Trang trong tổng số 24 trang (235 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

buithison

Tin văn đọc sáng28/10/2010

Sự thật về mối tình Hàn Mạc Tử - Hoàng Thị Kim Cúc và bài thơ "Ở đây thôn Vỹ Dạ"

Theo Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển  
Phanxipăng*  

Lâu nay, khá đông người cho rằng thi sĩ Hàn Mạc Tử và nhà giáo kiêm cư sĩ Hoàng Thị Kim Cúc từng có một tình yêu đôi lứa. Lắm sách báo ghi nhận như vậy. Ngay cả lối sống khá đặc biệt của Kim Cúc - suốt đời độc thân, làm thơ tặng Hàn, chẳng chuyện trò điều này với người trong nhà... - càng khiến dư luận nghĩ vậy.

Với Kim Cúc, Hàn từng gửi thư và hai áng thơ mà thiên hạ lưu truyền với nhan đề Đây thôn Vỹ Dạ và Đừng cho lòng bay xa.

Nhưng bằng hệ thống tư liệu phong phú và xác thực, tác giả Phanxipăng chứng minh rằng Hàn yêu đơn phương Kim Cúc, đồng thời khẳng định nhan đề chính xác hai áng thơ kia là Ở đây thôn Vỹ Dạ và Sao, vàng sao.




Giai đoạn 1928-1930, Nguyễn Trọng Trí - sau trở thành nhà thơ Hàn Mạc Tử(1) - về Huế nội trú tại trường Pellerin(2) để dùi mài đèn sách hai niên khóa cuối bậc tiểu học (3). Sau khi đỗ kỳ thi tiểu học yếu lược vào tháng 6/1930, Nguyễn Trọng Trí được cấp bằng Certificat d’études primaires franco-idigènes/Pháp Việt sơ học văn bằng ngày 26/12/1930. Kế đó, Nguyễn Trọng Trí vào phố biển Quy Nhơn, sống cùng gia đình. Năm 1932, chàng xin làm tập sự tại Phòng Địa chính Quy Nhơn trực thuộc Sở Địa chính tỉnh Bình Định - cơ quan được dân gian thuở bấy giờ quen gọi là Sở Đạc điền. Nguyễn Trọng Trí được phân công làm thư ký công nhật ở bộ phận bảo tồn điền trạch.

Soạn Đôi nét về Hàn Mạc Tử(4), Quách Tấn ghi nhận: “Khi Tử làm Sở Đạc điền Quy Nhơn, Tử có yêu một thiếu nữ ở cùng một con đường - đường Khải Định(5) - biệt hiệu là Hoàng Cúc.”

Hàn Mạc Tử - Hoàng Hoa: tình đơn phương

Nàng mang họ tên đầy đủ là Hoàng Thị Kim Cúc, ái nữ của Tham tá Hoàng Phùng - thuở nọ đảm trách chức vụ Giám đốc Sở Đạc điền Quy Nhơn. Với nguồn tư liệu hiện thời, tôi chưa hề thấy Hoàng Thị Kim Cúc mang biệt hiệu Hoàng Cúc bao giờ cả. Biệt hiệu của nàng là Hoàng Hoa. Có lẽ bắt nguồn từ những câu thơ Hàn viết thuở tương tư nàng. Như bài tứ tuyệt Hoa cúc:

Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa,
Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha.
Vẻ mặt khác chi người quốc sắc,
Trong đời tri kỷ chỉ riêng ta.

Hoặc rõ rệt hơn là trong bài Sao, vàng sao - bấy nay lưu hành dưới nhan đề không đúng bản gốc là Đừng cho lòng bay xa - mà Hàn từng gởi “tiểu thư khuê các”:

Trời nhật nguyệt cầu vồng bắc tứ phía,
Ôi Hoàng Hoa, hồn phách đến nơi đây,
Hương ân tình cho kết lại thành dây,
Mong manh như lời nhớ thương hàng triệu

Sinh thời, Hoàng Thị Kim Cúc thỉnh thoảng cũng sáng tác thơ và ký bút danh Hoàng Hoa, hoặc Hoàng Hoa thôn nữ, hoặc H.H.

Hoàng Thị Kim Cúc chào đời ngày 5/12/1913 nhằm mùng 8/11 năm Quý Sửu. Hàn Mạc Tử chào đời ngày 22/9/1912 nhằm ngày 12/8 năm Nhâm Tý 1912. Khoảng cách tuổi tác như thế, theo quan niệm dân gian quả rất xứng đôi vừa lứa: “Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một”. Lứa thì vừa đấy, song chàng với nàng chẳng hề “đôi lứa xứng đôi” - dẫu chỉ xứng đôi trên tình trường như nhiều người bấy lâu ngộ nhận. Sự nhầm tưởng kia, trớ trêu thay, lại xuất phát từ những hồi ký do thân bằng quyến thuộc của Hàn viết và công bố sau khi Hàn mất!
Để bạn đọc tiện khám phá sự thật vấn đề, tôi xin sao lục mấy lá thư của chính người trong cuộc là Hoàng Thị Kim Cúc.

Thư đề ngày 13/3/1971 gởi Quách Tấn: “Hồi đó Tử thường đến chơi với Hoàng Tùng Ngâm là em chú bác với tôi. Bạn Ngâm đông lắm. Trong gia đình tôi, không ai để ý đến bạn của Ngâm. Câu chuyện tâm tình của Tử, trừ Ngâm ra, cũng không ai biết. Tôi được biết trước khi thầy tôi sắp về hưu, do một người bạn khác nói lại, chứ không phải Ngâm.”

Thư đề ngày 15/4/1971 gởi Quách Tấn: “Hồi ấy tuy nhà Tử ở gần tôi, song Tử và tôi cách xa nhau như hai ngọn núi, Tử thì kín đáo và bẽn lẽn như con gái, còn tôi thì bí mật và xa lạ như cung trăng! Tuy thế Tử cũng đã tìm cách để gặp, nhưng rồi vẫn cũng chưa toại nguyện (…). Năm 1936, khi Tử ở Sài Gòn về Quy Nhơn, tôi vẫn còn ở Quy Nhơn đến mấy tháng sau mới về Huế.”

Thư đề ngày 15/10/1971 gởi Quách Tấn: “Về tuồng cải lương(6) thì tôi được biết do đoàn Dạ Lý Hương đóng vào đầu năm 1970 (hồi đó tôi vào Sài Gòn được nghe nhiều người kể lại, trong đó có bác sĩ Lê Khắc Quyến kể nữa) và lần lượt đã trình diễn trên tivi khoảng mấy tháng sau tại các tỉnh miền Trung. Họ đã diễn tả đúng đoạn văn của ông trong tập Văn số 73 trang 93. Nghĩa là họ diễn đoạn Tử nhờ người đến cầu hôn bị ông bà thân nhà gái từ chối, hất hủi, vì lẽ Tử không xứng mặt đồng sàng! Cô Cúc không có trong vở tuồng, không xuất hiện trên sân khấu, chỉ có ông bà thân của cô và Tử thôi. Ông bà đã lột hết tài nghệ phơi bày rõ rệt tâm địa của con người chỉ biết tiền, ham danh vọng, khinh miệt người, hống hách… Như vậy, ông đã thấy rõ, vì động chạm sai lạc đến thầy mẹ tôi và Tử nên tôi mới lên tiếng, chứ không phải vì tôi!”


Thủ bút Hoàng Thị Kim Cúc trong thư đề ngày 16/10/1987 gởi Nguyễn Bá Tín.
Thư đề ngày 16/10/1987 gởi Nguyễn Bá Tín - em ruột Hàn: “Vào đầu năm 1936, sau khi ông trợ Cát là cậu tôi ghé nhà chơi, lúc ra về bỏ quên thư của Tử gởi cho cậu tôi mà nội dung chỉ nói về chuyện tâm tình của Tử. Tử có tới gặp tôi 2 lần. Lần đầu chỉ nói bâng quơ vài câu rồi chào về. Lần thứ hai, Tử mạnh dạn trong dáng điệu rụt rè, lắp bắp mấy lời tỏ tình, rồi đưa tặng tôi tập thơ Bâng khuâng với mảnh giấy nhỏ có mấy hàng chữ. Tôi bàng hoàng rồi cũng rụt rè từ chối, không nhận sách, không nhận thư (…). Gần cuối năm 1936, khi Tử về dự hội chợ Huế, mang theo một xấp Gái quê vừa in xong, có gặp tôi cùng đi với anh em tôi trong hội chợ. Tử đưa tặng anh em tôi mỗi người một tập, có đề chữ tặng, không tặng tôi mà chỉ yên lặng nhìn! Mấy hôm sau, Ngâm cho biết: Tử có về nhà tôi ở Vỹ Dạ mà lại đứng ngoài ngõ nhìn vô, rồi từ đó chúng tôi không gặp nhau, lại không thư từ, thăm viếng, hứa hẹn, mỗi người một ngả, cách xa nhau như hai ngọn núi (…). Nếu không có bức thư ông trợ Cát để quên ở nhà tôi thì có lẽ tôi vẫn dửng dưng vô sự. Và Ngâm cũng không nói gì với tôi về mối tình của Tử. Ngâm thấy không thể giấu được nên mới kể đại khái rằng: ‘Trí nó cảm chị lâu rồi, từ hôm chị bán gian hàng ở hội chợ của Tòa sứ Quy Nhơn tổ chức (…). Trí đã nhờ Ngâm đưa thư cho chị, Ngâm không đưa. Trí nhờ nói với chị về nỗi lòng, Ngâm từ chối. Trí làm thơ tặng chị đăng trong báo Phụ nữ tân văn, Ngâm cắt mấy bài thơ rồi mới đưa báo cho chị (…). Thật tội cho thằng Trí! Nó kể cho em nghe nhiều nhiều, mà Ngâm đâu có nói gì với chị, vì Ngâm không muốn làm bận rộn tâm trí chị, khi thấy chị chưa nghĩ gì về chuyện yêu đương!’. Thật thế, lúc đó tôi đã 21 tuổi rồi(7) mà sao còn quá ngơ ngác!”

Thư đề ngày 11/5/1988 gởi Hoàng Toại - anh cả của Hoàng Thị Kim Cúc: “Lâu nay em chưa có dịp kể cho anh nghe và em cũng không kể cho ai hết, tuy thế đã có nhiều người biết chuyện, biết qua sách báo sai lạc, biết qua sự phỏng đoán và tưởng tượng của họ. Câu chuyện xảy ra trên nửa thế kỷ rồi anh nợ, em cũng im lặng cho nó đi qua, vì câu chuyện thuộc về dĩ vãng. Không ngờ mấy năm sau đây mấy nhà viết sách tìm tòi moi móc, moi những chuyện không đúng sự thật như bài báo của Kiêm Đạt ở bên đó(8) mà anh đã cắt gởi về cho em coi chẳng hạn (…). Hồi em ở Quy Nhơn với ba, Hàn Mạc Tử có để ý đến em, nhờ Ngâm hỏi ý kiến em, Ngâm không hỏi. Anh ấy kiếm cách gặp em kể lể nỗi niềm, em thấy trước là câu chuyện không đi đến đâu nên từ chối. Câu chuyện chỉ có chừng nấy, em yên trí là không liên quan gì với nhau nữa, không dè thi sĩ cứ thầm yêu trộm nhớ, làm thơ rồi nhờ bạn bè tặng sách báo cho em, em vẫn cứ im lặng, không trả lời trả vốn (…). Sau khi Hàn Mạc Tử qua đời, Ngâm mới kể rành mạch nỗi lòng của Hàn Mạc Tử đối với em. Em hết sức cảm kích và vô cùng ngậm ngùi. Anh có nhớ hồi anh làm ở văn phòng nào đó, ông Trần Tái Phùng cũng làm một chỗ với anh, một hôm anh đi làm về, đưa cho em một tờ giấy nhỏ có ghi hai câu thơ của Hàn Mạc Tử do ông Trần Tái Phùng đưa cho anh đem về hỏi em. Hai câu thơ đó là:

Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn Cúc ở trong sương.

Em xem xong chỉ cười mà không trả lời (…). Hôm nay em mới kể câu chuyện tâm tình đó với anh, kể ra cũng quá chậm, song chắc anh cũng hiểu tâm trạng em mà hoan hỷ cho em (…). Kha Anh, Kha Em hay Em Nhỏ thì có biết chuyện, song cũng biết lơ mơ vì em không nói chi hết; mấy em ở trong nhà cũng chỉ biết qua sách báo (…). Trong gia đình, anh là người đầu tiên mà em kể chuyện tâm tình của em”.

Qua trích đoạn năm lá thư của người trong cuộc, ắt bạn đọc đủ cơ sở để kết luận, mối tình đầu Hàn Mạc Tử dành cho Hoàng Hoa chỉ là tình đơn phương. Trao đổi với tôi về chuyện này, một bạn thân của Hàn Mạc Tử là nhà văn Trần Thanh Địch(9) thuở sinh tiền nhận định:

- Năm 1941, ngay sau khi Hàn qua đời, anh Trần Thanh Mại soạn sách Hàn Mạc Tử(10) đã có đoạn kết tiên đoán rất đúng: “Tôi vẫn biết trước, trong một ngày không lâu, người ta sẽ dành nhau cái vinh dự xây dựng cho thi sĩ Hàn Mạc Tử những chiếc thánh giá vĩ đại, đến cả những lăng tẩm nguy nga nữa”. Tham dự một số buổi lễ kỷ niệm Hàn Mạc Tử được tổ chức đó đây trong thời gian qua, chắc anh Phanxipăng đã chứng kiến cảnh mấy phụ nữ tranh nhau tự nhận là “nàng thơ”, là “tình nhân” của thi sĩ quá cố. Thói đời mà! Thế nhưng, chị Cúc thì khác. Chị không nhận những gì mình không có. Tôi cho đó là đức tính trung thực đáng quý. Và nhiệm vụ của các cây bút ngày nay là hãy cố gắng đem “cái gì của César trả lại cho César.”
Thiết tưởng cần soi sáng thêm đôi điểm về nhân thân Hoàng Thị Kim Cúc cùng một vài nhân vật liên quan từng được đề cập trong năm bức thư trên. Biết đâu đôi điểm này lại có khả năng là một trong những “chìa khóa” giúp chúng ta “giải mã” phần nào hành trạng và tác phẩm của Hàn thi sĩ.

Nhiều người dân Huế hiện tại vẫn còn nhớ Hoàng Thị Kim Cúc ít nhất ở hai cương vị, nhà giáo và nữ cư sĩ.(11) Lật lại các tuyển tập Đồng Khánh mái trường xưa do Ban Liên lạc cựu học sinh Đồng Khánh, Huế, nay là Trường Trung học Phổ thông Hai Bà Trưng, thực hiện từ năm 1992 trở đi, chúng ta bắt gặp những dòng hồi ức của bao thế hệ học trò về “hình ảnh dịu dàng, vóc dáng nhỏ nhắn, vui vẻ ân cần nhưng cũng rất nghiêm khắc của cô Hoàng Thị Kim Cúc, cô giáo đầu đàn của bộ môn nữ công gia chánh thời ấy”(12). Hoàng Thị Kim Cúc cũng là tác giả bộ sách Món ăn nấu lối Huế(13) được nhiều người đọc và áp dụng.
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Thời ấy, nếu Hoàng Thị Kim Cúc đến Trường Đồng Khánh được các nữ sinh kính cẩn thưa “cô”, thì lúc ra đường, Hoàng Thị Kim Cúc thường được nhiều thanh thiếu niên gọi thân tình bằng “chị”. Đó là cách xưng hô phổ biến của mọi đoàn sinh đối với các nữ huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam(14). Chị Cúc là huynh trưởng với chức vụ Phó ban Hướng dẫn Trung ương Gia đình Phật tử Việt Nam, phụ trách ngành nữ từ năm 1947. Như vậy, cư sĩ không chỉ tu tại gia mà còn tích cực hoạt động xã hội.

Tôi gặp chị Cúc lần đầu tại đồi thông chùa Từ Hiếu (Huế) trong hội trại mang tên Hoài Nhân do Gia đình Phật tử Việt Nam tổ chức năm 1974. Sau đó, chúng tôi đôi lần ghé thăm chị ở nhà riêng tại Vỹ Dạ, mà lần cuối cùng là lúc chị nằm thoi thóp trên giường bệnh sau vụ tai nạn giao thông xảy ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 11/8/1988 rồi được chuyển về Huế ngày 23/9/1988. Ngày 3/2/1989, tức 27 tháng Chạp năm Mậu Thìn, Hoàng Thị Kim Cúc - pháp danh Tâm Chánh - lìa trần, hưởng thọ 76 tuổi. Lễ di quan diễn ra ngày 15/2/1989, nhằm ngày mùng 10 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ. Lúc ấy, tôi ở xa Huế nên không dự được. Vậy xin dẫn đoạn tường thuật đám tang Hoàng Thị Kim Cúc do Mai Văn Hoan viết: “Có lẽ đó là một trong những đám tang lớn nhất ở Huế gần đây mà tôi được biết. Đoàn xe tang nối dài từ Đập Đá đến Trường Quốc Học. Quanh xe tang đính nhiều câu đối ca ngợi phẩm hạnh của bà. Tôi còn phát hiện có những bài thơ của các nhà sư họa lại bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ”(15).

Ngoài ông anh cả là Hoàng Toại định cư ở nước ngoài, Hoàng Thị Kim Cúc còn có mấy người anh ruột tập kết ra Bắc sau hiệp định Genève 1954: Hoàng Xuân Tùy (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục), Hoàng Hoan Nghinh (nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Philippines). Người em ruột Hoàng Tế Ngộ ở lại Huế, trước khi quy tiên từng là “thủ từ” trong ngôi nhà mà chị Cúc từng sinh sống.

Anh em chú bác của Hoàng Thị Kim Cúc có Hoàng Tùng Ngâm vốn là bạn thân cùng nguyên quán Thừa Thiên, cùng tuổi Nhâm Tý (1912) và cùng làm chung Sở Đạc điền Quy Nhơn với Hàn. Năm 1954, Hoàng Tùng Ngâm tập kết ra Bắc, đổi tên là Hoàng Thanh Trai và từng làm đại sứ nước ta tại Ai Cập rồi tại Sri Lanka. Tết Bính Thìn (1976) thì mất ở Hà Nội.(9) Năm 1939, chính nhờ “xúc tác” của Hoàng Tùng Ngâm, Hàn đã hứng khởi sáng tạo một số áng thơ tặng Hoàng Thị Kim Cúc - trong đó có Ở đây thôn Vỹ Dạ, một tác phẩm gây nhiều tranh luận lâu nay.

Áng thơ Ở đây thôn Vỹ Dạ - nhan đề nguyên tác cùng một số lời bình

Năm 1992, ba cuộc hội thảo lớn được tổ chức ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm nhìn lại và đánh giá 60 năm phong trào Thơ mới. Ban tổ chức đã đề nghị các nhà thơ, nhà nghiên cứu - lý luận - phê bình bỏ phiếu chọn những bài Thơ mới hay nhất. Kết quả cuối cùng, Ở đây thôn Vỹ Dạ của Hàn lọt vào “top 18”.

Quanh áng thơ nổi tiếng này, lâu nay rộ lên nhiều cuộc tranh luận sôi nổi - nhất là từ khi tác phẩm được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa vào giảng dạy chính thức trong chương trình lớp 11 bậc trung học phổ thông. Theo dõi các cuộc tranh luận đó, tôi nhận thấy một số chi tiết bị nhầm lẫn rất đáng buồn. Tại sao? Có nhiều lý do. Hai trong những lý do quan trọng là thiếu thực tế và thiếu tư liệu tham khảo cần thiết.

Điều nhầm lẫn phổ biến đầu tiên nằm ở… nhan đề bài thơ! Nguyên tác, Hàn viết Ở đây thôn Vỹ Giạ chứ không phải Đây thôn Vỹ Dạ như sách báo - kể cả giáo khoa và giáo trình - vẫn in. Địa danh có thể chỉnh sửa cho thống nhất chính tả: Vỹ Dạ hoặc Vĩ Dạ thay vì Vỹ Giạ(16). Còn chữ Ở hà cớ gì bị lược bỏ? Nếu muốn gọn hóa tối đa, Ở đây thôn Vỹ Dạ rất dễ biến thành Thôn Vỹ chăng?

Nhà văn Trần Thanh Địch nhận xét:

- Chữ Ở được Hàn dùng có chủ đích. Đọc kỹ bài thơ mới thấy chữ đó nhấn mạnh đến thôn Vỹ: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Tùy tiện “biên tập” cả “titre” mà không được tác giả ưng thuận là tối kỵ. Chuyện như vậy xảy ra không ít đối với tác phẩm của Hàn! Như bài Sao, vàng sao - một bài thơ khác mà Hàn gởi tặng chị Cúc - lâu nay cứ bị “chụp” cái tên Đừng cho lòng bay xa.

Cả hai áng thơ vừa nhắc đều được Hàn Mạc Tử đưa vào tập Thượng thanh khí, chứ chẳng phải tập Thơ điên (tức Đau thương). Đây là một nhầm lẫn khác mà đa số tuyển thơ cùng nhiều bài viết vẫn mắc phải.

Trong cuốn Thơ Hàn Mạc Tử và những lời bình(17), Mã Giang Lân lại cho rằng Ở đây thôn Vỹ Dạ vốn in lần đầu trên giai phẩm Nắng Xuân năm 1937. Hỡi ôi! Bài thơ được hoàn tất năm 1939, liệu có thể công bố trước hai năm chăng?

Thậm chí có người, như Vũ Quần Phương qua lời tựa tập Hàn Mặc Tử - thơ với tuổi thơ(18), nghĩ rằng áng thơ Ở đây thôn Vỹ Dạ mang vẻ đẹp “trong trẻo” và thể hiện bằng giọng điệu “bình tĩnh” nên tin chắc đây là một sáng tác thuộc giai đoạn đầu của Hàn, giai đoạn thân chưa phát bệnh và thơ chưa phát “điên”. Thật ra, Hàn lúc này đang đau khổ lánh mình với nguồn thơ úa mãi hai hàng lệ(19) rồi lâm chung sau đấy đúng một năm tròn!

Hiểu rõ xuất xứ cùng hoàn cảnh sáng tạo tác phẩm, ắt sẽ góp phần giúp bạn đọc tiếp nhận bài thơ theo cách đúng đắn hơn, chuẩn xác hơn. Do đó, tôi sao lục thêm ba đoạn thư liên quan do chính người trong cuộc là Hoàng Thị Kim Cúc giãi bày.

Thư đề ngày 15/4/1971 gởi Quách Tấn: “Về cô gái trong câu Lá trúc che ngang mặt chữ điền mà ông hỏi có phải là tôi đó không. Thưa ông, bức ảnh đó chỉ là bức ảnh phong cảnh, không có cô gái nào khác ngoài cô gái chèo đò. Cô gái mà ông hỏi đó là do sức tưởng tượng của thi nhân mà hiện ra thôi. Số là mùa hè năm 1939, Ngâm viết thư về Huế cho biết Tử bị mắc bệnh nan y. Ngâm khuyên tôi nên viết thư thăm Tử, hãy an ủi một tâm hồn đau khổ. Thay vì viết thư thăm, tôi gởi một bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái carte-visite(20). Trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mấy lời hỏi thăm sức khỏe Tử, mà không ký tên, rồi gởi nhờ Ngâm trao lại. Sau đó một thời gian, tôi nhận bài thơ Ở đây thôn Vỹ Dạ và một bài thơ khác nữa(21) cũng do Ngâm gởi về (bài này các sách báo đều đăng cả rồi). Không ngờ sức tưởng tượng của thi nhân quá khác thường đến biến bức ảnh phong cảnh đó thành bức ảnh bến Vỹ Dạ lúc hừng đông hay một đêm trăng, trong đó có cô gái Lá trúc che ngang mặt chữ điền nữa! Khiến có người đã nghĩ rằng cô gái đó mặc áo trắng dài tha thướt vì câu Áo em trắng quá nhìn không ra…”.

Thư đề ngày 16/10/1987 gởi Nguyễn Bá Tín: “Năm 1938, Ngâm cho biết Hàn Mặc Tử mắc bệnh nan y. (…) Xiết bao ngậm ngùi thương cảm. Thương cho người tài hoa lâm đại nạn! Cảm tấm lòng yêu thương thắm thiết chân thành của Tử đã dành riêng cho tôi! Một thời gian sau, Ngâm đề nghị: lúc này, chị nên an ủi Trí. (…) Xa xôi quá, không biết làm gì khác hơn là viết mấy hàng chữ hỏi thăm sức khỏe Tử, viết mà không chữ ký, không đề ngày, sau tấm ảnh phong cảnh Huế, gởi nhờ Ngâm trao lại. Rồi mấy tháng sau, Ngâm gởi về cho tôi bài thơ Ở đây thôn Vỹ Dạ với mấy hàng chữ sau lưng bài thơ vào tháng 8/1939. Giữa Hàn Mặc Tử và tôi chỉ có chừng nấy.”

Thư đề ngày 11/5/1988 gởi anh cả Hoàng Toại: “Đến khi nghe anh ta(22) mắc bệnh nan y, em rất xót thương cho người tài hoa bạc phận và để an ủi một tâm hồn tha thiết yêu thương đang vô cùng đau khổ, em gởi cho anh ta hai dòng chữ hỏi thăm sức khỏe viết trên một tấm cát 6x9(23) phong cảnh thành phố Huế, ảnh mua ở nhà chụp bóng Tăng Vinh. Sau khi nhận được bức phong cảnh đó thì anh ta gởi bài thơ Ở đây thôn Vỹ Dạ tặng em. Thư đi thư về đều qua tay Ngâm chuyển, chứ em không trực tiếp gởi. Và sau mấy hàng chữ thăm sức khỏe và sau khi nhận được bài thơ Hàn Mạc Tử tặng, em cũng nín luôn, không thư từ gì cho thi sĩ nữa, qua năm sau (1940) thì được tin Hàn Mạc Tử mất tại Quy Hòa”.

Áng thơ Ở đây thôn Vỹ Dạ cùng bức thư của Hàn đã được Hoàng Thị Kim Cúc trân trọng giữ gìn tại nhà riêng. Đó là tờ giấy pelure mỏng, một mặt chép bài thơ, mặt kia ghi mấy dòng thư. Rất may mắn được chị Cúc lúc sinh tiền cho xem tận mắt, tôi chú ý mấy điểm: bài thơ gồm 3 khổ thì khổ cuối trong thủ bản nằm cách biệt với hai khổ đầu, cuối bài thơ, tác giả ký Hàn Mạc Tử rồi đề 11-1939 (chứ không phải 8-1939). Còn bức thư thì nguyên văn như sau:

Túc hạ,
Có nhận được bức ảnh bến Vỹ Giạ lúc hừng đông (hay là một đêm trăng?) với mấy hàng chữ túc hạ gởi thăm. Muôn vàn cảm tạ. Túc hạ còn nhớ đến người năm xưa, thế là phúc hậu lắm rồi. Mong ơn trên xuống lộc cho túc hạ thật đầy. Và mong rằng một mùa xuân nào đây sẽ gặp lại túc hạ phỉ dạ. Thăm túc hạ bình an vui vẻ.
Hàn Mạc Tử

Hoàng Thị Kim Cúc với bút danh Hoàng Hoa đã âm thầm sáng tác một số bài thơ, trong đó có những bài “đề tặng hương hồn anh HMT” như bài dưới đây viết vào đầu xuân Tân Tỵ 1941 - nghĩa là sau khi Hàn mất chưa đầy năm.

Bao năm hoa sống nơi thôn Vỹ
Thầm giữ trong lòng một ý thơ
Cũng biết cách xa ngoài vạn dặm
Tình anh lưu luyến cảnh quê mơ

Một mình một cõi với trời mây
Với cả đau thương với hận này
Anh khéo lột hết tài nghệ sĩ
Tiếng vang muôn thuở vẫn còn đây

Hồn anh lẩn khuất ở đâu xa
Hoa biết cùng ai thổ lộ ra
Tuy sống giữa cảnh đời náo nhiệt
Tình ai ai vẫn cứ đậm đà!

Nếu chỉ đọc qua bài thơ của Hoàng Hoa thôn nữ, lại thấy nàng suốt đời độc thân và bảo lưu kỹ lưỡng thủ bút Hàn thi sĩ, mà chưa đọc thư từ Hoàng Hoa viết hoặc chưa nghe Hoàng Hoa bộc bạch niềm riêng, hẳn không ít người sẽ dễ tin chuyện tình Hàn Mạc Tử - Hoàng Thị Kim Cúc từng diễn ra “ly kỳ mùi mẫn” y như sách báo và tuồng tích đã dày công… thêu dệt. Mức độ ngộ nhận càng tăng vì ngay cả người nhà cũng chẳng thấy Hoàng Thị Kim Cúc phản ứng gì trước bao đồn thổi, thị phi.

Chính xác, như chúng ta đã biết, Hoàng Thị Kim Cúc có phản ứng chừng mực, đúng người, đúng lúc, song chẳng đạt kết quả như nguyện. Trong một bài viết đăng trên tuần báo Văn nghệ số ra ngày 14/10/1995, Võ Đình Cường lý giải kỹ càng: “Những người có liên hệ mật thiết với Hàn Mạc Tử mà chị(24) đã cho biết sự thật, và yêu cầu họ đính chính, thì họ đã không làm, hay làm ngược lại, gây thêm hỏa mù trong bối cảnh đã có nhiều sương khói làm mờ nhân ảnh. Chẳng hạn như ông Nguyễn Bá Tín, tác giả cuốn hồi ký Hàn Mạc Tử anh tôi(25) xuất bản vào tháng 2/1991, sau bức thư của Hoàng Thị Kim Cúc gởi cho ông vào tháng 10/1987, nghĩa là sau gần 4 năm, nói rõ về tấm ảnh gởi Hàn Mạc Tử, là một tấm ảnh phong cảnh, thế mà ông Nguyễn Bá Tín lại viết: ‘Cho tới khi anh(22) đau nặng rồi (1939), chị Cúc còn cho anh một phiến ảnh cỡ 6x9(23): chị Cúc mặc áo dài lụa trắng như những cô gái Huế thời bấy giờ đứng trong vòm cây xanh mát. Anh làm ngay bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ…’. Quan trọng hơn nữa, cái đoạn chị Kim Cúc kể chuyện chị đã không nhận thư và sách của Hàn Mạc Tử đem tặng, tác giả Hàn Mạc Tử anh tôi đã bỏ qua, không nhắc đến. Nhưng tác giả lại viết: ‘Nếu anh(22) biết chị(24) đã quy y, dành riêng một căn phòng ngày đêm hương hỏa tụng niệm, tưởng nhớ mối tình bất diệt của anh mà cũng là mối tình đầu của chị, đang quyện theo trầm hương dâng lên anh nơi miền cực lạc. Nơi đây không còn ngăn cách giáo lương, không còn tham sân si trần tục. Ôi! Tình Hoàng Hoa đậm đà biết chừng nào!’ (…) Chị Kim Cúc có buồn không, khi bị người ta vô tình hay cố ý lái cái mục đích cao quý trong sự tu hành của chị về phía tôn thờ một người khác tôn giáo mà chị chỉ có thể có cảm tình, chứ không yêu?”.

Phân tích nội dung và nghệ thuật áng thơ Ở đây thôn Vỹ Dạ, đã thấy xuất hiện khối trường hợp “bàn rồi tính” nối tiếp “bình rồi… tán” đến mức ì xèo! Ngang qua nhà Hoàng Thị Kim Cúc ở Vỹ Dạ, thấy hàng cau trồng nép bờ rào, có người chắc mẩm dòng Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên phải “mọc” từ đây! Hồi trước, vào vườn nhà chị Cúc, chúng tôi chưa thấy cây cau nào. Ông Nguyễn Bá Tín cũng ghi trong Hàn Mạc Tử trong riêng tư(26) rằng: “Năm 1985, tôi về Huế ghé thăm chị Cúc (…), chị Cúc chợt hỏi: Cậu có tìm được một cây cau nào trong vườn tôi không? Sao anh Trí lại nói đến hàng cau?”.

Công bố bài Một cách hiểu khác về “mặt chữ điền”(27), Thang Ngọc Pho lại tự bộc lộ chưa một lần về thôn Vỹ hoặc ghé Vỹ thôn nhưng thiếu quan sát đủ đầy mà vẫn bạo dạn khẳng quyết: “Mặt trước phía trên cổng nhà ở của quý tộc phong kiến ở đây(28) thường trang trí chữ điền đắp nổi. Điền, chữ Hán, có nghĩa là ruộng. Đó là biểu tượng của các gia đình quý tộc phong kiến, được nhà vua phong cấp ruộng đất theo cấp bậc và công trạng. Từ mặt trong câu thơ là mặt chữ chứ không phải là mặt người. Tác giả sử dụng phép ẩn dụ với nghĩa phái sinh như mặt bàn, mặt nước, mặt đường… Vậy câu thơ Lá trúc che ngang mặt chữ điền được hiểu là những chữ điền trên cổng các nhà quý tộc thấp thoáng dưới lá trúc. Cách hiểu này làm tăng giá trị của bài thơ.”

Thú thật, bản thân tôi từng sống ở Vỹ Dạ suốt thời gian dài mà không thấy cổng nhà quý tộc nào đắp nổi chữ 田 điền. Thêm một thực tế nữa cần nêu, Hoàng Thị Kim Cúc là phụ nữ có khuôn mặt chữ điền.

Quá quắt hơn là trường hợp suy diễn chủ quan cực kỳ kệch cỡm: cô gái thôn Vỹ trở thành… kỹ nữ, khách đường xa biến ra khách làng chơi, thuyền ai đậu bến sông trăng trở nên buồng chứa nổi. Bằng lối gán ghép thô vụng như thế, Lê Đình Mai đã “phán” xanh rờn trong bài Đây thôn Vỹ Dạ - một tiếng thở dài đáng quý(29): “Ở chốn dâm ô này, những gì đẹp đẽ nhất, cao quý nhất của con người đều bị sương khói truy hoan lu mờ hết, hoen ố hết.” Nhiều tác giả đã lên tiếng phản bác cách lập luận khiên cưỡng đó. Chẳng ai phủ nhận trên dòng sông Hương xưa nay xuất hiện những điểm kinh doanh trò “ngủ đò tục”, quá khứ có lúc gần như công khai(30), song đoạn sông qua khu vực thôn Vỹ thì hoàn toàn khác.

Trên tập san Văn hóa và đời sống(31), đề cập đến sự hạn chế trong một số bài viết về áng thơ Ở đây thôn Vỹ Dạ xuất hiện bấy lâu nay, Văn Tâm sơ bộ chỉ ra bốn nguyên nhân: thứ nhất là thói quen xã hội học dung tục; thứ hai là người nghiên cứu không am tường phong cách nghệ thuật của đối tượng mà mình tìm hiểu; thứ ba là mỹ cảm kém nhạy bén; thứ tư là thái độ tùy tiện, thiếu nghiêm túc trong khâu xác định và khảo chứng tư liệu.
   
Nguồn :Phong Điệp.net
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Đăng Thuyết

Anh thành thật xin lỗi em về sự vô tâm này nếu em không nhắc anh lại quên mất ,anh xin em nhé 5h10 29-10-2010
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

NHỚ NÚI

                           Truyện ngắn của Bùi Thị Sơn.

Chuyến xe ca Mỹ Đình- Lai Châu đầu tiên của năm mới đỗ bến lúc 16 giờ. Hôm nay mới là mồng bốn tết mà xe lên đã chật ních người. Phần lớn hành khách trên xe là các thầy cô giáo công tác tận Mường tè, Sìn Hồ  tranh thủ vài ngày nghỉ tết về thăm gia đình rồi vội vã lên sớm, toả xuống các bản làng xa xôi hẻo lánh cho kịp tiến độ giảng dạy. Nghe họ hồn nhiên tâm sự với nhau về những chặng đường đèo cao heo hút gió " đi vẹt cả ba đôi dép cao su mỗi năm học"; bọc quần áo cũ của các đứa em trai, em gái họ khệ nệ mang theo cho mấy đứa học trò tên Mẩy, tên Pao nào đó" đến lớp giữa mùa đông rét buốt mà hai bên mạng sườn vẫn lòi ra từng mảng thịt da tím tái..."; còn cái túi bã mía lồng phồng kia chỉ đựng toàn là bánh đa kế" nướng lên đủ cho trẻ con cả bản...", Hoa thấy cay cay nơi sống mũi. Chị thầm nghĩ:" Ở thời nào cũng vậy, trừ một vài trường hợp cá biệt, những người làm nghề giáo luôn là người nặng tình, nặng nghĩa..." Bố mẹ mình cũng có hơn hai mươi năm trèo đèo lội suối, gánh chữ lên non ở cái nơi suốt ngày chỉ nghe tiếng chim kêu vượn hú ấy...Mình cũng là đứa con mẹ đẻ rơi trong khe núi trên đường đi đến lớp. Mình đã từng có 17 năm sống trên mảnh đất này. Vậy mà...hơn ba mươi năm rồi, mình ở lỳ Hà Nội, hôm nay mới trở lại cố hương, lòng rưng rưng thương nhớ...
    Nghe mấy bà vàng đeo lủng liểng khắp cổ, khắp tai than phiền về giá cả thị trường dưới xuôi trong dịp tết; đem mộc nhĩ, măng khô về bán không được giá, chị suýt phì cười: " Thời buổi kinh tế thị trường này, hàng hoá ở đâu chả có, tại các bà không cập nhật giá cẩ, lại còn..."
      Vài cô cậu cán bộ trẻ măng công tác ở một số cơ quan tỉnh kháo nhau các chiêu tranh thủ tình cảm "xếp" của mình để về quê ăn tết với "thầy u": " Chúng em rất hiểu nhiệm vụ của thanh niên...song cũng vì hoàn cảnh gia đình, mong anh tạo điều kiện...chúng em sẽ thu xếp lên
sớm để làm bù..." . nhìn vẻ ngây thơ pha nét láu lỉnh, hài hước còn đậm chất sinh viên của họ, chị bỗng nhớ Hoài Sơn da diết...Ừ, cậu con cưng của chị cũng trạc tuổi các cô, các cậu này đây mà đã ba cái tết rồi không được về Thủ Đô đón xuân cùng cha mẹ...
       Thực ra thì ngay từ trước tết, cậu chàng đã gọi điện về nửa đùa nửa thật ngỏ ý xa xôi rằng: "Mẹ chuẩn bị tinh thần nhé! Con sẽ đem về cho mẹ một cô sơn nữ, xinh và ngoan lắm mẹ ạ!" Hoàng Lan- cô chị gái của Hoài Sơn, cười khúc khích: "Mẹ đừng có tin lời nó ba hoa khoac lác đấy!".
        Thế mà đùng một cái, đúng ngày 28 tết, nó gọi điện về gọn lỏn có hai câu: " Vì nhiệm vụ đột xuất, con không về được. Con chúc bố mẹ và chị Lan đón xuân vui, khoẻ!". Rồi từ đó đến tận ngày mồng ba tết, chị không liên lạc được với con trai. Cứ mỗi lần chị điện vào di động của nó thì lại nghe giọng nữ lịch sự cất lên: " Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau". Linh tính của người mẹ mách bảo chị rằng con trai chị đang gặp phải chuyện rủi ro gì đó. Suốt mấy ngày tết, chị cứ ngơ ngẩn vào ra như người mất hồn. Bề ngoài chị vẫn cố tỏ ra vui vẻ để làm yên lòng chồng con và những người khách quý của gia đình song trong lòng chị cồn cào như có lửa đốt. Hiểu vợ, giáo sư Trình dịu dàng nói:
-Mai em lên Lai Châu thăm con và thăm lại nơi em ở ngày xưa đi! Mọi việc ở nhà đã có anh và con gái lo, em cứ yên tâm!"
Xe vừa dừng tại bến, cánh xe ôm đã ùa đến, đon đả chèo kéo khách. Chị lững thững khoác chiếc túi du lịch màu xanh lá cây, chọn người xe ôm đửng tuổi, có gương mặt hiền lành chất phác:
-Anh cho tôi đến đồn biên phòng H.
- Vâng !  Chị đội mũ bảo hiểm và mặc áo mưa vào đi! Trời đang lất phất mua đấy! Từ đây lên đến đó cũng chừng hơn ba mươi cây số, đi đường xa rét lắm chị ạ ! Mà hình như..chị không phải là người sống ở đây?
-Ừ, tôi lên thăm con trai  đang làm nhiệm vụ ở đồn biên phòng H. Ngày nhỏ, tôi cũng đã từng sống ở đây.
Chiếc xe máy lao vun vút giữa làn mưa bụi và cái rét tái tê. Dãy phố mới xây trôi qua loang loáng trong chiều tà nhập nhoạng cũng đủ cho chị nhận thấy sự thay đổi đến chóng mặt của cố hương- nơi chị cất tiếng khóc chào đời, nơi lưu giữ bao kỷ niệm êm đềm và mối tình đầu non dại không bao giờ nhạt phai trong tâm hồn chị...

                 * * *
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

buithison đã viết:
Xin gửi vào đây  những truyện ngắn,tuỳ bút, tản văn, bình luận văn chương... nàng thơ không ôm được !

(tiếp truyện "Nhớ núi")

Vị giáo sư khả kính- người thầy dạy bộ môn  ngôn ngữ chị từng hâm mộ và cũng là người bạn đời của chị - trong một đêm ân ái nồng nàn đã hôn lên mắt vợ và nói: - Anh biết vì yêu anh, em mới ở lại Hà Nội cùng anh lập nghiệp. Chắc lúc nào em cũng nhờ núi lắm phải không?
Chị vùi đầu vào nách chồng, hít hà mùi mồ hôi ngai ngái, nồng nồng quen thuộc, nũng nịu:
- Làm sao anh biết?
- Chẳng phải em đã đặt tên cho con trai mình là Hoài Sơn đó sao?
Chị cười như nắc nẻ:
- Em chịu thầy rồi!
Người đàn ông hơn chị đến 20 tuổi mỉm cười điềm đạm. Trong thâm tâm, ông rất tự hào rằng: Dù đã trải qua bao cuộc tình lãng mạn thời sinh viên, từng hưởng thụ những mối tình chớp nhoáng với bao cô gái ngoại quốc dạn dĩ trong những năm tháng sống tự do phóng túng khi đi du học bên trời tây, cuối cùng ông vẫn cưới được một cô vợ trẻ đẹp, trong sáng như bông hoa ban rừng. Ừ, hồi mới vào học Đại học, chị - cô gái 17 tuổi, da trắng nõn như cái măng non vừa bóc vỏ, mắt đen tròn ngơ ngác như con nai rừng. Chị mặc một chiếc quần phíp đã bạc màu, rộng thùng thình, chiếc áo phin nõn cổ lá sen tuy có làm nổi bật cái cổ cao ba ngấn trắng ngần nhưng nhìn chếch xuống phần dưới một chút, phía ngoài đôi vú be bé hồng hồng ẩn hiện như hai cái nấm vừa bật nhú sau trận mưa rừng, còn loang lổ một mầu nhựa trái cây trên áo tròn to bằng nắm đấm (chắc là nhựa quả lê – ông thầm nghĩ ...cô bé này chắc là con nhà nghèo hoặc rất cẩu thả). Lũ con gái Hà Nội ăn vận quần ống típ, áo ống loe cùng học với cô bé bá cổ nhau, bụm miệng cười khúc khích. Nhưng ông lại cảm thấy ở cô bé nét ngây thơ, hấp dẫn đáng yêu ... “Con gái chưa biết làm đỏm là còn chưa biết yêu”. Ông đinh ninh tin ở phỏng đoán của mình ... Cho đến tận bây giờ, sau hơn ba mươi năm chung sống, ông vẫn rất hãnh diện khi nghĩ rằng mình là người đàn ông đầu tiên, cuối cùng và duy nhất của vợ. Còn chị, sau trận cười như nắc nẻ và lời khen hào phóng ban phát cho chồng: “em chịu thầy rồi!”, chị vội quay mặt đi, khóc thầm lặng lẽ ... Chị  xa xót nhớ đến chàng trai bản Hon -đứa bạn  trai từ thuở  ấu thơ với biết bao kỷ niệm êm đềm và cay đắng...Chị chưa một lần và cũng chưa bao giờ có ý nghĩ (dù chỉ thoáng qua) sẽ phản bội chồng măc dù xung quanh chị vẫn có những gã bảnh bao ve vãn... Thế nhưng trong thâm tâm, chị vẫn cảm thấy có lỗi với chồng vì càng sống với nhau, chị càng nhận rõ tình cảm của mình giành cho chồng chỉ là lòng kính trọng xuất phát từ sự ngưỡng mộ tài năng thời xa xưa, “gái ham tài” mà ! Hình ảnh Phanh – chàng trai của núi rừng –
luôn hiện về, ám ảnh chị trong từng giấc mơ...

              * * *

... Nghỉ hè, bọn con trai con gái bản Hon rủ nhau vào rừng hái măng, hái nấm. Chúng trèo lên một cây vả rừng quả sai lúc lỉu, thi nhau chọn những quả màu tím sẫm, lau qua vạt áo rồi nhấm nháp vị ngọt đậm như mật ong trong đó … Mấy đứa con gái ăn nhiều bị say, nôn thốc nôn tháo. Riêng Hoa thì bị … “Tào Tháo đuổi”, ngồi mãi sau bụi đùm đũm không ra…Ông mặt trời đã chếch sau dãy núi xa xa, lũ trẻ sợ về muộn bị bố mẹ mắng nên đã tản về hết. Riêng Phanh vẫn kiên trì ngồi bên gốc đá đợi Hoa … Thấy Hoa ló cái mặt tai tái, nhăn nhó như mặt bị ra, Phanh cuống quýt:
- Hoa! Đau bụng lắm phải không?
Hoa vừa khập khiễng bước vừa hờn mát:
- Sao cậu không về cùng tụi nó? Đợi tớ làm gì?
Phanh gãi tai:
-Tớ chỉ lo cậu về một mình, cậu sợ … Đi trước đi! Tớ đi sau bảo vệ cậu…
-Cậu đi trước đi! Tớ không thích đi trước con trai.
- Trời sắp tối rồi…
- Tối cậu mới phải đi đằng trước để bảo vệ tớ. Nhỡ gặp rắn thì sao?
Cuối cùng, Phanh cũng phải nhượng bộ để Hoa đi sau. Phanh biết cô bé nhút nhát và chúa sợ ma, đi đâu hơi tôi tối là tìm cách vượt lên trước mọi người…Thế mà hôm nay…Chuyện lạ ! Cái chuyện ấy chỉ riêng mình Hoa biết. Bị Tào Tháo đuổi, giữa rừng chẳng biết kiếm đâu ra giấy…, cô bé bứt vội cái lá to bằng bàn tay, ram ráp…Ai dè vớ phải lá han, ngứa không chịu nổi. Cô nàng đành kiếm cớ đi sau…để…gãi… Chuyện này, mỗi khi nhớ tới, Hoa lại đỏ hết cả mặt vì xấu hổ...
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

buithison đã viết:
Xin gửi vào đây  những truyện ngắn,tuỳ bút, tản văn, bình luận văn chương... nàng thơ không ôm được !
… Một lần hai đứa đi lấy củi về đến dốc đá tai mèo thì Hoa  trượt chân ngã, trẹo cả mắt cá chân. Phanh vội đặt gánh củi, quỳ xuống đất, nâng bàn chân của Hoa lên xoay xoay cho vào khớp.
- Ái!
Hoa run rẩy kêu lên, nước mắt trào ra …
Phanh luống cuống như con gà bị mắc tóc:
- Tớ … tớ xin … lỗi … chẳng may…
Hoa càng khóc nấc lên, Phanh càng lúng túng thanh minh:
-Tớ không cố tình làm Hoa đau. Thật mà …
Hoa đỏ cả mặt vừa thương vưà giận cậu bé thật thà, ngốc ngếch. Lúc đó, hai đứa cũng bước sang tuổi 16. Mười sáu tuổi, Phanh còn vô tư lắm, không nhạy cảm và biết rung động sớm như Hoa đâu! Hoa khóc vì đau thì ít mà khóc vì sung sướng, cảm động được Phanh chăm sóc thì nhiều. Từ đó về sau, thỉnh thoảng đi cùng nhau vào rừng lấy củi hay hái măng, hái nấm, cô thường hay giả vờ trượt chân ngã để được Phanh chăm sóc. Cho đến một ngày, cái đầu “ngố” của Phanh cũng nhận ra chiêu lừa ngoạn mục của cô bé người Kinh láu lỉnh:
- Này! Tôi không phải là quân hầu của cậu. Cậu đừng có mà lợi dụng coi thường tôi…
Hoa ôm mặt khóc rưng rức,
- Hoa không lợi dụng Phanh … Hoa không coi thường Phanh … Hoa chỉ muốn được gần bên Phanh, thật gần …
Đôi mắt cô dại đi, ánh nhìn khát khao, van vỉ:
- Phanh ơi! Hoa rét lắm! Phanh có thể ôm Hoa thật chặt, được không?
Phanh há hốc mồm, kinh ngạc nhìn cô bạn hàng xóm thân nhau từ thủa còn thò lò mũi xanh, chưa biết nên phản ứng ra sao thì Hoa đã đổ oặt cái thân mình mềm nhũn vào Phanh. Toàn thân Phanh như đông cứng lại. Lần đầu tiên trong đời cậu cảm nhận được mùi da thịt con gái đê mê, ngọt ngào. Cậu lóng ngóng choàng tay ôm hờ thân hình Hoa trong tiếng thì thào năn nỉ của cô: “Ôm chặt nữa vào! Phanh ơi! Ôm chặt Hoa đi Phanh”. Hai đứa cứ đứng ôm nhau trong rừng như thế rất lâu.. rất lâu… tưởng như dưới gầm trời này không còn ai nữa.Cho đến lúc trận mưa rừng bất ngờ ập đến, Phanh mới từ từ buông Hoa ra:
- Bọn mình chạy vào cái hang kia trú tạm, đợi tạnh mưa mới về được Hoa ạ!
Hoa ngoan ngoãn gật đầu. Hai đứa dắt tay nhau, chạy ào dưới mưa. Vừa đến cửa hang. Hoa đã chủ động ngả vào lòng Phanh:
- Chúng mình lại ôm nhau tiếp cho đến lúc mưa tạnh, Phanh nhé!
Phanh cuống quýt, vụng về hôn khắp mặt, khắp cổ Hoa … Rồi, sợ không làm chủ được mình, cậu nhẹ nhàng gỡ tay Hoa ra:
- Lúc nãy bọn mình bị dính mấy giọt mưa, phải đốt lửa lên sửa kẻo về bị cảm Hoa ạ!...
- Hoa gật đầu nhưng ánh nhìn rõ ràng còn tiếc nuối… Lửa được đốt lên, hai đứa mặt đỏ lựng như say rượu, chẳng dám nhìn mặt nhau…
Tình cảm của hai đứa có thể còn tiến xa hơn thế nữa nếu không xảy ra một tình huống bất ngờ…
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Đăng Thuyết

Em à! " nghỉ hè...của phần trên và nghỉ hè của phần dưới lặp lại rồi" em không để ý à.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Chỉ còn hai hôm nữa là  đến ngày 26 tháng ba- ngày thành lập Đoàn, Liên đoàn nhà trường tổ chức một đêm văn nghệ vui ơi là vui. Hồi ấy, Phanh và Hoa đang cùng học lớp 10- lớp cuối cấp. Hàng ngày đến lớp, chúng phải cuốc bộ vượt hơn 5 cây số đường rừng quanh co khúc khuỷu toàn những đá tai mèo lởm chởm. Hoa xinh đẹp, hát hay, múa giỏi, là hạt nhân văn nghệ của trường, chỉ phải cái tính vụng về, cẩu thả và đoảng vị.Thấy con gái cứ đi ra đi vào săm soi cái quần phíp bạc màu và cái áo sơ mi bằng vải pô pơ lin đã cũ, mẹ bèn lục dưới đáy hòm gỗ, lấy ra một mảnh lụa hoa màu đen và một mảnh vải phin màu xanh da trời giành dụm từ bao giờ, cặm cuị thức cả đêm, cắt và khâu tay bộ quần áo mới cho Hoa. Hoa còn nhớ như in buổi sáng sớm hôm đó, Hoa vừa dậy đánh răng, rửa mặt xong đã nghe mẹ gọi:
-Hoa ơi! Vào đây mẹ bảo này!
Nét mặt rạng rỡ, mẹ đưa cho Hoa bô quần áo vừa khâu xong đêm qua:
-Con vào buồng mặc thử. Hôm nay là chủ nhật, nếu không vừa mẹ sẽ sửa lại ngay cho con…
…Từ trong buồng bước ra, Hoa xúng xính trong bộ quần áo mới, nom xinh đẹp bội phần ngày thường:
-Trời ơi! Chị Hoa nom đẹp như cô tiên…
Cái Hằng- em gái Hoa, kém cô hai tuổi suýt xoa ngắm nghía chị, ánh mắt lộ rõ vẻ khát khao thèm muốn…Mẹ tinh ý nhận thấy bèn ôm nó vào lòng, an ủi:
-Hằng ạ ! Chị Hoa lớn rồi, chỉ còn mấy tháng nữa lại sắp đi học xa, mẹ may quần áo mới cho chị ấy trước. Gần tết , mẹ sẽ giành phiếu vải may bộ mới cho con.
Hằng “vâng” thật ngoan nhưng ánh mắt đượm một vẻ buồn man mác. Sau này , cuộc sống khá giả lên, Hoa có biết bao bộ cánh mốt ôm sát những đường cong gợi cảm để sánh bước  bên vị giáo sư khả kính mỗi khi ra đường, làm bao quý ông ngây ra ngắm nghía, ước ao, thèm muốn;  làm bao quý bà giả vờ quay mặt đi không thèm để ý nhưng trong lòng lại sục sôi ghen tỵ…Hoa vẫn không sao quên được ánh mắt  cô em gái một thời nghèo khó và tình yêu sâu nặng của mẹ…
…Đêm hội diễn hôm ấy, ngoài các tiết mục đồng ca, tốp ca tham gia cùng tập thể ra, Hoa còn hát đơn ca một bài và tham gia một điệu múa Thái cùng các bạn gái trong bản Hon. Tham gia màn đồng ca xong, Phanh kín đáo lui ra ngoài gốc muỗm chênh chếch phía cánh gà  để được ngắm nhìn Hoa thoải mái…Trên sân khấu, dưới ánh sáng của những ngọn đèn măng- xông, Hoa thoắt ẩn thoắt hiện, biến đổi diệu kỳ. vừa mềm mại , duyên dáng trong chiếc áo màu xanh da trời, chiếc quần lụa hoa óng ả, hai bím tóc vắt vẻo trên vai với giọng hát trong trẻo, cao vút: “Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường, hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường?” khiến bao bạn trẻ   hâm mộ hét lên: “Hát lại! Hát lại!”, Hoa đã nhanh chóng trở lại sân khấu trong trang phục váy áo cóm bó sát lưng ong cùng năm cô gái Thái trong điệu múa nón nhịp nhàng, duyên dáng…Phanh ngây ngất thầm kêu:”Hoa ơi! Em đẹp nhất đêm nay! Sao bây giờ anh mới nhận ra?...”
…Đêm hội diễn kết thúc.Cô Mai- giáo viên chủ nhiệm lớp 10- thông báo cho các bạn thu dọn tư trang, chuẩn bị liên hoan bữa cháo gà do  phụ huynh học sinh nấu để bồi dưỡng cho Đội văn nghệ. Thấy Hoa cứ quanh quẩn mãi sau cánh gà không ra, các bạn chạy vào hỏi thì Hoa khóc nấc lên:
-Mình…bị ..bị…mất cái quần lụa mới…
-Em để chỗ nào?
Cô Mai sốt sắng hỏi.
-Em vắt lên cái mắc ở đây! Vì lúc ấy thay đổi chương trình đột xuất, em phải vội thay váy để tham gia điệu múa nón nên em chưa kịp cất vào trong túi…
Cô Mai nghiêm túc đảo mắt khắp lượt  bọn con gái:
-Em nào đã chót cầm nhầm của bạn Hoa thì cho bạn xin lại. Cái quần lụa đẹp như thế!
Bọn con gái nhao lên:
-Em không cầm…
-Em không cầm ạ!
-Ai mà tồi tàn thế nhỉ?
Cô Mai nhìn xoáy vào từng đứa, rồi dằn giọng:
-Thôi, thế này vậy: Bây giờ khuya rồi, một số bạn nhà còn ở xa.Để cho nhanh chóng, tôi đề nghị: Tất cả các bạn gái bỏ túi của mình lên bàn. Ở đây có bạn Nam , bạn Thắng và bạn Phanh trong Đội cờ đỏ của nhà trường, các bạn kiểm tra, xem xét kỹ cho tôi…
Phanh cau mày. Cậu cảm thấy làm thế như có gì bất nhân. Đành rằng: Cậu rất thương Hoa, cậu biết đối với Hoa, chiếc quần lụa ấy vô cùng quý giá; đành rằng đứa con gái nào tham lam trót lấy quần cua bạn thật đáng lên án, song trong tham tâm, cậu thấy cô giáo xử lý như thế là không phải. Vốn tính thẳng thắn, cậu đáp ngay:
-Thưa cô! Em không làm được đâu ạ!
-Vì sao vậy?
-Vì em thấy làm như thế là không tốt
-À , ra cậu bảo tôi xúi các cậu làm việc không tốt à? Cậu muốn bao che cho kẻ ăn cắp à? Được rồi, tôi sẽ xử lý cậu sau. Bây giờ cậu đứng yên ở đây cùng các bạn nữ chứng kiến tôi và cậu Nam, cậu Thắng cùng khám. Nhất định phải lôi thủ phạm ra ánh sáng...
Phanh đưa mắt nhìn Hoa thì bắt gặp cái nhìn khinh bỉ và căm thù tột độ của cô, cậu vội vàng quay mặt đi ngay. Chỉ vài phút mới đây, trên sân khấu, Hoa hiền lành và lộng lẫy như nàng tiên giáng trần...Vậy mà...không ngờ sự việc lại diễn ra căng thẳng, nặng nề đến thế! Phanh vừa mong Đội cờ đỏ chóng tìm được chiếc quần lụa cho Hoa vừa mong không phải nhìn thấy nét mặt đau khổ, bẽ bàng của một bạn gái nào đó trót dại...Nhìn nét mặt đứa con gái nào Phanh cũng thấy nó thật thà chất phác chứ không đến nỗi...
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

Kết quả đúng như Phanh phỏng đoán: Không có bạn nào lấy quần của Hoa. Nghe tiếng thở dài nhẹ nhõm của các bạn nữ, Phanh như cất đi được một gáng nặng trong lòng nhưng lại cảm thấy thương Hoa quá chừng!
Chợt một đứa con gái vỗ trán, kêu lên:
-Thưa cô! Em nhớ ra rồi: Thúy hát xong tiết mục tốp ca  được một lúc thì bỏ về…
-Sao? Thúy về sao không báo cho tôi biết?
-Dạ! có bà hàng xóm đạp xe đến gọi Thúy…
Cô giaó cả quyết:
-Thôi!Thế là đã rõ. Chúng ta đi ăn cháo kẻo nguội hết cả rồi. Sáng mai, tiết 5 ta sẽ họp lớp để kiểm điểm bạn Thúy!
Nồi cháo gà phi hành mỡ thơm phưng phức mà sao thấy nhạt phèo, vô vị. chẳng ai có hào hứng mà ăn, mà nói chuyện vui vẻ như mọi ngày. Bình thường Hoa vốn không mấy cảm tình với Thúy. Nó hơn Hoa hai tuổi, học dốt hơn Hoa, lại lầm lỳ, xấu gái. Từ nhỏ, bọn con trai đã gọi nó là “Thúy trề” bởi môi dưới nó dày và trễ xuống như quả chuối mắn, cái mũi thì ngắn tin hin, đôi mắt đã bé lại trông ngây ngây, đần đần … “Đã xấu người lại còn xấu nết”- Hoa vừa soàn soạt húp cháo gà vừa thầm nghĩ. Phanh liếc sang, nhìn nét mặt hể hả và cái cách húp cháo của Hoa, thấy ghét.
Dọc đường về nhà, chỉ có ba người cùng đi một lối (Phanh, Hoa và cái Hằng- em gái Hoa). Phanh tìm cách làm lành với Hoa nhưng Hoa lờ đi như không nghe, không nhìn thấy gì sất. Phanh quay sang , nói nhỏ với Hằng: “Em về đừng nói vội với mẹ chuyện chị Hoa bị mất quần nhé!”
Hôm sau, cái Thúy nghỉ học làm bọn con gái càng tăng thêm nghi vấn. Giờ ra chơi, dưới gốc nhãn nào cũng thấy chúng chụm đầu vào nhau như những con kiến khổng lồ, thì thào bàn tán chuyện cái Thúy ăn cắp quần của cái Hoa…
…Giải lao tiết thứ hai, cô Mai vẫy cái Đào- lớp trưởng, lại gần:
-Hôm nay, bạn Thúy nghỉ học không có lý do. Tiết 5, em vẫn báo cả lớp ở lại họp. Phải làm việc cho ra lẽ để còn răn đe người khác…
Thoáng thấy bóng cái Hằng đi ngang qua sân, Phanh vẫy nó lại gần, hỏi nhỏ:
-Tối qua, em có nói với mẹ chuyện cái quần không đấy?
-Anh này! Anh đã dặn em thế rồi, làm gì em còn kể…
Hằng hạ giọng xuống:
-À, mà anh Phanh ơi!, chị em tìm thấy quần lụa rồi đấy!
Thấy Phanh tròn xoe mắt ngạc nhiên, Hằng vội kéo cậu ra gốc nhãn, thì thào:
-Chị Hoa bảo em không được nói lại với ai…chị ấy xấu hổ…
-Nhưng mà.. chị ấy tìm thấy quần ở đâu?
Hằng đỏ mặt, ấp úng:
-Thấy ở…thấy ở…trong chiếc váy Thái chị ấy…đang mặc. Lúc qua đoạn đường rẽ vào nhà anh rồi, hai chị em rủ nhau tạt vào bụi chuối đi vệ sinh…chị ấy mới nhớ ra: vì vội chạy ra sân khấu, chị chỉ kịp vo viên hai ống quần lên ngang bẹn bên trong chiếc váy Thái rộng thùng thình mượn của chị Lả…Ở nhà, chị em vẫn thường hay đãng trí như thế đấy anh Phanh ạ!
“À, ra thế! Suýt nữa thì cái Thúy bị tiếng oan”- Phanh thầm nghĩ.
Giải lao tiết thứ ba, thứ tư, Phanh đều tìm cách lân la lại gần để nói chuyện với Hoa nhưng Hoa cố tình lảng tránh thật nhanh. Phanh cố  nhủ lòng : “Chắc Hoa tự biết nên xử  trí thế nào cho phải…”
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

buithison

…Giờ sinh hoạt của lớp diễn ra trong không khí nặng nề , căng thẳng.Cô Mai dặng hắng mấy tiếng trước khi nói lời mào đầu:
-Hôm nay, chúng ta tổ chức cuộc họp lớp bất thường, chắc các em đã rõ lý do.Thực lòng tôi không muốn thế nhưng buộc phải làm thế vì danh dự chung của cả lớp, không thể để  “con sâu làm rầu nồi canh” được. Trước khi cả lớp phân tích khuyết điểm của bạn Thúy, xử lý bạn Thúy để làm gương cho người khác, tôi đề nghị bạn Hoa đứng dậy trình bày đầu đuôi việc bị mất quần diễn ra như thế nào.
Hoa từ từ đứng lên, mặt đỏ lừ đến tận mang tai. Cô liếc qua Phanh một cái thật nhanh rồi nói liến láu:
-Thưa cô! Em không nghi ngờ gì cho bạn Thúy. Nhưng em nghĩ chắc chắn chiếc quần lụa chỉ mất ở đấy-  sau cánh gà  sân khấu ngay sau khi em thay trang phục Thái để múa nón…
Phanh không ngờ cái miệng Hoa trơn tru như bôi mỡ, bảo không nghi cho bạn nhưng lại ngầm ý khẳng định bạn lấy của mình. Thì tất cả bọn con gái( trừ Thúy)  đã bị khám và được minh oan rồi đấy thôi! Vì ác ý hay vì xấu hổ đã trót kêu mất quần nên Hoa phải lấp liếm? Dù vì lý do gì đi chăng nữa, thái độ ấy của Hoa cũng không thể chấp nhận được…
Phanh vụt đứng dậy:
-Thưa cô! Bạn Hoa nói không đúng! Bạn ấy đã tìm thấy quần rồi.
Cả lớp nhao nhao lên:
-Tìm thấy quần rồi?
-Tìm thấy ở đâu mới được cơ chứ?
-Sao Hoa bảo chưa tìm thấy mà Phanh lại bảo là tìm thấy rồi nhỉ?
Cô Mai gõ thước lên bảng:
-Cả lớp trật tự! Đề nghị em Hoa nói lại chuyện này!
Hoa vụt chạy ra ngoài, vừa chạy vừa khóc nức nở…
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 24 trang (235 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [9] [10] [11] [12] [13] [14] [15] ... ›Trang sau »Trang cuối