Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi một xâu cá mè.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè,
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi,
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.


Khảo dị:
Thằng Bờm cầm cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba chín trâu.
Bờm rằng: Bờm chẳng muốn trâu,
Phú ông xin đổi con hầu cầm roi.
Bờm rằng: Bờm chẳng muốn roi,
Phú ông xin đổi con voi chín ngà.
Bờm rằng: Bờm chẳng muốn ngà,
Phú ông xin đổi toà nhà gỗ lim.
Bờm rằng: Bờm chẳng muốn
lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng: Bờm chẳng muốn mồi,
Phú ông xin đổi cục xôi, Bờm cười.
Có bản còn chép thêm hai câu sau ở cuối:
Cười lên ba tiếng Bờm ơi,
Cười lên ba tiếng cho đời đắng cay.

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Phân tích bài ca dao Thằng Bờm và phát biểu cảm nghĩ

Tiếng cười trong văn học dân gian vô cùng phong phú và đa dạng. Có nụ cười mỉm, có tiếng cười hả hê. Có tiếng cười giễu cợt, châm biếm sâu cay. Có tiếng cười đả kích sắc nhọn… Thật là đủ cung bậc, biểu lộ tất cả thái độ ứng xử của nhân dân lao động trong cuộc đời. Tiếng cười là vũ khí chiến đấu tinh thần của những con người bị áp bức, nó tựa như làn roi quất vào mặt bọn thống trị xấu xa, đồi bại nhưng lúc nào cũng lên mặt đạo đức giả. Tiếng cười không chỉ để mua vui, xua tan tất cả ngột ngạt mà còn biểu thị một thái độ, một tâm thế của người lao động. Cho nên nó giàu chất trí tuệ, có giá trị vạch trần và tố cáo hiện thực xấu xa, thối nát của xã hội cũ.

Ngoài truyện tiếu lâm, truyện cười, văn học dân gian còn có nhiều bài ca dao trào phúng, hóm hỉnh, sâu sắc, thú vị. Bài “Thằng Bờm” là một ví dụ tiêu biểu. Nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan vừa xếp bài ca dao “Thằng Bờm” là một ví dụ tiêu biểu. Nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan vừa xếp bài ca dao “Thằng Bờm” vào loại ca dao trào phúng chống phong kiến mang ý nghĩa như một truyện ngụ ngôn độc đáo:

Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu.
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.
Cấu trúc của bài ca dao như một chuyện vui, dựng lại cuộc đối thoại, đổi chác đầy tính giễu cợt. Một bên là Phú ông, một bên là thằng Bờm. Phú ông là bọn nhà giàu nứt đố đổ vách trong nông thôn ngày xưa. Thằng Bờm thuộc tầng lớp khố rách áo ôm trong xã hội cũ. Trong ý niệm của người đời thì thằng Bờm không phải là loại người thông minh, sắc sảo, mà có chút gì đó hơi “ngớ ngẩn”. Vì thế câu chuyện được kể lại trong bài ca dao mang tính kịch một cách hóm hỉnh, hấp dẫn.

Câu đầu giới thiệu “Thằng Bờm có cái quạt mo”. Tám câu tiếp theo kể lại chuyện đổi chác giữa Phú ông và thằng Bờm. Câu cuối: cuộc đổi chác vừa ngã giá - Bờm cười!

Cái quạt mo thật không đáng giá một đồng kẽm, nó chỉ là chiếc quạt làm bằng mo cau, của người nghèo. Thế nhưng tại sao phú ông lại tha thiết đến thế? Tuổi ấu thơ, lần đầu tiếp cận với bài ca dao này, nhiều em bé cứ ngỡ là chiếc quạt mo của thừng Bờm là một báu vật, có nhiều phép lạ tựa như chiếc chìa khoá bằng vàng trong truyện cổ. Thế nhưng đâu phải, chiếc quạt mo vẫn chỉ là quạt mo mà thôi. Càng đọc, đi sâu tìm hiểu ta càng thấy thú vị.

Cuộc đổi chác kéo dài. Phú ông năm lần đem những tài sản quý giá nhất của tên nhà giàu để gạ đổi. Có điều vật đổi cứ bị giảm gía dần dần. Bọn nhà giàu nông thôn ngày xưa vốn keo bẩn và hách dịch. Phú ông cũng vậy thôi. Thế nhưng thái độ của hắn lại tỏ ra rất nhún nhường, trước sau vẫn cứ nài nỉ “xin đổi… xin đổi…”. Nghệ thuật liệt kê tiệm thoái được sử dụng tạo nên tình huống và tính kịch của cuộc đổi chác, đồng thời (gian) kín đáo hé mở tâm địa của Phú ông:
… Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu
… Phú ông xin đổi ao sâu, cá mè,
…Phú ông xin đổi một bè gỗ lim,
…Phú ông xin đổi con chim đồi mồi,
… Phú ông xin đổi nắm xôi…
Thông thường trong mua bán đổi chác bao giờ cũng “thuận mua, vừa bán”. Nếu bên bán chưa đồng ý với giá mua, thì người mua cứ trả giá tăng dần lên cho đến lúc ngã giá. Nhưng ở đây, Phú ông cứ giảm giá dần, giọng nói thì vẫn tha thiết, ngọt ngào “xin đổi”, ngược lại giá trị vật đổi từ “ba bò chín trâu” sau 5 lần “xin đổi” chỉ còn lại “nắm xôi” bé nhỏ! Thái độ của Bờm cũng rất lạ! “Ba bò chín trâu”, Bờm chẳng lấy! Ao sâu cá mè, một bè gỗ lim, con chim đồi mồi - Bờm cũng chẳng lấy! Thế rồi Bờm cười khi được Phú ông xin đổi nắm xôi… Phải chăng Bờm ngớ ngẩn, dại khờ trong cuộc đổi chác?

Bài ca dao “Thằng Bờm” ẩn chứa một nụ cười hóm hỉnh, một thái độ ứng xử sắc sảo của ngời dân cày Việt Nam. Trong cuộc đổi chác này, Phú ông hiện nguyên hình là một kẻ xấu xa, đê tiện. Rất tham lam, thấy người cùng kiệt có thứ gì cũng tìm đủ tất cả mánh lới mua chuộc, dụ dỗ, bòn rút. Cái quạt mo của thằng Bờm có giá trị gì mấy, thế mà hắn vẫn cứ khẩn khoản “xin đổi”!

Không chỉ có thế, Phú ông cứ ngỡ rằng thằng Bờm ngớ ngẩn nên đem của ra “dứ”. Thái độ hợm hĩnh, khoe giàu, khoe của, nhạo báng người cùng kiệt của Phú ông vừa bị thằng Bờm chơi cho một vố. “Bờm cười” đâu phải Bờm vừa đồng ý, cuộc mua bán ngã giá? “Bờm cười” đâu phải là người cùng kiệt tham ăn, lấy miếng ăn làm đầu, coi miếng ăn bằng trời “dĩ thực vi thiên”? Bờm “ngố” nên vừa coi nắm xôi to tát hơn, giá trị hơn “ba bò chín trâu… ao sâu cá mè…”? Bờm cứ nhởn nha, đủng đỉnh “Bờm rằng… chẳng lấy”. Bờm vừa “giăng bẫy”, Bờm chỉ lắc đầu “chẳng lấy” bời vì Bờm vừa hiểu rõ tâm địa của Phú ông – tên nhà giàu tham lam định gìơ trò loè Bờm, nhạo Bờm! Lúc đầu, người đọc, cứ tưởng Phú ông vừa lừa được Bờm, nhưng ai ngờ hắn vừa bị giễu cợt lại. Thật chẳng khác nào “kẻ cắp bà già gặp nhau” hay “vỏ quít dày vừa có móng tay nhọn” như dân gian vừa nói.

Bài ca dao “Thằng Bờm” còn đề cao triết lý sống của người nông dân: sống thiết thực, có đầu óc thực tế. Họ cũng như thằng Bờm không bị loá mắt trước núi của, trái lại họ tỉnh táo biết cái quạt mo không thể nào đổi được “ba bò chín trâu… con chim đồi mồi”. Nó chỉ đáng gía nắm xôi mà thôi! Bờm cười là vì thế! Trong mua bán, đổi chác phải ngang giá.

Cái hay, cái độc đáo của bài “Thằng Bờm” là ở tình huống bất ngờ. Người chiến thắng trong cuộc đọ trí không phải là người giàu, kẻ hợm của. Trái lại, người chến thắng là anh cu Bờm vừa nghèo, vừa “ngố”. Phú ông vừa bị Bờm giáng cho một đòn sâu cay. Tâm địa đen tối bản chất xấu xa của Phú ông vừa bị lật tẩy. Thằng Bờm tiêu biểu cho đầu óc thực tế, lối sống thiết thực, không ngoan, cách ứng xử kín đáo, thông minh, sắc sảo cảu nhân dân lao động.

Tóm lại, bài ca “Thằng Bờm” có giá trị nhân bản vì trước hết nó là tiếng cười dân gian, ca ngợi sự khôn ngoan, tỉnh táo của người lao động, đồng thời (gian) nó vừa vạch trần bộ mặt xấu xa, hợm hĩnh của bọn nhà giàu trong nông thôn ngày xưa. “Thằng Bờm” là tiếng cười dân gian chống phong kiến sáng giá nhất.

Bài ca dao gồm xó 10 câu lục bát được viết dưới hình thức đối thoại. Có hai nhân vật, hai lớp người giàu, cùng kiệt trong xã hội phong kiến. Nhà thơ dân gian vừa sử dụng biện pháp điệp từ, điệp ngữ, phép liên hoàn và liệt kê tiệm thoái để làm nổi bật nghịch lý trong cuộc đời và tình huống hấp dẫn trong câu truyện. Ngôn ngữ thơ bình dị nhưng nội dung tư tưởng hàm chứa trong câu truyện. Ngôn ngữ thơ bình dị nhưng nội dung tư tưởng hàm chứa trong bài ca dao khá sâu sắc. Một cách ứng xử đẹp. Một triết lý sống lành mạnh, hồn nhiên. Tiếng cười trong bài ca dao “Thằng Bờm” là tiếng cười hài hước, vui vẻ. Nó vẫn rất cần cho cuộc sống, tựa như cơn gió mát thổi vào tâm hồn mỗi chúng ta. Nhân dân lao động vừa ký thác bao tình ý, ước mơ vào bài ca dao này. Tiếng ru của mẹ, của bà không thể thiếu tiếng võng kẽo kẹt, không thể vắng bóng bài ca “Thằng Bờm”. Kỳ diệu thay ca dao, dân ca Việt Nam.

tửu tận tình do tại
45.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Cảm nhận về bài ca dao Thằng Bờm

Trong kho tàng ca dao Việt Nam, Thằng Bờm là bài ca dao rất phổ biến, có lẽ trẻ già, bé lớn đều thích, đều thuộc. Mỗi người có sự cảm thụ khác nhau về cái hay của bài ca dao độc đáo này. Dưới đây xin được góp thêm một cách cảm nhận về bài ca dao Thằng Bờm.

Bài ca dao ra đời trong xã hội phong kiến, phản ánh những mâu thuẫn giữa bọn địa chủ bóc lột và người nông dân nghèo khổ. Và Thằng Bờm không thể hiểu đơn giản là một đứa bé nhà quê mà là hình ảnh tượng trưng cho cách ứng xử của người nông dân xưa với bọn phú ông gian xảo. Thằng Bờm mang dáng dấp một truyện ngụ ngôn, chứa đựng triết lí sống của người nông dân trong xã hội phong kiến.

Ngày ấy,giai cấp thống trị, bóc lột luôn xem người nông dân khờ dại và ngu dốt, rất dễ bị bắt nạt, lừa gạt. Nhưng qua bài Thằng Bờm, cha ông ta đã minh chứng cho điều ngược lại. Họ có thể là thiếu tiền, thiếu học nhưng không hề thiếu vốn sống, thiếu sự khôn ngoan, thông minh trong ứng xử với bọn Phú ông.

Đọc Thằng Bờm ta như nghe một câu chuyện vui đầy kịch tính.

Nói đến thằng Bờm, ta dễ liên tưởng đến một đứa bé con nhà nông dân, một đứa bé hồn nhiên chất phác. Thằng bé chỉ có một món tài sản thô sơ, quê mùa, chỉ là cái quạt mo, nhưng là thứ cần thiết và đắc dụng trong mùa hè. Trẻ em khi đọc bài này, nhiều em cứ ngỡ cái quạt ấy là cái quạt thần, quí báu lắm. Nhưng thật ra, đó chỉ là cái quạt mo cau bình thường - mà mo cau thì rụng đầy đường làng ngõ xóm. Rất dễ dàng làm cái quạt mo nếu chịu bỏ ra chút công sức. Nhưng Phú ông thì muốn có mà không muốn bỏ ra công sức. Bọn chúng có muốn chừa cho người nghèo cái thứ gì! Hành động xin đổi của phú ông chính là thực hiên âm mưu chiếm đoạt ấy.

Hãy thử tưởng tượng, trong một buổi trưa oi nồng, thằng Bờm ngồi phe phẩy quạt mo dưới bóng tre xanh, thật mát mẻ và khoan khoái! Tình cờ lão Phú ông đi ngang, và thấy, và thèm muốn cái quạt, thế là lão nảy ra ý định chiếm lấy cái quạt của thằng bé. Chắc lão nghĩ rằng, lừa một thằng bé mà có khó gì. Lão đã chẳng lừa được bao nhiêu người khôn ngoan khác trong đời lão rồi đấy thôi. Vậy là lão lên tiếng:

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Phú ông đã dùng vật chất để dụ dỗ lòng tham của Bờm. Hắn quá biết rằng “Dưới cái mồi thơm tất có con cá chết”. Nhưng rồi hắn ngỡ ngàng. Thằng Bờm đâu dễ bị lừa gạt. Cái mồi thơm “Ba bò chín trâu” ấy không làm Bờm mê đắm. Nó cũng học được lời răn dạy cuả cha ông, đừng nên “thả mồi bắt bóng”. Vì thế Bờm đã lắc đầu và trả lời bằng một câu nói nhỏ nhẹ mà dứt khoát:
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu.
Lão Phú ông chắc đã tưng hửng vì bất ngờ. Nhưng lão đâu có chịu thua, lão khôn róc đời, không dụ được cái này, thì ta dụ cái khác, thế nào mà chẳng có cái làm thằng bé mê tít:
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Nhưng rồi sau bốn lần thả câu, món mồi cứ thay đổi ngày càng ít hơn nhưng cụ thể hơn, thiết thực hơn mà thằng
Bờm vẫn thản nhiên lắc đầu:
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi.
Hãy tưởng tượng cái vẻ ung dung, có dáng bề trên của Bờm và cái vẻ xun xoe, ngon ngọt của kẻ dưới là phú ông mà thấy hả hê vì sự chín chắn, khôn ngoan của nó. Phú ông lúc này vẫn kiên nhẫn,vẫn nhún nhường, nài nỉ, xin đổi cho bằng được cái quạt mo.

Ở đây đã có sự đổi vai, Thằng Bờm nghèo khổ đang đứng trên mà chọn lựa mà quyết định cái mình muốn, nó có quyền lắc đầu từ chối, có quyền cho lão nhà giàu một bài học cay đắng: Không phải có tiền là mua được tất cả. Tưởng tượng đến cái mặt tiu nghỉu vì thất bại của hắn mà xem, thật đáng thương hại!

Rõ ràng Bờm đâu có ngu ngốc. Nó không đổi cái quạt mo nhỏ bé mà nó đang có, đang hiện hữu trên tay, lấy cái lớn hơn, quí giá hơn mà xa ngoài tầm tay bởi vì nó học được bài học của cha ông “Tham thì thâm”.

Thế là sau bốn lần xin đổi, Phú ông cũng không thể gạt được thằng Bờm. Lần này lão khôn ngoan hơn, lão chuyển sang xin đổi một thứ thiết thực, cụ thể hơn đối với nó:
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.
Nụ cười của Bờm mới đẹp làm sao. Xin đừng nghĩ rằng mọi việc đã ngã ngũ, Bờm đã đồng ý chịu đổi. Bờm chỉ cười thôi mà.

Bờm cười. Nụ cười ấy chứa đựng điều gì? Phải chăng Bờm thú vị vì đã dồn ép được lão Phú ông. Không cho hắn nói những điều dối trá thường ngày, phải trở về với cách nói chân thật của người nông dân. Phải trả sự vật trở về với giá trị thật của nó. Cái quạt mo chỉ đáng giá với cái nắm xôi. Đó là sự trả giá nghiêm túc và sòng phẳng, có thể chấp nhận được.

Xin hãy đọc lại bài ca dao:
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.
Xin hãy giữ lại nụ cười của thằng Bờm trong tâm hồn chúng ta để mà hả hê, mà thán phục, mà quí trọng một bài học ngụ ngôn của cha ông ta gửi cho con cháu đời sau qua bài Thằng Bờm: Hãy sống đơn giản và chân thật, đừng tham lam thả mồi bắt bóng mà bị bọn gian ác, xấu xa lừa gạt. Bài học ấy hẳn vẫn còn giá trị trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay!


Nguyễn Bá Phiếu
tửu tận tình do tại
54.80
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Thử tìm hiểu ý nghĩa bài ca dao “Thằng Bờm” bằng lý thuyết giao tiếp

1. Bài ca dao “Thằng Bờm” như sau:

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi cục xôi Bờm cười.
Đây có thể được xem là một trong số những bài ca dao hay nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Chỉ là một câu chuyện kể bằng thơ, vậy mà nó có “sức sống lạ kỳ” [4, tr.6], vượt qua thử thách khắc nghiệt của thời gian, gây ra những cuộc tranh luận, làm tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, trong các công trình của những học giả đi trước chưa có ai tìm hiểu, lí giải bài ca dao này từ góc nhìn của lí thuyết giao tiếp. Bài viết của chúng tôi thử tìm hiểu bài ca dao “Thằng Bờm” từ góc độ của lí thuyết này.

2. Lí thuyết giao tiếp chỉ ra rằng: trong quá trình giao tiếp thường tồn tại những nhân tố cơ bản sau:

2.1. Nhân vật giao tiếp:

“Nhân vật giao tiếp là những người tham gia vào một cuộc giao tiếp bằng ngôn ngữ, dùng ngôn ngữ để tạo ra các lời nói, các diễn ngôn và qua đó mà tác động lẫn nhau” [2, tr15].

Trong một cuộc giao tiếp thường có sự phân vai: vai người phát ra diễn ngôn (người nói) và vai người tiếp nhận diễn ngôn (người nghe), giữa người nói và người nghe thường có sự đổi vai, người nói sau khi thực hiện xong lượt lời của mình thì chuyển thành vai nghe và ngược lại.

Thực ra trong giao tiếp việc nhận diện người nói và người nghe đích thực không phải là điều đơn giản. Chẳng hạn, có một phát ngôn của thầy giáo nói với một học sinh có tên là Nam như sau:

Thầy giáo:

- Nam báo với Hùng mẹ bạn ấy bảo về nhà ngay.

Phát ngôn trên có quan hệ với bốn nhân vật: thầy giáo, Nam, Hùng và mẹ của Hùng. Trong đó, thầy giáo là người nói trực tiếp, Nam là người nghe trực tiếp, nhưng người nói thực sự là mẹ Hùng và người nghe thực sự là Hùng. Nội dung mệnh đề: “…bảo về nhà ngay” không phải là thầy giáo tạo ra và Nam cũng không phải là người thực hiện nó. Nam chỉ có trách nhiệm nói lại với Hùng nội dung đó theo yêu cầu của thầy giáo mà thôi. Như vậy, trong trường hợp này, mẹ Hùng là nguồn phát (chủ ngôn), Hùng là nguồn nhận (đích ngôn) còn thầy giáo chỉ là thuyết ngôn, và Nam chỉ là tiếp ngôn (xem thêm: 5, tr250 – 256).

2.2. Nội dung giao tiếp:

Nội dung giao tiếp là điều được nói ra trong phát ngôn. Nội dung giao tiếp có thể có một trong hai ý nghĩa sau đây:

+ Nội dung thông tin:

Nội dung thông tin hay còn gọi là nội dung sự việc, nội dung miêu tả. Nội dung này được hình thành do mối quan hệ giữa phát ngôn và hiện thực được nói tới. Nó thực hiện chức năng thông tin của hội thoại. Nó thuộc lĩnh vực của nghĩa học, của tín hiệu học và có thể bị quy định bởi tính đúng sai logic.

+ Nội dung liên cá nhân:

Nội dung liên cá nhân là những nội dung liên quan tới các chức năng giải trí, bộc lộ, tạo lập mối quan hệ, hành động…. Nội dung này không thể đánh giá theo tiêu chuẩn đúng sai logic. Đây là phần nội dung thể hiện các mối quan hệ đan xen phức tạp giữa các nhân vật trong giao tiếp.

2.3. Đích giao tiếp:

Trong một cuộc giao tiếp, người nói bao giờ cũng có ý định hay mục đích cụ thể thông qua thành tố nội dung của phát ngôn, gọi là đích giao tiếp “Nói một cách tổng quát, diễn ngôn có đích tác động” [2, tr37]. Thông qua giao tiếp, người nói “có thể làm thay đổi trạng thái nhận thức của nhau. Đó là đích thuyết phục” [2, tr37]. Người nói “có thể làm thay đổi trạng thái cảm xúc, tình cảm của nhau. Đó là đích truyền cảm” [2, tr37]. Người nói “có thể thúc đẩy nhau hành động. Đó là đích hành động” [2, tr37]. Đích thuyết phục của giao tiếp do thành tố nội dung thông tin đảm nhiệm. Đích truyền cảm và hành động do thành tố nội dung liên cá nhân đảm nhiệm.

3. Trở lại với bài ca dao “Thằng Bờm”:

Xưa nay khi tìm hiểu, phân tích bài ca dao này, đã có những cách hiểu khác nhau. Theo tác giả Hoàng Tiến Tựu thì: “phần lớn những bất đồng ý kiến xuất phát trực tiếp từ cách lí giải và nhận thức không giống nhau về một câu cuối cùng, đặc biệt là về từ cuối cùng của bài ca dao này: Phú ông xin đổi cục xôi Bờm cười” [6, tr157]. Từ đó hình thành hai cách hiểu khác nhau:

Cách thứ nhất cho rằng: Bờm “cười” là biểu thị sự đồng ý tán thành, ưng thuận. Và từ đó đẻ ra hai cách lý giải khác nhau về nhân vật Bờm. Người thì khen Bờm là đúng, là tốt, là thiết thực, tỉnh táo, khôn ngoan. Do đó coi Bờm là nhân vật tích cực, chính diện. Người lại cho Bờm ưng thuận đổi quạt mo lấy nắm xôi là thấp kém thiển cận thậm chí là “tham ăn”, khờ dại, không hiểu biết gì. Do đó coi Bờm là nhân vật phản diện, tiêu cực đáng phê phán.

Cách thứ hai cho rằng: Bờm “cười” là biểu thị sự phê phán không tán thành. Và như thế là Bờm thông minh hóm hỉnh, chẳng những không bị lão phú ông phỉnh phờ, lừa gạt mà còn làm cho lão bị bẽ mặt bằng cái cười mỉa mai tinh nghịch và đắc thắng. Do đó coi Bờm là nhân vật chính diện, phú ông là nhân vật phản diện đáng cười”.

Những cách hiểu khác nhau như vậy không phải là không có lí, nhưng chưa đặt bài ca dao trong hoàn cảnh giao tiếp đích thực của nó. Đặt bài ca dao dưới ánh sáng của lí thuyết giao tiếp chúng ta nhận thấy:

Người nói và người nghe trong cuộc giao tiếp này là tác giả dân gian với người nghe (người đọc) chứ không phải là phú ông hay Bờm. Mặc dù, bài ca dao miêu tả những cuộc gạ đổi chác giữa phú ông và Bờm. Nghĩa là phú ông và Bờm là một trong những thành tố cấu thành nội dung được đề cập của bài ca. Như vậy, dùng lại ở việc lí giải nhân vật Bờm và phú ông là tích cực hay phản diện theo chúng tôi chưa đề cập đến mục đích giao tiếp của bài ca này.

Nội dung được đề cập ở trong bài ca là một cuộc gạ gẫm đổi chác của phú ông để lấy bằng được cái quạt mo của Bờm. Và toàn bộ bài ca dao là một câu chuyện bằng thơ, trần thuật lại quá trình gạ gẫm đổi chác ấy.

Phú ông và Bờm là hai con người khác nhau về mặt trí tuệ, đẳng cấp. Phú ông thuộc tầng lớp giàu có, địa chủ của xã hội Việt Nam xưa chuyên thống trị và bóc lột dân lành, Bờm thuộc tầng lớp nông dân nghèo bị bóc lột. Bờm là kẻ ngu dốt (theo quan niệm của dân gian) còn phú ông là kẻ khôn ngoan. Là một người giàu có khôn ngoan, nhưng phú ông lại làm một việc trái với lẽ tự nhiên: cố ý nài nỉ “xin đổi” những sản vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao (ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, ba bè gỗ lim, con chim đồi mồi), để lấy một vật tầm thường không có giá trị là bao nhiêu như cái quạt mo. Rõ ràng trong cuộc đổi chác này, phú ông chắc chắn sẽ có ý đồ gì đây, chứ không có thiện chí đổi chác thực sự. Nghĩa là những hành vi giao tiếp của phú ông là không chân thực. Nhận thức được ý đồ của phú ông, Bờm đã từ chối thẳng thừng: “Bờm chẳng (trong tiếng Việt từ “chẳng” biểu thị một sự phủ định triệt để và dứt khoát hơn từ không). Không đạt được mục đích trong cuộc thương thuyết, phú ông thay đổi chiến thuật “xin đổi cục xôi”. Tỉ giá đổi chác lần này có vẻ ngang bằng (cục xôi = quạt mo) nhưng thực chất đây chỉ là sự tráo trở” - bởi lẽ động cơ lúc đầu không thật thì về sau cũng chẳng tử tế gì, nhất là sau bốn lần lừa phỉnh không thành. Lần này, nhận biết rõ thủ đoạn của phú ông Bờm chỉ “cười”. Nụ cười của “Bờm” ở đây có thể được xem là một hành vi từ chối gián tiếp1. Hành vi này vừa giữ được thể diện cho phú ông, vừa “cho phép” phú ông chủ động kết thúc hành vi lừa phỉnh. Theo chúng tôi, nụ cười của Bờm lúc này thật hóm hỉnh. Bởi lẽ, trong bốn cuộc đổi chác đầu tỉ giá không ngang bằng Bờm từ chối thẳng thừng, phú ông có phật ý thì cũng có lí do để mà giải thích (giá trị của những sản vật lớn quá nên không dám). Lần thứ năm này, sau bốn lần gạ gẫm không đạt mục đích, phú ông lại đưa ra một tỉ giá ngang bằng, thiết thực. Một người có vị thế có quyền lực cao hơn Bờm đưa ra hành vi đề nghị đổi chác nếu Bờm từ chối thẳng sẽ không có lợi cho mối quan hệ liên nhân của Bờm. Hiểu rõ điều đó Bờm đã lựa chọn cách từ chối gián tiếp bằng hành vi “cười”. Bờm cười cũng có nghĩa là nhân dân lao động cười. Họ cười một phú ông tham lam xảo quyệt chuyên lừa phỉnh dân lành, cười một anh Bờm ngốc ngếch, khờ khạo thế mà không mắc lừa phú ông. Hơn nữa, như trên đã nói Bờm vốn bị xem là kẻ ngu dốt còn phú ông là kẻ không ngoan. Vậy nên, bỗng một hôm nào đó Bờm “khôn lên đột xuất” thì khen Bờm mới là việc đáng nói chứ không ai khen “phò mã tốt áo” cả.

Như vậy, đích giao tiếp trong bài ca dao “Thằng Bờm” theo cách hiểu của chúng tôi, là tác giả dân gian đả kích phú ông tham lam xảo quyệt, khen Bờm “khờ khạo thế mà khôn”, nhằm tạo nên tiếng cười hả hê sảng khoái.

4. Trên đây chỉ là những thể nghiệm và theo chúng tôi, vận dụng lí thuyết giao tiếp để tìm hiểu và lí giải ý nghĩa đích thực của tác phẩm văn học nói riêng (đặc biệt ca dao dân ca), diễn ngôn nói chung là cần thiết, hứa hẹn đem lại những kết quả thú vị.


Cao Xuân Hải

Tài liệu tham khảo
1. Diệp Quang Ban – Giao tiếp, văn bản, mạch lạc, liên kết, đoạn văn, NXB KHXH, Hà Nội, 2003.
2. Đỗ Hữu Châu - Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001.
3. Nguyễn Đức Dân - Ngữ dụng học, tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.
4. Nguyễn Xuân Đức - Về bài ca dao thằng Bờm (in trong Những vấn đề lí thuyết lịch sử văn học và ngôn ngữ), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001.
5. Mak Hallday - Dẫn luận ngữ pháp chức năng (Hoàng Văn Vân dịch), NXB ĐHQG Hà Nội, 2004.
6. Hoàng Tiến Tựu – Bình giảng ca dao, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996.
7. Vũ Ngọc Phan - Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội, 1978.
8. Hoàng Phê (chủ biên) - Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1998.
tửu tận tình do tại
33.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Một cách hiểu bài ca dao “Thằng Bờm”

Bài ca dao Thằng Bờm lâu nay vẫn được giới nghiên cứu văn học và tiếp cận từ góc nhìn quan hệ trao đổi vật thể không ngang giá để đi đến nhận xét về tính gàn dở hay tâm lý thiết thực, thiển cận của Bờm - đại diện cho con người tiểu nông. Chúng tôi cho rằng góc nhìn này là dễ dãi và chưa thoả đáng vì nó dừng lại ở bên mặt sự vật và hiện tượng, chưa cho phép ta khám phá những đặc trưng văn hoá mang tính bản sắc trong thái độ của Bờm và của Phú ông. Trong bài viết này, chúng tôi thử đề xuất một cách nhìn mới, một cách đánh giá khác về bản chất văn hoá của cuộc thương lượng thú vị này.

I - Cái quạt mo - một siêu giá trị

Khi nghe nói đến Cái quạt mo, ta thường nghĩ ngay đến giá trị sử dụng bé nhỏ của nó, bé đến mức gần như vô giá trị. Vô giá trị vì nó sẵn quanh ta trong môi trường xã hội nông nghiệp, nó là vật phế thải của thiên nhiên mà người nghèo đến đâu cũng có. Vì thế, khi Phú ông đem những vật có giá trị sử dụng lớn như ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, một bè gỗ lim,v.v ra đổi, ta thấy phi lý buồn cười. Ta cười là bởi vì ta chỉ nhìn cái quạt mo của Bờm và trâu, bò, gỗ, cá... của Phú ông như những giá trị sử dụng có thể cân, đo, đong, đếm và sử dụng vào sản xuất hay sinh hoạt. Nhưng nếu như ta nhìn những thứ này như những đối tượng văn hoá - những kỷ vật, những biểu trưng... thì ta sẽ thấy đồng cảm với Bờm trong sự kiên định giữ lấy cái quạt mo, giữ bằng mọi giá.

Thực ra thì cuộc trao đổi có vẻ phi lý và hài hước đã và đang diễn ra trên thị trường văn hoá phương Tây. Chúng ta chẳng bật cười khi thấy người ta đấu giá trả đến mấy triệu đô-la để mua một cái khuy áo hay một kỷ vật của danh hài nào đó? Ta bật cười vì ta còn mang cái nhìn thực dụng tiểu nông, chưa hiểu siêu giá trị của cái sản phẩm văn hoá và chưa hiểu siêu lợi nhuận của ngành kinh doanh văn hoá. Các nhà tỷ phú chẳng dại gì ném tiền qua cửa sổ. Họ bỏ tiền ra để mua một kỷ vật của bác học Einstein hay Công nương Diana nếu không phải để nâng cấp bộ sưu tập hay bảo tàng của mình thì cũng để nâng cấp văn hoá và quyền lực đầu tư của mình nhằm tới một cái đích vô giá. Phú ông trong bài ca dao Thằng Bờm cũng vậy thôi - ông ta tìm mọi cách mua cho được “cái quạt mo” không phải vì ngớ ngẩn, hay tham lam mù quáng như nhiều người đã phân tích, mà vì hắn muốn sở hữu cái quạt mo - biểu tượng của nhân vật Bờm, bản ngã văn hoá của Bờm. Bài ca dao chỉ nói thằng Bờm có cái quạt mo không nói nguồn gốc và tính chất của cái quạt mo này. Nhưng không loại trừ cái quạt mo là một kỷ vật thiêng liêng của cha ông để lại, hay một chiến lợi phẩm từ sự thất bại nhục nhã của Phú ông trong thuở hàn vi mà Phú ông muốn phi tang. Và dù cho cái quạt mo ấy chỉ là một vật dụng bình thường mà Bờm quyết giữ, thì nó cũng mang chứa đặc trưng nhân cách của Bờm, tước đoạt được nó là tước đoạt được một cách tượng trưng ý chí và bản lĩnh kiên định của Bờm, và biết đâu đó lại là cách Phú ông dùng của cải khuất phục được tên nông dân nổi danh cứng đầu cứng cổ, từ đó khuất phục số đông? Nghĩa là, cái quạt mo không còn là cái quạt mo - nó chính là biểu trưng của nhân cách, lịch sử và ý chí. Nỗ lực của Phú ông thực chất là nỗ lực tước đoạt bản ngã văn hoá của những nông dân nghèo khó như Bờm.

Nếu là cuộc trao đổi thực dụng thì Phú ông không thể đấu giá với chính mình theo cách kỳ quặc như ta đã thấy. Phú ông tự đặt ra giá cao rồi giảm dần xuống từ ba bò chín trâu, hạ xuống nắm xôi. Đó không phải là lôgic đấu giá hay mặc cả. Đó là lôgic của tiếp biến văn hoá. Phú ông đổi từ ba bò chín trâu sang ao sâu cá mè rồi sang một bè gỗ lim không phải là sự hạ giá hay đổi thay giá trị trao đổi, mà chỉ là một cuộc trình diện cụ thể rất khác nhau về ý nghĩa và giá trị trong tương quan văn hoá.

Trong tư cách là những vật cụ thể thì những vật trao đổi Phú ông đưa ra là bình đẳng về giá trị trong tiêu chí cảm tính của người Việt. Thái độ cụ thể là một thái độ khá đặc trưng của người Việt - cùng là một nắm xôi, một miếng ăn, nhưng đặt trong thời gian và không gian cụ thể nó mang các giá trị khác nhau miếng khi đói bằng gói khi no, miếng giữa làng bằng sàng giữa chợ, lời chào cao hơn mâm cỗ, miếng ăn là miếng nhục, đánh nhau chia gạo chào nhau ăn cơm,v.v. Với người Việt không có một công thức chung cứng nhắc, giáo điều hay một thứ cẩm nang bảo bối! Nội dung tính chất, giá trị của sự vật được người Việt kiểm chứng trong các quan hệ cụ thể, để “tuỳ”, “lựa”, “liệu” rất linh hoạt và linh ứng. Từ tâm thức văn hoá đó đẻ ra cách mặc cả kỳ quái như của Phú ông, đem cái cụ thể này đổi lấy cái cụ thể khác để kiểm chứng nhu cầu cụ thể của Bờm. Nói Phú ông tiếp biến văn hoá là theo nghĩa đó. Song, sự tiếp biến văn hoá của Phú ông không hề là sự hạ cấp giá trị trao đổi. Xét từ góc độ giá trị văn hoá và sự tôn trọng thì cách thoả thuận của Phú ông là ngày càng đưa Bờm lên một bậc giá trị cao hơn. Nếu như ba bò chín trâu là tư liệu sản xuất, thì ao sâu cá mè là thực phẩm, bè gỗ lim là vật liệu xây dựng, chim đồi mồi là thú ăn chơi đài các và nắm xôi là đồ thờ cúng, là thức ăn lễ Tết. Rõ ràng là qua cách đổi thay vật trao đổi, Phú ông vừa tiếp thị văn hoá, vừa nâng cấp thân phận của Bờm. Lúc đầu Bờm chỉ được Phú ông coi là kẻ vai u thịt bắp, cày ruộng chăn bò hay là kẻ lái trâu, sau đó Bờm được coi như con người, đã đến lúc lo việc xây dựng cơ ngơi, rồi lại nâng cấp Bờm lên con người biết ăn chơi đài các như ai, và cuối cùng mức cao nhất là nâng Bờm lên một người ăn thức ăn thanh cảnh trong lẽ Tết. Lôgic cư xử của Phú ông là ngày càng tỏ ra coi trọng Bờm, lịch sự với Bờm, đặt Bờm xa dần những tương quan vật chất thô lậu để đưa Bờm vào cương vị quý tộc có chim đồi mồi và biết quý nắm xôi hơn cả trâu bò, nhà cửa. Nghĩa là, bằng sự mặc cả theo lôgic nâng cấp thân phận, nâng cấp giá trị văn hoá đó, Phú ông đã giải phóng Bờm khỏi thân phận nông dân trong các quan hệ kinh tế sản xuất để đưa Bờm vào không gian văn hoá, môi trường giá trị văn hoá. Và nếu như ta đã từng bán nhà, bán cửa, bán trâu bò để giành lấy một thanh danh, một “miếng giữa làng” thì sao Bờm lại không thể đổi quạt mo lấy nắm xôi kia, nhất là khi nắm xôi được đưa ra trong tư cách phủ định trâu bò, nhà cửa?

II - Nụ cười của Bờm, một bản lĩnh nước đôi

Khả năng giải mã một văn bản là vô tận và mỗi cách tiếp cận, lại có nhiều góc nhìn khác nhau, mỗi góc nhìn khác nhau lại có nhiều công cụ và thao tác khác nhau.

Khi giải mã lôgic trao đổi giữa Phú ông và Bờm theo hướng tìm kiếm một lôgic văn hoá như đã trình bày ở phần trên, chúng tôi mong mã số mới này bao quát cả nụ cười của Bờm ở câu cuối của bài ca dao. Nhưng với một sự thận trọng cần thiết, chúng tôi muốn phân tích sâu nụ cười nước đôi, đi vào hai hướng khác nhau giả định hai ý nghĩa khác nhau để đi đến kết luận rằng: nụ cười của Bờm là chấp thuận hay từ chối thì lôgic ngầm đã phân tích ở phần trên vẫn không sụp đổ.

1. Nụ cười chấp thuận.

Theo lô gíc thông thường vì được nâng giá văn hoá và được cải thiện thân phận qua những lần Phú ông mặc cả, Bờm cười và chấp thuận. Nụ cười của Bờm đã được hầu hết các nhà phân tích coi là nụ cười chấp thuận, nhưng lại nói bản chất sự chấp thuận này là cái nhìn thiết thực thiển cận. Theo hướng giải mã của chúng tôi thì nụ cười này của Bờm lại là nụ cười chiến thắng, nụ cười của kẻ mạnh vì Bờm đã được Phú ông liên tục “xin đổi” một cách năn nỉ và trân trọng, hơn thế nữa ngày càng đưa ra những vật đổi thanh cao. Quá trình thay vật trao đổi cũng là quá trình thanh cao hoá, tượng trưng hoá và song song với nó là quá trình Phú ông từ chỗ huênh hoang, cậy của trở thành kẻ thành tâm. Như vậy là Phú ông lại xoay như chong chóng trước một cái lắc đầu duy nhất của Bờm và cuối cùng phải thay đổi thái độ. Đó là sự chiến thắng của Bờm. Sự chiến thắng này là chiến thắng về văn hoá, vì trong quan hệ quyền lực và quan hệ cạnh tranh kinh tế không thể có chuyện kẻ mạnh về gạo bạo về tiền như Phú ông phải xoay xoả năn nỉ Bờm như thế. Chỉ có thể hiểu sự bất lực cay cú của Phú ông từ góc nhìn văn hoá. Khát vọng chinh phục, khát vọng đồng hoá là một khát vọng không dễ gì thoả mãn bằng tiền của và bạo lực. Sự kiên định bản ngã văn hoá tạo nên sức mạnh “phú quý bất năng di” của những người nông dân nghèo khổ. Suy rộng ra sự kiên định của Bờm cũng chính là sự kiên định của bản lĩnh văn hoá kiểu Việt Nam.

2. Nụ cười từ chối

Nụ cười của Bờm nếu hiểu là nụ cười từ chối thì lôgic văn hoá của cuộc trao đổi vẫn không vì thế mà bị sụp đổ, trái lại được khẳng định rõ hơn. Bờm vẫn có thể từ chối một ngôi vị văn hoá càng ngày càng cao mà Phú ông đã đưa tới cho Bờm vì bản lĩnh của Bờm là một tự do bên ngoài những liên kết ấy. Khát vọng của Bờm chỉ là được là chủ nhân của cái quạt mo, khát vọng ấy là một nhu cầu tinh thần mang tính triết học mà ngay cả những giá trị tinh thần cũng không thể trao đổi được dù Bờm có được Phú ông phong Thánh hay dù ai đó có quyền lực đặt Bờm vào ngôi Vua như trong truyện cổ tích thì Bờm vẫn không thể đánh đổi cái quạt mo, lấy những ngôi vị cao quý đó, đơn giản chỉ vì Bờm yêu cái quạt mo gắn bó và thuỷ chung với nó. Logic của tình yêu là như vậy. Người nông dân Việt Nam trong cổ tích và ca dao đã luôn ca ngợi những đức tính thuỷ chung:

Chồng em áo rách em thương,
Chồng người áo gấm xông hương mặc người
Bài ca dao Thằng Bờm, cũng có thể là một bài ca dao ngợi ca đức thuỷ chung tình nghĩa của con người đối với đồ vật của mình. Với đồ vật cũng gắn bó như vậy thì với con người còn gắn bó đến mức nào.

Như vậy là chấp thuận hay từ chối, nụ cười của Bờm cũng bộc lộ một phương thức ứng xử tế nhị đầy tính nước đôi của con người Việt Nam. Trong tư cách một tín hiệu nghệ thuật, nụ cười của Bờm là một tín hiệu đa nghĩa. Nó là viên ngọc đặt trên bệ đỡ của cuộc thoả thuận kỳ lạ đó. Và dù viên ngọc có ánh lên mầu sắc khác nhau, thì cái giá đỡ nâng nó lên vẫn không vì thế mà thay đổi. Mỗi một câu ca dao là một nấc thang nâng cao nhân cách, phẩm giá và sự kiên định văn hoá của con người Việt Nam. Bài ca dao Thằng Bờm là một sự cắt nghĩa giải mã bản lĩnh văn hoá Việt trước bao nhiêu tham vọng, âm mưu đồng hoá và chiếm đoạt.

Bài ca dao Thằng Bờm, dù có ý thức hay không đã phát lộ khát vọng văn hoá trong con người Việt Nam là khát vọng lớn hơn khát vọng của cải. Quan hệ văn hoá đã lấn át quan hệ thương mại, dẫn đến cái giá trị hơn vàng bạc hay tiền của, khát vọng về đổi thay thân phận và đổi thay diện mạo lớn hơn khát vọng về tài sản. Cái quạt mo ở đây chính là biểu trưng của bản lĩnh văn hoá, không để mất văn hoá bằng mọi giá.

Có thể nói, cũng đều là những bài ca dao bộc lộ khát vọng văn hoá của người nông dân Việt Nam, nhưng bài Thằng Bờm là tương phản, đối trọng với bài Con cò mà đi ăn đêm. Nếu như con cò bị lộn cổ xuống ao phải năn nỉ xin ông ơi, ông vớt tôi nao và xin được xáo nước trong để giãi bày tấm lòng trong sạch, thì thằng Bờm đã có thể nở nụ cười hạnh phúc, nụ cười của kẻ mạnh trước tư thế năn nỉ của Phú ông. Sự đảo thế trong hai bài ca dao cũng phát lộ một dải tần rộng của bản lĩnh văn hoá Việt Nam, dù ở thế mạnh hay thế yếu, dù lúc sa cơ hay lúc lên ngôi, người nông dân Việt Nam vẫn kiên định khôn nguôi một khát vọng văn hoá giản dị: sự trong sạch, đức thuỷ chung vượt lên giầu sang và cái chết.


(Đỗ Minh Tuấn - Báo Văn nghệ trẻ)
tửu tận tình do tại
25.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Câu chuyện Thằng Bờm: Dại và khôn!

Cổ nhân nói: “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó”. Sự thận trọng của thằng Bờm ấy thế mà khôn! Tiếng cười dễ dãi của thằng Bờm cũng tinh ranh lắm! Và giá trị của thằng Bờm là đã biết dừng đúng lúc ở một cuộc trao đổi cân bằng.

Cuộc giao dịch của Bờm lương thiện mà cũng rất sòng phẳng, làm đúng khả năng, hưởng đúng nhu cầu. Nếu nó khởi lòng tham thái quá, nó sẽ rơi vào thế lực của những kẻ bóc lột. Thằng Bờm có hơi thiếu lòng tham bẩm sinh của con người, nhưng nó làm chủ được mình trước những lời mật ngọt, dụ dẫn vào vòng xoáy tham lam.

Bờm dốt hay Phú ông dốt?

Có một nhân vật của dòng văn học dân gian mà gần như ai cũng nhớ tên, đó là “Thằng Bờm”. Không biết tự bao giờ, nhân vật ấy lại được người ta dùng để châm chọc cho tính cách khờ khạo của một ai đó. Và thằng Bờm “khờ” như đến thế này là cùng:

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười.
Cái dại, cái khờ khạo của thằng Bờm là đã không chịu đáp ứng sự đổi chác quá chênh lệch của lão Phú ông. Phú ông đổi những cái có giá trị, thì Bờm cứ... “chẳng lấy”. Đến khi Phú ông đổi nắm xôi, thì... Bờm cười. Cười thôi, chẳng biết rõ là đồng ý hay không. Bờm khờ khạo hay lão phú ông khờ khạo?

Câu chuyện đơn thuần là một cuộc đổi chác, ở đó cái quạt là vật có “giá trị” đến mức Phú ông phải hết lần này đến này khác gạ gẫm. Cái sự ngược đời ở câu chuyện lại không theo chiều luỹ tiến tăng dần từ giá trị nhỏ đến giá trị lớn, mà lại đi từ giá trị lớn xuống giá trị nhỏ. Chính điều này mà người ta xem thằng Bờm là khờ khạo, là đánh mất cơ hội “ăn quả đậm” từ một kẻ đột nhiên khờ như Phú ông.

Mua rẻ bán đắt, đổi ít lấy nhiều..., trong buôn bán, ai là người không có cái tâm lý ham lợi ấy, miễn là thuận mua vừa bán. Trên thế gian này, mọi sự không thoả mãn đều bắt nguồn từ lòng tham chứ đâu.
Thế nhưng, các nhà giỏi tính toán thời hiện đại, hãy xem thằng Bờm đã “thiệt tình” như thế nào khi đồng ý đổi cái quạt lấy nắm xôi (cứ tạm xem việc thằng Bờm cười tức là đồng ý đi). Quạt mo làm từ cái mo cau. Khi tàu cau già rụng xuống, người dân quê nhặt lấy cắt để làm quạt. Mà cau ở làng quê Việt Nam thì nhiều lắm, ở đâu cũng có.

Nhưng ở góc nhìn của thằng Bờm, có thể nó cười Phú ông dốt, vì nắm xôi thì khó kiếm, chứ mo cau làm quạt thì có thiếu gì. Người ta bảo “Được mùa cau, đau mùa lúa”, gạo chẳng có mà ăn nữa là nắm xôi. Phú ông “dại” thế mà lâu nay đọc bài ca dao này người ta vẫn cứ nghĩ thằng Bờm thiếu khôn. Nếu như gặp những người “khôn” hơn, có lẽ Phú ông phải mất những thứ giá trị gấp nhiều lần cái nắm xôi. Có lẽ nào lão Phú ông do giàu có quá mà lú lẫn khi chẳng định giá được tài sản của mình? Hay là lão Phú ông muốn ném tiền qua cửa sổ?


Cuộc giao dịch của Bờm lương thiện mà cũng rất sòng phẳng,
làm đúng khả năng hưởng đúng nhu cầu.

Lòng lương thiện và sự thực tế của con người

Có người thì bình luận rằng, người đói thì cần cái ăn. Rất thực tế, thằng Bờm nghèo chỉ có cái khố trong người, thì nó cần nắm xôi hơn các thứ khác là phải.

Nhưng sao không ai nghi ngờ sự đổi chác ấy của lão Phú ông? Lão Phú ông có thật bụng như vậy không? Sao người ta lại tiếc cho thằng Bờm và tiếc hùi hụi rằng, sao chẳng có ai mang bè gỗ lim đến đây, mình cho hắn một tá quạt, cớ gì cứ phải thích cái quạt của thằng Bờm?

Trong việc định giá tài sản trao đổi, thằng Bờm có phần “thông minh” hơn Phú ông. Lòng lương thiện của thằng Bờm chính là nó không thể nhận những giá trị lớn hơn cái giá trị mà nó đang có. Đối với những kẻ giàu như Phú ông, trong mắt thằng Bờm, có thể chỉ là một sự đổi chác bất lương.

Bởi nếu thằng Bờm nhận lời đổi cao, thì bất cứ khi nào nó cũng có thể bị cướp lại những thứ nó đã đổi. Cái kiểu người như Phú ông, tính toán hơn thiệt nhiều như thế làm gì lại mang điều tốt, lợi đến cho người nghèo. Hắn cướp cái quạt đó còn được, chứ huống gì phải năn nỉ để mà đổi.

Trong tiếng cười của Bờm có hai hàm ý, một là chê Phú ông dại, có cái quạt mo rất ư bình thường mà phải mất cả nắm xôi, hai là nó cười vui sướng vì đã... quá hời. Có thể gỗ lim, ba bò chín trâu chẳng có ý nghĩa gì khi bụng nó đang đói.

Nhưng cũng có người nghĩ, sao không lấy những thứ đó mà đem đổi gạo về mà thổi cơm ăn cả tháng. Thằng Bờm không nghĩ nhiều như thế. Vì nếu nghĩ nhiều như thế, thì lão Phú ông cũng đã nhanh chân vào vườn cau của ai đó mà cắt lấy một tàu cau đem ra mà làm quạt rồi, việc gì mất thời gian đứng đó mà nài nỉ.

Một người đang tham lam vơ vét, tính toán hơn thiệt với đời chẳng lẽ lại không biết tính toán rằng chiếc quạt mo và ba bò chín trâu cái nào hơn cái nào, thế mà vẫn ngỏ lời mặc cả đánh đổi. Hoặc giả Phú ông bất ngờ quẫn trí, thích khác người, thích mang rác về làm... cổ vật, thì sao?

Hoặc giả Phú ông thử lòng thằng Bờm, xem một kẻ làm công nghèo có biết tham không? Chứa một kẻ tham cùng hạng như mình ở trong nhà thì cũng nguy lắm, chẳng những nay nó tham ba bò chín trâu mà sau này còn tham nhiều thứ quý giá khác thì sao?

Bây giờ, vẫn có những người khi trách một ai đó khờ khạo, thì bảo rằng “mày Bờm quá!”. Có người thì bình luận, tư duy của thằng Bờm là “dĩ thực vi tiên”, đánh đổi tất cả để lấy cái trước mắt. Một thằng Bờm với phận nghèo tự ti, nên vô trách nhiệm với hiện tại và tương lai.

Thử hình dung ra chuyện thằng Bờm tự dưng có ba bò chín trâu. Sẽ chẳng ai tin, thậm chí còn đố kỵ mà bảo rằng nó đi ăn cắp thì mới có được những thứ giá trị ấy. Ở điểm này, thằng Bờm thông minh hơn chúng ta tưởng. Nó không dại gì lấy những thứ tài sản ấy ra để người ta nhục mạ nó là đồ ăn cắp. Với tư cách của một người làm công, làm nô bộc, nó đâu có bắt được vàng rơi giữa đường để mà chỉ sau một thời gian ngắn bỗng dưng trở thành người giàu.

Cuộc giao dịch của Bờm lương thiện mà cũng rất sòng phẳng, làm đúng khả năng hưởng đúng nhu cầu. Nếu nó khởi lòng tham thái quá, nó sẽ rơi vào thế lực của những kẻ bóc lột. Thằng Bờm có hơi thiếu lòng tham bẩm sinh của con người, nhưng nó làm chủ được mình trước những lời mật ngọt, dụ dẫn vào vòng xoáy tham lam.

Biết đâu là... hoạ thì sao?

Ở cuộc đổi chác này, trong hai người có một người dại, hoặc Phú ông, hoặc thằng Bờm. Nhưng chắc chắn có một người vui hơn khi biết cười và không thấy mình thua thiệt, đó là thằng Bờm. Đến đây, chợt nhớ câu thơ tự trào của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao”.

Lòng tham của con người nó lao xao lắm. Được voi lại đòi tiên. Hai hệ giá trị nằm ở hai vế tư duy giàu và nghèo, chắc chắn sẽ không bao giờ gặp nhau trong nhu cầu, với người này thì là đủ, còn với người kia thì không biết thế nào là đủ, mà người không biết đủ thì dù ở thiên đường cũng không xứng ý... Cứ đòi, đòi mãi, đòi những thứ rồi đây rốt cuộc cũng không thuộc về mình.

Nói thế thôi chứ, cái “dại” xưa nay thường vẫn nằm ở phía thằng Bờm. Khi mua bán cái gì người ta cũng chọn lựa những cái ngon, cái to, còn những phần nhỏ, xấu, không ngon thì dành cho người khác. Thế mới nói, ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau...

Thằng Bờm chẳng lấy cái không thuộc về mình. Có thể nó hiểu, một kẻ giàu có như Phú ông, nói có người nghe, đe có kẻ sợ, mà bất ngờ đổi sang tính tốt, thì phải xem động cơ của ông ta là gì...

Thực tế, trong cuộc sống, giao dịch bất thành bởi một trong hai bên bất tín. Thằng Bờm không thể tin vào cái sự đổi chác bất ngờ và tình cờ như thế. Chắc hẳn nó kinh nghiệm được một điều, ban đầu dân cũng tin lời quan lại, cường hào, nhưng vì bọn người này ưa thói tham lam, lật lọng, nên lâu dần dân không còn tin lời bọn người này nói nữa.

Biết đâu đổi chác nhiều như thế lại là hoạ thì sao. Biết đâu đổi xong nó đổ vấy cho mình là đi ăn cắp thì sao... Thế nên, ai bảo thằng Bờm là khờ khạo, là ngu, chắc phải nên xem lại đánh giá của mình.

Vì trong hoạt cảnh trao đổi ấy, chiếc quạt của bờm là thật, đang cầm ở trên tay, còn những lời dụ dỗ kia có khi chỉ là giả, vì tiền chưa trao, cháo chưa múc. Huống chi là thói lật lọng xưa nay của bọn quan lại, cường hào. Miệng quan có gang có thép, miếng xôi, cái bánh cho đến miệng dân rồi mà bọn họ còn rút ra được thì... tin thế nào được.

Cổ nhân nói: “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó”. Sự thận trọng của thằng Bờm ấy thế mà khôn! Tiếng cười dễ dãi của thằng Bờm cũng tinh ranh lắm! Và giá trị của thằng Bờm là đã biết dừng đúng lúc ở một cuộc trao đổi cân bằng.

tửu tận tình do tại
25.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời