2 câu điệp khúc:

Em đẹp thế Pleiku ơi, Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi.
Không dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy.

Nhạc sỹ Nguyễn Cường đã khắc hoạ tình yêu say đắm khi bất chợt bị hút vào đôi mắt sáng long lanh của cô gái Tây Nguyên. Mở đầu đã phải thốt lên: “Em đẹp thế Pleiku ơi”, cách ví von “đôi mắt Pleiku – Biển Hồ đầy” đã khiến nhiều người chú ý đến địa danh Biển Hồ của Tây Nguyên khi ca khúc này nổi tiếng. Ai đã từng biết đến Tây Nguyên sẽ không thể quên được nơi “có cái nắng, có cái gió, có cái đó…”

Những nét đặc trưng của Tây Nguyên được nhạc sỹ nhắc đến trong 4 câu của bài hát: hàng thông xanh, dòng Se San, hương rượu cần say men và hình ảnh ngọn lửa bập bùng không thể thiếu trong các buổi liên hoan của người dân tộc Tây Nguyên. Tất cả những nét đẹp đó đều ở trong Đôi mắt em. Đúng vậy, khung cảnh dù có đẹp đến đâu nhưng không có cái tình người trong đó thì chỉ là khung cảnh chết. Cảnh đẹp vì nó trong đôi mắt em mà em lại đẹp trong đôi mắt của người nghệ sỹ đa tình.

Nguyễn Cường là một người nghệ sỹ tài năng, ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng lại gắn bó với Tây Nguyên, hầu hết các tác phẩm của ông đều gắn với đồng bào Tây Nguyên và mang ân hưởng nhạc Tây Nguyên, ông thích nhạc Tây Nguyên vì nó mang nhiều nét riêng của âm nhạc Việt Nam. Sau này, trong dịp tổ chức 1000 năm Thăng Long Hà Nội, nhạc sỹ Nguyễn Cường đã rất thành công khi mang âm nhạc Tây Nguyên vào những điệu trống hào hùng góp phần cho buổi lễ kỷ niệm của Thủ Đô thêm long trọng và ghi được ấn tượng rất tốt với bạn bè Thế Giới về nền văn hoá đặc trưng của người Việt.

Quay lại buổi liên hoan ca nhạc, thơ phú hôm đó ở nhà tôi có sự góp mặt của nhạc sỹ Nguyễn Cường, khi đó tôi chỉ là cô bé con, đứng nép sau cánh cửa nghe “trộm” nhạc sỹ biểu diễn. Ông biểu diễn rất thoải mái, chỉ với 1 cây đàn ghita giữa các bạn bè văn nghệ sỹ, và có lẽ do có một chút men rượu nên hơi bốc. Tôi đã hình dung ra một Tây Nguyên rất gần gũi với Tây Nguyên sau này lớn lên tôi đã từng biết đến, nhưng bài hát “ĐÔI MẮT PLEIKU” thì chưa bao giờ tôi được nghe và có được niềm xúc động như khi chính nhạc sỹ Nguyễn Cường biểu diễn.

Minh Hien
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

78
ĐĂNG ĐẮNG TẦM XUÂN


Gói đầy hồn
lừng lựng dấu yêu
Nghe xuân biếc chảy tràn
môi má
Nghĩ về anh – nghĩ về anh
một mùa thơm rất lạ
Để đêm này… em chẳng phải là em

Hiện diện trong em
chàng trai miền cổ tích
Rực tài hoa toả sáng phía chân trời
Ánh mắt nhìn đau đáu buồn vui
Vòng tay ấm mênh mang đời hư thực

Nghĩ về anh – nghĩ về anh
bao điều không thể nói
Ẩn ức đầy hồn – ẩn ức vây quanh
Chỉ trái tim yêu rực lửa chân thành
Sao vằng vặc – đêm ùa về
bóng tối
Vì sao?
yêu người mà không thể nói?
Có phải… có phải là…
Thôi! chẳng nói đâu anh

Gói đầy hồn
lừng lựng dấu yêu
Bạt ngàn xanh – bạt ngàn khát vọng
Đêm chảy thành dòng
Đăng đắng tầm xuân…

Thạch Thảo
***************
*
Tình yêu có tự thuở hồng hoang của nhân loại nhưng muôn đời vẫn mới và không thể nào lý giải hết những lạ kỳ, uẩn khúc và huyền ảo của món quà tặng vô song này của Thượng đế. Có khi hiện hình như bão táp mưa sa, lắm lúc lại êm đềm như dòng suối nhỏ mỏng mảnh ngọt ngào, hiền hoà ẩn mình chập chờn trong thâm sơn cùng cốc của bẫy tình… Và cũng không ít lần mới ngó qua thấy mặt hồ tình phẳng lặng êm ru, có dè đâu phía tận cùng sâu thẳm của đáy lòng  những đợt sóng ngầm luôn đan chéo và giẫm nát trái tim nguyền…

Hương thầm nhưng chẳng thầm lặng tí nào qua nỗi lòng giông bão cuộn cuồn trong tâm hồn Nàng thơ THẠCH THẢO khi nghĩ về ai đó đã đánh thức ước nguyền xưa cũ, dìu tim về cõi bồng bềnh mênh mang vô định  để chợt thương mình khi ngậm ngùi ĐĂNG ĐẮNG TẦM XUÂN vì cứ ngập ngừng hoài trước ngưỡng cửa của mầm yêu…

Gói đầy hồn
lừng lựng dấu yêu
Nghe xuân biếc chảy tràn
môi má
Nghĩ về anh – nghĩ về anh
một mùa thơm rất lạ
Để đêm này… em chẳng phải là em

Như muốn hoà tan vào nhau trong nỗi dấu yêu *lừng lựng* khi nghĩ về người. Cuồn cuộn sóng tình giữa mê man đắm đuối chỉ một minh định duy nhất là dâng hiến tất cả biếc xuân nồng mặn này vào trong vườn yêu của người, cho đêm dài lộng lẫy đoá phù dung nhật nguyệt…

Hiện diện trong em
chàng trai miền cổ tích
Rực tài hoa toả sáng phía chân trời
Ánh mắt nhìn đau đáu buồn vui
Vòng tay ấm mênh mang đời hư thực

Để niềm mơ được biến thành hiện thực, để cổ tích bước thẳng vào đời, cho ánh sáng xuyên thấu của mắt người đốt cháy cả trời xuân, cho kỳ hoa dị thảo của hồn người phả đầy tâm tưởng mê ù và hoang dại... Và vòng tay ấm dịu nồng nàn siết…siết chặt… siết hoài mệnh kiếp của đời ta…

Nhưng… tất cả chỉ là mơ, vẫn mãi là cổ tích…

Nghĩ vê anh – nghĩ về anh
bao điều không thể nói
Ẩn ức đầy hồn – ẩn ức vây quanh
Chỉ trái tim yêu rực lửa chân thành
Sao vằng vặc – đêm ùa về
bóng tối

Dẫu trái tim xuân như núi lửa phun trào, dẫu biển tình réo gọi thuyền yêu, dẫu bao thôi thúc khát khao đốt cháy trong lòng, dẫu thời gian mong chờ ngóng đợi đã chín mùi qua tâm tưởng… mà sao chân cứ mãi ngập ngừng trước ngưỡng cửa địa đàng, không dám bước vào ủ kín trái cấm yêu thương chính giữa lồng tim cháy bỏng đam mê và khát khao hiến tặng?   

Vì sao?
yêu người mà không thể nói?
Có phải… có phải là…
Thôi! chẳng nói đâu anh

Cứ ngẩn ngơ lòng không hiểu vì sao, như mê dại đi trong rối bời của suy tưởng. Có hàng vạn lý do để giải thích nhưng cũng lắm khi chẳng biết bởi nguyên nhân nào ta lại chấp nhận nỗi thương đau cứ mãi dày vò tâm khảm này, để cứ phải ém lòng lại trong ngõ cụt thầm yêu – chỉ cần một mình ta biết rằng đang yêu người mênh mang trường cửu là quá đủ lắm rồi!

Và thật là xa xót đến chao lòng cho một hương thầm khi cố hết sức mình tự bịt kín đường đi của ngọn lửa khát vọng yêu thương đang âm thầm cháy bỏng!

Gói đầy hồn
lừng lựng dấu yêu
Bạt ngàn xanh – bạt ngàn khát vọng
Đêm chảy thành dòng
Đăng đắng tầm xuân…

HANSY
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

79
NHÀ THƠ


Bài này viết về nhà thơ. Những nhà thơ thật sự chân chính đừng nên nổi nóng khi đọc bài này. Còn ai cho rằng bài này nó “chửi” mình thì hãy tự nhủ: chắc nó trừ mình ra!

Trong các sự vụ văn nghệ những ngày gần đây, sự vụ Nhã Thuyên với tôi chỉ như một đêm ầm ĩ của đám ưng khuyển hò hét đòi bỏ rọ trôi sông một cô gái chửa hoang mà dư âm của nó rồi sẽ qua nhanh. Chính trị nào sinh ra văn hoá ấy chứ không có “phi chính trị” hay “phi văn hoá” nào cả. Có độc đoán chuyên quyền thì mới sợ giải trung tâm. Có duy tâm cuồng tín đến đua nhau buôn thần bán thánh thì mới sợ giải thiêng. Phải nói rằng, sự sợ hãi cùng cực của một nhóm lợi ích đã tự lột bỏ công khai chiếc mặt nạ của mọi sự nhân danh: duy vật, dân chủ…

Tôi, kẻ đang tự nguyện đứng trong hàng ngũ những người bảo vệ chủ nghĩa Marx, bảo vệ chế độ cộng sản mà cảm thấy xấu hổ lây. Lenin nói: Dốt cộng nhiệt tình bằng phá hoại. Mà sự nhiệt tình ấy lại là sự háo danh đến trơ trẽn. Lenin chỉ rõ, đó là một trong những thói kiêu ngạo cộng sản! Sự bảo vệ chế độ bằng phương pháp ấy khác nào tự phá huỷ!

Suy cho cùng, các giá trị đang bị bóp méo đến cùng cực, mặc dù Đảng và Nhà nước đang tìm mọi cách chỉnh đốn, cắt gọt cho vừa với khung khổ lí tưởng để bảo vệ lí tưởng.

Không thể không ghi nhận nỗ lực ấy của Đảng và Nhà nước, nhưng sự chỉnh đốn theo cách đẽo gọt, vo tròn như thời gian qua chỉ mang lại kết quả là gia tăng chiếc vỏ bọc cho những kẻ nhân danh mọi thứ giá trị để lừa bịp.

Không phải ngẫu nhiên mà chưa bao giờ như bây giờ, nhà thơ mọc lên như nấm. Hội Nhà văn trung ương có ngàn hội viên, trong đó có 2/3 là nhà thơ, trừ số ít nhà thơ có hạng, còn lại là loại nhà thơ làm thơ như xổ lãi, mỗi năm cho ra đời cả trăm tập thơ tốn tiền tỉ của dân để… tự sướng. Chưa tính hàng triệu nhà thơ ở các Hội tỉnh lẻ, không phấn đấu vào được Hội trung ương thì vào cái Câu lạc bộ Sáng tác nghệ thuật gì đó cũng được gọi là “trung ương” để có thể tự bỏ tiền ra in thơ, dù là thơ… đạo của tiền nhân!!!

Người ta đang phê phán và đòi bắt cái gã Chủ tịch Câu lạc bộ phi Nhà nước để kinh doanh thơ kia, nhưng theo tôi thì nên khuyến khích, và có lẽ đến lúc dùng nó thay cho cái Hội của ông Hữu Thỉnh được rồi. Lí do đơn giản. Thứ nhất, trong thời buổi kinh tế thị trường, có cầu thì có cung, người ta không thể lập danh bằng con đường nào khác thì cách dễ nhất là lập danh bằng con đường thơ, sao lại không cho phép cái gã Đăng Hạ, Chủ tịch Câu lạc bộ kia kinh doanh thơ? Với tư cách là nhà kinh doanh, ít nhất, anh ta khá nhạy ở chỗ nắm được tâm lý háo danh của một đám đông để làm giàu, đâu phải không chính đáng? Thứ hai, cái Câu lạc bộ này hoàn toàn tự thu tự chi, tự nuôi, tự vỗ béo, lời ăn lỗ chịu chứ có lấy của dân xu nào đâu. Nó chẳng hơn các Hội ăn bám – kí sinh khác ư?

Còn nếu không cho điều nói trên là có lí thì dẹp ngay cái trò thơ phú vớ vẩn trong lúc Nhà nước và Nhân dân có bao nhiêu việc cấp bách phải làm. Tôi không như GS Trần Đình Sử phải dùng nhã ngữ cho cái nghề của một hạng người, xin lỗi các nhà thơ chân chính, rất bẻm mép này đâu. Chẳng sang trọng, cũng chẳng cao quý chỗ nào. Tôi vẫn dạy cho sinh viên, rằng, đó là một “nghề” rất hèn. Không phải ngẫu nhiên mà các pho tượng điêu khắc cho nhà thơ đều mang dáng bó gối khom lưng. Chính đại thi hào Nguyễn Du nói chứ không phải ai khác, họ tồn tại chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh”. Tự nhận là tên hề của thời cuộc, bất lực chỉ biết làm thơ để mua vui, Nguyễn Du vì thế trở thành vĩ đại, khác với bọn làm thơ bây giờ, làm được vài ba bài vần vè, mặt mày vênh vang như vừa được cấp sổ đỏ là “nhà thơ”, ai phê cho một câu thì nhảy dựng lên rủa sả như kẻ chợ.

Nhà thơ lớn thường biết khiêm nhường, đúng ra họ tự biết mình là ai, dù là hèn nhưng nhân cách không mạt. Chỉ có kẻ thật hèn mạt do tự kỉ ám thị thì mới xưng xưng tự khen mình cao quý, sang trọng, hay tài giỏi. Nếu không chịu hèn mạt thì cứ thử một lần xem. Đang thanh bình thì đòi ăn trên ngồi trốc, có giặc đến thì cả bọn chạy mất dép, mặc dù suốt ngày leo lẻo cái mồm yêu nước, thương dân!?
Không phải ngẫu nhiên mà từ thời cổ đại, Solon đã gọi nhà thơ là người hay bịa chuyện, Plato đòi đuổi cổ nhà thơ ra khỏi vương quốc cộng hoà lí tưởng vì tội dối trá, xuyên tạc sự thật, còn S.Freud gọi họ thuộc con bệnh hoang tưởng, tâm thần phân liệt…

Và chính một trong những ông tổ của chủ nghĩa Marx là F.Engels trong Nguồn gốc của gia đình… gọi Anh hùng ca thời cổ đại chỉ là loại thơ đàng điếm của bọn đàn ông thời kì phụ quyền, chúng tự xưng anh hùng và viết lời tụng ca về những cuộc chiến tranh cướp bóc phụ nữ, nô lệ và tài sản, mà bản chất chẳng khác gì “sự hợp pháp hoá mại dâm và ăn cướp một cách thô bỉ”!

Nhà thơ rồi kéo theo nhà phê bình thơ ngày nay càng gia tăng cái chất đàng điếm. Thời buổi này ra đường gặp kẻ nào vênh vênh váo váo (để che đậy tư cách khom lưng) thì kẻ đó đúng là nhà thơ. Ton hót, nịnh nọt, chỉ điểm, kiêu ngạo, háo danh, rồi in thơ, in sách để thủ dâm trên mồ hôi nước mắt của dân, dùng uyển ngữ (chữ dùng của Văn Chinh) làm bùa phép sáng tạo để tiến thân và củng cố quyền lực. Họ có thứ ngôn từ ngợi ca nịnh nọt bề trên rất khéo, mà a dua, la hét, chửi bới những ai chê trách mình cũng giỏi.

Tóm lại, văn hoá xuống cấp chính là vũng lầy cho loại nhà thơ đàng điếm sinh sôi. Nhà thơ (và loại nhà phê bình ăn theo nó) thành loại “nhà” không chỉ không cần sổ đỏ mà còn không cần ống nhổ và công trình vệ sinh.

CHU MỘNG LONG
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

80
HÃY CHO ANH MỘT LẦN...


Hãy cho anh một lần được nói từ yêu
Mặc dòng trôi có muôn điều còn trở ngại
Bởi con tim đang từng giây khắc khoải
Cứ chực dâng trào niềm ái đắm phiêu linh

Hãy cho anh một lần được nghe thấy môi mình
Khe khẽ hát khúc tình ca anh hằng ấp ủ
Hình bóng em như ánh hào quang ngưng tụ
Tràn ngập vô cùng anh có làm chủ được đâu !?

Hãy cho anh một lần và anh chỉ nói một câu:
"Anh yêu em"
Chẳng mong cầu gì hơn nữa
Dù thế gian cho xẻ tim mình thành trăm ngàn mảnh vỡ
Anh cũng nguyện xin được một lần cho đôi lứa kết uyên ương

Hãy cho anh một lần được toả ánh rực rỡ như vầng dương
Sưởi ấm em qua kỷ băng hà đương còn lấn át
Anh có ngại gì đâu cuồng phong bão táp
Chỉ sợ người đời không hiểu cứ dẫm đạp lên niềm kiêu hãnh trong em

Này ! Ấy ơi !
Anh xin mãi là đêm
Để được ôm bờ vai em trong muôn trùng sóng bể
Cho vầng trăng kia canh dài không lặng lẽ
Và giấc mơ luôn đẹp đẽ giữa cuộc đời

Hãy cho anh một lần được nghe tiếng cười
Của trái tim em - của người đang thổn thức...

Dương Thuật
***********
*
Khát vọng yêu thương – Yêu và Được Yêu – thật vô bờ trong trái tim của lãng tử tình trường. Và khát vọng đó càng thăng hoa khi hiệp sỹ tình yêu muốn hiến dâng trọn vẹn trái tim mình để sưởi ấm và làm bừng nở hoa hạnh phúc trong một tâm hồn đang tổn thương và giá lạnh… Chúng ta cùng nghe thông điệp tình yêu vô cùng lãng mạn và đầy tình tự của tác giả DƯƠNG THUẬT qua HÃY CHO ANH MỘT LẦN... để cảm nhận men lòng sôi sục của một thi nhân đang chới với bên bến bờ xúc cảm.

Hãy cho anh một lần được nói từ yêu
Mặc dòng trôi có muôn điều còn trở ngại
Bởi con tim đang từng giây khắc khoải
Cứ chực dâng trào niềm ái đắm phiêu linh

Một từ YÊU thôi là đủ người ơi. Là đủ để mở khoá cho muôn vàn kết tinh lắng đọng trong hồn bấy lâu nay kể từ khi dáng hình ai đó đã lượn lờ qua tâm khảm. Một tiếng thôi được thốt lên rồi thì dù phong ba bão tố nghiệt ngã của giông đời, thì dù có phải chịu nhận bản án khắc nghiệt nhất của tình trường, ta vẫn cam lòng…

Hãy cho anh một lần được nghe thấy môi mình
Khe khẽ hát khúc tình ca anh hằng ấp ủ
Hình bóng em như ánh hào quang ngưng tụ
Tràn ngập vô cùng anh có làm chủ được đâu !?

Bởi khát vọng hoài mơ một tình yêu, một dáng hình luôn cháy rực trong hồn với bao hy vọng và khắc khoải đan xen, mộng mơ và dằn vặt… Bởi dáng hình người thương luôn lộng lẫy trong tia nắng bảy sắc cầu vồng, khiến cho ta nào điều khiển được tim mình!

Hãy cho anh một lần và anh chỉ nói một câu:
"Anh yêu em"
Chẳng mong cầu gì hơn nữa
Dù thế gian cho xẻ tim mình thành trăm ngàn mảnh vỡ
Anh cũng nguyện xin được một lần cho đôi lứa kết uyên ương

ANH YÊU EM – một cụm từ cũ rích có từ thuở hồng hoang của loài người – mà muôn đời vẫn luôn mới trong môi tình của hai kẻ yêu nhau. “Anh yêu em”, vâng, chỉ cần từng đó thôi là đủ. Là gom cả hoa-lá-trăng-sao-mây-nước… của vũ trụ, là hội tụ yêu thương-nhung nhớ-chất ngất-ngọt ngào… của mật ngọt tình yêu.

Hãy cho anh một lần được toả ánh rực rỡ như vầng dương
Sưởi ấm em qua kỷ băng hà đương còn lấn át
Anh có ngại gì đâu cuồng phong bão táp
Chỉ sợ người đời không hiểu cứ dẫm đạp lên niềm kiêu hãnh trong em

Hãy mở lòng nhé người thương để ánh dương được ngập tràn tâm khảm. Hãy chấp nhận tiếng yêu thương chân thành và ngào ngọt để giá băng thôi che phủ hồn người.

Để cuộc đời sẽ dậy tiếng hoan ca, mùa nho mọng sẽ toả lan trên thánh địa. Để mãi trong nhau dìu qua bao nẻo buồn vui phước hạnh, đạp lên giông bão để vĩnh viễn cập bến hoan tình.

Này ! Ấy ơi !
Anh xin mãi là đêm
Để được ôm bờ vai em trong muôn trùng sóng bể
Cho vầng trăng kia canh dài không lặng lẽ
Và giấc mơ luôn đẹp đẽ giữa cuộc đời

Và để điệp khúc – Hãy cho anh… - thôi luyến láy mãi hoài trong vành tim yêu thương như một lời van xin, khẩn cầu tinh tự ngọt ngào tràn đầy tinh thần dâng hiến đầy tội nghiệp, khiến nao lòng biết mấy, hỡi kẻ tình si nhuốm đẫm đam mê và thánh thiện!

Hãy cho anh một lần được nghe tiếng cười
Của trái tim em - của người đang thổn thức...

HANSY
15.00
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 8 trang (78 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] [7] ... ›Trang sau »Trang cuối