Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trí thức và vai trò của trí thức châu Âu

(tiếp theo)

2. Trí thức Đông Âu

Năm 1986, khi bức tường Berlin còn chưa sụp đổ, sau khi Đại hội 27 ĐCS Liên Xô tuyên bố về Perestroika và Glasnost, Vaclav Havel viết ‘Người trí thức phải thường xuyên can thiệp, tận mắt chứng kiến nỗi khổ của nhân dân, đồng cảm với nỗi khổ ấy và nổi dậy chống lại những áp bức vô hình hay hữu hình, là những người luôn đặt mối nghi ngờ đối với hệ thống, với quyền lực và những bùa chú, xuyên tạc mà những quyền lực đó đặt ra’[10]. Có thể thấy,  trách nhiệm ‘dám nói lên sự thật’, tự nhận là ‘người nô bộc khiêm tốn và dũng cảm của sự thật’[11] đã được nhiều trí thức Đông Âu đảm nhiệm. Đông Âu, cũng như Nga, có một đội ngũ trí thức được hình thành như một giai tầng trong xã hội -“inteligentsia”, đội ngũ được xây dựng sau chiến tranh Thế giới thứ hai, gồm nhiều trí thức tiến bộ tập hợp như một lực lượng chống Phát xít.

Giới trí thức đóng một vai trò quan trọng trong các quốc gia XHCN, như hai trí thức mac xit người Hungary, George Konrad và Ivan Szelenyi nhận định[12]. Theo hai học giả này, quyền phân phối thặng dư trong xã hội tư bản thuộc về chủ tư bản, còn trong xã hội XHCN, do không có tư bản, quyền này thuộc về giới cầm quyền- trí thức. “ Ngay khi thị trường được thay thế bằng kế hoạch hóa, những người nắm tri thức sẽ lên nắm quyền, thay cho những người sở hữu tư bản”. Quá trình phân phối sản phẩm “duy ý chí” được hình thành, thay cho việc phân phối sản phẩm dựa vào thị trường. Ngòai ra Konrad và  Szelenyi còn nhận định rằng trong xã hội XHCN vai trò của giới trí thức sẽ được coi trọng hơn trong xã hội TBCN, bởi vì giới trí thức ở các nước XHCN, khi bị đẩy ra ngòai rìa, sẽ có xu hướng cầm đầu phong trào “nổi loạn” chống lại quyền lực chính trị. Do đó,  bộ máy cần o bế họ để phục vụ các mục tiêu chính trị, cũng như dùng họ để nuôi dưỡng lý luận và tuyên truyền. So với giai cấp công nhân thì trí thức có vẻ được ưu đãi hơn rất nhiều. Họ kiếm được “căn hộ” dễ dàng hơn, có nhiều thời giờ rảnh rỗi, nhiều cơ hội giải trí hơn, tạo nhiều mối quan hệ và gây được nhiều ảnh hưởng hơn, cũng như được giới lãnh đạo “dè chừng”, “vị nể” hơn[13]. Tuy nhiên nếu đi chệch hướng thì họ có thể phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc.

Một trong những đóng góp quan trọng của trí thức Đông Âu là nỗ lực hình thành nên “xã hội dân sự” ở những nước này. Ngay trong thời kỳ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Liên Xô, ở các nước Đông Âu Ba Lan, Tiệp Khắc và Hungary, dưới lớp vỏ ngoài của xã hội tập trung bao cấp đã có những mầm mống của xã hội dân sự với “những giai tầng đa dạng, những nền văn hóa, truyền thống lịch sử, các thiết chế chính trị-kinh tế khác biệt”[14]. Cho đến thập niên đầu của thế kỷ XX khu vực này vẫn chịu ảnh hưởng của các đế chế xung quanh: Nga ở phía Đông, Thổ ở phía Tây và Áo ở phía Nam. Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ I kết thúc, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary và Nam Tư mới giành lại độc lập. Như một phản xạ nhằm đối phó lại với phạm vi ảnh hưởng của những đế chế nói trên, những quốc gia-dân tộc này tìm mọi cách để duy trì và lưu giữ những nét đặc sắc văn hóa xã hội riêng của mình, trong đó các trí thức đóng một vai trò to lớn.

Một trong những phong trào nổi bật trong sự hình thành các nhóm, các tổ chức mang tính quần chúng, góp phần xây dựng xã hội dân sự ở Đông Âu là các hoạt động bảo vệ môi trường. Quá trình công nghiệp hóa ở nhiều nước Đông Âu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, trong khi chính quyền đã không đưa ra những giải pháp kịp thời cho vấn đề ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm, các nhóm trí thức đã sớm nhận thức được hiểm họa tàn phá môi trường và tác động tiêu cực của nó tới dân sinh. Tuyên ngôn đầu tiên của hội những người bảo vệ môi trường được đưa ra ở Ba Lan, khi Câu lạc bộ sinh thái Ba Lan được thành lập ở Cracow vào tháng 9 năm 1980. Nhiều nhà khoa học môi trường đã tập trung ở đây để khai mạc cho Câu lạc bộ này bằng một bức thu ngỏ gửi lên chính phủ yêu cầu có những điều luật nghiêm khắc hơn nữa nhằm bảo vệ môi trường sống.  Nhiều hội thảo đã được tổ chức, nhiều kết luận về tình trạng ô nhiễm cũng như tác hại đối với sức khỏe người lao động, các khuyến nghị tới chính phủ đã được đệ trình. Sau sự kiện Chernobyl ở Ukraina, nhóm vì Hòa bình và Tự do đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc bưng bít thông tin về vụ nổ, khoảng 2000 người đã tham gia tuần hành ở Cracow. Tại Bialystok, khu vực gần Chernobyl, khoảng 3000 người đã ký lời kêu gọi ngừng xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Ba Lan có tên là Zarnowiec. Phối hợp với các nhà khoa học và nhà báo, tổ chức này đã gây sức ép buộc chính quyền đóng cửa nhà máy thép Siechnice gần Wroslaw do làm ô nhiễm nguồn nước trong khu vực. Chính quyền khu vực này cam kết sẽ chấm dứt hoạt động của nhà máy trước năm 1992. Ngoài ra, danh sách 500 nhà máy cũng được liệt kê vì đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

           Kể từ năm 1978, phong trào Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc đã coi môi trường là một trong những vấn đề quan trọng trong chương trình hành động. Tháng 7 năm 1983 nhóm giám sát nhân quyền đã soạn thảo một văn bản chi tiết cảnh báo chính quyền về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở miền bắc Bohemia. Tháng 2 năm 1984, Hiến chương 77 đã phát hiện và in lại một báo cáo  mật của chính phủ do Viện Hàn lâm Tiệp Khắc soạn thảo năm 1983 về vấn đề môi trường, trong đó thông báo tình trạng môi trường đang bên bờ thảm họa và những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng đối với dân chúng. Báo cáo nêu rõ, kể từ năm 1960, số người bị mất khả năng lao động tăng 50% do các lý do về sức khỏe. Ở các khu công nghiệp, tỉ lệ người người mắc bệnh phổi, tử vong ở trẻ em tăng mạnh. Tương tự, cây cối và động vật cũng bị ảnh hưởng do mưa axit, ô nhiễm nguồn nước và không khí cũng như sử dụng hóa chất tràn lan trong nông nghiệp. Năm 1986, Hiến chương 77 đã ra văn bản trình lên Quốc hội phàn nàn việc chính phủ Tiệp Khắc chậm trễ phản ứng với khủng hoảng Chernobyl, trong đó đề nghị phải ngay lập tức đưa đầy đủ thông tin về mức tăng phóng xạ ở Tiệp Khắc và ý kiến của chuyên gia về các biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe con người. Năm 1987, tổ chức này ra hai văn bản về tình trạng môi trường ở Tiệp Khắc, trong đó đề nghị vấn đề môi trường phải được đưa ra bàn luận rộng rãi trong công chúng. Các văn bản này được gửi tới nhiều cơ quan của chính phủ, đòi hỏi các nhà máy xí nghiệp dùng than có hàm lượng thấp phải lắp đặt các máy lọc không khí, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và cảnh báo nguy cơ cao đối với các nhà máy hạt nhân.. Tuy nhiên những yêu cầu này đều không được giải đáp.

           Ở Hungary, phong trào bảo vệ môi trường cũng được dấy lên bởi các tổ chức phi chính phủ. Nhóm Danube Circle (do nhà báo và nhà sinh vật học Janos Vargha thành lập năm 1984) kết hợp với Hiến chương 77 thành lập ra một Dự án liên kết Tiệp-Hung về những nguy hiểm đối với môi trường do đập thủy điện Gabciko-Nagymaros đang xây dựng có thể gây ra. Dự án này tiến hành nghiên cứu và soạn thảo các văn bản đệ trình lên chính phủ hai nước về những nguy cơ hủy diệt môi trường của khu vực sông Đa nuyp. Cũng chính nhóm Danube Circle đã gửi một bức thư lên Quốc hội và Hội đồng Bộ trưởng Hungary về những tác hại của ô nhiễm môi trường và kêu gọi nhận thức  đúng đắn về vấn đề này với chữ ký của khoảng 5000 người trong đó có 50 đại diện hoạt động trong lĩnh vực khoa học và văn hóa. Nhóm Danube Circle tuyên bố không liên quan đến các phong trào chống đối hay vì các mục tiêu chính trị mà chỉ là một tổ chức quan tâm đến các vấn đề sinh thái môi trường. Tuy nhiên chính quyền không công nhận nhóm này là một tổ chức chính thức và đã bác bỏ đề nghị của họ. Vào năm 1985, nhóm này mới được phục hồi trở lại sau khi họ được nhận giải thưởng “Sinh kế đúng đắn” với số tiền 95.000 đola, và được nêu tên tại lễ trao giải tại Nghị viện Thụy Điển. Hai năm sau họ mới được chính phủ Hungary đồng ý cho nhận giải bằng tiền Hungary với lý do không được nhận giải bằng ngoại tệ. Nhóm này đã dùng số tiền thành lập ra Quỹ Danube với cam kết “hỗ trợ cho các cá nhân và phong trào tư nhân có các hoạt động gìn giữ môi trường và thiên nhiên có liên quan đến vùng sông Đanuyp”. Nhiều dự án đã được đệ trình để xin Quỹ hỗ trợ. Nhóm Danube Circle còn huy động nhân dân yêu cầu chính phủ thay đổi chính sách. Cuộc trưng cầu ý kiến về đập thủy lợi đã thu được 2655 chữ ký nhưng không thu được đánh giá tích cực từ phía chính quyền (dẫn theo Janusz Bugajski và Maxine Pollack, 1989:214)[15]. Tháng 4 năm 1986, 30 trí thức Hungary đã gửi in một quảng cáo trên một trang của tờ báo ở Viên, thủ đô nước Áo, có tên là Die Presse, với ý định kích động dân chúng Áo phản đối việc xây đập trên dòng Đanuyp trên đất Hung, do phần lớn tín dụng để xây đập là từ Viên và 70% gói thầu xây dựng đập sẽ trao cho các hãng của Áo. Quảng cáo tuyên bố “Một xã hội dân chủ- và chúng tôi tin xã hội Áo là như vậy- không cho phép nó khai thác sự thiếu dân chủ ở một nước khác vì những lợi ích vật chất của nó”. Một số các nhà môi trường và chính trị gia của Áo đã tỏ thái độ thông cảm . Tháng 7 năm 1986 19 thành viên của Danube Circle đã gửi đơn thỉnh cầu lên Nghị viện Viên, thúc dục họ xem xét lại lần cuối hiệp định Áo-Hung về việc xây đập. Ngoài Danube Circle ở Hungary còn một số nhóm các nhà môi trường khác, trong đó thành công hơn cả phải kể đến nhóm “Blues” (Nhóm Xanh, chỉ màu xanh của nước biển và làm nhắc lại các nhóm Xanh vì môi trường của Tây Âu). Thành lập năm 1985, nhóm Xanh trẻ hơn và hăng hái hơn nhóm Danube Circle. Họ tham gia vào các phong trào giáo dục công cộng, chủ yếu với các tuyên truyền bảo vệ sông Đa nuyp. Mặc dù họ không ra ấn phẩm thường kỳ nhưng lại sử dụng các tờ rơi để đến với dân chúng. Tháng 9 năm 1985, họ lần đầu tiên phân phát 10 ngàn tờ rơi trên khắp Hungary để phản đối việc xây đập thủy điện Gabciko-Nagymaros. Ngoài ra nhóm này cũng gửi thư lên Quốc hội và các nhà trí thức trong khu vực sông Đa nuyp, trong đó trình bày những nguy hại của đập đối với môi trường. Trong một bài phỏng vấn với tạp chí samizdat, các thành viên của nhóm Xanh đã tuyên bố các mục tiêu của mình “trên thực tế là vượt quá định hướng bảo vệ môi trường, và mong muốn khuyến khích  tư duy độc lập trong mọi lĩnh vực đời sống và chủ trương tự quản hơn nữa trong cách mọi người sống và làm việc. Chúng tôi muốn mọi người kết hợp lại và chấm dứt sự phân chia trong xã hội” (dẫn theo Janusz Bugajski và Maxine Pollack, 1989:215)[16]. Tháng 3 năm 1988 đại diện của 13 nhóm môi trường độc lập đã nhóm họp ở Budapest, thành lập ra một ủy ban phối hợp chung gọi là Mạng lưới thông in của các nhóm bảo vệ môi trường và có một tờ tạp chí riêng là Tuleles (Sống sót) ra hai tháng một số. Trong số các đại diện của Mạng lưới này có nhóm Danube Circle, nhóm Quỹ Danube, nhóm Câu lạc bộ sinh thái của trường Đại học Eotvos Lorand  nhóm Kal Basin Friendsship Circle, nhóm liên minh Petofi và nhóm hòa bình 4-6-0 . Những nhóm này có quan hệ với một số tổ chức chính thức như KISZ (Đoàn Thanh niên) và Bộ Môi trường.

           Nhìn lại lịch sử tư tưởng châu Âu, chúng ta thấy thái độ và quan điểm đối với trí thức khác nhau ở từng khu vực và từng giai đoạn phát triển. Dù cho thuật ngữ “intellectual” mới được sử dụng rộng rãi vào cuối thế kỷ 19, chúng ta hiểu rằng, trí thức, dưới những hình ảnh khác nhau của các triết gia, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ…đã xây dựng nên một châu Âu vô cùng đa dạng và giàu bản sắc, họ là những thành tố quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, dẫn dắt dư luận, diện mạo văn hóa của xã hội châu Âu.

Trần Thị Phương Hoa

====================================================

[10] Vaclav Havel (1991). Disturbing the Peace: A Conversation with Karel Hvizdala. New York: Vintage Books, 1991, p. 167, dẫn theo Jerome Karabel “Towards a Theory of Intellectuals and Politics”/ Theory and Society Vol.25, No2 (April 1996), tr. 205

[11] Về sự ra đời của “trí thức hiện đại”, đặc biệt trong Cách mạng Pháp (với vai trò nổi trội của Zola) xem Lewis A. Coser “Men of Ideas A Sociologist’s Views (New York: The Free Pres, 1970), 215-255, Christophe Charle trong “ Naissance des “intellectuels”, 1880-1890 (Paris: Editions de Minuit, 1990). Xem thêm về những tranh cãi xung quanh đóng góp của trí thức, xem Julien Benda “The Treason of the Intellectuals (New York: W.W Norton and Company, 1969); George Orwell “Writers and Leviathan”, George B de Huszar, (cb) “The Intellectuals: A Controversial Poitrait (Glencoe, The Free Pres, 1960); Leszek Kolakowsk “Marxism and Beyond: On Historical Undestanding and Individual Responsibility” (London: Paladin, 1971), “Intellectuals against Intellect” Daedalus (Winter 1972); Alan Montefiore “The Political Responsibility of Intellectuals” trong Ian Maclean, Alan Montefiore và Peter Winch (cb) “The Political Responsibility of Intellectuals (New York: Cambridge University Press, 1990)

[12] George Kondrad và Ivan Szelenyi. The Intellectuals on the Road to Class Power: A Sociological Study of the Role of the Intelligentsia in Socialism. New York: Harcourt Brace Jovanovich, 1979. Dẫn theo Ivan Kuvaic. Intellectuals and Power Structure/ State, Culture and Society. Vol.1, No 2 (Winter, 1985), tr. 154

[13] Ivan Kuvaic. Sđd, tr. 157

[14] Sokolowski, S.Wojciech (2001). Civil Society and Professions in Eastern Europe- Social Changes and Organizational Innovation in Poland. N.Y.: Springer, tr.1

[15] Bugajski Janusz và Pollack Maxine (1989). East European Fault Lines. Dissent, Opposition, and Social Activism. Boulder, San Fransisco, London: Westview Press, tr.

[16] Sđd
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Muốn hay không muốn



Ở Việt Nam hiện nay, ta thấy không chỉ có nông dân bị bần cùng hóa bởi chính sách ruộng đất bất hợp lý và bởi chế độ cưỡng chế đất đai bất công mà vụ Đoàn Văn Vươn là một ví dụ nổi bật, đang là mối quan tâm chung của dư luận ở thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới này. Cũng không chỉ có công nhân bị bần cùng hóa. Mà cả giới lao động trí óc cũng bị bần cùng hóa.
Trong khi mà trong xã hội hiện thời có những nghề cho phép một số người lao động hưởng lương lên đến cả trăm triệu đồng một tháng, thì lương khởi điểm của giáo viên nói chung chưa đến hai triệu, lương khởi điểm của giảng viên đại học trên hai triệu một chút. Lương của các nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu còn thấp hơn, vì dù sao ngạch giảng dạy còn được cộng thêm một số phần trăm đứng lớp. Với giá cả hiện tại, mức lương đó không thể đảm bảo cho các sinh hoạt tối thiểu hàng ngày của những người lao động trí óc, nhất là ở các thành phố lớn. Một chế độ lương như vậy là một chế độ lương mang tính chất bần cùng hóa. Người lao động trí óc bị bần cùng hóa và bị đẩy đến chỗ không còn có thể nghĩ gì khác ngoài việc làm sao kiếm cho đủ tiền để sống. Nghịch lý ở đại học (và các trường học nói chung) là sau khi mất nhiều năm học hành, cố gắng để đạt kết quả xuất sắc, người giảng viên được giữ lại trường giảng dạy, thì nỗi lo lắng bận tâm của họ không phải là trau dồi kiến thức, phát triển năng lực chuyên môn, mà là làm gì để sống. Vậy đấy, đi làm rồi, có được một nghề rồi, một nghề được xem là cao quý hẳn hoi, nhưng lại phải khốn khổ loay hoay tìm cách trả lời câu hỏi : « làm gì để sống ? »[1]
Điều nguy hại đáng nói ở đây là : người lao động trí óc bị bần cùng hóa bởi chế độ lương phải lao vào các hoạt động kiếm sống, và sau một thời gian thì họ khó có thể giữ được các hoạt động trí óc, mặc dù lao động của họ vẫn được xếp vào loại lao động trí óc, ví dụ như nghề nghiên cứu hay đi dạy. Thực tế cho thấy là có một số giảng viên ở bậc đại học đi dạy rất nhiều nhưng để nói là họ có hoạt động trí óc thì rất khó, bằng chứng là họ không có công bố hoặc nếu có thì đó là những bài viết mà chất lượng khoa học thấp, ít hàm lượng tri thức và phát kiến, ít hàm lượng tư duy. Bài giảng của họ chỉ là tổng hợp lại kiến thức của người khác, đã thế nhưng kiến thức cũng không được thường xuyên cập nhật, bài giảng của họ có thể được soạn một lần để giảng trong nhiều năm và giảng ở nhiều nơi.
Một nghịch lý khác mà giới trí thức ở các nước phát triển rất khó có thể hình dung, nhưng đang là thực tế của xã hội chúng ta: giới lao động trí óc ở Việt Nam không những bị bần cùng hóa về đời sống vật chất, mà còn bị / tự bần cùng hóa cả về đời sống tinh thần. Hiện tượng này đang thành ra phổ biến : những người, về nguyên tắc, phải làm việc với sách vở lại rất ít đọc sách, không quan tâm đến các vấn đề xã hội. Họ tự phủ nhận vai trò và trách nhiệm xã hội của họ. Không hiếm những lời phàn nàn kiểu như : giới văn chương gặp nhau không nói chuyện văn chương, mà nói chuyện bất động sản, đất đai, nhà cửa, ô tô.
Mặt khác đa số tự nguyện tuân theo những quy định thành văn và bất thành văn về cách thức tư duy, đường hướng tư duy, hệ quả tất yếu là sự nghèo nàn trong nội dung tư duy, và hệ lụy thê thảm nhất là không ít người có nguy cơ đánh mất khả năng tư duy và thói quen tư duy, dẫn đến việc mất khả năng phân tích, mất khả năng tự quyết định, chỉ còn biết chấp nhận và chờ đợi những quyết định từ trên xuống, dù những quyết định đó sai hay đúng, dù chúng có tác hại như thế nào chăng nữa. Thậm chí có những người còn rất trẻ cũng đã tỏ ra không biết làm gì nếu không được định hướng. Trong khi đó, hoạt động trí óc, về thực chất, là một hoạt động mang tính tự do ; và không có gì có thể tước đoạt được thứ tự do đó. Đối với tư duy tất cả đều được phép. Người ta có thể bị tước đoạt tự do công bố, tự do phát ngôn và trình bày công khai ; nhưng tự do tư duy thì không gì có thể động đến được. Do đó có thể nói rằng đa số thuộc giới lao động trí óc ở ta tự nguyện tuân theo các định hướng suy nghĩ từ bên ngoài, hoặc khép mình vào những giới hạn do tự mình đặt ra, và hình dung rằng giới hạn đó trùng với những gì được phép, không lấn sang khu vực của những gì không được phép. Tuy nhiên thực tế cho thấy, sự tự giới hạn này phản ánh một nỗi lo sợ nhiều khi thiếu căn cứ, bởi vì những gì « không được phép » đối với người này lại là « được phép » (đúng hơn là « tự cho phép ») đối với người kia. Cái vòng kim cô, do vậy, không phải chỉ là sự áp đặt từ bên ngoài, mà nó còn có tính nội sinh. Giới lao động trí óc tự tạo ra cái vòng đó và để nó xiết chặt từ bên trong vỏ não. Sự tự nguyện này, xét kỹ, không gì khác hơn là hệ quả của sự bần cùng hóa tinh thần. Nếu như một bộ phận lớn thuộc giới lao động trí óc Việt Nam được gọi là « trí thức trùm chăn » thì đó chính là hậu quả của sự (tự) bần cùng hóa về phương diện tinh thần này. Bởi lẽ giờ đây, khi các thói quen và quán tính đã được thiết lập một cách vững chắc, nếu họ có hất cái chăn đi, thì việc trình bày ý kiến cũng hoàn toàn không đơn giản và không dễ dàng. Thử giả định rằng họ được chuyển sang sống ở các nước dân chủ và họ có toàn quyền phát ngôn về mọi chuyện mà không có bất kỳ một đe dọa nào hay một áp lực nào, thì liệu họ có thể tham gia phản biện như các trí thức ở các nước sở tại không ?
Sự bần cùng hóa tinh thần là một trong những nguyên nhân khiến giới lao động trí óc ở đây đánh mất sức mạnh, đánh mất khả năng phân biệt đúng sai, phải trái, và khiến họ có thể vi phạm các chuẩn mực đạo đức mà vẫn cảm thấy yên ổn lương tâm. Họ tìm sự yên ổn bằng cách sử dụng các lý lẽ mang tính ngụy biện để bào chữa hoặc hợp pháp hóa cho sự vi phạm đạo đức hay sự vi phạm pháp luật. Chẳng hạn giới giáo viên có thể tự cho là chính đáng khi nhận phong bì của học sinh và phụ huynh. Họ lập luận rằng đấy là để bù lại sự bất công trong chế độ thù lao của nhà nước. Họ đã dùng cái sai này để sửa cái sai khác, trong khi những giải pháp đúng đắn đã không được lựa chọn. (Chúng tôi sẽ còn trở lại bàn sâu hơn về điều này). Họ thấy hay không thấy rằng, giữa cái phong bì và sự suy đồi đạo đức, sự suy thoái trầm trọng của nền giáo dục, có mối quan hệ khăng khít ? Họ thấy hay không thấy mối liên hệ nhân quả giữa cái phong bì và tệ nạn bằng cấp dởm, chức danh dởm, những thứ đã và đang đẩy chất lượng giáo dục xuống bờ vực thẳm ? Đơn giản là một khi đã nhận tiền của sinh viên thì họ không thể đánh trượt hay dành điểm kém cho luận văn hay luận án của sinh viên, dù cái luận văn hay luận án ấy có kém cỏi đến mức độ nào chăng nữa. Họ thấy hay không thấy rằng khi quyết định trao bằng thạc sĩ hay tiến sĩ cho một người không có năng lực tương xứng với học vị đó, thì họ đã gián tiếp đẩy bao nhiêu thế hệ học sinh vào nguy cơ bị ngu hóa, bị bần cùng hóa về mặt trí tuệ ? Vấn đề không chỉ là việc cho ra đời một tiến sĩ dỏm, mà cùng với tiến sĩ dỏm đó là hàng loạt thế hệ thanh thiếu niên phải gánh chịu hậu quả. Rồi những người thầy kém sẽ tạo ra các thế hệ những người thầy kém tiếp theo, cứ như vậy mà kéo dài tình trạng suy thoái.[2] Vậy những người làm giáo dục muốn đẩy trách nhiệm ấy cho ai ?
Vấn đề đối với giới lao động trí óc không hẳn chỉ là hợp tác hay bất hợp tác. Voltaire từng bị triều đình bỏ tù vài lần, nhưng rồi sau đó cũng có lúc ông hợp tác với triều đình Versailles và triều đình của Friedrich II, rồi lại bất hợp tác. Goethe từng giữ nhiều chức vụ trong các triều đình của Đức thời bấy giờ. Hugo từng thực sự mong muốn tham gia triều chính, muốn có ảnh hưởng để thực hiện các ý tưởng của mình. Ông trở thành người tin cẩn của Louis-Philippe năm 1844, và sau đó làm Nguyên lão nghị viên. Rồi tự lưu đày, từ chối trở về nước Pháp khi mà ông chưa thấy đất nước này có tự do. Dù ở thời kỳ nào trong đời họ, dù họ lựa chọn thái độ nào, hợp tác hay bất hợp tác, thì đó cũng là những nhân cách lớn, những trí tuệ lớn và những bản lĩnh văn hóa đáng nể trọng. Họ biết rõ họ làm việc vì ai, vì cái gì. Nhân loại đã được hưởng lợi rất nhiều từ sản phẩm của lao động trí óc của họ
Sự (tự) bần cùng hóa về tinh thần, về đời sống trí tuệ đã khiến cho đa phần giới lao động trí óc Việt Nam hiện nay mất dần các phẩm chất tư duy, mất cả năng lực làm việc trong lĩnh vực chuyên môn hẹp của mình, mất luôn cả bản lĩnh văn hóa, cả ý thức về sự đúng sai, cả phẩm chất đạo đức công dân. Tự giữ cho mình trong sạch, chuẩn mực còn khó, nói chi đến chuyện dám đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ nhân tính ! Do vậy mà thuật ngữ « trí thức trùm chăn » cũng chưa hẳn đã xác đáng. Bởi lẽ trí thức trùm chăn dù thơ ơ với thế sự thì ít ra cũng còn giữ được căn cốt của người trí thức.
Vấn đề quan trọng đặt ra cho giới lao động trí óc Việt Nam hiện nay là  làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng bần cùng hóa cả về vật chất lẫn tinh thần. (Nếu nhìn vào các dấu hiệu của tài sản thì có vẻ như một số người thuộc giới lao động trí óc đã thoát khỏi sự bần cùng hóa về vật chất, nhưng nghịch lý là ở chỗ : phương thức mà phần lớn trong số đó sử dụng để thoát nghèo lại góp phần thúc đẩy quá trình bần cùng hóa về tinh thần ở họ.  Điều này sẽ được đề cập vào một dịp khác.)
Nhưng có lẽ vấn đề còn quan trọng hơn là làm thế nào để, nếu không phải toàn bộ thì cũng là phần lớn, giới lao động trí óc của chúng ta  mong muốn  thoát khỏi tình trạng bần cùng hóa ấy, nhất là thoát khỏi sự bần cùng hóa về tinh thần. Để tránh sa vào duy ý chí, cần nói rõ hơn rằng, dù « Muốn » chưa phải là điều kiện đủ, thì đó cũng là điều kiện cần. Hiện nay còn quá ít những người có mong muốn này. Một khi còn chưa có sự mong muốn, khi mà tình trạng chung là chấp nhận, chịu đựng và thỏa hiệp, thì việc đặt câu hỏi « làm thế nào » chỉ là một thứ xa xỉ phẩm mà thôi. Mong muốn là điểm khởi đầu giúp ta nhận ra rằng thực ra trong mỗi người đều có một nguồn năng lượng rất lớn. Cần phải để cho nguồn năng lượng đó được giải phóng để biến thành sức mạnh ; giải phóng khỏi nỗi sợ hãi, khỏi những định kiến, khỏi sự ràng buộc và hạn hẹp trong nhận thức. Mong muốn là điểm khởi đầu  giúp ta có thể đi tới chỗ đồng ý với John Stuart Mill rằng : « …nguồn gốc của mọi thứ đáng trọng trong con người như một thực thể có trí tuệ cũng như một thực thể có đạo đức, đó là phẩm chất sửa lại sai lầm của mình »[3], và càng đồng ý với ông hơn về nhận định : « Con người có khả năng sửa chữa sai lầm của mình bằng thảo luận và trải nghiệm. Không phải chỉ có bằng trải nghiệm không thôi. Phải có thảo luận để biết trải nghiệm cần được suy đoán ra sao. »[4]
Chỉ khi nào giới lao động trí óc có mong muốn thoát khỏi tình trạng bần cùng hóa này thì lúc đó họ mới nghĩ đến việc tìm giải pháp, tìm cách làm thế nào, khi đó họ mới có cơ may tìm lại được các giá trị của lao động trí óc. Bởi vì sự mong muốn sẽ kích hoạt trí não, sẽ khiến cho trí óc hoạt động, và sự hoạt động của trí óc là cách duy nhất giúp người ta tìm ra giải pháp tích cực nhất trong hoàn cảnh của mình. Như câu ngạn ngữ của người Pháp: « vouloir c’est pouvoir »[5], hoặc như Đam San của Tây Nguyên : « Ta sẽ đi tới nơi ta muốn ».


Nguyễn Thị Từ Huy
Vinh, ngày 24/1/2012
________________________________________
[1] Vì muốn tập trung vào chủ đề chính của bài viết, chúng tôi sẽ không đề cập đến một hiện tượng, đó là một số người thuộc giới lao động trí óc ở Việt Nam, bất chấp sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, đã không ngừng nỗ lực làm việc. Đến mức mà, có lẽ các đồng nghiệp nước ngoài của họ cũng khó có thể hiểu được họ lấy đâu ra sức lực để có thể làm việc như thế trong một điều kiện tồi tệ như thế.
[2] Xin kể ra đây một câu chuyện nhỏ mà người viết bài này từng chứng kiến khi còn ở Pháp : một sinh viên bậc master (tương đương với thạc sĩ ở Việt Nam) có cơ hội nhận học bổng làm tiến sĩ, nhưng cô ấy không nhận, và giải thích rằng, cô ấy tự thấy không có thiên hướng và không đủ khả năng làm nghiên cứu, vì thế cô ấy nghĩ rằng nên để suất học bổng đó cho người nào thực sự có năng lực và say mê nghiên cứu. Cô ấy sẽ tìm một việc phù hợp với trình độ và sở thích của mình. Trong ví dụ này ta thấy rõ những gì mà nền giáo dục Pháp đã đạt tới trong việc giáo dục con người. Những gì được Rousseau nói tới từ thế kỷ XVIII : « Con người thực sự tự do chỉ muốn điều gì anh ta có thể, và làm điều gì anh ta thích » (Emille hay là về giáo dục, bản dịch tiếng Việt của Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương, NXB Tri Thức, 2008, tr. 95)

[3] John Stuart Mill, Bàn về tự do, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Trọng, NXB Tri Thức, 2005, tr. 56 .
[4] Như trên, tr. 56
[5] Muốn là có thể thực hiện được.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Đề nghị Đồ Nghệ tìm hiểu và nếu được post lên đây thu nhập thật của ngành truyền hình, bưu chính viễn thông, dầu khí, điện, than và khoáng sản, buôn bán xăng dầu...để mọi người tham khảo với. Thu nhập thật là lương cộng với các khoản lương biến tướng chia chác hàng ngày, tuần, tháng, năm. Còn lương danh nghĩa thì chẳng kể làm gì.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Thái Thanh Tâm đã viết:
Đề nghị Đồ Nghệ tìm hiểu và nếu được post lên đây thu nhập thật của ngành truyền hình, bưu chính viễn thông, dầu khí, điện, than và khoáng sản, buôn bán xăng dầu...để mọi người tham khảo với. Thu nhập thật là lương cộng với các khoản lương biến tướng chia chác hàng ngày, tuần, tháng, năm. Còn lương danh nghĩa thì chẳng kể làm gì.
Công khai rõ được những điều này
Xã hội chắc là đã thẳng ngay
Chẳng có phong bì, không lệ phí
Việt Nam vượt gấp mấy lần Tây.


Tiện thể nhắn Đồ Nghệ: theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV, bắt đầu từ trên xuống, ta cũng công khai luôn thu nhập thật của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Uỷ viên Trung ương, các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ, Bí thư và Chủ tịch các tỉnh.

Xin cảm ơn!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đồ Nghệ đã viết:

Muốn hay không muốn



Ở Việt Nam hiện nay, ta thấy không chỉ có nông dân bị bần cùng hóa bởi chính sách ruộng đất bất hợp lý và bởi chế độ cưỡng chế đất đai bất công mà vụ Đoàn Văn Vươn là một ví dụ nổi bật, đang là mối quan tâm chung của dư luận ở thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới này. Cũng không chỉ có công nhân bị bần cùng hóa. Mà cả giới lao

Ông Đồ post một bài rất hay!
Hôm trước tôi thoáng thấy cái tít này ở một website khác, nhưng chưa kịp đọc. Cảm ơn ông Đồ.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi


Tiện thể nhắn Đồ Nghệ: theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV, bắt đầu từ trên xuống, ta cũng công khai luôn thu nhập thật của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Uỷ viên Trung ương, các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ, Bí thư và Chủ tịch các tỉnh.

Xin cảm ơn!
He he he...
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

He he cái gì.Thi biết được thì post lên đi. Giấu hộ các ông ấy thì được cái gì ?
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

.
http://i739.photobucket.com/albums/xx31/vodanhthi_photos/Funny%20stuff/Caption%20can%20be%20added/Emmccw.jpg
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Thái Thanh Tâm đã viết:
Đề nghị Đồ Nghệ tìm hiểu và nếu được post lên đây thu nhập thật của ngành truyền hình, bưu chính viễn thông, dầu khí, điện, than và khoáng sản, buôn bán xăng dầu...để mọi người tham khảo với. Thu nhập thật là lương cộng với các khoản lương biến tướng chia chác hàng ngày, tuần, tháng, năm. Còn lương danh nghĩa thì chẳng kể làm gì.
Bác Tâm ơi, nếu mà tìm hiểu được và tìm ra thì em cũng cố mà post lên đây ngay. Nhưng cái khoản này khó ...moi lắm bác ơi, bác nghe tạm chuyện cũ vậy nhé

Lương móc túi (hay lương ăn cướp)!

Theo Kiểm toán Nhà nước, lương bình quân hàng tháng trong năm 2010 của toàn công ty mẹ EVN là 13,7 triệu, của cơ quan văn phòng tập đoàn là gần 30 triệu. Mấy tháng trước, ông Tổng Giám đốc EVN “đau lòng” với mức lương 7.3 triệu/ tháng trong năm 2009 của ngành điện.  
Ông lấy mức lương 2009 để “đau” chứ không phải của năm 2010 hay 2011, không phải vì ông ngu hay ông quan liêu, mà chẳng qua vì ông nói ra ngượng mồm. Nếu biết Kiểm toán Nhà nước công bố lương 2010 của ngành ông sớm thế này, ông “đau” luôn 30 triệu cho xong. “Đau” mấy thì rồi ông cũng phải kêu lỗ.
Mà ông kêu lỗ cũng chỉ để đòi tăng giá, mà tăng giá lại để tăng lương cho ngành. Lần này cũng kêu lỗ xong, ông tuyên bố từ 20-12-2011 giá điện tăng 5% . Không thế, lương ngành điện sang năm lấy tiền đâu mà tăng.
Khách hàng dùng điện, những người đóng tiền tháng nuôi ngành điện thì thu nhập ngày càng giảm. Lương bình quân của CB CNVC hiện nay chỉ gần 3 triệu, còn thu nhập của nông dân còn thấp hơn nhiều.
Lương của giáo viên giảng dạy ĐH mới vào nghề, khoảng 3 triệu, GV phổ thông khoảng 2,5 triệu. Mới năm ngoái, GS Ngô Bảo Châu từng được mời chào một mức lương “ưu tiên” là 5 triệu/tháng.
Đau xót nhất là lương của GV hợp đồng. Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, GV tiểu học tại Trường TH Kim Phượng từ năm 1997 với mức tiền công 290.000 đồng/tháng. Sau hơn 12 năm đứng lớp, hiện mức tiền công cô nhận là 1.000.000 đồng/tháng.
Thầy giáo Mai Hoàng Hiệp, dân tộc Tày, GV hợp đồng đã 7 năm, tiền công hiện nay là 1.000.000 đồng/tháng.
Tại trường Mầm non xã Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh, cô Trần Thị Hương, cô Nguyễn Thị Mậu, cô Lê Thị Dân đều được nhận 852.000đ/tháng (chưa trừ bảo hiểm), trong đó 611.000đ từ ngân sách nhà nước và 241.000đ từ ngân sách địa phương.
Ngành điện kêu kinh doanh lỗ, sao không tự giảm lương, sao không nhận mức lương tương xứng với chất lượng phục vụ của ngành. Mà ngành điện lại lấy sự lỗ, lấy sự kém cỏi trong phục vụ của mình để tạo cớ tăng giá, đồng thời tự ban một mức lương phi lý. Dựa thế độc quyền, ngành điện đã bán hàng theo kiểu cưỡng ép người mua.
Kiểu tăng giá của ngành điện là tăng hai lần. Tăng trực tiếp trong giá điện và tăng gián tiếp qua mặt hàng khác. Điện tăng giá, mặt hàng khác cũng sẽ a dua tăng theo, trong đó có mặt hàng đồ điện.
Trong khi sự tăng lương nhỏ giọt của các ngành khác thực chất là giảm lương. Phụ cấp thâm niên nghề giáo, nghe rang đi rang lại chẳng thấy, mà tiền xăng với tiền điện vừa nói là họ tăng ngay.
Ngành điện "đau lòng" với mức lương 30 triệu/tháng, ngành giáo dục im lặng với mức lương 1 triệu đồng, kể ra cũng có lý do. Vì giá điện dù có tăng 50% thì dân vẫn phải mua, học phí thì không tăng học sinh vẫn bỏ học. Các hộ nghèo không muốn con học khuya, vì lo tốn điện. Có những gia đình nghèo, phải cho con nghỉ học vì thiếu ăn.
Để lấy thêm tiền của người dùng điện, ngành điện cố tìm cách giải thích. Nhưng giải thích kiểu họ, thà im lặng mà tăng giá, người mất tiền đỡ bực hơn.
EVN là một doanh nghiệp nhà nước, được dựng nên bởi tiền thuế của dân. Vì vậy, lương của ngành điện phải căn cứ vào lãi của kinh doanh và phải chịu sự quản lý của nhà nước. Thực chất tiền EVN  chia nhau, là tiền móc từ túi của toàn dân, những người chủ thật sự của ngành điện. Nếu gọi là lương, thì đó là lương móc túi nếu không nói là lương ăn cướp!
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Vô cảm - Căn bệnh trầm kha nhất của xã hội đương đại



Trong bài Diễn văn đọc tại nhà thờ lớn nhất thế giới đêm Giáng Sinh (24.12.2009) - nhà thờ St Peter (St Pièrre, còn có tên là nhà thờ Quo Vadis), Đức Giáo hoàng Bennedicto XVI nói về nhiều vấn đề, trong đó Ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng sự tồi tệ hiện nay của thế giới phần lớn là do con người “chỉ chăm chăm nhìn vào quyền lợi cá nhân ích kỷ của mình; và, vì thế, “biến chúng ta thành tù nhân của quyền lợi và khát vọng của chính mình”... Nghe, giật mình và chợt hiểu ra điều tưởng chừng như ai cũng biết: Hầu như tất cả mọi sai lầm, tệ nạn, nhức nhối trong xã hội ta thời nay đều bắt nguồn từ tính ích kỷ (self-seeking) quá đáng của mỗi chúng ta. Tính ích kỷ quá quắt đó được “thăng hoa”, được biểu hiện, được công khai hóa một cách lạnh lùng bằng sự vô cảm (anaethesia). Có thể nói, tính ích kỷ là “cha đẻ” và cũng là “bạn đồng hành” của sự vô cảm.

1.Vô cảm do đâu?

Nhiều ý kiến cho rằng sự vô cảm là do nền kinh tế thị truờng (KTTT), sự xuống cấp về giáo dục, chủ nghĩa vật chất (thực dụng - pragmatism)..., đã tác động, làm xói mòn, đảo lộn các giá trị truyền thống. Không ai phủ nhận thực tế đó, thậm chí nhấn mạnh nó nhưng thật ra, nếu nhìn một cách khách quan (bình tĩnh), ta phải mặc nhiên nhận thấy rằng có một phần không nhỏ từ ảnh hưởng của kinh tế tiểu nông từ lâu đời.
Nếu tìm trong tục ngữ, ca dao, sẽ thấy văn hóa Việt không hề “thiếu quen biết” với tư tưởng thực dụng, cơ hội. Có rất nhiều dẫn chứng để minh họa: Muốn con hay chữ  phải yêu lấy thầy; Qua sông nên phải lụy đò/ Tối trời nên  phải lụy o bán dầu/ Mượn gió bẻ măng/ Gió chiều nào che chiều ấy/ Đi với Bụt mặc áo cà sa/ Đi với ma (phải) mặc áo giấy/ Nốt mưa đấy (đái) ra mấn (váy)/ Qua truông trật lọ cho khái/ Bán chị em xa mua láng giềng gần/ Ăn cơm đi trước lội nước theo sau...
Những người thích chủ nghĩa lạc quan sẽ cho rằng trên đây chủ yếu là nói về chuyện ứng xử “khôn ngoan”(!) Nhưng dù có biện minh thế nào đi nữa thì khôn ngoan theo kiểu ăn cơm đi trước lội nước theo sau thiếu hẳn tính minh bạch, đồng cảm, sẻ chia. Mặt khác, có một thực tế khá đau lòng: Tuy người phụ nữ luôn được tụng ca(?), nhưng trong văn học lại là một sự ám ảnh của coi thường, hạ thấp giá trị nhân phẩm. Trừ những nhân vật anh hùng bất khuất cứu nước, còn lại là những nỗi buồn. Mẹ Âu Cơ thì “ly dị”, Mỵ Châu thì lầm lạc đến nỗi cha chết, nước mất, nhà tan; Cô Tấm “thảo hiền” thì chặt em ra làm mắm, Kiều thì cởi ra rồi lại buộc vào như không, chị Dậu thì chó + con gái nhỏ hơn chồng, cô Mịch trong Giông tố thì dốt đến mức nghe mua rơm bỏ vào lốp xe cũng gật, hoang dâm vô độ, Thị Nở thì tội nghiệp và 3X (xấu, xí, xuẩn) thảm thê... Những cách hiểu lệch lạc như thế từ bao đời nay đã gieo rắc cho hết thế hệ này đến thế hệ khác sự lệch lạc về nhận thức, sự thui chột về tâm hồn. Thử xem các quan Trạng được kể trong chuyện cổ mà xem. Hoặc là cơ hội lấy 10 ngón tay vẽ 10 con giun hoặc sang Tàu ăn cắp giống cây,hoặc hành hạ con mèo đến mức tội nghiệp để bắt nó ăn rau... Trạng như thế thì lũ trẻ học được cái gì?
Những hình tượng xấu, sai, lệch lạc, phản văn hóa cứ “vô tình” được truyền kể từ đời này sang đời khác vô hình trung đã biến người Việt đi cùng đường (thậm chí tâm đắc) với cơ hội, vô cảm lúc nào không biết - tạm gọi là hiệu ứng nhuộm đen tâm hồn từ vô thức (unconscious).
Các biến thái từ văn hóa ảnh hưởng rất nhiều đến cách cư xử. Chẳng hạn, mua một bó rau, chỉ có lớp “làm mặt” là tươi non, còn trong là cồi, là cộc - là những thứ chỉ có lợn có thể ăn. Hoặc cái giây cột cua mà có người đã biện minh rằng nó tẩm nước và to như thế là để cho cua sống. Đấy chỉ là cách bao biện vì “cái lõi” của gian dối là không thể chối cãi. Thời XHCN Đông Âu, trong những câu chuyện “thích thú” và khoái trá nhất là chuyện người Việt lừa tây, nhất là Mugic Nga. Nghe mà xót xa cho cái nỗi đau đớn của “tự hào”(!)? Cái chất ma mãnh đó đã tạo nên cụm từ nặng lắm nhưng chính xác là sự  vui, gian dối, hả hê trên nỗi đau của người khác. Về mặt đạo đức học, ai hay nền văn minh nào có thể dung thứ?
Nền kinh tế thị trường theo cách ăn xổi, ở thì, chụp giựt đã tàn phá văn hóa, đạo đức một cách dễ dàng hơn các quốc gia khác, những nền văn hóa khác. Đó là một thực tế mà chúng ta  buộc phải nhìn nhận rằng chính cái nền văn hóa có quá nhiều hạn chế, mong manh của cái  đúng đã làm cho sự rạn vỡ của các giá trị xảy ra nhanh hơn, nhiều hệ lụy hơn.
Theo bà Trish Summerfielf, Giám đốc Chương trình giáo dục các giá trị sống (Living Values: An Educational Program) đã và đang ở Việt Nam suốt hơn 10 năm qua thì KTTT đã tác động đến sự suy thoái của văn hóa, tạo nên sự vô cảm ở chỗ do  cha mẹ ít quan tâm đến con cái hơn, chủ nghĩa vật chất được tôn thờ quá đáng, chủ nghĩa bằng cấp (các giá trị ảo của cái gọi là sự “kính trọng”) bị lạm dụng, nền giáo dục thiếu tính khoa học và khách quan cần thiết... T.Summerfield cho rằng “Biết yêu, biết chia sẻ, quan tâm không phải là thứ chúng ta có thể áp đặt cho trẻ từ bên ngoài. Đó là những sắc thái tình cảm nảy nở từ bên trong tâm hồn mà chúng ta phải giúp các em nuôi dưỡng và thể hiện” (TT, 22.3.2010).

2. Giải pháp ở đâu?

Khi tôi đang viết những dòng này, VNN (10:26:24 AM, 15.7) cho biết chỉ vì cãi nhau cái chuyện dựng xe máy lúc 21:10 ngày 14.7 tại Hà Nội làm cho ô tô con không cua được mà chủ xe Mercedes rượt đuổi, đánh chủ xe máy và chủ xe máy đã “tự vệ”, gây nên cái chết thảm khốc cho người thanh niên 24 tuổi, còn kẻ giết người sẽ bị tù mới có 18 tuổi(!) Đó chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn chuyện đau lòng vì sự ích kỷ, vô cảm gây ra. Nào là dù chống được bọn cướp nhưng vẫn bị mất hết tiền vì bị người đi đường chụp giựt hết, nào là bố mẹ chồng đánh nàng dâu không cho cháu nội cứu, nào là chỉ vì mấy trăm ngàn đồng mà cháu giết bà, nào là vì bị ngăn cản tình yêu đồng tính mà hai người bị chết oan bởi cái que sắt xăm lúa, nào là người mẫu quảng cáo không có kính ngữ, sao thì “nêu gương” cho các fan hâm mộ bằng những cái quần tregging khiêu dâm...
Nói như thế để thấy rằng cái thời lấp liếm của “hiện tượng” hay “một số” đã qua lâu rồi, sự xuống cấp (từ này quá nhẹ nhưng nếu dùng đúng dùng đủ thì shock) về văn hóa và đạo đức bởi vô cảm đã trở thành một nạn dịch trầm kha. “Các tiêu chí thanh lịch của người Hà Nội” đang được lắp ráp thật ra cũng chỉ là cách vớt vát nhằm nhẹ bớt những nỗi đắng cay. Nếu người bi quan cho rằng thế hệ thanh niên đang trở thành “thế hệ mất mát” thì người lạc quan phải tin rằng không thể để cho lớp trẻ hư hỏng thêm nữa, nói chính xác cho vuông vắn ngôn từ, đủ cả đen và bóng là phải làm lại từ đầu, triệt để, không chậm trễ.
1. Sách giáo khoa (SGK) và tất cả các ấn phẩm văn hóa phải cẩn thận khi chuyển tải nội dung, nghệ thuật của điều tạm gọi là “truyền thống”.Chuyện cổ tích hay tục ngữ, ca dao có rất nhiều “dị bản”. Tại sao không thể chắt lọc thành dị bản  (bản chính thức) có hàm nghĩa giáo dục tốt nhất nhằm giảm bớt hoặc chấm dứt những ngộ nhận, tác hại?
2. Cách giáo dục như SGK hiện nay là không thể chấp nhận được vì nó nặng về lý thuyết hoặc sáo rỗng một cách vô bổ. Tôi còn nhớ cố GS Trần Quốc Vượng đã làm cho hàng trăm sinh viên mê mải khi phân tích cả tiếng đồng hồ về điều hay, nét đẹp của thành ngữ “chị ngã em nâng”. Bây giờ biết tìm đâu ra những bài giảng vừa cụ thể, vừa súc tích như thế trong SGK? Trước kia, đọc thơ Trần Nhân Tông, tôi đọc câu  Bạch lộ song song phi hạ điền  (tạm hiểu: Đàn cò trắng vui bay sà xuống đám ruộng trong một ngày nắng đẹp), thấy cũng bình thường. Về sau, đọc bài của thầy Cao Xuân Huy (hoặc thầy Trần Quốc Vượng) mới thấm thía cái tuyệt vời đồng cảm, sẻ chia của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Thì ra, chỉ hiểu câu thành ngữ Mệt lử cò bợ thấy con cò đứng co ro, sướt mướt và đói lạnh đến tận cùng trong mưa rét trên đám ruộng ngày gió mùa đông bắc – về thì đói, ở lại thì mưa giăng đầy trời có bắt được cá tôm đâu, mới biết vì sao Vua Trần lại vui đến thế khi nhìn thấy cánh cò bay... Quả thật, đúng như T. Summerfield đã nói, giáo dục - người lớn phải giúp cho con trẻ sao cho để có thể làm nảy nở những sắc thái tình cảm tốt đẹp trong tâm hồn - tức là đã giảm thiểu đến mức thấp nhất sự vô cảm, ích kỷ.
3. Một khi sự vô cảm, ích kỷ, cơ hội đã đi chệch đường ray thì sự khuyên can và những lời kêu gọi trở thành điều lãng phí đáng thương. Chúng ta không thể lãng phí thêm 10 năm hay 20 năm nữa. Lãng phí là mất mát, tồi tệ hơn, thậm chí vô phương cứu vãn. Cần phải tái lập các chế tài nghiêm khắc để lập lại trật tự. Ai đã từng đến Vạn Lý Trường Thành đều biết chẳng có ai dám vất tàn thuốc ra rừng vì phạt đến 100 tệ - tương đương 3,2 triệu VNĐ! Tại sao người Singapore họ sạch sẽ và lịch sự thế? Đi đâu cũng gặp, cũng nghe, cũng thấy sự cảm ơn, xin lỗi, nhường ghế cho phụ nữ, người già. Được giáo dục cẩn thận từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ trường đến chợ là văn hóa của bổn phận, văn hóa hiểu biết. Trận động đất - sóng thần ở Miyagie ghê gớm thế nhưng không hề có cướp bóc, hôi của. Điều đó sẽ làm cho nhiều người ngạc nhiên vì dường như nó nói rằng sự vô cảm là điều xa lạ. Rõ ràng, cách giáo dục nghiêm khắc, đúng đắn cũng như quan niệm chung của truyền thống xã hội, những chế tài không khoan nhượng đã làm nên sự “kỳ diệu” quen biết đối với người Nhật.
4. Đã đến lúc phải nhận chân để tỉnh thức rằng “khu phố văn hóa” hay “làng văn hóa” đã đi xa hơn cả khẩu hiệu. Làm sao có thể có được văn hóa (theo nghĩa ngày càng đẹp hơn) sau vài tháng “phấn đấu”, “nỗ lực”? Nếu tàu hỏa cứ vô tư thải mỗi ngày 40 tấn phân và 160 tấn nước tiểu suốt từ Nam chí Bắc thì xã hội không vô cảm mới là chuyện lạ. Chỉ cần nghĩ đến những người công nhân tuần đường ngày nào, đêm nào cũng phải chịu đựng mùi xú uế khủng khiếp ấy thì đã bớt vô cảm để không thể “ung dung” tạo nên cái kém cỏi về văn hóa như thế. Tại sao không có chế tài buộc ngành đường sắt phải thay đổi? Nếu bạn quan tâm và tin rằng sự tồi tệ của vô cảm bây giờ ghê gớm lắm thì thử quan sát mấy cái thùng rác ven phố hoặc đến chùa Bái Đính mà coi. Tôi có hàng chục bức ảnh chụp cảnh xả rác thản nhiên, nhiều ngay xung quanh... thùng rác! Đối với những trường hợp như thế, mọi lời kêu gọi đều là xa xỉ.
5. Phải “chịu đau” để thừa nhận với nhau rằng văn minh phương Tây đúng khi họ quan niệm bản chất của con người là thích phạm sai lầm (xấu nhiều hơn tốt, con nhiều hơn người, đứng trước và lấn át phần người). Cái triết lý khủng khiếp nhưng rõ ràng của Kinh Thánh nói rằng cả loài người chỉ có một Noé - Noah là tốt, hay loài người được sinh ra từ việc phạm tội tổ tông (Virginius Sin) dù có giải thích thế nào đi nữa cũng chứng minh rằng cái “tư tưởng” xấu, ám ảnh về cái xấu, bản năng gốc - xấu là một hiện hữu khó giải trừ. Bác Hồ nói: Ai cũng có cái ba lô chủ nghĩa cá nhân nhưng vì luôn đeo nó sau lưng nên không nhìn thấy(!) Văn hóa phương Đông đã sai lầm khi ai cũng “muốn” là “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Vì cứ tin và nghĩ như thế nên cứ loay hoay dọn dẹp bằng cách dạy cho con trẻ yêu cái tốt mà quên mất rằng cái chính yếu - căn bản là phải dạy cho chúng ghét cái xấu. Cái xấu nhiều, nhiều lắm, bớt một cái xấu tức là tự khắc ta có ngay một cái tốt thêm vào. Chẳng hạn, tại sao không dạy cho sắp nhỏ rằng sự vô cảm là bạn đường đáng khinh ghét nhất của hành trình sống, rằng giành nhiều phần bánh hơn là tội ác? Nguyên tắc của nhận thức là khuyên con người làm điều tốt không thể hiệu quả bằng cách luôn luôn nhấn điều xấu là điều không thể chấp nhận.
6. Có lẽ, đã đến lúc phải nói rằng sự vô cảm tràn lan của xã hội hôm nay có phần lớn trách nhiệm của hàng ngàn người có cương vị lãnh đạo trên cả nước. Dốt mà cầm cân nảy mực tức là vô cảm trước sự xấu hổ; tham nhũng là vô cảm trước nỗi đau chung của hàng triệu người nghèo; lãng phí là vô cảm trước cơ hội lẽ ra không đáng thế của vận mệnh của giang sơn, xã tắc; hành dân, gây rắc rối, ách tắc, phiền hà là vô cảm trước sự thua thiệt, thấp kém của đồng loại; tự cao tự đại là vô cảm trước sự hiểu biết, tri thức của loài người; và, gây mất đoàn kết bằng chủ nghĩa bè phái - có nghĩa là  đánh mất  cái thiêng liêng nhất, làm nên sức mạnh to lớn nhất của dân tộc là tinh thần  đoàn kết.
Hãy đọc lại xem Hồ Chủ tịch đã nói gì: “Họ (những đảng viên có đạo đức thấp kém) mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền... Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm... làm hại đến lợi ích của cách mạng, lợi ích của nhân dân” (HCM TT, T.12, tr. 438-439; Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2002).
Rõ ràng, một khi có một bộ phận lớn lãnh đạo sa vào chủ nghĩa cá nhân (ích kỷ, vô cảm) thì “tấm gương” tủi hổ ấy sẽ phản chiếu, làm xám, làm đục những hình hài muốn “noi gương”, học theo cái xấu tràn lan...
Sự vô cảm (chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ) là hệ lụy xấu từ rất nhiều những biến thái, sai lầm. Cần rất nhiều các cuộc thảo luận, trao đổi để vấn đề trở nên dễ giải quyết hơn. Không thể quy kết cho bất kỳ một ai hay một nhóm nào đã gây ra thảm trạng trên; nhưng, chúng ta sẽ dễ đồng thuận rằng những điều Bác Hồ nói giống như vừa mới hôm qua. Không phải ngẫu nhiên mà mở đầu bài viết nổi tiếng: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân  ngày 3.2.1969, Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh rằng “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau...”.

Hà Văn Thịnh
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [16] [17] [18] [19] [20] [21] [22] ... ›Trang sau »Trang cuối