Từ Câu thơ của Ngô Thế Oanh - Nguyễn Nguyên Bảy(Nguyễn Nguyên Bảy – "đò đưa”
Giá tôi có thể quên giá mà quên được)
1. Câu thơ trên của Ngô Thế Oanh, lời lòng hay thật, hay đến nỗi đọc lên ta thấy lòng ngân nga, đúng là trong cõi đời này, trong cuộc sống này, bao nhiêu là bao nhiêu chuyện, bao nhiêu là bao nhiêu điều, lòng bảo lòng quên đi, dĩ vãng đi, giấc ngủ đi, nhưng lòng không chịu, nó cứ thức, cứ nhớ, cứ làm lòng da diết, da diết một nỗi không thể quên nên mới giá mà quên được, chữ giá mà hay quá Oanh ơi, giá mà ấy thơ thật, thơ thật vì thật lòng, nên thơ không giả.
Tôi với Oanh bạn với nhau, hồi những năm 1970, tôi là phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam, Oanh là phóng viên Báo Tiền Phong. Oanh xù xì, đăm chiêu, triết gia và thật hiếm cười. Còn tôi láu cá, nhố nhăng, bạ đâu, bạ gì cũng cười toe hàm răng hô mà không biết ngượng. Tình bạn chúng tôi ngộ lắm, tôi yêu người tên Liên và sau này thành khoai lúa suốt đời. Còn Oanh cũng yêu, bạn của Liên, tuy họ không thành khoai lúa của nhau, nhưng đến tận bây giờ họ vẫn hát về nhau nhưng lời bạn nhất, chân thành, mở lòng và nói về nhau mà lòng vẫn…Cách quãng 40 năm, chúng tôi kẻ bắc, người nam, không một lời tin, không một dòng địa chỉ. Nhưng khi gặp lại nhau, chúng tôi ôm nhau, tôi ôm cả cô bạn xưa của Oanh nay đã "lão” và vẫn cười toe như hoa, và vẫn như thế vừa mới xa nhau hôm qua và biết về nhau làu làu mọi chuyện. Thật đúng là Giá Tôi Có Thể Quên Giá Mà Quên Được…
Câu thơ trên của Ngô Thế Oanh trích từ khung thơ: em đi bên tôi mơ hồ thoáng nét cười/ vòm long não trong xanh màu ngọc bích/ giá tôi có thể quên giá mà quên được/ biết làm sao để đừng nhớ về em/ và tôi đi chầm chậm dọc Hương Giang/ trời trong suốt dòng sông trong suốt/ Đây có phải là thơ không nhỉ? Một câu hỏi mà nghiệp-dư-thơ-tôi hay tự vấn mỗi khi đọc bất kỳ bài văn vần nào của ai. Với khổ thơ này, đã hỏi câu trên, tôi còn hỏi thêm, có phải vì Ngô Thế Oanh là bạn, nên tôi mất tính khách quan? Vì hai câu hỏi không đủ tự tin ấy, tôi lần tìm, lần tìm những đồng điệu tự tin. May thay…
2. Bà khoai lúa của tôi, Lý Phương Liên, người đã có lời nguyền vàng bỏ bút với thơ, bỗng xả tang lời nguyền, chạy in sách thơ Ca Bình Minh và khập khễnh trở lại với thơ, và ngay chùm thơ đầu tiên đã choảng ngay Ngô Thế Oanh một bài "tím bầm tình anh em”. Nguyên văn: Vẫn là Ngô Thế Oanh *
Bốn mươi năm trước nắm cổ áo chồng em anh dọa:
Này chim bằng Bảy
Mày mà làm khổ con Liên
Thề với trời cao
Tao vặt trụi lông mày
Bốn mươi năm sau anh lừ mắt cả chồng lẫn vợ
Này Bẩy Liên
Chúng mi không nuôi con Ngọc (*) thành tài
Thì thề trên đầu các con tao
Tao không coi chúng mi là bạn
Hâm hâm hâm… bốn mươi năm hâm tình chưa nguội
(*) Bản quyền "hâm" này tên là Ngô Thế Oanh
Sau khi làm xong thơ về "anh Oanh của mình” bà nhà tôi nhất định bắt tôi mail ngay cho Oanh đọc. Tôi cười và giấu vợ tôi chuyện… Chuyện về nhà thơ tên Oanh đến thời buổi bùng nổ thông tin này, nơi nơi xa lộ mạng này, thế kỷ thứ 21 đã đi được 11 năm này, mà "ngài” vẫn tẩy chay điện thoại cầm tay, tẩy chay "meo", tảy chay cái thứ công nghệ mà ngài bảo là mất thời giờ vớ va vớ vẩn. Trời cao đất dầy ơi, hâm đến cung bực này thì đúng là "hâm” cấp độ thế giới. Nhưng vợ tôi bảo đó là hâm tình. Tôi chịu là bả giỏi. Tôi bèn gửi bài thơ trong chùm 5 bài viết mới nhất của Liên cho cô bạn gái của bả, tên Trần Lê Túy Phượng, ở tít tịt Đọt Chuối Non chấm com bên Mỹ để trước là bạn đọc chia vui sau là nếu được thì tung lên Đọt Chuối Non cho xa gần đọc mà biết thêm về một bạn thơ "hâm”. Ngờ đâu, Phượng thư về, khen thơ và tung lên ĐCN thật và bất ngờ hơn, bất ngờ của duyên thơ, Phượng kèm theo thư bài thơ Không Đề nguyên bản của Ngô Thế Oanh và bản dịch bài Không Đề đó của đức ông chồng, tiến sĩ Trần Đình Hoành.
Nói ngay kẻo quên, vợ chồng chúng tôi và anh chị Phượng - Hoành mới quen nhau qua mạng, nhưng vẻ như đã tâm đầu ý hợp từ lâu, qua sự việc bài thơ Không Đề của Ngô Thế Oanh, chúng tôi đã thực sự là thân mến của nhau. Bởi chúng tôi nghĩ, ai yêu bạn ta, hiểu bạn ta, ắt là bạn của ta. Trần Đình Hoành với Ngô Thế Oanh quan hệ thế nào, tôi chưa hỏi và cũng không muốn tò mò, nhưng yêu thơ Ngô Thế Oanh đến mức dịch thơ sang ngữ khác quảng bá ngoài biên giới, thì việc làm này bảo là duyên, hay bảo là tri kỷ tri âm, đều một nghĩa.
Khúc thơ của Oanh dẫn ở trên, bản dịch của Trần Đình Hoành: you walked by me vaguely smiling fleetingly/ the camphor foliage green the color of jade/ if I could forget if it could be forgotten/ what to do not to think of you/ and I walk slowly by Huong River/ the sky’s transparent the river’s transparent Vốn liếng Anh ngữ của tôi quá xoàng, không thể thẩm định được bản dịch của Hoành, nhưng đức tin trong tôi bảo với tôi rằng: Đây là bản dịch tuyệt vời, chắc chắn là thế.
Bài dịch tiếng Anh "Untitled” của Trần Đình Hoành từ bài thơ "Không đề” của Ngô Thế Oanh đã đăng trên tạp chí thơ Illuminiations (2000) là tạp chí thơ quốc tế với trụ sở luân phiên thay đổi trong các đại học trên thế giới. Năm 2000, trụ sở của Illuminations là Phân khoa Anh ngữ, đại học College of Charleston, ở thành phố Charleston, bang South Carolina, Mỹ.
Tôi tiếp tục lần tìm Ngô Thế Oanh trên google, chỉ đôi ba đường dẫn vào từ khóa Ngô Thế Oanh. Đây là đôi dòng tiểu sử:
Nhà thơ Ngô Thế Oanh sinh năm 1944 tại Đà Lạt, quê gốc ở Hà Tĩnh. Trong kháng chiến chống Pháp, anh ở Bồng Sơn, Bình Định. Anh học ở các trường học sinh miền nam Hà Đông, Hải Phòng, Đông Triều. Năm 1963, anh vào học Khoa Ngữ văn, Đại học tổng hợp Hà Nội. Năm 1971 vào chiến trường Khu V. Hiện nay anh là Phó Tổng biên tập Tạp chí Thơ HNVVN. Ngô Thế Oanh đã cho xuất bản: Tình yêu nhận từ đất (thơ in chung 1977), Tâm hồn (thơ 1983) được giải nhất của Ủy ban toàn quốc các Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam 1994. (Nguồn Buituluc.com). Và một liên quan quan trọng, bài thơ Không Để của Ngô Thế Oanh được lựa chọn là một trong những bài thơ tình bất tử của thi đàn Việt. (nguồn: thotinh.googleg9.com/rdp-559)
3. Vẫn là Ngô Thế Oanh – đó là tên bài thơ Lý Phương Liên viết về Ngô Thế Oanh. Tôi thích cái đề này. Cái đề này rất thật, rất đúng với Oanh nguyên mẫu ngoài đời. Đời sống cá nhân đạm bạc, không xem trọng vật chất, không xem trọng danh lợi, sống cháy hết mình cho thơ và trung thực hết lòng với bạn.
Khúc 1 của bài thơ Vẫn là Ngô Thế Oanh: Bốn mươi năm trước nắm cổ áo chồng em anh dọa: / Này chim thằng Bảy/ Mày mà làm khổ con Liên/ Thề với trời cao/ Tao vặt trụi lông mày/ Câu chuyện thật trăm phần trăm, Oanh từ đâu xa lắm đạp lọc cọc xe tới dốc Thọ Lão tìm tôi, mặt nghiêm như cảnh sát hình sự, túm cổ áo tôi và nói đúng câu nói Liên dẫn vào thơ. Tôi sợ xanh mặt, chưa kịp phản ứng gì, thì Oanh đã lên xe lọc cọc đạp đi. Vợ tôi từ trong bếp chạy ra, chỉ kịp nhìn theo hú hồn hú vía và hứa với tôi là lần sau anh có giận dỗi gì với em, em cũng sẽ không mách với anh Oanh.
Khúc 2 là chuyện vừa xẩy ra hồi Tết Mão, anh khệ nệ ôm đến cho Ngọc, con gái út họa sĩ của chúng tôi những tập sách tranh kinh điển của Tề Bạch Thạch, của…, quí hiếm vô cùng. Cho Ngọc sách, hai bác cháu trò chuyện với nhau thân gần như hai cha con, và khi, chúng tôi vừa từ đâu đó về nhà, chưa kịp cảm ơn xen vào câu chuyện, đã thấy Oanh lừ mắt và nói đúng lời như thơ Liên đã viết: Này Bẩy Liên/ Chúng mi không nuôi con Ngọc thành tài/ Thì thề trên đầu các con tao/ Tao không coi chúng mi là bạn/. Chả là bạn sợ vợ chồng tôi bây giờ "sung sướng” mà quên việc thơ văn và quên việc dạy con cháu nên người.
Bốn chục năm đã trôi, mà Oanh của những năm 1970 vẫn là Oanh của bây giờ 2011. Thơ Oanh chắc chắn cũng thế, còn hay mãi. Bây giờ, mời cùng đọc lại toàn văn bài Không Đề của Ngô Thế Oanh và bản dịch Anh ngữ hay không thua gì bản Việt ngữ, của Trần Đình Hoành.
Không Đề
Tôi vẫn thầm mong được gặp lại tháng năm
tinh khiết những đóa hoa màu trắng
mở nhè nhẹ trên lòng tôi yên tĩnh
mùa hạ ấy xa rồi mùa hạ ấy xa rồi
em đi bên tôi mơ hồ thoáng nét cười
vòm long não trong xanh màu ngọc bích
giá tôi có thể quên giá mà quên được
biết làm sao để đừng nhớ về em
và tôi đi chầm chậm dọc Hương Giang
trời trong suốt dòng sông trong suốt
Huế đẹp đến tưởng chừng không có thực
bao nhiêu người đã yêu đã hạnh phúc khổ đau
mùa hạ ấy xa rồi bây giờ em ở nơi đâu
thành phố rộng đường tôi không thuộc hết
hoa vẫn trắng những cánh màu tinh khiết
mùa hạ ấy xa mùa hạ ấy xa rồi…
Ngô Thế Oanh 5/1985
(Tình Bạn Tình Yêu Thơ
Nhà XBGD, Hà Nội 1987)
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không ?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”(Trịnh Công Sơn)