Trang trong tổng số 1 trang (2 bài viết)
[1]

Ảnh đại diện

Vanachi

Đi! Đây Việt Bắc: thơ kháng chiến Trần Dần (do Thái Linh gửi)

Bài thơ Việt Bắc do nhà xuất bản Hội Nhà Văn in năm 1990 là tập thơ đầu tiên được in của Trần Dần sau thời Nhân Văn Giai Phẩm. Tên gốc của tập thơ là Ði! Ðây Việt Bắc! một trường ca sáng tác năm 1957, gồm 13 chương mà chương thứ 13 là bài Hãy đi mãi đã được đăng trên báo Văn số 28 ra ngày 15/11/1957. Ở lần xuất bản năm 1990, bài Hãy đi mãi vẫn bị loại bỏ và tập thơ được đổi tên là Bài thơ Việt Bắc.

Bài thơ toát ra hùng khí của một Trần Dần chiến sĩ. Kháng chiến "trần truồng": Ðứng và Ði. Mạch thơ chảy như nước, từ những chữ đầu tiên:

Ðây!

Việt Bắc

Sông Lô

nước xanh

tròng trành mảnh nguyệt!

Bình ca

sương xuống

lạc

con đò!

Ðáy dạ thời gian

còn đọng

những tên

Như

Nà Phạc

Phủ Thông

Ðèo thùng

Khau vác.

(trang 5)

Nếu có ảnh hưởng Maïakovski ở chỗ leo thang thì cũng chỉ là ảnh hưởng hình thức. Nội dung vẫn là nội dung Trần Dần. Trần Dần tượng trưng. Trước hết là âm điệu: một nhịp hùng ca, một nhịp quân hành. Nhưng không phải quốc thiều mà là nhạc rừng, nhạc núi, nhạc nội tâm của người lính "mỗi đêm từ biệt một quê hương". Người lính ấy mang tâm sự của người dân mất nước, nhưng còn gánh cả những khổ đau của con người đói khát tự do:

Tôi mất quê hương

từ khi

mới đẻ.

Mất

nước đỏ phù sa sông Hồng

Mất vịnh Hạ Long

Mất Huế

con sông Hương tình tự.

Mất

cửa biển Hải Phòng.

Mất mũi Cà Mau!

Tôi mất

những mùa thu

không én liệng.

Mất

mùa xuân

nhạt nhẽo cành đào.

Ngày đã mất

những mặt trời

không ấm nữa

Ðêm

lại còn

mất nốt

chiêm bao,

Tôi đói tự do

như

những bến tàu,

đói hàng hóa

đói thuyền khơi

đói biển.

(trang 29, 30)

Người lính Dần có ý thức về mình, người lính Dần đã vượt ra ngoài ý thức rập khuôn của đám đông tập thể, người lính Dần không hô khẩu hiệu, không bị lóa mắt vì hào quang hão huyền, người lính Dần nhìn thấy những khổ đau của đồng đội, người lính Dần nhìn thấy những chết chóc của chiến tranh:

Hố mắt bạn tôi

sâu như nấm huyệt

Có thể chôn

một chiếc quan tài

(trang44)

và người lính ấy đã nhìn thấy mình:

Bên suối

bao phen

tôi ôm ấp

nắng đào

chưa sấy

được nắm xương

ẩm mục

Nằm co quắp

trên sàn

lên cơn sốt

(trang 46)

và người lính ấy đã nhìn thấy người khác:

Mắt vàng sâu

thành

những cục nghệ vàng

Như ở một "suối vàng" nào

những tia mắt nghệ

lặng

nhìn nhau;

Nạn đói

kéo dài

ba tháng

Đêm hè

ngủ vẫn đắp chăn bông.

Bên đầu bản

họ ngồi

kêu

ngán ngẫm.

Chúng tôi ra vào

như

một rừng cây

trụi hết lá

trơ cành

khô khẳng

Sương từng đống

chất ùn

bên ngưỡng cửa

5 giờ chiều! Tôi ngã vật giữa cao nguyên.

(trang 48)

Việt Bắc của Trần Dần, không bịa đặt, không rừng hoa, biển cờ tiễn người ra trận, mà có rừng bệnh, biển đói chắn bước hành quân, trong một vùng núi rừng từ ấy đã thôi Tố Hữu mà rất Trần Dần:

Gió càng lên

thổi tắt

ít tinh cầu

Roi rét

quất tím bầm

mình mẩy những đêm thâu.

Ngang ngọn núi

đoàn quân

pháo thủ

ôm hàng tấn sắt

trên lưng.

Không còn là người

toàn bắp thịt không

Gân cốt

cuộn

từng búi thừng

búi chão!

....

Cả nước

thức ngàn

ngàn

đêm trắng

Mắt mở to

như cửa ngỏ

đen ngòm

Người dân nước

đã hóa thân



vạc

chui bờ

rúc bụi

sống về đêm.

(trang 58- 59- 60)

Tác phẩm Ði! Ðây Việt Bắc! của Trần Dần đã rửa tội cho những bài thơ kháng chiến cùng thời: cho những lấm lem, gian dối, đối với những người đã chết. Khâm liệm những lầm than đau khổ của những người còn sống. Đào thải những hào quang bịa đặt, những giá trị khả nghi. Trần Dần vạch sự thực trên thơ, về "10 cây số máu". Những chữ của trần Dần vừa vẽ chiến tranh, vừa đả đảo chiến tranh. Trong trận Ðiện Biên, chữ chui xuống hầm, lẩn vào hậu trường của người lính:

Tôi ngồi viết

trong hầm

căng bạt kín

Con đom đóm đèn

thiếu thở

mắt lim dim

Chỉ sáng đủ

đôi ba

dòng chữ.

Nếu như lọt

ra ngoài đêm

một tia sáng nhỏ

trái phá

sẽ

sầm sầm

xô đến

chôn ta!

Nơi đây

hút thuốc

phải trùm chăn...

Kẻo

bom nghiến

rừng ta

thành

cám bụi

Cái chết

rình con người

rình ta

cả

bữa ăn

cùng giấc ngủ.

....

Nơi đây

đã chết

ngọn đồi xanh.

Góc nọ

một rừng cây

ngã gục

(trang 86, 87)

Cuộc sống quanh tôi

mưa nắng

ngập hào,

Gian hầm nhỏ

nước vào

hôi hám

Nắm cơm xôi

nhão nhoét

trộn đen ruồi

Sống như đây

đã chết

một mùa đông

Mùa xuân đến

cũng còn

đang ngắc ngoải

(trang 90)

Sau những lời hùng của người chiến sĩ, lời bi hướng về người hấp hối, lời bàn về ngõ cụt của chiến tranh, của những chiến thắng đắp trên xác chết, tác giả muốn kết thúc tác phẩm bằng chương cuối, chương 13, với bài Hãy đi mãi. Nhưng con 13 xấu số, bài thơ chỉ được đăng một lần trên báo Văn năm 57, rồi bị loại hẳn, ngay cả trong thời kỳ đổi mới. Điều đó dễ hiểu: đối với một nước, không có giáo dục hoà bình, không ưa sáng tạo, ngược lại, tất cả các loại hình chiến thắng xưa và nay đều được vinh thăng, tôn thờ, thì một nhà thơ đi tìm hoà bình, tìm tự do sáng tạo, phỏng có ích gì? Nhưng ai đã tiếp xúc với bài thơ ấy, thấy lời nó cứ sống mãi, tiếng nó cứ dai dẳng vang lên, như một điệp khúc, như lối thoát duy nhất của con người: Hãy đi mãi!

Khi trái đất còn đeo bom trước ngực

thắt lưng

còn lựu đạn bao xe; -

Khi bạo lực còn khua

môi mõm mốc xì

khẩu đại bác mỏi dừ

vẫn sủa;-

Khi bóng tối

còn đau như máy chém

những lời ca đứt cổ

bị bêu đầu

lũ đao phủ tập trung

hình cụ

mặt trời lên

phải mọc giữa rừng gươm.

(trích Hãy đi mãi in lại trong Trần Dần ghi, trang 177)

Hãy đi mãi đối với Trần Dần, là phải đi qua Việt Bắc, đi trên Việt Bắc, đi khỏi chiến tranh, đi khỏi đói nghèo, dốt nát, vượt qua nhược tiểu, bước trên đàn áp, đi khỏi nhục nhằn, nói lên nỗi lầm than của con người sống không tự do, không sáng tạo:

" Tôi có thể mặc thây

ngàn tiếng chửi tục tằn

trừ tiếng chửi:

- "Sống không sáng tạo "

Khí thơ bất khuất, rất Trần Dần. Bài ca đoạn tuyệt chiến tranh, hồi sinh chân lý cuối cùng: sáng tạo:

Tôi vẫn nâng chiếc đầu lâu nặng nề sáng tạo

như nâng một viễn vọng đài.





Thơ độc âm: Mùa sạch

Trong sự khao khát cái mới, khách thơ thường muốn tìm đến một cái gì triệt để. Tập Mùa sạch của Trần Dần được nhà xuất bản Văn Học in năm 1997 có tính triệt để này. Trần Dần tìm đến thơ độc âm, như một thử nghiệm triệt để.

Độc âm. Vì mỗi bài xoay quanh một âm chính, ví dụ Hành trình trong, với âm trong:

Phố trong

Bộ hành trong

Giờ trong

Tắcxi trong... (trang 7)

Bài Lịch xuân, với âm xuân:

....Nơi ngâm hạt xuân

Nơi tưới màu xuân

Nơi đóng tàn xuân

Nơi bắc cầu xuân

Nơi đúc thép xuân

Nơi rỡ mành xuân... (trang 60)

Bài Lịch con cái, với âm đông:

Ðứa cày ruộng đông

Ðứa leo núi đông

Ðứa mò biển đông

Ðứa làm đường đông... (trang 75)

Hoặc bài Lịch họ hàng, với âm đồng:

Là trai đồng chiêm

Là gái đồng mùa

Là thúc bá đồng lầy

Là anh em đồng mỏ... (trang 76)

Lối cách tân này của Trần Dần dựa trên nhịp điệu của ca dao, đồng dao:

Khăn thương nhớ ai,

Khăn rơi xuống đất.

Khăn thương nhớ ai,

Khăn vắt lên vai.

Ca dao, đồng dao thường hay lập lại âm đầu, lấy âm đầu làm âm chính, âm chủ. Trần Dần lập lại âm cuối, hoặc âm giữa, lấy âm phụ, âm khách làm chính. Ông tìm cách lạ hoá và tạo ra một loại đồng dao mới, chức năng không chỉ "tả tình", "tả cảnh" như ca dao đồng dao ngày trước, mà có thể có những chức năng hoàn toàn khác, biến đổi tuỳ theo bài hát. Ví dụ, nếu ta đọc một mạch, liền hơi: Phố trong, bộ hành trong, giờ trong, tắcxi trong... sẽ thấy bài thơ diễn ra như một bức tranh siêu thực, nhiều hình ảnh lướt qua, cắt đứt nhau theo nhịp điệu đồng dao. Nếu đọc một mạch liền hơi: Là trai đồng chiêm, là gái đồng mùa, là thúc bá đồng lầy, là anh em đồng mỏ... chúng ta có một quan hệ trai gái, họ hàng, làng xã. Nếu đọc một mạch: Nơi ngâm hạt xuân, nơi tưới màu xuân, nơi đóng tàn xuân, nơi bắc cầu xuân, nơi đúc thép xuân, nơi rỡ mành xuân... chúng ta thấy hiện ra trước mắt hoạt cảnh sống động của mùa xuân, như xem một cuốn phim mà người cầm caméra đang quét rất nhanh ống kính dõi theo tầm mắt. Trần Dần muốn tìm ra một thứ đồng dao mới, tạo những ấn tượng mới, những hiệu quả mới... Một thứ đồng dao không đứng một chỗ, mà đi.

Tập Mùa sạch là tác phẩm cách tân duy nhất được in ra của Trần Dần, những tìm tòi khác, trong những tập thơ khác, vẫn ở trạng thái nằm, chưa in. Cho nên chúng ta chưa thể biết hết những thử nghiệm thơ của Trần Dần.

Trong thử nghiệm độc âm này, nhịp điệu thường bị gò bó, có những câu trở thành khiên cưỡng, eo hẹp. Nhưng thật ra, không biết Trần Dần có cố ý cách tân thơ, hay là ông chỉ muốn chứng minh một điều: ở tận cùng của gò bó, nhà thơ vẫn làm việc được, vẫn sáng tác được. Và trong "không khí độc âm toàn diện", "ta về ta tắm ao ta", người thơ vẫn có thể tạo ra một bối cảnh khác thường mà âm thanh, ý tưởng và hình ảnh, cùng gặp gỡ trong một ánh sáng mới:

Ao ta...

Liềm chiêm hái sáng

Thuyền chiêm chở sáng

Ngõ chiêm ơi ới sáng

Cầu tre chiêm rửa sáng.

Chị em chiêm gánh sáng

Ao chiêm làu lạu sáng

Con trâu chiêm cày sáng

Cá chiêm đẻ sáng.

Bếp chiêm khua sáng

Lửa chiêm làn lạn sáng

Mưa chiêm hàn hạt sáng

Sương chiêm màng mạc sáng

Vú chiêm sàn sạt sáng

Gàu chiêm tát sáng

Hạt chiêm chín sáng

Làng chiêm gặt sáng

...

Người cấy sáng

Người hái sáng

Người ải sáng

Người ngâm sáng

Người rửa sáng

Người trảy sáng

Người quảy sáng

Người lảy sáng

Người bày sáng

Người lội sáng

Người xới sáng

Người bới sáng

Người tưới sáng

Người lưới sáng

Người vin sáng.

Người vun sáng.

Người trồng sáng.

Người hong sáng.

Người đong sáng.

Người tải sáng.

Người rắc sáng.

Người gặt sáng.

Người giặt sáng....

(trích Ao ta, trang 29, 30, 31)

Sáng dồn đến, sáng ập vào, sáng tấn công mọi mặt, khiến người đọc chưa kịp tảo thanh sáng trước đã bị sáng sau áp đảo: sự đuổi bắt sáng tạo ra một sức hút kỳ lạ, sức lôi cuốn của độc âm, tựa như : một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng, bốn ông sáng sao... khiến người hát, người nghe không thể ngừng mà cứ phải đi, đi mãi... Trong không khí đen tối của hòm chữ bị giam trong mồ, sáng là một độc âm thiên thần, sáng đưa con người đến thế kỷ mới, đến sáng thế kỷ.

Và khi Trần Dần dùng độc âm như một hình ảnh độc vận của đất nước đã được tảo thanh, rửa sạch, trong tất cả các lãnh vực xã hội, chính trị và tư tưởng, chỉ còn lại một mùa duy nhất: mùa sạch, thì tác dụng độc âm trở nên vô cùng mạnh mẽ:

Tôi thích nhất công tác ở Việt Nam mùa

Bò mùa lúc nhúc công trường mùa.

Ga mùa lục xục tàu mùa

Chiều mùa lục bục sấm mùa.

Tỉnh mùa lục tục gặt mùa.

Mạ mùa gieo mùa.

Sao mùa vằng vặc ngoại thành mùa.

Xóm mùa lạc xạc cày mùa.

Mùa Việt Nam trên quả đất mùa.

(trích Trên quả đất mùa, trang 14)

Mùa sạch trở nên đỉnh cao của nước Việt sạch, khi cả cõi bờ đã được quét sạch để đạt tới:

Miền sạch

Thuyền sạch

Bút sạch

Tất cả đều sạch, từ tư tưởng đến bốn mùa, đều sạch. Ở đỉnh sạch. Không còn lại gì.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

PandaKid

"Tôi tiếc cho những chân trời không có người bay
Và tiếc cho những người bay không có chân trời"
Vì 2 câu này mà 1 đời Trần Dần điêu linh, ưu lư cùng thế sự. Tiếc....!
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu...
              ***
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài viết)
[1]