Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [62] [63] [64] [65] [66] [67] [68] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

hoan1982

Văn hoá “cảm ơn” và “xin lỗi”
Đứa bé ba tuổi được cô giáo chia cho cái kẹo. Nó vui vẻ: “ Cảm ơn cô ạ”.

Người mẹ đến nhà trẻ đón con trễ giờ, nhìn thằng bé nước mắt lưng tròng vội ôm lấy nó: “ Mẹ xin lỗi con”. Bà lão được cháu đánh giầy kèm dắt qua đường, giọng cảm động: “ Bà cảm ơn cháu”. Đứa trẻ ngỗ nghịch đánh lộn làm chảy máu mũi con hàng xóm. Bố mẹ dắt nó sang tận nơi bắt xin lỗi bạn. Bản thân họ cũng xin lỗi bố mẹ đứa bé, hứa sẽ xử lí nghiêm khắc và giáo dục con mình tốt hơn. Tờ báo in thiếu một từ, sai một câu, số sau đính chính và xin lỗi bạn đọc ngay. Sau mỗi chương trình phát thanh viên đều cảm ơn khán, thính giả đã dành thời gian theo dõi...

Những việc nhỏ tương tự thế không kể hết. Còn việc lớn như, năm 1956, khi biết thực hiện Cải cách ruộng đất mắc sai lầm, đã xử lí oan nhiều người dân vô tội. Bác Hồ khóc và “xin lỗi quốc dân đồng bào”, đồng thời ban hành ngay lệnh sửa sai và kiểm điểm kỉ luật nghiêm khắc những cán bộ làm sai bất kể ở cương vị nào. Việc làm ấy khiến nhân dân rất xúc động, cảm thông và càng kính trọng, tin tưởng ở Bác Hồ hơn, ở Đảng Lao động Việt Nam hơn. Hoặc một số vụ án oan sai, đại diện cơ quan tố tụng, xét xử đã đích thân tới xin lỗi, nhận trách nhiệm đền bù danh dự và vật chất cho người bị oan. Đó chính là “văn hoá cảm ơn, xin lỗi” được nhân dân đánh giá cao.

Tuy nhiên, những việc làm ấy còn quá ít trước bức xúc xã hội. Chẳng hạn việc để xảy ra tiêu cực lớn như các vụ án Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, PMU.18 ... gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản quốc gia, đổ bể niềm tin của nhân dân, mà tới nay vẫn chưa thấy cấp quản lí nào xin lỗi quốc dân đồng bào. Để một số cán bộ trung cao cấp thoái hoá biến chất tệ hại như thế nhưng vẫn chưa thấy cấp quản lí những cán bộ ấy xin lỗi toàn thể đảng viên và nhân dân (?). Hoặc trước đây có đồng chí cán bộ đã sáng tạo, dũng cảm khởi xướng cách làm mới mà phải chịu kỉ luật oan ức. Sau này nhờ khởi xướng ấy, Đảng ta đã đề ra chủ trương đúng đắn đem lại lợi ích to lớn cho đất nước. Đồng chí đó xứng đáng được minh oan, được nhận cả lời xin lỗi và cảm ơn. Nhưng ... Cũng còn không ít những quyết định đề bạt sai, kỉ luật oan, bản án oan gây hậu quả nghiêm trọng đem đau khổ cho nhiều người mà vẫn chưa thấy cá nhân hoặc tổ chức nào nhận trách nhiệm, công khai xin lỗi và sửa sai (?).

Chúng ta nên xây dựng “Văn hoá từ chức”, “ Văn hoá cảm ơn và xin lỗi”. Việc đó rất cần thiết, sẽ giúp xã hội chúng ta tốt đẹp hơn, củng cố lòng tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng cùng các cấp lãnh đạo khác.

Đắc Trung
Cái gì biết thì chia sẻ.Đừng sợ người ta cười mình hợm hĩnh.Chỉ e người ta không muốn tiếp thu.Cái gì chưa biết thì hỏi.Đừng ngại người ta cười mình dốt.Chỉ sợ mình hoài dốt thật(Ketxu)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Một cuốn tiểu thuyết Việt Nam bị “luộc” tại Pháp



Giới yêu văn học nghệ thuật nước nhà vốn đã ngán ngẩm vì tình trạng đạo văn, đạo nhạc, đạo ý tưởng một cách dồn dập trong những năm vừa qua giờ đây lại phải đón nhận một tin buồn nữa: cuốn tiểu thuyết Chuyện tình viên phó sứ của nhà văn Nguyễn Thị Mỹ Dung đã bị dịch gần như nguyên xi sang tiếng Pháp mà không được thông báo. Điều đáng nói là cuốn tiểu thuyết này được đứng tên bởi một nhà xuất bản danh tiếng của Pháp.

http://media.thethaovanhoa.vn/2010/12/23/10/05/sach.jpg
Cuốn A Toujours Ma Concubine của Trần Thị Hảo xuất bản tại Pháp (trái) và bìa cuốn tiểu thuyết Chuyện tình viên phó sứ (NXB Phụ nữ) của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung



Năm 2005, nhà thơ Mỹ Dung, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội đã cho xuất bản cuốn tiểu thuyết mang tên Chuyện tình viên phó sứ kể lại chuyện tình cảm động của bà Trần Thị Quý và ông Michell Bouteille, một viên phó công sứ thời Pháp thuộc.

Nhân vật chính là cô bé Quế (hư cấu từ tên bà Quý) xuất thân nghèo khó, đi ở rồi trở thành người hát cô đầu ở xóm Bình Khang. Ở đó, cô đã gặp Bouteille một công chức thanh liêm, chính trực - rồi hai người nên vợ nên chồng.

Hai người đã trải qua những khó khăn của thời nhiễu loạn khi Nhật vào Đông Dương. Đặc biệt là Quế đã phải bỏ quê để tránh sự hắt hủi dành cho một me Tây khi Bouteille đã rời Đông Dương sau năm 1945. 35 năm sau khi liên lạc bị gián đoạn, ông Bouteille đã liên lạc được lại với Quế và vẫn yêu bà như ngày nào. Hai người đoàn viên với nhau tại Pháp, kết thúc có hậu cho một chuyện tình đẹp. Truyện đã được độc giả tại Việt Nam và đặc biệt giới Việt kiều tại Pháp đánh giá cao.

Năm 2010, TS Trần Thị Hảo đã xuất bản cuốn A Toujours Ma Concubine tại Pháp kể lại câu chuyện tình nói trên bằng tiếng Pháp. Vấn đề sẽ dừng lại ở đó và sẽ không “lộ bem” nếu như một người bà con của bà Quý không đề nghị dịch cuốn tiểu thuyết tiếng Pháp sang tiếng Việt và nhận ra quá nhiều sự giống nhau giữa hai cuốn tiểu thuyết. Sau khi đọc hai tập sách, dịch giả Phan Văn Cát viết: “Khi đối chiếu 2 cuốn sách nói trên thì tôi thấy trong tổng số 161 trang viết của cuốn A Toujours Ma Concubine của Trần Thị Hảo (không kể trang trắng và tiêu đề) thì có tới 125 trang là dịch nguyên văn từng câu, từng chữ, hoặc phỏng dịch từ cuốn Chuyện tình viên phó sứ của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung”.  

Đối chiếu 2 cuốn tiểu thuyết, người đọc có thể thấy 2 truyện có cùng cấu trúc triển khai câu chuyện, nhiều sáng tạo của tác giả Mỹ Dung về tên riêng (không có thật) xuất hiện y nguyên trong bản tiếng Pháp (tên của ông nội, tên của bố nhân vật, chi tiết về dòng họ bà Quý tham gia khởi nghĩa Yên Thế, bài thơ của tác giả viết tặng bà Quý và ông Bouteille, 2 bức thư viết trong nhật ký của ông Bouteille do nhà văn Mỹ Dung sáng tác cũng được đăng lại y nguyên...). Cuốn sách của nhà văn Mỹ Dung dựa vào một chuyện có thật mà viết thành tiểu thuyết nên đã hư cấu nhiều tình tiết để cho hay hơn, mang ý nghĩa nhân văn hơn, cho nên tác giả không dùng tên thật của các nhân vật, mà đã đặt hàng loạt tên khác. Ngược lại trong A Toujours Ma Concubine, bà Trần Thị Hảo biện minh rằng vì đây là câu chuyện có thật, nên bà giữ nguyên tên thật của nhân vật. Bà Hảo khẳng định: “...Câu chuyện tôi viết về bác Quý là câu chuyện thực hoàn toàn, tên thực, ảnh thực, người thực và kể cả chuyện con cái đều thực...”.

Ông Linh, họ hàng nhà bà Quý, khi gửi thư cho bà Hảo khẳng định rằng: “Nhà tôi cũng có tập Hồi ký của bác Quý nên tôi đối chiếu cả 3 tập tài liệu này. Nhận thấy ngoài phần chị viết khác cuốn bà Mỹ Dung còn thì chị bám rất sát cuốn đó. Nhiều chi tiết trong hồi ký của bác Quý chỉ nói vắn tắt và bà Dung phát triển nó ra như thế nào thì chị cũng nói đúng như thế: Thí dụ đoạn nói về cái chết của cô bé Chè, bà Quý chỉ viết một câu. Bà Dung đã viết bà Mật nghe tin bò lên bờ ruộng chạy về, rẽ đám đông và lật cái chiếu, hóa ra không phải con mình... Chị cũng viết đúng như thế. Tên cụ Lang, ông ngoại bà Quý, bà Quý không cho biết tên là gì, bà Dung gọi là cụ Lang Huy, chị cũng gọi là cụ Lang Huy. Bố bà Quý không biết tên gì, bà Dung đã gán cho cái tên là Đường (vì con là Mật), chị cũng gọi là Đường...”.

Qua sự phân tích, đối chiếu 2 văn bản cuốn tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Dung và tập truyện A Toujours Ma Concubine của Trần Thị Hảo người đọc thấy có quá nhiều sự tương đồng. Ấy vậy mà trong lời bạt của Trần Thị Hảo không có lời cảm ơn hay dòng trích dẫn nào tới tác giả Mỹ Dung hay cuốn Chuyện tình viên phó sứ. Như vậy cuốn Chuyện tình viên phó sứ đã được dịch sang tiếng Pháp mà không có sự đồng ý của tác giả. Công luận đòi hỏi bà Trần Thị Hảo và Nhà Xuất bản L’Harmatan cần chính thức lên tiếng về việc này với báo giới và người đọc Việt Nam.  

Công Chính

Nguồn: TTVH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

BỆNH TÌNH CỤ RÙA HỒ GƯƠM VÀ MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI CỦA CON NGƯỜI

Phạm Đình Trọng


       Cả xã hội đồng lòng gọi rùa Hồ Gươm là Cụ không phải chỉ vì rùa Hồ Gươm tuổi cao đáng bậc Cụ. Nếu chỉ nhiều tuổi, người ta có thể gọi rùa già Hồ Gươm là đã thỏa đáng. Đồng lòng gọi Cụ Rùa là cả xã hội đã không coi rùa Hồ Gươm thuộc thế giới động vật nữa mà đã coi rùa Hồ Gươm thuộc thế giới thần linh, là hiện thân của thế giới thần linh. Chính vì thế việc cứu chữa cho Cụ Rùa Hồ Gươm đang bị đau yếu mới trở thành sự kiện lớn của quốc dân, của tâm linh, của lòng người và của cả chính trị nữa.
       Chỉ là động vật thì rùa này chết đi sẽ thả rùa khác vào thay. Như ông giám đốc, công chủ tịch, ông bí thư này nghỉ sẽ có ngay ông khác thay, có gì quan trọng đâu! Có khi chưa có cớ gì phải nghỉ, nhiệm kì còn dài, sức khỏe còn dai, công việc đang ngon trớn, nhưng đã có nhiều ông khác lăm le muốn thay rồi! Với thế giới trần tục đó, rùa già Hồ Gươm đang bệnh tật có mệnh hệ gì, cũng chẳng cần thả rùa khác vào thay vì trong hồ đã có sẵn hàng ngàn rùa tai đỏ nhập khẩu từ nước ngoài về sẽ thay thế rùa bản địa già yếu! Học thuyết nhập khẩu. Rùa tai đỏ nhập khẩu từ nước ngoài về thống trị Hồ Gươm, đâu có sao! Kẻ bất lương còn mong rùa tai đỏ thống trị Hồ Gươm để Hồ Gươm có nhiều rùa cho họ câu trộm!
       Nhưng Cụ Rùa Hồ Gươm đang đau yếu lại là Rùa lịch sử, Rùa truyền thuyết, Rùa thần linh. Vì thế phải cứu chữa cho Cụ như cứu  ngôi đền thiêng trong đám cháy! Cũng may là Rùa lịch sử, Rùa truyền thuyết, Rùa thần linh Hồ Gươm lại hiển hiện trong thân xác vật thể rùa sinh vật nhìn thấy được. Nhờ thế chúng ta mới biết Rùa thần linh Hồ Gươm phải sống trong rốn đọng rác rưởi, nhơ nhớp của một môi trường tự nhiên và cả môi trường xã hội đầy ô nhiễm làm cho sức khỏe Rùa thần linh Hồ Gươm giảm sút nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, cần cứu chữa khẩn cấp!
       Cũng giống như Rùa thần linh hiển hiện trong thân xác rùa sinh vật, con người sống trong cuộc đời cũng có con người xã hội, con người văn hóa hiển hiện trong thân xác con người sinh vật. Con người thân xác nhìn thấy được, cân, đo, đụng chạm vào được. Con người xã hội không nhìn thấy bằng mắt nhưng cảm nhận được chiều kích, tầm vóc, nhận biết được cả sự khỏe mạnh hay đau yếu, bệnh tật qua hành vi, ứng xử của con người thân xác. Con người thân xác do di truyền, do cha mẹ sinh ra. Con người xã hội do giáo dục, do học hỏi, tiếp nhận, thu nạp nền văn hóa của loài người mà hình thành. Con người thân xác sống theo bản năng sinh vật. Con người xã hội sống bằng giá trị văn hóa, sống theo chuẩn mực văn hóa và sống để đóng góp cho xã hội. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, con người xã hội cũng có phần tham gia, tac động rất lớn của mội trường xã hội. Con người xã hội càng có sự giáo dục, càng có ý thức tự giáo dục, càng tiếp nhận được nhiều văn hóa nhân loại càng có tầm vóc lớn và có sức vóc khỏe mạnh, càng ít bị tác động của môi trường xấu.
       Các nhà khoa học thống kê cho thấy tầm vóc thể xác của con người Việt Nam đang ngày càng to lớn hơn. Con số trẻ em béo phì đang ngày càng nhiều cũng là một thông số về tầm vóc thể xác đang tăng tiến của người Việt Nam. Nhưng nhìn vào đời sống xã hội thì thấy rõ nguy cơ của đất nước, của dân tộc trước sự nhỏ bé thảm hại và sự đau yếu bệnh hoạn về con người xã hội của người Việt Nam hôm nay. Sự đau yếu bệnh hoạn của con người xã hội Việt Nam hôm nay còn trầm trọng hơn cả sự đau yếu bệnh hoạn ở thân xác Cụ Rùa thần linh Hồ Gươm!
       Phải coi đó là kẻ vô sỉ. Ở tuổi học hành và có thừa điều kiện để học hành nhưng không chịu học và cũng không học được. Không được giáo dục, không được nạp văn hóa của loài người, con người xã hội tất nhiên không thể lớn lên, mãi mãi vẫn chỉ là đứa bé, vẫn dừng lại ở tuổi thơ ngơ ngác! Con người thể xác, con người cơ bắp lớn lên liền đi xuất khẩu lao động, mang cơ bắp đi kiếm tiền nuôi thân bằng lao động làm thuê ở xứ châu Âu giàu có. Nhờ thời thế, ông bố có quyền lực quốc gia trong tay liền đưa đứa con đi làm thuê kiếm sống bằng cơ bắp vào nhóm hai trăm chính khách có quyền lực nhất nước! Loại chính khach đó quản lí điều hành đất nước, làm sao đất nước không nguy khốn, làm sao môi trường xã hội không ô nhiễm!
       Bước sang thế kỉ 21 rồi mà xe lửa Việt Nam vẫn ì ạch chạy trên khổ đường một mét của đường sắt thế kỉ 19, vừa lạc hậu tội nghiệp, vừa liên tục gây ra tai nạn làm chết chóc, thương tật cho bao người! Nhưng quan đầu ngành đường sắt, quan đầu bộ giao thông vận tải không màng đến nâng khổ đường sắt lên để tăng tốc độ chạy tàu, tăng an toàn cho dân, tăng hiệu quả cho nền kinh tế! Vì tăng khổ đường sắt chỉ phải nhập về mấy thanh ray, mấy đầu máy thông thường rẻ bèo, chỉ là việc giãn rộng làn đường ray do đội ngũ lao động đơn giản trong nước làm, tiền bạc không nhiều, có phết phảy chia chác cũng chẳng bõ bèn gì! Phải làm đường sắt cao tốc hiện đại, kĩ thuật tiên tiến nhất, phải mua toàn bộ từ thiết bị công nghệ đến chất xám thiết kế tổ chức thi công của nước ngoài với hàng chục tỉ đô la! Đã thành thông lệ kinh doanh, đã mua bán là có hoa hồng, chẳng có gì khuất tất! Tiền hàng càng lớn, hoa hồng càng đậm! Thế là quan giao thông hăm hở làm dự án đường sắt cao tốc, đi thẳng lên hiện đại, bất chấp gánh nợ chồng chất đè gãy lưng nền kinh tế đất nước, bất chấp cả nguy cơ thua lỗ của đường sắt cao tốc cầm chắc trong tay! Quan ở cấp triều đình như thế, làm sao đất nước không nguy khốn, làm sao môi trường xã hội không ô nhiễm!
       Quan đầu tỉnh được phân vùng quản lí lãnh thổ. Rừng quí, đất hiểm phên giậu quốc gia trong tay, quan không lo chăm sóc giữ gìn và khai thác làm lợi cho dân cho nước mà giao béng cho người nước ngoài thuê với giá rẻ như cho không! Quan hệ kinh tế bao giờ cũng phải hai bên đều có lợi. Đất nước mất rừng! Quốc gia mất phên giậu! Người dân mất nơi làm ăn sinh sống! Thiệt hại dồn hết lên đất nước và nhân dân để cái lợi dồn cả cho quan đầu tỉnh! Quan hàng tỉnh như thế, làm sao đất nước không nguy khốn, làm sao môi trường xã hội không ô nhiễm!
       Bà già dẫn cháu vào khu vui chơi giải trí. Người chen chúc đông quá, bà già vướng cháu phải nhờ người đàn ông nhởn nhơ đứng gần đó mua hộ tấm vé vào cửa. Người đàn ông mặt mày béo tốt, quần áo bảnh bao, tưởng là một con người văn hóa hào hoa, lịch sự. Nhưng bất ngờ ông trừng mắt nhìn bà già rồi cánh tay ông vung lên giáng xuống bà già tội nghiệp để bà già phải mở to mắt nhận ra ông quan hàng thứ nhì huyện! Nhận ra để rồi biết thân biết phận, không thể láo, sai khiến quan huyện! Quan hàng huyện mà nhân cách thảm hai như thế, làm sao đất nước không nguy khốn, làm sao môi trường xã hội không ô nhiễm!
       Quan là hình mẫu của xã hội. Quan lương thiện, con người xã hội hiển hiện rõ trong mọi ứng xử của quan, con người xã hội của dân cũng theo đó hiển hiện trong xã hội, làm chủ xã hội, xã hội sẽ tốt đẹp, tử tế. Ở quan chỉ thấy con người sinh vật, không thấy con người xã hội thì trong xã hội, con người sinh vật sẽ thắng thế, sẽ làm chủ xã hội! Hai người đi xe máy chỉ va quệt nhẹ, không hề hấn gì. Nếu có con người xã hội trong sự việc đó, một lời xin lỗi là sự việc kết thúc nhẹ nhàng. Nhưng con người xã hội vắng bóng! Mũi dao nhọn vung lên! Một người chết và một người ngồi tù! Đó là hai con vật hung dữ trong hình hài hai con người! Người sửa xe bên đường mang đinh ra đường rải để bán ruột xe giá cắt cổ cho người đi xe bị đinh cào rách ruột xe! Đó là sự kiếm sống của con người sinh vật không biết đến đạo lí của con người xã hội!
       Cụ Rùa thần linh Hồ Gươm bị thương tích đau yếu suy kiệt ở thân xác rùa sinh vật. Nhờ thế con người nhìn thấy mà cứu chữa. Con người Việt Nam hôm nay đau yếu suy kiệt trầm trọng ở con người xã hội và chỉ những con người xã hội mới nhìn thấy sự đau yếu suy kiệt đó. Quan có quyền lực thì không nhìn thấy sự đau yếu suy kiệt đó! Những người nhìn thấy sự khốn cùng của con người xã hội Việt Nam hôm nay thì không có vị thế xã hội, không có quyền lực nên đành bó tay!
Thứ 4 ngày  2/3/2011
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trình diễn nghệ thuật đương đại hay những trò lố?



Những năm gần đây, nghệ thuật trình diễn ngày càng “nở rộ” ở Việt Nam với hàng loạt sự kiện trình diễn và biểu diễn nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, trình diễn như thế nào và dư luận đánh giá ra sao thì đó không phải là câu chuyện của chỉ riêng cá nhân người nghệ sĩ.

http://www1.laodong.vn/Images/2011/3/1/151jpg-044003
Màn trình diễn khỏa thân gây sốc của L.D.H



Khán giả thỉnh thoảng lại đọc được thông tin đâu đó về những cuộc trình diễn gây sốc bằng những cái tin kiểu như: Nghệ sĩ A ... cởi quần đọc báo trong WC, nghệ sĩ B khỏa thân đính lông chim, nghệ sĩ C trình diễn bằng hành xác… Trong hai năm trở lại đây, nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam bỗng dưng được mùa với rất nhiều sự kiện đáng chú ý và tốn không ít giấy bút của báo giới.

Cứ trình diễn là… cởi!
Đáng chú ý là cái tên nữ nghệ sĩ L.D.H với ít nhất hai cú sốc cho khán giả với hai chương trình trình diễn của mình. Lần đầu tiên là vào tháng 8 năm ngoái với màn cởi bỏ hết quần áo cho đến khi không còn một mảnh vải che thân, chị lấy hồ dán lên khắp cơ thể rồi nằm giữa đống lông màu xanh. Khi lông phủ lên khắp người, chị bắt một con chim trong lồng, ngậm vào mồm và nhả ra cho con chim bay.

Lần tiếp theo cách đây không lâu, cũng với nữ nghệ sĩ đó, chị dùng bàn là, những miếng bì lợn và cả… da tay của mình để tạo ra hiệu ứng cho khán giả. Có vẻ như L.D.H đã có phần… “ngượng ngùng” với hàng loạt bức ảnh khỏa thân của mình tràn lan trên các báo mạng ở đợt trình diễn trước mà lần này, chị yêu cầu mọi người không quay video và chụp ảnh màn trình diễn của mình. Nhưng ở đâu đó, một vài hình ảnh về màn trình diễn với bì lợn, bàn là và da tay của chị vẫn thấy xuất hiện.

Cũng đáng chú ý không kém trong giới nghệ sĩ trình diễn ở Hà Nội là cái tên L.A.H với những màn trình diễn của mình. Anh có thể đứng làm cột điện bên đường, cho người khác vô tư viết vẽ bậy lên người, thậm chí là… tè vào chân! Lần khác lại thấy anh xuất hiện trên các mặt báo với hình ảnh buổi trình diễn tụt quần đọc sách báo trong WC…

http://www1.laodong.vn/Images/2011/3/1/toi2jpg-044003
Màn trình diễn tụt quần vào... WC đọc báo của L.A.H



Những màn trình diễn như thế này đã không còn quá xa lạ với nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam nữa. Nhưng phải nói ngay rằng, hàng loạt những màn trình diễn như trên đều đa phần tạo ra một tâm lí chung cho khán giả, công chúng khi nhìn nhận về nghệ thuật đương đại nói chung và nghệ thuật trình diễn nói riêng, đó là cứ hễ trình diễn thì phải… cởi quần áo, hoặc phải làm một điều gì đó thật khác người, thật sốc thì mới là trình diễn!

Nghệ thuật hay phản cảm?
Công chúng ngày càng quan tâm hơn đến nghệ thuật, đặc biệt là trình diễn nói riêng và nghệ thuật đương đại nói chung. Vậy ý kiến của phần đông khán giả khi tận mắt chứng kiến, hay theo dõi lại những màn trình diễn “cởi mở” thời gian gần đây như thế nào?

Đa phần ý kiến của khán giả ở trên các trang mạng, báo điện tử đưa tin về vấn đề này đều tỏ thái độ không đồng tình với những màn biểu diễn như thế này. Dù bản thân người trình diễn vẫn thường tiếp thu những ảnh hưởng của lối văn hóa của phương tây, mang nhiều nét đương đại hơn nhưng đây là ở Việt Nam, nơi có văn hóa phương Đông và không dễ chấp nhận mấy kiểu “cởi mở” một cách vô tư trước đám đông như thế. Đó là ý kiến của số đông khán giả trước những “cú sốc” mang tên trình diễn như trên.

Còn nữa, khán giả không chỉ không đồng tình trước những màn biểu diễn trên mà còn tỏ ra khó chịu: “Nếu như muốn nói một cái gì đó cao siêu, sâu xa hơn thì có thể mang đi chỗ khác trình diễn, hoặc chỉ trình diễn trước những nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật. Còn khi mang ra trình diễn, thì nghệ sĩ phải tôn trọng khán giả chứ”. Chưa nói đến việc một vài ý kiến còn “phản bác” gay gắt màn trình diễn là bàn là vào tay của nữ nghệ sĩ L.D.H: “Là một người lớn mà chỉ nghe kể lại tôi đã thấy rùng mình, thử hỏi những người trẻ tuổi khi trông thấy kiểu “hành xác” đó chúng sẽ nghĩ gì? Ai dám chắc một trong số chúng sẽ không làm theo?”.

Cá nhân người nghệ sĩ để thực hiện được một màn trình diễn cũng có những sự chuẩn bị không nhỏ không chỉ về mặt sức khỏe mà còn về tâm lý, tinh thần. Nhưng nghệ sĩ hãy đừng đưa những “đao búa” của triết lý để làm nền cho những màn biểu diễn phản cảm của mình.

Bởi vì khán giả sẽ càng cảm thấy phản cảm trước những màn trình diễn trái với thuần phong mĩ tục của văn hóa. Và khi đó, e rằng những “ấn-tượng-tốt” hay một vài thông điệp nghệ sĩ mong muốn mang đến đã không còn giữ nguyên giá trị của nó.

ANH CUÔNG  (Báo Lao Động)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

*

"Nếu anh thấy một gia đình hạnh phúc, anh nên tin rằng ở trong gia đình ấy có một người phụ nữ biết quên mình"

René Bazin
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:
*

"Nếu anh thấy một gia đình hạnh phúc, anh nên tin rằng ở trong gia đình ấy có một người phụ nữ biết quên mình"

René Bazin
Biết

Phụ nữ biết quên mình
Đàn ông biết tỏ tình
Cháu con biết học tập
Xã hội biết văn minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật từ chức vì nhận 600 đô trái pháp luật

Bộ Trưởng Ngoại giao Nhật Bản bất ngờ từ chức hôm nay, sau khi thừa nhận ông đã nhận một khoản tiền trị giá 600 đôla một cách bất hợp pháp từ một người nước ngoài, cho chương trình vận động tranh cử của ông hồi năm 2008.

Ngoại trưởng Maehara tại chức vừa đầy 9 tháng, và được coi là một ứng cử viên hàng đầu để kế vị Thủ Tướng Naoto Kan, hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Ngỏ lời xin lỗi nhân dân Nhật Bản hôm nay, Ngoại trưởng Maehara, 48 tuổi, nói ông lấy làm hối tiếc đã làm công chúng mất tin tưởng, dù trước đó đã bày tỏ cam kết sẽ “trong sạch hóa chính trị.”

   Ngoại trưởng Maehara tại chức vừa đầy 9 tháng, và được coi là một ứng cử viên hàng đầu để kế vị Thủ Tướng Naoto Kan, hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Lời thú nhận của Ngoại trưởng Maehara được coi rộng rãi là phương hại đến lời hứa của Thủ Tướng Kan, sẽ loại bỏ các lem nhem tiền bạc trong chính trị, tiếp theo sau một vụ tai tiếng liên quan tới một vụ gây quỹ chính trị  liên quan tới ông Ichiro Ozawa, thành viên của Đảng Dân Chủ đương quyền.

Luật pháp Nhật nghiêm cấm các vụ tặng tiền cho các chiến dịch vận động tranh cử của các ứng cử viên Nhật.

Ngoại trưởng Maehara hôm thứ Sáu cho biết chiến dịch vận động tranh cử của ông đã nhận 610 đôla từ một phụ nữ sắc tộc Triều Tiên làm chủ một quán ăn ở Kyoto mà ông đã quen biết từ nhiều năm nay.

ST
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Bát phở 750.000 đồng và mơ một bữa ăn có thịt!

Những hình ảnh tương phản như này ngày càng xuất hiện nhiều trong xã hội chúng ta.

Không ít người nhẹ nhàng chi 10 triệu đồng cho một bữa sáng, 750. 000 đồng cho một tô phở, vài chục tỷ đồng mua xe siêu sang… Đối lập lại là những người còng gưng, dãi nắng dầm mưa suốt ngày mới kiếm được vài ba chục ngàn.

Đó là bức tranh tương phản mà bạn đọc chia sẻ đến SGTT sau khi đọc bài “Người Việt tiêu xài lạc quan nhất thế giới”. Trong số rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc gửi đến SGTT, dưới đâu chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.

Bữa ăn sáng 10 triệu

Nhiều người giàu lên một cách nhanh chóng, dễ dàng bằng những cách không bình thường, không minh bạch. Vì kiếm tiền quá dễ nên họ tiêu xài phung phí, chỉ quen dùng hàng hiệu, trong khi đó, những đồng ngoại tệ của ta được chắt chiu từ xuất khẩu gạo, cà phê, thuỷ sản… lại đang phải dùng để chi trả cho những món hàng hạng sang đó.

Chúng ta nói năm 2010 nhập siêu 12,6 tỷ USD nhưng thực chất những chiếc xe ô tô siêu sang, điện thoại, laptop “khủng”… đã chiếm số lượng tiền không hề nhỏ trong tổng số 12,6 tỷ USD đó.

Đối với người nghèo, được ăn một bữa thịt đã là xa xỉ. Nhưng đối với người giàu thì họ coi đó là điều bình thường. Một bát phở 650.000 đồng (thậm chi 750.000 đồng, BT), hay trả 10 triệu đồng cho một bữa ăn sáng. Một người giàu kiếm tiền quá dễ nếu không chi tiền cho những việc đó họ sẽ không biết dùng tiền để làm gì!? Cho nên xa xỉ chỉ là một khái niệm tương đối.

Nhiều mặt hàng ngoại nhập là thành tựu của khoa học kỹ thuật nên đương nhiên nếu được tiếp cận, sử dụng thì không ai là không mê. Nhưng cạnh đó còn có tâm lý thích thể hiện đẳng cấp, thích chơi trội. Người Việt Nam có nhược điểm là thích đua tranh, hãnh tiến. Người khác dùng hàng hiệu mà mình chưa dùng là cảm thấy thua kém, “quê một cục” nên phải cố cho bằng được.

Trong xã hội hiện nay, nhóm người giàu mới nổi tuy thực lực chưa mạnh nhưng cũng sẵn sàng bỏ tiền mua xe xịn, thậm chí vay nợ để mua. Chủ doanh nghiệp mặc dù nợ đầm đìa vẫn “diện” xe sang như thường. Căn bệnh hình thức này mọi người đều biết nhưng không phải ai cũng tránh được.

Nguyễn Hoài Nam
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Mang gạo và dưa muối đến trường



TT - Giữa đại ngàn Trường Sơn, thêm một năm học mới cũng là thêm một năm thử thách cho cả thầy lẫn trò. Những câu chuyện dạy và học giữa rừng núi trập trùng thấm đẫm gian khổ mà đầy ắp tình người.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=446340
Thầy Lý Ngọc Bình dạy chữ cho học sinh ở điểm trường thôn Điek Not B (Trường THCS Ngọc Tem) - Ảnh: T.B.D



Tờ mờ sáng, thầy Lý Ngọc Bình - người đứng lớp của một điểm trường tại thôn 9, thuộc Trường THCS Ngọc Tem (xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, Kon Tum), ngôi trường có cả ba cấp học: mầm non, tiểu học, THCS - chuẩn bị lên núi. Lần nào cũng vậy, hành trang cho một chuyến vào với học sinh ngoài những trang giáo án được xếp cẩn thận kê trên những bó rau, mớ cá, còn có cả một bao gạo và một ít dưa muối, chất trong thùng tôn to đùng.

“Chỗ mình dạy heo hút quá, hàng hóa, thức ăn không thể mang vào được nên phải dự phòng từ trước. Mỗi lần đem đi như thế này vừa tiết kiệm chi phí vừa để cầm cự trong khoảng vài tuần ở lại dạy chữ” - thầy Bình nói.

Mơ ngày mở đường
Nếu tính quãng đường thì từ điểm trường chính vào tới bản không xa nhưng gần như toàn bộ hành trình vượt núi đều ngập sâu trong bùn đặc. Nơi nào không đóng bùn lại có hàng ngàn cục đá to như cái nồi chặn lối xe đi. Sau khi nghỉ giải lao trên đỉnh dốc và nhìn xuống các bản làng lẩn khuất dưới các đám mây, thầy Bình phát hiện chiếc xe gắn máy của mình đã bị bùn đặc chảy vào ống xả từ khi nào, không thể nổ máy được.

Sau một hồi cạy bớt bùn, thông ống xả, thầy Bình cài số rồi ngồi lên cầm tay lái để chiếc xe trượt dài xuống dốc, nhưng đi được một quãng bỗng cả xe, cả người lộn hẳn về phía trước, áo quần, mặt mũi bê bết bùn đất. Thầy chỉ biết cười: “Vậy là sáng nay phải cho các em nghỉ học chứ đồ đạc, quần áo thế này, vào gột rửa cho sạch sẽ thì mặt trời cũng qua khỏi núi mất”.

Điểm trường nơi thầy Bình dạy nằm ở gò đất cao nhất của buôn Điek Not B. Chúng tôi khó nhận ra đó là ngôi trường bởi nó lọt thỏm giữa buôn làng và gần như chẳng có gì hơn ngoài tám bộ bàn ghế học sinh, tường bằng nứa và mái tôn đã co rúm, mỏng như tờ giấy vì nhiều lần bị gió quật. Thấy thầy đến, các em học sinh đen nhẻm, lam lũ đã đợi sẵn từ sáng vội lao xuống. Đứa bê thùng xốp đựng sách vở và thức ăn lên trường, đứa rửa giày cho thầy...

Thầy Bình khoe học trò đứa nào cũng chăm chỉ. Trong lớp học có lớp 1 và lớp 4 ghép chung ấy, dẫu chỉ có 11 học sinh trên tám bộ bàn ghế, 22 tấm tôn lợp trên mái, một cái bảng, mấy cục phấn được nhà trường cấp nhưng thầy Bình bảo: “Dẫu sao thì ở đây như thế là được rồi, nhiều chỗ còn khổ hơn”.

“Đem gạo và dưa muối lên lớp, ở lại đi dạy vài ba tuần mới “hạ sơn” một lần. Chỗ ngủ và nấu ăn của mình được ngăn bằng tấm bảng với lớp học. Đêm nào buồn quá thì xuống bản thăm bà con đồng bào mình rồi về ngủ. Nhớ vợ, thương con thì không biết thế nào mà nói. Khi nào đường mở, xe thông chắc mình sẽ đưa vợ con vào thăm” - thầy Bình thổ lộ.

Thầy cô giáo tại Trường Ngọc Tem cho biết phần lớn các em học sinh lên trú tại trường để học đều là con em đồng bào Ca Dong, H’Re. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Linh nói: “Hoàn cảnh khó khăn thì ở đây em nào cũng như nhau. Trường có 178 em trú tại lớp, mang tiếng là trường bán trú dân nuôi nhưng vì cha mẹ các em cuộc sống cũng khó khăn nên thầy cô nuôi hết”.

Gọi là bán trú chứ thật ra là nội trú vì đường xa, các em không thể đi về nên ở luôn tại trường trong hai phòng học được trưng dụng làm chỗ ngủ. “Hơn nữa, học ở trường chắc chắn mỗi ngày có ba bữa cơm trắng chứ về nhà chẳng biết có hay không”. Thầy Linh tâm sự đến thời điểm hiện tại nhà trường chỉ có thể đi xin gạo cứu trợ từ xã, rồi các tổ chức về cho các em ăn cầm hơi chứ chưa nghĩ đến chuyện các em ăn đủ chất.

Ngoài chuyện thiếu ăn, thiếu mặc, các em học sinh ở đây còn phải vượt đường xa đến lớp trong những điều kiện khắc nghiệt. Học sinh ở thôn xa nhất đi rừng đến lớp cũng gần một ngày. Vì thế, nếu sáng thứ bảy về nhà thì sáng chủ nhật đã phải trở lại trường.

Thầy giáo bắt cá, hái rau
Trong số nhiều thầy cô đang công tác tại Trường THCS Ngọc Tem thì cô Hứa Thị Thúy Kiều và chồng cũng là đồng nghiệp được nhiều người khen là “may mắn” vì hai vợ chồng được phân dạy tại cùng một điểm trường. Tuy nhiên, điều khiến vợ chồng cô Kiều chạnh lòng nhất là đứa con trai của mình phải gửi bà nội ở huyện Đắk Hà nuôi giùm từ khi vừa tròn 6 tháng tuổi. Khoảng thời gian gần trọn một năm nay là thời điểm khó khăn nhất của hai vợ chồng cô khi phải đi về liên tục để thăm con.

Dù được xem là điểm tựa tinh thần cho các giáo viên trong trường nhưng khi nói về gia đình mình, thầy Nguyễn Đăng Linh cũng không khỏi bùi ngùi: “Mang tiếng là cha nhưng từ ngày con còn nhỏ, tôi đã vào trường công tác, mọi thứ ở gia đình một mình vợ phải cáng đáng. Đường xa thế này muốn về thăm con cũng không phải dễ, nhiều hôm nhớ vợ, thương con quá chỉ biết chạy ra đầu dốc ngay trụ sở UBND xã, nơi có thể dò được sóng điện thoại để gọi điện cho gia đình”.

Không có sóng điện thoại, không báo chí..., chuyện thiếu thốn về vật chất là câu chuyện thường nhật mà các thầy cô giáo ở đây phải đối diện hằng ngày. Hai thầy giáo trẻ Hoành Xuân Hùng và Hoàng Đình Xuân Nam mới về trường dạy, được phân vào thôn 2 đứng lớp nhưng tại nơi này không có phòng cho giáo viên ở.

Mọi thứ gần như trống trơn, cả hai thầy giáo trẻ phải đến xin ở tạm tại căn nhà gỗ cộng đồng của bản, rồi đi mượn nồi, xin lửa, kiếm gạo thổi cơm. Ở đây mọi thứ hàng hóa đều trở nên đắt đỏ gấp đôi, gấp ba lần, đến một bó rau muống cũng 5.000-6.000 đồng nên để tiết kiệm chi phí, sau giờ lên lớp, các thầy lại xuống suối bắt cá, hái rau về lo bữa ăn.

Thầy Đinh Lê Chon, phó Phòng Giáo dục huyện Kon Plông, cho biết do điều kiện đặc thù về địa hình cũng như thời tiết trên đỉnh Trường Sơn nên việc dạy và học tại đây gặp rất nhiều khó khăn, đã có nhiều trường hợp giáo viên phải bỏ mình lại giữa rừng trong quá trình gieo chữ.

Trên đường đến bản với học sinh, cô giáo Trần Thị Mỹ Phương, giáo viên Trường tiểu học Măng Bút 1, đã bị lật thuyền độc mộc tại suối Sa Nghé, buôn Long Rúa, xã Măng Bút. Quê cô Phương ở tận Đức Thọ, Hà Tĩnh, nên sau khi cô qua đời, thầy cô phải thuê xe đặc dụng đưa về. Năm 2006, cô giáo Tịnh (Trường THCS xã Đắk Nên) cũng tử nạn do nước suối bất ngờ đổ về khi cô đang trên đường qua bản mua thức ăn.

Thầy Nguyễn Đăng Linh kể vào năm 2007, cô giáo Nguyễn Thị Thọ, giáo viên tại trường, cũng mất do bị lũ cuốn trôi khi đang trên đường vào lớp. Khi đó cô Thọ dự định đến ngày cuối tuần sẽ đưa bạn trai là một đồng nghiệp về giới thiệu với gia đình ở Quảng Ngãi. Nhưng mới ngày đầu tuần cô đã ra đi mãi mãi.

ĐOÀN TỪ DUY - THÁI BÁ DŨNG


Đốt đuốc tìm học trò

Tại Trường tiểu học Đăk Long, đồng hồ đã chỉ 20 giờ, cô giáo Trương Thị Mỹ Linh bên bữa cơm chiều đã lạnh ngắt, đang ngóng chờ chồng là thầy Nguyễn Văn Hoành, giáo viên Trường THCS xã Hiếu. Cô Linh cho biết thầy Hoành đang tranh thủ xuống các buôn làng để vận động học sinh đến lớp, mỗi tuần phải dành 3-4 ngày đến từng gia đình vận động. Lớp vắng em nào thì phải tức tốc tìm đến nhà, nếu không các em sẽ không đến trường mà theo cha mẹ lên rẫy.

Điểm trường Kon Leng, xã Đăk Long chìm trong đêm tối. Trong lớp học có hai cô giáo Phạm Thị Hiệp và Trần Kiều Loan, đứng cuối lớp là anh A Ét với công việc hỗ trợ giáo viên. Cô Hiệp kể: lớp học này được duy trì cả sáng, chiều. Về đêm, thay cho việc tự học bài ở nhà, các cô tổ chức cho các em học bài tại lớp vì nếu để các em tự giác thì gần như không thể. Đêm, thấy chỗ ngồi nào vắng học sinh, các cô lại đôn đáo đốt đuốc đến tận nhà tìm, đưa bằng được các em đến lớp.

TRẦN THẢO NHI
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

LÀM GÌ CÓ NIỀM TIN MÀ MẤT ?
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám

Khi tôi ngồi viết những dòng này thì tại Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc đang diễn ra vụ xét xử Sầm Đức Xương và hai cháu Thúy - Hằng. Có thể nói, vượt qua cả những thua lỗ trong vụ Vinasin, những khủng hoảng kinh tế và thậm chí cả tai họa lũ lụt ở Miền Trung, vụ  Sầm Đức Xương là mối quan tâm lớn nhất của xã hội năm 2010. Tuy không chết người, mất của nhưng nó đã đẩy tới tận cùng sa đọa của truyền thống đạo lý ngàn đời cha ông ta gieo trồng, vun đắp. Có một dân tộc Việt Nam nhân tâm, nhân ái như ngày hôm nay là kết tụ của hồn sông, khí núi, là phúc đức mà tổ tiên gom góp từ Vua Hùng để lại. Vì vậy, để cảnh báo, răn đe, vụ án Sầm Đức Xương đáng lý phải được xử công khai, minh bạch, không để sót người, lọt tội. Thế nhưng tiếc thay, vụ án đã được xử kín giống như xử vụng, xử trộm. Có người bán, có người môi giới mà không có người mua. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, các cháu Thúy – Hằng vẫn đang ở tuổi vị thành niên nhưng khi xét xử, không có luật sư bào chữa. Nhiều, rất nhiều những người có liên quan đã được đưa ra khỏi vụ việc để rồi giờ đây, ra vành móng ngựa chỉ là hai cháu học sinh nhỏ bé và một lão già theo lời lão là bị liệt dương. Tại sao tòa không triệu tập những người có liên quan tham gia vụ án để họ được chứng minh sự vô tội của mình nếu quả thật họ vô tội? Tại sao một vụ án cả nước đều biết lại phải xử kín? Tại sao và tại sao??? Hàng loạt các câu hỏi được dư luận đặt ra xung quanh vụ án này nhưng đều không có lời giải đáp đã gây phẫn nộ cho những người lương thiện.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 133 trang (1325 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [62] [63] [64] [65] [66] [67] [68] ... ›Trang sau »Trang cuối