Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [96] [97] [98] [99] [100] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

30.
ANH VỀ GIÓ THUẬN...


Anh buồn nước mắt nhoè rơi
Cầm tay thiệp cưới thưa lời với em
Từ nay cách biệt nỗi niềm
Cầu em may mắn êm đềm mai sau

Cúi đầu chẳng dám nhìn lâu
Ngày vui em cũng chúc cầu cho anh
Đoàn viên hạnh phúc an lành
Và quên em nhé như nhành lan khô

Đời em quen với sông hồ
Ngày vui đêm lại sóng xô quặn lòng
Mất nhiều mất cả ước mong
Còn chăng kỷ niệm trên dòng thơ hoang

Xưa em chẳng chút ngó ngàng
Vì anh sẽ khổ nếu màng đến em
Chỉ là một loé sao đêm
Ngàn sao vẫn sáng mà em đã tàn

Anh về gió thuận trời ban
Còn em trở gót lạnh tràn mắt hoen...

PHAN THÁI HÀ  
*
Phụ nữ là bông hoa xinh đẹp nhất mà tạo hoá đã ưu ái ban tặng cho loài người. Không những thế, đó còn là một biểu tượng tuyệt vời cho sự dịu dàng, thanh khiết, vững bền và luôn làm giá đỡ cho mọi tâm hồn... Nhưng quả là, nếu bạn chưa thưởng thức đủ hết mọi ngóc ngách của cái ý tình tinh tế được diễn đạt trong những vần thơ tưởng chừng mộc mạc, đơn sơ ANH VỀ GIÓ THUẬN… của PHAN THÁI HÀ thì có lẽ vẫn chưa cảm nhận hết sự bao dung, lòng vị tha, nguồn can đảm, niềm thuỷ chung son sắt và nỗi hy sinh vô bờ bến… trong phẩm chất sáng ngời đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam.

Anh buồn nước mắt nhoè rơi
Cầm tay thiệp cưới thưa lời với em

Khung cảnh bài thơ mở ra – dẫu người ngoài cuộc – không khỏi khiến ta chạnh lòng! Ai yêu nhau mà chẳng cố dày công xây đắp một hướng tình diễm ảo và mong muốn một kết thúc có hậu giữa tiếng mừng vui rôm rả của hai họ trong đại tiệc Trầu-Cau. Thế mà…, thế mà…

Từ nay cách biệt nỗi niềm
Cầu em may mắn êm đềm mai sau

Quả là sét đánh ngang tai!

Hẳn chàng trai đã đắn đo, ngần ngừ, suy nghĩ rất lâu trước khi đến gặp người yêu để trao thiệp cưới của chính mình với một người con gái… không phải là Em! Và hẳn chàng ta cũng chịu biết bao bầm dập tim gan khi phải cất lên những lời chúc tụng người xưa trong buổi biệt tình đầy nước mắt dẫu lòng không muốn thế.

Và khi họ vẫn còn muốn tìm đến nhau để nói lời từ biệt trước lúc đoạn tình thì rõ ràng định mệnh đã trớ trêu bày ra cảnh rẽ thuý chia uyên dẫu cho hai con tim kia vẫn còn nóng bỏng những nhịp đập hối hả của nguồn yêu và có thể họ sẽ mãi hoài nhung nhớ, thổn thức về nhau khi hôm nào gió trời chao trở...

Đau đớn thay cho cả hai trong tình cảnh éo le này!

Ngày vui em cũng chúc cầu cho anh
Đoàn viên hạnh phúc an lành

Thật ngạc nhiên khi phải đón nhận “thiệp hồng báo tin” của “chàng xưa” mà người con gái vẫn còn có thể thốt lên những lời chúc phước rạch ròi, trực diện với người yêu cũ đã đang cùng một “tình địch” nào đó đoạt chiếm thô bạo cái hạnh phúc – cứ ngỡ như đã mặc định cho riêng mình tự rất lâu rồi…

Nhưng không, đó chỉ là sự phản xạ vô hồn của một tâm trạng xơ cứng, tê dại đang choáng váng trong tiếng sét ngang tai của khúc tình phụ! Nàng nói như kẻ mộng du đang bơ vơ, lạc lõng và nhầm đường giữa khung trời ảo ảnh mù tăm…

Bạn thấy không?

Cúi đầu chẳng dám nhìn lâu

Chẳng dám và chẳng thể nhìn lâu khi phải đón nhận hung tin từ chính miệng người tình cũ. Bởi chỉ cần thoáng ngước lên thì e là không còn ngăn được dòng lệ tủi hờn, dỗi giận… đang ứa mọng ngấp nghé giữa rèm lụa vành mi. Và nếu thế, e là ta sẽ ngã xoài vào lòng chàng mất!

Cũng chẳng giải quyết được gì mà chỉ làm bận lòng thêm cho hai đứa. Nhất là cho Anh. Hãy để người được thanh thản về vui với dâu mới trong pháo hồng, rượu đỏ khi tưởng nhầm ta vẫn mạnh mẽ bước qua bối cảnh tái tê này.

Rồi cả chàng và nàng đều chúc nhau những điều không thật. Đó là phản ánh sự hoảng loạn sâu xa trong tâm hồn của hai kẻ yêu nhau khi đứng giữa bờ hoang hoải của chiều tan lỡ mà đuối mắt bất lực trước định mệnh đã an bài.

Và quên em nhé như nhành lan khô

Có lẽ chàng trai sẽ quên khi đường tình xưa đà vợi vời chia lối, bởi bên chàng còn có vợ đẹp con xinh, công danh, sự nghiệp… Mấy khi bướm trở lại tìm hoa khi đã bị trói vào cái vòng lẩn quẩn, lằng nhằng của ngõ hẹp gia đình!

Nhưng ai đó có thể “dặn quên mà bảo nhớ”, bởi sao không dặn quên như quên bẵng đi kiểu một làn gió mơ hồ thoảng qua rồi mất hút giữa khung trời vô hình , vô định mà vẫn nhủ hãy lưu lòng hình ảnh “nhánh lan khô”?

Cầu em may mắn êm đềm mai sau

May mắn, êm đềm nào nữa người ơi khi cái hạnh phúc mà ta hằng tơ tưởng đã ngỡ ngàng vuột khỏi tầm tay trong một chiều thảm thê ly biệt. Người là cả cuộc đời ta. Mất người rồi ta như diều mất gió, bồng bềnh đâu nữa giữa khung trời bão tố của đường duyên.

……….
Thế rồi chàng trai ra đi, có lẽ sẽ nhủ thầm dù sao đoạn kết cuộc tình cũng không đền nỗi làm tổn thương trái tim nàng nhiều quá (vì nàng vẫn còn đủ sức chúc phước cho vợ chồng mình mà!). Nhưng nào ai biết sự tuyệt vọng đang tan chảy trong lòng của người con gái khi mất đi người tình nào có khác gì mất cả cuộc đời mình.

Ngày vui đêm lại sóng xô quặn lòng

Rồi lại choàng thức giấc giữa đêm trường giá lạnh đơn côi, mò mẫm lại quãng đường tình xưa cũ, mà giờ đây bạc nhạc, hoang tàn…

Còn chăng kỷ niệm trên dòng thơ hoang

Dẫu chàng đã thất hứa lời hẹn hò thề thốt trăm năm nàng vẫn bao dung thứ tha lỗi lầm quá lớn của người xưa với lới chúc phước tận đáy lòng.

Anh về gió thuận trời ban

Và rồi thu mình lại như “con sâu làm tổ trong trái vải cô đơn”, cam chịu theo sự an bài của số phận, không trách móc, hận thù chi cả…

Còn em trở gót lạnh tràn mắt hoen...
……………
Thơ Phan Thái Hà thường mộc mạc, đơn sơ, nhẹ nhàng trong từng cung bậc, nhưng không vì thế mà thiếu đi sự tinh tế, sâu xa và lắng đọng của tình người. Những ngôn từ thi ca được lựa chọn khá cẩn trọng và gia công nhiều trau chuốt, chứng tỏ một sự làm việc nghiêm túc khi sử dụng từ ngữ vào thơ…

Khi có những gợn sóng làm chênh chao tâm hồn, bạn hãy đọc những vần thơ của tác giả này và hy vọng sẽ kiếm tìm được sự bằng an trong đó…

HANSY
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

31.
MƯA VỀ RU NỖI NHỚ ANH


Lạc bước phiêu bồng, anh biền biệt nơi đâu?
Để thành phố của em thấm âu sầu... sũng ướt
Và cả nỗi nhớ anh, cũng kéo dài thườn thượt
Em lạc lõng giữa Sài Gòn... đất chật, người đông!

Ngần ấy ngày rồi!... Anh có nhớ em không?
Hay lời hẹn trước chỉ bông đùa theo gió?
Ừ thì... tình yêu, muôn đời chẳng tỏ
Xa cách muôn trùng... kẻ vò võ... người quên...

Sài Gòn mưa chiều...
lạnh lùng nhắc... một cái tên
Chỉ vụt thoáng qua chẳng thể quên... lại nhớ
Chắc người nơi ấy... cũng nhớ như ta...
... nhưng đường xa trắc trở
Phố đẫm ướt trong mưa tự cắc cớ, sinh buồn...

Mưa tạnh rồi... cảm xúc vẫn trào tuôn
Sao anh nỡ buông tay em... khi lòng còn đầy thương nhớ?!!!
Về đi anh, ta nối lại ký ức tình dang dở
Nước chảy mãi đá cũng mòn...
... để người khóc mãi... nỡ không anh???

Vùng Trời Bình Yên
*
Cảnh chiều – như một dấu hiệu cho những bước sau cùng một cái gì đó – thường làm con người dễ rút về trú ẩn trong góc nhỏ tâm hồn mình. Mưa – không chỉ làm lạnh lẽo không gian – mà còn rất dễ làm quạnh quẽ tâm trạng, trỗi dậy nỗi cô đơn, hiu hắt… nhất là trong khi đó lại có lắm nỗi niềm man mác của quá vãng tìm về. Hãy cùng hoà hồn vào đoản khúc MƯA VỀ RU NỖI NHỚ ANH  của tác giả VÙNG TRỜI BÌNH YÊN để đồng cảm với tiếng lòng của một giai điệu tình yêu đang nhớ nhung da diết trong tiếng mưa rơi giữa đất Sài thành hoa lệ – rất tấp nập ngựa xe mà sao lòng vẫn thấy cô đơn, lạc lõng đến vô cùng!

Em lạc lõng giữa Sài Gòn... đất chật, người đông!

Vì sao vậy? Là bởi thiếu người mình thương ! Bởi khi đã yêu ai thì với ta, hình tượng người đó lớn đến nổi che mờ tất cả. Đó không phải vì tình yêu làm ta mù quáng [như một số người thường bảo] mà là do ta toàn tâm toàn ý phụng hiến cho ngôi tình duy nhất nên mắt nào còn thấy chi đâu ngoài “người ấy”!

Nếu anh là chân trời xa xôi,
Em sẽ là một cánh chim rong ruổi.
Nếu anh là mặt trời,
Em sẽ là muôn đời làm một kiếp hướng dương
[Huỳnh Ngọc Chiến]

Nhưng cảnh nghịch lý này xảy ra đều do người gây nên cả. Đang yêu đương hẹn hò mặn nồng thắm thiết như thế bỗng dưng người trở lòng quay bước, biền biệt phương nào chẳng một tin nhắn ủi an, khiến mưa sầu tuôn rơi ướt đẫm ngoài trời lẫn sũng ngập cả linh hồn của kẻ tình si.

Lạc bước phiêu bồng, anh biền biệt nơi đâu?
Để thành phố của em thấm âu sầu... sũng ướt
Và cả nỗi nhớ anh, cũng kéo dài thườn thượt

Dỗi giận là thế nhưng vẫn tự tình với người trong mộng đang biệt biền nơi nảo nơi nao. Hỏi nhưng cũng chính là để tự trả lời vì đâu có âm vang nào hồi vọng. Người đi xa hay quên lời thề hẹn – xa mặt cách lòng mà – có biết đâu hằng đêm ở chốn cũ đường xưa, một bóng hình guộc gầy đơn chiếc đang từng đêm mòn mỏi đợi chờ.

Ngần ấy ngày rồi!... Anh có nhớ em không?
Hay lời hẹn trước chỉ bông đùa theo gió?
Ừ thì... tình yêu, muôn đời chẳng tỏ
Xa cách muôn trùng... kẻ vò võ... người quên...

Và chắc hẳn nhiều đêm không ngủ trọn giấc bởi ký ức cứ vọng về làm trắng dã con tim, mỏi mòn tâm trạng…

Về thao thức canh chầy tìm trở lại
Bốn chân trời người đứng ở nơi nao
[Bùi Giáng]

Kỷ niệm cứ dệt đan làm cháy bỏng cả tâm hồn nhung nhớ. Ôi, cái tên thân thương ngày nao ta nhắc mãi giờ lẩn quẩn tìm về làm rối loạn tâm can! Sài Gòn ơi mưa chi cứ mãi đẫm tràn, cho vũng nhớ cứ duềnh lên thành lũ, choán ngập cả cõi hồn và tha thắt cả niềm mơ… Có lẽ nào người lại quên ta, khi trái mộng ta vẫn mãi hoài nâng niu, chăm bón? Âu có khi đường đời không như ý khiến đường về gập ghềnh, khúc khuỷ cản chân chăng?

Sài Gòn mưa chiều...
lạnh lùng nhắc... một cái tên
Chỉ vụt thoáng qua chẳng thể quên... lại nhớ
Chắc người nơi ấy... cũng nhớ như ta...
... nhưng đường xa trắc trở
Phố đẫm ướt trong mưa tự cắc cớ, sinh buồn...

Cứ muốn quên nhưng lòng luôn dậy nhớ. Có khác nào tự hành hạ tim mình trong hoang hoải mù sương. Để quạnh quẽ này buốt giá hồn đơn, nghe thương cảm tràn về muôn ngõ ngách. Chiều Sài thành mưa rơi buồn chi lạ, ở nơi nào người có thấu hay chăng?

Ai đó bảo cố quên thì sẽ nhớ
Nên dặn lòng cố nhớ để mà quên
[Hansy]

Thật là một chống chế quá dễ thương khi mắc cỡ ngay với cả chính mình lúc đối diện với trường tương tư si dại. Mưa ngoài trời mưa ướt đẫm cả tim lòng, phương xa đó người thương có một lần hồi tưởng? Ôi những cơn mưa kỷ niệm luôn làm ướt sũng cả một tâm hồn đang khắc khoải vì ai…

Mưa tạnh rồi... cảm xúc vẫn trào tuôn
Sao anh nỡ buông tay em... khi lòng còn đầy thương nhớ?!!!

Mưa tạnh rồi! Phố phường đà khô ráo! Nhưng với ta thì vẫn phải đón nắng bằng trái tim ướt sũng ê chề. Bởi thế, cơn mưa cứ ở lại mãi trong lòng của kẻ tình si đang quặn đau vì nỗi niềm đơn chiếc. Bất kể nên hay không nên, bất kể ngày nắng chói chang hay đêm giông tố vần vũ, bất kể ngày tháng phai nhoà theo tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ báo thức, những cơn mưa tình nhớ cứ ở lại hành hạ vành tim lênh láng một góc lòng…

Về đi anh, ta nối lại ký ức tình dang dở
Nước chảy mãi đá cũng mòn...
... để người khóc mãi... nỡ không anh???

Thơ VÙNG TRỜI BÌNH YÊN được viết ra từ những giọt máu của chính trái tim mình. Vì thế, dẫu ngôn từ chất phác, tự nhiên, diễn đạt không màu mè hoa lá… nhưng vẫn đủ sức làm chao chọng mạnh mẽ đến tâm tư người đồng điệu. Với những ai đã có những ký ức đẹp khi bất chợt hồi tưởng về cuộc tình đã qua  trong một chiều mưa buồn rả rích đến tái tê lòng thì hẳn sẽ đồng cảm cao với những xúc động chân thành nhưng không kém phần man mác tình sầu qua giai điệu mượt mà của những vần thơ MƯA VỀ RU NỖI NHỚ ANH.

HANSY
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

32.
NHẤT TỰ VI SƯ


Toả rạng lòng con nét chữ Thầy
Nhân từ đức độ bổng trầm hay
Ngùi thương khoả vẹn ngào thơm ấy
Cảm mến vuông tròn đẹp đẽ thay
Bảng phấn theo đời nương cõi bụi
Chương vần mãn kiếp lộng hồn ai
Hằng đêm nghĩ ngợi tìm tia sáng
Toả rạng lòng con nét chữ Thầy

Toả rạng lòng con nét chữ Thầy
Hoa người phả mượt giữa trần ai
Ngôn hành thoả bụng thầm yêu quá
Nẻo đức nghiêng mình dễ phục thay
Bút nghĩa lừng thơm nhiều nẻo lộng
Nghiên tình khoả ngọt những điều hay
Vài khi ngoái vọng thời son trẻ
Toả rạng lòng con nét chữ Thầy

HANSY
*
Thầy giáo và nghề dạy học đã được xã hội Việt Nam tôn vinh từ xa xưa, qua câu tục ngữ quen thuộc: _“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”_ (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy), hàm ý nhằm nhắc nhở mỗi chúng ta về đạo thầy trò ở đời. Ý rằng chúng ta phải biết ơn người dìu dắt, dạy dỗ mình, dù chỉ là điều nhỏ nhặt nhất. Trải qua nhiều năm tháng, trong bối cảnh xã hội hiện nay, câu nói đó vẫn còn phù hợp và luôn là kim chỉ nam để mỗi lứa học trò khắc dạ ghi tâm. Nhà thơ HANSY đã khẳng định thêm điều đó qua bài thơ NHẤT TỰ VI SƯ .

Lần đầu tiên đọc bài thơ Đường luật NHẤT TỰ VI SƯ vào đúng dịp lễ 20 -11, đã để lại trong lòng tôi những xúc động, bồi hồi. Từng câu chữ mượt mà tuôn chảy, câu thơ mở bài được nhắc lại 4 lần trong bài thơ "Toả rạng lòng con nét chữ Thầy" như một điệp khúc đầy yêu quí, kính trọng người Thầy. Không phải đang nhiên người ta thường so sáng công lao của Thầy Cô với đấng sinh thành ra ta "Ân truyền thụ minh tâm khắc trí/ Nghĩa sinh thành tạc dạ lưu tâm" , và những người học trò thường gọi Thầy (cô) và xưng con. Chính vì sự tôn kính đó đã đặt trên vai người giáo viên trọng trách nặng nề của mình đối với lớp trẻ, mầm non của Tổ Quốc.

Là một người Thầy chân chính phải có rất nhiều đức tính mẫu mực để học trò lấy làm gương, không ít những học trò thành đạt khi ra trường có phong cách, lời nói hao hao giống thầy giáo của mình, người thầy giáo trong bài thơ được nhà thơ Hansy dùng những từ ngữ thật đẹp để ca ngợi:

Nhân từ đức độ bổng trầm hay
Ngùi thương khoả vẹn ngào thơm ấy
Cảm mến vuông tròn đẹp đẽ thay

Chính vì trọng trách lớn lao xã hội giao phó nên hình ảnh người thầy cũng gắn liền với những vất vả mà nghề giáo đeo đẳng suốt đời. Những tình cảm chân thành của học trò đã níu kéo làm động lực để người Thầy vượt qua mọi gian khó của cuộc sống, vui vẻ, tự hào với sự nghiệp trồng người của mình:

Bảng phấn theo đời nương cõi bụi
Chương vần mãn kiếp lộng hồn ai

Hình ảnh Thầy soạn bài hằng đêm bên ánh đèn với tập giáo án để ngày mai học trò có những bài học hay đã trở thành nét đẹp gây xúc động tâm hồn biết bao người:"Hằng đêm nghĩ ngợi tìm tia sáng" Mái tóc thầy bạc nhanh theo từng nét chữ để học trò sáng lòng, tỏ dạ. hình ảnh ấy dễ mấy ai quên!

Sang thức 2 cũng vẫn bắt đầu và kết thúc bằng câu "Toả rạng lòng con nét chữ Thầy" để nhấn mạnh thêm câu "Nhất tự vi sư" Mỗi chữ của Thầy là hành trang cuộc sống suốt đời con mang theo, là nền móng tâm hồn và sự nghiệp để chúng ta lớn lên thành người.

Tình cảm thầy trò đẹp đẽ biết bao, gắn liền với thời học sinh áo trắng vô tư trong sáng. Thầy đã chắp cánh cho những ước mơ bay cao bay xa. Xin được nghiêng mình kính trọng đức độ và tri thức của Thầy:

Ngôn hành thoả bụng thầm yêu quá
Nẻo đức nghiêng mình dễ phục thay

"Vài khi ngoái vọng thời son trẻ" ai trong chúng ta không thầm tiếc nuối quãng đời đẹp nhất, và mỗi ngày 20 -11 đến, một ngày như bao ngày nhưng lại trọng đại hơn bao ngày bởi đây là ngày Hội của các thầy cô, những trò ngoan lại dành những đoá hoa tươi thắm và những lời chúc tốt đẹp để thể hiện tình cảm và truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam.

Bài thơ không chỉ hay ở từng câu chữ được lựa chọn rất khéo thể hiện vốn từ phong phú của tác giả còn được viết theo thể Ngũ độ thanh của thơ Đường luật nên rất giàu tính nhạc. Nhạc sỹ Hải Anh có lẽ cũng có niềm xúc động như Minh Hien khi đọc bài thơ nên đã phổ nhạc cho bài thơ, mời các bạn lắng nghe giai điệu sâu lắng của bài hát NHẤT TỰ VI SƯ với lời thơ của thi sỹ Hansy.

Minh Hien
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

33.
THẦY ƠI…


Con về lại trường xưa
Tìm thầy
Trên bục giảng, tóc xanh nhoà như mây trắng
Giọng giảng bài giờ đâu còn sang sảng
Mắt cay cay
Con thầm gọi:
Thầy ơi!

Quá vãng như cuốn phim chầm chậm tìm về
Nào bạn, nào bè, nào những giờ thầy lên lớp
Tháng năm bão giông, chúng con đứa còn đứa mất
Nhưng lòng nhớ hoài
Lớp cũ
Thầy xưa.

Con lặng người giữa căn phòng học năm nào
Nghe xôn xao ùa về biết bao kỷ niệm
Bóng phượng sân trường có còn lưu luyến
Một thuở ngu ngơ để ngỏ trái tim lòng
Một thuở dại khờ nhưng biết mấy hồn nhiên
Đùa vui cùng bạn bè, sách vở…
Lắng tai nghe bài giảng của thầy…
…………

Con nhoè mắt chập chờn trong thảng thốt:
Thầy ơi!
Rồi thời gian
E rồi cũng sẽ dần lấp chìm tất cả
Thầy và con có thể không còn gặp lại
Nhưng những lời thầy dạy
Hôm nào vang sang sảng
Giữa phấn trắng bảng đen
Cứ dội trong lòng
Để suốt đời chúng con mãi nhớ
Thuở học trò áo trắng được thầy thương…

HANSY
*
Ai cũng có một thời đi học, thuở áo trắng học trò có biết bao kỷ niệm thân thương với thầy cô, bạn bè, đó sẽ là hành trang theo ta suốt cuộc đời. Giờ đây, khi đàn chim năm xưa đã lớn khôn, ngoái lại thời cắp sách đến trường lòng ta lại dưng dưng, thầy cô đã già, người còn, người mất, mái tóc bạc phong sương... Có lẽ sau tình ân nghĩa cao quý nhất mà cha mẹ dành cho con cái chính là tình cảm của những người đã dạy dỗ cho chúng ta thành người, không ai khác họ xứng đáng được xã hội tôn vinh, những người thầy chân chính:

Ân truyền thụ minh tâm khắc trí
Nghĩa sinh thành tạc dạ lưu tâm

Xuất phát từ tình cảm chân thành của học trò dành cho thầy cô giáo của mình, có biết bao bài thơ, bài viết xúc động đã ra đời. Khi những học trò ấy lớn lên, nhớ trường, nhớ bạn, nhớ thầy cô năm xưa đã yêu thương, bao dung chúng ta, lòng thầm thốt lên 2 tiếng: THẦY ƠI! cũng là lúc con tim ta rung lên những cung bậc của lòng biết ơn vô hạn, sự kính trọng, tình cảm sâu sắc nhất gửi đến thầy cô giáo của mình. Bài thơ THẦY ƠI của nhà thơ HANSY viết về tình cảm của một học trò cũ khi trở lại thăm mái trường và gặp lại được người thầy năm xưa. Bao nhiêu năm đã trôi qua, bóng thời gian đã in hằn lên mái tóc thầy, quá khứ và hiện tại đan xen như một thước phim, giọng nói của thầy năm xưa nay đã yếu hơn nhưng những lời giảng của thầy vẫn đọng lại trong tâm trí con, giúp con trên mỗi bước đường đời

Con về lại trường xưa
Tìm thầy
Trên bục giảng, tóc xanh nhoà như mây trắng
Giọng giảng bài giờ đâu còn sang sảng
Mắt cay cay
Con thầm gọi:
Thầy ơi!

Mở đầu bài thơ, với khổ thơ tự do viết rất tự nhiên như đang kể chuyện cho chúng ta về buổi gặp lại thầy giáo năm xưa của mình, tác giả đã thầm thốt lên 2 tiếng “Thầy ơi!” Khi tình cảm trở lên sâu lắng, mỗi chúng ta chỉ cảm nhận được mà khó nói lên thành lời, bởi tất cả câu từ đều trở nên xáo rỗng. “Thầy ơi!” chỉ là một tiếng gọi nhưng ở mỗi hoàn cảnh lại mang một sắc thái riêng, người học trò chỉ thầm thốt lên trong lòng 2 tiếng yêu thương đó bao hàm cả sự kính trọng, thương yêu, tôn quý biết nhường nào. Thầy là sư phụ của chúng con, thầy là trung tâm, là tấm gương cho lũ học trờ năm xưa. Tiếp đến những khổ thơ viết về trường lớp kỷ niệm học sinh nhưng đều là những lời của con nói với thầy. Con đã trưởng thành, một quãng thời gian khá dài “Tháng năm bão giông, chúng con đứa còn đứa mất” thời gian có thể là 10 năm, 20 năm... đủ để con thấm thía hơn những lời giảng và tấm lòng của thầy dành cho chúng con. Những khổ giữa của bài thơ, tác giả dành để tâm sự lại những kỷ niệm xưa cùng Thầy, tất cả hiển hiện lại như những thước phim rõ nét và hình ảnh thầy chính là những gì đẹp đẽ nhất của “Một thuở ngu ngơ để ngỏ trái tim lòng” Ước gì cho thời gian trở lại, được sống lại quãng đời hồn nhiên đó, lại được thầy chỉ bảo, quát mắng khi làm những điều dại dột, để rồi chợt tỉnh mới biết cuộc đời đã sang trang vở mới. Những niềm vui, nỗi buồn và những âu lo của cuộc sống không còn giống với thời cắp sách, bỗng thấy một chút xót xa, để một lần nữa tác giả lại thốt lên 2 tiếng: Thầy ơi!

Con nhoè mắt chập chờn trong thảng thốt:
Thầy ơi!

Thầy vẫn là sư phụ soi đường cho chúng con trong suốt quãng đời khó nhọc, giúp chúng con có kiến thức làm hành trang cuộc sống, công ơn đó không gì sánh được, như lời người xưa đã nói: “một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy” Những luyến tiếc trong lòng người học trò về những kỷ niệm xưa, những trăn trở về công lao của thầy mà chúng con vô cùng biết ơn phải chăng đó là phần thưởng quý giá của người thầy. Trong những học sinh ấy có những người thành đạt, cũng có những người chỉ là những con người bình thường, hay có những người còn thiếu may mắn trong cuộc đời nhưng tất cả đều được thầy thương. Như người mẹ hiền với những đứa con của mình, lớp lớp học sinh đã được thầy dạy dỗ bằng tình yêu thương, chính nhờ tình yêu thương đó đã lâng bước cho con vững vàng hơn trong sóng gió cuộc đời, đưa con đến những chân trời ước mơ. Khổ thơ cuối kết lại đầy xúc động, một nốt nhạc trầm xuống, ngân vang:

Rồi thời gian
E rồi cũng sẽ dần lấp chìm tất cả
Thầy và con có thể không còn gặp lại
Nhưng những lời thầy dạy
Hôm nào vang sang sảng
Giữa phấn trắng bảng đen
Cứ dội trong lòng
Để suốt đời chúng con mãi nhớ
Thuở học trò áo trắng được thầy thương…

Con đò đã sang sông, người lái đò lại cặm cụi chở những chuyến tiếp theo, cứ như vậy không biết bao nhiêu học trò đã trưởng thành lên nhờ công ơn dạy dỗ của thầy. Thầy hôm nay vẫn lên lớp như vậy, hình ảnh thầy đã khắc sâu vào tâm trí mỗi chúng con, dù không gặp lại nhưng “suốt đời chúng con mãi nhớ”. Những tình cảm thân thương đó là động lực để các thầy cô tiếp tục sự nghiệp trồng người đầy vất vả nhưng cũng đầy niềm vui, hạnh phúc. Sự hi sinh, lòng yêu nghề của các thầy cô để lại sự kính trọng của xã hội, mỗi năm đến tháng 11, tháng tri ân các thầy cô giáo, mỗi người học trò lại dành cho người thầy của mình những tình cảm thiêng liêng, tấm lòng biết ơn sâu sắc, những lời thơ cảm động, những bó hoa tươi thắm kính chúc tới các thầy cô.

Bài thơ THẦY ƠI! kết lại nhẹ nhàng, những âm hưởng của từng câu chữ lắng đọng trong tim người đọc. Ai cũng dành một góc trong tâm hồn để nhớ về thầy cô giáo của mình đã gắn bó suốt quãng đời tuổi thơ.

Minh Hien
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

34.
LỜI HẸN BỒ CÔNG ANH


Kiếp sau em chờ anh ở đây!
Vẫn con phố nhỏ mưa bay, nơi lần đầu mình gặp.
Em hứa rồi lời hứa chắc như bắp.
Kiếp này, kiếp sau cũng chẳng muốn xa nhau.

Nhưng mà anh nè nếu quả thật có kiếp sau,
Mình gặp nhau sớm hơn đi, anh nhé!
Đừng để xuân hạ... rồi thu đông... Mùa nối mùa...
Đôi chim trên cành cao, chúng âu yếm nhau rồi nhìn em thỏ thẻ:
- Ơ này cô nàng đơn lẻ!
Chiều muộn lắm rồi!
Cô đứng mãi.
Đợi ai?

-Tôi đợi một người.
Người ấy hứa chẳng sai.
Một chiều mưa bay, người sẽ quay trở lại.
Ngày ấy dù gần hay còn xa ngái.
Tôi sẽ đợi người, đợi mãi... chẳng thôi.

-Tôi đợi một người.
Người ấy rất yêu tôi.
Sẽ trở lại thôi, tôi và người từng ước hẹn.

-Chỉ sợ người cô yêu quên béng...
Lời hẹn năm nào đã hoá những xa xăm.

Em nhớ anh nhiều nên ngày nào cũng ghé thăm.
Mặc lũ chim sâu trên cành nhìn em ái ngại.
Anh yêu hỡi, bao giờ anh trở lại?
Em như đoá cúc dại mọc bên vệ đường,
Cứ ngóng mãi một phương.

Tình yêu thầm lặng, bền bỉ cùng gió sương
Nguyện ước gặp người thương nở bừng, bay theo gió...
Có một người hoá bồ công anh từ đó.
Gió tiếc thương, chở giúp những cánh hoa bé nhỏ.
Lối anh về,
Rưng rức...
Tình em!

Lan Anh
*
Nếu ở phương Đông từ xưa xửa từng có huyền thoại “chim liền cánh, cây liền cành” để tụng ca những mối tình sắt son gắn bó đến cả sau khi hai người đã về bên kia thế giới thì giữa thế kỷ văn minh hiện đại này tình yêu vẫn đủ sức mơ mòng để chắp cánh nối tiếp những huyền thoại của mình qua LỜI HẸN BỒ CÔNG ANH của tác giả LAN ANH.

Kiếp sau em chờ anh ở đây!
Vẫn con phố nhỏ mưa bay, nơi lần đầu mình gặp

Một lời hẹn bình thường của tình yêu nhưng đã khắc sâu tình ý đậm đà vào lòng của kẻ nồng yêu, luôn vang vang trong tâm tưởng niềm tin chờ đợi.

Em hứa rồi lời hứa chắc như bắp.
Kiếp này, kiếp sau cũng chẳng muốn xa nhau

Có lẽ vì một lý do bất khả kháng nào đó – kể cả cái chết – nên một trong hai người không thể đến được với nhau, nhưng người còn lại luôn khẳng định tình yêu của mình dù hiện tại chỉ một hình một bóng và hiểu rằng chỉ hoạ may kiếp sau mới được trùng phùng, thoả lòng ước nguyện mãi mãi bên nhau.

Nhưng mà anh nè nếu quả thật có kiếp sau,
Mình gặp nhau sớm hơn đi, anh nhé!

Dẫu vậy, cái nghịch cảnh thê lương khiến hôm nay họ bất đắc dĩ phải lìa nhau đã ám ảnh nặng nề khiến lòng người còn lại hoang mang không biết có cái gọi là “kiếp sau” giữa thế kỷ 21 này không? Và nếu thật có kiếp sau thì nhắn nhủ rằng, hãy đến với nhau sớm hơn một chút nhé kẻo lập lại kịch bản đau thương này khiến tình yêu của họ đã phải hơn một lần đứt đoạn, dang dở, cách biệt rồi đành chia lìa vĩnh viễn...

Đừng để xuân hạ... rồi thu đông... Mùa nối mùa...
Đôi chim trên cành cao, chúng âu yếm nhau rồi nhìn em thỏ thẻ:
- Ơ này cô nàng đơn lẻ!
Chiều muộn lắm rồi!
Cô đứng mãi.
Đợi ai?
……..
- Chỉ sợ người cô yêu quên béng...
Lời hẹn năm nào đã hoá những xa xăm

Đừng để miệng đời lắm dèm pha, dè bĩu, trêu đùa… một con tim son sắt đợi chờ sau lời hẹn của tình yêu dẫu nghe ra có vẻ vô vọng, ào tưởng với người ngoài cuộc!

Đừng để mùa nối mùa, tháng tiếp tháng, năm rồi lại năm… trôi qua trong hờ hững lạnh lùng làm trĩu nặng đôi vai gầy guộc bé bỏng của một kẻ tình si đang mỏi mòn trong ngóng đợi lời hiệp thề thành một của hôm nào người gởi lại!

Tâm tình thế thôi để lòng nhẹ bớt ưu phiền, để chốn viễn phương người thấu hiểu cho tình này chứ cái chung thuỷ luôn lồng lộng trong ta ấy chứ.

-Tôi đợi một người.
Người ấy hứa chẳng sai.
Một chiều mưa bay, người sẽ quay trở lại.
Ngày ấy dù gần hay còn xa ngái.
Tôi sẽ đợi người, đợi mãi... chẳng thôi

Với niềm tin sắt đá rằng cuối cùng thế nào rồi châu cũng sẽ về Hợp Phố.

-Tôi đợi một người.
Người ấy rất yêu tôi.
Sẽ trở lại thôi, tôi và người từng ước hẹn

*****
Trở về với thực tại càng não nề hơn khi đối diện với những sự thật của nghịch cảnh chia lìa, của những ánh mắt xung quanh đang nhủ lòng thương hại… Tất cả đó làm quặn thắt cả một khung trời mong nhớ, đợi chờ

Em nhớ anh nhiều nên ngày nào cũng ghé thăm.
Mặc lũ chim sâu trên cành nhìn em ái ngại.
Anh yêu hỡi, bao giờ anh trở lại?
Em như đoá cúc dại mọc bên vệ đường,
Cứ ngóng mãi một phương

Rồi như nàng Tô Thị hoá đá thành Hòn vọng phu đơn côi bi thương và nhuốm lệ, sự mỏi mong sum hiệp và ngọn lửa tình cháy loang bùng vỡ như Hoả diệm sơn khai nhuỵ đã biến trái tim yêu thương thành những cánh bay của loài hoa Bồ công anh huyền thoại, dong ruỗi trên đường tình kỷ niệm kiếm tìm lại dư âm và hình bóng của một thuở nồng thương…

Tình yêu thầm lặng, bền bỉ cùng gió sương
Nguyện ước gặp người thương nở bừng, bay theo gió...
Có một người hoá bồ công anh từ đó.
Gió tiếc thương, chở giúp những cánh hoa bé nhỏ.
Lối anh về,
Rưng rức...
Tình em!

Cầu mong cho cánh gió Bồ công anh – trên đường đi tìm lại nửa kia của đời mình – mãi mãi ấp ôm trong lòng chiếc hộp Pandora(1)…

HANSY
[1]Hộp đựng niềm Hy vọng (theo thần thoại Hy Lạp)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

35.
NƠI MÙA XUÂN ĐÃ CŨ


Em đứng lại nơi mùa xuân rất cũ
Để chờ mong kỷ niệm sẽ quay về
Như kẻ mộng du đi lạc giữa cơn mê
Chợt bừng tỉnh ... dù chỉ là vô thức.

Em vẫn đứng nơi mùa xuân thuở trước
Cho dù là hy vọng rất mong manh
Vẫn biết rằng kỷ niệm chẳng còn xanh
Rong rêu lấp mất yêu thương từ một thuở.

Em vẫn đứng nơi mùa xuân xưa dang dở
Thuở chúng ta đã quay mặt chối từ
Nơi đoạn tuyệt nhau chỉ bằng một lá thư
Trao tay vội bởi một người xa lạ.

Em đứng lại giữa mùa xuân buốt giá
Nơi chẳng thấy đâu lộc nở đón xuân về
Nhìn thiên hạ vui lòng chợt thấy tái tê
Mòn mỏi đợi rồi thấy lòng quạnh quẽ.

Mùa xuân cũ một mùa xuân rất trẻ
Lúc mầm non chưa kịp nẩy đơm chồi
Chợt lạc xuân rồi hoa cỏ bỗng đơn côi
Buồn hiu hắt như đồng khô cỏ dại.

Em đứng lại nơi mùa xuân cũ mãi
Nhìn thời gian theo dòng nước cuốn trôi
Biết đâu chừng gió đẩy ngược mây trôi
Sẽ gom nhặt được nỗi buồn xa khuất.

Em đứng lại nơi mùa xuân đã mất
Để tìm dư âm bài hát của thuở nào
Tự hỏi mình nhiều câu hỏi tại sao
Nhớ chi mãi một mùa xuân đã cũ.

Em đứng lại nơi mùa xuân tàn rũ
Nơi mà trong anh mọi thứ đã phôi pha
Nơi mà thời gian đã phai dấu nhạt nhoà
Người quên hết còn em thì nhớ mãi!

Mimosa [Sao Khuê Nguyễn]
---------------------------------------
*
Thời gian – như ai cũng biết – làm nên quá khứ, hiện tại, tương lai và luân chuyển không ngừng về phía trước. Nhưng với con người, thời gian không hẳn luôn vận hành đúng quy luật như thế. Bởi với chúng ta, thơi gian có hai loại: Thời gian vật lý và thời gian tâm lý. Loại thứ nhất thì chỉ cần nhìn đồng hồ là xong. Riêng loại thứ hai thì phức tạp vô cùng. Chẳng thế mà tác giả MIMOSA [SAO KHUÊ NGUYỄN] lại cứ đứng lỳ ở một MÙA XUÂN ĐÃ CŨ dẫu thời gian thực giữa cuộc đời thường đang vùn vụt trôi qua.

Em đứng lại nơi mùa xuân rất cũ
Để chờ mong kỷ niệm sẽ quay về

À thì ra, đứng lại vì ở mùa xuân trước có những kỷ niệm mà hiện tại và ngay cả tương lai có thể không bao giờ có được. Chắc chắn đó là những ký ức tuyệt vời của một thuở tình yêu thăng hoa kết nụ, đưa mọi thứ lạc vào tiên cảnh bồng lai. Và như Từ Thức vậy, sau khi từ bỏ đi để quay lại cõi trần tục đã không bao giờ thấy và gặp lại.

Em vẫn đứng nơi mùa xuân thuở trước
Cho dù là hy vọng rất mong manh
Vẫn biết rằng kỷ niệm chẳng còn xanh
Rong rêu lấp mất yêu thương từ một thuở.

Dẫu vậy, với một tình yêu bao la vô bờ bến, vẫn cố thắp sáng một ngọn nến hy vọng nhỏ nhoi, leo lét bởi vững tin rằng, những kỷ niệm nồng cháy ngày nao lẽ nào chịu ra đội nón ra đi một cách vô tình và phũ phàng đến vậy.  

Em vẫn đứng nơi mùa xuân xưa dang dở
Thuở chúng ta đã quay mặt chối từ
Nơi đoạn tuyệt nhau chỉ bằng một lá thư
Trao tay vội bởi một người xa lạ.

Và cũng bởi ngày đầu tiên khi hai con tim đến với nhau qua lần đập trùng nhịp đã vô cùng hoành tráng và ngất ngây thì không thể nào cái vũ hội tình yêu lộng lẫy đó lại có một kết thúc đầy lạnh lùng và tẻ nhạt như thế.

Và dẫu rằng bóng ngựa thời gian miệt mài phi về phía trước, ta vẫn trì lòng ngồi lại giữa mùa xuân cũ. Cái mùa xuân không chỉ hiện diện trong thực tế cuộc đời này mà còn là mùa xuân của tình yêu, và cũng là mùa xuân tuyệt diệu nhất của chính lòng ta. Và mộng du vào miền hư ảo của vườn tình ngày xưa.

Mùa xuân cũ một mùa xuân rất trẻ
Lúc mầm non chưa kịp nẩy đơm chồi

Nhưng thật đáng tiếc, ngay cả cái ảo ảnh tình yêu của ngày xưa diễm lệ cũng chẳng xua đi được cái thực tại hôm nay là phải đối diện với sự hoang tàn, trống rỗng và đơn côi cùng cực khi xung quanh mọi người đang nô nức đón mùa xuân mới trong tình yêu của họ.

Chợt lạc xuân rồi hoa cỏ bỗng đơn côi
Buồn hiu hắt như đồng khô cỏ dại.
……………
Em đứng lại giữa mùa xuân buốt giá
Nơi chẳng thấy đâu lộc nở đón xuân về
Nhìn thiên hạ vui lòng chợt thấy tái tê
Mòn mỏi đợi rồi thấy lòng quạnh quẽ.

Và rồi cũng tự nghi hoặc về hành động của mình khi cứ giam hãm tâm hồn trong ngục tù quá vãng đầy xích xiềng của ký ức thương yêu. Liệu có đáng không khi nhớ mãi một bóng hình không bao giờ trở lại, một cuộc tình đã kết thúc trong bẽ bàng, đau đớn không ngờ?

Em đứng lại nơi mùa xuân đã mất
Để tìm dư âm bài hát của thuở nào
Tự hỏi mình nhiều câu hỏi tại sao
Nhớ chi mãi một mùa xuân đã cũ.

Nhưng sức mạnh của tình yêu quá lớn khiến dẫu lòng có đôi khi chệch choạc cuối cùng vẫn trở lại con đường tình đã đi từ quá vãng dù nay chỉ có một mình. Con đường đầy chông gai và hố hầm bẫy sập đã làm trái tim ta tươm nát và rỉ máu liên hồi từ ngày rơi xuống vực thẳm của lòng bội phản. Vẫn hy vọng đó chỉ là một cơn bão rớt lướt vội qua cuộc tình rồi sẽ chóng tàn mau.

Em đứng lại nơi mùa xuân cũ mãi
Nhìn thời gian theo dòng nước cuốn trôi
Biết đâu chừng gió đẩy ngược mây trôi
Sẽ gom nhặt được nỗi buồn xa khuất.

Và cuối cùng, sức tàn lực kiệt, vẫn cố bám vào những kỷ vật tình yêu trong quá vãng dẫu thời gian cứ muốn đẩy ta về phía trước, dẫu biết chắc rằng tất cả đó giờ đối với người chỉ là con số không to tướng, nhưng trong ta vẫn mãi là những báu vật không thể nào phai…

Em đứng lại nơi mùa xuân tàn rũ
Nơi mà trong anh mọi thứ đã phôi pha
Nơi mà thời gian đã phai dấu nhạt nhoà
Người quên hết còn em thì nhớ mãi!

Thơ MIMOSA [SAO KHUÊ NGUYỄN] dằng dặc đau thương như viết ra từ những dòng chảy của con tim đang rỉ máu làm cho những tâm hồn đồng điệu cũng thấy nhói lòng như hoàn cảnh của chính mình. Bởi mấy ai trong đời không xót xa khi ít nhất một lần “ngã ngựa” trong cuộc tình. Hỡi những người khi sẵn sàng chia tay tìm bến tình mới, hãy suy nghĩ thật kỹ về người tình cũ sẽ như nào khi ngày mai không còn ta bên cạnh họ nữa!

HANSY
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

36.
VỀ ĐI ANH


Noel này
anh có trở về không
Cầu tình bắc trên dòng sông còn đó
Với bóng dáng một người con gái nhỏ
Vẫn đêm ngày cứ vò võ đợi mong.

Về đi anh
cho rực ấm mùa đông
Cùng dạo phố ngắm hàng thông lóng lánh.
Khăn quàng cổ em giả vờ như chảnh
Tựa thuở đầu ta dưới ánh trăng đêm.

Về đi anh
Kẻo nỗi nhớ dài thêm
Rồi thấm đẫm cả giọt mềm môi mắt
Khiến má thắm cũng tàn phai tái nhạt.
Bản ca tình chẳng thể hát trong khuya.

Về đi anh
Cho thôi cảnh cắt chia
Bình minh nở đón từng tia nắng mới
Tim rộn rã mình cùng vui phấn khởi
Thật yên bình chẳng chấp chới mông lung.

Về đi anh
Cho thoả ước mộng chung
Hoàng hôn khép nhánh lan rừng ta ngắm
Niềm vui toả buông ra từ sâu thắm
Hạnh phúc... nồng nàn... đằm thắm.... dịu êm.

JANA PHUNG
*
Mùa đông về kéo theo tiết trời se lạnh, càng vào giữa mùa đông, càng gần lễ Noel, càng  khiến lòng người thêm thấy rõ nỗi cô đơn, trống trải… giữa căn phòng đơn chiếc, để mà thương , mà nhớ, mà trông ngóng… một ai kia đangbiền biệt phương nào… Nỗi khát khao hạnh ngộ tương phùng khiến tận đáy lòng bật lên những âm vang thê thiết, mời gọi: VỀ ĐI ANH mà Nàng thơ JANA PHUNG đã thay bao người nói lên cái khát vọng chờ mong hơi ấm cũ về sưởi lòng băng giá mới.

Noel này
anh có trở về không
Cầu tình bắc trên dòng sông còn đó
Với bóng dáng một người con gái nhỏ
Vẫn đêm ngày cứ vò võ đợi mong

Dòng suy tưởng dần trôi vào vùng kỷ niệm. Ở đó, mỗi góc đường,  mỗi con phố dẫu cảnh vật vẫn y hệt ngày nao nhưng giờ thiếu bóng người tình đã biến thành hoang mạc trong thức cảm tình yêu.  

Về thao thức canh chầy tìm trở lại
Bốn chân trời người đứng ở nơi nao
[Bùi Giáng]

Người ở đâu sao không trở lại cùng ta, cho cảnh vật bừng lên cùng hoa lá, cho mùa đông không còn là lạnh lẽo, để quá vãng tình thắm ngọt lại bờ môi. Nào những chiều ánh phố rực đón đưa, lẫn những đêm trăng khuya nghiêng đầu hò hẹn…

Về đi anh
cho rực ấm mùa đông
Cùng dạo phố ngắm hàng thông lóng lánh.
Khăn quàng cổ em giả vờ như chảnh
Tựa thuở đầu ta dưới ánh trăng đêm.

Nỗi chờ mong quặn xé cả tim lòng. Sao tình tự lại vướng nhiều cách biệt? Để một người biệt biền nơi cuối gió, kẻ đầu sông đồng vọng khúc tương tư. Để từng khuya nghe nỗi nhớ thì thầm, ray rức mãi khi gối chăn quạnh quẽ…

Em chờ anh không biết có hoa tàn
Có trăng khuyết, có sương chiều, mưa tối
Em chỉ biết có nỗi lòng mong đợi
Em chờ anh không ngại kém dung nhan
……
Em chờ anh không nghĩ đến thời gian
[Tế Hanh]

Chờ đợi là hình phạt khủng khiếp của những trái tim đang yêu nhau. Càng rã rời, dã dượi hơn khi không biết đến bao giờ mới đến cuối đường mong ngóng. .. Ngục tù chờ đợi không chỉ giam hãm tuổi thanh xuân mà còn làm nhạt phai đi cái hương nồng tình tự, bởi ai mà biết được nửa kia có chung thuỷ tựa nửa này?

Về đi anh
Kẻo nỗi nhớ dài thêm
Rồi thấm đẫm cả giọt mềm môi mắt
Khiến má thắm cũng tàn phai tái nhạt.
Bản ca tình chẳng thể hát trong khuya.

Dẫu vậy, niềm tin không hề lay chuyển dẫu có đôi lúc ngần ngừ. Người phương này vẫn “dụ khị” kẻ phương kia bằng những viễn cảnh thần tiên từ ngoại vật đến cái tâm hồn đang rướm lệ, nhưng sẽ bừng rỡ niềm hoan trong buổi đón ai về…

Về đi anh
Cho thôi cảnh cắt chia
Bình minh nở đón từng tia nắng mới
Tim rộn rã mình cùng vui phấn khởi
Thật yên bình chẳng chấp chới mông lung.

Nhưng thực tại ê chề luôn vặt dằn tâm trạng, bởi cái lạnh của mùa đông nào thấm thía gì so với cái băng giá đang đặc quánh trong nỗi lòng cô phụ. Nhắc làm chi kỷ niệm xa vời đang có nguy cơ chìm vào quên lãng khi người đi chẳng sót lại chút hơi ấm nào sưởi kẻ cô liêu…

Nhắc làm chi? Ôi! nhắc làm chi nữa?
Anh đi rồi, mưa gió suốt trang thơ
Mây lìa ngàn, e lệ cánh chim thu
Con bướm ép thoát hồn mơ giấc ngủ .
[Đinh Hùng]

Rồi trong mệt nhoài cùa cơn tra tấn của ngóng mong, chờ đợi, trước khi thiếp vào hư vô phiền muộn trái tim yêu vẫn cố gởi đi thông điệp nặng tình.

Về đi anh
Cho thoả ước mộng chung
Hoàng hôn khép nhánh lan rừng ta ngắm
Niềm vui toả buông ra từ sâu thắm
Hạnh phúc... nồng nàn... đằm thắm.... dịu êm.

Nhưng cuối cùng cũng phải đối diện với thực tại  đau lòng. Dẫu vắt cạn tâm tư trong tiếng gọi nhưng hình như đó chỉ là những âm thanh lạc lõng giữa khung trời bẽ bàng giá buốt của đất trời và cả lòng người…

Rồi từ đó về sau mang trái đắng
Bàng hoàng đi theo gió thổi thu bay
Em chờ anh không biết tự bao ngày
Để thấy mãi rằng thơ không đủ gọi
[Bùi Giáng]

Điệp khúc Về Đi Anh cứ vọng vang mãi như tiếng lòng thiết tha réo gọi một khúc tình ca đang bị bỏ lửng khiến tâm hồn của khách cũng trờ thành đồng điệu với xúc cảm thiết tha, dằn vặt này.

Thơ Jana Phung mang âm hưởng nồng nàn, da diết… xoáy tận tâm can người đọc với những vần điệu cháy bỏng độ rung xao xuyến tâm lòng…

HANSY
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÌNH THƠ
HANSY
2025


https://1.bp.blogspot.com/-CcZNzeS92U0/YLYa62RjxUI/AAAAAAACQYA/fYZBtgzQtyAIGU6ZEOJXdM5FopbRqCXPQCLcBGAsYHQ/w640-h451/%2540.1.PNG

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

QUY ĐỊNH VIẾT HOA – 2020


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgYLyIhCO9vtrq7QshGlyO2Kr-2pW-8f34mH3KBRVn3qg5jmejU-E2DBW5nPKmjvuLl8oIaleK5Ad_Rz4fX8Da6XLEP3kNy-K-bwMQrGPXT_v6W6Aq3Z1qP99RL9abZT9-QZER81bbwZpccsYqkjPyPsR0g24Qxk0xU52hyphenhyphengX-H2d99bnbvxb7i8Tx-W1EB/w640-h536/CHROME.PNG


Ngày 5/3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 30/2020 về công tác văn thư. Ban hành kèm với Nghị định 30 là các phụ lục hướng dẫn cụ thể về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản hành chính... Trong đó, vấn đề viết hoa được quy định tại phụ lục II, bao gồm 5 trường hợp viết hoa kèm hướng dẫn chi tiết trong từng trường hợp.
1
Viết hoa vì phép đặt câu
Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh, tức sau dấu chấm câu (.), dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!) và khi xuống dòng.
2
Viết hoa danh từ riêng chỉ tên người
2.a
Tên người Việt Nam
Tên thông thường: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết của danh từ riêng chỉ tên người, ví dụ Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú...
Tên hiệu, tên gọi nhân vật lịch sử: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết. Ví dụ: Vua Hùng, Bà Triệu, Ông Gióng, Bác Hồ, Cụ Hồ...
2.b
Tên người nước ngoài được phiên âm chuyển sang tiếng Việt
- Trường hợp phiên âm sang âm Hán - Việt: Viết theo quy tắc viết tên người Việt Nam. Ví dụ: Kim Nhật Thành, Mao Trạch Đông, Thành Cát Tư Hãn...
- Trường hợp phiên âm không sang âm Hán - Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất trong mỗi thành phần. Ví dụ: Vla-đi-mia I-lích Lê-nin, Phri-đrích Ăng-ghen...
3
Viết hoa tên địa lý
3.a
Tên địa lý Việt Nam
- Tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn) với tên riêng của đơn vị hành chính đó: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng và không dùng gạch nối. Ví dụ: thành phố Thái Nguyên, tỉnh Nam Định...
- Trường hợp tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với chữ số, tên người, tên sự kiện lịch sử: Viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị hành chính đó. Ví dụ: Quận 1, Phường Điện Biên Phủ...
- Trường hợp viết hoa đặc biệt: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tên địa lý được cấu tạo giữa danh từ chung chỉ địa hình (sông, núi, hồ, biển, cửa, bến, cầu, vũng, lạch, vàm,...) với danh từ riêng (có một âm tiết) trở thành tên riêng của địa danh đó: Viết hoa tất cả các chữ cái tạo nên địa danh. Ví dụ: Cửa Lò, Vũng Tàu, Lạch Trường, Vàm Cỏ, Cầu Giấy...
Trường hợp danh từ chung chỉ địa hình đi liền với danh từ riêng: Không viết hoa danh từ chung mà chỉ viết hoa danh từ riêng. Ví dụ: biển Cửa Lò, chợ Bến Thành, sông Vàm Cỏ, vịnh Hạ Long...
Tên địa lý chỉ một vùng, miền, khu vực nhất định được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với từ chỉ phương hướng khác: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi. Đối với tên địa lý chỉ vùng, miền riêng được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với danh từ chỉ địa hình thì viết hoa các chữ cái đầu mỗi âm tiết. Ví dụ: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ...
3.b
Tên địa lý nước ngoài được phiên âm chuyển sang tiếng Việt
- Tên địa lý đã được phiên âm sang âm Hán - Việt: Viết theo quy tắc viết hoa tên địa lý Việt Nam. Ví dụ: Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Pháp, Anh...
- Tên địa lý phiên âm không sang âm Hán - Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người nước ngoài. Ví dụ: Mát-xcơ-va, Men-bơn...
Viết hoa tên cơ quan, tổ chức
4
4.a
Tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam
- Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức. Ví dụ: Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, Sở Tài chính...
- Trường hợp viết hoa đặc biệt: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng...
4.b
Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài
- Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài đã dịch nghĩa: Viết hoa theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam. Ví dụ: Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...
- Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài được sử dụng trong văn bản ở dạng viết tắt: Viết bằng chữ in hoa như nguyên ngữ hoặc chuyển tự La-tinh nếu nguyên ngữ không thuộc hệ La-tinh. Ví dụ: WTO, UNDP, UNESCO, ASEAN...
5
Viết hoa các trường hợp khác
Danh từ thuộc trường hợp đặc biệt: Nhân dân, Nhà nước.
5.a
Tên các huân chương, huy chương, các danh hiệu vinh dự: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết của các thành phần tạo thành tên riêng và các từ chỉ thứ, hạng. Ví dụ: Huân chương Sao vàng, Nghệ sĩ Nhân dân, Anh hùng Lao động...
5,b
Tên chức vụ, học vị, danh hiệu: Viết hoa tên chức vụ, học vị nếu đi liền với tên người cụ thể. Ví dụ: Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Giáo sư Tôn Thất Tùng...
5.c
Danh từ chung đã riêng hoá:
Viết hoa chữ cái đầu của từ, cụm từ chỉ tên gọi đó trong trường hợp dùng trong một nhân xưng, đứng độc lập và thể hiện sự trân trọng. Ví dụ: Bác, Người (chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đảng (chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam)...
5.d
Tên các ngày lễ, ngày kỉ niệm:
Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi ngày lễ, ngày kỷ niệm. Ví dụ: ngày Quốc khánh 2-9, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày Quốc tế Lao động 1-5, ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10...
5.e
Tên các loại văn bản:
Viết hoa chữ cái đầu của tên loại văn bản và chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi của văn bản trong trường hợp nói đến một văn bản cụ thể. Ví dụ: Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức Quốc hội...
Trường hợp viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của phần, chương, mục, tiểu mục, điều.
Ví dụ:
- Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 103 Mục 5 Chương XII Phần I của Bộ luật Hình sự.
- Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Tiểu mục 1 Mục 1 Chương III của Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14.
5.g
Tên các năm âm lịch, ngày tết, ngày và tháng trong năm
- Tên các năm âm lịch: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi. Ví dụ: Kỷ Tỵ, Tân Hợi, Mậu Tuất, Mậu Thân...
- Tên các ngày tết: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi. Ví dụ: tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, tết Trung thu. Viết hoa chữ Tết trong trường hợp thay cho tết Nguyên đán.
- Tên các ngày trong tuần và tháng trong năm: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ ngày và tháng trong trường hợp không dùng chữ số. Ví dụ: thứ Hai, thứ Tư, tháng Năm, tháng Tám...
5.h
Tên các sự kiện lịch sử và các triều đại:
Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành sự kiện và tên sự kiện, trong trường hợp có các con số chỉ mốc thời gian thì ghi bằng chữ và viết hoa chữ đó. Ví dụ: Triều Lý, Triều Trần, Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng tháng Tám...
5.i
Tên các tác phẩm, sách báo, tạp chí:
Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên tác phẩm, sách báo. Ví dụ: từ điển Bách khoa toàn thư, tạp chí Cộng sản...


Bên cạnh những thay đổi đã được thể hiện phần trên, quy định mới tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP cũng đã bỏ quy tắc bắt buộc viết hoa trong tên gọi các tôn giáo, giáo phái, ngày lễ tôn giáo trong các văn bản hành chính.
--------------------
Tài liệu tham khảo:
-Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ
-Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ
https://giaoduc.net.vn/va...co-hieu-luc-post207736.gd
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

38
EM CHỈ CÓ MÌNH ANH


Thế giới này em chỉ có mỗi anh
Sau anh sẽ không còn ai nữa cả
Và trước anh cũng chưa từng lơi lả
Bởi anh là tất cả cuộc đời em

Bài thơ này chỉ viết để mình em
Sợ làm tim yếu mềm thêm đau đớn
Tình yêu sâu mênh mông như biển lớn
Đau đáu nhìn một hướng mãi mà thôi

Em sinh ra chỉ biết có anh thôi
Và chết đi không còn ai nữa cả
Không nói được những lời yêu vội vã
Làm xót xa không chỉ mỗi riêng ai

Em vẫn đợi dù chẳng có ngày mai
Vầng trăng khuyết bao ngày không tròn vẹn
Hai miền xa chưa bao giờ hứa hẹn
Vẫn trao anh trọn vẹn mối tình đầu

Dẫu sau này mãi mãi phải xa nhau
Tim này chẳng thể yêu thêm lần nữa

MINH HIEN
*
Như trang giấy trắng ghi những dòng chữ đầu tiên hằn sâu nhiều kỷ niệm – mối tình đầu – dẫu bạc bàng mỏng mảnh như những sợi tơ trời trong làn sương thu huyễn ảo, mà sao cứ quấn quýt quyện lấy ta gần như trong suốt cuộc đời mình… Hãy cùng lắng nghe nhịp đập ngọt ngào của con tim đang thủ thỉ thì thầm về một trong vài hiếm hoi của dấu ấn trên con đường tình sử qua EM CHỈ CÓ MÌNH ANH mà Nàng thơ Minh Hiền, với một minh định xác quyết đầy sức nóng của lửa tình yêu…

Thế giới này em chỉ có mỗi anh
Sau anh sẽ không còn ai nữa cả

Dẫu biết rằng, nghiệt ngã của cuộc đời lắm khi không cho ta được vuông tròn ước nguyện, nhưng đã yêu rồi, mấy ai không muốn dâng hiến tất cả những gì mình có – dẫu là quý báu đến mấy – cho người mà ta lắm khi còn xem quý và trọng hơn cả cuộc đời mình, bởi vì:

Và trước anh cũng chưa từng lơi lả
Bởi anh là tất cả cuộc đời em

Nhưng muôn đời, không có gì trong vũ trụ này là hoàn hảo và tuyệt đối cả. Những bóng mây xám xịt của lưỡi rắn hoang đường cõi thế thi thoảng làm u ám nẻo tình khiến cho hạt Nghi Ngờ nẩy mầm và xen lẫn vào giữa tình yêu để tách biệt hai trái tim đang hoà nhịp yêu thương. Định mệnh của con người là mong manh và đổ vỡ, luôn chực chờ xoá nhoà đi những giá trị cửu trường mà họ đã dày công xây dựng…

Dẫu thế người ơi, ta vẫn mãi nhủ thầm trong trái tim mình như một lời tuyên thệ vĩnh hằng với tình yêu.

Bài thơ này chỉ viết để mình em
Sợ làm tim yếu mềm thêm đau đớn
Tình yêu sâu mênh mông như biển lớn
Đau đáu nhìn một hướng mãi mà thôi

Và không chỉ có thế! Còn rất nhiều nguyên do trọng đại và nặng ký để ta có thể trút cạn mạch sống tình yêu của mình dâng hiến cho người tình mơ mà không hề gợn lên một tẹo đắn đo ngần ngại…

Em sinh ra chỉ biết có anh thôi
Và chết đi không còn ai nữa cả

Thật nao lòng khi uống cạn những dòng mật ngọt yêu thương chất ngất và mặn mòi đến vậy! Thế giới hàng tỷ người nhưng ta chỉ nhìn thấy có mỗi mình Người! Và khi đã đi vào cõi vĩnh hằng, nếu không được cùng người nắm tay tung tăng lên cõi thiên đường thì vĩnh viễn ta sẽ tự cầm tù linh hồn mình trong ngục tù cô độc cả ở phía thế giới bên kia!

Rồi thầm lặng gậm nhấm cái chao lòng dẫu bên trong tâm tưởng là biển cả dung nham của liên hoàn núi lửa.

Không nói được những lời yêu vội vã
Làm xót xa không chỉ mỗi riêng ai

Cứ những tưởng tình yêu lớn đến vậy sẽ bao trùm tất cả, người sẽ hiểu hết tấm lòng và mạch nhựa yêu thương của tim ta. Nhưng… – thật oái oăm cho cái chữ Nhưng nghiệt ngã của sóng đời – những quãng cách không gian, những trễ tràng của thời gian, những bóng đen lãng vãng của Satan… luôn rập rình giơ bàn tay lông lá bẩn thĩu muốn xoá tan viễn cảnh bồng lai hằng mơ tưởng…

Dẫu là thế thì ta vẫn hoài tự hứa với lòng:

Em vẫn đợi dù chẳng có ngày mai
Vầng trăng khuyết bao ngày không tròn vẹn
Hai miền xa chưa bao giờ hứa hẹn
Vẫn trao anh trọn vẹn mối tình đầu

Mà nào chỉ có vậy, người ơi…………….

Dẫu sau này mãi mãi phải xa nhau
Tim này chẳng thể yêu thêm lần nữa

HANSY
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [96] [97] [98] [99] [100] ›Trang sau »Trang cuối