Trang trong tổng số 11 trang (102 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9] [10] [11] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

huỳnh ngọc huy tùng

GỬI ANH NGƯỜI LÍNH TRƯỜNG SA.

Thư Hậu Giang em viết gửi cho anh
Trường Sa yêu thương trải hoài trong trí nhớ
Sóng vỗ bờ xa thì thầm nhắc nhở
Xà No chiều về em luôn đợi chờ anh !

Bao năm rồi vườn cam quýt vẫn xanh
Nhớ ghê lắm, anh chưa một lần về thăm lại
Chiếc xuồng nhỏ đưa người sang sông ngày ấy
Đến bây giờ lòng xao xuyến mãi chưa phai.

Thư Hậu Giang em viết gửi cho anh
Một chút tâm tình đến người lính đảo
Cây Phong Ba chiều nay thay màu áo
Đón thu về hoa sóng nở xôn xao !

Thư anh viết cho em có tiếng sóng rì rào
Có gió đổi chiều, có hoàng hôn nhuộm màu thương nhớ
Nhớ quá đêm Xà No vầng trăng đi trốn
Ta trao nụ hôn đầu vụng dại tuổi vào yêu!

Sinh Tồn đêm nay biển động thật nhiều
Muôn vạn vì sao lung linh mắt sóng
Đồng đội anh đong đưa cánh võng
Hát câu vọng cổ buồn,
Có nhớ Hậu Giang?

Quê mình mỗi người góp đá dựng Trường Sa
Chú Sáu góp lương hưu,
Cô ba góp từ những đồng nuôi heo đất
Bé Út nhịn quà sáng
Mẹ Việt Nam anh hùng gửi lại tiền phúng điếu trước phút lâm chung…

Thư Hậu Giang này sẽ đến Trường Sa
Mang theo tấm lòng những người con vùng châu thổ
Chưa đến biển nhưng trong lòng muôn trùng sóng vỗ
Son sắt một lòng
Thương lắm Trường Sa,
Son sắt một lòng
Vì biển đảo của ta!
                           Tháng 10/2011
                            HUY TÙNG
Huỳnh Ngọc Huy Tùng
Trường PTTH Tân Long
Xã Tân Long – Phụng Hiệp Hậu Giang.---DĐ: 0974366462
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huỳnh ngọc huy tùng

XEM ẢNH BÁC Ở LƯƠNG TÂM.

Bác xắn quần lên bước xuống đồng
Hạt thóc cựa mình mỉm cười ngưỡng mộ,
Chủ tịch nước đó ư? Vô cùng bình dị
Chòm râu thật hiền theo gió phất phơ.

Nắng chói chang như cũng bất ngờ
Bỗng sà xuống thấp ngắm Người … thật lạ!
Đất bật lên mầm xanh non của mạ
Một tiếng cười phả gió mênh mông.

Lão nông (một thời vượt biển khơi đi tìm hình Tổ quốc non sông)
Từng gian khổ với những người cùng khổ
Thao thức năm canh nặng tình xứ sở
Quê hương mình còn xẻ nửa chưa liền.

Người dạy cho cán bộ đi theo bài học làm người
Tấm áo nâu quen thuộc cùng dân nghèo lam lũ
Bác có phải là vua đâu mà dù che lọng phủ
Bác từ nhân dân và đến với nhân dân.

Gàu nước Người đưa trĩu hạt mùa vàng
Câu ca dao cũ nghe thương người tát nước,
Mồ hôi Người rơi xanh ruộng đồng thao thức
Dấu chân Người lóng lánh bóng trăng nghiêng.

Tấm ảnh này Người ra dự Fes-ti-van
Hạt gạo trắng Bác đọc bài thơ “Giã gạo”
Mưa dầm đã qua để có những ngày nắng ráo
Gian khó lui dần Hậu Giang góp một mùa vui.

Tất cả học ở Người lòng trong sáng như gương
Hoa sen nở thơm lừng mùa hạ
Lão nông tri điền – tấm lòng lãnh tụ.
Cả cuộc đời không một chút tư riêng!.
       
Huy Tùng.( gv:Trường THPT Tân Long –PH-HG)
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huỳnh ngọc huy tùng

Tết về thương nhớ ba

TTO - Tết với con có rất nhiều kỷ niệm ngọt ngào, ấm áp bên ba của ngày xưa! Lúc nửa đêm gió chướng xộc vào mái nhà nghe mấy đuôi lá xao xác cũng là lúc ba thường thao thức.

Khi còn sống, ba thương con nhất nhà, hay gọi con là “ông tướng”. Má kể hồi nhỏ con thường biếng ăn, ba biểu má luộc hột vịt để ba đặt trên cây dừa rồi ba trèo lên lấy trứng trời, con mới chịu ăn cơm.

Một lần con sốt cao, ngoài trời mưa xối xả, ba vất vả cõng con trên lưng lầm lũi chạy trên quãng đường gần 7 cây số để đến bệnh viện. Giữa chừng ba vấp ngã, chân ba chảy nhiều máu nhưng ba bất chấp cơn đau gượng dậy ôm chặt con mà chạy tiếp. Người ba ướt sũng, quần áo ba dính đầy bùn đất. Bác sĩ bảo con đã qua cơn nguy hiểm, ba mừng hôn con hít một hơi thật sâu rồi thở phào nhẹ nhõm.

Trời vẫn mưa con lạnh con khóc, đêm đó ba không ngủ ôm lấy con, hơi ấm lan tỏa khắp người con. Con thấy mình hạnh phúc và thầm ước ba luôn mãi sống cùng con suốt cả cuộc đời.

Lên 8 tuổi con theo ba đi bẫy chuột, tát đìa chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Nhớ những sáng 30 tết trời se lạnh, gió tràn về trên ngọn so đũa làm bung ra từng chùm hoa trắng ngần, hoa mai đã khoe sắc vàng rực rỡ mọi nhà và những cánh đồng đang nhộn nhịp, hối hả… với mùa tát đìa.

Con chạy quanh mấy gốc rạ trên đồng thả diều, đến trưa cạn nước đìa, ba lội xuống bắt cá quăng lên bờ. Tay ba bẻ mấy nhánh bần ổi xỏ lụi mớ cá rồi liền nhổ rạ khô đốt lửa nướng cho chúng con. Mùi thơm phức của cá chín bốc lên làm chị em con thèm chảy nước miếng. Con đang ăn ngon lành ba tới xoa đầu hôn con, hàm râu của ba làm mặt con đau, bỗng con hét lên: “Bỏ con ra. Ba cạo râu và vứt điếu thuốc đi. Cay mắt chết con".

Con mếu máo, ba lại vỗ về an ủi con. “Ba làm ông tướng đau chỗ nào, để ba đền thêm cá nướng nữa nhé! Đàn ông con trai là trụ cột gia đình, ai mà khóc. Thôi nín đi con!”. Nói xong ba lại nhảy nhào xuống đìa mò cá. Trên cánh đồng mênh mông gió, con mãi thơ thẩn theo cánh diều đang bay cao.

Xế chiều. Những cơn gió chướng cứ rì rào, lao xao hát những lời thì thầm mùa xuân đang về. Hai bên bờ ruộng hoa cúc dại rơi lả tả trải vàng trên lối đi. Lúc này ba gánh cá về nhà. Ba đem biếu các bác hàng xóm người vài ký làm quà tết. Chiều cuối năm gia đình mình quây quần bên mâm cơm tất niên với nhiều món ngon mà chúng con ưa thích. Vị chua của trái giác nấu bông so đũa, vị ngọt thơm của cá nướng trui mãi chập chờn trong giấc ngủ của con. Ôi! Con thèm quá ngày xưa, khung trời hoa mộng và bình yên. Mới hôm nào vậy mà giờ chỉ là kỷ niệm. Lật lại xâu ký ức tuổi thơ để rồi tiếc nuối vô vàn!

Thời đó gia đình mình thiếu trước hụt sau nhưng chị em con ai cũng được học hành tử tế. Mọi sinh hoạt trong nhà đều phụ thuộc vào đồng lương dạy học của ba má. Ba vui mừng vì quê đang mùa chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng. Nghe đâu làm tôm khỏe hơn trồng lúa, vả lại kiếm được nhiều tiền. Ba sợ chúng con thiếu thốn bỏ học nên quyết định cải tạo đất thả tôm.

Nào ngờ nuôi gần hai tháng tôm chết đỏ nước. Ba buồn sao con tôm cứ phũ phàng ba! Mỗi lần tôm chết ba đều nốc rượu say khướt. Kể từ ngày chị em con vào đại học, những nhọc nhằn lo toan lại đè nặng thêm đôi vai gầy của ba. Căn bệnh xơ gan quằn quại hành hạ nhưng ba chỉ biết cắn răng chịu đựng. Cả cuộc đời ba lo cho chúng con, chưa bao giờ ba sống cho riêng mình. Trong mắt chúng con ba là người vĩ đại nhất thế gian.

Tết sắp đến rồi, ba thức vì hai mùa tôm nhà mình thất trắng, con biết ba buồn bởi không có tiền mua quần áo mới cho chúng con. Con nghĩ mà thương ba nhưng chẳng biết giúp ba bằng cách nào. Có lần con bỏ học đi làm công cho vựa tôm chú Sáu, ba biết được đánh con một trận, má cản lại, ba tức la má: "Bà tránh ra để tôi dạy nó, dù có khổ cực thân tôi đến đâu tôi cũng chịu đựng được nhưng nó phải đi học”.

Má ngồi xuống ván nhìn ba mà nước mắt lưng tròng. Con khóc xin ba: “Đừng đánh con! Con biết lỗi của con rồi, con không dám nữa ba ơi!”. Con ước mình thiệt mau lớn đi làm kiếm được tiền phụ gia đình và chở ba lại quán bà Tư Mập nhâm nhi vài lon bia vào những buổi chiều cuối tuần.

Nhưng con chưa kịp làm việc đó, một ngày ba trở bệnh nặng phải nhập viện cấp cứu. Hơn hai giờ ba mới hồi tỉnh, gắng sức mở to mắt nhìn từ từ chị em chúng con từng đứa một rồi quay sang nói với má: “Bà ơi! Lần này chắc tôi không qua nổi, đừng lo thang thuốc cho tôi nữa, bà để tiền lo cho tụi nó ăn học, nghe bà!”.

Vừa dứt lời mắt ba nhắm lịm lại như chìm vào một giấc ngủ sâu, má đớn đau quá ngất đi, chị em gái con giãy giụa kêu gào thảm thiết. Con không nói gì hết, sợ mở miệng ra sẽ bật khóc, ba từng dạy con đàn ông con trai có khổ sở cách mấy nhất định không được chảy nước mắt. Con dửng dưng đến nhói lòng. Ba đi rồi! Đi xa lắm, ở nơi đó ba sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi thế giới đau thương này.

***

Tám năm qua, quê mình giờ đổi thay lắm ba biết không? Bà con đang được mùa tôm, nhiều nhà ngói mọc lên san sát, đường bêtông đã về khắp thôn xóm. Trong khu vườn nhỏ của mình, cây mai già vẫn quyến rũ nhiều ong, bướm bằng sắc màu vàng óng ả của nắng phương Nam. Mọi thứ nơi đây bỗng trở nên đẹp lạ thường, những con đường như bừng thức giấc với gương mặt lạ lẫm, rạng ngời. Con bắt gặp mùa xuân trong ánh mắt ấm áp, dịu dàng của má.      

Đêm nay gió chướng về lạo xạo, con không ngủ được dậy thắp nhang cho ba. Con biết ba vui lắm khi chúng con đã khôn lớn, út của ba sắp tốt nghiệp đại học ra trường. Chị ba nay đã thành bác sĩ. Còn con đang nối nghề của ba má. Chúng con rất hãnh diện về điều này. Chính ba má là thần tượng của chúng con.

Ba hãy yên lòng, con sẽ luôn ghi nhớ những lời ba dạy, sẽ luôn thương yêu, kính trọng má và phụ má lo cho út của ba ăn học thành tài. Ba ơi! Những kỷ niệm ngọt ngào, tình cảm thiêng liêng ba dành cho gia đình, con sẽ luôn cất giữ trong trái tim yêu kính của con. Mai này con sẽ yêu con của con như ba từng yêu chúng con và kể cho chúng nghe bao điều về ông nội.

Đến giao thừa, má thắp hương gọi ba về đoàn tụ cùng gia đình. Những thời khắc đó ngày xưa ba gọi chúng con dậy, bế chúng con đặt lên chiếc bàn cao đứng xem thỏa thích màn trình diễn bắn pháo hoa lung linh đủ sắc màu tuyệt đẹp, sáng rực vùng thị xã quê mình. Trên bàn thờ ba, má đã dọn cúng ba những món ngày xưa ba thích: canh chua bông so đũa nấu với cá kèo, cá lóc nướng trui và tôm sú hấp bia…

Mỗi khi xuân về trong lòng con lại nhớ da diết đến ba, nhớ những mùa chúng con cùng ba tát đìa ăn tết. Giờ tuy gia đình mình luôn tràn ngập tiếng cười yêu thương, sum vầy, con tin ba đang ngồi đâu đó trên chiếc ghế dựa quen thuộc mà ba thường ngồi chấm bài. Mỗi độ xuân về, lòng con lại rưng rưng! Con nhớ ba lắm, ba ơi!

HUỲNH NGỌC HUY TÙNG (Nguồn: www.netbuttrian.vn)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huỳnh ngọc huy tùng

Một chặng đường dạy học

AT - Những cơn gió cuối cùng của tháng ba thổi tràn trên sân trường vào sáng sớm là lúc lòng người ai ai cũng đang rạo rực hân hoan đón chào ngày lễ thành lập trường sắp đến, còn tôi có những cảm xúc tiếc nuối bâng quơ, xen lẫn vui buồn khó tả.



Minh họa: DUY NGUYÊN


Buồn tiếc nuối vì thời gian trôi qua nhanh quá, thế là năm năm trời tôi gắn bó với nghề dạy học ở Trường THPT Tân Long giàu nghĩa tình này. Vui vì ngôi trường của tôi bây giờ có nhiều thay đổi, từng bước vươn lên để khẳng định chính mình. Tháng ba đi còn trở lại, thời gian đi rồi là qua mãi mãi… Tôi đón chào ngày lễ thành lập trường năm nay với biết bao cảm xúc mới tinh khôi.

Còn nhớ ngày đầu tiên về nhận việc, tôi bắt gặp những ánh mắt thân thương của lũ nhóc đang nô đùa trước sân trường, trong đầu tôi lúc này thầm nghĩ: “Chắc mình sẽ chọn nơi đây để dạy học”. Bất chợt tôi dừng xe lại trò chuyện với anh bảo vệ và được anh đưa tôi đi gặp một người. Tôi ngồi đợi khoảng 10 phút, từ phòng bên một thầy giáo còn rất trẻ bước qua, nhìn phong cách đĩnh đạc, tôi nghĩ chắc đây là hiệu trưởng trường. Thầy đón tôi bằng nụ cười nồng hậu, cởi mở làm tôi quên đi mệt nhọc. Thầy hỏi tôi rất nhiều, đại khái là những câu như “Em tốt nghiệp sư phạm trường nào? Quê ở đâu? Vì sao lại về đây dạy học?...”. Tôi chưa kịp trả lời, thầy nói tiếp: “Trường mình cơ sở vật chất còn nghèo và chưa có nhà tập thể giáo viên”. Nghe thầy nói tới đây, tôi hơi nản, rồi tự nhủ lòng mình sống chịu khó một chút là được. Sau cuộc trò chuyện giữa tôi và thầy, thầy chở tôi đến nhà trọ mà nhà trường đã thuê cho giáo viên ở để tiện việc dạy học.

Tối đó tôi ngủ thẳng cẳng không chút nghĩ ngợi gì mặc kệ ngoài kia đang giao mùa, những hạt mưa nhỏ li ti bay lất phất trong gió thì thào rạo rực len lỏi vào nhà. Sáng hôm sau đi dạy tôi mới biết người phỏng vấn tôi thật cặn kẽ đó là hiệu trưởng của trường. Nói ra thật buồn cười khi tôi nói chuyện với một người nhưng không biết chính xác là ai. Tôi thấy yên tâm vì thầy còn trẻ nhưng rất tâm huyết với nghề, khi chia sẻ với tôi lần gặp mặt đầu tiên.

Những ai đang sống trong nghề dạy học, hãy sống hết mình với cái gia tài quý báu nhất của người thầy là những học sinh thân yêu. Tôi nguyện giữ trọn vẹn cái gia tài cho đời mình không gợn chút ưu tư hay toan tính. Tôi còn nhớ hôm phát bài kiểm tra một tiết hình học, cả lớp chỉ có bốn em trên 5 điểm. Các em đề nghị tôi cho làm bài kiểm tra lại. Tôi không đồng ý, rồi lấy quyền làm thầy ra đàn áp chúng. Thế là chiến tranh xảy ra. Con bé Thư khóc lên ầm ĩ, gây  áp lực cho tôi: “Thầy cho đề khó, lớp làm điểm quá tệ, em sẽ  méc với thầy hiệu trưởng việc này”. Nói dứt lời em bay như tên ra khỏi lớp, chạy thẳng đến phòng hiệu trưởng. Tôi không kịp cản nó lại, chỉ biết nhìn theo vừa tức tưởi, vừa nơm nớp lo sợ em sẽ nói điều gì về tôi với thầy hiệu trưởng. Rồi tôi vội trở vào tiếp tục chiến đấu để dẹp loạn thì bên ngoài lớp vang lên tiếng của thầy hiệu trưởng: “Cuối giờ tôi đợi em ở văn phòng”.

Tan học. Tôi rời khỏi lớp với một cảm giác thật đơn điệu, buồn chán. Trong đầu tôi lúc nào cũng tự hỏi đúng một câu “Không biết chuyện gì sắp xảy ra với mình nữa?”. Tôi vào gặp thầy hiệu trưởng, thầy đưa tôi tách trà và bảo: “Em uống đi, rồi kể lại cho thầy nghe chuyện gì vậy?”. Nghe xong, thầy phán một câu “Chuyện nhỏ!” làm tôi nhẹ cả người. Thầy thông cảm cho tôi mọi chuyện và còn chỉ dạy cho tôi những kinh nghiệm để giáo dục học sinh tốt hơn. Cảm động nhất là thầy và trò nhận kết quả thi tốt nghiệp 100%. Rồi những học sinh đậu vào đại học, những ngày đến nhà phụ huynh động viên học sinh bỏ học trở lại trường… Năm năm qua là chặng đường gian nan đầy thử thách đối với tôi, để hôm nay nhìn lại, tôi nghĩ là mình đã trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Thầm cảm ơn thầy hiệu trưởng đã xem tôi như một người em trai, luôn giúp tôi vượt qua khó khăn để tôi bước vững chãi hơn trên con đường dạy học của mình.

Tôi yêu trường của tôi. Tôi yêu những người thầy thầm lặng quanh mình vì thấy rằng họ rất vĩ đại và đáng được gọi là thầy. Tôi yêu những giọt mồ hôi, nước mắt của họ đổ xuống dựng xây ngôi trường này để bây giờ tôi có dịp tặng họ nụ cười tươi cùng những lời tri ân chân thành, sâu sắc nhất.

Hôm nay, tự nhiên tôi thấy sao ngôi trường THPT Tân Long đáng yêu đến thế! Và tôi biết mình đang rộn rã niềm vui.      

NGỌC HUY (Hậu Giang)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huỳnh ngọc huy tùng

Mẹ
30/11/2012 05:45:09
Cha mất, mẹ tảo tần nuôi đàn con ăn học
Sớm nắng mưa chiều tất bật ngược xuôi
Thân cò lặn lội suốt một đời vất vả
Cơm áo gạo tiền đè nặng hai vai.


Vu Lan về con đếm tuổi mẹ đầy tay
Nhớ thương mẹ lòng đau như cắt
Mái tranh nghèo mẹ ngồi nhóm lửa
Từng làn khói bay lên mắt cay nhòa.


Anh em con giờ khôn lớn đã xa
Đi lập nghiệp không thể về bên mẹ
Năm tháng qua mẹ âm thầm chờ đợi
Dáng nhỏ liêu xiêu thơ thẩn ra vào.


Buổi cơm chiều chan bát canh rau
Mẹ thắp nén nhang gọi ba về bầu bạn
Cảnh vật mênh mông bốn bề quạnh vắng
Bóng mẹ dật dờ trong nắng hoàng hôn.


HUỲNH NGỌC HUY TÙNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huỳnh ngọc huy tùng

XÀ NO MÊNH MÔNG CÂU HÁT.

Tiếng trống đồng vang vang
Âm thanh mùa màng quá khứ
Tiếng vượn hú trăng khuya hiu quạnh
Câu ca buồn trên dòng Xà No

Những dòng người đi tìm ấm no
Theo dòng sông theo xuồng dừng lại
Đất mở ra,
         hạt lúa cựa mình thức dậy

Những cánh đồng năng lác hẹp dần
Dòng phèn mặn khỏa ánh trăng thấm ngọt
Bàn tay người khẩn đất
Xóm làng túm tụm sum vầy

Rẫy khóm rực vàng vết xước vết chai
Mía tơ biếc, mùa đường ngọt mật
Cạn chén rượu,
          tiếng đờn rao khuya khoắt
Kiếp ly hương chạm nước một lời ca

Dòng Xà No con đường lúa gạo đi qua
Lễ hội gọi ai về,
thương hạt phù sa châu thổ
Hạt ngọc trời từ bàn tay cha gian khổ
Trùng trùng bội thu xóa đói giảm nghèo

Trôi theo dòng khúc hát lý trăng soi
Xà No lung linh trẩy hội
Câu ca vui gọi mời người ơi… người ở…
Hậu Giang ta về hò hẹn những ngày vui.

Huy Tùng.( gv:Trường THPT Tân Long –PH-HG)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huỳnh ngọc huy tùng

MÁ LÀ VÌ SAO SOI SÁNG ĐỜI CON.

       Má khổ nhất nhà! Khổ từ lúc má về làm dâu út của nội. Gia đình nội có chín anh chị em, các cô, các bác ra riêng hết má phải chăm lo bà nội già yếu.
       Má kể ông nội là Cộng Sản bị địch xử bắn ở côn đảo, bà nội tham gia cách mạng bị tù đày tra tấn dã man. Sau giải phóng, bà nội trở về nhà với đủ mọi cơn đau hành hạ, nhất là bệnh viêm phổi càng lúc càng nặng hơn. Thời đó nhà mình nghèo lắm, khó khăn khốn khổ trăm bề. Má lo đủ mọi chuyện trên đời nào là tiền học hành của các chị, tiền thuốc men cho nội nay ốm mai đau.
       Nhưng má luôn cố gắng giành lấy vất vả, lặng lẽ âm thầm nhận hết thiệt thòi về mình dù má chưa bao giờ có được một miếng ăn ngon, một tấm áo đẹp. Má có mang nhưng vẫn quần quật thức khuya dậy sớm gánh chè đi hết chợ xa đến chợ gần; bóng má bé nhỏ, vẹo xiêu trên khắp nẻo đường. Má là hình ảnh người phụ nữ giàu đức hy sinh, đảm đương, chịu thương chịu khó.
      Vào sáng một ngày tháng bảy mưa tầm tã ba chở má đến trạm xá sinh con, đi được nửa chừng con đẻ rớt trên chiếc xuồng be chín, gió xoáy hất tung chiếc dù xuống sông, mưa xối xả tạt ướt chỗ má nằm, má lòm còm ngồi dậy lấy thân mình che cho con. Ba dừng lại nhà người quen để má con mình tránh mưa. Má đưa con về nhà, nội mừng lắm vì có người nối dõi tông đường. Bà biểu ba làm con gà xé phay cúng tổ tiên phù hộ con mau lớn khỏe mạnh. Cả nhà mình luôn đầy ấp tiếng cười rộn ràng hạnh phúc, còn má lại lo lắng con sinh ra yếu ớt gầy gò.
       Lên sáu tuổi con bệnh sốt xuất huyết nặng vở cả hồng cầu phải nhập viện cấp cứu. Tỉnh dậy sau cơn mê con thấy má rụt đầu xuống giường chỗ con nằm nhưng vẫn nắm chặt tay con. Con mở mắt gọi:“ Má!.. Má ơi ! Con đói quá. Con muốn ăn”. Má ngẩn người lên mừng rỡ lấy tay sờ vào trán con, dường như mắt của má đang ngấn nước, có lẽ má khóc vì quá đỗi vui sướng, hạnh phúc khi con đã qua cơn nguy hiểm. Má nghẹn ngào bên tai con “Má tưởng suốt đời không còn nhìn thấy mặt con nữa, con trai! Cảm ơn bác sĩ đã cứu sống con của má. Khi con xuất viện má nấu mâm cơn trả lễ ông bà đã phù hộ con tai qua nạn khỏi. Con còn yếu lắm nằm yên đó nghỉ để má đi lấy cháo từ thiện cho con”.  Má ơi! Tự bao giờ trong lòng con má chiếm một vị trí quan trọng không có gì thay thế được. Tuổi nhỏ con nào đâu thấu hiểu hết vị đắng cuộc đời, bao nhọc nhằn gian khó má đã vất vả hy sinh cho gia đình mình. Đời má không một ngày gọi là hạnh phúc!
     Thời gian vẫn cứ thế trôi qua vùn vụt, một ngày hè oi bức, trời nắng như đổ lửa nội đã bỏ ba má, chúng con ra đi mãi mãi. Đi về nẻo trời xa, nẻo sinh ly tử biệt. Nhà mình tuy nghèo nhưng má vẫn xoay xở tiền xây mồ yên mã đẹp cho nội đàng hoàng.
     Bấy giờ chị em con ai nấy đều lên cấp III nên má  suốt ngày bươn chải ngược xuôi nhiều hơn. Con nhớ một lần về xin tiền má đóng tiền nhà trọ, gặp con ở chợ má vừa mừng, vừa lo tại mấy bữa nay má buôn bán ế ẩm. Má dúi vào quần con một xấp tiền, bảo lấy xài đỡ, mấy bữa nữa có lương má ra cho thêm các con.
     Con cầm cả một xấp tiền lẻ 200, 500, trên tay mà lòng nghèn nghẹn đau; đó có thể là những đồng tiền má bán chè sáng nay. Cứ nghĩ đến là nước mắt con muốn rưng rưng. Nhưng má ơi con sẽ chẳng bao giờ khóc bởi má từng dạy con: “Đàn ông con trai là trụ cột gia đình, dù có khổ sở cách mấy phải gắng sức vượt qua, nhất định không được chảy nước mắt”. Và từ  đó con đã nguyện với lòng mình sẽ học thật giỏi để không phụ lòng má hôm sớm tảo tần.
     Khi con là sinh viên năm nhất đang tung tăng như chú chim non đủ lông cánh thỏa sức bay nhảy trong môi trường mới. Con đâu biết ở nhà ba bệnh nặng, má phải dãi nắng dầm mưa chạy vạy kiếm tiền lo thuốc men cho ba, vã lại còn chật vật chu cấp tiền cho con và chị ba đang học đại học.
     Rồi một tối ba nhập viện cấp cứu, con hay tin như đứt từng đoạn ruột. Mãi đến tận hai giờ sáng ba mới tỉnh sau cơn mê, ba nắm tay má đặt lên bàn tay các con, nghèn nghẹn không thành lời “Bà ơi! Tôi biết mình chắc qua không nổi, thôi thì bà gắng sống lo cho các con ăn học nghe bà!”.
     Má chỉ khóc, mắt ba nhắm lịm lại chìm vào giấc ngủ sâu. Má con như con thú bị thương gào thét, vật vã rồi ngất đi. Các chị em gái con kêu gào thảm thiết “Ba ơi đừng bỏ tụi con, mai mốt tụi con sống thế nào khi không có ba”. “Ông trời ơi! Trả ba lại cho chúng tôi”. Con không nói gì hết chỉ biết dửng dưng đến nhói lòng. Ba đã bỏ chúng con đi thật thế sao? Ba không giữ lời. Ba từng hứa ngày con khôn lớn làm ra tiền, ba sẽ cùng con lại quán bà Tư Mập nhậu một bữa cho đã đời vào một chiều cuối tuần hiu hiu gió.
      Ba mất chẳng bao lâu con dấu má nghỉ học đi làm công nhân. Nhận được lương con gửi tiền về nhà, nói dối má là tiền con nhận học bổng, má cầm lấy mà lo chị ba và út ăn học. Má sinh nghi đã lên đến tận chỗ con ở hỏi thăm thì mới hay con đã nghỉ học hơn hai tháng. Má tức giận tát con một cái vào mặt liền mắng “ Mày là đồ bất hiếu. Mày còn là con của má nữa không? Sao mày dối má làm chuyện động trời vậy con, mày muốn má tức chết luôn à! Mai mốt má có đi đoàn tụ ông bà làm gì dám nhìn mặt ba mày. Con ơi là con…”
      Má vừa nói, vừa khóc mình mẩy run lên cầm cập, từ trước đến giờ con chưa thấy má xúc động mạnh đến thế. Con nhìn má mà vô cùng hối hận: “Má ơi hãy tha lỗi cho con, con biết lỗi của con rồi, từ nay về sau con sẽ nghe lời má”. Má lại ôm chặt con vào lòng như những ngày thơ ấu con khóc đòi kẹo. Má giống con gà mẹ vuốt ve, vỗ về chú gà con.
     Tám năm rồi những ngày khó khăn nhà mình đã qua, má ơi đừng bận tâm nữa vì chúng con thật sự khôn lớn trưởng thành, biết yêu thương chăm sóc lẫn nhau. Chị em con ai nấy đều có nghề nghiệp ổn định. Anh hai, chị ba đã thành bác sĩ, út của má cũng tốt nghiệp đại học ra trường. Còn con đang nối nghề của ba má dạy học ở Phụng Hiệp- Hậu Giang. Mỗi lần lên lớp, nhìn ánh mắt thân thương, nụ cười hồn nhiên của cô cậu học trò miền quê Tân Long nghèo khổ, con đã kể câu chuyện đời má lắm nỗi nhọc nhằn; má như cây đước vùng quê Cà Mau sừng sững vươn cao rắn rỏi, vững vàng dù trải qua bao giông bão cuộc đời.
      Cám ơn má vì con là con của má. Và thầm cám ơn cuộc đời này đã ban tặng má cho con. Tuy má nghèo không lắm bạc tiền nhưng má đã cho con ánh sáng cuộc đời, trái tim vị tha biết yêu thương học trò. Cám ơn má đã truyền cho con sức mạnh phi thường, lòng can đảm yêu nghề dạy học, mà má đã bền bỉ gắn bó hơn ba mươi năm. Má ơi con trai yêu má nhất trên đời. Má là vì sao soi sáng đời con.

    
Huỳnh Ngọc Huy Tùng (GV trường THPT Tân Long-Phụng Hiệp-Hậu Giang)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huỳnh ngọc huy tùng

MIỀN QUÊ

Ai cũng có miền quê để về phải không em?
Chiều giáp tết anh trơ vơ ngược xuôi phố lạ
Thoang thoảng nơi xa hương mai mẹ vừa lặt lá
Cho anh được về ngắm hoa nở vàng trước cổng yêu thương

Ai cũng có miền quê để khi xa lòng mãi vấn vương
Chiếc xuồng nhỏ đưa em đến trường ngày hai lượt
Hương bưởi thơm chị gội đầu tóc đen bóng mượt
Hoa cau đêm hẹn hò rụng trắng bến sông tương!

Ai cũng có miền quê để về giấu tiếng vạt kêu sương
Ngày xưa anh lẽo đẽo theo cha ra đồng tát đìa bắt cá
Hái chùm điên điển vàng bông nghe lòng vui điến lạ
Ăn canh  trái giác nấu cá rô đồng mà đầu lưỡi vẫn còn cay

Ai cũng có miền quê để về sau những cơn say
Cùng nương náo đi qua những ngày chênh vênh giông bão
Bởi cuộc sống trắng-đen, phải trái mỏng manh như bàn tay chao đảo
Sấp ngửa mặt nào cũng là cuộc tình bạc trắng hơn vôi

Ai cũng có miền quê để về vùi giấc ngủ mồ côi
Nửa vầng trăng treo nghiêng nghiêng bạc đầu ngọn sóng
Em gieo neo đời anh trên đồi bốn mùa gió lộng
Thương kiếp lục bình tím khoảng nhớ mênh mông

Ai cũng có miền quê để về hò hẹn cuối bờ sông
Mỗi hoàng hôn mẹ gom cái lạnh mùa đông đem đốt
Cha đã đi xa làm tim anh thêm một lần đau đột ngột
Ai đợi ai về vá víu chút mảnh vỡ không nhau?

Huỳnh Ngọc Huy Tùng (Hội nhà văn TP Cần Thơ- 170 Lý Tự Trọng, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huỳnh ngọc huy tùng

QUA CẦU CẦN THƠ

Quê tôi ở bờ bắc
Có con sông Hậu hiền hoà chở phù sa cho vườn trái cây…sai trĩu quả
Ngọt lịm câu hò theo chân người mở cõi
Khúc hát âm buồn da diết đất Phương Nam.

Khi tôi lên mười,
Trên những chuyến phà chòng chành con sóng,tôi cùng nội sang bên kia sông buôn bán, mưu sinh giữa cuộc đời.
Cũng từ những chuyến phà đã đưa tôi đến trường Đại Học.
Trong tiềm thức mỗi người,
mơ một cây cầu bắt qua sông Hậu,
Hết bao cuộc đời sóng nước vẫn trôi xuôi!

Rồi một ngày… ai nấy rộn rã niềm vui
Bước trên chiếc cầu dây giăng vời vợi
Trên chiếc Dream tôi chở nội tôi chạy qua cây cầu mới
Mắt nội lóng lánh cười ngấn nước rưng rưng.

Nội cứ tưởng mình đang mơ?
Không!
Đó là sự thật,
Xe nối đuôi nhau
Chở đầy hàng hoá…
Ai đón ai về nối lại câu thơ.?

Tôi vui nhìn những cặp tình nhân đi bên nhau
Thả xuống dòng sông tiếng cười giòn tan mùa trẫy hội
Từng đàn em nhỏ thả ước mơ vào chùm bong bóng
Bên mẹ hiền háo hức trọn niềm vui.

Những chiếc phà xưa xa bến ngậm ngùi
Thấp thoáng giề lục bình trôi tím ngát
Những sợi tơ lòng lung linh bóng nắng
Cần Thơ ơi! Ta hẹn những ngày về.

Huy Tùng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huỳnh ngọc huy tùng

Nguyệt Thu đã viết:
TÌNH THƠ

                    Lửa hồng phượng vĩ đốt giấc mơ
                    Đốt thời áo trắng đốt tình thơ
                    Đốt cháy thời gian và kĩ niệm
                    Gieo khắp nhân gian nỗi thẩn thờ  

                                  Hãy để cho tình đẹp như mơ
                                  Tự nhiên ôm mộng mối tình thơ
                                   Vội vã sẽ gây  tình lầm lỡ
                                   Năm năm ,tháng tháng chỉ đợi chờ
                                          
                    Hoa vẫn nở trên đồi thương nhớ
                    Trái chín hồng trĩu nặng cành mơ
                    Lời yêu e ấp đành dang dở
                    Giữ mãi trong lòng mối tình thơ


                    
                        Huỳnh Ngọc Huy Tùng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 11 trang (102 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9] [10] [11] ›Trang sau »Trang cuối