Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [56] [57] [58] [59] [60] [61] [62] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

letam đã viết:

Vụ Tiên Lãng chắc "lảng" rồi nhỉ?
Tại tầm cỡ vụ này đã quá nhỏ so với những vụ mới.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Lại chuyện "tự nguyện đóng góp"... trong nước mắt

Bài đăng trên Dân Trí Thứ Sáu, 13/07/2012 - 11:28

(Dân trí) - Đúng là buồn hết sức luôn, quy định là thế nhưng đố nơi nào làm như thế. Con tôi học mẫu giáo đầu năm các khoản đóng góp đã 2,3 triệu, nhưng cô thu tiền lại còn đưa cho 1 tờ giấy mẫu ghi "tự nguyện đóng góp ủng hộ nhà trường"…

http://dantri4.vcmedia.vn/i:cvNlsQoYcVFxP1FHlpn/Image/2012/05/donggop137_838e2/minh-hoa-nguon-vtv6comvn.jpg
(minh họa, nguồn: vtv6.com.vn)



Hic, tự nguyện đóng góp nhưng mà ghi rõ "thấp nhất là 300 ngàn đồng". Phụ huynh "tự nguyện đóng góp" mà nhiều khi rơi nước mắt, vì sợ ai rằng cũng phải tự nguyện như thế và ai cũng sợ nếu không tự nguyện thì sẽ có thể hại đến con mình.

Thế là có con học mẫu giáo mà cũng đã coi như hết tháng lương của mẹ. Còn bố được 4 triệu đ/tháng thì không biết cả nhà sống sao đây??? Buồn vô cùng vì con mới vào mẫu giáo mà đã phải học trong môi trường giáo dục như thế, nhưng cũng chẳng biết làm sao hơn vì nơi đâu cũng vậy mà thôi.

Ngành Giáo dục nước mình cứ nói một đằng, làm (hoặc để cho làm) một nẻo như thế thì làm sao cho dân tin được đây??? Ôi!!! kêu ca thế mà có ông Giáo dục nào nghe không nhỉ, hay chỉ kêu thế cho đỡ... tủi, đỡ bức xúc đây??? Còn buồn lo thì... cứ việc!!!

Thu Ha

email:  thuha12_vn@yahoo.com.vn
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Cần xử lý nghiêm vụ côn đồ đánh dân

Bài đăng trên báo Người Lao Động Thứ Bảy, 14/07/2012 00:36

Công an tỉnh Hưng Yên chỉ đạo điều tra làm rõ việc người dân thuộc khu vực thu hồi đất của dự án Ecopark (xã Xuân Quan, huyện Văn Giang) bị đánh đập dã man vào chiều 12-7

Ngày 13-7, có mặt tại thôn 1, xã Xuân Quan, chúng tôi gặp hàng chục người dân tập trung phản ứng trước vụ việc hàng xóm, người thân của họ bị những kẻ lạ mặt hành hung một cách dã man vào chiều 12-7.

Bị truy sát, đánh hội đồng

Ông Đặng Văn Dật (thôn 1, xã Xuân Quan) cho biết khoảng 16 giờ ngày 12-6, 6 người dân ra cánh đồng Cầu Vai, khu vực nằm trong phạm vi dự án Ecopark. Khoảng gần 17 giờ thì phát hiện 3 người cởi trần, “tóc xanh, tóc đỏ” từ lán bảo vệ của công ty đang thi công tại dự án Ecopark chạy về phía họ. Thấy thái độ dữ tợn của toán thanh niên, cả 6 người bỏ chạy.

http://nld.vcmedia.vn/ldRiJZu45SPtwvaiFMeTUt4yJXTMrt/Image/2012/07/13/5P1010530_f20fc.jpg
Người dân xã Xuân Quan, huyện Văn Giang kể lại vụ bị hành hung với các phóng viên



Nhưng nhóm côn đồ hung hãn không dừng lại mà dùng gậy gỗ, tuýp nước và vỏ chai bia truy sát. Bốn người ở phía ngoài nhanh chân chạy được, còn ông Đàm Văn Đồng, Đàm Văn Nghiệp (đi cùng ông Dật) bị những kẻ hung hãn dùng gậy gộc, vỏ chai bia tấn công tới tấp.

Vì bị tấn công bất ngờ, cả nhóm  bỏ chạy vào nhà ông Nguyễn Hải Tần ở gần đó nhưng vẫn bị những kẻ lạ đạp cửa xông vào đánh tiếp. Ông Đàm Văn Đồng và ông Đàm Văn Nghiệp tiếp tục chạy sang nhà ông Lê Văn Hoan kế đó trốn tránh nhưng vẫn bị nhóm côn đồ rượt theo đánh, máu chảy lênh láng. Ông Đồng chạy tiếp được, còn ông Nghiệp gục xuống gần hàng rào.

Đánh cả người già

Chưa dừng lại, nhóm côn đồ này còn hành hung 2 người dân thôn 1, xã Xuân Quan khác là cụ Lê Thạch Bàn và ông Nguyễn Văn Khánh.  “Phẫn uất hơn là cụ Lê Thạch Bàn năm nay đã 73 tuổi mà bọn chúng vẫn nhẫn tâm dùng gậy gộc lao vào tận buồng nhà ông Khánh đánh cụ và cả ông Khánh. Cụ Bàn sợ quá chạy được ra sân thì bị 5 tên khác vây đánh tiếp, gây chấn thương nặng. Chỉ đến khi vợ ông Hoan là bà Ngoan hô hoán lên thì những kẻ côn đồ này mới vứt hung khí bỏ đi” - ông Dũng bức xúc.

http://nld.vcmedia.vn/ldRiJZu45SPtwvaiFMeTUt4yJXTMrt/Image/2012/07/13/5P1010545_e9c27.jpg
Người dân thu gom hung khí của những kẻ côn đồ



Sau khi nhóm côn đồ bỏ đi, ông Đồng, ông Nghiệp và cụ Bàn được người dân đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sông Hồng (huyện  Gia Lâm - Hà Nội) cấp cứu rồi chuyển tiếp lên Bệnh viện Việt Đức. Được các bác sĩ khâu vết thương, ông Đồng (khâu 10 mũi ở đầu) và ông Nghiệp (19 mũi ở đầu) đã xin về điều trị tại nhà. Còn cụ Bàn do tuổi cao sức yếu, lại bị đánh quá nặng nên vẫn đang phải tiếp tục điều trị tại Viện 108 (Hà Nội), với các vết thương ở đầu, tức ngực, tràn dịch phổi.

Tại hiện trường vụ hành hung kinh hoàng nói trên, người dân đã cung cấp nhiều bao tải gậy gộc, vỏ chai bia của nhóm côn đồ và quần áo, mũ bảo hiểm của nạn nhân dính đầy máu.

Vì sao họ bị đánh?

Câu hỏi đặt ra là vì sao những nông dân này lại bị đánh đập dã man? Theo các nạn nhân, việc họ bị hành hung là rất bất thường mà cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ, bởi từ trước đến giờ họ không gây hấn, mâu thuẫn với ai.

Vẫn còn bị đau sau trận đòn, ông Đàm Văn Đồng bức xúc: “Đây là lần thứ 5 tôi bị hành hung bởi những người lạ”. Ông Phạm Phú Chù, trưởng thôn 1, xã Xuân Quan, cũng khẳng định đây không phải lần đầu người dân bị đánh. Kể từ khi dự án Ecopark được thực hiện thì riêng thôn 1  đã có 4 vụ người bị các nhóm lạ mặt tấn công, đe dọa tại nhà riêng.

Điển hình như năm 2008, chính nhà ông Chù và ông Lê Văn Dũng đã bị hơn chục thanh niên mang theo gậy gộc vào tận nhà đe dọa, lăng mạ, nói rõ lý do vì các ông không đồng ý giao đất cho dự án. Năm 2009, gần 20 người lạ mặt đã xông vào nhà cụ Lê Thạch Bàn đe dọa và dùng bình xịt hơi cay tấn công. “Tất cả những vụ việc này đều được người dân báo cáo lên các cấp chính quyền cơ sở và cơ quan công an nhưng đến nay vẫn chưa xác định được các đối tượng gây rối” - ông Chù kể.

Điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng

Sáng 13-7, Công an huyện Văn Giang đã về làm việc với những người dân bị hành hung và khám nghiệm hiện trường. Đại tá Ngô Văn Phương, Trưởng Công an huyện Văn Giang, cho rằng nơi xảy ra vụ đánh người nằm trong khu vực dự án Ecopark và đây là địa bàn hết sức nhạy cảm. “Chúng tôi đã chỉ đạo bám sát địa bàn nhưng không ngờ xảy ra vụ việc đáng tiếc. Lãnh đạo công an tỉnh chỉ đạo chúng tôi sớm tiến hành điều tra và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng” - đại tá Phương nói.


Bài và ảnh: THẾ DŨNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Tham nhũng, đâu cũng có, song phải khách quan...

Bài đăng trên Tầm Nhìn Thứ bảy, 30/6/2012 9:43 GMT+7

(Tamnhin.net) - Hư hỏng, tham nhũng, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có, song phải có cái nhìn khách quan, biện chứng để không mất phương hướng...

http://tamnhin.net/Uploaded/thanhlongtn/Images/2012/thang%206-2012/4/TBT-Nguyen-Phu-Trong.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: ThanhNien)



Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh điều này khi giải đáp những băn khoăn của cử tri liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội), sáng 29/6.

Với sự tham gia của gần 150 cử tri, cuộc tiếp xúc đã ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn trên tinh thần xây dựng về các lĩnh vực đang gây bức xúc trong đời sống xã hội.

Phản ánh về những vấn đề bức xúc nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội đất nước, cử tri thẳng thắn nêu rõ công tác phòng, chống tham nhũng tuy đã đạt kết quả, nhưng nhìn chung việc giải quyết, xử lý các vụ việc cụ thể còn chậm chạp, chưa rõ trách nhiệm; vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước...

Theo cử tri Vũ Đình Hiền, tình trạng lãng phí, tham ô ngày càng trầm trọng, một số tập đoàn kinh tế lớn đang làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, khi phát hiện sai phạm thì người làm sai đã trốn thoát. Trong khi đời sống của người dân ngày càng khó khăn, giá cả sinh hoạt leo thang.

Cử tri Nguyễn Khách Thịnh, phường Giảng Võ cho rằng, sai phạm của Vinalines, Vinashin đem lại bài học cho công tác bổ nhiệm cán bộ. Quốc hội cần tăng cường giám sát các tập đoàn kinh tế vì có vốn đầu tư lớn, nên nguy cơ thất thoát tài sản lớn.

Cử tri Nguyễn Khách Thịnh đặt câu hỏi, ai chịu trách nhiệm về những sai phạm của các tập đoàn này? Trước Quốc hội, các bộ trưởng Tài chính, Kế hoạch Đầu tư đều khẳng định họ không liên quan. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không không nói về trách nhiệm đối với các tổng công ty này?.

Đề nghị phải gương mẫu thực hiện Nghị quyết từ trên xuống, cử tri Phan Ngọc Minh, phường Điện Biên phản ánh ý kiến của dân rằng, cứ nói chống tham nhũng nhưng hiếm thấy cán bộ tự khai nhiều tài sản và “không thấy ông nào nghèo cả”.

Cử tri Đức Trung cho rằng, các cơ quan chức năng của Chính phủ đã làm và đang làm rất nhiều cho nhân dân nhưng hình như chưa thật sâu, chưa đủ, chưa hiệu quả, rất nhiều lãnh đạo khi xuống cơ sở hứa suông rất nhiều.

Cử tri Vũ Đình phường Nguyễn Trung Trực đề nghị Đảng, Quốc hội phải kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với người lãnh đạo. Nếu tập đoàn, tổng công ty thuộc ngành nào sai thì Bộ trưởng phải từ chức trước. Bộ nào để doanh nghiệp thua lỗ thì phải quy kết trách nhiệm cá nhân rõ ràng chứ cứ quy cho tập thể là không ổn.

Các cử tri cho rằng, Nghị quyết Trung ương 4 ra đời rất đúng và trúng, được nhân dân đồng tình. Đây là một "liều thuốc" mạnh, mỗi đảng viên phải tự "uống thuốc", soi lại mình. Nhân dân đang trông chờ Nghị quyết được triển khai thế nào, thực hiện thế nào trong thời gian tới, trong khi tình trạng tham ô, lãng phí vẫn là "căn bệnh" trầm kha, điển hình là vụ tiêu cực Vinalines…

Cử tri Phan Hồng Vinh, phường Điện Biên, cũng cho rằng, nghị quyết của Đảng về chống tham nhũng tuy rằng muộn song vẫn rất cần thiết. Cán bộ cấp cao phải làm gương, nếu Quốc hội không làm đến nơi đến chốn thì mất lòng tin của người dân. "Nhiều người nói cán bộ không có ai nghèo vì cơ chế đã tạo điều kiện cho cán bộ kiếm tiền từ quà cáp, phong bì".

Giải đáp những băn khoăn của cử tri liên quan đến trách nhiệm và hoạt động của QH đối với công tác phòng, chống tham nhũng, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, một trong những mục tiêu cơ bản của Nghị quyết Trung ương 4 là phát huy và giữ vững bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của Đảng ta, khắc phục cho được những hạn chế, tiêu cực, đặc biệt là tham nhũng, hư hỏng trong Đảng, trong bộ máy nhà nước. Đây là câu chuyện không mới, nhưng tham nhũng, tiêu cực có xu hướng phổ biến hơn, tính chất nghiêm trọng hơn và phạm vi rộng hơn.

Hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 đang được tiến hành theo đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra, từ việc triển khai học tập Nghị quyết đến xây dựng chương trình, kế hoạch và có những việc đã được sửa chữa trong thực tế. Quá trình triển khai thực hiện có nhiều đổi mới. Và tinh thần là Trung ương và toàn Đảng đang quyết tâm rất cao, biện pháp đồng bộ, tổng hợp và dựa vào nhân dân, vào cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến thật sự trong thực tế.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, phải bình tĩnh, nhìn sự việc một cách khách quan, biện chứng, nhìn cả mặt tiêu cực và tích cực để tránh mất phương hướng. Thực tế, đi vào kinh tế thị trường tuy có sự quản lý của Nhà nước, nhưng cơ chế thị trường là lợi nhuận, là sự chi phối của đồng tiền. Cho nên, không sợ thiếu, không sợ đói mà chỉ sợ không công bằng. Vậy thì công bằng trong điều kiện nền kinh tế thị trường đang chuyển đổi hiện nay thì chấp nhận như thế nào? Mặt trái của cơ chế thị trường tác động, lợi ích nhóm là cái gì?...

Mở cửa, hội nhập quốc tế thì đất nước mới có cơ đồ như hiện nay, nhưng mặt khác lại có những mặt trái như tiếp nhận những nét văn hóa không phù hợp; phân biệt và xử lý các mối quan hệ quốc tế như thế nào? Ai và lúc nào là đối tác và lúc nào là đối tượng... Chúng ta nghiêm khắc nhìn thẳng vào sự thật, nói hết các hiện tượng tiêu cực, nhưng thấy tiêu cực không phải để bi quan, mất niềm tin. Muốn vậy thì phải làm cho dân tin bằng đường lối, chính sách, bằng kế hoạch cụ thể và những con người hết lòng vì Đảng, vì nước. Trả lời câu hỏi của cử tri, QH có chấp nhận tiêu cực, tham nhũng không, Tổng bí thư khẳng định dứt khoát: - Không.

Đánh giá cao các ý kiến của cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chia sẻ tâm tư chờ đợi và hy vọng vào kết quả thực hiện nghị quyết Trung ương 4 được nêu ra ở nhiều ý kiến. Ông nói, cử tri rất chờ đợi và hy vọng xem có làm được không, nếu không làm được nữa thì càng mất lòng tin nên sức ép rất lớn, cách làm là lâu dài, làm đi làm lại. Nói Nghị quyết Trung ương 4 là phải phát huy cho được và giữ vững bản chất cách mạng của Đảng ta, khắc phục cho được hạn chế tiêu cực đặc biệt là tham nhũng, hư hỏng.

Ông cũng cho biết, việc thực hiện Nghị quyết hiện nay đang làm theo đúng tiến độ, có những việc đã thực hiện rồi, đã sửa chữa trong thực tế rồi. Có những việc nhỏ thôi, như đi cơ sở không còn khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng”, một số trường hợp cán bộ cũng đã thay đổi, xử lý kỷ luật. "Bà con bảo phải xử từ cấp cao, chứ không chỉ “tắm từ vai tắm xuống”, nhưng phải làm đúng quy trình, kiểm điểm tự phê bình từ tháng 7 sẽ làm từ cấp cao nhất, làm bước nào chắc bước ấy".

Tổng bí thư nói: câu hỏi đang đặt ra là thế nào là đạt yêu cầu, lần này quá trình chúng tôi làm có một yêu cầu mới, làm xong mới báo cáo kết quả được, bây giờ nói sợ hơi sớm, song tinh thần quyết tâm cao, biện pháp đồng bộ, tổng hợp, dựa vào nhân dân, vào cán bộ Đảng viên chứ chỉ có nội bộ làm thì không ăn thua.

Tổng Bí thư khẳng định vai trò cực kỳ quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nghị quyết Trung ương 4 ra đời đã đáp ứng được sự mong đợi của tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân. Nội dung Nghị quyết được đánh giá là rất “trúng” và “đúng”, nhưng chuyển biến trong thực tế như thế nào mới quan trọng. Toàn Đảng, toàn dân đã quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao và nghiêm túc triển khai bằng các chương trình kế hoạch hành động.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết phải được tiến hành bài bản, kiên quyết, lâu dài, nhằm giữ cho được và không ngừng phát huy bản chất tốt đẹp của Đảng ta, dân tộc ta, khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém, tiêu cực. Tổng Bí thư lưu ý, cần nghiêm khắc nhìn thẳng vào sự thật, nhận rõ tồn tại, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa, nhưng cũng hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, thấy cả mặt tốt và mặt xấu, thành tựu và hạn chế, để không mất phương hướng, không mất niềm tin.

Hải Hà
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Khi loãng... lương tâm, khi tắc... trách nhiệm!

Tác giả: Kỳ Duyên

Bài đăng trên Tuần VietNamNet 14/07/2012 05:00 GMT+7

Nhìn vào y tế nước Việt, người ta sẽ thấy nước Việt hạnh phúc hay nước Việt... buồn?

Sự sống vốn rất trân quý, nhưng vì thế nó cũng luôn bất ổn, mong manh, vì phải chứa đựng, thậm chí là đối mặt với những rủi ro. Như sống đối mặt với cái chết. Như khỏe mạnh đối mặt với ốm đau. Như hạnh phúc đối mặt với bất hạnh.

Khi đó, nghề chữa bệnh, trị bệnh ra đời. Có khi chữa bệnh thể chất, có khi chữa bệnh...tâm hồn. Và không thể khác, y đức là cái căn cốt nhất, phẩm chất đầu tiên, duy nhất và cuối cùng của người thầy thuốc trên hành trình nhân thế của họ.

Có lẽ khó có nghề nào cao cả và được kính trọng hơn nghề y. Vì sứ mạng "cứu người" của nó.

Cũng có lẽ, khó có nghề nào có một lời thề trọn vẹn và được tạc trong lịch sử y học nhân loại, như Lời thề Hippocrates.

Tha hóa và... tăm tối

Nhưng, tự lúc nào, trong xã hội ta, nghề y trở thành một trong những nghề lắm... thị phi? Nói điều này, người viết bài xin được xin lỗi những thầy thuốc chân chính, có lương tâm, luôn nặng lòng trước những số phận con người không may bất hạnh bởi bệnh tật, tai ương.

Lâu nay, có một câu nói trong chính trị: Quyền lực dễ dẫn đến sự tha hóa. Câu nói đó hóa ra, không loại trừ cả nghề y. Quyền lực ở đây là quyền lực cứu người. Và sự tha hóa, tiếc thay cũng đã bộc lộ hết chân tướng của nó, đến xấu hổ.

Đó là câu chuyện của bà bác sĩ T. B. H, Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, vừa bị cách chức vì liên quan đến nghi vấn pha loãng máu để... truyền cho bệnh nhân. Sự việc bắt đầu bằng hiện tượng thân nhân nhiều người bệnh phản ánh bệnh nhân- người nhà của họ được truyền máu, nhưng sức khỏe ngày một sa sút.

Thật ra trước đó, thông tin nhiều tờ báo cho biết, lâu nay, tại Khoa Xét nghiệm của BV Đa khoa Hà Tĩnh, đã diễn ra một việc thật... "thất y đức". Mỗi bịch máu 250 cc bị chia thành 2-3 bịch, và được tiêm... nước muối sinh lý vào cho đủ trọng lượng. Và loại "máu nước muối" đó được dùng để truyền cho bệnh nhân cấp cứu hoặc cho người cần máu.

Đương nhiên, điều gì đến phải đến.

Kết quả thanh tra đã phát hiện: "Có 4 túi máu bất thường nằm trên tủ máu của bộ phận huyết học -Khoa Xét nghiệm. Qua kiểm tra, 4 túi máu đều có phần huyết cầu thấp hơn so với các túi máu khác, chỉ còn 1/3 đến 1/2 so với quy định.

Quá trình truyền máu tại khoa Xét nghiệm bộc lộ một số sai phạm, vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động truyền máu. Việc quản lý, bảo quản và sử dụng máu trái với qui định của Bộ Y tế."
((Thanh niên online, ngày 4/7).

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/Uploads/1a_1342165801.jpg
Ảnh minh họa: SGTT



Đọc tin mà thấy rùng mình. Máu pha loãng, hay lương tâm các vị thầy thuốc đã bị... pha loãng, đến thành nước lã? Nhạt thếch, giá băng tính người, và tình người.

Người viết bài kinh hoàng tự hỏi: Điều gì đang xảy ra trong tâm hồn mỗi con người chúng ta ở đời sống này? Điều gì đang xảy ra trong tâm hồn những người được gọi là thầy thuốc kia, như bà T. B. H?

Khái niệm "thầy thuốc", mà ở đây lại là một người phụ nữ, luôn  hàm chứa tất cả những phẩm cách "người" đẹp nhất-  nhân ái, vị tha, bao dung... Hóa ra, nó hàm chứa tất cả những gì ma quái đáng sợ nhất- tối tăm, tham lam, nhẫn tâm...

Lâu nay, người ta thường nghe nói về sự "rút ruột" công trình. Bê tông cốt thép hóa ...cốt tre. Xi măng hóa...cát. Nay, người ta toan tính và đang tâm đến mức rút ruột cả bịch máu, thì kinh khủng quá. Nó thất đức, tàn tệ quá. Mất hết tính người. Đó cũng chính là tội ác!

Phải chăng, cái chủ nghĩa "phong bì" đang... định hướng, đưa đường dẫn lối cả trí não, con tim mù lòa của con người, như bà bác sĩ T. B.H? Máu thì đỏ, nhưng chắc chắn, trong lý lịch hành nghề của bà T. B. H từ đây, đã có một "vết đen" điếm nhục.

Chua chát nhất, ngày càng có nhiều người thầy thuốc chuyên chữa bệnh thể chất cho con người, nhưng lương tâm họ, tâm hồn họ, xem ra, lại rất cần có pháp luật chữa trị.

"Tắc mạch" gì?

Ông bà chúng ta từ xưa đã có câu tổng kết: Cửa sinh là cửa tử, để nói hết cái mong manh, cái nguy hiểm của người đàn bà khi phải "vượt cạn"- sinh nở. Chả thế, ca dao có câu: Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà vượt cạn đơn côi một mình.

Nhưng chưa bao giờ, ở thời hiện đại, y học phát triển với những điều kiện kỹ thuật cùng kiến thức sinh sản của nhân loại giàu có, phong phú như hiện nay, mà cái cửa sinh là cửa tử lại đe dọa sự sống của người đàn bà Việt nghiệt ngã đến vậy?

Liên tiếp, mới hơn tháng rưỡi (từ 18/4 đến 31/5) đã có gần 10 vụ tai biến sản khoa làm các sản phụ và bé sơ sinh tử vong, khiến dư luận xã hội từ kinh hoàng chuyển sang phẫn nộ, bất bình.

Vì chất lượng y tế ở các bệnh viện lâu nay vốn đã khiến niềm tin của người dân bị...tổn thương nặng. Còn như GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó CT Hội Sản phụ khoa VN, một thầy thuốc rất nổi tiếng trong lĩnh vực này đã phải đau xót: Sản phụ tử vong nhiều, dân căm phẫn là đúng!

Căm phẫn vì nghi ngờ sự vô cảm, sự thờ ơ, trước sinh mạng con người của nhiều thầy thuốc ở nhiều bệnh viện đã thành khá phổ biến, thậm chí có trường hợp còn gian dối để trốn tránh trách nhiệm.

Mới đây, cơ quan chức năng đã phải vào cuộc, điều tra trường hợp tử vong của sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, do hồ sơ bệnh án của người sản phụ không may này (thuộc Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi) bị phát hiện có dấu hiệu vi phạm hình sự- chỉnh sửa bệnh án.

Căm phẫn và cả đau khổ vô cùng, vì tuy nghi ngờ, nhưng người dân lại luôn... đơn độc trước "lý lẽ" của các bệnh viện.

Đó là do: Người dân không có chuyên môn, không đủ khả năng thẩm định dịch vụ y tế được nhận có đúng không. Sự can thiệp, chỉ định của bác sĩ là sớm hay muộn, chính xác hay sai lầm...

...Trong khi đó ở xã hội ta, hệ thống thanh tra y tế chưa hoạt động độc lập. Chưa có một hệ thống giám sát độc lập đủ sức "đối trọng" với ngành y tế (ở khía cạnh chuyên môn)


Rút cục, họ đành chấp nhận những bất hạnh, rủi ro, của người ruột thịt, ngậm ngùi biện lẽ đó là số phận, dù tâm không phục.

Đáng chú ý, về phía các bệnh viện, đều có một cách lý giải chung- thực chất giông giống sự... ngụy biện khi cho rằng, nguyên nhân các ca tử vong rơi vào các tai biến "hiếm gặp" trên thế giới như thuyên tắc ối, thuyên tắc phổi. Điều đó có thực không?

Kết quả điều tra tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, giai đoạn 2006-2007, (Viện Chiến lược và Chính sách y tế- Bộ Y tế) công bố vào tháng 4/2011 cho biết: 71,5% các tử vong mẹ là do các nguyên nhân trực tiếp và 16,3% là do các nguyên nhân gián tiếp. Đáng chú ý trong số 71,5%, chỉ có khoảng 4,1% trường hợp tử vong mẹ là do tắc ối, một tỉ lệ thấp nhất trong số các nguyên nhân gây tử vong mẹ.

Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, hơn một tháng rưỡi, có tới 6/9 trường hợp tử vong mẹ được kết luận là thuyên tắc ối (hay còn gọi là tắc mạch ối). Điều này có thuyết phục được dư luận xã hội không?

Liệu có "mẫu số chung" về năng lực chuyên môn cộng với trách nhiệm thầy thuốc, khiến cho không ít sản phụ và trẻ sơ sinh phải chết oan không?

Sản phụ tắc mạch ối, hay chính các thầy thuốc, các bệnh viện đang tắc mạch... trách nhiệm?

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/Uploads/1b_1342165809.jpg
Đám tang của một sản phụ tử vong bất thường tại bệnh viện



Kết quả điều tra cũng cho thấy, nơi để xảy ra tai biến sản khoa gây tử vong tập trung nhất ở bệnh viện tỉnh (62,5%), bệnh viện huyện 16% và bệnh viện trung ương 6,5%. Tỷ lệ này logic với thực tế xã hội VN.

Thông thường, sản phụ ở xa không có nhiều điều kiện lên các bệnh viên TƯ, và không tin vào tuyến huyện, nên thường tập trung vào bệnh viện tuyến tỉnh. Trong những cái dở (huyện, tỉnh), họ chọn cái đỡ dở (tỉnh) hơn cả. Đâu ngờ, kết cục lại bi thảm nhất!

Thực trạng đau lòng về tỷ lệ sản phụ, trẻ sơ sinh tử vong, cũng chỉ là một phần nhỏ phản chiếu "lỗi hệ thống" của ngành y tế, hàm chứa 3 "khuyết tật" lớn:

- Chất lượng đào tạo của các trường y và khâu tuyển dụng bác sĩ ở các địa phương đều có vấn đề.

- Các trang thiết bị kỹ thuật y tế chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác năng lực chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc sản khoa, của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trang thiết bị y tế  chưa tương ứng với những đổi mới về kỹ thuật và công nghệ.

Trong ngành y, môi trường hành nghề, nghiên cứu y học, và thiết bị kỹ thuật, mang ý nghĩa điểm tựa quan trọng cho sự tiến bộ hoặc lạc hậu về chuyên môn của người thầy thuốc.

- Những tiêu cực của "thời kim tiền" đã thổi một luồng gió... độc vào đội ngũ thầy thuốc, mà ngành y tế thì "bó tay.com", không có phương thuốc cứu chữa.

Có lẽ không có ngành nào, mà quyền hành coi thường, mắng mỏ con người, thậm chí nhẫn tâm, lại công khai như ở ngành y, trong khi lương tâm và trách nhiệm thầy thuốc lại... bỏ ngỏ. Đến mức có trường hợp, người nhà bệnh nhân đuổi đánh, hành hung cả thầy thuốc. Cái bi kịch đó luôn rình rập các bệnh viện và các thầy thuốc, nói điều gì?

Trong nhiều ý kiến, người viết bài rất chú ý đến giải pháp của TS, bác sỹ Trần Thị Hoa, Giám đốc điều hành Dự án Khu liên hợp bệnh viện CHI (huyện Đông Anh, Hà Nội). Giải pháp này không mới, vì thực chất là nó quay về... cái cũ, nhưng là cái cũ phù hợp thực tiễn VN, rất có hiệu quả, nhưng đã bị lãng quên.

Đó là nên thiết lập lại chương trình Chăm sóc Sản khoa/ Làm mẹ An toàn phủ khắp trong cả nước.

Theo bác sĩ Trần Thị Hoa, chương trình này do WHO/UNICEF/UNPFA khởi xướng tại nhiều quốc gia ở Á và Phi, bắt đầu từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ XX.

Với chương trình này, có thể ngăn chặn tối đa các tai biến này cũng như có thể hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong mẹ và em bé, với điều kiện phụ nữ trong suốt thời kỳ mang thai được tiếp cận dịch vụ Chăm sóc Sản khoa đúng cách.


Câu trả lời bây giờ, thuộc Bộ Y tế.

Chỉ mong "thấy mình được là... người"!

Có một sự ngẫu nhiên, nhưng không hay lắm, thậm chí gây "phản cảm".

Đó là vào đúng lúc dư luận xã hội hết sức phẫn nộ, bất bình vì dồn dập hiện tượng các sản phụ, trẻ sơ sinh tử vong, thì Viện Nhi Trung ương bắt đầu thu phí "giá cắt cổ". Nằm viện 1 tháng ở Khu Điều trị tự nguyện A, 1 bệnh nhi phải nộp gần... 100 triệu đồng.

Đây chỉ là 1 ví dụ cụ thể của việc thực hiện chính sách "xã hội hóa", bên cạnh khung viện phí mới do Liên bộ Y tế - Tài chính mới ban hành.

Đáng chú ý nhất, nếu như Thủ đô Hà Nội, 1 trong những địa phương có thu nhập cao trong cả nước, chỉ định áp dụng mức viện phí bằng 73% - 86% khung giá quy định, thì có tới 16 tỉnh, hầu hết đều thuộc các tỉnh nghèo, khó khăn như Lào Cai, Sơn La, Đắk Lắk, Sóc Trăng..., đề xuất áp dụng 90% - 100% khung viện phí.

Nếu vậy, thì những người bệnh nghèo "tắc mạch... túi", chắc chỉ có nước đi theo những sản phụ bị tắc mạch ối, mà thôi!

Người viết bài chợt nhớ tới câu trả lời của một quan chức ngành y tế trước đây, khi bị chất vấn về việc tăng viện phí liệu có tăng chất lượng chữa bệnh? Câu trả lời thật bất ngờ: Chưa dám khẳng định, vì chất lượng chữa bệnh... phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện khác!

Xin miễn bình luận cho câu trả lời này, vì nó quá khôn mà không... ngoan tí nào.

Còn những người bệnh giàu có thì sao?

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế, mỗi năm có khoảng 40.000 người VN ra nước ngoài chữa bệnh ở Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan..., với khoảng 1 tỉ USD viện phí. Dĩ nhiên, viện phí rất cao. Thậm chí, trong đó, có không ít người bệnh là bác sĩ. Xã hội ta đã có hiện tượng "tị nạn giáo dục", liệu nay sẽ có hiện tượng "tị nạn...y tế" không?

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/Uploads/1c_1342165818.jpg
Ngày càng nhiều người bỏ tiền ra nước ngoài chữa bệnh. Ảnh minh họa



Vì sao?

Câu trả lời của 1 bệnh nhân đã sang bệnh viện M.Elizabeth (Singapore) chữa bệnh ung thư gan: Vào Bạch Mai và sang bệnh viện này, kết quả chẩn đoán và hướng điều trị không khác nhau nhiều. Nhưng sang bệnh viện ở Singapore, tôi mới thấy mình được là... người.

Vì không có cái ngột ngạt, 3- 4 người mắc trọng bệnh phải nằm chung một giường. Không bị "cò" bủa vây, không bị bác sỹ quát mắng, không bị thủ tục hành chính "hành hạ". Không có những khoản "không có hóa đơn" như ở bệnh viện VN.


Ở đó, chỉ có mỗi cái duy nhất: Đó là lòng nhân ái với người bệnh của các thầy thuốc, khiến người bệnh thấy mình được an ủi, và cảm thông.

Không phải ngẫu nhiên, trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, gọi bệnh viện là "nhà thương". Đâu chỉ là cách giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, mà cái chính, ngay khái niệm "nhà thương" đã toát lên bản chất nhân bản của nơi chữa trị, cứu giúp những con người không may ốm đau, mắc bệnh.

Tự lúc nào, nhà thương thành "nhà... ghét" trong con mắt người dân?

Y tế là 1 trong những ngành đem lại hạnh phúc hoặc u buồn cho 1 dân tộc.

Nhìn vào y tế nước Việt, người ta sẽ thấy nước Việt hạnh phúc hay nước Việt... buồn?

---------------------

Nguồn tham khảo:

Sản phụ tử vong nhiều, dân căm phẫn là đúng

Vin cớ sản phụ tắc mạch ối, bác sĩ 'rửa' tội?

Lý do sản phụ tử vong không có gì huyền bí
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Dân nhà giầu và nhiều quan chức Việt từ lâu đã và đang "tị nạn" đủ thứ. Đâu chỉ có giáo dục và y tế.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Tốt và thật

Bài đăng trên Tiền Phong 10:09 | 15/07/2012

TP - Tại buổi họp Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, ông Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An nói, sẽ rà soát toàn bộ lực lượng kiểm lâm và “Phải chọn người thật tốt để làm kiểm lâm”.

Phó chủ tịch tỉnh Thái Nguyên cũng bức xúc: Có bao nhiêu vụ lâm tặc được lực lượng kiểm lâm trực tiếp phát hiện? Bao nhiêu vụ bắt giữ khi đi tuần? Bao nhiêu vụ do kiểm lâm tổ chức đánh án? Lực lượng kiểm lâm thừa nhận không có vụ nào.

Cuối năm ngoái, nhóm Forest Trend công bố kết quả nghiên cứu: kiểm lâm được hưởng lợi 30% từ việc buôn gỗ lậu.

Nước ta có rừng vàng biển bạc. Biển đang dậy sóng, rừng thì như vậy đấy. Người trong ngành rừng không sợ mất rừng, không sợ bị dân tố cáo, vậy còn ai giữ rừng? Hành xử như với rừng Ba Bể, rừng ở Thái Nguyên vừa qua, kiểm lâm đã tự biến mình thành trung gian, thành “cò” cho lâm tặc và đầu nậu.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói với báo Tuổi trẻ: Về làm dân tôi nghe được tiếng nói thật lòng. Nhiều chuyện không thể tin được vẫn diễn ra hàng ngày, ai ai cũng ta thán về khó khăn đời sống và làm ăn, cũng không hài lòng về nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Còn PGS.TS Bùi Đức Kháng – Viện trưởng Viện Khoa học Hành chính, Kinh tế - bình luận: “Lạ thật, hành dân từ “chỗ tối”, dần rồi công khai luôn. Đảng, Nhà nước đã tiến hành rất nhiều chương trình giáo dục tư tưởng cán bộ nhưng có ai sợ dân đâu? Đi tìm cán bộ sợ dân như ta đã giáo dục khó lắm”.

Khi cán bộ không sợ dân, dân chán/ ngại/ không muốn gặp cán bộ, thì lực lượng “cò” hành chính ra đời, tiếp tay cho sự không minh bạch.

Ở TPHCM, ở Đà Nẵng đã xuất hiện những mô hình hay để người dân có tiếng nói khi bị “hành”, để giải quyết công việc nhanh và trực tiếp hơn, để cán bộ biết sợ dân và có trách nhiệm. Mong rằng tín hiệu tốt lành ấy được cổ vũ, được đẩy đi xa hơn rộng hơn lan tỏa nhanh hơn.

Trần Thanh
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Anh đứng đầu nghiêm túc, thật sự một lòng một dạ vì nước vì dân thì đâu vào đấy hết. Cứ lý do lý trấu loanh quanh cái khỉ gì cho mất thời giờ.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Nga nổ súng chặn tàu cá Trung Quốc

Lực lượng tuần duyên ở vùng Viễn Đông của Nga buộc phải nổ súng để chặn một tàu cá đang đánh bắt ở biển Nhật Bản.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/bd/99/52/tuanduyennga-1.jpg

Một tàu của tuần duyên Nga. Ảnh minh họa: Nationaldefense.ru
Thông tin này được RIA Novosti dẫn từ phát biểu của người phát ngôn Cơ quan biên phòng tại khu vực xảy ra vụ việc.

Phát ngôn viên này cho biết chiếc tàu mang cờ Trung Quốc đã từ chối dừng lại theo yêu cầu của lực lượng tuần duyên và tìm cách bỏ trốn.

"Sau ba giờ đồng hồ truy đuổi, tàu tuần duyên Dzerzhinsky đã bắn những phát súng cảnh cáo, nhưng chiếc tàu đánh cá trộm vẫn tiếp tục việc di chuyển một cách nguy hiểm", người phát ngôn kể trên nói, đồng thời cho biết tuần duyên Nga đã bắn vào tàu cá bỏ chạy sau khi những phát súng cảnh cáo không mang lại hiệu quả.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/bd/99/52/biennhatban.jpg
Bản đồ biển Nhật Bản (Sea of Japan). Đồ họa: Wikipedia
Chiếc tàu cá mang theo 22,5 tấn mực ống và có nhóm thủy thủ 17 người đều mang quốc tịch Trung Quốc. Họ không thể đưa ra được bất cứ giấy tờ nào liên quan tới việc được cho phép đánh bắt. Không ai trong số những người có mặt trên tàu cá bị thương hay thiệt mạng sau những loạt súng của tuần duyên Nga.

Lực lượng tuần duyên Nga đang tích cực tham gia vào việc ngăn chặn đánh bắt trái phép trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Nga. Họ thường xuyên bắt giữ được các tàu đánh bắt trộm mang cờ nước ngoài.

Hà Giang
....

Còn ta: Nó vào cả lũ, làm đủ trò cũng chỉ dám gọi là tầu lạ. Than ôi !!!
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Philippines theo dõi tàu cá Trung Quốc ở Biển Đông

Bài đăng trên VNExpress Thứ ba, 17/7/2012, 09:29 GMT+7

Manila hôm qua cảnh báo đội tàu đánh cá của Trung Quốc đang có mặt ở Trường Sa không được tới các vùng nước mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/bd/99/01/tauca-trungquoc-1.jpg
Các tàu cá của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua



Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez cho biết tuần duyên nước này sẽ kiểm tra vị trí của các tàu Trung Quốc tại Biển Đông, nhằm đảm bảo rằng chúng không đi vào khu vực mà Philippines cho là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ.

"Nếu các tàu này đang tới vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi, chúng tôi sẽ phản đối", AFP dẫn lời Hernandez nói với báo giới. "Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các quyền chủ quyền của Philippines".

Phát ngôn viên này trích các thông tin về việc 30 tàu cá của Trung Quốc từ tỉnh đảo Hải Nam của nước này đã tới gần bãi đá Chữ Thập.

Bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ủy ban Biên giới Quốc gia Việt Nam đã ra thông cáo tuyên bố việc các tàu cá Trung Quốc hoạt động ở khu vực này là phi pháp và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc và Philippines có tranh chấp chủ quyền tại bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham ở phía đông bắc của Biển Đông. Các tàu của hai nước đã "chạm mặt" và căng thẳng kéo dài suốt từ đầu tháng 4. Philippines tháng trước rút các tàu của nước này trong nỗ lực giảm căng thẳng.

Tuy nhiên máy bay tuần tra của Philippines phát hiện ba tàu chính phủ, 6 tàu cá, hai xuồng cao tốc và một số thuyền con của Trung Quốc vẫn còn hoạt động quanh Scarborough/Hoàng Nham. Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở Phnom Penh, Campuchia, mới đây, Philippines cáo buộc Trung Quốc "hăm dọa" và "hai lòng".

Nhật Nam
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [56] [57] [58] [59] [60] [61] [62] ... ›Trang sau »Trang cuối