Gửi những người Hà Nội đi xa

1.

Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em mùi hoàng lan.
Ta còn em mùi hoa sữa.
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?
Cọt kẹt bước chân quen.
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ.
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...

Ta còn em chấm lửa
Điếu thuốc cuối cùng,
Xập xoè.
Kỷ niệm...
Một con đường
Một ngôi nhà
Khuôn mặt ai
Dừng trong khung cửa...
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ
Không tên người,
Không tên phố.
Người gửi không tên.
Ta còn em chút vang động lặng im,
Âm âm tiếng gọi
Trong lòng phố...


2.

Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn.
Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang
Xoã xoã bờ vai,

Khung trời gió.
Con đường như bỏ ngỏ...

Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ
Thoáng qua...
Khuôn mặt chưa quen.
Bỗng xôn xao nỗi khổ.
Mỗi góc phố một trang tình sử


3.

Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em rì rào hạt nhỏ,
Cơn mưa chợt đến trong chùm lá
Vòm trên cao chuông hồi đổ,
Nhà thờ Cửa Bắc,
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga...

Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa.
Trên hè phố
Gã Trương Chi ôm ghi ta.
Ngước lên cửa sổ,
Có một ngày...
Trống không ô cửa.
Tiếng hát Trương Chi.
Ngợi số nhà...

Ta con em chuyến tàu khuya
Về muộn
Vào ga...


4.

Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em quả bóng lăn,
Một mình,
Trên sân cỏ.

Cơn mưa đầy
Những hố sâu trước cửa,
Chiếc thuyền giấy lang thang
Không bến đỗ
Thằng bé qua tuổi thơ vội vã,
Chợt ngẩn ngơ
Với bóng nước lung linh!
Bầu trời.
Khoảng lạ!

Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai?
Qua đó, nao nao nhớ tuổi học trò...

Dàn thiên lý đã chết khô!
Năm xưa,
Những chùm hoa,
Thơm hò hẹn.
Cuộc tình đầu ngọt lịm.
Nụ hôn còn xanh mãi trên môi...


5.

Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt
Chút nắng vàng le lói vườn hoang,
Vàng ngọn cỏ.
Cô gái khẽ buông rèm cửa,
Anh chàng lệch mũ đi qua,
Lời tỏ tình đêm qua dang dở...

Ta còn em ngày vui cũ,
Tàn theo mùa hạ.
Tiếng ghi ta bập bùng tự sự,
Đêm kinh kỳ thủa ấy xanh lơ...


6.

Ta còn em tiếng tích tắc
Chiếc đồng hồ quả lắc già nua
Đếm thời gian theo nhịp đong đưa,
Những tiếng quen
Ngán ngẩm,
Mệt nhoài...

Căn phòng trống bỗng mênh mang bóng lẻ.
Nửa đêm đành mở cửa ra đi,
Những bước liêu xiêu,
Miền u tịch dọc dài,
Hàng soan nghiêng,
Lá đổ.
Tiếng mõ từ ngôi chùa,
Ẩn trong tận cùng hẻm phố...

Ta còn em ánh đèn mờ đầu ngõ
Sáng màu hoa đỏ
Bên gốc gạo
Lao xao cười nói, mời chào,
Xe cộ nổi còi hối hả...

Buổi chợ chiều trên phố vừa tan
Chợ đêm giữa kinh đô họp muộn...
Những kẻ nghèo khuya thức,
Đợi tinh mơ lại mở chợ ngày.


7.

Em ơi! Hà Nội - phố...
Ta còn em vầng trăng nửa,
Người phu xe đợi khách bến đầu ô.
Tiếng rao đêm lạc giọng
Ơ hờ...
Căn gác trọ đường vào bằng cửa sổ
Lão Mozart hàng xóm
Bảy nốt cù cưa.
Từng đêm quên giấc ngủ...

Ta còn em tiếng dương cầm.
Trong khung nhà đổ
Lả tả trên thềm
Beethoven và sonate Ánh trăng.
Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ...

Cô gái áo đỏ venise
Xa Hà Nội,
Vẽ clavecin
Tập đàn
Trên phản gỗ...

Ta còn em những tràng pháo tay vang dậy.
Đêm lộng lẫy!
Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa,
Nước mắt lã chã trên áo đỏ.

Rồi một ngày tả tơi,
Loạn gió.
Vườn Ngọc Hà
Mùa hoa cánh rã,
Đường Quán Thánh.
Bản giao hưởng Lặng câm
Trong một ngôi nhà...

Ta còn em một đam mê.
Một vật vã,
Một dang dở,
Một trống không,
Một kiếp người,
Những phìm đàn long...


8.

Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em khuya phố mênh mông.
Vùng sáng nhỏ.
Bà quán ê a chuyện nàng Kiều.
Rượu làng Vân lung linh men ngot.
Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa...

Ngơ ngẩn bao chàng trai Kẻ Chợ.
Cơn say quá dài thành một cơn mê...


9.

Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em tiếng hàng ngày.
Reo vang đường phố.
Lanh canh! Lanh canh!
Tia hồ quang chớp xanh.
Toa xe điện lên đèn.
Người soát vé áo bành tô sờn rách...

Lanh canh! Lanh canh!
- Ai xuống Bờ Hồ!
Ai đi Mơ! Ai lên Bưởi!

Lanh canh! Lanh canh!
Một đời cơ nhỡ.
Trăm ngày ngược xuôi
Đầm đìa nước mắt.
Aó vã mồ hôi.
Bơ gạo mớ rau...
Mẹ về buổi chợ
Lanh canh! Lanh canh!
Lá bánh, củ khoai.
Đàn con trên bến đợi.
Cuối ngày...


10.

Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm.
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá
Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa....

Ta còn em Cổ Ngư, tên thật cũ,
Nắng chiều phai
Là đà, cành phượng vĩ,
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa...

Chiếc lá rụng.
Khởi đầu ngọn gió.
Lao xao sóng biếc Tây Hồ.
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?
Những bước chân tìm nhau
Vội vội.
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang...


11.

Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn.
Nhớ Nhật Tân.
Mùa hoa năm ấy.
Cánh đào phai...

Người dẫu ra đi vạn dặm dài.
Gió ngọn vẫn vương hương phố cũ...


12.

Em ơi! Hà Nội - phố...
Ta còn em cơn mưa rào qua nhanh
Sũng ướt bậc thềm.
Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ.
Cô gái băng qua đường bỗng hồng đôi má.
Một chút xanh hơn
Trời Hà Nội.
Hôm qua...

Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ.
Những chùm hoa tím
Ngát
Mùa thu...


13.

Em ơi! Hà Nội - phố...
Ta còn em con đê lộng gió.
Dòng sông chảy mang hình phố.
Cô gái dựa lưng bên gốc me già.

Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá...

Ta còn em mùa nước đổ
Sông Hồng mất tăm bãi Giữa,
Bè xuôi, không ghé bến
Con tàu nhổ neo về biển.
Hồi còi vọng
Như một tiếng than dài
- “Mùa này trăng vỡ trên sông”

Ta còn em hàng cây khô,
Buồn như dãy phố.
Người bỏ xứ
Quay nhìn lần cuối.
Hạt sương tan,
Nhoè nhoè đuôi mắt.

“Người đi! Ừ nhỉ! Người đi thực!”...
Lữ khách khẽ ngâm câu Tống biệt
Đành đoạn một lần dứt áo xanh...


14.

Em ơi! Hà Nội - phố...
Ta còn em một Hàng Đào.
Không bán đào.
Một Hàng Bạc.
Không còn thợ bạc.
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều.
Không ông Nghè bái tổ vinh qui...

Ngày đi,
Một nỗi mang tên nhớ.
Ngày về phố cũ bỗng quên tên.
Quên bậc đá,
Quên mái hiên.
Quên cây táo trồng ngay trước cửa.
Thưở ấu thơ thoả thích leo trèo...

Ngày về,
Ra rả tiếng ve,
Võng trưa hè kẽo kẹt,
- “À ơi! tùng tùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền
Nước mắt như mưa...”
Bài tập đọc
Quốc văn giáo khoa thư
Bà ru cháu ngủ...

Người về sững sờ bên cánh cửa,
Tiếng ru hời!
Gọi lại mảnh đời quên...


15. RIÊNG VỀ MỘT CHUYẾN ĐI

Sân ga Hàng Cỏ.
Tuổi mười tám trong hàng quân,
Năm khởi chiến.
Thề ra đi
Không trở về khi giặc chưa yên!
Cô gái Hà Nội trong đám đông đưa tiễn
Gửi chàng trai một bó hoa,
Và một nụ hôn.

Đoàn tàu chở đoàn quân về phía Nam
Vào trận đánh
Chở theo dãy phố,
Chở những con đường,
Chở nguyên Hà Nội nhớ,
Những bó hoa và cả vết môi hôn...

Khi khai trận
Anh lính trẻ bỗng bàng hoàng,
Thật bất ngờ khi súng nổ.
Và bỡ ngỡ,
Như đầu đời vừa nhận nụ hôn...


16.

Em ơi! Hà Nội - phố.
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rủ
Cánh tay trần trên gác cao
Mở cửa.
Mùa xuân trong khung
Đường phố dài
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình xanh nõn lá
Giò phong lan.
Điệp vàng rực rỡ.
Những gót son dập dìu đại lộ
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào?

Ta còn em tiếng trống tan trường.
Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ
Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa.
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Bậc thềm nào in dấu hài hoa?


17.

Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ.
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai còn ngồi bên gốc đại già?
Chợt quên vườn hồng đã ra hoa.
Chợt quên bên đường ai đứng đợi...
Cuộc đời có lẽ nào.
Là một thoáng bâng quơ!

Ta còn em một cuộc tình
Như một bài thơ.
Mỗi nỗi đau gặm mòn thêm phận số.
Nhật ký sang trang ghi thêm nỗi nhớ...


18.

Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em lô xô màu ngói cũ.
Hiu quạnh
Một ngôi nhà
Oa oa tiếng khóc.
Ngày con ra đời.
Cơn bão rớt bẻ gãy cành đa.
Con vừa lớn...
Chinh chiến gần kề trước cửa.

Ta còn em con đường đá
Lát bao niên kỷ?
Cây si kia trồng tự năm nào?

Ngày đi,
Qua đò Dâu
Nhìn về bến vắng,
Ruột đau,
Xót mẹ còng lưng gánh buổi chiều!


19.

Em ơi! Hà Nội – phố
Ta còn em đống kim ngân
Đổ đầy Hàng Mã
Lâu đài, dinh thự
Ngựa, xe, võng, lọng
Gấm, vóc, lụa, là.
Những hình nhân hầu gái
Đẹp như hoa.

Ta còn em đống than tro.
Một ngày gió nổi,
Mớ giấy tiền,
Phù du của nả.
Hai cõi âm dương,
Mịt mù bụi phố!


20. RIÊNG VỀ MỘT THÁNG CHẠP

Tháng Chạp!
Những tàng cây óng ả sợi tơ hồng.
Tháp chạp thủ thỉ lời hò hẹn.
- “Qua đợt gió cuối mùa...
Ngày mai ta đến với mùa xuân”
Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa.
Đã có tên trong vòng hoa tưởng niệm...

Một tháng Chạp trắng khăn sô,
Khói hương dài theo phố.
Một tháng Chạp
Thâu đêm.
Mẹ
Thức.
Hoá vàng...

Tháng Chạp con đường ngẩn ngơ,
Dãy phố thành toạ dộ.
Khu trắng không người ở,
Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa,
Lời thề của người bỏ phố:
Còn một đống gạch, còn trở về nhà cũ!
Sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ
thí thân cho mất cho còn!

Một tháng chạp,
Trên nóc cao, còi hụ,
Cái chết đến tự phương nào?
Cách thủ đô bao nhiêu cây số?
Giọng Hà Nội thật ngọt ngào,
Cô gái loan truyền tin bão lửa:
“Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào...”

Một tháng Chạp,
Cây bàng mồ côi mùa đông,
Nóc phố mồ côi, mùa đông,
Mảnh trăng mồ côi, mùa đông.

Thang Chạp năm ấy in hình bao mộ phố!


21.

Em ơi! Hà Nội - phố...
Ta còn em mảnh đại bác
Ghim trên thành cổ
Một thịnh, một suy.
Thời thế.
Lẽ hưng vong.
Người qua đó hững hờ bài học sử...

Ta còn em dãy bia đá.
Danh hình hội tụ
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa...

Ly rượu đầy xin rót cúng cha.
Nghìn lạy cúi đầu thương đất Tổ.
Bến nước nào đã neo thuyền ngự
Đám mây nào in bóng rồng bay?...

Ta còn em những giấc mơ lộng lẫy xiêm y.
Nhã nhạc nhịp nhàng,
Vóc dáng cung phi.
Những hào kiệt, những anh hùng,
Vương triều nào cũng có,
Và kẻ cuồng si gọi tên thi sĩ!
Thắp nén hương nhớ người tri kỷ...


22. Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em năm cửa ô.
Năm cửa gió
Cơn bão những mùa nào qua đó?
Ba mươi sáu phố
Bao nhiêu mảnh vỡ?

Ta còn em một màu xanh thời gian.
Màu xám hư vô.
Chợt nhoè.
Chợt hiện.
Chợt lung linh ngọn nến.
Chợt mong manh,


Một dáng, một hình.
Nhợt nhạt vàng son.
Đậm đầy cay đắng.

Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố,
Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường,
Một mình giữa bóng chiều sa,
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha...

Bầu trời này như của riêng ta!
Nỗi buồn vô cớ luôn rất lạ...


23.

Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em cánh nhạn chao nghiêng,
Chiều cuối.
Những giọt sương nhoà bóng điện,
Mặt nước Hồ Gươm bỗng nhiên trở lạnh,
Thap Rùa ngả bóng,
Lung linh...
Người ra đi mang theo buốt giá,
Áo choàng không ấm thân gầy
Cầm bằng theo cánh chim bay...

Người đi tìm khoảng cách để quên,
Nào biết phương xa,
Mài mòn đôi mắt nhớ?


24.

Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em mùi hoàng lan.
Ta còn em mùi hoa sữa,
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya.
Cọt kẹt bước chân quen,
Thang gác thời gian
Mòn thân gỗ,

Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...!


Hà Nội, tháng Chạp 1972

Bài thơ này được sáng tác từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài không được in trong bất kỳ tập thơ nào. Mặc dù vậy, bài thơ được biết đến nhiều qua ca khúc Em ơi, Hà Nội phố do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, và lên sóng phát thanh vào năm 1987 qua giọng ca Lệ Thu. Do không được in trong các tuyển tập nên bài thơ có nhiều dị bản được lưu truyền. Năm 2008, nguyên tác bài thơ mới in trong tập Phan Vũ - thơ (NXB Văn học). Bản chép ở đây đã được tác giả xác nhận là bản sửa đổi cuối cùng.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Đôi lời về bài thơ “Hà Nội - Phố”

1. Bài thơ của Phan Vũ viết vào tháng Chạp năm 1972, khi cuộc chiến tranh Mỹ-Việt đang trong giai đoạn cuối, khi sự khốc liệt và chịu đựng trên khắp xứ sở như đã đến mức tột cùng. Huỷ diệt có thể dẫn đến sớm kết thúc cuộc chiến. Bài học về hai thành phố Nhật bản vẫn còn. Có lẽ trong quyết định rải thảm Hà Nội bằng pháo đài bay B52 có mối liên hệ này.

Hà Nội - thành phố nhỏ, nghèo, lặng lẽ, ít màu sắc rực rỡ. Cái sắc màu chính khi đó là màu xanh xám. Màu xanh của rêu tường, màu xanh của áo phòng không.

Viết gửi những người đi xa khi thành phố quê hương đang bị tàn phá khốc liệt, bài thơ của Phan Vũ không có tiếng bom rơi, không có nhà đổ, không có người chết. Chỉ có lời bình thản của những ngày bình an. Giữa sự sống và cái chết, bình thản là một chọn lựa.

2. Tuy phân ra nhiều chương, nhưng bài thơ như không có sự khác biệt giữa các chương. Tất cả là cảm xúc của tác giả về phố và người Hà Nội. Ba chữ “Ta còn em” được lặp nhiều lần, mở đầu cho nhiều khổ thơ. Đại từ “em” phải chăng có thể hiểu là phố Hà Nội, là người con gái nào đó ẩn hiện suốt bài thơ? Tác giả, người ở lại trong thành phố bom rơi, như đã hoá thân. Ta còn em... vì không muốn mất và không mất.

Bài thơ nhiều hình ảnh, từng chữ, từng câu được chắt lọc kỹ lưỡng. Nhưng có lẽ điều làm bài thơ thật hay là những câu chữ chắt lọc rất đẹp ấy được viết thật giản dị. Giản dị như nói, như những lời người thân nhắn gửi. Và vì thế mà gửi gắm được tới người đọc, tới người đi xa.

3. Thơ có nhạc và nhạc có thơ. Hay vì bản nhạc đã thấm vào lòng mà đọc bài thơ luôn thấy ngân nga tiếng hát. Hay vì bài thơ ngọt ngào mà khi đọc lòng thường cất tiếng hát theo.

4. Hà Nội - phố có nhiều câu chữ, nhiều hình ảnh “đắt”, gợi cảm xúc, gợi nhớ về những gì thật riêng của thành phố, những gì thật riêng của mỗi người. Đó là những lời tần ngần về “ngôi sao lẻ”, “chiếc lá lạc”, “mối tình hờ”, “giàn thiên lý chết khô”, “giọt sương nhoà nhoà bóng điện”, tóc “xoã xoã bờ vai”...

Một chút nao nao, một chút bâng khuâng, một chút lung linh.

Về những căn nhà cũ của ba mươi sáu phố phường. Ở Hà Nội, chỉ những nhà đã xây cất từ thời Pháp mới có thang gác bằng gỗ, cũ lắm rồi

Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ...
Về Hồ Tây mênh mông mà đứng đâu cũng thấy chiều tan trên mặt nước
Nắng chiều phai trên sóng Tây Hồ.
Những bước chân tìm nhau
Rất vội
Về những mái chùa xưa xiêu xiêu cùng năm tháng
Tháng năm buồn lệch xô ngói âm dương
Ai đó ngồi bên gốc đại
Về tiếng chuông chiều nhà thờ quen thuộc
Chiều tan lễ,
Chuông nguyện còn mãi ngân nga...
Về một cuộc sống còn nhiều vất vả, một thuở xa xưa đã hào hoa
Toa xe điện cuối ngày,
Áo bành tô cũ nát
Lanh canh! lanh canh!
Về say đắm quên cả đất trời
Người nghệ sĩ lang thang hè phố
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường.
Ngay trước cổng nhà mẹ cha
Và khắc khoải của sự sáng tạo vốn không có bến bờ
Những câu thơ, những bức tranh
Đời đời
Lỡ dở...
5. Bài thơ thấp thoáng nét kiêu sa của người con gái
Rì rào cơn lốc nhỏ
Gót chân ai qua mùa lá đổ?
để rồi mọi gã trai Hà Nội si tình
Lặng lẽ theo em về phố...
Nhưng nhiều hơn vẫn là những con người của cuộc sống hàng ngày bình dị, là “bà quán” “mê câu chuyện nàng Kiều”, là “cô nàng” mắt “lúng liếng, đong đưa”, là “những chàng trai say suốt mùa”...

6. Hà Nội - phố có nhiều câu thơ lạ và đẹp. Lạ nhưng không cố tình làm lạ, và vì thế mà đẹp hơn.
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ!
Người ta thường chỉ nói “xôn xao nỗi nhớ”. Nhưng nhớ đã thành khổ là nhớ lắm. Thấy khổ vì người lạ thì chắc đã thầm mong nhiều. Khổ nhưng mong nên mới xôn xao.
Ta còn em tiếng trống tan trường
Áo thanh thiên điệp màu liễu rủ.
Đôi guốc cao mài mòn đại lộ
Guốc gỗ mài mòn được đại lộ bao giờ? Thuở ấy con gái Hà Nội hay đi guốc. Đôi guốc được tác giả hai lần nói đến trong bài thơ
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá
Bỏ quên guốc bên ghế đá thì phải say sưa lắm, cũng say như “áo qua cầu gió bay”.
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu
Qua cổng chợ
Hà Nội có nhiều làng trồng hoa, Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá, Ngọc Hà... những làng quanh Hồ Tây. Đàn bà, con gái nhà trồng hoa cũng thường là người gánh hoa vào phố bán. Gánh hàng hoa Hà Nội đã đi vào văn học mấy chục năm trước. Gánh gồng là việc nặng, nào có thơ gì. Nhưng “gánh mùa thu” vào phố thì thật là đẹp, thật trân trọng và biết ơn.

Thơ ca hay nói đến Hà Nội với hoa lan, hoa sữa. Cây bàng lại thường đem cho tôi thật nhiều nỗi nhớ về tuổi thơ ở Hà Nội. Lũ trẻ con chúng tôi thường đi chọc hay ném những quả bàng chín vàng ăn ngọt lừ. Rồi hột bàng phơi khô đập lấy nhân ăn béo ngậy. Cây lá xứ mình xanh quanh năm, ít cây như cây bàng lá chuyển màu từ xanh sang đỏ, rồi rụng rồi chỉ còn những cành trơ trụi khẳng khiu run run trong gió bấc (mà tác giả bài hát Hà Nội - phố đã gọi là “cây bàng mồ côi mùa đông”).
Ta còn em chiếc lá bàng đầu tiên
Nhuộm đỏ
Đấy là khi mùa đông đến. Rồi mùa Đông đi qua mùa Xuân tới, khi trời Hà Nội hơi mưa phùn, hơi se se lạnh, cây cối trổ lộc, sẽ thật ấm lòng nhìn thấy cành cành xanh nõn lá non
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình
Và mùa xuân bỗng xôn xao khi qua đường chợt thoáng thấy tay trần con gái trong cửa sổ
Ta còn em cánh tay trần
Mở cửa
Mùa xuân trong khung
7. “Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”...

Tháng chạp năm 1972, sau hai năm đầu đại học ngành toán tôi đã trong quân đội và xa Hà Nội. Đêm đêm trong căn hầm bên bờ Thạch Hãn chúng tôi quây quanh chiếc đài bán dẫn nhỏ ngóng chờ giọng nói thân quen, “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Biết Hà Nội bị B52 đe doạ. Rồi những ngày bỗng không bắt được tín hiệu gì, mở máy chỉ thấy u u. Nhìn về trời đêm phương Bắc xa xăm mà lòng thắt lại...

Hà Nội bé nhỏ đã qua gần một thế kỷ của những xung đột và chinh chiến, của những tàn phá và xây dựng, của những điều làm Hà Nội “đẹp và chưa đẹp”. Trong những ngày khốc liệt ấy, cái “ta còn” trong bài thơ của Phan Vũ là tình yêu bình dị của cuộc sống Hà Nội. Mãi mãi vẫn còn!

Hà Nội - phố, Em ơi!


Tháng 12, 1996
Tùng Nguyên
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
64.50
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Thêm một version nói là được tìm thấy ở Paris, có vẻ đầy đủ hơn, xin đăng lên để bạn đọc thưởng thức

HÀ NỘI - PHỐ
Gửi những người Hà Nội đi xa...

Chương I
1.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em mùi hoàng lan
Còn em hoa sữa.
Tiếng giầy gọi đường khuya
Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ...
Ta còn em màu xanh thật đêm
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió
Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ
Lá thư quên địa chỉ.
Quay về...

2.
Ta còn em một gốc cây
Một cột đèn
Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang xoã xoã bờ vai...
Ta còn em một ngã ba
Vội vã
Chiếc khăn quàng tím đỏ,
Thoáng qua
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ!
Mỗi góc phố
Một trang tình sử...

3.
Ta còn em con đường vắng
Rì rào cơn mưa nhỏ
Trên vòm cao
Đổ xuống chuông hồi
Nhà thờ Cửa Bắc,
Tan chiều lễ
Kinh cầu còn mãi ngân nga...

4.
Ta còn em đôi mắt buồn
Dõi cánh chim xa
Tháng năm dừng lại
Một ngôi nhà
Gã Trương Chi ôm ghi-ta
Từng đêm
Hoá đá...
Ta còn em chuyến tàu đêm
Về muộn
Qua cầu
Một người nào lạc giữa sân ga...

Chương II
5.
Em ơi! Hà Nội phố!
Ta còn em những hố sâu
Trước cửa
Cơn mưa đầy
Chiếc thuyền giấy lang thang
Không bến đỗ...
Ta còn em quả bóng lăn
Một mình trên sân cỏ
Thằng bé thẫn thờ
Tuổi thơ qua cuộc chơi
Vội vã...
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai?
Qua đó bâng khuâng
Nhớ tuổi học trò...

6.
Ta còn em giàn thiên lý
Năm xưa
Thơm mùi hò hẹn
Cuộc tình đầu ngọt lịm
Những nụ hôn xanh ngắt trên cành...
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt
Nắng chiều vàng ngọn cỏ
Vườn hoang
Ngày cũ vui tàn theo mùa hạ...
Ta còn em tiếng ghi-ta
Bập bùng
Tự sự
Châm lửa điếu thuốc cuối cùng
Xập xoà
Kỷ niệm
Đêm kinh kỳ một thuở
Xanh lơ...

7.
Ta còn em chiếc đồng hồ quả lắc
Già nua
Đếm thời gian
Theo nhịp đong đưa
Trước ngõ phố
Sót cây hoa gạo
Buổi chợ chiều họp giữa kinh đô...

8.
Ta còn em những ngọn đèn mờ
Trên nóc phố
Mùa trăng không tỏ
Tiếng rao đêm
Lạc giọng
Thờ ơ...
Ta còn em bảy nốt cù cưa
Lão Mozart hàng xóm
Từng đêm quên ngủ
Cô gái mặc áo đỏ Venise
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ [1]
Những mảnh vỡ trên thềm
Beethoven và Sonate Ánh Trăng
Nốt nhạc thiên tài bay lả tả
Một kiếp người,
Một phím đàn long...

9.
Ta còn em khuya phố
Mênh mông
Vùng sáng nhỏ
Bà quán ê a chuyện nàng Kiều
Rượu làng Vân lung linh men ngọt
Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa
Những chàng trai say suốt cả mùa...

10.
Ta còn em tiếng hàng ngày
Vang âm đường phố
Tia hồ quang chớp xanh
Toa xe điện cuối ngày
Người soát vé
Áo bành tô cũ nát...
Lanh canh! Lanh canh!
Tiếng chuông reo hay lời kêu khổ?
Bó gạo, mớ rau
Mẹ về buổi chợ
Lanh canh! Lanh canh!
Lá bánh, củ khoai
Đàn con trên bến đợi
Cuối ngày...

Chương III
11.
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em con đê lộng gió
Dòng sông chảy mang theo hình phố
Cô gái dựa lưng bên gốc me già
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá...
Ta còn em một con tàu
Giã biệt bến sông
Mảnh trăng vỡ
Tiễn người bỏ xứ
Dãy phố buồn
Nghìn năm mắt nhớ...

12.
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá
Gã đầu trần đi ngược trời mưa...
Ta còn em con đường tên cũ
Cổ Ngư
Cành phượng vĩ la đà
Chiều phai nắng
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa...
Ta còn em chiếc lá rụng
Khởi đầu nguồn gió
Lao xao con sóng biếc
Gió Tây Hồ
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?
Những bước chân tìm nhau
Vội vội
Tiếng thì thầm sớm hôm buổi tối
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang...

13.
Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn
Gió Nhật Tân
Gợi
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai...

14.
Ta còn em chiếc lá bàng đầu tiên
Nhuộm đỏ
Cô gái gặp nắng hanh
Chợt hồng đôi má
Cơn mưa nào đi nhanh qua phố
Một chút xanh hơn
Trời Hà Nội hôm qua...
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát mùa thu...

Chương IV
15.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em một Hàng Đào
Không bán đào
Một Hàng Bạc
Không còn thợ bạc
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy...
Ta còn em tiếng gọi trong đêm
Người đi xa trở về
Căn nhà không biển số
Ngày đi mỏi mòn nỗi nhớ
Ngày về phố cũ quên tên...

16.
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rũ
Giỏ phong lan
Điệp vàng rực rỡ
Cánh tay trần trên gác cao khép cửa
Những gót son dập dìu đại lộ
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào...
Ta còn em tà áo nhung huyết dụ
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa
Ngõ phố nào in dấu hài hoa?

17.
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương
Ai đó ngồi bên gốc đại
Chợt quên ai kia bên đường đứng đợi
Cuộc đời, có lẽ nào
Là một thoáng
Bâng quơ...
Ta còn em những cuộc tình
Như một bài thơ
Những nỗi đau gặm mòn phận số
Nhật ký sang trang
Ghi thêm nỗi khổ...

18.
Ta còn em đống kim ngân
Đổ đầy hàng mã
Ngựa, xe, võng, lọng
Những hình nhân nuối tiếc vàng son
Khi phố phường là miền loạn gió
Làm sao tìm được mớ tro than?

19.
Ta còn em nóc phố
Lô xô
Màu ngói cũ
Ngôi nhà còn tiếng khóc oa oa
Con đường đá lát bao niên kỷ
Qua sông nhớ mẹ tuổi già...

Chương V
20.
Em ơi! Hà Nội phố!
Ta còn em mảnh đại bác
Ghim trên thành cũ
Một thời thịnh
Một thời suy
Hưng vong lẽ thường
Người qua đó
Hững hờ bài học sử...
Ta còn em dãy bia đá
Nhân hình hội tụ
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa
Ly rượu đầy xin rót cúng cha
Nghìn lạy cúi đầu thương đất tổ
Bến nước nào đã neo thuyền ngự
Đám mây nào in bóng rồng bay?

21.
Ta còn em tháng chạp
Những hàng cây óng ả sợi hồng
Tháng chạp
Trên giường trải chiếu hoa
Tháng chạp
Mùi hương dài theo phố
Một tháng chạp
Mẹ
Nửa đêm thức
Hoá vàng...

Chương VI
22.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em năm cửa ô -
Năm cửa gió
Cơn bão thường niên qua đó -
Ba mươi sáu phố
Bao nhiêu mảnh vỡ?
Ta còn em một màu xanh thời gian
Một màu xám hư vô
Chợt nhoè
Chợt hiện
Chợt lung linh ngọn nến
Chợt mong manh
Một dáng
Một hình
Nhợt nhạt vàng son
Đậm đầy cay đắng...

23.
Ta còn em những ngõ cụt bất ngờ
Cửa ngẩn ngơ
Ngôi nhà không người ở
Khung trời của nỗi buồn
Vô cớ...
Người nghệ sĩ lang thang
Hoài
Trên phố
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha...

24.
Ta còn em những giọt sương
Nhoè nhoè bóng điện
Mặt nước Hồ Gươm
Một đêm trở lạnh
Tháp Rùa ngả bóng lung linh
Cánh nhạn chao nghiêng
Chiều cuối
Người ra đi mang theo buốt giá
Áo choàng không ấm thân gầy
Cầm bằng như cánh chim bay...

Chương VII
25.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em cây bàng
Mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố
Mồ côi mùa đông
Ta còn em mảnh trăng
Mồ côi mùa đông...
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em cánh tay trần
Mở cửa
Mùa Xuân trong khung:
Giò phong lan
Điệp vàng rực rỡ
Từng cây khô óng ả sợi tơ hồng
Đường phố dài
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình
Xanh nõn lá...
Ta còn em,
Hà Nội - phố, em ơi!
Ta còn em,
Em ơi! Hà Nội, phố...

(Tháng chạp, 1972)


Chú thích
[1] Gợi nhớ pianiste Trịnh Thị Nhàn (ĐT)
15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Nguồn

@khi gia: Cảm ơn bạn nhiều. Nhưng bạn có thể cho biết, bản này "được tìm thấy ở Paris" nghĩa là ở đâu, đăng trên ấn phẩm nào? Bạn cho biết cụ thể nguồn (ấn phẩm) nhé.
Mình nghe nhiều người bảo, bài thơ này rất dài nên mỗi lần đi đâu mà mọi người đề nghị đọc, nhiều khi Phan Vũ đọc mỗi lần một khác. Đôi khi là do ứng tác mà thành. Không biết đúng sai thế nào. Thế nên cứ đành lấy các ấn phẩm làm nguồn đối chiếu vậy.

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Gửi khi gia

@khi gia: Bạn ơi, mình không hiểu, bạn post lại lần nữa là sao? Đề nghị bạn cho lời giải thích nhé? Nếu hai bản như nhau, Thi Viện sẽ xoá một bản.

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Để biết thêm về Phan Vũ

Xin giới thiệu một bài tạp bút của Lê Vũ (là một nhạc sĩ ở Sài Gòn) mà anh muốn chia sẻ cùng các bạn về Nhà thơ Phan Vũ, tác giả bài thơ mà Nhạc sĩ Phú Quang đã phổ thành một ca khúc rất hay: Em ơi Hà Nội Phố. Lần đầu tiên tôi nghe bài này cũng đã trên 20 năm (thời Việt Nam mới mở cửa và nhạc từ trong nước bắt đầu xuất hiện ở ngoài này), và thấy ca khúc rất. Hay từ lời thơ đến nhạc điệu. Bây giờ vẫn thấy bài này hay. Qua bài tạp bút này, chúng ta sẽ gặp Phan Vũ là một hoạ sĩ với nhiều tác phẩm ấn tượng. NVT


Phan Vũ, đi và lạc

Từ buổi tóc còn xanh, những chuyến đi đã mang mang ám ảnh “Ta lại xếp mớ hành trang đã bao lần xếp lại/ cho chuyến đi chưa có buổi lên đường” (Đợi chờ). Đi, một hành trình dịch chuyển, một dấn thân hay một kiếm tìm? Câu trả lời neo lại đâu đó nhưng mặc kệ, Phan Vũ vẫn giẫm lên những rạn nứt im lìm, vẫn thí thân cho những tình cờ cuộc đi để rồi lạc: Một con đường chia thành trăm ngả/ Ngã nào cũng lạc cũng bơ vơ (Ngày trở về).

Gần 90 năm băng băng cuộc người, Phan Vũ tìm thấy mình, một gã trần trụi đi qua thời gian và không có gì trối trăn nhưng ngoảnh đầu lại, anh vẫn hồn nhiên mỉm một nụ cười với dâu bể. Quê cha Đà Nẵng, sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên ở Hà Nội, thường trú Sài Gòn. Hỏi anh đâu chốn quê nhà, vầng trán anh nhăn nhíu một vệt buồn: Quê hương không phải “mỗi người chỉ một” nên nói chi một con đường, cuối cùng tất cả là mê lộ trần gian.

Một mình giữa bóng chiều sa
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha.
Không chỉ lạc nhà, anh còn lạc nghề. Nghề là chọn lựa với dấn thân nhưng cầm súng, biên kịch, đạo diễn, làm phim, viết báo...nghề nào cũng mất mát, nghiệp nào cũng ê hề quạnh quẹo dù còn đó những giải thưởng với vinh quang. Làm đạo diễn, anh lạc vai diễn lạ mặt mình. Viết báo, anh buồn những tin lặt nhặt ngã năm ngã bảy. Làm thơ đem đọc rồi đốt để hoá vàng. Bỏ đi thôi, 70 tuổi bắt đầu học nghề cầm cọ và anh vui sướng vì ở đây “Tôi tự do. Không ai biên tập, chẳng hoạnh hoẹ” nhưng rồi cọ cũng lạc màu nhoè nhoẹt thành “Những ngọn cụt”(1). Chiều rồi manh manh vỡ ra một vùng sáng tối mờ mịt gió lên: Tôi đứng giữa miền sáng tối âm dương/ Chiều manh manh/ Rờn rợn xanh ngọn lá/ Hun hút gập ghềnh mê lộ/ Một cõi hoang lầm lũi mãi đi về. (Suy tư chiều).

Ngày xô vào đêm, đêm trộn ngày, thành viên sót lại của Ban chấp hành Hội Nhà văn 60 năm trước, người lãnh giải thưởng văn học vở kịch Lửa cháy lên rồi năm 1955, tác giả Em ơi Hà Nội phố, người đọc thơ giữa Hà Nội chào mừng Ngàn năm Thăng Long 2010, vẫn phi về phía trước với lịch làm việc dày kín từ sáng sớm: những sắc màu, triển lãm, thơ ca và bè bạn. Thời gian không còn nữa. Tôi phải “cháy” như ngọn nến đến tận khoảnh khắc cuối cùng...

***

Phan Vũ, cái tên không còn lạ với Hà Nội, Sài Gòn... Ai đó có thể gọi anh là đạo diễn, nhà báo, hoạ sĩ..., tuỳ hỉ. Riêng tôi, tôi chỉ muốn gọi anh là khách thơ, một người thơ hồn nhiên sống giữa chợ người kiểu Bùi thi sĩ “ngứa cổ hót chơi” và đem thơ tặng chuồn chuồn châu chấu. Thơ là người và Phan Vũ, chưa một lần thuyết giảng đạo đức, ve viên thơ thành đạn đồng đạn chì hay bày biện mâm cổ tình dục. Thơ, một kiếm tìm bản lai diện mục, một đào xới cõi tâm thức những hoài niệm, một chân thực bày tỏ nỗi niềm trăm năm cũ, một khát khao cho trăm năm sau. Hỏi mục đích thơ, Phan Vũ ngắn gọn: Tôi làm thơ cho tôi, cho vợ, cho người tình, cho những vùng đất đã đi đã sống. Là làm thơ không phải viết thơ nên 82 tuổi, anh mới góp nhặt những chợt nhoà chợt hiện và xuất bản tập thơ đầu tay: Thơ Phan Vũ - trường ca Em ơi Hà Nội phố, như là “một cuộc trò chuyện”.

1972, Hà Nội khói lửa mịt mùng, bom nổ bến đò Dâu, Phan Vũ đi qua chuyến đò, gõ cửa nhà bạn tặng mấy đoá cúc dại mừng sinh nhật như đã đinh ninh hẹn lời. Và Em ơi Hà Nội phố ra đời chính trên những bước chân kiếm tìm “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/ những mảnh vỡ trên thềm... Em ơi Hà Nội phố, ẩn tàng tâm thức người thơ và tự nó có những niềm riêng bí mật & lạ lẫm. Nếu Hoàng Cầm viết Bên kia sông Đuống trong một đêm và hôm sau đã công bố thì Em ơi Hà Nội phố có nhiều nhiều dị bản vì đã im lìm gần 40 năm để đến hội mừng Thăng Long ngàn năm tuổi mới bùng vỡ giữa những mặt người Hà Nội. Mỗi bài thơ có số phận riêng của nó và những va đập định mệnh. Nhưng mai sau dù có bao giờ, Thâm Tâm với Tống biệt hành, Phan Vũ với Em ơi Hà Nội phố, là những thi sĩ thứ thiệt.

Em ơi Hà Nội phố, trước hết là khoảng không gian mở cửa về phía hôm qua, ở đó là ngôi nhà số 52 phố Hàng Bún Thang gác cọt kẹt thời gian/ Thân gỗ, là miền tuổi thơ cơn mưa chiếc thuyền giấy, quả bóng lăn, là ngõ phố cột đèn, bờ đê, ngôi chùa cổ đường lượn mái cong, ngói âm dương xô lệch vào chiều. Em không chỉ là tiếng gọi mà gói lại biểu cảm những dịu dàng vấn vít yêu thương: bờ tóc xoã, đôi guốc mộc, mắt lúng liếng, cánh tay trần, hồng đôi má, tiếng dương cầm lả tả, những chân tìm nhau vội vả và Tiếng thì thầm sớm hôm buổi tối/ Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang... Em còn là thân thương Hà Nội bốn mùa xuân hạ với chùm hoa thu tím ngát, mùa sen nở, hoàng lan thơm nhuỵ, hoa sấu ngực đông, hoa sữa thơm tràn, là những mặt người lạ quen: một gã Trương Chi ôm guitare, hoá đá, một bà quán ê a chuyện nàng Kiều, người soát vé áo bành tô cũ nát, là mẹ với đàn con trên bến đợi, là cô hàng hoa, ông đồ xưa bút mực tàu... Hà Nội động chuyển, phi qua những mây bay, toả hương hoa như nó là.

Em ơi Hà Nội phố như thế và như thể thước phim quay chậm trên nhiều cung bậc sắc màu & ánh sáng, trên những góc quay đa chiều. Hình là cận cảnh đời thường, có khi tươi nguyên lãng mạn cuộc tình đầu ngọt lịm, có cả bộn bề hiện thực lờ mờ lá bánh củ khoai, mảnh trăng vỡ tiễn người bỏ xứ, có khi lô nhô trắng sáng năm cửa ô, năm cửa gió và ba mươi sáu phố/ bao nhiêu mảnh vỡ, rồi những hình nhân nhợt nhạt vàng son.. Phim cũng đồng thời ghi âm một tiếng rao đêm/ lạc giọng, căn nhà đổ, những lanh canh tiếng chuông reo hay lời kêu khổ. Không, Phan Vũ không trốn chạy hiện thực nhưng nhà thơ cắt nghĩa hiện thực theo cái cảm quan chân thực của mình và thơ cứ như mồ hôi rươm rướm, như máu chảy từ tim...

Em ơi Hà Nội phố còn là bức tranh màu tô lên những phiên bản thời gian. Này là một màu xám hư vô, những hoàng hôn vàng suộm bi ai phế hưng thành quách; cung cách ngàn năm đã cạn để Hàng Mã không còn ngựa xe võng lọng, một Hàng Đào không bán đào, một Hàng bạc không còn thợ bạc và đường Trường Thi không chõng không lều. Này là bóng tối buồn dằng dặc những chia tay, con tàu đêm, sân ga lạc. Này là bình minh nắng lên những gót son bờ môi ai đậm đỏ bích đào. Thực pha với mộng, lịch sử chồng xếp lên ngày tháng hôm nay; toa xe điện cuối ngày trộn với tháng chạp mùi hương dài theo phố, lung linh Tháp Rùa trộn với đậm đầy đắng cay những biến động cuộc ngày. Tất cả làm nên một Hà Nội đẹp và buồn nên cứ ám ảnh ám thị.

Bước vào cõi thơ Em ơi Hà Nội phố, Phan Vũ lạc vào hoài niệm và ta lạc trong miền suy tưởng chiêm ngắm Hà Nội trên những cột mốc thời gian. Những hình ảnh chồng xếp lên nhau, vô hình trung trở thành những biểu tượng. “Ta còn em” chạy dọc bài thơ thành ra là tiếng kêu của mất mát chứ không hề là một lời chào mừng Em hiện hữu. Em ơi Hà Nội phố, do vậy, bỗng ngậm ngùi một dự báo tương lai Hà Nội đổi thay không còn có thể nhận ra, để rồi buồn tiễn biệt “nhật ký sang trang/ ghi thêm nổi khổ”.

Em ơi Hà Nội phố cuối cùng là thơ hay lời tơ than (2)? Phan Vũ không biết, ta cũng mơ hồ chỉ là, bài thơ không bi tráng, không máu me xương xẩu, không cả nước mắt nhưng ngọn gió Nghi Tàm, Cổ Ngư cành phượng vĩ, từng ngõ phố góc đường mùi hương phả vào chúng ta bầu khí thân mật thân quen và níu giữ lòng ta cho đến mai sau. Phan Vũ đã thành công khi dựng lại một Hà Nội máu thịt mà không hề tụng ca, hay thổi phồng cảm xúc. Thơ đích thực, vỡ ra từ một tấm lòng... Anh đã biết buồn và buồn thật, buồn như ngày chiếc bình vỡ: Trên đường đi đầy hoa đỏ/ Nhưng không có mùi hương thơ ngây/ Bởi trong tôi chiếc bình xanh đã vỡ (Bình vỡ). Nhưng có ai bắt buộc thơ phải vui? Và Phan Vũ bảo nhỏ với tôi “Tôi chưa bao giờ thấy vẻ đẹp nào không buồn. Nỗi buồn là sự thật”... Chiều xuống rồi. Đã muộn cho một cuộc đi...


***

Một tác phẩm của Phan Vũ

86 tuổi rồi, Phan Vũ không dừng lại vì cuộc đời như cuộc chơi, dùng lại là chấm hết. Anh đang bận rộn chuẩn bị cho việc đọc thơ- không hề và không phải là trình diễn thơ - lần thứ hai giữa Sài Gòn: trường ca Bao giờ là mãi mãi, tuỳ bút thơ về Sài Gòn, dài đến 300 câu. Với anh, Hà Nội chỉ là năm tháng ngụ cư, Sài Gòn mới thực là chốn thường trú, là mảnh đất in dấu chân anh thời trai hào hùng, là vùng đất anh lập nghiệp khi bước vào tuổi trung niên. Nên Bao giờ và mãi mãi là một trả đền cho hôm nay, một gửi gắm cho mai sau.

Bao giờ là mãi mãi khởi viết từ 1996 và đến 2010 mới tạm hoàn thành, là một chiêm ngắm suy tư về đất và người. Bao giờ về Sài Gòn/ Em sẽ tìm hàng me/ Màu xanh non/ Một đêm cây trổ lá/ Đường đến trường tiếng cười rộn rã/ Nắng vừa lên/ Tà áo trắng bay bay... Những con chữ còn đó vỡ ra âm hưởng nồng nàn tiếng gọi; nhưng không, tâm thức biến cải rồi nên thi pháp cũng loạn gió để vỡ bờ. Trong Em ơi Hà Nội phố tuyệt không có nước mắt, máu & mồ hôi, không có khăn tang bia mộ, không chiến tranh và những cái chết cận kề cũng không bừng bừng câu chính khí. Bao giờ và mãi mãi gần như ngược lại, là một cái nhìn khác của Phan Vũ về hiện thực, của một người đã bước qua ngưỡng cửa “cổ lai hy”.

Bao giờ là mãi mãi trước hết là những câu chuyện tự sự, là mảng ký ức từ thuở tóc xanh cầm súng xa nhà kháng chiến, là nỗi nhớ đồng đội, là suy tư cho hôm nay trước mặt trời dựng xây ngày mới. Hãy nghe nhà thơ kể chuyện: Mùa thu năm ấy/ Tháng chín hai mươi ba/ Câu hát mài gươm thành câu hát tiễn. Và Đường qua xóm lập loè ngọn lửa/ Mái chèo khua nhịp tiếng trống đồn/ Cuộc tiễn quân dài chín dòng sông... Chất trữ tình đã nhường chỗ cho sử thi, một tiếng thơ hào hùng vang động mà âm ba dội giữa giang hà. Chiến tranh rồi chia cắt, đất nước thành hai đầu nỗi nhớ, câu thơ bỗng nhoi nhói nỗi niềm, tưởng chừng rươm rướm lệ: Lưỡi gươm xẻ dọc con sông/ Giữa đất nước dựng hàng rào phân địa/ Hình hài non sông lỗ chỗ đạn bom... Thơ không thở than, thơ, tiếng kêu xé lòng: Mẹ bồng con ngồi giữa mịt mùng/ Mảnh gang lạnh ghìm trên cánh cửa... Lần này, và ở đây, Phan Vũ đã bê nguyên hiện thực chiến tranh vào thơ, là kể chuyện sống chết, đối địch, súng gươm và hận thù, kể cả chuyện tưng bừng bi tráng khúc tháng tư: Người lính trẻ giữa ngã tư thành phố/ Nước mắt rưng rưng câu hát vỡ oà/ Sài Gòn ơi ta đã về đây... Đó là khúc dạo đầu của Bao giờ là mãi mãi khác biệt với Em ơi Hà Nội phố lằng lặng những thanh âm dịu dặt.

Bao giờ là mãi mãi cũng chụp và chép, là đoạn phim quay chậm hình ảnh Miền Nam hai mươi năm chiến tranh khốc liệt; Sài Gòn không bình yên. Này là hình ảnh đồng đội, có người vừa chào lạy mẹ cha đã nằm xuống không trở dậy: Có những bàn chân leo qua ngọn núi/ Mộ phần hiu quạnh giữa rừng hoang/ Có người ngã xuống ngay trước ngõ... Này là dòng máu chảy tràn nuôi bông lúa trổ, nuôi ngày mai nở hoa độc lập: Máu theo dòng chảy con sông/ Hồng Hà, Cửu Long Sông Mã, sông Hương, sông Hàn / màu xanh pha sắc đỏ...Và còn đó là hình ảnh vợ tôi, tuổi mười sáu vượt làn ranh/ Từ Sài Gòn ra bưng biền... Thơ chững lại, ngập ngừng một chút trao duyên, một nhánh lá xanh giữa rừng rực sắc đỏ của đạn bom mất mát: Nhớ một chiều, giữa rừng tràm/ Anh bẻ một nhánh lá tặng em/ Kể như chùm hoa trao duyên ngày cưới...Cuộn phim cho ta nhận ra một Phan Vũ khác, một Phan Vũ không tự đóng đinh vào những nỗi buồn tư riêng, những lãng mạn tiểu tư sản. Thơ đã bước qua cái tôi, cũng bước qua bóng tối của trầm tư quá vãng để quăng mình vào hiện thực Miền Nam Thành đồng. Anh không còn lạc trong nỗi buồn tím ngát nhưng mở mắt để nhận diện chân lý: máu chảy là một hiến dâng, một vĩ đại hiến dâng. Và thơ kêu vang, tra vấn hiện thực: “Bao giờ có một Sài Gòn ngang tầm với những hiến dâng”.

Trường ca Sài Gòn đi về đoạn kết, không kể lể mà phơi bày hiện thực, một Sài Gòn phố ùn tắc, những mặt người âu lo, vết đen hằn lam lũ bàn tay, một Sài Gòn cơm áo gạo tiền trăm nghìn nỗi tính toan theo số nhỏ, một Sài Gòn mà hố sâu giàu nghèo ngày càng phân cách: một bên tầng chín tầng mười, bên kia vùng nước đen, ao tù bùn đọng. Và Phan Vũ lại lang thang đi và tìm, lại lạc trong những nghĩa trang buồn ở đó: Lính chết trận, thưa ông bà tiên tổ/ sao chỉ một bên là tử sĩ / Trong những ngôi nhà Việt Nam / đều khắp giải khăn tang. Câu hỏi không chỉ đau lòng mà nhèm nhẹp đen bóng tối của nghi kỵ, của mối hận thù chưa thể cởi mở sau bao nhiêu năm Nam Bắc sum họp. Trường ca khép lại hình ảnh Phan Vũ cô quạnh trên đường, lạc trong giấc mơ và những chiêm nghiệm nhân sinh, miệng lầm thầm một “cầu nguyện lớn”: Có muộn không? Một quy mô siêu độ kinh cầu/ Vinh danh liệt sĩ/ Và tưởng niệm hương hồn toàn tử sĩ/ cả những thường dân trong cuộc chiến vong thân.

Bao giờ là mãi mãi trải ra trên chiều rộng của Miền Nam và chiều dài hai mươi năm Nam Bắc phân cách chia lìa với tang thương mất mát & hy sinh. Hình ảnh Sài gòn nổi lên trong giấc mơ bận bịu câu hỏi lặp đi lặp lại “Bao giờ về Sài Gòn”. Về, chỉ để nghe một tiếng rao đêm, ăn một chén chè khuya phố, để “ra bến sông ngắm những con tàu”. Thơ vọng âm từ hơi thở cuộc sống đời thường mà nồng nàn lãng mạn. Nhưng điệp khúc chủ đạo của trường ca lại là một phát vấn, một nghiêm trang câu hỏi: “Bao giờ có một Sài Gòn ngang tầm với những hiến dâng”? Câu hỏi treo ở đó cho cả mai sau.

***

Thơ là người, người thơ không dành lấy cho mình danh hiệu phấn son, khẩu phần chia chát, cũng không đấu đá biện bày những hí lộng với ngoa ngôn. Đọc và nhìn lại Phan Vũ từ Em ơi Hà Nội phố đến Bao giờ là mãi mãi, ta nhận ra một người thơ hồn nhiên đi giữa càn khôn bộn bề mà chẳng hề bận bịu với lo toan. Anh đi, đi và để lạc: lạc đi từ chốn quê nhà, lạc cả nghề lẫn nghiệp, nhất là lạc trong cõi thơ, những hoài niệm và giấc mơ cứ vướng chân anh. Thơ Phan Vũ thuộc về hoài niệm nhưng lại mở ra những dự báo cho tương lai cho nên thơ & người thơ sẽ là của hôm sau và hôm sau nữa.


Tp Hồ Chí Minh 21/12/2010. LV

1- Bức tranh tự hoạ của Phan Vũ
2- Nguyễn Du: Văn chương tàn tích nhược như ti. Bùi Giáng dịch thành: văn chương tiếng thở như lời tơ than
3- Chữ in nghiên trích thơ Phan Vũ
4- Tài liệu trích dẫn: Thơ Phan Vũ (đã in 2008). Trường ca Bao giờ và mãi mãi chưa xuất bản
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Tôi viết bài thơ “Em ơi, Hà Nội phố”

Ngày 25-09-2010, tại Hà Nội, Em ơi, Hà Nội phố - sau “gần nửa thế kỷ ra đời nhưng vẫn chưa trở về Hà Nội” như lời tác giả, đã được nhà thơ Phan Vũ đọc lần đầu tiên trong đêm thơ tổ chức cho riêng ông ở Thư viện Hà Nội. Xin giới thiệu bài viết của nhà thơ về cuộc hành trình gần 50 năm của Em ơi, Hà Nội phố và trích đăng một số khổ của bài thơ.

Tôi viết Em ơi, Hà Nội phố từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài, vì những lý do riêng, bài thơ chưa đến với độc giả. Cho đến năm 2009, nguyên tác bài thơ mới in trong tập Thơ Phan Vũ. Ở Huế, tôi đã đọc bài thơ dưới ánh sáng của một ngọn nến, trong một căn nhà cổ cho một số bạn Huế yêu thơ. Ở Sài Gòn, tôi đã đọc tại quán Guitare Gỗ do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đệm đàn và viết một ca khúc phụ hoạ.

Như vậy là gần nửa thế kỷ bài thơ viết về Hà Nội, tại Hà Nội vẫn chưa trở về Hà Nội. Và tôi vẫn mong đợi một dịp được lần đầu đọc Em ơi, Hà Nội phố giữa thủ đô.

Tháng chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá!”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi, Hà Nội phố... Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa... Điệp từ “Ta còn em, ta còn em...” được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Có người nghĩ điệp từ này có ý nghĩa thách thức với lời hăm doạ của ông Nixon. Tôi không có ý đó, chỉ thấy lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới và máu người Hà Nội đổ trên phố phường nên đọc một câu “niệm chú” để tự trấn an. Ta còn em... là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về.

Nhưng Em ơi, Hà Nội phố không phải là một lời thủ thỉ tự tình, đó là một tiếng kêu thương tha thiết... Tháng Chạp bi tráng năm ấy, những sự việc hằng ngày đã khắc ghi những đường rãnh trong ký ức, giữ lại cho con người một nỗi nhớ xót xa, sâu đậm. Chỉ một đêm xuống phố Khâm Thiên sau trận bom, nghe tiếng than khóc của dân phố, nhìn những vành khăn tang trắng xoá trong đêm và ngửi mùi hương cúng đã hình thành ngay hoài niệm để một đời không thể nào quên.

Tôi cũng phải nói thêm điệp từ Ta còn em... còn có nghĩa “ta mất em...”. Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa! Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được. Chỉ cần mấy câu thơ của người xưa Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương... cũng làm chúng ta rung động huống hồ những xót đau, mất mát thuộc về tâm linh, một thứ để thờ phụng, khiến con người có thể thí mạng để bảo vệ, gìn giữ. Và tinh thần của người Hà Nội trong tháng chạp năm ấy đã chứng tỏ rõ ràng.

Tôi đã sống một mình trên căn gác suốt 12 ngày đêm khốc liệt của Hà Nội. Bao hoài niệm thật đẹp mà tôi đã có trong quãng thời gian được gọi là “chàng trai Hà Nội” đã trở về trên căn gác, tại một khu trắng triệt để sơ tán vì gần Nhà máy điện Yên Phụ, một mục tiêu oanh kích. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian.

Tôi như đang trong một giấc mơ giữa ban ngày với đôi mắt mở! Em ơi, Hà Nội phố với 25 khổ thơ đã ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B-52 vào thành phố. Tôi ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt. Tất nhiên, trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng, một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt.

Tôi cũng thường bỏ công chép cả bài thơ dài dặc để tặng ai đó, nhưng khi khách ra về lại hí hoáy sửa lại vì trong lúc chép tặng chợt phát hiện một câu, một chữ chưa vừa ý. Do đó Em ơi, Hà Nội phố đã thành tam sao thất bản, đến mức tác giả cũng không sao phân biệt được!

Cho đến năm 1985, một lần gặp Phú Quang, một đoạn thơ đã được phổ nhạc. Khi ca khúc Em ơi, Hà Nội phố đã nổi tiếng với nhiều khen tặng, có người đến nói về giá trị phần ca từ của tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ sự xứng đáng thuộc về Phú Quang với những giai điệu mượt mà, du dương quen thuộc của anh; cả về công lao của Phú Quang với ca khúc ấy đã giới thiệu một bài thơ còn lận đận, chưa ra đời! Mấy câu thơ của tôi, một tâm tư mang tính cá nhân, là nỗi đau thầm lặng, nỗi buồn da diết riêng mang không có tính cộng đồng.

Ngày ấy, có một nhà thơ lớn khi đọc bài thơ này đã thật lòng khuyên tôi không nên phổ biến vì có thể chuốc vạ vào thân. Tôi cũng mệt mỏi vì nhiều sự phiền hà văn chương của giai đoạn ấy nên cũng nghe lời bỏ xó.

Tôi hi vọng lần đọc đầu tiên bài thơ ở Hà Nội cũng là đọc bản chính thức cuối cùng của Em ơi, Hà Nội phố. Bởi với tuổi 85, hành trình đi qua trần gian, hay nói theo Trịnh Công Sơn là quãng đời “ở trọ trần gian” của tôi cũng đã quá dài so với bao nhiêu bè bạn. Giữa Hà Nội hôm nay bỗng nhiên tôi nghĩ đến những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, hoạ sĩ cùng đứng với tôi trong ban chấp hành đầu tiên của Chi hội Văn nghệ Nam bộ thành lập từ năm 1952 giữa rừng U Minh, như các anh Diệp Minh Châu, Hà Mậu Nhai, Đoàn Giỏi, Quách Vũ, Dương Tử Giang, Huỳnh Văn Gấm, Chi Lăng, Ngọc Cung, Trương Bỉnh Tòng...

Trong số đó, có người tập kết ra Hà Nội đã nằm lại trong lòng đất thủ đô, những người ở lại miền Nam bị bắt bớ, tù đày cũng đã qua đời. Các anh ấy chỉ biết Hà Nội trong tưởng tượng, càng không thể hình dung có một Hà Nội của thơ như hôm nay với người cuối cùng còn sót lại của ban chấp hành xa xưa trở về Hà Nội đọc thơ!

Tôi cũng nghĩ tới những người bạn đã kết thân khi tôi từ miền Nam trở về Hà Nội năm 1956, đó là các anh Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Hữu Loan... tất cả các anh ấy đều có một số phận không may và đã lần lượt kéo nhau ra đi về Bến lạ (tên một tập thơ của Đặng Đình Hưng). Và tôi lại trở thành một trong những kẻ sống sót để thụ hưởng những gì mà đáng lẽ các anh ấy đều được hưởng!

“Tôi vẫn nhớ như in một buổi chiều năm 1985, khi gặp Phú Quang và đọc cho anh nghe một số đoạn trong bài thơ. Phú Quang rất thích, bảo tôi chép lại một khổ thơ ưng ý nhất để phổ nhạc. Phú Quang viết rất nhanh, sau đó không lâu tôi đã được nghe anh hát. Khi ca khúc được phổ biến trên sóng phát thanh, Lệ Thu hát quá hay... Bây giờ cô ấy đã định cư ở nước ngoài...”


Từ bài thơ đến ca khúc Em ơi, Hà Nội phố

“Những năm đầu tiên tôi mới vào Sài Gòn, một buổi ngồi nói chuyện với nhà thơ Phan Vũ ở sân Nhà văn hoá quận 3, được anh đọc cho nghe một bài thơ. Nghe xong tôi nói với anh rằng tôi cảm giác bài thơ này có thể phổ nhạc được nhưng lúc ấy chưa định là sẽ phổ ra sao. Ngay tối hôm đó tôi đã viết Em ơi, Hà Nội phố trong nỗi nhớ của những ngày xa Hà Nội. Viết xong, hát cho anh Phan Vũ nghe, anh bảo âm nhạc đã làm cho bài thơ lung linh lên.

Lần đầu tiên bài hát được lên sóng phát thanh là năm 1987 với giọng hát của ca sĩ Lệ Thu. Cũng rất lạ, trước đấy Lệ Thu hát khá nhiều bài hát của tôi trên sân khấu kịch, có một lần cô ấy nói: “Sao anh chẳng cho em hát bài nào trên đài nhỉ”. Tôi đưa bài hát ấy cho Thu, nó vừa vặn và hợp với giọng hát cô ấy đến độ tưởng như bài hát ấy tôi “đo ni đóng giày” cho Thu. Sau này có nhiều người hát hay và thành công ca khúc này nhưng khán giả nói không ai hát hay hơn Lệ Thu lần đầu tiên ấy.

Tuy nhiên, bài hát cũng có số phận khá đặc biệt, đó là suýt nữa thì không được phát hành, và khi Nhà xuất bản Dihavina phát hành lần đầu thì bài Em ơi, Hà Nội phố đứng khiêm tốn ở mặt B trong danh mục ca khúc. Nhưng thật may là khán giả đã ưu ái và bài hát vẫn được nhiều người biết đến. Hơn nữa, bài hát này cũng mang đến cho tôi giải thưởng đầu tiên trong đời về âm nhạc.”


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời