Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [28] [29] [30] [31] [32] [33] [34] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sao Việt đi LHP Cannes: Nào có danh giá gì đâu!



Người ta băn khoăn không biết sao Việt lấy tư cách gì để sải những bước chân trên chiếc thảm đỏ đầy hấp lực với thế giới của LHP Cannes. Đơn giản thôi, họ đang làm PG, PB cho một nhãn hàng đồ uống có cồn. Chứ cũng chẳng sang trọng, lộng lẫy gì.

http://res.vtc.vn/media/vtcnews/2012/05/31/can4.jpg



Không có đất dành cho sao Việt
Ngày 23/5 vừa qua, cặp đôi của Cô dâu đại chiến, Huy Khánh và Đinh Ngọc Diệp đã cùng nhau sải bước trên thảm đỏ của LHP Cannes danh giá. Đi cùng họ là đạo diễn Trần Lực, Quang Hải, diễn viên Lê Khánh, Kathy Uyên, ca sĩ Tinna Tình, và siêu mẫu Trang Nhung.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp nghệ sĩ Việt được mời đi Cannes. Vợ chồng người đẹp Trương Ngọc Ánh - Trần Bảo Sơn, ca sĩ Ngân Khánh, diễn viên Mai Thu Huyền, Lã Thanh Huyền, Minh Hương, đạo diễn Phạm Việt Thanh, Hồ Quang Minh, Nguyễn Vinh Sơn... là những cái tên xuất hiện trong lần đầu tiên trên thảm đỏ của LHP danh giá này vào năm 2010.

Trong năm 2011, 3 đạo diễn Lê Cung Bắc, Nguyễn Thanh Vân, Trần Quang Đại cùng 6 nữ diễn viên Hồng Ánh, Mỹ Duyên, Thanh Hằng, Minh Thư, Minh Hằng, Lan đã có 2 ngày (17-18/5) tham dự các sự kiện tại LHP Cannes lần thứ 64.

Ba chuyến đi Cannes liên tiếp gần đây của các diễn viên, đạo diễn và chân dài Việt đều do một công ty sản xuất rượu tài trợ. Theo kế hoạch, nếu không bị ảnh hưởng bởi những nguyên nhân khách quan, cho tới năm 2020, công ty này tiếp tục mời diễn viên VN dự Cannes. Ngoài ra, họ cũng sẽ cố gắng mời các nghệ sĩ dự những LHP phim lớn, có thương hiệu của thế giới.

Nếu để ý kỹ sẽ thấy, dù đã ba chuyến đi Cannes, nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ hình ảnh nào của các sao Việt được “lọt vào” ống kính của báo chí quốc tế. Thậm chí, ngay cả những hình ảnh do chính phía đơn vị tổ chức chuyến đi đưa về cũng khá sơ sài (năm nay có khá hơn với chất lượng và số lượng hình ảnh nhiều hơn).

Không có những cảnh sải bước của sao Việt trên thảm đỏ trước một rừng ống kính. Không có những kiểu tạo dáng tốn thời gian của các chân dài, người đẹp Việt tham dự sự kiện này.

Không cần nhìn đâu xa, nhìn ngay mặt báo sẽ thấy, hầu hết hình ảnh các ngôi sao Châu Á xuất hiện trên thảm đỏ Cannes đều là những cái tên nổi tiếng của điện ảnh Trung Quốc như: Châu Tấn, Phạm Băng Băng, Dương Mịch (năm nay) và trước đó là hàng loạt các ngôi sao lớn như: Củng Lợi, Chương Tử Di,…

Vì đâu nên nỗi? Vì sao Việt đến từ một nền điện ảnh nghèo nàn lạc hậu nên không được săn đón? Không hẳn, dù là bất cứ ngôi sao nào có phim tham dự LHP Cannes cũng đều được phép sải bước tạo dáng trên thảm đỏ để cánh paparazzi thoải mái săn ảnh.

Sự “ghẻ lạnh” của báo chí quốc tế với các sao Việt cũng không quá khó hiểu. Bởi 3 lần đến Cannes, họ đều không đi theo bất cứ đoàn làm phim nào có phim tham gia tranh giải tại Cannes. Vậy thì tại sao trách được báo chí quốc tế “không săn đón” họ và cũng chẳng thể trách họ không có nhiều thời gian để tạo dáng với những bộ cánh đẹp trên thảm đỏ Cannes.

Phận của PG, PB
Chuyện các nghệ sĩ Việt được vinh dự đặt chân lên tấm thảm đỏ LHP Cannes, mà có lẽ (nói hơi quá chút) cả đời họ, bằng tài năng diễn xuất, đạo diễn hay khả năng trình diễn thời trang của mình cũng không thể đặt chân lên được. Thế nhưng, họ vẫn xuất hiện taih LHP danh giá này là vì sao? Là bởi họ đã nhận nhiệm vụ làm các PG (promotion girl), PB (promotion boy), nôm na là người quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, cho nhãn hiệu đồ uống có cồn kia.

Không thể đường đường chính chính đưa thông tin quảng cáo về một loại rượu mạnh trên các phương tiện truyền thông. Do đó, người ta buộc phải nghĩ ra cách… lách luật. Và ở Việt Nam, trong thời buổi “đói khát” thông tin về ngôi sao, không gì hiệu quả hơn là việc mời các ngôi sao “lượn lờ” trong những sự kiện thường niên mà các hãng rượu tổ chức để đưa thông tin trên mặt báo.

Đây là một chiêu quảng cáo hết sức thông minh. Và không khó để nhận ra, trong những năm gần đây, nó được mở rộng và khuếch trương để đưa các nhãn rượu mạnh nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt với chiêu này, hãng rượu tài trợ sao Việt sang Cannes đang đánh trúng vào đối tượng nhắm tới là những người trẻ.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao người ta lại cần phải mời những ngôi sao đang nổi của làng nghệ Việt làm những PG, PB? Đơn giản bởi, về luật, việc quảng cáo rượu mạnh là bị cấm ở Việt Nam.

Tất nhiên chẳng có ai cho không ai cái gì, còn nhớ tại LHP Cannes 2011, các sao Việt đến Cannes chỉ vẻn vẹn 2 ngày 1 đêm. Trong chuyến đi 10 ngày này, họ đến Scotland, Anh, Pháp với hoạt động chính là thăm thú những nơi sản xuất… rượu whisky để quảng bá cho nhãn hàng này.

Bất cứ chỗ nào có gì đẹp, từ công viên cho đến lâu đài, những thứ chẳng thiếu ở Châu Âu, hay có gì nhìn lạ, thậm chí nếu không tìm ra được bối cảnh thì người ta chụp ngay cả ở sân bay. Thế vẫn còn là nhẹ nhàng chán. Các sao Việt còn phải cong người, ưỡn ngực, chìa mông cũng như phải “ngoác miệng” cười tươi tắn bên những chai rượu, cái ly có logo nhà tài trợ hay cái gì đó liên quan đến rượu, để nhà tài trợ chụp ảnh gửi về cho một số báo đăng tải.

Tuy được xuất hiện trên thảm đỏ, được tham dự bữa tiệc dành cho khách VIP theo “suất” của nhà tài trợ, đối tác quan trọng của Cannes, nhưng các nghệ sĩ của ta phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt dành cho khách… không VIP: vào trước khi các ngôi sao xuất hiện nhiều tiếng đồng hồ trước sự kiểm tra nghiêm ngặt của lực lượng an ninh, không được tạo dáng quá lâu trên thảm đỏ như với tư cách của một ngôi sao,…

Chuyến đi Cannes lần ấy thành công tới mức người ta tưởng rằng thương hiệu rượu kia là “nhà tài trợ chính” của LHP Cannes, trong khi sự thật, họ chỉ là đối tác về tiệc tùng tại đây. Với hiệu quả quảng cáo này, chẳng nhà tài trợ nào lại không “mát mặt” vì đồng tiền mình bỏ ra thật đúng lúc, đúng chỗ.

Còn về phía các ngôi sao. Chẳng có lý do gì để họ từ chối một lời mời hấp dẫn như thế. Vừa có cát xê đi dự tiệc, vừa được tiếng là từng đặt chân lên thảm đỏ LHP danh giá nhất nhì hành tinh, Cannes.

Thôi đừng tự huyễn hoặc mình
Nói về niềm tự hào được đi Cannes, không ít nghệ sĩ đã nói những điều lớn lao. Đạo diễn Phạm Việt Thanh cho biết: “Liên hoan phim Cannes tại Pháp không chỉ là sự kiện điện ảnh cao quý và lâu đời nhất thế giới, mà còn là dịp gặp gỡ hiếm hoi giữa nhà sản xuất phim và các nhà phân phối. Tôi tin đây là một trong những cách tiếp cận tốt nhất để điện ảnh Việt Nam hòa mình vào bức tranh toàn cảnh của công nghiệp phim ảnh thế giới”

Nhưng thực tế, chẳng có chuyện “tiếp cận” nào của điện ảnh Việt Nam với điện ảnh thế giới và cũng chẳng có bài học nào, hay dự án nào được mở ra cho điện ảnh Việt Nam từ chuyến đi làm PG, PB của những nghệ sĩ.

Theo đạo diễn Việt Linh (năm 2003, chị dự Cannes theo lời mời của Bộ Ngoại giao Pháp-một đối tác của Cannes), khách của Cannes có nhiều thứ hạng: khách được mời bởi BTC Cannes, bởi các đối tác của Cannes, và khách đăng ký tham dự. Danh giá nhất, dĩ nhiên là khách được chính BTC LHP mời, như giám khảo, các nhân vật, các ngôi sao, các tác giả có phim dự thi trong chương trình chính thức; kế đến là các tác giả trong những chương trình song hành… LHP Cannes có rất nhiều đối tác, hàng năm mỗi đối tác được BTC phân phối một lượng vé (khống) để tùy nghi sử dụng”,...

Nhìn vào bảng phân loại khách mời này, đối chiếu với các sao Việt đã đi LHP Cannes những năm gần đây, chỉ có đạo diễn Phan Đăng Di tới theo lời mời của Ban tổ chức, phim “Bi, đừng sợ” của anh nằm trong chương trình song hành của liên hoan.

Tại Cannes năm nay, điện ảnh VN không có phim được chọn tham dự ngoài một phim ngắn được trình chiếu trong Góc phim ngắn. Thế thì, đi Cannes để sải bước trên thảm đỏ cốt chỉ nhằm giải quyết khâu “oách” cho các sao Việt và giải quyết bài toán quảng cáo cho nhà tài trợ.

Có hay gì cho nghề không? Xin thưa là không. Đừng tự huyễn hoặc mình làm gì cho khổ. Bởi công việc của sao Việt khi đến Cannes “không liên quan” gì đến điện ảnh. Cơ hội tiếp xúc với các nhà làm phim quốc tế hay những buổi hội thảo về phim ảnh là khá hạn hẹp.

Có chăng, ngoài thời gian làm PG, PB, quãng nghỉ ngắn ngủi giữa các buổi show hàng chụp ảnh, nghệ sĩ nào có chí lắm mới có thể tự thân vận động để đi kiếm được cái giấy mời tham gia một hoạt động nào đó của LHP danh giá này.

VTC News


"Sao" Việt đang hớn hở, bỗng dưng tác giả bài này làm cho họ mất vui, rơi trở lại xuống hạ giới. Đúng là đồ phá đám!
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Chẹp! Nguyên thủ quốc gia mình đi còn chẳng danh giá huống hồ mấy ngôi sao vườn.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Giời con còn chả ăn ai, huống hồ sao với giăng. Cần phải nói lên sự thật. Đừng để cái sự dối trá huyễn hoặc bao trùm lên hết cuộc sống.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Thời của báo 'lá cải'?

Tác giả: Kỳ Duyên

Bài đăng trên Tuần VietNamNet 02/06/2012 05:00 GMT+7

Rõ ràng, các nhà quản lý báo chí các cấp đều nhìn ra chân tướng vụ việc, vì sao báo "lá cải" nảy nở tràn lan. Nhưng các vị cũng đang đứng trước thách thức của chính mình. Của cái thời báo "lá cải" lên ngôi.

"Chính thống" và... "lá cải"


Thật buồn, chỉ còn khoảng hai chục ngày nữa, là đến dịp "giỗ chạp"- kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam 21/6, thì bỗng nhiên trên các trang mạng liên tục đưa tin cuộc chiến căng thẳng và quyết liệt giữa một vài tờ báo, được gọi là "chính thống" với một tờ báo, bị gọi là "lá cải", xung quanh chủ đề "lá cải hóa" của tờ báo này.

Khiến cho bạn đọc của báo chí, vốn mệt mỏi và bội thực vì những chuyện tham nhũng, thất thoát, suy đồi đạo đức xã hội, có dịp được thay đổi... khẩu vị, "tọa sơn quan báo (hổ) đấu" (!)

Đương nhiên, tờ báo bị gọi là "lá cải" đâu có chịu thua. Nó cũng dẫn ra đủ nhân chứng, vật chứng của phóng viên bản báo kia, khẳng định cách hành nghề thô lỗ, và "lá cải hóa" của "đối thủ" theo kiểu: Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ lại trả lời cả họ mày... thơm!

Ở cái thời buổi kim tiền này, dường như chả ai có đủ tư cách đạo đức, lên mặt dạy đời, dạy khôn... cho ai. Nhất là với đồng nghiệp. Vì chắc gì những tờ báo tự cho mình là chuẩn mực- đã là tờ báo hay và hấp dẫn.

Hay nó lại nhạt hoét, chán phèo, vô cảm với xã hội, nhân dân và bẽ bàng vì chả "ma" nào ngó. Và cái sự lên mặt dạy đồng nghiệp, lại xuất phát từ cái tâm lý thường tình, như ai đó đã nói: Trâu buộc ghét trâu ăn!

Vì thế, mà cuộc chiến chưa biết ngã ngũ thế nào, nhưng tiếng cười chê thì rào rào, khiến lượng hit của hai phía hẳn tăng vọt. Thôi thì thế cũng tạm gọi là... thành công.

Khốn khổ cho bạn đọc bỗng nhiên được chứng kiến cảnh khẩu chiến, chỉ có thể ngân nga mấy câu ca dao thâm thúy: Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau! Cùng một mẹ, thì đều mang... gien mẹ. Có gà nào đột biến tài năng đâu mà đòi "tao gáy hay hơn mày". Hay là khi cần gáy to, thức tỉnh xã hội, thì cái anh gà tự cho là gáy hay lại bị... tụt lưỡi gà?

Bình tâm suy nghĩ, thấy vỡ ra khối điều.

Đầu tiên, ngay khái niệm "chính thống" và "lá cải" đã hoàn toàn không chính xác. Các tờ báo được xuất bản theo quy định của pháp luật, của Luật Báo chí  đương nhiên đều là báo chính thống, bởi có tờ nào dám...đẻ "chui" đâu?

Mà dùng "chính thống" để đối trọng lại với "lá cải" thì không ổn lắm về ngữ nghĩa, lại cũng không đúng về bản chất. Bởi ngay một tờ báo chính thống cũng có thể "lá cải hóa" cơ mà? Và phải xin nói thẳng, cái xu hướng "lá cải hóa" các báo chính thống không phải là chuyện dị biệt của một tờ báo. Nó có vẻ như thành một xu hướng S.O.S!

Hãy cứ thử vào bất kỳ tờ báo điện tử chính thống nào mà xem. Cột được đọc nhiều nhất, chiếm ưu thế nhất, đương nhiên toàn cướp, giết, hiếp; toàn sốc- sex- sến...

Nó giống như một loại độc dược, khốn thay, người đọc lại thích thú và mê mải nhấm nháp. Để từ đó, biến thành con bệnh tự phát từ lúc nào. Những tội phạm trẻ vị thành niên, những tội ác loạn luân quái đản, ghê rợn xuất hiện ngày càng nhiều, liệu có phải bắt nguồn từ những liều độc dược được sản xuất... hợp pháp này không?

Người bệnh cuả "lá cải", nhẹ thì nghiện xem, nghiện đọc. Nặng thì bước chân vào con đường phạm tội. Nhưng tờ báo thì tăng hít, và đương nhiên, kéo theo là tăng tiền bạc. Chợt nhớ tới phát ngôn cực "hot", cực kỳ ấn tượng của người mẫu Ngọc Trinh: "Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?".

Ấn tượng, vì người đẹp này không chỉ rất thành thật công khai thừa nhận lối sống "tiền là trên hết", mà sau phát ngôn gây sốc cho cả cộng đồng mạng, bị ném đá tơi bời, Ngọc Trinh vẫn luôn xuất hiện tại các buổi dạ tiệc hoặc trên báo chí. Mặt hoa da phấn, tươi cười, phớt tỉnh mọi lời dèm pha.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/Uploads/1_1338540550.jpg
Ảnh minh họa



Cái phớt tỉnh của một người đẹp, suy nghĩ thực ra rất nông cạn, nhạt nhẽo, xuẩn ngốc, nhưng lại dám xé toạc tấm màn đạo đức giả, và biết thóp tâm lý số đông, bất kể con đường "lý tưởng kim tiền" mình đi theo, rồi sẽ hạnh phúc hay bất hạnh, sẽ được nâng niu yêu thương hay vắt chanh bỏ vỏ bẽ bàng.

Công bằng mà nói, các tờ báo ăn theo chân dài Ngọc Trinh, khai thác đến cạn kiệt người mẫu này, phải cảm ơn cô. Bởi nếu không có những vụ việc gây sốc, giật gân đó, thì báo chí bây giờ, kiếm lượng hit bằng cách nào? Với một đội ngũ đông đảo hơn 700 tờ báo luôn ở thế mưu sinh cạnh tranh khốc liệt.

Nào là "Không biết sex ban ngày là quá dại", "70 tuổi vẫn quần quật bán dâm", "Bố chồng van xin được giặt quần lót của con dâu".... Nào là "Cao Thái Sơn ham của lạ", "Cặp bồ một lúc nhiều người?", "Làm tình với trai lạ trong toilet?".

Nào là "Nóng bỏng cảnh giường chiếu của Kim Sun Ah", "Dìm hàng bạn gái vì bị từ chối tình yêu", "Mãi tạo dáng, vợ cũ Ashley Cole bị lộ áo lót", "Tôi cặp bồ với anh rể chồng để tìm cảm giác mạnh".

Chỉ cần nhìn các tít bài, đã thấy... hoa mắt, chóng mặt.

"Sự nhảm nhí được... cấp phép?"

Xin được trích câu nói của ông Đức Hiển (Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Pháp Luật T/p Hồ Chí Minh), vì nó quá đúng trong thực trạng quản lý báo chí hiện nay ở nước ta.

Báo "lá cải" không phải là giống gì mới mẻ.

Nó được "trồng" từ Vương quốc Anh. Đến nỗi quốc gia này được coi là quê hương của báo "lá cải". Nhưng có điều, nước Anh luôn phân biệt rạch ròi giữa báo lá cải và báo chính thống. Còn ông Marvin Kalb, Giám đốc Trung tâm Shorenstein về Báo chí, Chính trị và Vấn đề Công của Đại học Harvard từng định nghĩa: Báo "lá cải" là sự xuống ngôi của tin tức thời sự và sự lên ngôi của tin giải trí, sex và scandal.

Nhưng nếu có được tận mắt đọc các "ấn phẩm" của nhiều tờ báo Việt Nam, hẳn nước Anh phải nghiêng mình bái phục, vì sự lập lờ đánh lận con đen, kiểu "treo chính thống, bán... lá cải". Bởi có giấy phép xin ra đời một ấn phẩm của một tờ báo nào, lại dám nói rõ là chuyên khai thác các scandal, chuyên khai thác chuyện giường chiếu, bồ bịch tùm lum?

Hay toàn vì những tôn chỉ, mục đích phục vụ xã hội cao cả?

Liệu các cơ quan chức năng có thực sự kiểm soát được tình hình của hơn 700 tờ báo, ấn phẩm? Có thực sự kiểm soát được thực trạng các nhóm "đầu nậu"  thao túng, quyết định việc tổ chức và điều hành nội dung của những "tòa soạn báo lá cải"?

Khốn khổ cho bạn đọc bỗng nhiên được chứng kiến cảnh khẩu chiến, chỉ có thể ngân nga mấy câu ca dao thâm thúy: Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!

Cùng một mẹ, thì đều mang... gien mẹ. Có gà nào đột biến tài năng đâu mà đòi "tao gáy hay hơn mày". Hay là khi cần gáy to, thức tỉnh xã hội, thì cái anh gà tự cho là gáy hay lại bị... tụt lưỡi gà?


Theo một nhà báo kiêm một bloger, thì các "đầu nậu" này có một quy ước ngầm với nhau: Tổng biên tập chỉ làm nhiệm vụ đối ngoại, xem lại những bài do phóng viên của tòa soạn viết. Những bài do "đầu nậu" tổ chức, cứ vô tư đăng miễn đừng phạm chính trị là được. Thế nên, "lá cải" cứ tha hồ trăm hoa đua nở, trăm báo đua tiếng...

Chùm khế ngọt của báo "lá cải" bây giờ, chả lẽ phải được chuyển về đất Việt?

Lại nhớ câu nói của người xưa: Giữ cho văn hóa còn, thì đất nước còn? Báo chí không chỉ là chính trị. Báo chí còn là văn hóa, là đạo lý nhân quần.

Và khi "lá cải" trở thành nguồn độc dược âm thầm, lặng lẽ, tung hoành dọc ngang nào biết trên đầu có ai, đủ sức góp phần băng hoại đạo đức văn hóa xã hội, cũng là lúc các nhà quản lý GD, quản lý báo chí lên tiếng nghiêm khắc.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH chỉ ra đúng cái "tâm đen": Có những tòa soạn tưởng nghiêm túc nhưng vẫn có tin bài lá cải. Theo tôi, đa số là... cố ý. Tôi không tin tòa soạn cho đăng những bài đó là thực tâm chống cái xấu, mà chỉ chạy theo lợi nhuận, chiêu bài kia chỉ là ngụy biện.

Bà Đặng Thị Vân An, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông) thì kiên quyết ở góc độ quản lý Nhà nước, một khi "lá cải" đã ... tràn lan: Nếu các ấn phẩm này vẫn tiếp tục cố tình vi phạm tôn chỉ, mục đích đã được cấp phép, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ TT&TT rút giấy phép hoạt động.

Còn ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Quản lý báo chí xuất bản (Sở TT&TT T/p. Hồ Chí Minh), hiểu rõ cái cung cách quản lý lỏng lẻo của các tòa báo. Nó cũng là cung cách quản lý báo chí ở tầm vĩ mô chăng: Ngay cả trụ sở đại diện chính của một số tờ báo cũng không nắm được hết các ấn phẩm phụ của mình.

Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng TT & TT thừa nhận: Đây là khuyết điểm lớn nhất, kéo dài, trong đó trách nhiệm trước hết là cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và cũng phải nói đến sự thiếu kiên quyết của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí.

... Chúng ta không chấp nhận báo lá cải, hoặc nội dung lá cải. Mặc dù sự thật có một số báo vô tình hay hữu ý muốn "cải" một chút, để thu lợi ích trong ngắn hạn, thì họ không biết là đang đánh mất chính mình và phải trả giá trong dài hạn.


Rõ ràng, các nhà quản lý báo chí các cấp đều nhìn ra chân tướng vụ việc, vì sao báo "lá cải" nảy nở tràn lan. Có nguyên nhân từ cung cách quản lý cơ sở đến quản lý Nhà nước. Nhưng các vị cũng đang đứng trước thách thức của chính mình.

Của cái thời báo "lá cải" lên ngôi.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tuấn Khỉ đã viết:
Chẹp! Nguyên thủ quốc gia mình đi còn chẳng danh giá huống hồ mấy ngôi sao vườn.
http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Funny%20stuff/Caption%20can%20be%20added/Iwillkillya2.jpg
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ta giàu sang từ khi nào vậy?



(TBKTSG) - Mới cách đây hai mươi năm, “sự sang” ở Việt Nam thể hiện qua những chiếc Lada công vụ, những chiếc Peugeot hiếm hoi của tư nhân; thức uống phổ thông của dân nhậu là bia hơi đong lít, sang lắm là vô tiệm uống bia lon nội địa 333, lon nước ngọt vẫn còn là hàng nhập xa xỉ...

http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Nhung%20buc%20anh%20biet%20noi/f888affd.jpg[/i]



Còn nói đến những “bộ cánh” để bận mỗi khi đi nước ngoài thì vào đầu những năm 1980, cán bộ công chức vẫn còn phải lên sở tài sản làm thủ tục mượn com lê, cà vạt! Những năm đó, nói đến chỗ ở, công chức trung hay cao cấp ở các bộ còn phải đếm diện tích mét vuông, vậy mà giờ đây đã là những biệt thự mua... để đó, những penthouse hay villa bãi biển...!

Kể lại những “chuyện cũ còn mới” này để thấy ta giàu sang lẹ quá! Tốc độ giàu có thì phi mã, còn mức độ giàu có thì như hỏa tiễn, khi mà mỗi căn biệt thự cũng gần “triệu đô”, chung cư cao cấp cũng cỡ nửa triệu. Dễ nhận ra “ai” cũng là triệu phú đô la trong một tầng lớp giàu sang mới, không chỉ ở các thành phố lớn mà cả tận các huyện lỵ!

Hiện nay, bia “Ken” sản xuất trong nước đã bị một số người thay thế cũng bằng bia đó nhưng là loại đóng chai nhập khẩu, vung tiền mua đến nỗi Việt Nam - một nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ được 1.174 đô la Mỹ, đứng hàng thứ 142 năm 2010 theo Quỹ tiền tệ quốc tế, đã nhập khẩu đến 200 triệu lít bia này, chỉ sau Mỹ và Pháp là hai nước có thu nhập bình quân đầu người lần lượt là 47.284 đô la Mỹ và 41.019 đô la Mỹ. Theo ước tính của hãng bia này, đến năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia Heineken lớn nhất thế giới!

Cũng thế, trên những đường phố chật hẹp của Hà Nội, TPHCM cùng các thành phố khác, thậm chí của các huyện thị, xe công vụ đã có thể là những chiếc trị giá gần 1 tỉ đồng, thậm chí hơn, còn tư nhân “nhơ nhỡ” thì rủ nhau sắm xe 7 chỗ, to bằng xe thiết giáp hoặc xe vận tải nhỏ chỉ để ra đường, chở mỗi mình “ta với ta”! Nhãn hàng thời trang L.V. vô đây mở đại lý, đâu có ế!

Thế nhưng, cái sự giàu có phi mã và hỏa tiễn ấy lại quá nhanh so với sự nhân ái, lịch thiệp, sang trọng lẽ ra phải kèm theo! “Người ta”, tất nhiên không phải là tất cả song cũng đông lắm, đã không kịp lịch sự, sang trọng với đà phất lên về của cải vật chất! Những lễ nghĩa mà lẽ ra phải được luyện tập từ khi bắt đầu tập nói, rồi trở thành phản xạ, hành vi, thói quen cá nhân, bắt đầu là lễ phép, giữ vệ sinh, thinh lặng nơi công cộng..., tiếc thay chưa được thể hiện đủ ở mọi nơi, mọi lúc để từ đó tích tụ thành tập quán xã hội! Phú quý sinh lễ nghĩa song lễ nghĩa không “lớn” theo kịp!

Nhìn lại những gì đang thể hiện ở Việt Nam hiện nay, sẽ thấy khác hẳn với các nước khác, không chỉ với các nước giàu có nhất mà cả các nước quanh ta. Họ không khoe: “Tài sản của tôi bao nhiêu!”, “Thu nhập tôi, lương tôi bấy nhiêu!”...

Đơn giản vì họ không mặc cảm nghèo/giàu, vì ai cũng phải nể mặt sở thuế do không thể trốn thuế, và nhất là không ai có thể có của chìm, của nổi với sở thuế của họ được! Họ không ồn ào khoe mẽ vì họ không thể có những thu nhập ngoài số thu nhập đã được pháp luật cho phép, do xã hội của họ không có cơ chế và cơ hội bao che hay được bao che.

Có bao giờ ta vắt óc tự hỏi sao mấy ông bộ trưởng Nhật lại có thể “chết” chỉ vì “ăn” có mấy trăm ngàn đô? Trong khuôn khổ những xã hội không tạo cơ hội cho sự “giàu tắt”, khi mà ai cũng “cày” để sống, thì anh “cày” cỡ nào, mức sống của anh chỉ có thể cỡ đó, chẳng ai dám hay cần “chơi nổi”!

Khi chỉ chăm chăm “chơi nổi” thì cái sự “chơi nổi” bắt đầu từ những cái thô thiển, như vô tiệm ăn vác cả thùng bia, cả chai rượu lên bàn cho tiện..., đến khi vô nhà hàng có người đứng chờ phục vụ lại lúng ta, lúng túng! Như cái sự la “dzô” hùng hồn khí thế như ở thao trường chớ không phải trong nhà hàng, trong khi cả thế giới chỉ nhẹ nhàng “cheer, à votre santé...”. Khi xưa các đấng Thái tổ từ áo vải mà mặc hoàng bào, đến đời Thế tổ cũng mới tập tành, sang đời thứ ba mới bắt đầu thơ phú...!

THIÊN DI
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Vodanhthi đã viết:
Tuấn Khỉ đã viết:
Vodanhthi đã viết:

Sao Việt đi LHP Cannes: Nào có danh giá gì đâu!

Chẹp! Nguyên thủ quốc gia mình đi còn chẳng danh giá huống hồ mấy ngôi sao vườn.
http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Funny%20stuff/Caption%20can%20be%20added/Iwillkillya2.jpg
Sống & Chết

Hồi xưa tôi cũng hay sợ chết
Thậm chí tôi còn sợ cả đau.
Bây giờ tôi chẳng sợ gì hết.
Bởi sống hơn chết tý nào đâu?

Nếu chỉ nghĩ mà không nói thật
Đất nước này đã chết từ lâu.
Trong trường hợp đằng nào chẳng chết
Chọn kiểu gì có ích mai sau.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Thói dối trá

Bài đăng trên Thanh Niên 14:57 | 03/06/2012

TP - Rõ thực đời chưa biết ai hơn ai về cái sự nhân văn, dù có đắp lên mình đủ bằng cấp, tiền bạc, chức vị hoặc chỉ bán xôi bán cháo ngoài đường. Nhớ vụ cháu bé 3 tuổi ở Quy Nhơn bị rơi lọt thỏm vào nồi nước sôi ngoài đường, thập tử nhất sinh.

Bố chạy xe ôm, mẹ bán chè, nghèo nát nhưng cũng liều bồng con ra Viện bỏng quốc gia với hy vọng cứu được mạng con.

Báo chí đưa tin, bạn đọc và các nhà hảo tâm cả nước cảm thương ùn ùn đến thăm, tặng tiền. Số tiền góp được rất lớn. Nhờ sự tận tâm của các bác sĩ, cùng sự giúp sức của những tấm lòng nhân hậu, cháu bé được cứu sống.

Lúc đưa con về, người mẹ nghẹn ngào xúc động, và gửi lại cho bệnh viện 100 triệu đồng chưa sử dụng hết làm quỹ giúp những cháu bé nghèo khác.

Những bài báo về những hoàn cảnh như vậy có giật gân câu khách không mà sức lay động lớn đến thế? Người mẹ nghèo ít học ấy sao lại có được việc làm cảm động, nhân văn đến thế?

Đang diễn ra phê phán gay gắt về loại báo chí đậm đặc tiền tình, bạo lực, sốc, sex…, nhưng lại luôn khẳng định mình là “nhân văn”!? Phía bị phê phán thì phản pháo lại, cho rằng không ai tốt hơn ai để đứng lên trên “răn dạy” người khác!

Đời chẳng ai là Thánh. Tất nhiên cũng chẳng ai có thể cho mình cái quyền đứng trên cao dạy dỗ người khác về đạo đức. Nhưng một người bình thường ít học nhất cũng biết giữa những cái xấu thì chọn điều ít xấu hơn.

Và ai có khả năng nhận biết cũng đều hiểu không nên để tâm vào những cái xấu, cái ác được phản ánh một cách nhầy nhụa.

Một cô diễn viên bị bắt quả tang về hành vi mại dâm, lúc rời khỏi trụ sở công an bị một nhóm phóng viên lẵng nhẵng bám theo quay phim. Cô lấy tay gạt ống kính đang dí vào mặt mình, thì bị lu loa trên báo, rằng “Diễn viên H.H gạt máy ảnh phóng viên khi bị ghi hình”! Biết nên gọi thứ công vụ của nhóm nhà báo ấy bằng cái tên gì đây? Và cấp độ nào của loại “nhân văn” ấy?

Đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn vừa diễn ra hôm qua có phần trình bày suy nghĩ về “thói dối trá” trong xã hội hiện nay. Học sinh đều reo lên rất dễ. Vì thực tế nhan nhản ngay trong nhà, trong lớp chẳng cần tìm đâu xa.

Một góc độ nào đó, tiếng reo của các cô cậu thí sinh ấy là nỗi đau của toàn xã hội. Năm ngoái, đề thi văn đại học bàn về sự biết xấu hổ. Năm trước đó thì nói về thói đạo đức giả...

Con người đang chao đảo giữa một rừng cái xấu, cái ác, cái giả dối. Thì sao mỗi người không chọn cho mình hướng về những thứ ít xấu hơn, ít trần tục ghê tởm hơn? Lựa chọn trên sách báo, phim ảnh, và ngay trong quan hệ đời sống.

Một chút thực lòng mỗi lúc, sẽ là một làn không khí trong lành khiến dễ thở hơn. Bởi không thể nào nấu được một nồi súp ngon nếu đó là kẻ dối trá, như nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven từng chiêm nghiệm.

Trí Quân
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tuấn Khỉ đã viết:

Hồi xưa tôi cũng hay sợ chết
Thậm chí tôi còn sợ cả đau.
Bây giờ tôi chẳng sợ gì hết.
Bởi sống hơn chết tý nào đâu?

Nếu chỉ nghĩ mà không nói thật
Đất nước này đã chết từ lâu.
Trong trường hợp đằng nào chẳng chết
Chọn kiểu gì có ích mai sau.
Tuấn Khỉ đã viết:
Thói dối trá

Một chút thực lòng mỗi lúc, sẽ là một làn không khí trong lành khiến dễ thở hơn.
Cảm ơn bác Tuấn.

http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Funny%20stuff/Irony%20and%20Philosophy/BraveryMockThienAnMon.jpg
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

“Không thể yêu nước trong sự vô minh”



TT - Người Nhật nổi tiếng trong lịch sử là dân tộc đọc sách vào bậc nhất thế giới. Quyển Self-help (Tự lo) của Samuel Smiles từng là best-seller tại Anh, Mỹ, bán được 250.000 quyển cuối thế kỷ 19, nhưng khi được dịch sang tiếng Nhật đầu thời Minh Trị (1868) bán đến 1 triệu bản!

Một con số thật “khủng”, vì dân số Nhật Bản lúc đó chỉ khoảng 30 triệu người. Nhiều quyển sách khác cũng được bán với con số tương tự. Sự tò mò của người Nhật có thể nói là vô hạn. Thời Minh Trị, công ty TNHH ra đời đầu tiên là Công ty nhập khẩu và kinh doanh sách Maruzen. Sách là nền tảng tri thức để chấn hưng đất nước.

Văn hóa đọc của Nhật Bản không phải bỗng dưng bùng nổ vào thời Minh Trị khi đất nước được mở cửa hướng về phương Tây, mà có gốc rễ sâu xa từ thời Tokugawa năm 1600-1868, từ lúc dân tộc chỉ có văn hóa võ sĩ trên chiến trường, từ lúc thầy tu khỏe mạnh cũng muốn ra trận để thi thố tài năng đi tìm hạnh phúc. Cách đây 300 năm, Nhật Bản đã có những con số “khủng” về giáo dục và văn hóa đọc, hai cái gắn liền nhau.

Vì sao có những con số khủng về giáo dục và văn hóa đọc của một dân tộc võ sĩ? Sự học tại Nhật Bản trước năm 1600 là độc quyền của giới quý tộc và tăng lữ, nhưng đến thời Tokugawa trở thành công việc của cả nước. Đến năm 1615, tướng quân Tokugawa Ieyasu, sau khi bình định được gần 300 bang (han), thiết lập nên một thể chế chính trị gần như liên bang, đã truyền lệnh cho tất cả đại danh đứng đầu các bang, daimyō, và cho võ sĩ, samurai rằng (điều 1): “bun bên tay trái, bu bên tay phải”. Bun là văn, sự học, là cây bút, còn bu là nghệ thuật chiến tranh, từ đó bushi là võ sĩ, bushido là võ sĩ đạo. Tức “quyển sách bên tay trái, thanh gươm bên tay phải”. Và văn đi trước võ để có thể trị nước lâu bền. Nhật Bản cũng có bậc thang “sĩ, nông, công, thương”, nhưng ở đây sĩ không phải là kẻ sĩ, mà là võ sĩ.

Mệnh lệnh trên có tác dụng của một “big bang” của văn hóa học và đọc sách. Các daimyō phải học văn hóa, các loại khoa học và nghệ thuật quản lý. Một daimyō có học phải đọc sách hằng ngày. Để học, họ lập ra các thư viện khắp các bang. Nhật Bản mỗi thời đều có những thư viện nổi tiếng, nhưng vào thời Tokugawa, Nhật có nhiều thư viện nhất.

Một cái “khủng” nữa. Tokugawa là chế độ tự đóng kín, “tỏa quốc” (sakoku) suốt 260 năm, sau khi họ đuổi hết người truyền giáo phương Tây năm 1640 (Việt Nam 1630), chỉ chừa một cảng nhỏ Dejima duy nhất ở Nagasaki thông thương với Hà Lan, và họ kiểm soát nghiêm ngặt việc nhập khẩu sách để tránh sự xâm nhập của Kitô giáo. Nhưng trong hai thế kỷ, giới trí thức Nhật Bản đã làm được một cuộc dịch thuật vĩ đại, gọi là “Lan học” (rangaku), để biết rõ khoa học, công nghệ phương Tây. Đó là bình minh của nhận thức, giúp Minh Trị nhanh chóng thành công.

Một sự lặp lại kỳ thú của lịch sử: châu Âu từng có cuộc dịch thuật vĩ đại thế kỷ 11 và 12 lúc đại học châu Âu ra đời để làm nền tảng phát triển khoa học và văn hóa, thì tương tự ở phương Đông, Nhật Bản cũng đã có cuộc dịch thuật vĩ đại của mình trong hai thế kỷ thời đóng cửa, giúp chuyển hệ hình tư duy kiểu phong kiến Trung Hoa sang hệ hình khoa học hiện đại phương Tây. Cuộc dịch thuật là khó nhọc và không kém phần nguy hiểm, nhưng trí thức Nhật Bản đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của mình đối với quốc gia, rằng họ không thể yêu nước trong sự vô minh, như bác sĩ nổi tiếng Siguta Gempaku (1733-1817) nói, người tạo cú hích cho “Lan học” thành công.

Đọc sách không phải chỉ để thưởng ngoạn, mà là việc làm của lòng yêu nước để phát triển đất nước và hoàn thiện con người. Đọc sách là thuộc tính của một dân tộc văn hóa có ý thức. 1.000 năm trước họ đã học Trung Hoa. 1.000 năm sau họ học phương Tây. Họ không sợ học của kẻ thù, chỉ sợ vô minh vì không học. Họ học sớm và học nhiều hơn Trung Hoa nhưng vẫn giữ được bản sắc, tổng hợp được văn hóa Đông Tây và Nhật Bản đã thành công.

NGUYỄN XUÂN XANH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [28] [29] [30] [31] [32] [33] [34] ... ›Trang sau »Trang cuối