Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [58] [59] [60] [61] [62] [63] [64] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Từ "lợi ích nhóm" đến "tự diễn biến"

Bài đăng trên Quân đội Nhân dân - Chủ Nhật, 15/07/2012, 19:52 (GMT+7)

QĐND - Tuy vẫn chưa được giải nghĩa trong Từ điển tiếng Việt, nhưng “lợi ích nhóm” nay đã trở thành cụm từ quen thuộc chỉ một bộ phận những người có chung lợi ích tác động đến cơ quan, người có quyền ra những quyết định theo hướng có lợi cho họ - nó đi ngược lại với lợi ích của tập thể.

Lợi ích nhóm ở nước ta có quy mô hết sức đa dạng, nhỏ thì người này với người kia, bộ phận này với bộ phận kia, lớn thì ngành này với ngành khác liên kết với nhau “lách luật” làm méo mó, bẻ cong đường lối, chính sách của Đảng để trục lợi. Đây chính là một hình thức tham nhũng tập thể, được biểu hiện dưới nhiều dạng vẻ khác nhau như báo cáo không trung thực, chạy dự án, chạy chức, chạy quyền, chạy chính sách… Khi đạt được lợi ích riêng của cá nhân, của bộ phận thì lợi ích chung, của đất nước, của nhân dân bị xâm hại. Thế mới có chuyện doanh thu của doanh nghiệp lỗ, lương vẫn cao, thưởng vẫn lớn. Những ngày vừa qua, thanh tra công bố số nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng lên tới 202 nghìn tỷ đồng (8,6%), con số đó cao gần gấp đôi so với con số do các ngân hàng thương mại báo cáo trước đó. Vì sao lại báo cáo thấp hơn con số thực? Báo cáo thấp để vẫn được hưởng lương cao, vẫn thưởng và giảm bớt được quỹ dự phòng rủi ro. Thanh tra còn cho biết, nợ xấu ngoài nguyên nhân khách quan do khủng hoảng kinh tế trên quy mô toàn cầu, còn do ngân hàng đổ tiền vào bất động sản, chứng khoán, mà không ít trong số đó chính là doanh nghiệp sân sau của các ngân hàng... Nghĩa là, cũng xuất phát từ lợi ích nhóm.

Lợi ích nhóm làm rối loạn, gây thất thoát nền kinh tế đất nước thì đã quá rõ, ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn, lớn hơn không dễ nhìn thấy của “lợi ích nhóm” còn là nguy cơ thúc đẩy “tự diễn biến” trong nội bộ. Phải chăng, do tiên lượng được “sức công phá” của lợi ích nhóm mà cả hai Nghị quyết Trung ương 3, 4 (khóa XI) về các vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và xây dựng Đảng, Đảng ta đều cảnh báo nguy cơ dẫn đến “tự diễn biến” từ lợi ích nhóm, từ tư duy nhiệm kỳ, từ những tính toán cục bộ.

Do vun vén cá nhân, lại thiếu tu dưỡng rèn luyện, một bộ phận cán bộ đảng viên đã đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể, lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao cho để tham ô, tham nhũng dưới nhiều hình thức, trong đó có hình thức thông qua lợi ích nhóm. Họ không chỉ làm hoen ố truyền thống vẻ vang của Đảng, làm mất niềm tin của nhân dân, mà còn tiếp sức cho các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” lật đổ chế độ từ bên trong.

Một thực tế là lợi ích nhóm càng phát triển, càng mang lại lợi ích cá nhân cho một số người thì càng khoét sâu sự mất công bằng trong xã hội; càng khuyến khích lối sống không lành mạnh trong xã hội, bóp nghẹt dân chủ, nội bộ nghi kỵ lẫn nhau và khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội càng doãng ra. Đó là những điều đi ngược lại với mục tiêu lý tưởng của Đảng. Đảng chiến đấu hy sinh trước hết và trên hết vì lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích của nhân dân. Cũng từ mục tiêu cao cả đó mà Đảng được nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Nếu lợi ích nhóm và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên không được ngăn chặn thì nguy cơ dẫn đến sụp đổ chế độ là điều có thật.

Thực trạng đó, hơn lúc nào hết đòi hỏi Đảng ta phải kiên quyết, hành động để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ lợi ích nhóm như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã đề ra. Phải thấy rằng trong lúc này chống lợi ích nhóm chính là chống nguy cơ “tự diễn biến”.

Xóa bỏ lợi ích nhóm cũng như cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí đều phải rất coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhưng quan trọng không kém nữa là Nhà nước, Chính phủ phải đề ra được những cơ chế, chính sách phù hợp, “bịt” được những kẽ hở không để “lợi ích nhóm” có đất để nảy nở, sinh sôi. Phải có cơ chế để khống chế quyền lực. Mà cơ chế để khống chế quyền lực có hiệu quả nhất là thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch để người dân có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Đồng thời phải chấn chỉnh ngay công tác cán bộ, phải chọn được những cán bộ thực sự có đức, có tài bố trí vào những vị trí then chốt có quyền ban hành, quyết định công tác tổ chức, quyết định chính sách… Cơ quan, người ban hành các quyết định, các chính sách phải vượt qua được chính mình, phải coi lợi ích toàn cục, lợi ích lâu dài của nhân dân của đất nước là “tối thượng”. Trong thực tế, không phải không có những tổ chức, những cán bộ cố tình kéo chậm sự hoàn thiện của cơ chế, chính sách để lợi dụng. Kéo dài quy hoạch một khu phố, một con đường, một trường học; thay đi, đổi lại một quyết định nhằm tạo ra khoảng trống cho những kẻ cơ hội lách vào. Nghiêm trọng hơn thậm chí nhóm lợi ích lại thắng thế trong những quyết định cụ thể, làm cho lợi ích chung bị xâm hại, mà không bị xử lý kỷ luật.

Thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp, bỏ hẳn cơ chế "xin-cho" và tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế…

Để xóa bỏ lợi ích nhóm, suy cho cùng là phải hiểu đúng và thực hiện triệt để lời dạy của Bác Hồ "Dĩ công, vi thượng". Muốn ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, phải triển khai thật thiết thực, hiệu quả Nghị quyết 4 về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của BCT về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", vừa củng cố niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, vừa góp phần quan trọng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là Đảng cầm quyền lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ./.

Huy Thiêm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Về khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn"

Lại Nguyên Ân


Thế hệ tôi, sinh trưởng ở miền Bắc, đi học trường phổ thông 10 năm (từ lớp 1 đến lớp 10) vào những năm 1954-1964, thì khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” hầu như không để lại ký ức gì. Là vì ở miền Bắc thời đó, những gì được xem như gắn với “tư tưởng phong kiến” đều bị coi là lạc hậu, cần tránh xa, cần chống lại; mà “tiên học lễ hậu học văn” thì rõ ràng là tư tưởng Nho giáo, là thuộc hệ tư tưởng phong kiến rồi! Cho nên dễ hiểu là không hề thấy khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” xuất hiện trong khuôn viên bất cứ ngôi trường nào trên miền Bắc thời gian ấy; cũng hầu như không có giáo viên hay cán bộ nào trong ngành giáo dục thời ấy dám nói đến khẩu hiệu đó trước các đám đông. Tôi cũng chưa đọc thấy trong hồi ức những người lớn lên và đi học tiểu học, trung học ở miền Nam vào quãng thời gian ấy nói rằng khẩu hiệu kể trên có ghi đâu đó trong khuôn viên các ngôi trường.
Tất nhiên, đừng nghĩ rằng vì khẩu hiệu đó không “hiển thị” trong cộng đồng thì tư tưởng ngụ trong khẩu hiệu ấy không chi phối tâm thức người dạy, người học, và nói chung, tâm thức cộng đồng thời ấy.
Nhưng cần ghi nhận sự thực vừa kể về sự không hiện diện khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” trong khuôn viên trường học. Và đến sau tháng 4/1975, tình hình vừa nêu lại cũng phổ cập vào nhà trường từ vĩ tuyến 17 trở vào đến chót mũi Cà Mau.
Thế thì khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” đã “sống lại” trong ngành giáo dục Việt Nam từ bao giờ? Nó được thể hiện như ta thấy hiện nay trên rất nhiều (rất nhiều chứ không phải toàn bộ) khuôn viên các ngôi trường từ Bắc chí Nam là từ khi nào? Do ai? Do chủ trương của ngành giáo dục hay do “sáng kiến” tự động, tự phát của các trường?
Theo sự ghi nhận – như một dữ liệu nghiên cứu – của tác gia Trần Đình Hượu (1927-1995) thì vào năm 1973, nhà giáo Nguyễn Lân (1906-2003) viết bài “Có nên vận dụng phương châm “tiên học lễ hậu học văn” trong việc giáo dục thế hệ trẻ của ta ngày nay không?” (đăng tạp chí “Văn hóa nghệ thuật” ở Hà Nội, số 31, tháng 7/1973) mà động cơ viết bài này, theo lời của chính tác giả Nguyễn Lân, là do thực tế “một số trẻ em không ngoan, trong nhà thì bướng bỉnh với cha mẹ, ra đường thì hỗn láo với mọi người, đến trường thì xấc xược với thầy giáo” (trích bài báo đã dẫn). Ngay sau khi bài báo này xuất hiện, trên báo “Tiền phong” của T.Ư. Đoàn (số 2351, ra ngày 16/8/1973) có bài báo dài của tác giả Thanh Bình nhan đề “Quét sạch những tàn dư tệ hại của Khổng giáo”, với những kết luận chém đinh chặt sắt: “… chúng ta không thể dung hòa được với Khổng giáo cùng với hệ tư tưởng phản động và bảo thủ của nó”, … “chúng ta phải kiên trì đấu tranh để quét sạch nó ra khỏi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như quét sạch những đống rác bẩn vậy”!
Tiếp theo bài này, báo “Tiền phong” còn định ra cả một loạt bài khác nữa để công kích sự đề xuất kể trên của nhà giáo Nguyễn Lân, nhưng thủ tướng Phạm Văn Đồng đã can thiệp dừng lại. [1]  
[Những năm 1970, thái độ chính thống đối với Nho giáo nói chung và các tư tưởng của nó, ngoài việc duy trì định hướng “phản phong” vốn được đề ra từ trước, có lẽ còn được tăng cường do việc cảnh giác đề phòng “cách mạng văn hóa” qua của Hữu Nghị tràn vào đồng bằng sông Hồng!]
Trở lại câu hỏi: khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” xuất hiện trở lại trong ngành giáo dục từ khi nào? Thật chi tiết về việc này, nhất là khía cạnh “là chủ trương hay do tự phát” mà khẩu hiệu này được trương cao trên khuôn viên các ngôi trường? – thì cần có xác nhận của những người ghi sử ký ngành giáo dục (hiện ở ngành này bộ này có vị trí người ghi biên niên hay không?).
Đứng ngoài quan sát như tôi và phần đông bạn đọc, thì khẩu hiệu này có lẽ đã tái xuất hiện trong nhà trường Việt Nam từ những năm 1990. Mấy năm cao trào đổi mới có một số đề xuất cải cách giáo khoa, nhất là môn Văn, sao cho bớt khô cứng, chứ chưa nêu đến quan hệ thầy trò hay việc tăng trọng môn đức dục.
Phải tới những năm 1990, bước vào thời kinh tế thị trường ít lâu, thu nhập của dân cư mấy đô thị lớn khá lên, việc đầu tư cho sự học hành của con cái dần dần được chú trọng hơn, đương nhiên các bậc phụ huynh phải chú ý tới các thầy giáo cô giáo dạy dỗ con em mình. Chuyện dạy thêm học thêm diễn ra từ lâu, bất chấp sự ngăn trở hay khuyến khích, dần dần đã tạo ra một thị trường dạy học. Không ít giáo viên cải thiện được đời sống, tức là bù được phần lương quá nhỏ bé, bằng việc dạy thêm; lại có những ông thầy kiếm được tiền tỷ, mua nhà mua đất, sắm được tiện nghi đắt tiền, nhờ dạy thêm; đấy là sự thật; cũng như cái sự thật là ở từng vùng, các vị phụ huynh đều biết với mỗi môn nào thì có những thầy nào dạy giỏi, nên đưa con em đến học. Chính là lao động của những người thầy, bất luận trên giảng đường chính khóa hay trên các phòng dạy thêm, đã nâng giá trị người thầy trong cộng đồng, trước hết là trong con mắt những người có con em đang đi học. Ta cũng còn chưa thể kiểm chứng được giá trị của những thầy giỏi này, một khi cơ chế thi cử không còn nặng nề như bấy lâu nay.
Tất nhiên những phụ huynh thuộc loại nghèo hoặc hơi nghèo sẽ có lúc phải thấy “ghê răng” khi tính đến việc đưa con em mình tới học thêm ở những ông thầy được tiếng là giỏi nhất, nhiều học sinh đỗ đạt nhất, vì những mức giá học phí không hề thấp. Chính là tất cả những điều này, đặt trong kiểu thức học và thi hiện thời, đã nâng giá người thầy, cả khía cạnh dở lẫn khía cạnh hay.
Có thể nói, tâm lý coi trọng và đề cao người thầy và lao động dạy học chính là cơ sở tâm lý xã hội khiến cho khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” từ chỗ bị cấm đoán miệt thị trong “đêm dài bao cấp”, lại bỗng chốc được nêu cao trên khuôn viên các ngôi trường vẫn được những người quản lý nó mệnh danh là “nhà trường xã hội chủ nghĩa”.
Tất nhiên, như đã nói, điều đã khiến các ban quản trị nhà trường dùng đến khẩu hiệu trên, còn là những lo ngại về tình trạng được gọi là “xuống cấp” đạo đức xã hội có vẻ như biểu hiện ngày càng nặng và đáng báo động trong nhà trường, tuy rằng ban đầu người ta chỉ nhấn mạnh chuyện học trò hư, vô lễ, chứ rất khó khăn để ghi nhận các chuyện không hay trong giới giáo viên.
***
Thế nhưng có nên tiếp tục trương cao khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” cả trên khuôn viên các ngôi trường Việt Nam hiện nay cũng như trong lời nói hàng ngày hay không?
Tôi vẫn chưa quên cảm giác gì đó rất không thoải mái mỗi khi nhìn thấy khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” được sơn vẽ sao cho kích cỡ thật lớn, lại đặt ở vị trí đáng chú ý nhất, tại các ngôi trường Việt Nam.
Vì sao vậy? Vì nó lời lẽ bằng ngôn từ Hán Việt, không phải lời lẽ thuần Việt. Vì nó gắn với những thời kỳ rõ ràng là đã qua của giáo dục Việt Nam. Vì nó ngày càng bộc lộ yếu tố vay mượn ngoại lai mà cũng ngày càng rõ là không nên tiếp tục.
Nếu bảo ta vẫn có thể dùng “tiên học lễ hậu học văn” như khẩu hiệu trong giáo dục bởi nền giáo dục ta từ ban đầu vốn chịu ảnh hưởng Trung Hoa; thì cần đáp lại rằng: đúng là giáo dục ở Việt Nam xa xưa thuở ban đầu chịu ảnh hưởng giáo dục Trung Hoa, tiếp nhận cái học của Nho giáo, trong ngàn năm Bắc thuộc và suốt 9 thế kỷ các nền quân chủ độc lập. Nhưng từ cuối thế kỷ XIX và nhất là từ đầu thế XX, nền giáo dục ở Việt Nam đã chuyển sang tiếp nhận giáo dục của châu Âu, trực tiếp là của Pháp. Cho đến ngày nay, thử nhìn xem toàn bộ học vấn mà 12 lớp thuộc hệ nhà trường phổ thông của ta cung cấp cho học sinh là nguồn từ đâu? Rõ ràng có ít ra đến 99% các tri thức là từ nguồn Âu-Mỹ! Hãy xem từng môn vật lý, hóa học, toán, thực vật, động vật, … các tri thức là lấy từ đâu? Chắc chắn không lấy từ Khổng (Nho), Đạo hay Lão Trang. Chằng riêng gì ta, giáo dục phổ thông ở Hàn Quốc, Nhật Bản, ở chính Trung Hoa, Đài Loan, cũng đều như vậy. Vậy là về giáo dục thì toàn bộ các vùng châu Á trong đó có ta đều đã “thoát Á” rồi, có còn là kiểu trường học “chi hồ giã giả”, học tứ thư ngũ kinh, học viết văn bát cổ,… nữa đâu? Chẳng riêng gì châu Á, mà khắp hành tinh chúng ta, hệ thống các tri thức dạy cho các trường phổ thông, đều có nguồn Âu-Mỹ. Vậy thì nhà trường hiện tại đâu có còn dính líu gì nhiều với Nho giáo mà toan quay lại dùng các phương châm, khẩu hiệu rút từ nó?
Cốt lõi mệnh đề “tiên học lễ hậu học văn” là nhấn mạnh việc trau dồi tư cách đạo đức bên cạnh việc học lấy tri thức và kỹ năng. Đây là một phương châm không riêng gì của giáo dục ở phương Đông. Nhưng cách diễn đạt lấy chữ “lễ” đại diện cho toàn bộ phương diện đạo đức thì rõ ràng là một quy nạp quá lệch, tỏ ra cũ kỹ, lại rất dễ phát sinh hiểu lầm và bị lạm dụng; toàn bộ phương diện tri thức và kỹ năng mà người ta cần tiếp nhận trong sự học, đem gói vào chữ “văn” thì quả là sơ giản hóa đến mức khó chấp nhận.
Trong cuộc sống thường ngày, ngoài ý nghĩa lễ độ thông thường, “lễ” thường ám ảnh người ta ở một vài hàm nghĩa thông tục. Đối với phía người học, “lễ” dễ gợi tới sự khuất phục, – đòi hỏi học trò phải vâng phục, – điều mà càng học trò lớp trên càng khó có thể sẵn sàng thể hiện, do tư cách “người lớn” đang đậm dần lên ở các cô gái, chàng trai, họ không thể “phục” nếu người thầy không thật giỏi và không thật có tư cách. Đối với phụ huynh, “lễ” nổi bật nhất ở ý nghĩa cống nạp, – nó có cái gì đó nặng nề hơn so với sự trả công thông thường.  
Tôi biết là có bạn sẽ yêu cầu phải nêu những hàm nghĩa của “lễ” từ gốc, từ các kinh điển Nho giáo. Song đấy là lĩnh vực của giới nghiên cứu học thuật; người ngoài đời thường không đủ hiểu biết để tiếp cận như thế; họ chỉ hiểu và đụng chạm với “lễ” ở ý nghĩa thông tục mà thôi.
Cho nên, việc sử dụng lại khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” từ hơn chục năm nay, theo tôi, chỉ nên được xem là giải pháp tình thế. Đã đến lúc nên chấm dứt tình thế tạm thời này. Nếu cần khẩu hiệu, hãy gắng tìm từ những nguồn thuần Việt”; và nếu không tìm được từ nguồn “thuần Việt”, thì nên tham khảo những nguồn có quy mô thế giới, chẳng hạn từ nguồn của tổ chức UNESCO.
Trong bối cảnh thế giới hiện tại, ta cũng nên lưu ý đến những hiện tượng như các viện mang tên Khổng Tử được Trung Quốc lập ra ở các nước với tính cách những cơ quan truyền bá văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài. Cái tên của Khổng Tử và có lẽ cả học thuyết của ngài nữa, như vậy, đang được đóng dấu đậm bản quyền quốc gia Trung Hoa. Ta nên tế nhị với chuyện này. Ta nên tự chứng tỏ rằng: từ thời hiện đại, người Việt Nam chúng ta đã đứng ngoài biên giới của nền văn hóa Trung Hoa rồi, không còn đứng trong đó nữa, như ở thời trung đại. Khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” – vốn có xuất xứ từ Khổng Tử – càng nên được chúng ta sớm chấm dứt sử dụng trong hiện tại, để từ nay chỉ nên được ghi nhận như một trong những thứ ta đã từng vay mượn thời quá khứ xa xưa.   
20/7/2012
LẠI NGUYÊN ÂN       

Chú thích
[1] Trần Đình Hượu (1995): Đến hiện đại từ truyền thống, Hà Nội: Nxb. Văn hóa, in lần 2 có bổ sung, 1996, tr. 7 – 9; Trần Đình Hượu (2001): Các bài giảng về tư tưởng phương Đông /Lại Nguyên Ân sưu tầm biên soạn/ Hà Nội: Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2001, tr. 171-172.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Trung Quốc khiêu khích một cách không cần thiết

Bài đăng trên Vietnam+ 25/07/2012 | 05:42:00

http://www.vietnamplus.vn/avatar.aspx?ID=154472&at=0&ts=300&lm=634788010665470000
Thượng nghị sĩ John McCain


Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 24/7, Thượng nghị sĩ John McCain ra tuyên bố cho rằng các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là khiêu khích một cách không cần thiết.

Tuyên bố của ông McCain viết: "Quyết định của Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc triển khai quân tới các hòn đảo ở Biển Đông mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền là khiêu khích một cách không cần thiết."

Thượng nghị sĩ McCain cũng cho rằng việc Trung Quốc cử đại biểu của cơ quan lập pháp phụ trách các đảo và biển ở Biển Đông "chỉ làm củng cố thêm lý do tại sao rất nhiều nước châu Á ngày càng quan ngại về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bành trướng của Trung Quốc."

Đặc biệt, ông McCain cho rằng các tuyên bố chủ quyền này của Trung Quốc là "không có cơ sở trong luật quốc tế".

Ông McCain cho rằng các hành động của Trung Quốc trong trường hợp này là "đáng thất vọng và không phù hợp với một cường quốc có trách nhiệm."

Tuyên bố cũng khẳng định rằng "chúng ta (Mỹ) phải tiếp tục hối thúc tất cả các bên tuyên bố lãnh thổ ở Biển Đông tìm kiếm một giải pháp hòa bình, đa phương dựa trên luật pháp quốc tế và duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế."

Thượng nghị sĩ McCain thuộc đảng Cộng hòa, đại diện của bang Arizona. Năm 2008, ông là ứng cử viên của đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống. Hiện ông là thành viên cao cấp của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ./.

Đỗ Thúy/Washington (Vietnam+)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Chuyện "dế" vùng cao

Bài đăng trên Nông nghiệp Việt Nam Thứ Hai, 04/06/2012, 10:44 (GMT+7)

ĐẮC THÀNH

Điện thoại di động (dế) được người dân huyện vùng cao Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) dùng phổ biến. Từ ngày điện thoại di động có mặt cũng là lúc xẩy ra không ít chuyện bi hài.

Bụng đói nhưng phải có "dế"


Cô bé tên là Dáy ở xã Xa Dung đã nghỉ học từ lâu. Dáy phải đi nương cùng bố mẹ. Dáy bảo: “Nhà mình nghèo quá nên phải xa thầy cô, xa trường, xa lớp mình buồn lắm”. Khi tôi hỏi chiếc điện thoại di động bên hông, Dáy tỏ ra rất hãnh diện: "Nó là bạn mình đấy. Có nó mình đi nương đỡ buồn. Hôm rồi bố mẹ mới bán lợn mua cho Dáy đấy. Con lợn đó đổi được 2 cái điện thoại. Dáy 1 cái, đứa em mình 1 cái”.

http://nongnghiep.vn/Upload/Image/2012/6/4/d1.jpg
Những trẻ em đòi bố mẹ sắm cho một chú “dế” để lên nương


Khi ông mặt trời gác núi cũng là lúc bà con xuôi dốc về bản. Bên chiếc gùi nặng trĩu đựng đầy rau, đầy măng, dưa Mèo, tay ai cũng cầm điện thoại bật nhạc kêu inh ỏi. Xem qua, giá của mỗi chiếc điện thoại cũng tiền triệu chứ chẳng ít. Không riêng gì các thiếu nữ, các trai bản cũng nhất nhất phải thửa lấy một chú “dế” cho riêng mình. Tôi thầm nghĩ, chắc cuộc sống nơi đây phải giàu có, sung túc lắm.

Gặp trưởng bản Xa Dung A xã Xa Dung, anh Lầu A Của thở dài: Bản mình còn nghèo lắm. Cuộc sống của bà con trông cả vào nương rẫy. Vụ nào giàng (trời) cho ăn mới được ăn. Năm nào giàng trái tính chở nết, hạn hán hoặc mưa to khi hạt lúa mới tra xuống đều bị hư hết. Vụ mùa vừa rồi, lượng thóc thu về của các gia đình đều giảm sút nghiêm trọng.

Nghe vậy, tôi hỏi trưởng bản Của: Sao bà con trong bản mình dùng nhiều điện thoại di động thế? Câu hỏi của tôi vừa dứt, trưởng bản Của chỉ cười trừ rồi đưa tay gãi đầu: “Cái này khó nói lắm nhà báo à! Nó thích thì mua thôi. Bố mẹ không cấm được đâu. Ở đây, điện thoại đã “phổ cập” tới từng người trong gia đình rồi. Đặc biệt là lớp trẻ, chúng thích là bố mẹ phải mua cho. Giá trị của mỗi chiếc điện thoại bằng con lợn nhỡ đấy. Người Mông mua điện thoại chỉ để nghe nhạc mà không cần gọi, họ rất thích cài những bài hát có tiếng Mông”.

Hiện sóng di động đã phủ khắp các xã vùng cao của huyện Điện Biên Đông. Điều này đã thúc đẩy bà con mua điện thoại di động nhiều hơn. Nhất là loại điện thoại nghe nhạc được, giá cả cũng phải chăng từ 1-2 triệu đồng. Lúc đầu cũng chỉ có cán bộ dùng nó để phục vụ cho công việc. Dần dà bà con cũng mua, nhà nghèo hay giàu điện thoại đều phải có. Có gia đình cả bố, mẹ, con… đều sở hữu chú “dế” cho riêng mình. Mặc dù bát cơm hằng ngày vẫn còn vơi, manh áo mặc chưa đủ ấm khi đông về song điện thoại là thứ không thể thiếu.

http://nongnghiep.vn/Upload/Image/2012/6/4/d2.jpg
Dường như phụ nữ nào ở vùng cao cũng có chú “dế”


Tự tử vì điện thoại hết pin

Chiều muộn, đàn con của chị Só ở bản Xa Dung B xã Xa Dung mới đi làm về. Tiếng lợn kêu inh ỏi đòi ăn sau nhà. Mấy đứa trẻ quần áo lấm lem bùn đất cứ bám lấy chân mẹ đòi ăn. Cả 4 đứa con của chị Só đã nghỉ học. Tức mình chị Só quát: Cơm giờ mới đang sôi. Tý nữa thì ăn. Mà gạo cũng chỉ còn đủ nấu cho 2 tháng nữa thôi.

Nhà chị Só nghèo lắm. Mỗi năm vẫn thiếu ăn vài tháng là chuyện thường. Cái nương, cái rẫy ở ít trên núi cao, trời dừng mưa là cây ngô, cây lúa lụi bại ngay. Năm rồi nuôi được con lợn to, chị Só dự định bán con lợn để đong thóc, ngô phòng lúc giáp hạt. Biết mẹ chuẩn bị bán lợn, mấy đứa trẻ cứ nằng nặc đòi mua điện thoại cho bằng được. Chiều lòng chúng, anh chị đành xuống thị trấn mua cho mỗi đứa 1 cái. Thế là hết veo con lợn. “Đói cũng phải để con có điện thoại bởi lẽ, bạn bè chúng có, mình không có nó doạ ăn lá ngón tự tử thì nguy”, chị Só tâm sự.

http://nongnghiep.vn/Upload/Image/2012/6/4/d3.jpg
Từ ngày phủ sóng cùng cao, các cửa hàng điện thoại
xuất hiện nhiều thiếu nữ sắm “dế”


Nhìn những đứa trẻ mới lớn hãnh diện có chú “dế” giắt bên hông, ông Pha ở bản Xa Dung B, muốn ứa nước mắt. Năm ngoái đứa con gái của ông cũng nhí nhảnh yêu đời như thế. Vậy mà ông đã phải xa nó tròn 1 mùa rẫy rồi. Ông Pha kể, buổi chiều hôm đó, đứa em gái nó lấy điện thoại anh trai chơi, sau một hồi bị tắt. Thằng anh quát em: “Mày làm hỏng của tao rồi. Giờ lấy tiền đâu mà sửa”. Con bé Dơ khi đó mới 12 tuổi bị anh mắng chẳng nói chẳng rằng gì. Nó chạy một mạch vào rừng.

Khi ấy ông Pha tưởng nó giận anh rồi chạy đi chơi cho bõ tức. Chiều muộn, ông mới đi làm nương về cũng chưa thấy con bé nấu nướng gì. Ông chạy sang nhà hàng xóm hỏi thăm cũng không thấy bóng dáng con bé đâu. Sẩm tối, ông nghe tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch ngoài đường vào nhà. Ông vội ngó ra, thấy mấy trai bản cõng con bé Dơ về. Hai má nó căng phồng, mắt lồi to. Hoá ra nó giận anh ra rừng ăn lá ngón.

Ông Pha chua xót: “Thực ra cái điện thoại có hỏng gì đâu, chỉ vì ham nghe nhạc nên hết pin mà không biết sạc. Rồi thằng anh quát em đâm ra nó nghĩ quẩn và tìm đến cái chết”. Câu chuyện đau lòng đó mỗi khi nhắc lại khiến bà con trong bản lo lắng.

Một ông chủ cửa hàng bán điện thoại ở trị trấn Điện Biên Đông cho biết, lợi ích mà điện thoại đem lại không phải là nhỏ, song nó cũng gây ra không ít phiền phức cho bà con. Rất nhiều người trong khi không đủ ăn nhưng vẫn để dành tiền nạp thẻ vì “nghiện” gọi điện thoại. Rồi một số người thấy người khác có điện thoại đẹp quá nhưng không có tiền mua nên nảy sinh ý định ăn cắp, tuy không đến nỗi gây hậu quả nghiêm trọng song cũng gây mất tình làng nghĩa xóm... Và nhiều đứa trẻ còn doạ bố mẹ, nếu không mua điện thoại sẽ ăn lá ngón tự tử. Chiều lòng con trẻ, nhà nào cũng cố nhịn ăn để sắm “dế” cho chúng.

Đa phần người dân nơi đây thường sử dụng các loại sim khuyến mại. Dùng điện thoại có nhiều tin nhắn rác, quảng cáo đủ thứ trúng thưởng, tải nhạc… Mọi người cứ tưởng tất cả những thứ đó miễn phí nên ai cũng nhiệt tình nhắn lại. Chỉ sau 2-3 ngày số tiền trong tài khoản đã hết sạch.

Có những người trong 1 tháng nạp những 5 cái thẻ 100 nghìn đồng. Nói như trưởng bản Của: “Ô cái này nhỏ bé thật nhưng nạp bao nhiêu tiền vào cũng không vừa. Cả con lợn to “chui” vào nó cũng hết đấy!”.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

.
http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Funny%20stuff/Captions%20and%20Expressions/9c730e0a.png
.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Nghi án ông giáo già làm bé gái lớp 7 có thai

Thấy bụng con gái ngày một to, gia đình đi siêu âm mới biết cô bé mang thai tháng thứ 5, và "tác giả" là ông giáo về hưu sống sát nhà.

Ngày 28/7, ông Đặng Ngọc Thạch, Phó công an xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết, vừa chuyển hồ sơ vụ nghi án hiếp dâm trẻ em lên công an huyện điều tra theo thẩm quyền. Ba ngày trước, anh Hạnh (42 tuổi) lên trình báo con gái bị ông Đặng Thiền Thịnh (64 tuổi), nhiều lần quan hệ dẫn đến có thai.

Theo lời người bố, bằng việc dụ cho tiền mua kẹo cao su, ông Thịnh đã dụ dỗ bé Linh (13 tuổi) giao cấu. Gia đình phát hiện thấy con tăng cân, bụng ngày một to. Sau khi đưa con đi siêu âm, gia đình anh mới con gái đang mang thai tháng thứ 5. Người bố tá hỏa gặng hỏi, cô bé cho biết ông hàng xóm là "tác giả".

Bị triệu tập lên trụ sở, ông Thịnh thừa nhận hành vi gây ra cho bé Linh. "Sự việc phức tạp nên chúng tôi đã chuyển hồ sơ lên cấp huyện", ông Thạch nói và cho biết, sau khi lấy lời khai, ông Thịnh được bảo lãnh về nhà.

Theo lời ông Thạch, ông Thịnh vốn là giáo viên tiểu học nhưng đã về hưu từ nhiều năm nay. Dù có hai vợ và đông con nhưng ông Thịnh sống một mình trong căn nhà cấp 4. Hàng xóm cho biết, ông Thịnh sống khép kín, ít giao lưu với mọi người.

Hoàng Việt

* Tên bố con nạn nhân đã thay đổi
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chao chang

Xin chào các Bạn Tôi vừa đọc được bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa nhà báo đài VOV vừa đăng bài trên Blog Tiếng Việt.Xin đăng lại nên đây mời các Bạn cùng đọc nhé !

http://i1099.photobucket.com/albums/g381/anton_hoa7x/TRNNGKHOA.jpg

http://laokhoa.blogtiengv.../29/kha_n_nha_daoni_charc

KHÔN NHÀ DẠI CHỢ

TRẦN ĐĂNG KHOA

Mấy ngày gần đây, trong những chuyện phiếm bên quán nước vỉa hè, hay trên các hãng truyền thông, đều xôn xao những chuyện không lấy gì làm đẹp, trong phòng khám, phòng điều trị tư nhân có thày thuốc Trung Quốc. Điều đáng sợ hơn là đã xảy ra cả chuyện chết người. Nạn nhân là một phụ nữ chẳng có bệnh tật gì nghiêm trọng. Một cái chết vu vơ. Chết chỉ vì bị xốc khi truyền nước. Đó là một sơ xuất rất tối thiểu mà ngay cả một trạm xá cấp xã, cấp phường cũng khó vấp phải. Chúng ta không nghi ngờ nền y học Trung Quốc, đặc biệt là Đông y. Tuy nhiên, những thầy thuốc giỏi, những bác sĩ chuyên gia đích thực của họ đâu có sang ta để hành nghề. Làm việc trong mấy phòng khám tư nhân ở ta, có khi chỉ là mấy ông lang băm bán thuốc dạo, hay vài cậu sinh viên non choẹt vừa mới ra trường. Tay nghề không. Thực tiễn không. Kinh nghiệm không. Thế thì tránh sao được chuyện rủi ro, kể cả những cái chết bi thảm, những cái chết vu vơ rất không đáng có.

Điều chúng ta quan tâm, là tại sao những phòng khám tư nhân, với cái giá điều trị ngật ngưỡng ở …trên giời mà vẫn có bao nhiêu người nghèo sẵn sàng dồn cơ nghiệp và cả tính mạng của mình vào đấy để rồi cuối cùng chuốc lấy sự phiền toái, bùng nhùng, cả những cái chết vô cùng thảm khốc? Tất nhiên, ai rồi cũng sẽ chết vì bệnh. Nhưng những bệnh nhân đáng thương ấy không phải chết vì bệnh tật, mà vì bệnh …sùng ngoại. Cái gì của nước ngoài cũng tốt. Đến cả hàng hóa, vật dụng, hàng xách tay, hàng…ngoài luồng cũng đều …tốt cả. Còn những gì của ta cũng đều rẻ rúng, “hâm đơ”. Hãm. Từ hàng hóa, vật dụng, đến cả …con người. Các Hoa hậu của ta, phần lớn cũng sắm…chồng ngoại. Thế thì trách gì mấy bác nông dân chân lấm, tay bùn, bị nhức đầu, sổ mũi, hay cắt trĩ, truyền nước…, toàn những bệnh đơn giản, cũng phải kén bàn tay của bác sĩ ngoại, dù sự kén chọn ấy có phải trả cái giá ngất nghểu ở cái xứ …cung giăng thì cũng cứ chơi. Không đủ tiền thì bán đất cát, nhà cửa. Tính mạng còn chả tiếc thì tiếc gì mấy chuc …triệu bọ. (Giá cắt trĩ ở phòng khám tư có thầy thuốc Trung Quốc là 20 triệu đồng).

Thật hẩm hiu cho nền y học “nội địa”. Trong khi đó, chúng ta có rất nhiều thày thuốc giỏi, như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Tôn Thất Bách, Bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân, Bác sĩ Nguyễn Lân Việt, Lương y Bành Khừu, Bác sĩ Nguyễn Tài Thu, bác sĩ trẻ Nguyễn Lân Hiếu. Bác sĩ Hiếu là con trai Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng và Thày thuốc Nhân dân, Đại tá hàm Tướng Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Phó Viện trưởng Viện 108 Quân đội. Bác sĩ Lân Hiếu mổ tim thuộc hạng cự phách. Một học giả nước ngoài bảo tôi: “Về y học, chúng tôi chỉ hơn các anh máy móc và điều kiện làm việc thôi. Còn tài năng, kinh nghiệm, và đặc biệt là bàn tay khéo léo, chuẩn xác trong kỹ nghệ mổ xẻ, các bác sĩ của các anh thật đáng kính nể!”.

“Người Việt vốn dĩ có tinh thần cảnh giác cao độ. Kinh nghiệm từ những năm chiến tranh với cái giá quá đắt phải trả đã cho họ đức tính ấy”. Giáo sư J. Berke, một nhà Việt Nam học người Đức đã từng có nhận xét về chúng ta như vậy. Ông đã bảy lần sang thăm Việt Nam. Để khám phá Việt Nam, theo ông, chỉ cần có một công cụ, đó là cái xe đạp. Mà xe đạp thì rất sẵn. Chỉ bỏ ra hơn chục dolla là đã có cả một chiếc xe đạp rồi. Đi xe đạp Việt Nam rất hay bị xịt lốp. Nhưng không sao. Xe xịt ở bất cứ chỗ nào thì cứ tạt vào rệ đường. Thế là lập tức ở đó sẽ có ngay một ông thợ bơm vá xe đạp. Mà những ông thợ này rất đặc biệt. Họ không phải người bình thường. Họ là những anh hùng trong những năm chiến tranh. Đó là pho sử sống của cả một thời đại. Nhưng tốt nhất là cứ để họ tự nói. Người Việt sởi lởi lắm. Họ chẳng giũ được cái gì ở trong bụng. Nhưng mà đừng hỏi. Nếu cứ thật thà hỏi, hoặc tỏ ý quan tâm, lập lức họ sẽ nghi ngay mình là một thằng gián điệp quốc tế. Với người Việt, tội ác tày trời là tội làm gián điệp. Người Việt nhạy cảm lắm. Cảnh giác lắm, nên nhìn đâu cũng thấy địch!

Nhận xét của J. Berke như một chuyện đùa. Tuy thế, cũng không phải không có những điều khiến ta phải nghĩ ngợi. Một cây bút có tiếng chịu khó tìm tòi, vừa có tác phẩm mới, với giọng điệu hơi lạ, dù chỉ đơn thuần là một cách làm mới mình, để mình không giống với người khác. Vậy mà ông bạn tôi cứ truy hỏi: Cái cậu tác giả ấy là người thế nào? Nó ăn phải cái bả của địch hay do địch cài cắm?. Tôi bảo: Chả có địch nào chui được vào hàng ngũ của những người từng vào sinh ra tử. Mà cơ quan ấy cũng là mảnh đất lành. Một môi trường trong veo làm sao có chỗ cho cái ác nảy nở. Nếu cậu không tin, cậu cứ cử về đấy vài ba thằng gián điệp. Tớ bảo đảm với cậu chỉ sau mấy tháng, chúng sẽ thành lao động “tiên tiến” hay cá nhân “bốn tốt”!.

Ông bạn tôi bắt đầu cảnh giác. Rồi anh nghi ngờ cả tôi. “Không khéo thằng cha này cũng bị địch tiêm nhiễm rồi cũng nên”. Bà con mình thế đấy. Có thể cảnh giác, nghi ngờ với cả con cái, anh em ruột thịt trong nhà, nhưng lại nhẹ dạ cả tin với thiên hạ. Mà ai nói gì cũng tin. Các cụ bảo đó là bệnh “Khôn nhà dại chợ”.

Còn nhớ những năm 1997-1998, thương lái Trung Quốc sang ta mua mèo với giá cao, thế là vì cái “giá cao” ấy, mèo gần như tuyệt diệt, nông dân phía Bắc phải chịu đại dịch chuột hoành hành, khiến cả mùa màng xiêu điêu. Rồi những năm 2002-2003, thương lái Trung Quốc cũng lại sang mua móng trâu với giá cao. Cũng chẳng biết họ mua móng trâu làm quái quỷ gì mà mua với giá cao thế. Ở thời điểm ấy, cả chú trâu to lớn vật vã như thế mới có 5 triệu bạc mà chỉ riêng một cái móng trâu cũng đã gần một triệu bạc rồi. Thế là bà con lột móng trâu đem bán. Kết cục là trâu bò chết hàng loạt, ảnh hưởng nặng đến sức kéo của bà con nông dân nghèo phía Bắc. Để tiêu diệt cả con trâu, họ chỉ chi khoản tiền bằng đúng một chiếc móng. Thế thì chiếc móng trâu mà thương lái Trung Quốc thu gom là đắt hay rẻ đây?

Chưa hết. Hãy nhớ lại chuyện thu gom ốc bươu vàng, rồi thu gom đỉa của thương lái Trung Quốc mấy năm vừa qua, chúng ta cũng đã phải trả một cái giá đắt đến mức như thế nào? Từ các tỉnh phía Bắc, phong trào thu mua đỉa đã lan đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhiều người dân Hóc Môn còn đứng ra thu gom đỉa từ khắp các vùng lân cận. Thấy lợi, dễ làm mà giá cao, nhiều hộ dân Tây Ninh còn nuôi đỉa ngay trong ao hồ để mang bán cho thương lái Trung Quốc. Ngoài việc “sản xuất” đỉa, sản xuất ốc bươu vàng, họ còn đi thu mua của các hộ quanh vùng. Thương lái Trung Quốc mua gì, họ thu gom thứ ấy. Thương lái đặt với số lượng lớn rồi đột ngột “mất tích”. Mà đỉa với ốc bươu vàng sinh sản rất nhanh. Trời mưa, đỉa theo nước ùa vào cả nhà dân. Không phải chỉ trẻ con mà người lớn cũng sợ khiếp vía. Theo các nhà Động vật học, “đỉa là loài rất nguy hiểm do dễ sinh sôi nảy nở trong mọi điều kiện. Đặc biệt, ở những vùng đồng ruộng chiêm trũng. Trong khi đó, để tiêu diệt một con đỉa lại rất khó khăn, ngay cả việc đốt cháy, nếu không cháy hết còn sót lại một vài tế bào, gặp điều kiện thuận lợi cũng có thể phát triển thành một con đỉa bình thường. Đặc biệt, khi người dân đua nhau nuôi đỉa thì không thể kiểm soát được, đỉa tràn ra môi trường, trở thành hiểm họa, giống như hiểm họa ốc bươu vàng, chuột hải ly, rùa tai đỏ những năm trước đây”.

Thật quái quỷ! Và rồi còn ghê rợn hơn nữa là việc thu gom chè bẩn cũng lại của Thương lái Trung Quốc trong khu vực các tỉnh phía Bắc. Chỉ tính riêng ở Văn Chấn, Yên Bái, có thể nói, người người sản xuất chè. Nhà nhà sản xuất chè. Mỗi hộ gia đình chỉ bỏ ra 4 triệu đồng mua 2 máy vò chè và sàng chè, là đã thành một xưởng sản xuất chè tại gia. Chỉ sau 1 tuần sản xuất chè bẩn, họ đã thu hồi toàn bộ vốn. Còn sau thì lãi. Ở Hàm Yên, Tuyên Quang, còn có chuyện sản xuất chè bằng cách trộn phân lân hoặc nước bùn đất vào búp chè tươi già, qua công đoạn vò, phơi, được loại chè khô vừa nặng, vừa dẻo, cánh chè xoăn và xanh. Có một điều rất lạ, chè bẩn làm ra bao nhiêu cũng được thương lái Trung Quốc thu gom hết. Họ còn mua với giá cao. Thương lái Trung Quốc còn đến tận nhà hướng dẫn làm chè bẩn rồi bao tiêu trọn gói. Chè bẩn được đóng bao, đóng gói chở đi kìn kìn. Họ mua chè bẩn với số lượng lớn như thế về để làm gì thì chỉ có trời mới biết. Khi Trung Quốc đăng cai Đại hội Olympic, trước con mắt của bạn bè quốc tế, họ mời ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang sang cùng chứng kiến cảnh họ đốt chè, với lý do chè Việt bẩn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Vậy thì còn có quốc gia nào giám ký kết, đặt mua. Vậy là chỉ sau 6 tháng, toàn bộ ngành chè xiêu điêu. Hàng loạt doanh nghiệp gắn với chè bị phá sản.
Năm 2007, Tập đoàn Bưu chính viễn thông của chúng ta cũng thiệt hại hàng chục triệu USD khi bị cắt trộm mất 11 km cáp quang. Nhiều người cứ thắc mắc, không hiểu kẻ cắp cắt trộm cáp quang để làm gì, bởi chất liệu này không thể bán phế liệu được. Sau đó, khi Công an Bà Rịa - Vũng Tàu bắt được "cáp tặc" Nguyễn Thị Bích Phượng, từ lời khai của thị, mọi người mới tá hỏa: Hóa ra thị tổ chức cắt cáp để bán cho thương lái Trung Quốc. Thị cũng không hiểu thương lái Trung Quốc mua hàng đống cáp quang vụn của thị để làm cái quái quỷ gì?
Cũng may, thương lái Trung Quốc chỉ gom thu chè bản, cáp quang, đỉa ốc, móng trâu...Họ mà thu gom hài cốt thì không khéo khối người đào cả mồ mả, ông bà tổ tiên đem bán. Thật đáng sợ.

Bây giờ thì tất cả đã rõ. Bà con ta quá nêu cao cảnh giác, toàn cảnh giác nghi ngờ, rồi ứng xử hà khắc với con em ruột thịt trong nhà, nhưng lại ngờ nghệch, cả tin với người ngoài thiên hạ, cũng vì những lợi ích cỏn con trước mắt, nên bị mấy anh nghịch tặc phá hoại nó lừa. Và lừa rất manh mún, tiểu nhân, nhưng lại rất bài bản, có hệ thống với mọi tính toán rất kỹ lướng, và rồi hậu quả để lại cho chúng ta thì vô cùng nặng nề và không hề manh mún một chút nào.

Ôi! Người anh em Trung Quốc, “môi hở răng lạnh”, người luôn nêu cao “mười sáu chữ vàng” mà lại hiện hình rúm ró như thế sao? Tôi nói điều này cũng vì rất yêu đất nước anh em Trung Quốc. Đất nước của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tào Tuyết Cần, Lỗ Tấn… cùng với nền văn hóa vĩ đại mà tôi hằng ngưỡng mộ từ thuở ấu thơ! Chính vì yêu Đất nước Trung Quốc, nên chúng ta càng đau đớn, khi những kẻ giả danh người Trung Quốc, đã bôi bẩn đất nước Trung Quốc anh em vĩ đại, nhất là mấy anh Hải tặc đã bịa ra cái đường lưỡi bò, hòng thôn tính Trường Sa, Hoàng Sa và cả Biển Đông ngút ngát kia. Trung Quốc là một quốc gia giầu có, hùng mạnh. Sự bật dậy của người anh em thân thiết trong những năm gần đây làm chúng ta mừng rỡ vô cùng. Thế kỷ 21 mà chúng ta đang sống đây sẽ là thế kỷ của Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc, từ đồ tiêu dùng vụn vặt cho đến những mặt hàng cao cấp nhất cũng đã phủ khắp thế giới. Chẳng cần đến Trường Sa, Hoàng Sa và cả Biển Đông, Trung Quốc cũng vẫn là một quốc gia hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, vậy thì việc gì phải vơ váo những thứ không phải của mình. Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Đó không phải chúng ta tự tuyên bố, mà chủ quyền đó đã được chính người Pháp và bạn bè Quốc tế xác định từ mấy trăm năm trước. Trong bản đồ địa giới, hải giới của Trung Quốc, từ đời Nhà Thanh và trước nữa cho đến năm 1004 cũng không có Hoàng Sa, Trường Sa và cái đường lưỡi bò ma quỷ. Đấy là những bằng cứ hùng hồn, phủ nhận những trò tháu cáy của những kẻ tiểu nhân, rất không hảo hán. Việc làm đó chẳng biết có thu được lợi lộc gì không, vì không dễ làm được những điều khuất tất ngang ngược nhất là trong thời đại ngày nay, nhưng trước mắt, họ đã tự cô lặp mình trước cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với các nước trong khu vực, cùng thở chung một bầu khí quyển Biển Đông. Và nói như các cụ ta xưa, đó cũng lại là chuyện : “Khôn nhà dại chợ!”
TRẦN ĐĂNG KHOA
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chao chang

http://phapluattp.vn/2012...m-tien-cua-trung-quoc.htm


CON ĐƯỜNG NAM TIẾN CỦA TRUNG QUỐC

Con đường bành trướng xuống phía nam của Trung Quốc được thực hiện cả trên bộ lẫn trên biển. Nếu quá bị cuốn vào chuyện biển Đông, chúng ta có thể rơi vào bẫy của Trung Quốc.

Nhận định về công thức trỗi dậy của Trung Quốc, Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, cho rằng: “Ở đó có sự pha trộn những hàm lượng nhất định của chủ nghĩa bành trướng hiện đại, chủ nghĩa đế quốc mới và chủ nghĩa thực dân mang màu sắc Trung Quốc”. Nói cách khác, Trung Quốc theo đuổi việc mở rộng biên giới của mình bằng nhiều phương thức, nhiều hình thức khác nhau.

Các phía khác đụng đồng minh của Mỹ

Phân tích vị trí địa lý của Trung Quốc, ông Quách Hải Lượng không đánh giá cao cơ hội của Trung Quốc ở phía bắc (giáp với Nga), phía đông (bị Nhật Bản, Hàn Quốc án ngữ, mà đó là những đồng minh thân cận của Mỹ) và phía tây (giáp vùng Trung Á, vốn bất ổn với sự cạnh tranh của nhiều cường quốc). Hướng mở rộng của Trung Quốc gần như chỉ có một.

Nhận định này cũng trùng với ý kiến của TS chính trị học Đinh Hoàng Thắng. Trong một cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Thắng nói: “Phải thấy là Trung Quốc chỉ còn phía nam để phát triển xuống. Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương, nếu chỉ dừng chân trong lục địa Trung Hoa thì không được, mà các ngả khác thì bị chặn hết rồi”.

Biểu hiện rõ ràng nhất của tư tưởng “nam tiến” có lẽ đã xuất hiện từ thời Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Quốc từ năm 1949 đến năm 1976. Tháng 9-1963, Chu Ân Lai phát biểu trong cuộc gặp gỡ với các đại diện của Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Indonesia tại Quảng Đông: “Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông Nam châu Á” (Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm, NXB Sự thật, năm 1979).

Trung Quốc đầu tư hàng tỉ USD vào Campuchia. Đây là một “Angkor Wat trên biển” rộng 36.000 ha được xây dựng trong dự án của Trung Quốc ở Botum Sakor. Ảnh: REUTERS

Đồng tiền đi trước

Hiếm khi nào trong lịch sử sự hiện diện của Trung Quốc ở Đông Nam Á lại mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực như từ một thập kỷ trở lại đây. Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, với sự gắn kết chặt chẽ về địa lý và văn hóa với Trung Quốc, với những yếu kém nội tại của mình, là mắt xích yếu nhất dọc biên giới mà người láng giềng phương bắc của họ có thể khai thác. Đồng tiền đi trước, con đường đầu tư kinh tế có lẽ là lối đi nhanh và hiệu quả nhất. Trong một bài viết mới đây, nhà nghiên cứu Trung Quốc Bonnie S. Glaser (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) cho biết: “Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã theo đuổi một chiến lược ở Đông Nam Á với nội dung căn bản là sử dụng “củ cà rốt” kinh tế để làm tăng lợi ích của các nước Đông Nam Á trong việc gìn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc”.

Năm 2010, với những khoản đầu tư trị giá 2,9 tỉ USD, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Lào và có trong tay khoảng 10.000 km2 đất dự án, tương đương với 4% diện tích của cả nước Lào. Người Trung Quốc kiểm soát phần lớn nền kinh tế Lào, từ khai thác mỏ, thủy điện đến cao su, hay cả ngành bán lẻ và dịch vụ khách sạn.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Campuchia: Trong năm năm qua, Campuchia đã nhận được khoảng 2 tỉ USD tiền viện trợ từ Bắc Kinh với những điều kiện hết sức hào phóng.

Tại Myanmar, 8,7 tỉ USD đã được Trung Quốc rót vào các dự án đầu tư trong năm 2010, chưa kể khoản vay không lãi trị giá 4,2 tỉ USD. Tính đến tháng 7-2011, 800 dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn đăng ký 3,2 tỉ USD, đứng thứ năm trong các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

“Làm đường đến đâu xâm chiếm đến đấy”

Đầu tháng 7-2012, lần đầu tiên Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN với lịch sử 45 năm không thể đưa ra được thông cáo chung mà lý do là sự bất đồng của nước chủ nhà Campuchia với các nước có liên quan đến tranh chấp trên biển Đông. Nguyên nhân sâu xa này nhanh chóng được lý giải khi ngay sau hội nghị, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảm ơn Campuchia về sự hợp tác chặt chẽ của chủ nhà trong tiến trình hội nghị.

Nhà phân tích Bonnie S. Glaser nhận định: “Việc Trung Quốc gây ảnh hưởng khống chế lên Campuchia không phải điều đáng ngạc nhiên. Bắc Kinh đã cung cấp tới hơn 10 tỉ USD đầu tư trực tiếp cho Campuchia. Chỉ tính riêng trong năm 2011, lượng đầu tư mà Trung Quốc cam kết với Phnom Penh cao gấp 10 lần con số Mỹ cam kết. Sự phụ thuộc của Campuchia vào Trung Quốc, về mặt kinh tế, thể hiện rõ ở Cung điện Hòa Bình - công trình được xây bằng tiền tài trợ của Trung Quốc - là nơi họp hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua”.

Tháng 6-2011, thủ tướng Campuchia công khai khẳng định Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, đồng thời là nhà tài trợ lớn nhất trong việc giúp đỡ Campuchia xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm đường sá, cầu cống... Vấn đề ở đây, theo các nhà phân tích, là các thỏa thuận kinh tế luôn kéo theo những hệ quả chính trị, xã hội, quân sự đã được hoạch định từ trước đó.

Đại tá Quách Hải Lượng nói: “Trung Quốc rất giỏi trong việc xâm chiếm bằng cách làm đường. Làm đường đến đâu xâm chiếm đến đấy, di dân đến đấy. Họ mưu tính làm một con đường suốt từ Vân Nam đi dọc Lào xuống tới tận Tây Nguyên, mà ở đoạn cuối Tây Nguyên thì Campuchia và Lào cho họ thuê đất tới 55 năm. Như vậy cả khu vực sẽ gần như là đất của họ”.

“Đứng về chiến lược quân sự, đó là những con đường cơ động chiến lược và cơ động chiến dịch. Về kinh tế thì có thể khống chế được toàn bộ các hành lang quan trọng của bán đảo Đông Dương. Họ xây dựng cơ sở hạ tầng là nhằm như thế” - ông Lượng giải thích.

Trung Quốc đang nắn dần đường biên giới quốc gia không theo cách thức tấn công quân sự truyền thống mà bằng cách di dân. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy có khoảng 2,5 triệu người Hoa đến Đông Nam Á làm ăn sinh sống trong vòng 30 năm qua. Khoảng 1 triệu người Trung Quốc cũng đã di dân đến Myanmar trong giai đoạn 1995-2005, theo báo cáo của nhà nghiên cứu độc lập Sudha Ramachandran (Ấn Độ) và khoảng 300.000 người Trung Quốc đang sinh sống rải rác khắp nơi ở Campuchia. Đây hầu hết là lao động Trung Quốc tìm cách ở lại khu vực bản địa sau khi hết hợp đồng với các dự án. Họ thậm chí hình thành nên các khu "phố Tàu" như ở Mandalay (Myanmar) hay Viêng Chăn (Lào).

Tại Lào, một doanh nghiệp Trung Quốc đã thuê cả một thị trấn nằm sát biên giới hai nước và biến nơi đây gần như thành khu vực của riêng người Trung Quốc. Thị trấn rộng 21 km2 được đặt tên là Bò Thèn này có ngôn ngữ chính là tiếng Trung, thanh toán bằng nhân dân tệ và sử dụng giờ Bắc Kinh thay vì giờ Viêng Chăn. Hệ thống điện, viễn thông và ngay cả các lực lượng chức năng như công an cũng đều được “kéo” từ Trung Quốc sang. Lực lượng hải quan đã dời từ biên giới Lào-Trung xuống phía nam của thị trấn này. (Trung Quốc tăng cường di dân sang Lào, website nghiencuubiendong.vn, Học viện Ngoại giao, 29-3-2010).

Nói đến sự hiện diện của người Trung Quốc ở các khu Hoa kiều và nhiều khu vực có dự án đầu tư ở Việt Nam, Đại tá Quách Hải Lượng nói: “Nếu chấm trên bản đồ Việt Nam những khu vực có người Trung Quốc sinh sống, chúng ta sẽ có một tấm bản đồ da báo”.

Nguy cơ trên đất liền cũng không kém nguy cơ trên biển

Trên thực tế, biển Đông là một bộ phận quan trọng trong ý đồ nam tiến của người Trung Quốc, nơi họ muốn nắm lấy 80% diện tích vùng biển này như một cách mở rộng biên giới quốc gia trên biển một cách phi pháp.

Đại tá Quách Hải Lượng cũng cảnh báo về những nguy cơ trên đất liền, vốn quan trọng không kém các nguy cơ trên biển Đông: “Cần phải nhìn nhận quá trình nam tiến của Trung Quốc một cách toàn diện, trong đó không chỉ có khu vực biển Đông và hình thức xung đột quân sự. Đó còn là quá trình diễn ra trên đất liền với những hình thức chiến tranh kinh tế, chiến tranh tiền tệ, chiến tranh mạng, là bành trướng văn hóa, là áp lực chính trị, là quá trình di dân...”.

ĐOAN TRANG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Mật lệnh phía sau tấm HCV Olympic của Trung Quốc

   

(VTC News) - Ở tuổi 16, Shiwen Ye đã giành HCV Olympic nội dung 400m nữ hỗn hợp. Nhưng đằng sau tấm HCV ấy là những gì?


Sau 3 ngày thi đấu ở Olympic 2012, Trung Quốc tiếp tục là đoàn dẫn đầu Bảng tổng sắp với 9 HCV, bỏ xa đoàn xếp thứ hai là Mỹ tới 4 HCV.

Đó có thể là bất ngờ với rất nhiều nhà chuyên môn và người hâm mộ bởi Mỹ từ lâu luôn được coi là nơi tập trung của những cá nhân ưu tú nhất hành tinh, và sự thật là qua các kỳ Olympic, người Mỹ luôn thể hiện được sức mạnh tuyệt đối của họ, đặc biệt là ở hai môn thi cơ bản là điền kinh và bơi lội.
http://l.yimg.com/bt/api/res/1.2/ksqUsWLLojs5CekXcdCn3A--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTQyMA--/http://l.yimg.com/dh/ap/default/120730/shiwenye_hcv.jpg
Có ai biết được đằng sau tấm HCV Olympic này là những gì?

Olympic Bắc Kinh 2008, có thể coi là một ngoại lệ khi Trung Quốc lần đầu tiên vươn lên ngôi vị dẫn đầu toàn đoàn. Tuy nhiên, sau đó khi nhìn lại, các nhà quan sát cho rằng thành công ấy có đóng góp không nhỏ của yếu tố sân nhà. Không nhiều người dám tin vào một kỳ tích nữa sẽ lại tiếp tục xuất hiện ở Olympic London.

Nhưng diễn biến sau 3 ngày đầu tiên đã buộc tất cả phải suy nghĩ lại. Trung Quốc với gần 1,5 tỷ dân số (gấp 5 lần dân số Mỹ) hiển nhiên là có tiềm năng cực lớn và vô vàn những sự lựa chọn trước một kỳ Đại hội tầm cỡ thế giới.

Quá trình chọn lọc tự nhiên diễn ra cực kỳ khốc liệt ở đất nước đông dân nhất thế giới và có thể tin rằng chất lượng của hơn 300 thành viên Trung Quốc tham dự Thế vận hội lần thứ 30 hoàn toàn không hề thua kém những VĐV người Mỹ, những người luôn được coi là xuất sắc nhất hành tinh.

Cứ nhìn vào chiếc HCV của Shiwen Ye ở 400m nữ hỗn hợp là đủ thấy người Trung Quốc bây giờ “lớn” đến dường nào.


Thành tích của Shiwen Ye trong 50m cuối cùng quả thực là không tưởng

Cô gái trẻ 16 tuổi trong 50m cuối cùng bơi thậm chí còn nhanh hơn cả Ryan Lochte, nam VĐV giành HCV ở cùng nội dung trước đó. Rất nhiều nghi vấn liên quan đến doping đã được đặt ra cho riêng cá nhân Shiwen Ye và cả cho đoàn thể thao Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu lật lại những gì mà cô gái vàng này đã trải qua trong quá khứ, hẳn mọi người sẽ có một cái nhìn khác.
Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhà nước Trung Quốc đã ra một mật lệnh, có nội dung đại ý rằng những nhà vô địch trong tương lai phải được phát hiện và mài dũa ngay từ khi còn nhỏ.

Tư tưởng ấy đã ngấm xuống đến tận những giáo viên trong các nhà trường, và bên cạnh việc lên lớp giảng bài cho những cô cậu nhóc tì, họ còn một nhiệm vụ tối cao khác nữa là phải thu thập và báo cáo về những đứa trẻ có tư chất khác thường. Sau đó, Chính phủ sẽ sàng lọc lại một lần nữa và đưa chúng vào 1 trong số 3000 trại huấn luyện trên khắp cả nước.

Bản thân mẹ của Shiwen Ye từng cho biết, cô con gái nhỏ của bà được phát hiện tài năng từ rất sớm. Khi Shiwen Ye mới chỉ lên 5 hay 6 tuổi, cô bé đã cao hơn các bạn đồng trang lứa hẳn một cái đầu. Một vóc dáng có phần nam tính, với bàn tay và bàn chân rất dài đã đưa cô gái quê ở tỉnh Chiết Giang đến với nghiệp thể thao khi chưa đầy 7 tuổi.

http://l.yimg.com/bt/api/res/1.2/3JnN8Vc_6l.hARgh_ZRlmQ--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTQyMA--/http://l.yimg.com/dh/ap/default/120730/young_boy_girl.jpg
Những đứa trẻ Trung Quốc bị đưa vào những trại tập luyện từ rất sớm

Một chương trình đã được lập sẵn để đưa Shiwen Ye trở thành nhà vô địch thế giới. Gia đình cô được tạo điều kiện để chuyển về thành phố Hàng Châu, trong một căn phòng chỉ có 2 phòng ngủ. Và dù bản thân bà Qing Dingyi sau này khi nhớ lại vẫn cho rằng đó chỉ là một cuộc phiêu lưu và rằng ông bà không có quá nhiều tham vọng đặt vào cô con gái bé nhỏ, thì sự thật là Shiwen Ye đã chính thức “vào tù” khi cô bước sang tuổi 11.

Như hầu hết các môn thể thao Olympic khác, VĐV bơi lội buộc phải tham gia vào một quá trình tập luyện vô cùng khắc nghiệt, mà các nhà quan sát thường hay nói đùa là đi khổ sai trong những “nhà tù” của thế kỷ 19. Các em phải tham gia vào những bài tập nhằm phát huy hết khả năng của cơ thể để hiện thực hóa giấc mơ vàng.

Thay vì dành thời gian để đọc truyện trinh thám, “tám” cùng bạn bè và thậm chí là sơn móng chân cho mẹ, Shiwen Ye phải bơi liên tục dưới hồ bơi cho đến khi nào HLV của cô ra lệnh nghỉ để các nhân viên thay nước, phải lên xà đơn 20 lần/hiệp (điều mà ngay cả những người trưởng thành cũng không làm nổi) ở tuổi lên 7.

Cô cũng được huấn luyện để luôn giữ được vẻ mặt lạnh lùng trước khi thi đấu. 6 năm qua, tất cả những gì mà Shiwen Ye biết chỉ là ký túc xá Spartan với những bức tường lạnh lẽo, những bài tập khắc nghiệt và HLV Wei Wei.


http://l.yimg.com/bt/api/res/1.2/KbHOTWORPmtdsk_VVT4jtg--/YXBwaWQ9eW5ld3M7cT04NTt3PTQyMA--/http://l.yimg.com/dh/ap/default/120730/children_cry.jpg
Tấm HCV ngày hôm nay là kết tinh của rất nhiều giọt nước mắt trong quá khứ

Không những đổ mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu trên sàn tập, những cô bé cậu bé Trung Quốc còn được giảng dạy và bắt phải học thuộc lòng một nhiệm vụ thiêng liêng cho nước nhà mang tên: Đánh bại người Mỹ trên đấu trường thể thao.

Tuy nhiên trước các phương tiện thông tin đại chúng, những nhóc tì này không được phép hé răng một lời về sứ mệnh thiêng liêng mà chúng đang mang trên vai. Tất cả chỉ là những câu trả lời nhạt nhẽo, được lập trình sẵn như chính cái dự án mang tầm vóc quốc gia mà chúng đang tham gia.

Thay vì được phát triển bình thường và hưởng sự chăm sóc trong vòng tay cha mẹ, Shiwen Ye phải ra ngoài, tự lập từ rất nhỏ. Nhớ lại chuỗi ngày khó khăn của cô con gái bé bỏng, bà Qing Dingyi chỉ biết cười chua chát: “Dẫu sao nó cũng được ăn uống đầy đủ hơn ở nhà”.

(Còn tiếp)

Hoài Phong
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Điện tăng, ga tăng, xăng tăng, viện phí tăng...Trong khi đó sức mua giảm sút, hàng hoá tồn kho nhiều. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Vậy mà Chính phủ họp kỳ tháng 7 tuyên bố nền kinh tế đang đi đúng hướng và có nhiều triển vọng. Bác nào thông thạo việc này giải thích cho anh em nghe giùm với. Hay là tuyên bố theo kiểu thi ca ?
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [58] [59] [60] [61] [62] [63] [64] ... ›Trang sau »Trang cuối