Nguyễn Hồng Hải
“KHỞI SINH TỪ TRÁI TIM MÌNH”
(Đọc “Mùa ban mai” – Thơ Nguyễn Hồng Hải, Nxb.Hội nhà văn, 2009)
Thơ là tiếng nói của lòng. Và Mùa ban mai chính là tiếng lòng của Nguyễn Hồng Hải sau tập “Lời yêu của đá”, trình làng năm 1991 khi anh còn là sinh viên khoa Văn trường Đại học Tổng hợp. Cả tập thơ là một lối viết không giật gân, không màu mè, không cầu kỳ và cũng không lạ hóa. Nó mang âm điệu nhẹ nhàng, tình tứ, đằm thắm, thiết tha của những gì là truyền thống. Ai bảo thơ phải “lạ hóa” phải “khó hiểu” thì mới là thơ hay? Thơ hay, trước hết phải tạo cảm xúc, kích thích được trí tưởng tượng của người đọc. Và thơ Nguyễn Hồng Hải đã tạo một kích thích cho người đọc bởi những ngôn từ dung dị và trong sáng.
Nguyễn Hồng Hải không chìm đắm vào những ngổn ngang, xô bồ, ồn ào, bộn bề của cuộc sống mà từ những chất liệu hiện thực ấy đã được anh chắt lọc qua tâm hồn, để rồi lắng đọng lại trong từng khoảnh khắc, rồi bất chợt ùa ra trang giấy như không thể không viết.
Một nỗi buồn thấm đẫm chất ca dao, tục ngữ nhưng vẫn ánh lên chất hiện đại êm dịu:
“Hình như
đã chán khóc rồi
Hình như
đã mỏi miệng cười
người ta
Bầu ơi
bí đã đơm hoa
Con ông hút nhụy
cũng xa bay rồi
Xòe tay
dưới ánh mặt trời
Gặp li ti
tiếng khóc, cười
nhân gian...
(Chuyện nhân gian...)
Con người ta thông thường thì thích sự sáng sủa, trẻ trung và tươi mới nhưng những cô gái ở ngã ba Đồng Lộc thì lại không muốn xóa tan bầu không khí âm u, đêm tối ấy. Những ánh sáng chói lòa khiến các chị khó quay trở lại nơi mà các chị đã từng ở, từng sống, từng chiến đấu và hy sinh. Một ước muốn thanh tao nhuốm màu huyền thoại. Cái khát vọng của con người chân thật, giản dị mà đời khắc nghiệt biết bao!
“ Xin em tắt vợi đi ánh sáng những ngọn đèn
Bốn mươi năm quen với màn đêm
Các chị chẳng yên giấc được đâu nếu đêm nay rực chói lên như thế”
(Lời người chị Đồng Lộc)
Rõ ràng một điều, Nguyễn Hồng Hải không hề xem nhẹ quá khứ, xem nhẹ những gì đã đi vào bất tử.
Trên mỗi nẻo đường anh qua những hình ảnh, âm thanh, màu sắc đã lắng lại trong anh rồi bật lên thành tiếng nói, tiếng cười, niềm vui, nỗi buồn, những khát khao, ước mơ và cả những hy vọng khi màu tối của đêm bắt đầu buông để chuẩn bị cho bình minh báo hiệu một ngày mới. Ngày của mùa xuân với sắc thắm đã làm “bừng làn ngực”, để “em cứ tươi mùa hoa” nhưng rồi khi quay “trở lại bến xuân xưa” thì chỉ thấy “mưa xuân bay buồn như kiếp lang thang” còn “cỏ xanh” thì lại “rối bước chân” và “hơi thở nghẹn con đường”. Thế đấy! Tưởng chừng những cái đã đi qua thì mong manh, và tưởng chừng những cái nhỏ nhoi ấy sẽ được thay bởi những cái chắc chắn hơn, tốt đẹp hơn. Nhưng trớ trêu thay “Mỗi buổi anh về gió ra mở cửa” rồi đau đớn nhận ra rằng:
“Ngôi nhà vắng em
Năm tháng hóa chập chờn”.
(Ngôi nhà vắng em)
Tình yêu đã bắt đầu từ những khó khăn và gãy gánh khi khó khăn còn chưa dứt. Nhưng bằng tình yêu, bằng niềm tin anh đã vượt qua. Cuộc đời chẳng phải lúc nào cũng như người ta mong muốn dẫu rằng nó có được đánh đổi bằng niềm tin, tình yêu và nghị lực đi chăng nữa. Một đời ân tình cùng gian khó, giờ đây người mất người còn. Cái đáng lí đã được thay vẫn cứ trơ trơ… chỉ thêm cắt cứa cho người ở lại:
“Buổi chị đi chân trời xa lắc
Em mười lăm chơm chớm biết buồn
............................................
Hoa xấu hổ nói điều không thể nói
Xóm cũ giờ vương lại mình em...”
(Nhắn chị)
Dẫu vậy, vẫn có những giá trị vĩnh hằng. Ấy là tình người. Tình người là cái cuối cùng còn neo đậu lại nơi trái tim mỗi người. Có lẽ đó mới chính là những gì Nguyễn Hồng Hải muốn hướng tới người đọc. Và quả thực, cái tình Nguyễn Hồng Hải sẽ còn mãi trong trái tim mỗi người từng đọc, từng cảm những bài thơ trong tập Mùa ban mai.
Có ai mỗi khi xa quê không ngoái nhìn lại, nhìn lần cuối dáng mẹ gầy và cong như con tôm, bởi:
“Suốt một đời vất vả
Tuổi bảy mươi mẹ chưa được thảnh thơi”
(Mẹ)
Những người con xa xứ, khi về lại quê nhà, bước chân chạm tới “dòng sông chảy dọc suốt tuổi thơ” và “gốc duối lặng im già” là biết mình đã về tới mái nhà thân yêu, về được lại mảnh đất chôn rau cắt rốn, chợt thấy lòng ấm lại. Có cả niềm hân hoan, nỗi bịn rịn ươn ướt trên mi, quệt vào tán lá duối già bên dòng sông ngày đêm vẫn miệt mài chảy siết. Và có ai mỗi khi xa quê không ngoái nhìn lại, nhìn lần cuối dáng mẹ trên triền đề khi khói lam chiều buông để rồi hình ảnh “tấm lưng gầy cặm cụi” ám ảnh và tự trách mình: “Con vô tâm/ ...Suốt tháng năm không có nổi chút quà về cho mẹ”, từ những trăn trở ấy mà Nguyễn Hồng Hải đã rất rất muốn:
“ Xa xót ngàn lần, không cách gì làm xanh lại tóc mẹ, mẹ ơi
.........................................................
Không thể xóa vết nhăn trên mắt mẹ”.
Với ngôn ngữ bình dị và cách viết rất tự nhiên anh đã không chỉ viết về mẹ mà hình ảnh người cha đã không còn nữa dường như đi vào thơ anh với sự dằn vặt nhiều hơn khi:
“Con sấp ngửa gần nửa vòng trái đất
Để kịp về bên cha đêm nay
Đâu biết đấy là lần cuối cùng trong đời
con được ngồi bên cha để khóc”
(Đêm cuối cùng bên cha)
Đọc thơ Nguyễn Hồng Hải người đọc không bị sốc bởi những ngôn từ “tiếng lóng” hay ngôn ngữ “thời đổi mới” nhưng vẫn toát lên trong mỗi người yêu thơ những câu thơ mới, lạ được thoát xác từ sự thăng hoa trong cảm xúc, chính từ những cảm xúc vô tận ấy mà Nguyễn Hồng Hải đã nói lên được những trăn trở, băn khoăn khi nó ở ngay cạnh mình đấy mà lại không thể chạm tới, để rồi phải thốt lên:
“Tôi viết thế nào
Về nỗi đắng cay
Phận người nham nhở
Về thói hợm hĩnh cậy của
Những kẻ khom lưng chạy chức, quyền,
háo danh phủ lên người bằng cấp mua, xin...
.........................................................................
Tôi viết thế nào cho hết một ngàn năm trăm đồng tiền mực
Khi ngày ngày
Nhẫn nhục
Bất lực
Chăm chắm
Nhìn vào cây bút
Và để ngọn bút loay hoay đào huyệt giấy phủ lên mình...”
(Tự vấn ngày 21.6)
Đọc Mùa ban mai người đọc sẽ không chỉ thấy có mưa xuân với nụ cười em tươi rói, mà còn có cả một mùa đông “lạnh xám đất”, một mùa hạ với “bằng lăng tím nghiêng chiều” mà còn có cả nắng thu chạm vào những ô cửa rắc nắng vàng như mật ong. Một cảm giác yên bình quá đỗi chạm vào lòng trong khoảnh khắc hiếm hoi giữa đại ngàn “ngồng cải” đã đơm hoa và cả:
“Lá me tơi tả trút
Không còn ai nhớ gì
Về cái ngày oi ả”
(Bốn mùa em)
Từ những hiện thực của đời thường Nguyễn Hồng Hải đã biết lựa chọn để hòa với cảm xúc chân thành của mình, để giãy bày, sẻ chia và gửi gắm những thông điệp tới cuộc sống thường ngày đang ồn ào náo nhiệt. “Đó là tiếng quê hương vượt ngàn trùng bão gió” để khi đến được với lính đảo thì những sóng gió cũng thôi ồn ào:
“Khi tiếng hát cất lên
Đêm Trường Sa chợt lặng ngừng sóng gió”.
(Nghe em hát ở Trường Sa)
Dẫu biết trong tình yêu “cho” đi nhưng lại chẳng “nhận” lại được bao giờ và cũng:
“Có những thương yêu không bến đỗ bao giờ
Không phải là tình yêu chết
Hạnh phúc đắm say, ngọt ngào, khổ đau, ly biệt
Vẫn dạt dào trong giấc chiêm bao”.
(Nói với em)
Để biết “Hạnh phúc mong manh vẫn có thật giữa cuộc đời” nhưng dù có mong manh thì nó vẫn “Khởi sinh từ trái tim mình” bởi:
“Thì em nhé, vẫn còn những viên đá vô tri và bàn chân trầm mặc con đường giông gió
Còn một dòng sông thao thiết chảy trong lòng...”
(Thì em nhé...)
Nguyễn Hồng Hải chẳng cầu xin những gì cao siêu, những gì đắt giá, chỉ cần “Xin cầu mong điều bình dị nhỏ nhoi” để “ Phía chiều nào cũng gặp bồi hồi gió, phương em”. Có con người là tất phải có yêu và có yêu thì có nhớ. Nguyễn Hồng Hải không viết nỗi nhớ dâng tràn trong mắt, cũng không phải nỗi nhớ ngày đêm không ngủ được mà là một nỗi nhớ: “Ngóng trông nhau nên lá trút bồi hồi” vì thế mà “Anh lóng ngóng không biết bắt đầu buổi chiều từ đâu nữa”.
Những bài thơ của anh được làm bằng lời của trái tim. Và qua “tiếng lòng” của anh ngôn từ được cấu trúc lại để tạo thành ngôn từ mới, đẹp, sâu xa và triết lý. Với kết kết cấu nhuần nhuyễn, gọn gàng, không câu lệ vào ý thơ – tứ thơ, không quá cầu kỳ, tỉa tót và những câu thơ đọc lên không thấy gượng.
Nguyễn Hồng Hải không làm thơ nhiều và anh làm thơ để cho mình, cho bạn bè, cho những vùng miền anh đặt chân đến nhưng có thể nói sau tập thơ Mùa ban mai này, anh đã cho chúng ta thấy: Thơ chính là cảm xúc của lòng, là những hỉ, lộ, ái, ố và tất nhiên nó đều “khởi sinh từ trái tim mình” mà ra.
Em đa tình như trời sinh ra thế
Đủ tình yêu cho cả trăm anh.