Dưới đây là các bài dịch của Đào Hùng. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 1 trang (8 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Độ Long Vĩ giang (Nguyễn Du): Bản dịch của Đào Hùng

Lệ nhỏ nhìn quê cũ
Gió tây cuốn bụi đường
Sông Lam vừa chuyển bến
Đất lạ đã tha phương
Tóc trắng in trên cát
Chim hồng gọi biển vang
Bạn thân trên bến ngóng
Khăn đẫm tiễn người thương.

Ảnh đại diện

Xuân dạ (Nguyễn Du): Bản dịch của Đào Hùng

Sắc xuân đêm tối biết tìm đâu
Rèm liễu ngoài song sẫm một màu
Ngày tháng lênh đênh mang bệnh cũ
Gió mưa xuân khuất đắm đêm sâu
Bao năm đất lạ đèn hong lệ
Nghìn dặm quê xa nguyệt trải sầu
Ngoài xóm Nam Đài Long thủy chảy
Thoáng vang tiếng lạnh tiễn nghìn thâu.

Ảnh đại diện

Quy Côn Sơn chu trung tác (Nguyễn Trãi): Bản dịch của Đào Hùng

Mười năm phiêu giạt kiếp bồng bèo
Cờ phất ý về tợ ngọn treo
Hồn gửi mơ tìm làng xóm cũ
Máu hòa lệ rửa mả mồ rêu
Binh tàn lửa dứt còn phiền não
Đất khách tình nhà vẫn nặng đeo
Tấc dạ ngùi ngùi bao khắc khoải
Song thuyền trở gối sáng trời theo.

Ảnh đại diện

Tải nguyệt minh quy (Đức Thành thiền sư): Bản dịch của Đào Hùng

Tơ xe nghìn thước buông câu
Một làn sóng động muôn đầu sóng chao
Lặng yên chẳng được cá nào
Thuyền về chở nặng trăng cao sáng ngời.

Ảnh đại diện

Xuất tái kỳ 1 (Vương Xương Linh): Bản dịch của Đào Hùng

Ải Hán, trăng Tần ngời tỏa sáng
Chinh nhân nghìn dặm mãi xa xăm
Long Thành ví giả còn phi tướng
Chẳng để ngựa Hồ vượt núi Âm.

Ảnh đại diện

Đề Lý Ngưng u cư (Giả Đảo): Bản dịch của Đào Hùng

Người thưa nhàn xóm nhỏ
Lối cỏ vườn cô liêu
Cây bờ ao chim đỗ
Sư gõ cửa trăng chiều.
Qua cầu xanh sắc ruộng
Đá xô động mây trời
Ai về nơi ước muốn
Hẹn nào chẳng buông trôi.

Ảnh đại diện

Tam nguyệt hối nhật tống xuân (Giả Đảo): Bản dịch của Đào Hùng

Tháng ba ngày đúng chẵn ba mươi
Từ giã tiết xuân khóc phận người
Cùng bạn đêm nay quên giấc ngủ
Chữa hồi chuông sớm vẫn xuân tươi

Ảnh đại diện

Văn khốc giả (Bạch Cư Dị): Bản dịch của Đào Hùng

Ngày qua xóm nam khóc
Khóc tiếng sao thống khổ?
Rằng đấy vợ khóc chồng
Chồng vừa hai nhăm tuổi.
Sớm nay xóm bắc khóc
Khóc tiếng càng thê thảm
Rằng đấy mẹ khóc con
Con mười bảy mười tám.
Hàng xóm còn như vậy
Mọi nơi chết non nhiều
Mới hay người cõi tạm
Bạc đầu chẳng bao nhiêu.
Bốn mươi giờ đã quá
Nghĩ thế cũng nguôi lòng
Từ đây soi gương sáng
Không hiềm tóc tuyết đông.

Trang trong tổng số 1 trang (8 bài trả lời)
[1]