1. Nét ngài
Trong câu "Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang" thì "khuôn trăng" giải thích phù hợp còn "nét ngài" chưa phù hợp, vì:
ở Nghệ An và Hà Tĩnh, một số địa phương gọi "Người" là "Ngài" (con người-con ngài". Chính vì thế mà "nét ngài" ở đây phải được hiểu là "nét người" (Giống như "fom người"). Ngày xưa người ta vẫn coi phụ nữ "thắt đáy lưng ong" là đẹp nhưng không có nghĩa là gầy-người "dây" mà phải đầy đặn (nái nẫm), có sức khoẻ tốt. Ý của Nguyễn Du tả Thuý Vân là có thân hình đẹp, đầy đặn chứ không leo khoèo, ẽo uột.
Còn như chú thích trong bài là "lông mày" thì không phù hợp, vì không ai ví lông mày có nét "nở nang" cả. Hơn nữa, Với một "Đại thi hào" như Nguyễn Du thì không bao giờ tả người một cách "lệch" như thế cả. Đã nói về khuôn mặt rồi thì trong đó ắt có cả nét lông mày rồi, không thể tách ra được. Vì vậy trên là mặt, dưới là thân hình mới đúng, mới "cân đối"
2. "Hoa cười, ngọc thốt"
"Hoa cười, ngọc thốt" mà giải thích là "cười tươi như hoa, nói đẹp như ngọc" thì quả không ổn tý nào. Thứ nhất, hoa cười ở đây không phải là cái cười của Thuý Vân. Thứ hai, không ai gọi là "nói đẹp" cả, càng không ai ví nói đẹp như ngọc. Vì vậy trong câu đó phải hiểu là: Thuý Vân rất đẹp, đẹp đến nỗi hoa đẹp một cách tự nhiên vậy, ngọc sáng đẹp long lanh và quí giá nhường đó mà vẫn phải nở một nụ cười và thốt lên ngạc nhiên trước vẻ đẹp của Thuý Vân
3. "Làn thu thuỷ, nét xuân sơn"
Câu này không hẳn là "mắt" và "lông mày". Ở đây Nguyễn Du muốn nói đến cái đẹp thanh khiết của Thuý Kiều, thanh khiết, trong suốt như làn nước mùa thu (mùa thu khá yên ả, không gió bão, lụt lội nên nước ít bị xáo động do vậy rất trong), mơn mởn tràn đầy sức sống như cây cối trên núi khi mùa xuân đến.


Mấy lời "cạn nghĩ" như vậy mong các thành viên chỉ bảo thêm