Dưới đây là các bài dịch của Hồ Quốc Vỹ. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 7 trang (67 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phú hào và anh thợ giày (Ivan Krylov): Bản dịch của Hồ Quốc Vỹ

Phú hào ở nhà cao cửa rộng
Ăn của ngon, cuộc sống xa hoa
Hàng ngày tiệc rượu, đàn ca
Tiền tiêu như nước, thật là cõi tiên
Nhưng hắn bị kinh niên mất ngủ
Chẳng vì bầy chó dữ sủa vang
Mà lo mất cắp bạc vàng
Sợ ngày đền tội, sợ quan moi tiền
Anh hàng xóm kề bên cửa sổ
Là thợ giày nghèo khổ, hát hay
Vốn người vui tính suốt ngày
Vừa làm vừa hát, quấy rầy giấc ông
Muốn cấm hát thì không quyền cấm
Đề nghị thôi, anh chẳng chịu thôi
Hắn mời anh thợ sang chơi
- Biếu anh túi bạc, để tôi yên nào!
Số tiền lớn chiêm bao khó thấy
Anh thợ giày nhận vậy, im mồm
Nhưng không hát có mấy hôm
Năng suất đã kém, chán cơm, buồn tình
Anh thợ giày cũng sinh mất ngủ
Hiểu ra rằng: giàu có sướng đâu
Anh bèn sang lão phú hào:
- Trả ông túi bạc - tôi nào ngại tiêu
Nhưng chỉ muốn việc nhiều, ca hát
Ngủ ngon là sướng nhất trần gian
Ngả lưng lên cái sập vàng
Ăn nhiều, mất ngủ lại càng cả lo
Nhà tôi miếng bánh không to
Ngậm mồm, một triệu bác cho chẳng màng


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thanh kiếm báu (Ivan Krylov): Bản dịch của Hồ Quốc Vỹ

Thanh kiếm báu vẫn còn sắc nhọn
Hết thời thành sắt vụn, tiếc không?
Chợ làng bày bán mấy đồng
Người mua là một lão nông đem về
Chỉ dùng để chẻ tre vót đũa
Xén cành cây, chữa cửa, chặt rào
Cũng đành chẳng ích là bao
Hiềm vì vứt xó, nước vào rỉ han
Có người thấy, phàn nàn hộ kiếm:
- Của báu này thật hiếm trên đời
Vào tay tráng sĩ chọc trời
Ắt lập công lớn, sao lười nằm đây?
Thật xấu hổ! Bụi đầy, rỉ sét
Kiếm trả lời: - Tôi biết giá tôi
Chẳng may giờ đã hết thời
Về cùng ông lão nghỉ nơi xó nhà
Tay chẳng được xông pha giúp nước
Cũng ích nhà, còn được việc thôi
Tôi chẳng xấu, chớ trách tôi!
Có chăng nên trách những người dùng sai!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Người làm vườn và nhà triết học (Ivan Krylov): Bản dịch của Hồ Quốc Vỹ

Mùa xuân đến bắt đầu trời ấm
Tuyết đã ran, đât ẩm dễ cày
Người làm vườn chẳng ngơi tay
Cuốc cày, đánh luống - vụ này trồng dưa
Ông hàng xóm là nhà triết học
Chuyện trồng rau chỉ đọc sách thôi
Nhưng ông cũng thích lắm lời
Luận bàn, góp ý - ra người tinh thông
Cũng cuốc đất thử trồng dưa chuột
Thấy láng giềng đang mướt mồ hôi
Bảo rằng: - Ông hãy theo tôi
Tôi trồng đúng sách, dưa thời sai hơn
Nhưng đọc sách thấy luôn đổi mới
Ông cũng liền thay đổi cách trồng
Cứ vài ngày lại ra trông
Đào lên lấp xuống - dưa không kịp bò
Bảo láng giềng: - Ôi đồ ngu ngốc
Chẳng làm theo khoa học là sai
Mất mùa đổ tại thiên tai
Được mùa ông nhận thiên tài trồng dưa
Chẳng mấy chốc đến mùa thu hoạch
Ruộng dưa trồng theo cách xưa nay
Người làm vườn hái, chất đầy
Lãi to, bán suốt mấy ngày chợ phiên
Nhà triết học tất nhiên tay trắng
Mất nhiều công, thu chẳng đủ cân

Đành rằng khoa học là cần
Nhưng trong thực tiễn nông dân là thầy!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Lửa và kim cương (Ivan Krylov): Bản dịch của Hồ Quốc Vỹ

Từ đốm lửa, bốc rất nhanh
Cháy thiêu nhà cửa biến thành tro không
Viên kim cương cất trong hòm gỗ
Bị văng ra một xó góc phòng
Lửa khoe: - Mày có thấy không?
Sức tao mạnh thế, khó hòng sánh ngang
Tuy đắt giá hơn vàng bạc quý
Nhưng kim cương cũng chỉ phù hoa
Bây giờ lăn lóc xó nhà
Giống như giọt nước, nhầm là thuỷ tinh
Dù mày có lung linh phát sáng
Cũng chẳng bằng được rạng lửa hồng
Khi tao đốt cháy gian phòng
Ai mà cứu được, đừng mong còn gì

Kim cương rằng: - Hay chi lửa cháy
Gây biết bao tai hại chết người
Anh càng nhảy múa nhiều nơi
Chỉ càng thêm khổ cho đời, cho dân
Tôi tuy bé, trong ngần, tinh khiết
Chẳng hại ai, làm đẹp cho đời
Điểm tô vương miện sáng ngời
Trên đầu vua chúa, anh thời biết không?
Anh gây đám cháy xong, người dập
Tắt lửa hồng chẳng tắt căm thù
Đời này vẫn khối kẻ ngu
Khoe khoang sức mạnh chẳng bù hại to


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Nhà thơ và quan tham (Ivan Krylov): Bản dịch của Hồ Quốc Vỹ

Nhà thơ tố quan tham ăn hại
Nên cả hai đều phải ra toà
Nhà thơ gầy guộc xác xơ
Áo sờn, giày rách, vật vờ thảm thương
Quan lớn lại đường đường bệ vệ
Vàng đầy người, bụng phệ mỡ căng
Nhà thơ phẫn uất kêu rằng:
- Tôi làm chi xấu? Công bằng ở đâu?
Kẻ tham nhũng thì giàu nứt đố
Quyền thế to, kẻ bợ người hầu
Tham ô nên nó mới giàu
Sẵn tiền sẵn lọng ai đâu dám ngờ
Tôi nghèo khổ làm thơ kiếm sống
Nó trù tôi dám chống dám cười
Nên tôi đói khổ suốt đời
Bất công? Số phận? Ông Trời biết chăng?
Thần Công lý phán rằng: - Ta biết
Người lòng lành chẳng thiệt chi đâu!
Tên kia của cải sang giàu
Chết mang sao được qua cầu Âm ty
Ngay con hắn sau khi bố chết
Hưởng gia tài quên hết công cha
Còn ngươi, tài sản - thơ ca
Đời sau vẫn quý, nhà nhà đọc ran
Nên đừng có thở than số phận
Lên cửa quan kiện quẩn, tốn tiền!

Tôi nghe toà phán, ngạc nhiên
Nửa sai nửa đúng, cảm phiền một câu:
Quan tham có bị xử đâu?
Hắn càng quyền thế, càng giàu, càng tham


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Lũ chim hoạ mi (Ivan Krylov): Bản dịch của Hồ Quốc Vỹ

Có người chuyên đánh bẫy chim
Mùa xuân giăng lưới đi tìm hoạ mi
Được mẻ lưới ông chia nhốt lại
Để chọn toàn chim mái hót hay
Chim đang phóng khoáng nhảy bay
Nhốt lồng chịu kiếp tù đày khổ ghê!
Đều ủ rũ chẳng hề nhảy nhót
Đứng lặng im, ca hót làm chi
Có con chim mái hoạ mi
Nghĩ rằng: Người bắt là vì muốn nghe
Nếu im lặng, người chê - đem thịt
Thì phen này sẽ chết cả thôi
Nó bèn lấy hết sức hơi
Hót lên một điệu tuyệt vời du dương
Mấy con khác dễ thường chịu kém
Cũng đua nhau cất tiếng hót hay
Người bèn chọn lũ chim này
Nhốt riêng cẩn thận để mai bán dần
Số còn lại ra sân thả hết
Lũ ngậm mồm thoát chết, tự do
Những con nịnh hót líu lo
Bây giờ mới biết mình ngu - lắm mồm


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Người và cái bóng (Ivan Krylov): Bản dịch của Hồ Quốc Vỹ

Một cậu bé nghịch chơi bắt bóng
Cậu chạy nhanh, bóng phóng cũng nhanh
Cậu dừng thì bóng cũng phanh
Cậu giơ tay bắt, bóng ranh giật lùi
Cậu bé bèn quay lui tìm mãi
Thấy bóng mình nó chạy phía sau
Lần này cậu rảo bước mau
Bóng đuổi theo cậu, vờn nhau suốt ngày

Chuyện bắt bóng thời nay chẳng thiếu
Ngụ ngôn này bạn hiểu ý chăng?
Có người tham muốn giàu sang
Thần tài, danh vọng... vơ quàng chẳng xong
Người tìm vợ, tìm chồng cũng vậy
Đuổi theo thì họ chạy, không ưng
Đến khi chẳng được tạm dừng
Bỏ đi, hạnh phúc lại cùng theo ta
Nói gần, thôi chẳng nói xa:
Kiên trì mọi việc - thế là thành công


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Sông lớn và Ao tù (Ivan Krylov): Bản dịch của Hồ Quốc Vỹ

Ao tù bảo con Sông gần đó:
- Này chị ơi, chị có mệt không?
Suốt ngày đêm phải dốc lòng
Chở bao tàu nặng trên dòng ngược xuôi
Bao bè gỗ, nứa trôi bừa bãi
Lại còn thuyền, vỏ lái, ca nô
Như tôi đây khỏi phải lo
Tuy không nổi tiếng, bản đồ thiếu tên
Nhưng tôi được ngủ yên, mơ mộng
Cùng cây xanh vui sống bờ ao
Chẳng lo mưa táp, gió gào
Tất nhiên cũng sợ trời cao nắng nhiều

Sông lớn đáp: - Tôi yêu vận động
Nên lòng tôi thêm rộng, thêm dài
Đem dòng nước sạch cho đời
Tưới đồng ruộng tốt nên đời ngợi ca
Con sông chảy hiền hoà, vĩ đại
Dù mệt nhưng còn mãi vinh quang
Ao tù tuy sống nhẹ nhàng
Nằm lâu bùn đọng lại càng bẩn dơ
Phải năm trời ít mưa, nắng hạn
Nước ao tù bị cạn kiệt khô
Thế là cỏ dại trùm bờ
Chẳng còn ai biết ao giờ ở đâu


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Súng thần công và Cánh buồm (Ivan Krylov): Bản dịch của Hồ Quốc Vỹ

Súng và Buồm tranh công cãi cọ
Súng khinh Buồm chẳng có tài gì
Chỉ toàn dựa gió mà đi
Thế mà căng bụng béo phì, tưởng oai
Súng mạnh lắm, khạc vài loạt đạn
Là tàu thù tán loạn chìm ngay
Cho nên trên chiếc tàu này
Súng là thuyền trưởng, ai thay được nào?
Buồm cãi lại: Chính tao quan trọng
Lái tàu đi, vượt sóng ra khơi
Dù cho gió thổi nhẹ thôi
Buồm lựa hướng gió giúp người tiến nhanh
Súng và Buồm cứ tranh cãi mãi
Đâm thù nhau, muốn hại lẫn nhau
Súng cầu Thần Bão lại mau
Cho Buồm rách nát như tàu chuối khô
Quả nhiên bão bất ngờ ập đến
Gãy cột buồm, tàu chiến quay ngang
Lênh đênh đến lúc bão tan
Tiến thời chẳng được, khó toan quay về
Tàu địch đến, một bề lúng túng
Đứng phơi sườn cho súng bắn chìm
Lúc này Buồm, Súng mới im
Đến khi mất mạng dễ tìm ngụ ngôn:

Nước muốn mạnh phải luôn kết hợp
Quốc phòng và các cấp chính quyền
Khi loạn lạc, lúc bình yên
Hài hoà đoàn kết - tất nhiên hùng cường


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Hai chiếc thùng (Ivan Krylov): Bản dịch của Hồ Quốc Vỹ

Hai chiếc thùng gỗ sồi to bự
Một rỗng không, một chứa rượu vang
Người vần qua phố đến hàng
Thùng đầy rượu nặng lại càng ít kêu
Thùng rỗng gây rất nhiều tiếng động
Bụi tung trời, như trống hộ đê
Ầm ầm, ai gặp cũng ghê
Tránh xa, thích rượu nhưng chê cái thùng
Trên đời này tuy cùng một hội
Người thông minh tài giỏi biết nhiều
Thì càng ít nói bao nhiêu
Kẻ dốt đặc lại lắm điều ba hoa


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 7 trang (67 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối