Trang trong tổng số 3 trang (25 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Ghềnh đá (Mikhail Lermontov): Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo

Có Nàng Mây vàng
Ngủ trên ngực Đá
Sáng dậy bay đi vội vã
Nô đùa cùng trời xanh.

Tảng đá già thấy trong những nếp nhăn
Hơi thở Mây ẩm ướt
Ông đứng sững - cô đơn, không thể kìm tiếng khóc
Trong âm thầm hoang vắng lòng ông…

Ảnh đại diện

Vì sao (Mikhail Lermontov): Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo

Tôi buồn vì tôi yêu em
Vì tôi hiểu những tị hiềm gièm pha
Với em họ chẳng buông tha
Tuổi xanh mơ ước đã pha lệ đầy
Ngọt ngào đổi lấy đắng cay
Tôi buồn vì thấy em đầy vui tươi…

Ảnh đại diện

Tình yêu của kẻ chết (Mikhail Lermontov): Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo

Thân anh đất đã lấp đầy
Linh hồn anh vẫn ngày ngày bên em
Cuộc tình đời đã lãng quên
Dưới mồ, anh vẫn gọi tên một người

Anh không sợ phút lìa đời
Xa em. Mà vẫn không rời được em
Thiên đường, địa ngục anh tìm
Thấy tiên thấy quỷ. Chẳng nhìn thấy em

Cần chi những quỷ và tiên
Đam mê trần thế anh nguyền mang theo
Ngày ngày ao ước buông neo
Được ghen, được khóc, được yêu như là…

Môi ai chạm má em xa
Hồn anh tê tái. Anh là khổ đau
Tên ai em gọi nửa câu
Trong mơ. Lửa đổ thêm dầu tim anh

Đừng yêu ai khác nghe em
Bởi ta đã nặng lời nguyền trăm năm
Cũng đừng sợ sệt, kêu van
Anh người đã chết thế gian đâu cần…

Ảnh đại diện

Lầm (Vân Long): Bạn đã nhầm Vân Long thành Heine

Bài thơ này là của nhà thơ Vân Long, vì thế không thể tìm được bản tiếng Đức vì chưa có ai dịch ra tiếng Đức. Đưa vào thơ của Heine là "nhầm" rồi các bạn ơi.

LẦM

Gặp nhau non buổi chiều
Ngẩn ngơ tròn buổi tối
Đường về quên mất lối
Bước nhầm tới... nhà em.

VÂN LONG


đề
Ảnh đại diện

“Sa-ga-ne của anh, Sa-ga-ne...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo

Sa-ga-nê, em của anh, Sa-ga-nê
Đến với em, anh đi từ phương Bắc
Anh sẽ kể em nghe những cánh đồng lúa mạch
Trong ánh trăng sóng lúa gợn tràn trề
Sa-ga-nê, em của anh, Sa-ga-nê

Đến với em anh đi từ phương Bắc
Phải chăng trăng nơi đó sáng gấp trăm lần
Dẫu có đẹp bao nhiêu, thành Si-rát
Cũng kém xanh mênh mông xứ Ria-dan
Đến với em anh đi từ phương Bắc.

Anh sẽ kể em nghe những cánh đồng lúa mạch
Sóng lúa cho anh mái tóc này
Nếu em thích, trong tay em cuốn chặt
Anh không hề cảm thấy chút mờ đau
Anh sẽ kể em nghe những cánh đồng lúa mạch.

Trong ánh trăng sóng lúa gợn tràn trề
Như mái tóc anh xoăn, em hãy đoán
Em thân yêu, hãy cười đùa thật nhộn
Chỉ xin đừng thức trí nhớ anh xưa
Trong ánh trăng sóng lúa gợn tràn trề.

Sa-ga-nê, em của anh, Sa-ga-nê
Ở phương Bắc cũng có người con gái
Trông rất giống em – chẳng khác gì
Cũng có thể đang nghĩ về anh đó
Sa-ga-nê, em của anh, Sa-ga-nê.

Ảnh đại diện

“Sớm mai mẹ hãy đánh thức con nhé...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo

Ngày mai mẹ thức con dậy sớm
Ôi mẹ thân yêu, mẹ tảo tần
Để con sẽ đi ra cồn đất nhỏ
Đón gặp người bạn quí của con

Và hôm nay con thấy ở cánh đồng
Những vệt bánh xe in trên cỏ ướt
Gió thổi nhẹ đường cầu vồng vàng rực
Dưới những làn mây xốp đồng quê

Ngày mai bình minh bạn con sẽ ra đi
Vành mũ sau vòm cây – vầng trăng lặn muộn
Và con bò đứng nhìn theo tha thẩn
Ve vẩy đuôi trên đám cỏ ven đường

Ngày mai mẹ thức con dậy sớm
Mở cửa ra cho ánh sáng vào nhà
Người ta bảo con sắp thành thi si
Nổi tiếng, và, một thi sĩ người Nga

Con sẽ hát về mẹ và về bạn
Người chăn bò, bếp lửa, đàn bò
Và thơ con có một dòng sữa chảy
Dòng sữa của đàn bò của mẹ, của nhà ta.

Ảnh đại diện

Nhà thơ (II) (Sergei Yesenin): Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo

Tặng bạn thân Grisha

Ai đã giết nhà thơ yêu mến ấy?
- Kẻ thù!
Và đau thương có thật của ai kia?
- Người mẹ!
Ai đã yêu người như thể những anh em
Và cả quyết dám khổ đau vì họ?
- Nhà thơ!

Nhà thơ đã tự do làm tất cả
Mà bao nhiêu người khác chẳng thể làm…
Nhà thơ,
Anh là nhà thơ của nhân gian
Nhà thơ của đất mẹ, quê hương...

Ảnh đại diện

“Một chiều xanh, một chiều trăng...” (Sergei Yesenin): Đề nghị admin sửa một từ

Trong bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo có câu "Một chiều xanh. Một chiều xanh"; xin sửa lại thành: Một chiều xanh. Một chiều trăng
Cám ơn.

Ảnh đại diện

Tổ quốc ở biên giới (Nguyễn Trọng Tạo): thông tin thêm

Có một bài thơ mà lính biên phòng chúng tôi rất yêu thích từ 30 năm trước, đó là bài Tổ Quốc ở biên giới của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Bài thơ được in chữ đậm trên báo Quân Đội Nhân Dân và được nghệ sĩ Linh Nhâm thể hiện trên nền nhạc trong chương trình phát thanh Văn Nghệ Quân Đội đón giao thừa Tết Mậu Ngọ 1978. Bài thơ đã gây xúc động mạnh trong lòng những người lính chúng tôi, và tôi đã thuộc rất nhanh, rồi nhiều lần đọc lại cho đồng đội. Khi làm báo Biên Phòng, tôi rất muốn in lại bài thơ tâm đắc ấy, nhưng thời gian trôi đi, tôi đã quên mất một số đoạn không thể phục hồi lại trọn vẹn được. Bỗng tình cờ, tôi gặp nhà thơ và hỏi xin anh bài thơ ấy. Nguyễn Trọng Tạo rất xúc động, nói rằng, đấy là bài thơ mà mỗi lần nghe Linh Nhâm trình bày qua đài phát thanh đều làm chấn động trái tim anh, nhưng chính anh cũng không còn nhớ hết. Tôi đọc lại cho anh nghe những đoạn thơ vẫn còn trong trí nhớ của tôi. Không ngờ, những câu thơ tôi quên thì anh lại nhớ. Thế là chúng tôi đã cùng nhau nối ghép lại trọn vẹn bài thơ.

Nhân ngày kỷ niệm Bộ đội Biên Phòng, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ Tổ Quốc ở biên giới của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

NGUYỄN HOÀ VĂN: Đại tá, Tổng biên tập báo Biên Phòng.
Trang này đăng trên báo BP số kỷ niệm ngày bộ đội BP, 3.2007

Ảnh đại diện

Còn mãi một chân dung (Nguyễn Trọng Tạo): Anh Xuân Sách đã "Trở về" (Nguyễn Trọng Tạo)

Tôi đang đi xa Hà Nội thì nghe tin bệnh tình nhà thơ Xuân Sách đã đến hồi trầm trọng, và bệnh viện Thanh Nhàn có thể là “nơi cuối cùng” của anh. Tôi nghe tin đó qua điện thoại của nhà thơ Nguyễn Hoa sau khi đến bệnh viện thăm anh vào chiều tối ngày 2.6.2008. Tôi liền đưa tin này lên blog lúc 23h 29’ thì đúng 23h 55’ cùng ngày, anh Xuân Sách đã trút hơi thở cuối cùng.

Tôi quen anh Xuân Sách từ sau 1975, khi anh làm biên tập tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, và anh đã tìm trong tủ sách lưu của anh cho tôi cuốn tạp chí có in thơ tôi mà tôi không có. Sự nhiệt tình của anh với một nhà thơ trẻ là tôi cách đây hơn 30 năm làm tôi xúc động không quên được. Thời tôi ở Huế, anh lại ở Vũng Tàu, thỉnh thoảng ra Huế theo việc gia đình và lần nào cũng ghé tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tôi còn nhớ hồi đó tập thơ Chân dung nhà văn của anh in ra bị “trắc trở”, anh vẫn giữ cho tôi một cuốn và cười nói: “Bây giờ nó thành sách hiếm đó Tạo”. Thế là tôi đem đi phô tô nhân bản cho mấy người bạn thân. Nhiều bài “thơ chân dung” của anh tôi đã thuộc từ khi chưa in, nhưng khi đọc tập thơ 100 bài liền, tôi nhận ra một Xuân Sách thông minh, tinh tế và đáo để, sự đáo để được “bảo trợ” bằng tiếng cười hóm hỉnh (humour) thâm hậu nên vô cùng thú vị. Nhờ thế mà anh Xuân Sách đã thành công trong lối "thơ chân dung nhà văn" khi anh điểm huyệt asin của họ. Cái tài, cái hay của anh là chính ở chỗ đó, ở cái chỗ chua chát mà lại rất có duyên.

Sau này một số nhà thơ cũng làm kiểu “thơ chân dung” như thế, nhưng không ai vượt qua được Xuân Sách.

Năm 1997, tôi cùng anh Xuân Sách thăm Trung Quốc theo lời mời của Hội Nhà Văn TQ. Chúng tôi làm việc, thăm thú ở Bắc Kinh vài ngày rồi đi thăm các Hội Nhà Văn tỉnh, thành phố. Khi HNV Thượng Hải tiếp chúng tôi, có nữ nhà thơ trẻ Trương Diệp là nhà thơ rất nổi tiếng, và xinh đẹp; chị là giáo sư trường đại học Phúc Đán, từng đoạt giải thưởng Thơ toàn quốc và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trương Diệp sống độc thân. Thơ chị rất hiện đại, nhưng giọng đọc thơ của chị thì khiến cả bàn tiệc im lặng tuyệt đối như trong phòng thu thanh. Xuân Sách rất thích “chất thi sĩ Trương Diệp”, anh nháy tôi mời nữ nhà thơ đi quán rượu sau bữa tiệc chiêu đãi. Chị rất thích đi chơi cùng chúng tôi, nhưng hình như không được sự đồng ý của lãnh đạo nên đã phải chia tay khi mới 8 giờ tối. Tôi và anh đành rủ người phiên dịch đi “thâm nhập thực tế” các quán rượu Đêm Thượng Hải. Trong khi ngà ngà rượu, tôi bịa ra một câu chuyện rất “liêu trai” về “hậu Trương Diệp” kể cho Xuân Sách nghe. Không ngờ về nước, Xuân Sách đã viết thành truyện ngắn rất đặc sắc “Đêm liêu trai Thượng Hải”. Truyện anh viết rất lạ, nó hư hư thực thực, đầy rẫy bất ngờ và giàu trí tưởng tượng. Tôi không ngờ những câu chuyện vu vơ dọc đường, qua ngòi bút của anh nó lại hiện lên sinh động và “văn chương” đến thế. Đó chính là cái tài của anh, nhìn thấy những điều mà người khác không thấy…

Tôi mở Weblog Hội Ngộ Văn Chương đọc lại “Đêm liêu trai Thượng Hải”, như thấy anh tủm tỉm cười trong quán rượu đêm ấy, nụ cười như nói rằng: “Cậu cứ kể đi, còn tớ sẽ hư cấu thành truyện của tớ”. Đó cũng là cung cách của một nhà văn chuyên nghiệp, luôn lắng nghe, luôn quan sát và luôn tưởng tượng thêm.

Nhưng anh cũng lắm khi buồn. Ấy là nỗi buồn của sự biết. Tết rồi thăm anh, anh không buồn vì bệnh, mà buồn vì chuyện đời, chuyện quê nhà, bản quán hun hút. Anh bảo Lê Huy Mậu sướng không thôi về bài thơ Khúc hát sông quê được tôi phổ nhạc, và anh cười, nhưng tôi đọc sau nụ cười của anh cũng là nỗi buồn xa quê ấy. Tôi như thấy hiện lên những câu thơ Bến quê anh viết năm nào: “Tôi về tới bến sông xưa/ Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò/ Nhìn theo ngọn khói vu vơ/ Nhớ thương thì có đợi chờ thì không/ Buồn ai thả lại giữa dòng/ Cho tôi mang lấy nặng lòng chiều nay/ Hư hao một thoáng heo may/ Sương nhoà mặt đất mây bay cuối trời/ Cất lên một tiếng đò ơi/ Nhỏ nhoi như giọt mưa rơi giữa đồng”.

Và giờ đây, cuộc “ra đi” cuối cùng của anh lại chính là cuộc “trở về” với bến quê xưa ấy. Gia đình, bạn bè sẽ đưa anh về lại làng Trường Giang, Nông Cống quê anh.

Để tưởng nhớ anh, một nhà văn luôn hướng về sự thật, tôi xin gửi bài thơ thay nén tâm nhang khính viếng linh hồn anh:

CÒN MÃI MỘT CHÂN DUNG

Kính viếng anh Xuân Sách

Không bao giờ quay lại biển Vũng Tàu
Vẫn còn đó căn nhà mấy năm không vôi ve ôm bóng ngượi vợ góa
Cuộc ra đi cuối cùng chính là cuộc trở về
Yên nghỉ giữa bản quê Thanh Hóa

Bãi Trước bãi Sau vẫn ầm ào sóng bể
Bạn bè đọc thơ anh cười khóc với nhà văn
Vẫn thấy anh nhoẻn cười như thể
Sắp nói gì với gió chuyển mây vần

Đời bạc tóc trăm chân dung đã vẽ
Những ký họa xuất thần bằng chữ chắt từ tim
Lời nói thật có khi thành tai họa
Nhưng mà anh nói thật đã thành quen

Không phải ai cũng nói thật như anh
Nên Xuân Sách thành tên riêng để nhớ
Nên tôi tin những gì anh để ngỏ
Cũng chính là sự thật sắp hiện lên…

Xin cúi đầu trước sự thật thiêng liêng
Dù anh đã ra đi sự thật còn sống mãi
Anh còn về trong những trang sách ấy
Và tôi còn gặp lại một Người Anh!...


5.6.2008

Báo Văn Nghệ, Hà Nội Mới

Trang trong tổng số 3 trang (25 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: