Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại

Đăng bởi Nguyễn Trọng Tạo vào 18/11/2012 09:31

La trở về trong tiếng hát bạch đàn
vẫn đôi mắt mát dịu trời xứ nóng
vẫn nước da đậm đà gió nắng
vẫn mùa hè dữ dội đất quê hương

Thương mẹ ra đồng
thương nắng mang tơi
củ khoai đào lên nóng rẫy tay người
đất rạn chân chim đồng chiêm cuống rạ
cánh chìa vôi quạt lửa chân trời

Đất vẫn đất bao đời cháy khát
người vẫn người một nắng hai sương
quầng thâm trăng khuyết trăng tròn
quả chín mặt trời sa muộn
tát cạn mồ hôi cho lúa trổ đòng
mồ hôi lép nửa mùa gặt hái...

La nhìn đất - đỏ lời máu gọi
những mùa màng thịnh vượng hẹn cùng ai
"yêu nhau chiến đấu suốt đời"
còn đây lời hứa với người ngày xưa.

"- Em đã về
vẫn em của anh xưa
em của tình yêu gặp gỡ chia xa
chị đã về, ơi Tần, ơi Cúc...
chị đã về trong lời em ao ước
câu "Bao giờ..." đến lúc gọi "Bây giờ..."
con đã về, ơi quê hương, ơi mẹ già
ơi Ngã-Ba-Bom ơi con suối Út
con đã về - nghĩa là vai gánh vác
nghĩa là đời gắn chặt đất quê hương
nghĩa là đồng phải thêm những dòng sông
nghĩa là lúa phải lên mùa no ấm
con đã về, sức còn dài, vai rộng
tóc còn xanh tuổi trẻ điệp trùng

Ngọn gió bây giờ không phải ngọn gió hoang
khi nghìn vạn cánh tay vung lên chiều ồn ã
con suối Út sẽ hoá Dòng Sông Chị
trải phù sa lên những cánh đồng
khi hoang vu lớn dậy những công trường
khi tuổi trẻ biết trông sau, nhìn trước
tiếng gà gáy vút từ giàn máy húc
rung rung trong tiếng máy đẫm sương
(tiếng đêm gọi bình minh
hay tiếng bình minh gọi về đêm thôi thúc?)

sống - làm việc vượt qua nghìn cơn khát
cơn khát nào Đồng Lộc đã đi qua?
cơn khát nào hơn cơn khát Ấm No?
sức tuổi trẻ: sông băng về với biển
đất như đất trả nợ nần tìm về nơi hò hẹn
hai mươi ba cây số người - hai mươi ba cây số dòng sông!

Phút giải lao trong bóng mát bạch đàn
Mái tóc La nhập vào mái lá
mắt xanh nhập vào dòng sông trẻ
La nhập vào Quá khứ - Tương lai

"- Em đã về, vẫn em của anh đây
của Đồng Lộc mùa hè hoa sim tím
(rễ sim bám vào đâu thời kháng chiến
mà bất ngờ hoa tím dậy xôn xao?)
ước chi nhiều, một phút nắm tay nhau
đủ đi suốt rộng dài hạnh phúc
cho anh hát bài ca chưa kịp hát
em khẽ khàng nước mắt chạy quanh môi
cho anh đi như chạy dưới xanh trời
ngực lộng gió bao cánh đồng màu mỡ
(ngọn gió mát tự dòng sông mới mở
ngọt và mềm sang năm tháng phì nhiêu!)
cho anh cầm liềm hái gặt trời sao
mùa lúa chín cùng em gánh thóc
anh trao lược cho em chải tóc
hương bạch đàn hương lúa quyện tay ai...
Ước chi nhiều, một phút nắm tay nhau
cho ta đến ngôi nhà của mẹ
ngôi nhà cũ đã tươi màu ngói đỏ
đừng ngỡ ngàng, anh nhé, xóm làng ta...
mẹ chờ con - lòng mẹ rộng bao la
như cỏ xanh gọi bê đàn tung vó
như bờ bến cho cánh buồm về ở
sau bao nhiêu cơn bão. Lại ra khơi...
đừng dài dòng với mẹ, anh ơi
(mẹ hằng dõi theo ta qua tháng ngày đạn lửa)
anh thưa khẽ; mai anh thành chú rể
hẳn mẹ cười cau dẻo thắm trầu cay...

Ước chi nhiều, một phút nắm tay nhau
khi hai mảnh trăng chia li tròn đầy đêm sum họp
từ Đồng Lộc ta nhìn về đất nước
biển dịu dàng
em dịu dàng biển xanh
anh đất đai cuồn cuộn nồng nàn
biển và đất - em và anh. Trăng sáng
đêm không ngủ mãi rì rầm trò chuyện
biển dịu dàng
đất nồng nàn tình yêu
biển mặn mồ hôi
đất trộn máu người
ôi Tổ quốc! Ta muốn cười muốn khóc
sau cơn bão chiến tranh hủy diệt
tóc biển xanh ôm vai đất mỡ mầu...

Em đã về, vẫn em của anh đây
“em yêu anh như yêu đất nước”

như em yêu Đồng Lộc
có con đường Cứu Nước đi qua
có lời anh ước hẹn ngày về
cho em đợi bên này bờ sum họp
cho em đợi phía lòng anh khao khát
phía bông hoa đậu quả chín cho Mùa

Tháng mười hai
em mặc áo mong chờ
cùng bè bạn cầm tay vào tiệc cưới
như có anh ngồi bên em, ăn kẹo
như có anh
trong mỗi lời chúc tụng, mỗi bài ca..."

Mai sau rộng
mai sau xa
mai sau vết thương đất liền da
dòng sông trẻ ở mãi cùng Đồng Lộc
ai vục nước rửa chân
ai ngụp tắm giữa trưa nắng gắt
chợt gặp đôi bờ đỏ au màu đất
xin đừng quên một thuở chiến tranh
xin đừng quên thuở Đồng Lộc trụi trần
đất nhận máu bao người con ngã xuống
đất nén khóc qua hy sinh đau đớn
cho ngày vui nước mắt đất tuôn trào
nước mắt thành sông tắm mát đời sau!


Hà Nội - Vinh, 1 - 1978
Viêng-chăn - Hà Nội, 3 - 1978