Trang trong tổng số 104 trang (1037 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

VII (Aleksandr Pushkin): Bản dịch của Nguyễn Tùng Cương

Chàng công tử, không may, nghe án tử,
Đầu cúi gằm, im lặng trở lại tù,
Tự nhiên khiến mọi người cùng thông cảm
Chỉ đắng cay than phiền. Chàng chợt gặp một người
Là Lusio sống lang thang đầu đường xó chợ,
Quen nói rông dài, tuy nhỏ người, dễ nhờ cậy.
“Anh bạn ơi, - Claudio nói, - xin bạn chớ chối từ:
Nhờ anh qua tu viện tìm chị tôi. Hãy nói là,
Tôi sắp chết. Chị phải nhanh chân mới kịp
Cứu được tôi, chị hãy nhờ bạn bè thân thiết,
Hay thậm chí phải gặp Tân vương mới xong.
Lusio ơi, chị tôi thông tuệ và giỏi giang,
Chúa cho chị tài rót mật vào tai, quen thuyết khách,
Mà nói thật, mỹ nhân trẻ cứ im lìm khóc lóc
Thì ai chả mềm lòng.” - “Được rồi, tôi sẽ nói cho”,
Chàng lông bông đáp lại, sau đi ngay
Tìm tu viện theo lời Claudio nhờ cậy.

Ảnh đại diện

VI (Aleksandr Pushkin): Bản dịch của Nguyễn Tùng Cương

Angelo làm vậy khiến người người sợ hãi,
Dân gầm gừ phản đối, đám trẻ thoải mái cười
Đâu cũng kể tiếu lâm về con người nghiêm khắc,
Vừa hay như gió lốc lướt khắp đồng hoang,
Người đầu tiên đang vô lo phải ra toà chịu tội
Là Claudio một trang nam nhỉ trẻ tuổi.
Chàng thầm mong cứu được mạng với thời gian
Không phải người yêu, mà đưa vợ ra trình làng,
Đã tán tỉnh Giuliet dịu dàng cho quan hệ,
Nếm đủ vị yêu đương, chưa cưới xin theo lệ.
Nhưng hậu quả tỉnh yêu, không may, lộ hết rồi;
Đôi gái trai bị bắt, chứng kiến nhiều người,
Toà đã xử, nhục cả đôi, im thin thít
Phạt đúng luật chàng trai vào tội chết.

Ảnh đại diện

V (Aleksandr Pushkin): Bản dịch của Nguyễn Tùng Cương

Thời gian đó, dân đã quên nhiều luật,
Có một luật tàn khốc nhất ban rằng:
Kẻ phạm tội để đám đông ném chết
Loại án này người quên hết, kẻ chưa nghe.
Sách luật tủ đầy, lấy luôn một bộ
Angelo cau có thông qua - dân lang thang khiếp sợ
Lệnh vua ban không trì hoãn, thực hiện ngay,
Giọng uy nghiêm, chàng nói với sai nha mỗi ngày:
“Đã đến lúc phải trừ ngay điều ác.
Thả lỏng dân, thói hư giờ thành luật pháp,
Dân tự do bóp méo luật mọi nơi,
Như sư tử đang ngủ, chuột chạy nhảy trêu ngươi.
Luật pháp không phải bù nhìn treo giẻ rách,
Cho chim đậu suốt ngày đêm phá phách”.

Ảnh đại diện

IV (Aleksandr Pushkin): Bản dịch của Nguyễn Tùng Cương

Angelo vừa bắt tay trông coi thành phố
Đã thấy luôn nền nếp có khác ngay,
Lò xo rỉ ngoèn lại căng dây chuyển động,
Luật mạnh dần, cái ác bị trị nhanh,
Quảng trường nghẹt người im re vì sợ hãi,
Thứ sáu hàng tuần án tử hình lặp lại.
Và dân thường vò đầu gãi tai thì thào:
“Ôi, tân vương đâu phải vua cũ ngày nào”

Ảnh đại diện

III (Aleksandr Pushkin): Bản dịch của Nguyễn Tùng Cương

Vốn từng trải, tôn ông Angelo không xa lạ.
Giỏi trị người, nổi tiếng quá nghiêm minh,
Thạo việc, học hỏi chăm, ăn kiêng đúng luật,
Nổi danh nhiều nơi nghiêm khắc việc đời,
Làm gì cũng theo đòi lề luật,
Mặt sắt, ý đã định luôn trước sau như một;
Vua Đuk già chọn Angelo nhường tạm ngôi vương,
Cho phép dùng doạ nạt với khoan dung,
Trao hết quyền cho tân vương vẫy vùng thoả sức.
Còn Đuk tránh mắt nhìn săm soi của dân chúng,
Không chia tay ồn ào, lẳng lặng ra đi,
Lên đường vi hành kiểu “tôi trung” ngày xưa.

Ảnh đại diện

II (Aleksandr Pushkin): Bản dịch của Nguyễn Tùng Cương

Là người tốt, Đuk nhiều khi lòng đau hối lỗi,
Định ra tay lập lại nền nếp đã tan hoang;
Nhưng làm gì? Cái ác rõ ràng, dân quen chịu đựng,
Toà lặng im để cái ác lan tràn,
Giờ bỗng xử tội, nghe hoàn toàn vô lý
Vậy có băn khoăn chuyện gì lạ thế
Người thấy điều ác trước mà nhắm mắt bước qua.
Làm gì đây? Đuk cam chịu, nghĩ mãi không ra;
Vò nát óc, sau mới đưa quyết định
Tạm nhường gánh nặng ngôi vua cho người khác vậy,
Tân vương dùng cách phạt mới lập lại kỷ cương,
Luật chặt và nghiêm, dân hết dám coi thường.

Ảnh đại diện

I (Aleksandr Pushkin): Phân tích trường ca Angelo của A.X.Puskin

PHÂN TÍCH TRƯỜNG CA “ANGELO” của A.X.PUSKIN
1.A.X.Puskin đã viết trường ca Angelo “dựa trên chuyển thể vở kịch của Shêkspia “Phán xét và trừng phạt”. Puskin hoàn thành trường ca vào tháng mười năm 1833 tại điền trang Bôlđinô. Vào thời gian này, ở tuổi 34, nhà thơ đã dành thời gian và tâm trí nhiều hơn cho sáng tác văn xuôi, thơ ca tạm bị dẹp sang bên.. Cuộc sống gia đình của nhà thơ đang đi dần vào ổn định. Về thể loại, đây là trường ca, thể thơ Iambo, phần lớn là dùng vần liền, (trong các đoạn đối thoại dùng thể thơ Aleksandr). Lúc ban đầu, nhà thơ định tiến hành dịch vở kịch này, kết cục là, nhà thơ đã chuyển thể có sửa hoàn toàn vở kịch (chuyển câu chuyện sang nước Ý, lược bỏ một loạt nhân vật hề, bổ sung thêm tính cách cho các nhân vật, đưa vào nhiều chi tiết tinh tế khác.). Cốt chuyện lấy thẳng từ tiểu thuyết du hý mạo hiểm, nút thắt vấn đề dựng theo truyện cổ phương Đông (không phải tự nhiên mà tác giả nhắc tới Garun Al-Rashit, một nhân vật đã “vi hành” một cách bí mật khắp mọi nơi). Nhiều nhân vật được cải trang, nhiều vụ tráo đổi người. Tiếng nói của tác giả thể hiện rõ ràng. Cốt chuyện rất đơn giản: (“Vua Đuk già rất tốt bụng” đã chứng kiến hết quá trình dân chúng của mình từ chỗ là người hiền lành, chăm chỉ nay biến thành hư hỏng. Vua Duk đã chọn cử một cái tên lừng lẫy - Angelo liêm khiết, không thể mua chuộc, lên làm vua thay mình, còn bản thân vua lên đường vi hành.

2.Nhà vua mới bắt tay ngay vào việc uốn nắn lại dân chúng: cho áp dụng cách trị tội phạm nhân bằng việc để đám đông ném đá vào phạm nhân cho tới chết. Luật này là sản phẩm của chế độ quân chủ độc tài, nhưng cứ vô tư. Claudio là nạn nhân đầu tiên bị áp dụng cách trừng phạt này. Chàng khẩn cầu chị gái chàng lúc đó đang sắp thành nữ tu, hãy can thiệp giúp chàng. Angelo, sau khi hỏi han mọi tình tiết, đã tỏ thái độ nhất quyết không lay chuyển: “Ta không ra lệnh xử tử, mà là luật pháp.” Sau đó, vua mới mê mẩn trước sắc đẹp của thiếu nữ đến gặp xin tha tội cho em trai (ngọn lửa tội lỗi bùng cháy trong người). Chiếc mặt nạ, nhân danh vì công lý cho mọi người, đã bị hạ xuống. Để đối lại việc thả người, Angelo đề nghị Isabella  ngủ qua đêm với chàng. Isabella lao đi tìm Claudio, vì đinh ninh rằng, Claudio không đời nào cho phép cứu mình với cái giá như vậy. Nhưng Claudio lạnh lùng khuyên nàng đồng ý với đề nghị trên (Trời đất sẽ đứng ra tha lỗi). Một thày tu đã chứng kiến cảnh này (đó chính là vua Đuk). Kết cục là, Angelo được gặp một phụ nữ chính là vợ chàng mới bị chàng ruồng bỏ (do bị dư luận xã hội vu khống làm mất danh dự) đã được hoá trang giả làm Issabela. Sáng hôm sau, Angelo thức dậy vẫn ra lệnh xử tử Claudio. Những kẻ thi hành án đã đưa tới cho Angelo thấy thủ cấp của người khác, một tướng cướp. Đúng lúc này, vua Đuk trở về thành phố và xuất hiện công khai trước dân chúng. Isabella tố cáo Angelo là giả dối, lá mặt lá trái. Các bên liên quan đã phải ra đối chứng. Angelo lập tức thừa nhận mình đáng tội chết. Mariana, vợ của Angelo, đã lên tiếng, nàng van Isabella có lời xin tha tội cho Angelo, và Isabella đã thực hiện đúng lời cầu xin của Mariana. Cuối cùng là câu nói kinh điển: (đến Angelo mà vua Duk còn tha tội cho nữa là).

3.Nút thắt câu chuyện được gỡ ra một cách đầy khoan dung, độ lượng và thật khác thường. Không thấy một nhân vật nào chất chứa trong lòng sự thù hận, và vua Đuk hoá ra không phải là người nhu nhược, vua chỉ vi hành trong giới hạn thành phố, chứ không đi đâu xa. Vua Đuk không hề chối bỏ trách nhiệm của mình. Nhà thơ đi tới một kết luận: Công lý mà thiếu sự khoan dung là công lý giả dối. Ngay cả một người dù là ưu tú nhất, hoàn hảo nhất vẫn có thể sa ngã, phạm tội. Chủ đề sự khoan dung với người sa ngã (thất cơ, lỡ vận) như tiếng vọng hưởng ứng tiếng nói cất lên trong “Con gái viên đại uý”. Trường ca mang nhiều đặc tính truyện ngắn, nhiều đoạn xử dụng lớp từ cổ ngữ (сии, вежд, ужель, доселе, нейди). Trong trường ca có đoạn kể rất tuyệt vời về địa ngục (nhân đây xin nói thêm là, sau khi nhìn nhận lại cuộc đời mình, Claudio bắt đầu lo đường đi tới đó). Có thể thấy yếu tố chính trị thấp thoáng ẩn sau trường ca này, nhưng điều chủ yếu ở đây là chuyện xung đột trong lĩnh vực đạo đức. Kết thúc câu chuyện làm người đọc chấp nhận tất cả. Nhờ đặc điểm câu chuyện được diễn đạt một cách ngắn gọn và xúc tích, sự chân thực, không lắt léo và  có nhiều đặc điểm gần với với các tác phẩm dân gian, kể về phương diện tâm hồn, tinh thần. Những lớp lang mang màu sắc triết học còn ẩn trong màn tối được soi rọi rõ ràng hơn. Dùng nhiều hình thái ngôn ngữ dân ca: хватайтеся, покорися. Nhiều tính từ như: жестокосердого, мерзостных. Nhiều từ lặp: спаси, постой. Nhiều hiện tượng đảo từ: беседовал монах. Các cặp so sánh: как яхонты, как деву, как ангел, как ад. Cách chêm từ một cách tự do không theo trật tự ngữ pháp: друг милый, верно, сестра, тварь бездушная. Các hư từ: увы, ах. Còn rất nhiều thứ có thể kể thêm mà không hết.

Tác phẩm Angelo của A.X. Puskin là một vở kịch độc đáo về thân phận con người, được giải quyết theo tinh thần đạo đức thiên chúa giáo.

Ảnh đại diện

I (Aleksandr Pushkin): Bản dịch của Nguyễn Tùng Cương

Nước Ý thanh bình, xưa kinh thành nọ
Trị vì vua Đuk già, quá hiền từ,
Xứng danh cha già thương người muôn họ,
Thích văn thơ, sự thật, khoa học, hoà bình.
Nhưng làm vua cần một người mạnh mẽ,
Mà vua Đuk hiền lành, yếu đuối thế.
Dân yêu vua, nhưng không biết sợ vua.
Đáng trừng phạt, toà ngủ gật bỏ qua,
Như hổ già sức tàn, thấy mồi mà chịu chết.
Vốn nhân từ. Duk đều nhìn ra hết,
Thường than phiền. Vua chứng kiến hàng ngày,
Con cháu càng hư thân, mất nết, buồn thay,
Chính con ngậm ti mẹ nhay, răng nghiến,
Mà luật pháp lặng câm, khoanh tay toà án
Và không phạt búng mũi đứa con lười.

Ảnh đại diện

I (Aleksandr Pushkin): Một cách hiểu khác về dòng một, khổ một, chương một “EO” (phần 2)

9.Còn em Magacshak, rõ ràng, em không biết, Nhà thơ Krưlôp đã có dòng thơ tương tự “Осел был самых честных правил”..Aleksandr Puskin đã mở đầu tiểu thuyết thơ của mình giống với bài thơ ngụ ngôn của nhà thơ trào phúng vĩ đại nhất của nước Nga! Chi tiết này đã thổi bay cách lí giải mà em đang vương vấn, mơ mộng theo rồi.
-Thôi được. Nhưng điều này vẫn có nghĩa là, Puskin ngay trong dòng đầu tiên của tác phẩm vĩ đại của mình đã buộc Ônhêghin, thông qua cách diễn đạt ẩn ý, nói bóng gió, phải gọi bác mình là con lừa, mà chính bác là người đã viết di chúc để lại toàn bộ dinh cơ của mình cho cậu cháu Epghênhi đấy nhé.Thật nhỏ nhen và vô ơn là hình ảnh của nhân vật chính của nền văn học Nga ở đây!
-Thế nhé, bây giờ, có lẽ, chúng ta đã phân tích xong xuôi vấn đề này nhỉ- cô Antônhina Stepanôpna tổng kết lại vấn đề hệt như khi họp chi bộ Đảng, nghĩa là giọng cô đầy độc đoán, và chẳng có chút logic nào, cô kín đáo rút khăn tay ra lau sạch những giọt mồ hôi bất ngờ xuất hiện trên má cô.- Cô hy vọng, lớp ta, không còn ai có ý kiến gì nữa nhỉ?
10.Chừng ba bốn phút trôi qua. Sau đó lại thấy một cánh tay của ai đấy giơ lên.
-Thế nào, Magacshak, em vẫn muốn hỏi gì à?
-Thưa cô Antônhina Stepanôpna., vì nếu cứ giả định rằng, Puskin mượn thơ của Krưlôp đi nữa, thi có một chi tiết đập ngay vào mắt ta là, việc thay hình đổi dạng câu trên thực tế không phải như vậy! Vì trong bài của Krưlôp tuy có vẻ hình thức tương tự, nhưng cấu trúc khác hẳn! Vì trong câu thơ của Krưlôp sau chủ ngữ “осел” là động từ “был”, làm cho ta không thể xem “правил” là vị ngữ được. Trong câu của Puskin nhìn như giống của Krưlôp nhưng không có động từ “был”. Chi tiết này làm câu thành có hai ý song song: ý thứ nhất là: bác của Ônhêghin, đang dẫn lối cho mọi người và có tư tưởng tự do, ý thứ hai là: “EO” mở đầu bằng lời nhắc khéo tới bài thơ ngụ ngôn về con lừa. Ở đây phải nói ngay là, lời khai bút cho một tác phẩm vĩ đại như vậy nghe thật thiếu tế nhị và khác thường.
11.Thế theo em, Puskin lồng hai ý này vào bài để làm gì?
-Với ý để làm gì ư? Để ru ngủ bên kiểm duyệt.
-Ru ngủ bộ phận kiểm duyệt à?
-Vâng, tất nhiên là kiểm duyệt chứ ai! Chương một được công bố năm 1825, khi bạn bè của Puskin đang chuẩn bị cho cuộc nổi dậy vào Tháng Chạp. Và nhà thơ, tâm hồn có sức linh cảm cực mạnh, có khả năng kịp nắm bắt mọi chuyển biến nhỏ nhất trong tâm trạng của xã hội, không thể không đoán ra chuyện đó.
-Như vậy, sau khi viết xong bốn dòng đầu của tác phẩm vĩ đại, thì nhà thơ đã thuộc vào hàng ngũ chiến sỹ cách mạng tháng Chạp rồi ư? Một tinh thần ái quốc đáng khen. Em cứ nói tiếp đi, Magacshak.
12.Thực ra, điều chủ yếu thì em nói hết rồi. Việc Puskin có thay hình đổi dạng câu thơ của Krưlôp, thì nhà thơ Puskin tuy không cố ý, vẫn kể hết cho mọi người ai cũng biết, để tác phẩm không bị cấm in mà thôi, để đánh lạc hướng bên kiểm duyệt và đám nhân viên chuyên bới lông tìm vết, làm cho câu thứ nhất - thành câu gồm bốn dòng - ẩn hai ý cùng lúc. Đồng thời, sự ẩn hai nghĩa như vậy càng đưa tới những vực sâu thăm thẳm và cao vời vợi. Những dòng thơ mở đầu thật xứng đáng cho tác phẩm vĩ đại nhất.
-Magacshak, nhớ nhé, tuy nhiên cô vẫn cấm em không được nói năng lung tung thêm nữa. Nếu không, cô buộc phải mời em lên gặp thày hiệu trường đấy. Điều đó, chắc chắn cả em, cả cô tuyệt đối không ai cần hết.
Cậu bé im lặng, ngồi căng mắt nhìn và chăm chú đọc khổ một của “EO” trong suốt nửa tiết học còn lại. Bao nhiêu ý nghĩ và biết bao hình ảnh -như ngay giờ phút này, tôi còn nhớ và đang nhìn thấy, những ý nghĩ và hình ảnh thân yêu, đang bay lượn, đan xen, chồng chéo vào nhau, tràn ngập trong đầu tôi, dường như có cả một vũ trụ bao la trong đầu mình vậy. Và mãi tới khi, tiếng chuông hết tiết vang lên và các bạn ùa ra hành lang hết, tôi bước lại gần cô giáo đang ngồi một mình trên bàn. Vẻ mặt cô mệt mỏi rã rời, như vừa ở chỗ tắm hơi ra vậy.

13.Thưa cô Antônhina Stepanôpna, Có lẽ em có thể báo tin cho cô vui lại đây. Giả thuyết của em cho rằng trong dòng một của “EO” “правил” là động từ, có lẽ là sai, cô ạ. Vì cách giải thích là động từ chỉ có thể hợp lý, khi ta đọc thành tiếng khổ này mà thôi. Nếu ta đọc dưới dạng viết, tai ta không nghe thấy, mà chỉ nhìn bằng mắt thôi. Trong tiếng Nga cái được viết ra và nghe được gần như lúc nào cũng trùng nhau. Chỉ trừ một trường hợp của Nga hoàng Nhikôlai: КАЗНИТЬ НЕЛЬЗЯ ПОМИЛОВАТЬ.- XỬ TỬ KHÔNG ĐƯỢC THA. Và nhờ một sự trùng lặp lạ lùng như thế nào đó của bốn dòng đầu trong “EO”, mà người kiểm duyệt là đích thân Nga hoàng Nhikôlai chứ không phải ai khác! Giả như, từ “правил” là động từ, thì cuối dòng hai đã phải là dấu phảy. Hay dấu chấm phẩy lại biến câu này thành câu phức đẳng lập. Mà cuối câu lại là dấu phảy. Việc xem từ “правил” là động từ hoá ra ít có khả năng hơn. Dấu phảy là dấu hiệu quá mờ nhạt và hầu như không có giá trị để giải thích trường hợp này được.
14.Vậy bây giờ, em nhìn ra vấn đề rồi chứ?
-Em thấy rồi ạ. Puskin đã vận dụng cả nghĩa một và nghĩa hai, khi ta đọc thành tiếng, ta thấy được điều này. Nhưng vì một lý do nào đó, Puskin đã ưu tiên chọn cách đọc, ta chẳng có lý do gì mà cho rằng bác của Ônhêghin là người theo tư tưởng tự do. Có nhiều khả năng hơn cả là, nhà thơ đã lược bỏ đi dấu chấm phảy hay dấu chấm và thay chúng bằng dấu phảy, làm vậy là làm lệch cán cân nhận thức, một đầu cân là đoạn tổ hợp từ đặc ngữ trông hơi là lạ, còn đầu cân bên kia là một câu thể hiện rõ ý nổi loạn - lệch hằn về phía chỉ còn là một chuyện tầm phào vô thường vô phạt, vì nhà thơ đã chọn giải pháp rằng làm thế là quá liều lĩnh.
15.Vậy nếu giả thuyết của em là đúng, thì em giải thích thế nào về việc Puskin tỏ ra vô nguyên tắc trong bốn dòng thơ này, một chuyện mà cả trước kia, lẫn sau này, chưa bao giờ từng xảy ra như vậy?
-Một cách tự nhiên nhất thôi. Từ năm 1824, Puskin bị quản thúc tại Mikhailô pskoie. Vì vậy, Puskin phải cân nhắc từng dấu phảy và từng dấu chấm một trên bàn cân số phận. Ở đây là số phận không phải của Ônh êghin, mà là số phận của chính bản thân nhà thơ. Còn tới năm 1825, khi đã xem qua bản xếp chữ chương Một trước khi được in lần đầu, nhà thơ quyết định rằng, nếu định đặt dấu chấm (ở cuối dòng hai hay cuối dòng một) thì tác phẩm có thể sẽ bị cấm in. Và cho dù chỉ là cuối bất kì một trong hai dòng trên bằng dấu chấm hay chấm phảy - thì nhà thơ lập tức bị tống đi đầy để làm gương, chắc chắn đến một nơi không phải điền trang của gia đình, ở cách Pskô p 50km. Mà là tận các mỏ ở Xi bi. Hay thậm chí còn nghiêm trọng hơn, phải. đến vùng đài nguyên quanh năm lạnh lẽo. Điều này là quá rõ ràng. Muốn vậy, Puskin ở cuối dòng một và dòng hai, đặt ngay hai dấu phảy hoàn toàn vô can, để bên kiểm duyệt và chính người phụ trách kiểm duyệt ở cấp cao nhất là Nga hoàng, cho dù có cảm thấy điều gì chăng nữa, cũng chẳng thể bám vào mà bẻ hành bẻ tỏi nhà thơ. Chỉ có điều bằng chứng cho giả thuyết của em hiện không có. Và chắc chắn, giả thuyết của em mãi mãi chỉ là giả thuyết mà thôi. Có lẽ đây chỉ là, tung hứng những khả năng tuyệt vời của tiếng Nga của ta có thể tạo ra bao tưởng tượng và làm ta thêm kinh ngạc. Nhưng chỉ vậy thôi, không đi xa hơn.
Cô giáo Antônhina Stepanôpna chăm chú nhìn tôi với vẻ mặt buồn buồn và nỗi lo lắng mà trước đây và cả sau này, tôi chưa hề thấy trong mắt cô. Không bao giờ, tôi quên được ánh mắt thất thần của cô như của cha mẹ tôi vậy.
-Em không nên học văn, Magacshak à.
-Vì sao ạ?
-Là vì, em không được quên rằng, mình đang sống ở đất nước nào. Tuyệt đối em không nên vào khoa ngữ văn. Em hãy đi học toán hay lý thì tốt. Với hai ngành đó, cái đầu em giỏi phân tích sẽ cứ đường thẳng mà đi.
@@@

(КАЗНИТЬ НЕЛЬЗЯ ПОМИЛОВАТЬ
Có thể hiểu nhiều cách:
-Xử tử không được tha.
-Xử tử, không được tha. КАЗНИТЬ //НЕЛЬЗЯ ПОМИЛОВАТЬ
-Không được xử tử, phải tha. КАЗНИТЬ НЕЛЬЗЯ // ПОМИЛОВАТЬ
-…)
Theo nguồn:
Журнал семь искусств
Tháng 9 2012
Юрий Магаршак
Профессор физики и немножечко литератор
Космос русской речи в первых строках первой
строфы первой главы романа в стихах “EO”

Ảnh đại diện

I (Aleksandr Pushkin): Một cách hiểu khác về dòng một, khổ một, chương một, “EO”

MỘT CÁCH HiỂU KHÁC VỀ DÒNG MỘT, KHỔ MỘT, CHƯƠNG MỘT (EO) - (phần 1)

Đôi lời của người dịch:
Dòng thơ đầu tiên “Мой дядя самых честных правил” trong Epghênhi Ônhêghin (viết tắt là EO) đã thu hút sự chú ý của bao thế hệ các nhà nghiên cứu về Puskin.
Những bạn đọc hâm mộ “EO” dễ dàng thừa nhận các nhận định được xem là hiển nhiên sau:
-Puskin đã mượn câu thơ trên trong bài “Con lừa và người nông dân” của Ivan Krưlôp.
-Trong câu này, правил là dạng cách hai số nhiều của danh từ правило;
-Puskin đã đưa ngôn ngữ bình dân vào thơ của mình..
-…
Tuy vậy, vẫn có ý kiến bàn thêm về những nhận định trên:
-Правил là danh từ hay động từ?
-Dòng một có đúng là ngôn ngữ bình dân không?
-Ba từ самых честных правил là cụm từ cố định - đặc ngữ hay là cụm từ tự do?
-…
Chúng tôi xin giới thiệu một cách nhìn khác về dòng một này của Yu ri Magacshak, Giáo sư Vật lý học, dưới dạng kể lại một tiết học văn thời Xô Viết trước kia.

Một vũ trụ rộng bao la của ngôn ngữ Nga trong bốn dòng đầu khổ Một, chương Một tiểu thuyết bằng thơ Epghênhi Ônh êghin
(….)
2.Thưa cô Antônhina Stepanôpna, em xin hỏi ạ - cánh tay một cậu bé đầu tóc lởm chởm giơ lên.
-Ôi, lại Magacshak à, em hết hỏi lại thắc mắc suốt ngày thôi - cô giáo chủ nhiệm lớp hơi nhăn mặt một chút.
-Được, em nói đi.
-Thưa cô, cô có cảm thấy là, dòng đầu tiên trong tác phẩm vĩ đại được viết ra hơi khác lạ và kém mượt mà không ạ? Мой дядя самых честных правил, когда не в шутку занемог, он уважать себя заставил. Cái này hệt như em viết bài văn kể: cô giáo Antônhina Stepanôpna, cô dạy môn văn học. Nếu phải cho điểm, cô sẽ cho mấy điểm với kiểu mở bài như vậy? Ba? Năm? Gậy đây? (1 điểm)
-Magacshak này, chỉ có em mới thấy làm sao thôi. Còn Puskin bài nào chả vậy. Mà thơ ca Nga lúc nào chả thế.

3.Nghĩa là, cô có thấy rằng, giả dụ em viết như sau: cái cặp nặng nề của em. Cặp đựng đầy sách vở - thì mới đúng kiểu viết của Puskin ạ?
-Cô chưa hiểu, Magacshak, em định hướng đi đâu. Em không có ý nói rằng tiếng Nga của em giỏi hơn Mặt trời thi ca Nga đấy chứ?
Trong đầu tôi chẳng mảy may có ý nào như thế. Nhưng nhỡ có khi, trên thực tế, dòng này có cách giải thích khác thì sao nhỉ? Và Puskin muốn nói ra một điều gì đó hoàn toàn khác.
-Vậy, theo em, này Magacshak Iuri, nhà thơ Puskin định nói điều gì qua dòng một của tác phẩm vĩ đại này? Hay là em kể cho cô và cả lớp nghe điều em nghĩ đi? Còn các em, hãy giữ trật tự và lắng nghe bạn trình bày nhé.
4.Vậy, nếu cô đề nghị và yêu cầu… Nào, ta cũng phân tích thành phần câu trong dòng đầu tiên của “EO”. Cô cho phép nhé?
-Đồng ý.
-Vậy thì ta bắt đầu thôi. Chủ ngữ câu này là дядя (bác). Cô thấy đúng không?
-Đúng.
-Bác của ai? Của tôi. Phải không ạ?
-Phải rồi.
Bác đã làm gì? Правил (Chỉ lối, dẫn đường). Правил кого? (Chỉ lối cho ai?) Những người trung thực nhất. Правил когда? (Chỉ lối khi nào?) Khi đang ốm sắp xa trời gần đất.
-Làm sao? Gì cơ? Em nhắc lại cô nghe đã nào.
-Em xin nhắc lại cho những ai mới nghe lần đầu nên chưa rõ chuyện nhé. Chúng ta đang phân tích thành phần câu cho dòng một “EO”. Chủ ngữ câu này là bác. Bác của ai? Của tôi. Bác đã làm gì? Bác đã chỉ lối. Chỉ lối cho ai? Chỉ lối cho những người trung thực nhất. Chỉ lối khi nào? Khi đang ốm, sắp xa trời gần đất.

5.Quang cảnh trong lớp học chết lặng. Cái không khí lạnh băng của thời Xô viết. Như ta biết, tiếp sau cái im lặng này nhất định sấm sẽ nổ ra. Và đôi khi sẽ có chớp giật nữa!
-Những học sinh như em làm thầy cô phát điên hết. Vậy thì, theo em, “правил” - “chỉ lối” là động từ à?
-Là vị ngữ ạ. ở vị trí vốn có của nó ạ.
Và mọi thứ, lập tức, thành dễ hiểu và rõ ràng cả. Cô và cả lớp lắng nghe nhé! Hãy cố lĩnh hội từng từ riêng lẻ một. Phù hợp với ý nghĩa của nó.

мой дядя самых честных. правил
 когда не в шутку занемог.
Он уважать себя заставил и лучше выдумать не мог.

Bác tôi dẫn lối những người trung thực nhất
Tới khi ốm, sắp xa trời gần đất.
Ông mới đòi người khác kính trọng mình
Một việc làm thật hợp lý vô cùng.
Một bài học hay chung cho tất cả
Nhưng trời hỡi, còn gì buồn hơn nữa

6.Mọi thứ đều rành rọt. Đúng nghĩa thơ ca. Diễn đạt tuyệt vời.
-Vậy theo em, thì dòng đầu của tiểu thuyết thơ sẽ mang ý nghĩa gì?
-Thì điều này đã quá rõ, khi đọc qua phần vừa viết còn gì. Nếu người đọc không có chủ tâm định hướng từ trước. Ông bác của Puskin, không còn nghi ngờ gì nữa, là nhà thông thái, khi ốm nặng, sắp xa trời, gần đất, mới làm một việc mà khi còn khoẻ, đã không cho phép minh làm. “Правил” có nghĩa là dẫn lối, chỉ đường theo hướng đúng đắn, mà có khi còn nặng nề hơn, ở thời Nga hoàng, việc dẫn đường về với lẽ phải, thậm chí phải dùng cách đưa ra toà, hay đánh roi vào chân, buộc nạn nhân phải cải tà quy chính. Nhưng không phải dùng roi vọt, mà dùng lời nói. Ngay cả với chính những người trung thực nhất ở xung quanh. Đấy là chưa nói tới tất cả đám địa chủ vốn quen coi thường nông dân, mà trí tưởng tượng của ta có thể cho biết. Và với tư cách xứng đáng và có sức lột trần sự thật của mình, người bác của Epghênhi Ônh êghin khi ốm nặng, đang hấp hối, mới bắt đầu yêu cầu mọi người kính trọng mình. Vì trên thực tế: không còn cách nào tuyệt vời hơn nếu muốn trước khi chết mà đòi mọi người tỏ thái độ kính trọng mình, thì cuối cùng, vẫn phải bắt đầu cất tiếng nói trung thực và tâm huyết.
7.Thế theo em, người bác của Ônhêghin là gì, là… là Traađaiep à?
-Đích thị! Là đệ tử của Vônte và theo tư tưởng tự do. Là vì, việc nói ra những gì ta nghĩ trong đầu ở thời của Puskin ở nước Nga là việc nguy hiểm chết người. Và không chỉ ở thời của Puskin đâu.
-Em có định, Magacshak này, nói rằng, ngay cả thời Xô viết chúng ta nữa chứ?
-Vậy là, cô đã liệt em vào hàng ngũ của Traadaep rồi ư?Theo lệnh của Nga hoàng, Traadaep bị coi là mắc bệnh tâm thần. Phải nói thêm là, lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga, triều đình tối cao đã thông báo cho bác sỹ biết chẩn đoán bệnh, còn bác sỹ chỉ biết ngoan ngoãn ghi vào hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân, y theo lệnh mà thôi. Hơn nữa, sau này, cách làm như vậy còn được dùng đi dùng lại nhiều lần, kể cả trong thời kì súng bái cá nhân Stalin. Và thậm chí cả sau này nữa.
8.Magacshak này, em đang huyên thuyên chuyện gì vậy! Mặt cô giáo biến sắc thành tái đi. Cô chợt nhớ tới trách nhiệm cô đang gánh trên vai mình, vừa là đảng viên Đảng cộng sản Liên Xô, còn là bí thư chi bộ Đảng của trường, chịu trách nhiệm về mọi sự đang diễn ra trong giờ học. -Muốn chứng minh rằng em phát biểu sai, chỉ cần nhắc lại chuyện gì sẽ xảy ra sau đó - về việc chúng ta sẽ nói tới trong ngày mai là đủ. Ngay chính trong chương 1 có nói rằng, Ônhêghin là Traadaep thứ hai. Còn giả như, Traadaep thứ hai là người bác của Ônhêghin, thì hoá ra, Epghênhi Ônhêghin Lại thành Traadaep thứ ba sao. Có những ba Traadaép, chứ không phải chỉ có hai thôi ư!
-Đấy là lời cô nói rằng, bác của Ônhêghin là Traadaep thứ hai đấy nhé, thưa cô Antônhina Stepanôpna. Puskin không nói ra ý này. Nhưng mà cô cứ xem xem, những liên tưởng với việc chỉ mới phân tích vẻn vẹn có một dòng trong “EO”thôi mà đã đưa cô tới bao điểm sâu sắc. Biết bao nhiêu cảm xúc. Biết bao nhiêu say mê, biết bao nhiêu liên tưởng.!Giờ cô cứ soi gương mà xem, mặt cô chẳng còn hạt máu nào cả! Mà sau đây, ta còn không chỉ ba dòng trong đoạn bốn dòng đầu tiên, mà tiếp theo là dòng năm của khổ một. “Его пример – другим наука!” Nghĩa là, hỡi những người ái quốc của nước Nga, hãy tỏ ra trung thực đi, hãy ghi tên gia nhập vào hàng ngũ các nhà cách mạng tháng Chạp! -càng có ý nghĩa và sức nặng đặc biệt, sẽ gồm năm dòng: đúng rồi, không phải bốn dòng, mà phải là năm dòng mới trọn vẹn, đầy đủ! Sau phần nhập đề như sử dụng một âm thoa như vậy sẽ tiến tới phần Sự kiện chính phải diễn ra.
Cả lớp học nhốn nháo, học sinh nhảy cẫng lên, và ríu rít như bày sẻ líu lo. Lúc này cô giáo, dù sao cũng là cô chủ nhiệm lớp, mới cảm thấy rằng cô không còn làm chủ, dẫn dắt được đám học sinh đã lớn lên trông thấy trước mặt mình, cô mới cất giọng đầy uy quyền: này các em, chớ nghe bạn Magacshak nói nhé!
Và cô quay mặt về phía tôi, giọng đầy uy lực, quyền bính:

Trang trong tổng số 104 trang (1037 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: