Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [41] [42] [43] [44] [45] [46] [47] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

CÓ NÊN ĐI TÌM “CÀNH HOA SEN”
TRONG CA DAO?


Đã một thời từng rộ lên tranh cãi về “cành hoa sen” trong câu ca dao: “Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Nhiều người cho rằng đã có sự nhầm lẫn gì đó, chứ hoa sen làm gì có “cành”? Cuống sen yếu ợt, làm sao vắt được chiếc áo? Câu chuyện về sau đã khép lại với cách hiểu: “cành hoa sen” chỉ là thủ pháp tượng trưng, ước lệ của dân gian mà thôi.

         Thế nhưng vừa qua (9/6/2016), báo “Dân Trí” và “Gia Đình và xã hội” cùng đăng bài có tiêu đề “Đã tìm thấy “cành hoa sen” gây tranh cãi trong cadao?”, dẫn ý kiến “Nhà nghiên cứu âm nhạc-Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long” cho rằng, “cành hoa sen”trong câu ca dao: “Đêm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”; “Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng...” chính là cành của “cây sen đất” ở chùa Bối Khê (Thanh Oai-Hà Nội). Đây là loại cây thân gỗ, hoa gần giống sen đầm, và “khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ chỉ duy nhất ở chùa Bối Khê có cây hoa sen đất lâu đời”. Từ đó, Nhà nghiên cứu cho rằng: đã “giải quyết được hết những vốn lý trong câu ca dao kia”, và “chúng ta có thể nhận định là bài ca dao được ra đời ở vùng này”.


Theo chúng tôi, cách tiếp cận vấn đề này không những không “giải quyết hết được những vốn lý trong câu ca dao kia”, mà ngược lại còn nảy sinh hàng loạt mâu thuẫn:

         1.Nếu vùng đồng bằng Bắc Bộ “chỉ duy nhất ở chùa Bối Khê có cây sen đất lâu đời”, nên bài ca dao “Tát nước đầu đình” được xác định “ra đời ở vùng này”, điều đó đồng nghĩa phải sửa lại “lý lịch” bài dân ca Đông Anh-Thanh Hoá: “Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng...”  chăng? Hẳn Nhà nghiên cứu sẽ trả lời: Có thể một ngôi chùa nào đó ở Thanh Hoá cũng đã từng trồng cây “sen đất” giống Bối Khê? Nếu vậy, lý do nào để khẳng định bài ca dao “Tát nước đầu đình” chỉ có thể ra đời ở đồng bằng Bắc Bộ, cụ thể là vùng “chùa Bối Khê”, mà không phải Thanh Hoá?  

         2.Trong không gian kiến trúc làng Việt, nếu đình làng không nằm giữa trung tâm dân cư, thì cũng ở vị trí phong quang, cao đẹp nhất. Vậy ruộng lúa, nương ngô đâu ở”đầu đình” mà ra tát nước? Giả sử không gian ước lệ “đầu đình” được mở rộng ra ngoài đồng, thì liệu chàng trai có cất công đem chiếc áo vào tận khuôn viên đình chùa, hay khu vực cổng tam quan mà vắt “trên cành hoa sen”?    


3.Đình làng là chốn tôn nghiêm, linh thiêng. Ngày xưa, đàn bà con gái qua lại phải cúi mặt mà đi, hoặc lấy nón che nghiêng. Thế nên, trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính”, Thị Mầu mới ghẹo Tiểu Kính Tâm: “Chàng như táo rụng sân đình, Em như gái rở đi rình của chua”. (Vì thuộc chốn tôn nghiêm, nên dù thấy “của chua vô chủ”, đang cơn “thèm”, mà “gái rở” cũng đành đứng xa mà “rình”). Bởi thế, nếu có chuyện mất áo thật, thay vì hỏi dò cô gái, hẳn chàng trai phải đi tìm ông Thủ từ mà truy mới đúng. Bằng không, với kiểu “ấm ớ” như vậy, chắc chàng trai sẽ bị mắng té tát vì cái tội ăn nói hàm hồ: Tôi phận đàn bà con gái, đêm hôm đâu dám qua lại, nhòm ngó gì ở “đầu đình” mà bắt được áo của nhà anh? Dĩ nhiên, chàng trai cũng đâu còn cơ hội để tiếp tục ngỏ ý”mượn cô ấy về khâu cho cùng”, rồi “trả công” những “lợn béo”, “xôi vò”, “rượu tăm”...?

         Cách tiếp cận theo kiểu “thực nghiệm hiện trường vụ án” của Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long còn nảy sinh hàng loạt vấn đề không thể giải quyết trong nhiều bài ca dao khác:

         - “Trên trời có đám mây xanh, Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng, Ước gì anh lấy được nàng...”. Thực tế có đám mây nào màu sắc, hình thù như vậy không?

         -”Lên chùa bẻ một cành sen, Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng”. Đang bận bịu như vậy, sao phải chạy lên chùa “bẻ một cành sen”, rồi mới về ăn cơm, đi cấy?

         -”Hoa sen mọc bãi cát lầm, Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen”. Hoa sen “mọc bãi cát” là loại sen gì? Có thêm một giống sen mới chăng?

         -”Nụ tầm xuân nở ra biêng biếc. Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!”. Tìm đâu ra hoa tầm xuân màu xanh bây giờ?

         -”Ăn chanh ngồi gốc cây chanh, Thầy mẹ gả bán cho anh thật thà”. Chanh thuộc loài cây bụi, cành nhánh gai góc mọc từ gốc mọc lên. Vậy, giống chanh nào cao lớn tới mức có thể “ngồi gốc cây chanh”?

         -”Gần nhà mà chẳng sang chơi, Để anh bắc ngọn mồng tơi làm cầu”. Có loại”mồng tơi” thân gỗ bắc được cầu không?

             -”Con cò mà đi ăn đêm, Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.” Phải chăng lại phải đi tìm giống cò đi ăn đêm?

             -”Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Cứ theo đây, thì “chồng” đang phải kéo cày thay trâu, trong khi con trâu lại đi bừa với một ai đó.

         Trong ca dao dân ca có các “thể” như: phú, tỉ, hứng. Trong đó phần lớn những câu đầu chỉ mang tính chất dẫn dắt, đặt vấn đề, khích lệ cho việc thổ lộ tâm tình, đôi khi bỏ qua tính logic của hiện thực  (“Lên chùa bẻ một cành sen” thuộc thể hứng, chỉ là câu dẫn dắt); “Hôm qua tát nước đầu đình” vừa là “phú”, vừa là “hứng”). Phương pháp sáng tác này rất phổ biến trong Kinh Thi.


Tính tượng trưng, ước lệ đến mức phi thực tế không chỉ thấy trong văn học dân gian, mà còn có cả trong văn học nghệ thuật thành văn. Bài hát “Có một đàn chim”,Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sáng tác những năm đầu thế kỷ XX đã đem hình tượng đàn chim “vẫy vùng tự do”,  cổ vũ, kêu gọi “thanh niên ơi, ta cùng chim tung bay”, “đứng lên vì người, vì hoà bình”, trong đó có lời: “Đàn chim tung bay khi mùa thu mơ giăng tơ. Từng tiếng quốc quốc...” Nếu cứ theo đây thì cả một sự vô lý. Bởi chim kêu “quốc quốc”gắn với truyền thuyết hồn vua Thục Đế là con chim cuốc, chỉ biết chạy, nhảy tà tà, đâu có biết bay trên bầu trời cao, nói gì đến “bay xa qua đồng bao la nắng, qua đồng xa tuyết trắng, Phương trời Đông, hay trời Tây”...? Tuy nhiên, với nghệ thuật, thì người ta có quyền mặc sức sáng tạo, để đàn chim vô danh kia cất lên tiếng gọi “quốc quốc”, gọi quê hương... Bởi vậy không nên đồng nghĩa thủ pháp nghệ thuật với hiện thực cuộc sống.

Trở lại bài ca dao. Đâu có ai yêu đương, tỏ tình mà lại phải chờ đúng đến dịp (sơ ý) làm mất chiếc áo, rồi nhân việc đi tìm, mới tiện thể ngỏ lời yêu? Không tìm được áo, thì may ra tìm được người yêu. Như vậy còn đâu là ca dao trữ tình nữa? Có thể nói, hai câu:“Hôm qua tát nước đầu đình, Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”, chỉ là cái cớ để chàng trai bắt chuyện, thổ lộ tình cảm với cô thôn nữ mà mình đã thầm yêu trộm nhớ; đồng thời nhân đó tự giới thiệu “lý lịch bản thân” một cách hết sức tự nhiên: anh đây người yêu lao động; cần cù một nắng hai sương; hãy còn chưa vợ; nhà có mẹ già; hình như em cũng mến anh; vậy hãy bằng lòng về với anh; anh sẽ cưới hỏi em; lễ vật thượng hạng theo phong tục, không thiếu thức gì, v.v... Cái khôn khéo của chàng trai là mở đầu bằng chuyện đi tìm áo, nhưng lại không khiến cô gái phải chú ý, bận lòng vào “chiếc áo” giả tưởng kia, để rồi chàng tiếp tục ướm hỏi, “đi xa” hơn nữa... Một khi chuyện “bỏ quên chiếc áo” không có thật, thì cớ gì phải băn khoăn đi tìm loài thực vật đúng là “cành hoa sen”, đủ độ cứng để có thể vắt được chiếc áo?

Là “Nhà nghiên cứu”, chuyện tiếp tục tìm tòi, lật lại vấn đề tưởng như đã đúng của người đi trước là điều cần thiết và đáng quý. Tuy nhiên, với trường hợp cụ thể bài ca dao”Tát nước đầu đình”, theo chúng tôi nếu cứ “quyết chí” đi tìm “cành hoa sen”, “thực nghiệm hiện trường” cho thật trùng khớp với ngôn từ, sự vật là điều vô vọng, nếu không nói là sai phương pháp luận khi nghiên cứu văn học dân gian nói riêng và hình tượng nghệ thuật nói chung(*).

HOÀNG TUẤN CÔNG
6/2016
(*)-Thực ra vấn đề hai báo Dân Trí và Gia đình và xã hội đưa ra không có gì mới. Bởi từ năm 2009, Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long đã từng có bài “phát hiện” đăng trên Tạp chí của Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam, với tiêu đề “Khám phá bí ẩn câu ca dao về hoa sen”. Sau đó năm 2010, trên “Văn nghệ Công an” lại có bài viết của một tác giả khác “công bố” đã tìm thấy cành hoa sen: “Đi tìm cành sen trong ca dao”. Rồi đến 2014 tiếp tục thêm người “điều tra”, tìm ra “cành hoa sen” bằng bài viết: “Đi tìm sự thực trong một câu ca dao”.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

VỢ CHỒNG HÀNG XÁO


“Vợ chồng hàng xáo” là thành ngữ được khá nhiều Nhà biên soạn từ điển thu thập và giải nghĩa.

“Từ điển thành ngữ Việt Nam” (Viện ngôn ngữ học-Nguyễn Như Ý-Nguyễn Văn Khang-Phan Xuân Thành-NXB Văn hoá-1993) giải thích “Vợ chồng hàng xáo:Vợ chồng lấy nhau thiếu nghiêm túc, thay đổi luôn (hàng xáo: mua thóc, xay giã để bán gạo lấy lời). Thôi, nói cũng bằng thừa, cái ngữ vợ chồng hàng xáo thế là phải”.
“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào-NXB Văn học-2008): "(hàng xáo: nghề đong thóc về xay giã rồi bán gạo và thu các sản phẩm phụ như tấm, cám...lấy lãi). Vợ chồng ăn ở với nhau tạm bợ, không lâu bền. Vợ chồng hàng xáo chúng ta, Bách niên giai lão được vài trống canh (CD)”.

“Thành ngữ, tục ngữ lược giải” (Nguyễn Trần Trụ-NXB Văn hoá thông tin-2005): “Vợ chồng kiểu hàng xáo, mua về rồi lại bán đi ngay. Phải nói như sau mới đủ nghĩa: Vợ chồng hàng xáo chúng ta, bách niên giai lão được vài ba hôm”.

-“Tục-ngữ lược giải” (Lê Văn Hoè): “Vợ chồng hàng xáo: Hàng xáo là người đi mua thóc về say giã lấy gạo đem bán. Vợ chồng hàng xáo là vợ chồng kiểu hàng xáo, tức là vợ chồng mua bán hàng sáo, mua về rồi lại bán đi ngay. Câu này ý còn bỏ lửng. Chính ra phải nói thế này thì mới lọn nghĩa: Vợ chồng hàng xáo chúng ta, Bách niên giai lão được vài ba hôm”.

“Từ điển tiếng Việt” (Ban biên soạn New Era-NXB Từ điển bách khoa 2013): “Hàng xáo: cửa hàng bán gạo và tấm cám ngoài chợ. Vợ chồng hàng xáo là vợ chồng tạm bợ, tự do kết hôn với nhau, còn mê nhau thì lấy, lúc chán chê thì đường ai nấy đi”.

“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Vợ chồng hàng sáo Chê những kẻ lấy vợ lấy chồng không nghiêm túc, cứ luôn luôn thay đổi:Dư luận cần lên án những cặp vợ chồng hàng sáo như thế”.

         Như vậy, các Nhà biên soạn từ điển thống nhất cao khi giải nghĩa đen và nghĩa bóng. Tuy nhiên, cái gọi là nghĩa đen của thành ngữ thực chất chỉ là giải nghĩa từ “hàng xáo”, chẳng khác gì “Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm Từ điển học Vietlex) đã giảng: “hàng xáo: nghề chuyên đong thóc về xay giã, kiếm lãi bằng cách bán gạo và thu các sản phẩm phụ như tấm, cám: '(...) cánh đồng còn mờ sương đã vang động những tiếng xì xào của các người nhà quê hàng xáo gánh gạo lên chợ bán.’ (Thạch Lam)”.

Vấn đề tại sao “Vợ chồng hàng xáo” lại được hiểu là “vợ chồng tạm bợ”, “lấy nhau thiếu nghiêm túc”? Nếu ví chuyện mua thóc về rồi bán đi ngay, cũng giống như vợ chồng đến với nhau chóng vánh rồi chia tay là thiếu cơ sở. Bởi như vậy là đi buôn thóc, chức không phải “hàng xáo” đích thực.

Hàng xáo khi mua là thóc, khi bán là gạo, là cám, hoặc chỉ bán gạo, giữ lại cám chăn nuôi. Mặt khác, người làm hàng xáo chuyên nghiệp còn tích trữ thóc lúa, sau đó xay giã, bán dần, chứ không hẳn mua được đấu nào, xay đấu đó, mua về chiều hôm nay, thì sáng mai bán luôn. Nếu hiểu những cặp vợ chồng làm nghề hàng xáo thì hay bỏ nhau, lấy nhau không cưới xin lại càng thiếu cơ sở. Cũng cần nói thêm, Từ điển của New Era còn thiếu chính xác khi giải thích “hàng xáo” là”cửa hàng bán gạo và tấm cám ngoài chợ”, trong khi Từ điển của GS Nguyễn Lân sai chính tả, “hàng xáo” viết thành “hàng sáo”.

Theo chúng tôi, vì chưa hiểu nghĩa đen, nên nghĩa bóng các Nhà biên soạn từ điển đưa ra cũng chỉ mang tính võ đoán mà thôi.

Xưa kia, hàng xáo là nghề lấy công làm lãi. Nói vất vả chưa đủ, mà phải là vô cùng cực nhọc. Nếu làm hàng xáo “chuyên nghiệp” thì nỗi nhọc nhằn còn gấp bội. Công việc hàng xáo có khi cả nhà cùng làm, nhưng chủ lực vẫn là hai lao động chính: vợ chồng. Ban ngày, chồng ngược xuôi hàng chục cây số đi mua thóc, vợ cũng phải dậy từ tinh mơ đi chợ bán gạo (đúng như câu văn của Thạch Lam mà Từ điển Vietlex đã dẫn: “cánh đồng còn mờ sương đã vang động những tiếng xì xào của các người nhà quê hàng xáo gánh gạo lên chợ bán”).

Đi mua thóc khá đau đầu, vì phải biết cách chọn được thóc tốt, hạt mẩy đều, phơi già, khi xay không bị nát, hao gạo. Cân đong cũng phải làm thế nào để “cứng” hơn chút ít (“Đấu hàng xáo, gáo hàng dầu”). Mỗi công đoạn đều phải tính toán kỹ để tránh thất thoát, mong sao không bị lỗ.

Trần lưng gánh vã, tối về cơm nước xong xuôi là vợ chồng lại bắt tay ngay vào công việc. Xay lúa, sàng gạo, giã, giần, sảy, gằn, nhặt thóc...hoàn toàn lao lực và thủ công tỉ mẩn. Có khi vừa xay lúa, giã gạo vừa ngủ gật. Công việc xong xuôi thì đã canh khuya, mệt nhoài, mắt díp lại. Lúc này, niềm sung sướng hạnh phúc nhất là được nằm lăn quay đánh một giấc dài. Nhưng hàng xáo chỉ lãi có nắm cám, lỡ ngủ quên, nghỉ chợ thì gạo ai bán, ngày mai, ngày kia lấy đâu thóc để xay, cám đâu nuôi lợn? Thế nên ngay cả trong giấc ngủ người làm nghề vẫn chập chờn nỗi cực nhọc hàng xáo:

“Quanh năm xay giã giần sàng
Thiếp đi còn thấy mơ màng cối xay”(*)

 “Canh ba chưa nằm, canh năm đã dậy”, vợ chồng hàng xáo lại bắt đầu một ngày mới, lặp lại như vòng quay của chiếc cối xay lúa.

Xưa dân làng Đai, (xã Quảng Hải-Quảng Xương-Thanh Hoá) chuyên nghề hàng xáo lấy cám nuôi lợn nái. Làm được nắm cám mà lợn ốm không ăn, thì người cũng phát ốm theo. Câu ca của họ như lời than:  

“Tiếc công anh đóng khố kéo xay
Ban đêm thì kéo, ban ngày thì giã
Được một nắm cám lợn chả buồn ăn!
Lợn không ăn, người cũng không ăn
Đứng than thở ngắn, ngồi than thở dài!”

         Đã là hàng xáo thì ở đâu cũng vất vả như nhau. Bài “Long đong nghề hàng xáo” (Vũ Văn Lâu-Báo Thái Bình) viết: “Người làm nghề phải thức khuya dậy sớm hơn cả những nghề khác. Sáng sớm khi gà gáy đã phải dạy quang gánh đi chợ bán gạo, đong thóc từ xa có khi tối mịt mới về. Nếu ở nhà, phải xay lúa, giã gạo, sàng sẩy luôn tay luôn chân. Nhiều khi phải giã gạo đến 12 giờ đêm, buồn ngủ rũ rượi cũng cố làm việc”.

Tác giả Trần Khắc Luyện nhớ lại nỗi vất vả của nghề làm hàng xáo ở Quỳnh Lưu, Nghệ An: “Chính mẹ tôi, vừa ngủ, vừa giã gạo, đổ đèn, cháy rèm (...) Cố Doan, người hàng xóm cạnh bên, nghe tiếng chày giã gạo, mà thấy lửa cháy sáng rực, chạy sang, kêu lên, mẹ tôi mới biết. Cố Doan và mẹ tôi đều đã khuất núi. Tôi không dám nói sai trước vong linh những người đã khuất, nhất là người đó lại là mẹ mình.” (langvong.net).

Tất cả những chuyện đó nói lên điều gì? Theo chúng tôi có thể hiểu thành ngữ”Vợ chồng hàng xáo” nói về nỗi vất vả, cực nhọc của nghề này nói chung, của cặp vợ chồng hàng xáo nói riêng. Đặc trưng công việc cực nhọc, quần quật cả ngày lẫn đêm khiến họ ít khi được hưởng niềm hạnh phúc ân ái vợ chồng (cả theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng). Thế nên toát lên từ âm điệu và nội dung câu ca: “Vợ chồng hàng xáo chúng ta, Bách niên giai lão được vài trống canh”, chính là lời ngậm ngùi, tự an ủi cho thân phận chịu nhiều thiệt thòi, vất vả của đôi vợ chồng làm nghề hàng xáo đầu tắt mặt tối: ví thử cùng sống với nhau đến đầu bạc, răng long, nhưng những phút giây thảnh thơi, ái ân mặn nồng dành cho nhau góp lại cũng chỉ được vài trống canh (rất ngắn ngủi, rất ít theo cách nói ngoa dụ của dân gian).

Hiểu rộng hơn, thành ngữ chỉ những cặp vợ chồng tuy không phải sống xa nhau về khoảng cách địa lý (như thành ngữ “Vợ chồng Ngâu”), nhưng đặc điểm nghề nghiệp khiến họ ít khi có điều kiện gần gũi, quan tâm tới nhau sau một ngày lao động. Trong khi nếu làm ruộng đơn thuần, kinh tế có thể không sung túc như hàng xáo, nhưng sau bữa cơm tối là vợ chồng con cái có thể ngắm trăng, hóng mát, đêm về thủ thỉ chuyện trò, đầu gối tay ấp thư thái bên nhau, chung hưởng hạnh phúc ái ân theo lẽ thường phải có.

Có thể nói, “Vợ chồng hàng xáo” thuộc nhóm thành ngữ nói về sự vất vả đặc biệt của nghề nghiệp, tương tự như tục ngữ “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Tiếc rằng, một thành ngữ  có ý nghĩa tốt đẹp như vậy, đã bị hiểu sai, dùng sai theo một nghĩa xấu. Nguyên nhân có lẽ từ việc hiểu không đúng câu ca: “Vợ chồng hàng xáo chúng ta, Bách niên giai lão được vài trống canh”(**).

    HOÀNG TUẤN CÔNG
                                        
5/2016
(*) “Nhọc nhằn hàng xáo”-tác giả Hải Thăng. Bài thơ còn có những câu nói về nỗi vất vả của nghề hàng xáo như:
“Chợ đi từ lúc canh ba
Vắt ngang đòn gánh, quả cà dứng cơm
Miệng nhai, chân vội bước dồn
Đong đưa thúng, dó, mắt còn cay cay

Bán đong trời chửa sáng ngày
Oằn vai về chợ, thúng đầy, dó vơi...”

(**) Câu ca không nói “được vài trống canh” cái gì. Đây là cách nói bỏ lửng, tế nhị, kín đáo, mang tính gợi mở của dân gian.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

NHẤT PHÁ SƠN LÂM
NHÌ ĐÂM HÀ BÁ


Độc giả Lê Quang Thành (Kỳ Anh-Hà Tĩnh) hỏi: “Đầu năm 2015, nhân vụ chặt phá cây xanh Hà Nội và lấp sông Đồng Nai, Nhà văn Nguyễn Quang Lập chia sẻ trên trang cá nhân của ông như sau: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” là tục ngữ cảnh báo hai tội ác hàng đầu phá hoại môi trường, nhất định sẽ nhận lấy những quả báo nặng nề. Tưởng rằng ai cũng hiểu rõ mười mươi câu tục ngữ đó, không ngờ trang “Bách khoa tri thức Việt Nam” giải thích câu tục ngữ đó như thế này: “Phá sơn lâm: Nghề khai thác rừng; Đâm hà bá: Nghề đánh bắt thuỷ sản. ‘Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá’: Khai thác rừng và đánh bắt thuỷ sản là hai nghề vất vả, cực nhọc”. Quá ngao ngán. Hèn gì thiên hạ tha hồ phá rừng lấp sông”. Xin cho biết, hai cách hiểu này, cách nào là đúng?”

         Chúng tôi tra tìm trong 10 cuốn từ điển thường dùng, duy nhất có “Từ điển tục ngữ Việt” của Nguyễn Đức Dương thu thập câu “Nhất phá sơn lâm, nhị đâm hà bá” và hướng dẫn xem dị bản “Nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá”. Rất tiếc, (không rõ do sai sót ở khâu nào) mục này không có lời giải thích như chỉ dẫn của soạn giả. Tuy nhiên, ở mục “Nhứt phát sơn lâm; nhì đâm há bá”, Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương giải thích như sau: "(Đáng nể) bậc nhất là những kẻ dám khai phá núi non (để biến thành đồng ruộng); kế đến là những kẻ dám đâm chết hà bá (để biến hồ ao/sông suối thành nơi nuôi trồng/đánh bắt tôm cá giúp mọi người). Hay dùng để chỉ rõ tầm hệ trọng của công việc khai phá núi non cũng như sông suối, ao hồ”.

         Tìm kiếm trên mạng, thấy vấn đề không đơn giản, bởi cách giải thích, cách dùng câu tục ngữ rất khác nhau:

         1.Bài “Nhất phá sơn lâm” của Minh Thạnh (phattuvietnam.net): “Phá sơn lâm” là sát sinh gián tiếp, là sát sinh hàng loạt, sát sinh ở quy mô lớn. Vì vậy, ông bà chúng ta xếp thứ nhất là phải. “Đâm hà bá”, tức đánh bắt cá, nhưng còn sông, còn biển thì cá tôm còn có thể sinh sôi được, chứ “phá sơn lâm” thì là vừa giết hại gián tiếp, vừa làm cho sinh vật tuyệt chủng, triệt phá luôn cả đường hồi sinh. Điều đó tất nhiên cũng là lý do để xếp “phá sơn lâm” ở vị trí thứ nhất (...) Người viết băn khoăn, việc dùng đồ gỗ có là “phá sơn lâm” không, có là sát sinh gián tiếp không?”.

         2.Báo “Lao Động” (26/3/2013), bài “Đời người...đâm hà bá” viết: "...gia đình ông Trần Văn Mi (...) ba đời gắn liền với nghề “đâm hà bá”. Đời thợ lặn mấy ai giàu có (“Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”), cái nghiệp thì phải theo, đời cha rồi đời con cũng bám lấy cái nghiệp bạc bẽo này...”; Bài “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” (vho.com.vn) viết: “Theo Hai Sài Gòn thì “Nhất phá sơn lâm, Nhì đâm hà bá”. Thật vậy! “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”, đời sơn tràng quanh năm đối đầu với thú dữ, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh thường xuyên. Với thợ lặn, thì mấy ai thấu hiểu sự cơ cực, ngày lại ngày phải trầm mình đáy sông lạnh giá, vật lộn giữa sự sống và cái chết để mưu sinh. Ngày xưa “phá sơn lâm, đâm hà bá” chỉ là nghề hạ bạc”.

         3.Trang cadao.me: “Phá sơn lâm” là phá rừng, đốn củi, khai hoang. “Đâm Hà Bá” là làm nghề chài lưới ở sông, biển. Đây được coi là hai nghề xúc phạm đến thần núi và thần nước: nhất là làm nghề rừng, hai là làm nghề sông biển, quan niệm này cho rằng vì lẽ đó, phá sơn lâm và đâm hà bá là hai nghề không giàu được”.

         Vậy, nên hiểu cách nào cho đúng? Theo chúng tôi, câu “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá” chỉ hành động phá hoại môi trường (đúng như ý kiến của ông Nguyễn Quang Lập), chứ không nói về hai nghề khai thác rừng và đánh bắt cá. Vấn đề phải phân tích, chứng minh được điều đó:

         -Thứ nhất: Xét từ Việt gốc Hán “phá” có hai nghĩa liên quan:

         1. Bổ ra, bửa ra, chẻ ra, rẽ ra... (như “phá trúc”-破竹-chẻ tre; phá lãng-破浪-rẽ sóng). “Khai sơn phá thạch”-開山破石, ý chỉ công việc xẻ núi, mở đường đặt nền móng cho sự nghiệp ban đầu đầy gian nan, thử thách. Ở đây “phá” (xẻ ra) đối với “khai” (mở ra), trong kết cấu tiểu đối đều được hiểu theo nghĩa tích cực. Không nên hiểu “phá” trong “phá sơn lâm” theo nghĩa này (tức công việc “vất vả cực nhọc” của nghề khai thác rừng).

         2. “Phá” là cố tình gây hại, làm cho hư hỏng (như phá hoại 破壞). Trong “Nhất phá sơn lâm...” thì “phá” (huỷ hoại) đăng đối với “đâm” (làm tổn thương, gây nên cái chết cho đối tượng nào đó) đều được hiểu theo nghĩa tiêu cực, phù hợp với câu tục ngữ đang xét.

         -Thứ hai: “Đốn củi, khai hoang”, hay “chài lưới ở sông biển”,  “đánh bắt cá” không thể hiểu thành tội “phá”, “đâm”. Vì khai thác rừng để lấy gỗ phục vụ nhu cầu thiết yếu đời sống; đánh bắt cá làm thực phẩm cho con người là những việc làm hoàn toàn bình thường, đã diễn ra hàng ngàn năm.

          Khai thác ở mức hợp lý, bền vững, khai thác đi đôi với bảo vệ, hợp với quy luật của tạo hoá, thì rừng và nguồn lợi thuỷ sản vẫn tái sinh, tái tạo. Chính vì không hiểu đúng nghĩa của “phá sơn lâm” nên tác giả Minh Thạnh đã phải “băn khoăn, việc dùng đồ gỗ có là “phá sơn lâm” không, có là sát sinh gián tiếp không?”.

        “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức, tuy không giải nghĩa hoàn chỉnh câu “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá”, nhưng mục “phá sơn lâm” giảng nghĩa: “Như: Phá rừng-Nhứt phá sơn-lâm, nhì đâm Hà-bá”. Mục “phá rừng”, từ điển này giải thích: “Đốn hoặc đốt hết cây trong rừng: Phá rừng làm rẫy”. Lưu ý, “đốn hết” ở đây chính là sự tàn phá, khai thác theo kiểu huỷ diệt, khiến rừng không còn khả năng tái sinh, khác hẳn khái niệm khai thác (thu hoạch) bền vững.



-Thứ ba: Các nhà khoa học cho rằng, ở đâu có nước, ở đấy có sự sống. “Hà Bá” là vị thần miền sông nước (hiểu rộng là môi trường nước nói chung, bao gồm cả sông hồ, biển cả). “Hà Bá” là cách nói tượng trưng của dân gian, chỉ nguồn nước, môi trường sống của chính con người.

        Xưa kia, có những kẻ bí mật đánh độc thượng nguồn sông suối, môi trường ao hồ nhằm tiêu diệt đối phương, hoặc phá hoại về kinh tế. Một khi nguồn nước đã bị nhiễm độc, thì toàn bộ hệ sinh vật, muôn loài thuỷ tộc trong đó sẽ cùng chung số phận, nghĩa là gây nên cái chết hàng loạt. Huỷ hoại môi trường sông nước-”Vương quốc” của Hà Bá-chẳng khác nào “đâm”, giết “Ngài” và hết thảy “con dân” của Ngài chốn thuỷ cung.  Bởi vậy, dân gian coi việc huỷ hoại nguồn nước, vùi lấp sông suối là tội nặng, việc làm thất đức, không tránh khỏi bị quả báo (ví như chết đuối, đắm đò...).    


-Thứ tư: Sở dĩ xếp tội “phá sơn lâm” vào hạng “nhất”, vì rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn quan trọng như lá phổi xanh của trái đất, điều hoà khí hậu, chống lũ cuốn, lũ quét; “sơn lâm” (hiểu rộng ra là muôn loài cỏ cây trên mặt đất) tựa cái bể chứa khổng lồ lưu giữ, điều tiết, cung cấp nguồn nước ngầm cho ao hồ, sông biển. Phá rừng không chỉ phá hoại môi trường sống của muôn loài muông thú, mà còn làm cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô; lũ lụt cuốn trôi nhà cửa vào mùa mưa, đất đá bị xói mòn, vùi lấp sông suối, con người phải hứng chịu hậu quả khôn lường (Dân gian còn có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, cũng là lời cảnh báo hậu quả mà con người phải gánh chịu khi tàn phá rừng). Các nhà dân tộc học cho rằng, nhiều khu rừng thiêng, rừng ma mà hầu như bản làng nào cũng có, chính là một cách tạo ra sự bất khả xâm phạm đối với những cánh rừng mang yếu tố phòng hộ, bảo vệ môi trường của người xưa.

            Như vậy, “phá sơn lâm” là hành động gián tiếp “đâm Hà Bá”, tức cùng lúc ảnh hưởng tới cả sinh vật trên cạn lẫn dưới nước, dân gian xếp tội này đứng đầu là hợp lý.


-Thứ năm: Xưa kia, 4 nghề Ngư-Tiều-Canh-Mục-漁樵耕牧 (đánh cá; đốn củi; làm ruộng; chăn gia súc) được ca ngợi như những công việc có thú vui riêng. Vậy, nếu hiểu “đâm Hà Bá” là nghề “chài lưới ở sông biển”, “đánh bắt cá”nói chung sẽ khó thuyết phục. Trường hợp cho rằng “đâm Hà Bá” là “nghề thợ lặn”, “phải trầm mình đáy sông lạnh giá, vật lộn giữa sự sống và cái chết để mưu sinh”, thì phải xếp thứ tự ngược lại mới đúng: “Nhất đâm Hà Bá, nhì phá sơn lâm”.

Vì sao?

Vì con người sinh ra vốn không phải để bơi lặn, mưu sinh dưới đáy nước như tôm cá. Bởi vậy, nghề thợ lặn nếu gặp nạn, chẳng những mất mạng mà còn mất cả xác. Mà xưa kia “Trôi sông, đắm đò” nói lên nỗi bất hạnh, hay bị quả báo đáng sợ bậc nhất. Tục ngữ Hán cũng có một số câu nói lên mối nguy hiểm của sông nước, nên tránh như: Hữu lộ mạc đăng chu-有路莫登舟-”Có đường chớ lên thuyền”. [Nghĩa là: nếu có hai sự lựa chọn thì nên đi đường bộ cho an toàn, chứ không nên đi thuyền]; “Phụ tử bất đồng chu-父子不同舟-Cha con không đi chung một thuyền-Đi chung thuyền rủi ro cao, nếu gặp nạn thì cha con chết cả, không có người nối dõi”. Chỉ đi thuyền bè còn như vậy, huống gì trầm mình xuống đáy nước, lặn ngụp mà mưu sinh? Vậy, cớ gì xếp “đâm Hà Bá” (hiểu theo nghĩa nghề thợ lặn, bắt cá tôm dưới đáy sông) xuống vị trí thứ hai, sau “phá sơn lâm”?


Như vậy, “phá sơn lâm, đâm hà bá” ở đây theo chúng tôi phải hiểu là hành động khai thác mang tính huỷ diệt, phá hoại môi trường sống trên cạn và dưới nước, khiến cho nguồn lợi tự nhiên không thể tái sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người và muôn loài vạn vật. Đây chính là nhận thức rất đúng của nhân dân về bảo vệ môi trường. Vụ việc biển miền Trung bị nhiễm độc làm cá tôm chết hàng loạt có thể xem là tội “đâm Hà Bá”-một trong hai trọng tội mà dân gian đã cảnh báo và lên án.(*)

HOÀNG TUẤN CÔNG
5/2016
.......
(*)-Thành ngữ “Việc thổ mộc” chỉ hai loại công việc vất vả: cưa, xẻ gỗ và đào đất đá nói chung. Có lẽ từ thực tế này, người ta đã liên tưởng đến câu”Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá” để rồi gán cho tục ngữ này thêm một nghĩa mới. Sự đa nghĩa, (kể cả nghĩa dùng sai, lâu ngày thành quen) là điều thường thấy của thành ngữ, tục ngữ. Tiếc rằng “Bách khoa tri thức” và “Từ điển tục ngữ Việt”, chỉ giảng một nghĩa duy nhất được hiểu theo cách dùng sai của một số người, trong khi nghĩa gốc của tục ngữ lại không được nhắc đến.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

RUN NHƯ DẼ


1-”Từ điển thành ngữ Việt Nam” (Viện Ngôn ngữ học-Nguyễn Như Ý-Nguyễn Văn Khang-Phan Xuân Thành-NXB Văn hoá-1992)giải thích: “Run như dẽ” Như “Run như cầy sấy” (dẽ là con chim hay ăn giun nên còn gọi là dẽ giun. Đây là hiện tượng chơi chữ, lợi dụng đồng âm giữa “run” và “giun”).

2-”Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân) thu thập ở cả hai mục từ: 1.“sợ run như dẽ (Dẽ là loài chim hay ăn giun, nên gọi là dẽ giun. Ở đây, với mục đích chơi chữ, đã đồng nhất từ “giun” và từ “run”)”; 2.“run như dẽ (Dẽ là một con chim hay ăn giun, nên cũng gọi là dẽ giun. Dân gian lẫn lộn từ “giun” và từ “run” nên mới đặt ra câu này)”.

3-”Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung-NXB Văn học-2008), mục “Run như dẽ” hướng dẫn xem: “Run như cầy sấy[Run như dẽ] (cầy sấy: con chó bị ngấm nước lạnh, đứng gần lửa cho khô lông; dẽ: chim nhỏ, sống ở bờ nước, chân cao, mỏ dài, thường ăn giun).Run lên cầm cập vì sợ hãi hoặc vì ướt rét”.

4-”Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam trong hành chức” (GS.TS Đỗ Thị Kim Liên chủ biên-NXB Khoa học xã hội-2015) không giải thích nghĩa đen, chỉ giải nghĩa: “Run lẩy bẩy vì quá sợ hãi”.

5-”Từ điển tiếng Việt” (Ban biên soạn Chuyên từ điển: New Era) mục”Run như dẽ” chỉ hướng dẫn xem “Run như cầy sấy”.

Như vậy, trong 5 từ điển, thì có 3 từ điển không giải thích nghĩa đen. Từ điển của Viện ngôn ngữ cho rằng đây là “hiện tượng chơi chữ, lợi dụng đồng âm giữa “run” và “giun”. GS Nguyễn Lân, ban đầu cùng quan điểm với từ điển của Viện ngôn ngữ, sau lại giải thích “dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này”. “Lẫn lộn” và “chơi chữ” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Và điều đáng nói, cả hai cách giải thích đều không chính xác. Thực tế, dân gian nói “Run như dẽ” hoặc “Sợ run như dẽ”, chứ đâu có nói “Như dẽ run”, hoặc “Sợ như dẽ run”?

Vậy, nghĩa đen của “Run như dẽ” là thế nào?

Theo sách “Chim Việt Nam hình thái và phân loại” (GS Võ Quý-NXB Khoa học kỹ thuật-1981, gọi tắt là “Chim Việt Nam”), chim dẽ giun (hay rẽ,rẽ giun) thuộc bộ Rẽ gồm khoảng 189 loài, 8 họ, phân bố hầu như khắp các nơi trên thế giới. Ở Việt Nam có khoảng 48 loài, phần lớn là những loài trú đông. Trong số 8 họ của 189 loài, thì họ Choi choi là họ cơ bản của bộ Rẽ. Chim dẽ giun (hay rẽ giun) thuộc họ Choi choi.

Tôi đã có nhiều dịp quan sát hình dáng và tập tính của loài chim này. Chim dẽ giun thường tìm ăn ở những thửa ruộng đã cày bừa xong nhưng chưa kịp cấy, hoặc ruộng lúa mới cấy, đặc biệt là ở vụ xuân. Thanh Hoá gọi loài chim này là con choi choi hoặc con thọc trùn [do chim dẽ xọc (thọc) chiếc mỏ dài, thẳng, mảnh khảnh xuống đất bùn tìm bắt giun (trùn)]. Những ruộng có chim dẽ giun đến ăn, thường để lại chi chít các vết mỏ chim trên mặt bùn đặc, tựa dấu muôn ngàn que tăm xọc xuống. Sắc lông “ít sặc sỡ” mà sách “Chim Việt Nam” mô tả về chúng, chính là mầu lông xam xám, pha lẫn chút lấm tấm trắng mốc ở ngực và hai bên cánh.

Nếu chim dẽ đứng náu mình trên mặt ruộng loáng nước, lô nhô vết giun đùn, hoặc bờ cỏ úa, thì khó có thể phát hiện ra chúng. Khi ta bước chân đến nơi mới thấy chúng bay cái “vù”, cực nhanh. Đặc biệt, chim dẽ giun có một tập tính kỳ lạ là thân mình liên tục cử động: đầu gật, đuôi giật, mình thì rung rung theo nhịp bước chân, khiến người ta có cảm giác chúng thường run lẩy bẩy, đặc biệt là khi chim trống quyến rũ chim mái. “Chim Việt Nam” đưa ra chi tiết đáng chú ý về dẽ giun: “Trước thời kỳ làm tổ ở nhiều loài có hiện tượng khoe mẽ, thể hiện lúc bay, tiếng kêu hay dáng chuyển động như múa lúc ở mặt đất.” Cũng do đặc điểm thân mình luôn cử động, rung lắc, khi kiếm no mồi thì chạy nhảy, đánh đuổi nhau, nên Thanh Hoá cũng có thành ngữ “Nghịch như thọc trùn” để chỉ bọn trẻ con nghịch ngợm, thọc mạch, không lúc nào chịu ở yên; hoặc “Nhảy như con choi choi”, chỉ bọn trẻ con hiếu động, luôn nhảy nhót đùa nghịch.

Trong “Truyện Kiều”, đoạn Thuý Kiều báo oán, Nguyễn Du viết: “Cho gươm mời đến Thúc lang, Mặt như chàm đổ mình dường dẽ run”. Ta có thể hiểu, Nguyễn Du mô tả Thúc lang sợ hãi, run lẩy bẩy như con chim dẽ giun. “Từ điển Truyện Kiều”-Đào Duy Anh giải thích: “Dẽ run: Tức là chim dẽ hay rẽ, người ta cho rằng thứ chim này mình thường run luôn”. Đào Duy Anh viết: “người ta cho rằng…” chứng tỏ ông cũng chưa có hiểu biết thực tế về loài chim dẽ. Nhưng ông biết cái không biết của mình, nên nhờ học hỏi nhân dân, ông đã trở nên biết vậy.

Như thế, “Run như dẽ” hoặc “Sợ run như dẽ” là hai dị bản đồng nghĩa. Nghĩa diễn giải của thành ngữ là: Run như con chim dẽ giun nó run. Dân gian không nhầm lẫn, cũng chẳng chơi chữ gì ở đây, mà trong thực tế có nghĩa đen như phân tích ở trên.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THỬ ĐI TÌM TÁC GIẢ ĐÔI CÂU ĐỐI
THỦ TƯỚNG TẶNG GS VŨ KHIÊU (I)


Năm trước (2014) ông Hoàng Minh Tuyển-Phó ban liên lạc họ Hoàng Việt Nam có gửi đến TCTP đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu, nhân dịp Cụ mừng thọ 100 tuổi:

“Sơn hà linh khí tại
Kim cổ nhất hiền nhân.”

Tuy đã viết một bài khá dài [nhấn vào đây để đọc] gọi là “cắt nghĩa” theo đề nghị của ông HMT, nhưng thú thực, cho đến bây giờ chúng tôi cũng chưa hiểu rõ tác giả muốn gửi gắm ý tứ gì trong đôi câu đối trên. (Thế nên, tôi có kết thúc bài viết ấy bằng câu: “mong sẽ được GS Vũ Khiêu-Bậc thầy về cổ văn, hoặc chính tác giả câu đối Chúc thọ GS giảng giải tường tận những chữ nghĩa mà chúng tôi và độc giả còn băn khoăn, chưa biết hiểu thế nào cho đúng, cho hay!”

Phần I
Từ mấy đôi câu đối của GS Vũ Khiêu ở Thanh Hoá

Đứng trước một đồ vật, công trình nào đó mà không hiểu chúng được tạo ra để làm gì, hoặc được tạo ra như thế nào, người ta thường đi tìm chủ nhân, tác giả tạo ra nó. Vì không hiểu đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu nói gì nên không ít lần chúng tôi tự hỏi: Vậy, ai là tác giả đôi câu đối?

Thử đặt ra một trong 3 khả năng sau:
1.
Câu đối của Thủ tướng:
Thời “lều chõng”, câu đối là thể văn đầu tiên mà “học trò là học trò con...” đã biết làm. Tuy nhiên, ngày nay không phải người cầm bút nào cũng có thể làm được câu đối. Huống chi Thủ tướng là một chính khách, không thuộc lớp Nho học, tuy có tài hùng biện, nhưng không thường viết, lại trăm công ngàn việc, đâu có thời gian ngồi tìm ý tứ, chữ nghĩa soạn câu đối mừng thọ. Bởi vậy, soạn câu đối mừng thọ cho một cá nhân nào đó nằm ngoài khả năng, và không phải việc của Thủ tướng.
2.
Câu đối do một tác giả X nào đó:
Liệu bộ phận tham mưu (hoặc chính Thủ tướng) có tự làm khó cho mình khi chủ động lựa chọn món quà mừng thọ một người nổi tiếng giỏi về câu đối, là một đôi câu đối? Soạn thế nào để vừa hợp ý Thủ tướng, vừa hài lòng GS Vũ Khiêu? Nếu là bậc túc Nho, uyên thâm chữ nghĩa, liệu có chịu nhận hoặc soạn một đôi câu đối “thất đối” như vậy để ca ngợi GS Vũ Khiêu? Ngược lại, với kẻ vô danh tiểu tốt, liệu có được “chọn mặt gửi vàng” hoặc dám cầm bút để soạn câu đối cho đương kim Thủ tướng tặng vị GS lừng danh chữ nghĩa như cụ Vũ Khiêu?
3.
Từ “Vô danh thị” đến “Hữu danh thị”.
Khi tạm loại trừ hai khả năng (1) và (2) chúng tôi thử xếp Câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu vào diện “vô danh thị” (khuyết danh). Vậy, có cách nào để tìm ra tác giả của một tác phẩm khuyết danh không? Thưa là có thể. Ấy là vận dụng khoa Văn bản học. Lấy một (hoặc một số) tác phẩm đã biết tác giả (gọi là tác giả A) đối chiếu với tác phẩm X (khuyết danh), từ đó tìm ra những đặc điểm chung về: bút tích; hành văn; từ ngữ tác giả quen dùng, ưa dùng; hình tượng, điển tích tác giả hay vận dụng; thậm chí là những từ ngữ tác giả hay dùng sai,v.v...Qua đó, có thể xác định một cách khá chính xác tác phẩm X có phải cùng tác giả A hay không.

Đối chiếu nội dung đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu với các câu đối, chúc văn, văn tế, văn bia... khác của GS Vũ Khiêu chúng tôi thấy có một số đặc điểm chung, dễ nhận thấy như:

[1]-GS Vũ Khiêu ưa dùng và hay dùng sơn hà đối với kim cổ:
-Câu đối Thủ tướng mừng thọ GS Vũ Khiêu:

SƠN HÀ LINH KHÍ TẠI
KIM CỔ NHẤT HIỀN NHÂN.

So sánh với một số câu đối, chúc văn của GS Vũ Khiêu:

-Câu 1: Câu đối của GS Vũ Khiêu về Thanh Hoá:
“Khí vượng sơn hà, đế bá vương hầu hoa mãn địa
Danh oanh kim cổ, anh hùng hào kiệt thế xung thiên.”

Ở đây, kiểu đối sơn hà-kim cổ giống hệt câu đối Thủ tướng mừng thọ GS.

-Câu 2: câu đối của GS Vũ Khiêu về Tổ quốc, Bác Hồ ở Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ tại Hàm Rồng- Thanh Hoá:

“Thu hết tinh hoa kim cổ lại
Vươn cao khí thế nước non này.”

-Câu 3: câu đối của GS Vũ Khiêu đề Văn miếu Trấn Biên -Đồng Nai:

“Thu hết tinh hoa kim cổ lại
Xây cao văn hiến nước non này.”

Hai đôi câu đối trên có hơi khác một chút: “kim cổ” được đối với “nước non”. Điều này cũng dễ hiểu, GS Vũ Khiêu không dùng: “Xây cao văn hiến “sơn hà” này” vì đây là câu đối Nôm (câu 1 và câu 2 là câu đối Hán) Tuy nhiên “nước non” hay sông núi, giang sơn cũng có nghĩa tương đương như “sơn hà”.  Như vậy, dù “kim cổ-sơn hà” hay “kim cổ-nước non” vẫn là cùng kiểu đối, cách đối quen thuộc của GS Vũ Khiêu.

Có người sẽ nói: đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. GS Vũ Khiêu đối được thì người khác cũng có thể dùng các chữ ấy được. Đúng thế! Vậy, chúng ta thử đi tìm xem người khác có đối, hoặc hay đối như vậy không. Ấy là tra cứu trong sách “5.000 hoành phi câu đối thường dùng” (Chủ biên Trần Lê Sáng-NXB Văn hoá thông tin-2006). Đây là cuốn sách sưu tầm, tập hợp 5.000 hoành phi câu đối thường dùng (tron đó hoành phi chiếm 350 bức), nguồn khá đa dạng: các tư gia, từ đường, các dòng họ, đền nghè, miếu mạo, chùa chiền, lăng mộ, danh lam thắng cảnh,...; từ câu đối Nôm đến câu đối Hán; từ loại câu đối dân gian, khuyết danh, không rõ tác giả, nguồn gốc, đến câu đối có tác giả, chú thích rõ hiện đang treo ở đâu,v.v...Nội dung câu đối cũng vô cùng phong phú: câu đối chúc tụng, mừng thọ, phúng viếng, câu đối thờ, ca ngợi non sông đất nước, các anh hùng hào kiệt, từ cổ chí kim...Kết quả: chúng tôi không thấy có cặp từ: “sơn hà” đối với “kim cổ” nào.

Vậy, trong “5.000 hoành phi câu đối thường dùng”, “sơn hà” (hoặc “giang sơn”) và “kim cổ” thường được đối với gì? Chúng tôi thấy như sau:

-SƠN HÀ: sơn hà đối vũ trụ (tỉ lệ nhiều); sơn hà đối nhật nguyệt (nhiều); sơn hà-xã tắc (nhiều) sơn hà-bạch nhật; sơn hà-thiên địa; sơn hà-miêu duệ; sơn hà-lăng miếu;; sơn hà-thảo thụ; sơn hà-điện các; GIANG SƠN: giang sơn-miếu mạo; giang sơn-nhật nguyệt; giang sơn-hà nhạc...

-KIM CỔ: kim cổ-hậu lai; kim cổ-sơn xuyên;; chí kim-tự cổ; tả hữu-cổ kim; đông tây-kim cổ; vũ trụ-cổ kim (nhiều)...

Nhìn chung, trong thể văn biền ngẫu hoặc câu đối, xưa nay “sơn hà” thường đối với “xã tắc”; “xã tắc” đối “giang sơn” (hoặc sơn xuyên) tức cùng nói về lãnh thổ, Tổ quốc, dân tộc...Điển hình như:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”
(Tức sự-Trần Nhân tông)

“Xã tắc dĩ chi điện an
Sơn xuyên dĩ chi cải quan”
( Trích “Bình Ngô đại cáo”)

-“Thục triều xã tắc tôn thiên trụ
Hương lĩnh sơn hà tráng đế cư”
-“Bảo Việt sơn hà vân trục Bắc
Phù trần miếu xã nhật thăng Đông”
(Nguồn: “5.000 hoành phi câu đối thường dùng”)

[2]- GS Vũ Khiêu hay dùng các từ “kim cổ”; “sơn hà”, thích dùng “kim cổ”hơn “cổ kim” (dù hai từ này đồng nghĩa):

-Câu 1: câu đối GS Vũ Khiêu đề Văn miếu Trấn Biên:
“Xây cao Văn miếu, tiếp thu thành tựu bắc nam
Mở rộng học đường, khai thác tinh hoa kim cổ.”

-Câu 2: Văn tế đồng bào bị chết vì nạn đói năm 1945:
“Điêu tàn khắp cả Bắc Nam,
Đói rét chưa từng kim cổ”.

-Câu 3: GS Vũ Khiêu tặng Nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh (năm cụ 70 tuổi):
“Nửa mắt nhìn đời, thu cả tinh hoa trời đất lại,
Bảy tuần thưởng Tết, bày đầy cảnh sắc cổ kim chơi.”

-Câu 4: Chúc văn giỗ Tổ Hùng vương:
“Sánh đôi tài sắc: Kim cổ kỳ phùng
Hợp một âm dương: Uyên ương tuyệt mỹ!”

-Câu 5: Đề đền thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu (thành Cửa Bắc):
“Trung vị quốc, nghĩa vị dân, lưỡng phiến đan tâm huyền nhật nguyệt
Sinh ư Nam, tử ư Bắc, thiên thu chính khí vượng sơn hà.”

-Câu 6: Văn bia tưởng niệm Lý Thái Tổ ở Hoa Lư – Ninh Bình (Nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Đông Đô –Hà Nội, chuẩn bị cho kỷ niệm 1.000 năm Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long):
“Sơn hà Đại Việt, một dải hùng cường
Văn hiến Thăng Long, ngàn thu truyền tụng.”

-Câu 7: câu  đối nhà thờ họ Vũ phương Nam:
“Vũ tộc dựng cơ đồ, muôn dặm sơn hà lưu sự nghiệp
Nam phương xây miếu tổ, chân trời góc bể nhớ công ơn”.

[3]-GS Vũ Khiêu hay dùng “khí” hoặc “linh khí”:

-Câu 1: GS Vũ Khiêu “giáng bút” ở Đền Nội-Bình Đà:
“Lớp lớp cháu con, tu nhân, dưỡng trí
Đất Bình Đà ngút ngàn linh khí...”

-Câu 2: Chúc văn Giỗ Tổ Hùng Vương của GS ngày 10/3 năm Canh Thìn (2000):
“Trống đồng vang lên,
Trời đất ngút ngàn linh khí!”

-Câu 3: Câu đối ở Thanh Hoá:
“Khí vượng sơn hà, đế bá vương hầu hoa mãn địa
Danh oanh kim cổ, anh hùng hào kiệt thế xung thiên.”
Lại nói về từ “linh khí”:

Trong thực tế có quan niệm về cái gọi là “linh khí”. “Hán Việt từ điển” (Đào Duy Anh) giải nghĩa “linh khí” là “cái khí thiêng liêng”. Tuy nhiên, trong thơ văn, câu đối, người ta rất hiếm khi dùng “linh khí” để ca ngợi về con người hoặc vùng đất nào đó. Qua tra cứu “5000 hoành phi câu đối thường dùng” chúng tôi hay gặp:

+nguyên khí (Thiên thu tổ quốc vượng nguyên khí; Nhất thống giang sơn vĩnh thái bình).
+thuỵ khí (Tạc dạ hoà phong lai mãn hộ; Kim triêu thuỵ khí đáo doanh môn).
+ anh khí (Nhật nguyệt tường quang điều ngọc chúc; Giang sơn anh khí ủng trùng vân);
+thục khí (Xuân đáo chu thiên đào thục khí; Thời lai quán địa mộc vinh ba) hoà khí (Vi nhân hoà khí xuân vô hạn; Xử sự công bình lộc tự nhiên).
+ tráng khí (An Nam tráng khí sơn  hà tại; Bình Bắc dư linh thảo mộc tri) v.v...

Chúng tôi không dám chắc mình đã không bỏ sót bất kỳ một đôi câu đối nào trong số 4.650 đôi câu đối Hán Nôm trong sách. Tuy nhiên, chỉ cần tra cứu tới 90% mà không gặp “sơn hà-kim cổ”, không gặp “linh khí” thì đã có thể kết luận cách đối, cách dùng từ này rất hiếm gặp. Ấy thế mà nó lại khá đậm đặc trong văn chương, chữ nghĩa của GS Vũ Khiêu.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THỬ ĐI TÌM TÁC GIẢ ĐÔI CÂU ĐỐI
THỦ TƯỚNG TẶNG GS VŨ KHIÊU (II)


Phần II
MỘT ĐÔI CÂU ĐỐI, HAI LẠC KHOẢN KHÁC NHAU

         Hết phần I, nhiều bạn đọc cho rằng đã có thể nghĩ đến tác giả đôi câu đối chính là GS Vũ Khiêu. Nghĩa là GS Vũ Khiêu tự biên soạn, sau đó đưa cho Thủ tướng mừng thọ mình. Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đây mà nảy sinh thêm tình tiết khá “ly kỳ”. Số là một bạn đọc (xin được giấu tên) gửi đến cho chúng tôi mấy bức ảnh:


         -Bức 1+2: Ảnh đôi câu đối “Sơn hà linh khí tại; Kim cổ nhất hiền nhân”, phía dưới là bức tượng GS Vũ Khiêu. (Có lẽ ảnh chụp lại màn hình nên khá mờ?). Tuy nhiên, nhìn kỹ dường như thấy mờ mờ dòng lạc khoản: “Dòng họ Vũ, Võ Việt Nam kính tặng GS.AHLĐ Vũ Khiêu” (?) [xem ảnh].







-Bức 3: Hình như Thủ tướng (?) và GS Vũ Khiêu đang ngồi “đàm đạo”. Vẫn là đôi câu đối “Sơn hà linh khí tại; Kim cổ nhất hiền nhân”, phía dưới là bức tượng GS Vũ Khiêu, nhưng phần lạc khoản nhìn khác hẳn, nội dung dài hơn, rõ nhất là chữ ký của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng [xem ảnh].



Giả thuyết được đặt ra như sau: có thể đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu vốn là đôi được chính GS Vũ Khiêu (?) soạn “giúp”, để “Dòng họ Vũ, Võ Việt Nam” đem tặng GS (nhân dịp nào đó). Đôi câu đối này đã từng được bài trí trong nhà, khách khứa từng đến quay phim, chụp ảnh. Tuy nhiên, sau này GS Vũ Khiêu đổi ý, đem nội dung câu đối này “nhờ” Thủ tướng đứng ra tặng mình, nhân dịp mừng thọ 100 tuổi. Lẽ dĩ nhiên, trước nguyện vọng “giản dị” của một bậc “Quốc sư” khả kính đã 100 tuổi thì ai nỡ từ chối?

         Chúng tôi không nghĩ có khả năng ngược lại, tức “Dòng họ Vũ, Võ Việt Nam” sao chép, (hay mượn) đôi câu đối của Thủ tướng, thay lạc khoản rồi đem đến tặng GS Vũ Khiêu. Bởi đối với đương kim Thủ tướng không ai dám làm một việc như vậy, với người được tặng là GS Vũ Khiêu lại càng không.

         Dân gian có câu “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Lẽ dĩ nhiên, cũng một đôi câu đối, nhưng lạc khoản mang tên đương kim Thủ tướng sẽ danh giá hơn “người nhà” tặng nhau rất nhiều.

         Chuyện này khiến chúng tôi liên tưởng đến một câu chuyện khác. Hồi GS Vũ Khiêu 90 tuổi (2006), Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đôi dòng mừng thọ mà sau này GS Vũ Khiêu đã nhắc lại khi ghi sổ tang Đại tướng như sau:

         “Hôm nay toàn quốc khóc Anh như đã khóc Bác Hồ. Tôi còn khóc Anh nhiều hơn nữa. Anh là lãnh tụ của toàn dân, là hồn thiêng của sông núi. Đối với tôi, Anh còn là tài sản vô giá của đời tôi. Tôi khóc Anh mấy ngày hôm nay, đứt từng khúc ruột. Tôi nhìn lên tường, đọc lại những lời Anh viết tặng tôi năm tôi 90 tuổi: “Mừng anh Vũ Khiêu, một nhà triết học cách mạng, một chiến sĩ văn hoá anh hùng, năm nay thọ 90 xuân”.

Điều đáng ngạc nhiên là 5 năm sau, khi GS Vũ Khiêu 95 tuổi (2010), lại thấy báo chí đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mừng thọ GS đôi câu đối: “Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng”.

Không khó để nhận ra đôi câu đối này chỉ là cách diễn đạt lại lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành hai vế ngắn gọn, “đối” hơn mà thôi.

Liệu Thủ tướng, hoặc bộ phận lễ tân của Văn phòng CP có lấy ý tứ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 5 năm trước, sửa lại thành câu đối đem tặng GS Vũ Khiêu? Hẳn không ai dám làm một chuyện dại dột, ngớ ngẩn là “chôm” đồ vật nào đó, rồi sau đó lại đem đến tặng cho chính chủ nhân của nó. Vậy, tác giả của đôi câu đối “Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng” còn có thể là ai?

Phải chăng, GS Vũ Khiêu tâm đắc với lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng vì nó chỉ là một câu đề tặng, nên rất khó “truyền bá”? Bởi vậy, mới đem “chuyển thể” thành câu đối? Rồi....?

Nếu quả là như vậy, thì cả hai “ý tưởng” của GS Vũ Khiêu đều thành công mỹ mãn. Bởi tuy cùng nội dung, nhưng đôi câu đối do Thủ tướng tặng nối tiếng hơn đôi do “Dòng họ Vũ,Võ Việt Nam” tặng nhiều; tương tự, cùng một ý tứ khen ngợi, nhưng lời chúc mừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thể sánh với sự “phổ cập”, nổi tiếng của đôi câu đối Thủ tướng mừng tặng.

Phân tích, chứng minh là như vậy, nhưng theo chúng tôi, dù chỉ còn 1% nghi ngờ, thì  cuối cùng giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết.

“Thử đi tìm tác giả đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu” đến đây là HẾT CHUYỆN (không còn gì để nói nữa).

Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm tới chuyện chữ nghĩa của TCTP.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU


Trên mạng xã hội, mỗi khi gửi lời chia buồn tới bạn bè có người thân mới mất, nhiều người thường viết: “Thành kính phân ưu!”; hay “Thành kính chia buồn!”. Ngoài đời, những dòng chữ này còn được viết lên các dải băng gắn trên vòng hoa viếng người đã khuất.

         “Phân ưu” 分憂 là từ Việt gốc Hán [分 = chia; 憂 = lo, buồn], đối dịch là “chia buồn”, cũng là nghĩa từ vựng của từ này. Tuy nhiên, các nhà biên soạn từ điển vẫn có sự khác nhau trong cách giải nghĩa:

         - Từ điển tiếng Việt (Vietlex) giải thích: “phân ưu • 分憂 đg. [trang trọng] chia buồn với gia đình có tang : “Quan phủ và quan Bố xin cáo thoái ra về, sau khi có vài lời phân ưu theo thói quen.” (Vũ Trọng Phụng)”.

         - Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân): “phân ưu đgt (H. ưu: lo buồn) Chia buồn với gia đình mới có tang: Phân ưu cùng người bạn mới mất vợ”.

         Tuy nhiên, “phân ưu” vốn không được dùng (và thực tế không chỉ dùng) với nghĩa cụ thể là “chia buồn với gia đình có tang”.  Sau đây là cách giải nghĩa chính xác của một số từ điển:

         -“Hán điển” (zidic.net) giải thích “phân ưu” 分憂 là: “chia sẻ nỗi lo buồn với người khác, giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn, hoạn nạn; như “Vị quốc phân ưu”. (分憂: 分擔別人的憂慮,幫助別人解決困難; 為國分憂).

         “Từ điển Hán-Việt” (Phan Văn Các chủ biên-2014): “[分憂] fēn// yōu Chia sẻ nỗi lo lắng/giúp giải quyết khó khăn: 分憂解愁 - phân ưu giải sầu - Chia lo, giải sầu/chia sẻ nỗi lo âu. 為國分憂 - vị quốc phân ưu - Chia sẻ nỗi lo vì đất nước”.

         - Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính): “phân ưu • đt. Chia sớt sự buồn rầu với người ta, lời xã-giao : Tỏ lời phân-ưu”.

           - Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “phân-ưu • Chia buồn <> gởi lời phân-ưu cùng tang-quyến”.

          - Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên): “phân ưu • Chia buồn (cũ) <> Phân ưu cùng gia đình có tang”.

         Vì “phân ưu”, hay “chia buồn” không chỉ dùng cho chuyện tang ma, nên người ta vẫn nói xin chia buồn với ông (bà, anh, chị...) trước một tai nạn, hay tổn thất về tài sản nào đó. Bởi vậy, Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính) mới giải nghĩa “chia buồn” với nghĩa khái quát là: “Chịu một phần buồn-rầu với người có việc buồn.Xin chia buồn cùng tang-quyến”.

         Trở lên là chuyện của từ điển.

          Về phương diện ngôn ngữ và đời sống, cách nói “Thành kính phân ưu”; “Thành kính chia buồn”, là không đúng. Dường như có sự nhầm lẫn giữa “thành kính” (thành tâm và kính cẩn) với “chân thành” (thành thật, xuất phát tự đáy lòng).

         Người xưa có câu “tử giả vi thần” 死者為神, (người chết thành thần). Chữ “thần” ở đây không phải là thần thánh, thần phật, mà là quỷ thần (tức hồn ma, linh hồn của người chết). Người đã hoá thành “ma”, thì dù già trẻ thế nào, đều được “người trần mắt thịt” dùng chữ “kính” (không chỉ kính cẩn mà còn là kính sợ, không dám sơ suất)... Ví dụ trong “Thiên Nam ngữ lục” (khuyết danh), chữ “kính” được gắn với “kính điếu” (kính viếng): “Trạnh lòng kính điếu anh hùng, Ngâm thơ đường luật dòng dòng tám câu.” Hay sự “thành kính” dành cho thần phật: “Thấy đền phủ nào thiêng, anh chị cũng đến tận nơi để lễ vái, thành kính kêu cầu.” (Lá ngọc cành vàng, Nguyễn Công Hoan )”. [dẫn theo Vietlex].  

Đáng chú ý, hiện nay nhiều người còn nhầm lẫn (hoặc đánh đồng) giữa “phân ưu” (hay “chia buồn”) với “viếng” hoặc “kính viếng”. Bởi vậy, hai chữ “kính viếng” ở dải băng gắn trên vòng hoa đám ma trước đây, đã bị thay bằng “thành kính phân ưu”, “thành kính chia buồn”. Nhưng, “phân ưu”, hay “chia buồn” là sự chia sẻ đau thương, mất mát, an ủi, động viên đối với người còn sống; còn vòng hoa là để viếng người chết, đó là điều không thể khác được. Vì nhầm lẫn, “phân ưu” với “kính viếng”, nên có người còn viết, nói rằng: “Xin thành kính phân ưu và chia buồn cùng gia đình”(!)

         Chúng ta thấy rằng, ví dụ “Quan phủ và quan Bố xin cáo thoái ra về, sau khi có vài lời phân ưu theo thói quen” mà Từ điển Vietlex trích từ tác phẩm “Người tù được tha” của Vũ Trọng Phụng, thì “vài lời phân ưu” đó là nói với người sống, chứ đâu phải với người chết? Người còn sống (gọi chung là “tang quyến”), gồm cả già trẻ, gái trai...thì chia buồn với tấm lòng chân thành là được, sao lại phải “thành kính chia buồn”?

Có thể lấy thêm ví dụ, bài điếu văn của Quốc trưởng Bảo Đại viếng Nguyên thủ tướng Trần Trọng Kim. Đoạn đầu bài điếu tỏ lòng thương tiếc, tình cảm của Quốc trưởng Bảo Đại đối với cụ Trần Trọng Kim; phần hai (phần cuối) là tỏ “lời phân ưu” cùng bà phu nhân và toàn gia:

“Bà nguyên Thủ tướng,
Tôi đề lời phân ưu cùng bà và toàn gia. Tôi mong rằng lòng tiếc thương của hết thảy quốc dân đối với cố Thủ tướng sẽ làm cho bà nhẹ bớt một phần nào nỗi đau đớn về dịp này và sự nghiệp lâu dài của cố Thủ tướng sẽ làm cho bà được cái an ủi rằng sự nghiệp ấy còn cũng như là người chí sỹ khuất núi vẫn còn!”.(*)

         Đành rằng, việc “phân ưu”, “chia buồn” và “viếng”, “điếu tang” thường diễn ra cùng lúc. Đến “viếng” người chết, hay có mặt trong đám tang, đã là một cách chia buồn với người sống. Ngược lại, nói lời “phân ưu”, “chia buồn” với người sống, cũng là thể hiện lòng thương cảm đối với người chết. Tuy nhiên, khi nói và viết, tuỳ từng tình huống, phải phân biệt rạch ròi “chia buồn” (an ủi, chia sẻ nỗi đau với người sống) và “điếu”, “viếng” (dâng hương, bái lạy, thể hiện lòng thành kính, xót thương người đã chết). Ví như “Điện chia buồn” của Nhà nước Việt Nam là gửi Nhà nước và nhân dân Cuba, còn vòng hoa để viếng ông Fidel, chứ không thể có chuyện ngược lại).

         Như vậy, dù đã có từ “chia buồn” rất thông dụng, chính xác, giản dị, dễ hiểu, nhưng có người lại thích dùng “phân ưu”, “thành kính phân ưu” để thay thế (theo nghĩa “trang trọng” mà Từ điển Vietlex đã chú thích); đang viết “viếng”, “kính viếng” rất chính xác, bỗng dưng lại thay bằng “phân ưu”, “thành kính phân ưu”, vừa xa lạ, vừa khó hiểu và tối nghĩa đến vô nghĩa, thậm chí sai hoàn toàn.

HOÀNG TUẤN CÔNG
12/2016
(*) Nguyên văn bài điếu:
“QUỐC GIA VIỆT NAM ĐỨC QUỐC TRƯỞNG BẢO ĐẠI
Ông nguyên Thủ tướng,
Được tin Ông từ trần, lòng tôi thương cảm vô hạn. Vẫn biết tuổi Ông đã gọi là thọ; sự nghiệp văn hoá, chánh trị của Ông đã biểu dương một thân thế cao quý. Song tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ rằng mới cách đây mấy hôm, tôi còn vui thấy Ông tinh thần vẫn tráng kiện, chí khí còn hăm hở, và tưởng rằng trong những ngày sắp tới là lúc tổ quốc cần hết thảy những con dân tài đức như Ông, Ông tuy tuổi cao sức yếu, vẫn có thể phục vụ giang sơn như suốt cả cuộc đời tận tuỵ của Ông!
Lịch sử sẽ ghi thanh danh ông, thanh danh một nhà mô phạm biệt tài, một nhà văn học lỗi lạc, một nhà chí sỹ ái quốc. Và thân thế trong trắng của Ông đã làm gương cho kẻ đương thời sẽ làm gương cho lớp hậu thế.
Riêng đối với tôi, tôi không quên rằng trong những giai đoạn khó khăn của lịch sử, lúc nào Ông cũng sẵn sàng hăng hái làm người cộng sự đắc lực của tôi: nào khi Ông nhận đảm đương sứ mạng nặng nề điều khiển con thuyền quốc gia trong khi thế nước chông chênh; nào lúc tòng vong ở nơi hải ngoại khi tôi tranh đấu để mang lại cho dân tộc một hy vọng, một tin tưởng ở tương lai; nào buổi mới đây tuy tuổi đã ngoài 70 mà Ông còn hăng hái đứng lên đảm nhiệm trọng trách chủ tịch hội nghị toàn quốc trong cuộc tường bày ý nguyện của dân tộc.
Ông thực đã xứng đáng với dân tộc. Ông quả đã xứng đáng với lòng tín cẩn của tôi.
Công trạng ấy tôi không quên.
Quốc dân cũng không quên. Lịch sử sẽ ghi công của người con ưu tú của đất nước.
Tin rằng hương hồn ông sẽ được tiêu diêu nơi cực lạc.
Bà nguyên Thủ tướng,
Tôi đề lời phân ưu cùng bà và toàn gia. Tôi mong rằng lòng tiếc thương của hết thảy quốc dân đối với cố Thủ tướng sẽ làm cho bà nhẹ bớt một phần nào nỗi đau đớn về dịp này và sự nghiệp lâu dài của cố Thủ tướng sẽ làm cho bà được cái an ủi rằng sự nghiệp ấy còn cũng như là người chí sỹ khuất núi vẫn còn!”
Lời điếu của Quốc trưởng Bảo Đại do Đổng lí văn phòng đọc trong Tang lễ cụ Trần Trọng Kim -(Nguồn: FB Trương Huy San)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐƯỢC LÒNG RẮN
MẤT LÒNG NGOÉ


“Từ điển tiếng Việt” (Ban biên soạn Chuyên từ điển New Era): “Được lòng rắn, mất lòng ngoé: Ngoé: loại nhái nhỏ. Ngụ ý câu này cho rằng khó lòng ăn ở được lòng mọi người, hễ được lòng người này thì mếch lòng người kia.”

           -”Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “Được lòng đất, mất lòng đò (Được lòng bà vãi, mất lòng ông sư, Được lòng rắn mất lòng ngoé) Tình thế khó xử, được lòng người này, mất lòng người kia, không thể làm vừa lòng tất cả.”


           -”Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Được lòng rắn, mất lòng ngoé. Như câu “Được lòng đất, mất lòng đò”. Ở tình thế không thể dung hoà hai bên tương phản.”

           -”Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) “Được lòng rắn, mất lòng ngoé: Được lòng giống rắn thì giống ngoé sẽ mất lòng (vì ý thích của rắn và ngoé vốn trái ngược nhau) Hay dùng với ẩn ý: Nh. Được lòng bà vãi mất lòng ông sư: Được lòng bà vãi thì sẽ làm cho ông sư mất lòng. Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Chẳng có cách nào để làm cho ai nấy đều vừa lòng (vì ý thích của thiên hạ vốn mỗi người mỗi khác)”.

           -Sách “Đi tìm điển tích thành ngữ” (Tiêu Hà Minh-Tái bản lần thứ 5-NXB Thông Tấn-2014) đưa ra “điển tích” khá dài dòng. Xin tóm tắt: Ếch và ngoé vốn thân nhau. Một hôm rắn bò tới hang, ếch sợ quá, bèn lấy lòng rắn: Đừng ăn thịt tôi, tôi hứa sẽ chỉ cho ông chỗ mồi ngon.  Ếch tìm đến ngoé, bảo: Có ông rắn muốn kết bạn với hai chúng ta, ba người chẳng hơn hai người hay sao. Ngoé mắng ếch: Khốn kiếp, định rước hùm về à? Ếch phân bua: Tôi biết thế, nhưng lúc ấy vì sợ nên tôi phải lấy lòng nó. Ngoé tức giận: Để lấy lòng nó, thế rồi để mất lòng ai? Từ nay, tôi không chơi với anh nữa. Rắn thấy ếch trốn biệt thì tức giận lắm, hễ gặp ếch là cắn. Từ đó ếch sợ rắn, còn ngoé không những bị rắn ăn thịt mà còn bị ếch săn đuổi vì tức giận.  
      
           Qua  cách giải thích của 4 cuốn từ điển, chúng ta vẫn chưa rõ nghĩa đen tục ngữ”Được lòng rắn, mất lòng ngoé” thế nào. Diễn giải và giảng giải “Được lòng giống rắn thì giống ngoé sẽ mất lòng (vì ý thích của rắn và ngoé vốn trái ngược nhau)” của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương hầu như không hé lộ được thông tin nào.  Riêng “tân truyện” của Tiêu Hà Minh, dĩ nhiên không thể gọi là “điển tích”, và hoàn toàn lạc đề, bởi rốt cuộc, con ếch gây thù chuốc oán với cả hai, chứ đâu có được lòng ai?

           Vậy nghĩa đen của câu tục ngữ đang xét như thế nào? Theo chúng tôi, nghĩa đen bắt nguồn từ chuyện con rắn bắt nhái.

           Xưa kia, ếch nhái, rắn rết rất nhiều. Đi chăn trâu cắt cỏ, hay cày cấy ngoài đồng, thậm chí ngay vườn tược, đường đi lối lại, bờ ao, lùm cỏ quanh nhà cũng thường nghe tiếng kêu của rắn bắt nhái.

           Chiều tà, bọn nhái nhảy ra bắt đầu bữa tiệc côn trùng, cũng là thời điểm đi săn mồi của rắn ráo. Con rắn trườn mình êm ru trong cỏ. Đúng cự ly, cổ rắn ngóc lên, rồi “nhằng” một phát...Phần cẳng chân sau con nhái đã nằm gọn trong hàm của rắn. Theo bản năng, rắn không nuốt ngay, mà ngậm chặt và tiêm nọc độc vào con mồi, rồi từ từ nuốt trôi. Suốt quá trình đó, trong đám cỏ vang lên những tiếng kêu: oe...oé,...oe...oé nghèn nghẹn, thảm thiết của con nhái. Lần theo âm thanh ngày càng đuối dần, người ta thấy cảnh tượng: con nhái nhỏ bé cố sức giãy giụa, kêu cứu trong tuyệt vọng; trong khi rắn cũng hết sức tập trung để không mắc sai lầm nào...

           Thấy có bóng người, rắn vẫn ngậm chặt con mồi, đôi mắt thao láo thận trọng dò xét; trong khi nghe có động, con nhái cất tiếng kêu to hơn như hy vọng được cứu thoát...Lúc này, bữa tiệc của con rắn, hay mạng sống của con nhái nằm trong tay con người. Nếu động lòng trắc ẩn, thì đập cỏ xua con rắn độc để giải thoát cho con nhái đáng thương; cũng có khi để mặc con rắn săn mồi, vì nghĩ loài nào cũng phải ăn mới sống được, hoặc trong tình huống không thể làm gì hơn. Biết làm thế nào đây? Hành động trong tình huống đặc biệt này sẽ khiến kẻ thì hậm hực, oán hận, kẻ thì vui mừng biết ơn, chứ không có cách nào dung hoà lợi ích của cả hai.

           Dân gian thường dựa vào quan sát, nhận thức sự vật, hiện tượng diễn ra trong cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày để đúc kết, khái quát nên thành ngữ, tục ngữ.“Được lòng rắn, mất lòng ngoé” chính là một trong những quan sát, liên tưởng độc đáo, mà nghĩa đen đã làm nên sự sinh động, chính xác cho nghĩa bóng: trong cuộc sống có những tình thế đặc biệt khó xử, nghiêng về bên này, đồng nghĩa sẽ làm tổn hại, mất lòng bên kia, và ngược lại; không có cách nào dung hoà được quyền lợi, tình cảm cả đôi bên. Với các dị bản đồng nghĩa: “Được lòng đất, mất lòng đò”, “Được lòng bà vãi mất lòng ông sư” thì đối tượng nói đến cũng chỉ là hai, thêm người đứng giữa là ba. Bởi vậy, ý tục ngữ không nhằm nói chung chung “Chẳng có cách nào để làm cho ai nấy đều vừa lòng (vì ý thích của thiên hạ vốn mỗi người mỗi khác)” như cách hiểu của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương. Thực tế, trong cuộc sống, nhiều tình huống người ta vẫn có thể tìm cách ứng xử, giải quyết mâu thuẫn để khiến tất cả số đông (vốn khác nhau về “ý thích”) đều hài lòng.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CƠM QUANH RÁ
MẠ QUANH BỜ


Tục ngữ “Cơm quanh rá, mạ quanh bờ” được hầu hết các sách từ điển sưu tầm và giải thích:

1-”Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “Kinh nghiệm nông dân cho rằng lúa cấy ở ven bờ tốt hơn lúa ở giữa ruộng”.

2-”Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Cơm ở quanh rá (thường nguội hơn cả nên ăn được nhiều hơn); mạ quanh bờ (thường mập cây hơn nên chóng bén chân hơn).

3-”Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào): “Cơm mới dỡ ra rá, chỗ quanh vành rá chóng nguội, mạ quanh bờ ruộng tốt hơn, vì nhiều ánh sáng và dễ chăm bón”. [cùng quan điểm với Từ điển tiếng Việt (New Era)].

4-Bách khoa tri thức (bach khoa tri thuc.vn): “Cơm quanh rá thường ngon, mạ quanh bờ thường tốt. Trong dược mạ, những cây quanh bờ thường to hơn, xanh hơn, cao hơn những cây mạ khác. Người ta thường chọn ra, cấy riêng để tiếp tục nhân giống cho vụ sau. (Kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp)”.

5. GS.TS. Đỗ Thị Kim Liên (Giảng viên Khoa Ngữ văn - ĐH Vinh): “Khi ăn cơm cần biết chỗ cơm nào thì ngon: Cơm quanh rá, mạ quanh bờ là nói đến phong tục trước đây của người Việt khi ăn cơm thì xới cơm ra ở rá, sau đó mới xới vào bát cho từng người. Cơm xung quanh rá thường nguội, không ngon, giống như mạ quanh bờ thì rời rạc, không đều, không tốt. (“Đặc trưng văn hoá lúa nước của người Việt thểhiện qua tục ngữ”)


Chúng tôi xin đưa ra nhận xét sơ bộ như sau:

-Với GS Nguyễn Lân, soạn giả đã lờ đi nghĩa vế đầu không giải thích; vế hai đang nói “mạ quanh bờ” lại hiểu ra “lúa cấy ở ven bờ” (Một điều kỳ lạ là GS Nguyễn Lân đã nhiều lần không phân biệt được mạ khác lúa thế nào).

-Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương giải thích gượng ép, vì “cơm nguội” hoàn toàn không phải lý do để người ta “ăn được nhiều hơn”. [Cơm gạo xưa kia chỉ cần nguội chút đã cứng, nên có thành ngữ “Khô như cơm nguội”. Nếu nói “ăn được nhiều” phải là cơm nóng sốt: Cơm chín tới, cải vồng (ngồng) non, gái một con, gà nhảy ổ đẻ; Không ngon cũng thể sốt, không tốt cũng thể mới; Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi... kia mà!].

-Từ điển của Nhóm Vũ Dung giải thích cơm quanh rá “chóng nguội”, nhưng, cái”nguội” ấy có ý nghĩa thế nào để tương ứng nghĩa vế sau “mạ quanh bờ tốt hơn” lại không thấy đề cập.

-Bách khoa tri thức khẳng định “cơm quanh rá thường ngon” cũng thiếu cơ sở, càng phi thực tế khi cho rằng người ta chọn mạ bờ cấy riêng để nhân giống, vì không ai nhân giống lúa theo cách ấy.

- GS.TS. Đỗ Thị Kim Liên cho rằng:  “phong tục trước đây của người Việt khi ăn cơm thì xới cơm ra ở rá, sau đó mới xới vào bát cho từng người” là không đúng, vì với bữa cơm gia đình không ai đi làm một việc nhiêu khê như vậy. Tục ngữ cũng không nói đến chuyện cơm nguội, cơm nóng, mạ tốt, mạ xấu.

Vậy, tục ngữ muốn nói điều gì?

         “Mạ quanh bờ” là những cây mạ khi gieo bị vương vãi ngoài mép luống, thường thưa hơn so với cả đám gieo dày đặc phía trong. Do có nhiều ánh sáng và dinh dưỡng nên mạ quanh bờ xanh tốt hơn. Nhưng, bộ rễ mạ quanh bờ ăn sâu, khi nhổ hay bị đứt rễ, phải lựa rất lâu, từng cây một; trong khi mạ luống chỉ vơ một cái đã được hàng trăm cây. Thế nên, nông dân ít khi nhổ mạ quanh bờ. Trường hợp xúc cấy (còn gọi là mạ “dủn”, tức xúc cả phần rễ và đất thành tảng mạ) người ta cũng không “dủn” mạ quanh bờ, vì đất nhiều hơn mạ, chẳng bõ công gánh nặng. Vì thế, dù mạ quanh bờ cứng cây, mập mạp, nhưng nông dân thường bỏ lại chứ không nhổ. [Nếu quan sát luống mạ đã nhổ, người ta vẫn còn thấy hình thù của luống mạ nhờ những cây mạ quanh bờ nông dân bỏ lại-xem ảnh minh hoạ]. Những cây  “mạ quanh bờ” còn sót lại trở thành “mạ rài”. Hãn hữu có năm thiếu mạ, hoặc cần trám dặm chỗ lúa chết, người ta mới quay lại “bòn” thêm được cây nào, hay cây ấy, hoặc để cho người thiếu mạ ai “mót” được cây nào thì “mót”.

Tương tự, cơm quanh rá tất có hạt dính quanh rá. Xưa kia đói kém, người ta quý từng hạt cơm, hạt gạo. Cơm trong nồi, trong bát thường “đánh nhẵn”, không để sót một hạt. Để sót vài hạt khó coi (“Ăn không nên đọi...”), lại mang tiếng phí phạm của “ngọc thực”. Nhưng “cơm quanh rá”, dù là những hạt thơm dẻo, (nên dễ dính), thì dẫu có dùng thìa, dùng muôi mà gạt, mà cạo cũng chẳng lấy ra hết, ngược lại càng bết vào. Thế nên, cũng giống như “mạ quanh bờ”, người ta chấp nhận “cơm quanh rá” phải có hạt rơi hạt vãi, vẫn “hào phóng” “vập” xuống đất cho gà, chó nhặt nhạnh, hoặc cọ rửa đi, chứ không ai ngồi đó mà gỡ từng hạt. [Thời trước ở đình đám, ăn uống tập thể, hay chủ nhà mang cơm cho nhóm người cấy, gặt thuê ngoài đồng mới đựng cơm, đem cơm vào rá].

Nghĩa của “Cơm quanh rá, mạ quanh bờ” không nói cơm nguội cơm sốt, ngon hay không ngon, mạ tốt hay mạ xấu, mà ám chỉ những thứ thất thoát, rơi vãi không đáng kể, không bõ bèn, có tận dụng cũng chẳng đáng là bao, được phép bỏ qua, không nên tiếc, hoặc chớ đầu tư công sức để lấy cho bằng được.                                          

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÁN BÒ TẬU ỄNH ƯƠNG


Tục ngữ Việt Nam có câu “Bán bò tậu ễnh ương”. Các sách “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” chỉ đưa ra cách hiểu nghĩa bóng, mà không giải thích nghĩa đen.

-Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nhóm Vũ Dung: "(ễnh ương: một loài ếch nhái có tiếng kêu rất to. Làm ăn không biết tính toán; Bỏ thức tốt để chuốc lấy của không ra gì.”

-Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân:  “Chê kẻ không biết làm ăn.”

-”Từ điển tục ngữ Việt”  của Nguyễn Đức Dương: "(Đừng) bán bò đi để tậu ễnh ương (về). Hay dùng để khuyên mọi người chớ có làm những điều rồ dại (mà chuốc lấy thua thiệt về mình)”

Vậy tại sao có người vụng “tính toán”, hay “làm những điều rồ dại” tới mức bán bò đi để mua con ễnh ương về nuôi?



Ễnh ương (花狭口蛙-Kaloula pulchra) thuộc họ ếch nhái, đầu và bốn chân nhỏ nhưng bụng lại rất to. Môi trường sống của chúng là các khu vườn hoang rậm, ẩm thấp, nhiều lá rụng, hay ngập nước. Ễnh ương giao phối, sinh sản vào mùa mưa và thường cất tiếng gọi bạn tình bằng những âm thanh không biết mỏi: ộp...ương...ộp...ương... to như bò rống. Đặc biệt, khi kêu thì bụng ễnh ương càng phình ra tợn. Thế nên, loại bò gầy, suy dinh dưỡng, bụng ỏng đít beo, được dân gian ví với con ễnh ương (vùng Thanh Hoá còn gọi là “bò cóc”).

Học giả người Pháp Charles Roberquain trong sách “Le Thanh Hoa” (Tỉnh Thanh Hoá), thông qua ghi chép của một viên thanh tra thú y (1915) đã mô tả về những con bò “cóc”, “ễnh ương” này như sau: "...những đàn bò có dáng vẻ xấu, chưa nói đến chuyện gầy còm, ốm yếu, sự phát triển không đầy đủ, chưa hoàn hảo của hình thù, thiếu khí lực (...) con bò đã lớn mà sức vóc chỉ bằng con bê một tuổi là chuyện bình thường, nhiều con khác vóc dáng trung bình, giơ sườn ra, bắp thịt không có (...) tỉ lệ giữa các bộ phận cơ thể không cân đối.” (“Le Thanh Hoa-Charles Roberquain-NXB G.VAN xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp 1929; Nguyễn Xuân Dương-Lâm Phúc Giáp dịch-NXB Thanh Hoá-2012).

Tuy nhiên, tại sao có người vụng đến mức bán một con bò tốt để mua về con bò khác gầy ốm, trông như con ễnh ương? Vẫn trong “Le Thanh Hoa”, Charles Roberquain đã viết: “Khi người dân Việt Nam có hai con bò mà họ chỉ cần một, thì họ bán con đẹp và để lại con xấu dành cho sự sinh sản”. Nguyên nhân, tác giả “Le Thanh Hoa” cho rằng: “Sự chọn giống đối với họ là xa lạ”, đồng thời dẫn lời viên Thanh tra thú y Conti: “Người dân quê Việt Nam không hiểu các tính cách thể chất và tinh thần của ông bà truyền cho con cháu và họ thấy hoàn toàn hợp lý khi hy sinh sự sinh sản của những con suy yếu nhất”.

Tuy nhiên, thực tế không hẳn “Sự chọn giống đối với họ là xa lạ” hay “không hiểu các tính cách thể chất và tinh thần của ông bà truyền cho con cháu”. Ngược lại, từ xa xưa, nông đã có ý thức về di truyền và chọn giống trong chăn nuôi (“Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng”; “Mua trâu xem vó, mua chó xem chân”...) Khoảng vài ba chục năm trước vẫn còn những người chọn cách “làm ăn” bán đi con bò tốt, mua con bò khác ốm yếu, nhưng ít tiền hơn để nuôi. Không phải họ không biết cách chọn giống, hay “rồ dại”(chữ của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương) tới mức không phân biệt được con bò béo tốt với con bò gầy yếu, mà mục đích là có thêm một khoản tiền dôi dư chi tiêu, trong khi vẫn có bò sinh sản, cày kéo. Kiểu tính quẩn, vì cái lợi trước mắt mà anh nhà nghèo cho là”hợp lý” chính là một trong những nguyên nhân sinh ra loại bò cóc, thoái hoá, thiếu khí lực. Cũng cần nói thêm, so với trâu, thì tầm quan trọng về sức kéo của bò không bằng, đặc biệt, với những nhà nghèo, ít ruộng. Bởi vậy việc chọn giống bò không khắt khe như chọn giống trâu.

Như vậy, nghĩa đen câu tục ngữ đang xét là: bán một con bò tốt, mua về con bò khác gầy ốm, “bụng ỏng, đít beo” trông như con ễnh ương. Nghĩa bóng: chê kẻ vụng suy, tính quẩn, không biết cách làm ăn.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [41] [42] [43] [44] [45] [46] [47] ... ›Trang sau »Trang cuối