Mặt trận phía sau (Tiếp)

                                               *
                                        *            *

Ban được bổ xung thêm một y sĩ mới. Khi báo tin này cho Thành viện trưởng Thanh đã vỗ vai anh.
     Ưu tiên cho ban một lắm rồi đấy.
     -Một thôi ạ, Thủ trưởng?
Mắt Thành chớp chớp mấy cái liền hỏi viện trưởng Thanh giọng không dấu nổi vui mừng
     -Chứ con mấy nữa?Chê ít à? Hay là để tôi xuống làm lính ban cậu?
Thành đỏ mặt cười xòa.
     -Đâu dám. Thủ trưởng cho anh Luyến sang ban tôi chứ?
     -Không! Một y sĩ mới cứng.
Viện trưởng Thanh lắc đầu. Nỗi vui mừng trong Thành vụt tắt ngấm. Anh tiu nghỉu nằn nì.
     -Thủ trưởng tính. Nhiệm vụ của ban tôi lần này nặng nề quá. Hay là…---Ngần ngừ một lúc Thành mới nói tiếp—Thủ trưởng cho anh Luyến sang ban tôi. Nếu không tôi e..
Thành ngừng lại.
     -E không hoàn thành nhiệm vụ có phải không?
     -Vâng
Thành mạnh dạn trả lời. Viện trưởng Thanh không nói gì. Ông rời chiếc bàn làm việc , cúi đầu đi từng bước ngắn trong phòng dáng nghĩ ngợi. Thành hồi hộp nhìn theo ông. Trong anh lóe lên một tia sáng hi vọng. Đang đi đột nhiên ông quay ngoắt lại đứng sững trước mặt Thành.
     -Ngày trước khi điều cậu về ban một, anh Sơn cũng nói với tôi những lời cậu vừa nói. Nhưng ba năm rồi ban cậu có lần nào không hoàn thành nhiệm vụ không?

Im lặng một lúc ông nói tiếp giọng trầm buồn. Mắt ông trở nên xa xôi như đang nhớ đến một kỷ niệm nào đó của cuộc đời mình.
     -Hồi năm 1946 khi trung đoàn thủ đô rút ra khỏi Hà nội tôi mới chỉ là một chiến sĩ cứu thương. Cứu thương thôi chứ không được như ytá  như bây giờ đâu—Ông nhắc lại một lần nữa—Nghĩa là tôi mới chỉ biết có băng bó. Hồi ấy tôi ở với một y sĩ của trung đoàn, Anh ta tên là Hoàn.. Mỗi lần anh ta làm việc tôi lại lần đến đứng học lỏm. Mỗi lần như thế anh ta lại kiếm một việc gì đó đuổi khéo tôi đi chỗ khác. Anh ta dấu nghề mà. Có lần tôi hỏi anh ta. :” Anh Hoàn này ADRELANINE dùng để chữa gì nhỉ?” Anh ta liền lấy ra một cuốn sách tiếng pháp dày cộp đọc cho tôi nghe một tràng dài. Tôi ù hết cả tai.—Ông cười—Cậu tính hồi ấy bọn mình  chữ quốc ngữ đánh vần còn khó nhọc thế mà anh ta giảng cho mình như thế đấy.---Ông móc túi lấy ra hộp thuốc quấn một điếu. Bật lửa nhả ra một đụn khói mờ mịt—Thế mà kiên trì học lỏm mãi rồi tôi cũng biết cách tiêm. Chỉ mới dám tiêm bắp thôi. Cuối năm ấy, không may một quả đạn pháo làm anh ta bị thương nặng. Tôi nhảy lên khỏi hào, mặc kệ những nòng súng đang nhằm về phía tôi mà nhả đạn đưa được anh ta ra phía sau. Lúc ấy anh ta đã ngất lịm. Tôi tiêm cho anh ta một ống trợ lực. Một lúc sau anh ta tỉnh lại. Anh ta bảo tôi tiêm cho anh ta một ống Peniciline. Tôi lục gần hết túi thuốc đưa anh ta xem mà thứ nào anh ấy cũng lắc đầu. Mãi sau tôi mới lấy đúng thuốc. Tôi hòa nước cất và tiêm luôn cho anh ta mà không thử phản ứng. Cũng chẳng hiểu vì sao anh ta cũng không nghĩ đến việc đó. Có lẽ tại anh ta đang bị choáng. –Ông im lặng bập một hơi thuốc dài. Điếu thuốc cháy đỏ lựng—Thế là anh ta bị phản ứng Peniciline—Ông nói tiếp sau một phút im lặng—Tôi cuống lên không biết mình phải làm gì nữa. Và anh ta đã chết. Tôi nhớ mãi câu anh ta nói với tôi lúc chết :”Tôi chết là do tôi”.

Kể đến đây viện trưởng Thanh dừng lại. Thành nhìn ông, một mái tóc đã bạc gần hết. Những vết nhăn sâu như được khắc bằng dao lên vầng trán và đuôi mắt. Viện trưởng vứt điếu thuốc đã tắt ngấm nói với Thành bằng một giọng buồn buồn như trách móc.
     -Thế đấy. Tôi nhớ mãi câu nói ấy. Chính vì thế tôi đã quyết tâm học tập. Nếu anh ta sống lại , gặp tôi,  chắc anh ta sẽ không thể ngờ được tôi đã trở thành bác sĩ viện trưởng phải không?

Thành khẽ gật đầu. Anh hiểu viện trưởng Thanh muốn nói gì. Câu chuyện làm cho anh xúc động. Anh thấy hối hận vì những suy nghĩ ban đầu của mình. Mình có tư tưởng ấy từ bao giờ? Thành tự hỏi. Anh bỗng nhớ lại những ngày đầu tiên anh mới về ban. Thành nhớ đến Tháp và cái chân bị hoại thư của Lương. Nhớ lại tất cả. Sao mình lại có thể như thế?.
     -Nhiệm vụ của các cậu trong chiến dịch này rất nặng nề. Chúng tôi biết. Tùy các cậu. Nếu thấy quá khó khăn thì chúng tôi sẽ điều anh Luyến sang bên đó.
     -Thôi không cần. Chúng tôi sẽ nhận đồng chí ấy
Thành nói hấp tấp. Viện trưởng cười. Những nếp nhăn trên đuôi mắt ông dãn ra.
     -Tôi biết . Thế nào cậu cũng nói câu ấy.
Bây giờ khi nắm tay Văn, người y sĩ mới đến trong tay mình, Thành lại nhớ đến buổi nói chuyện với viện trưởng Thanh. Mặt anh thoáng đỏ. Cố gắng lấy giọng tự nhiên và thân mất, Thành tự giới thiệu
     -Mình là Thành. Còn ông?.
Người y sỹ mới đến không biết những gì đã xảy ra trước khi anh đến. Thấy Thành giản dị, thân mật, sự xa lạ ngăn cách giữa hai người bị phá vỡ.
     -Tôi là văn.

Trong lúc ngồi nói chuyện với Văn Thành kín đáo quan sát và đánh giá anh chàng theo cách riêng của mình. Văn còn trẻ, khoảng hai ba hai bốn gì đấy. Khổ người anh ta to lớn vạm vỡ..Sức lực như Văn, giá như vào một đơn vị bộ binh hay vận tải thì vào đơn vị nào người ta cũng thu nhận không ngần ngại. Chiến trường ưng những con người to lớn. Nhưng ở một đơn vị chuyên môn như đơn vị này thì đấy chưa phải là điều chủ yếu. Ban đang cần một y sỹ chứ không phải là một chiến sĩ gùi thồ. Hãy biết là được một điểm. Văn mặt vông chữ điền, sần sùi những trứng cá. Mái tóc cắt cua càng làm dô ra cái trán bướng bỉnh. Thằng cha này bướng phải biết đây. Thành nghĩ bụng. Nhưng không sao, Sơn cứng tay lắm.
     -Tôi xin về trung đoàn nhưng các ông ấy không cho lại điều về  đây.—Văn lắc đầu tỏ ý ngán ngẩm—Thế nhưng vẫn còn là may đấy. Mấy tay cùng đoàn tôi bị điều hết về bệnh xá của các binh trạm. Ở đấy còn mổ với xẻ cái quái gì
À ra vậy. Thằng cha không thích về đây vì sợ không được phẫu thuật. Thành hơi mỉm cười.
     -Ông sợ không được phẫu thuật à? Nhầm rồi. Chỉ sợ sau này mổ nhiều quá ông lại phát sợ thôi. Người ta vẫn gọi bọn tôi là bọn thợ pha mà.
Mắt Văn sáng lên.
     -Thật thế hả anh? Nhưng mà làm gì đến lượt tôi.—Văn thở hắt ra một cái.—Những ca nhẹ thì tuyến trung đoàn đã giải quyết. Các ca nặng mới chuyển về đây thì lại anh hay mấy ông y sỹ lâu năm mổ. Tôi làm gì đã đến lượt. Làm cái chân chạy ngoài thật ớn.

Tay này hiếu động lắm. Cũng là cái tốt nhưng e rằng cái xấu lại nhiều hơn. Ngành y, Thành biết, phải là những người chín chắn,điềm tĩnh không bao giờ được nôn nóng. Phải là người biết do dự nhưng không bao giờ được nghi ngờ những quyết định của mình. Những đức tính này ít thấy ở những người hiếu động. Ở họ, thích ngay đấy nhưng rồi lại chán ngay đấy. Dễ dàng tin vào một quýết định táo bạo của mình nhưng cũng dễ bị cuống lên bởi chính cái quyết định ấy. Hăng hái một cách xốc nổi khi thành công nhưng cũng dễ chán nản hoài nghi, tự ty đến mức gác tay dao mỗi lần thất bại. Mà thất bại, đấy là điều không thể tránh khỏi với một người làm khoa học.Thất bại bao giờ cũng đến trước nhất. Thành cay đắng nghĩ đến ca mổ đầu tiên của đời mình. Liên còn đấy.
     -Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để anh làm quen với công việc. Nếu anh thực sự là người dũng cảm.
Văn trợn mắt nhìn Thành.
     -Anh cho tôi là một người sợ chết?
     -Không! Tôi không nghĩ như thế. Nhưng cái dũng cảm của một người y sỹ khác hẳn với sự dũng cảm của  một người lính bộ binh.
“ Anh không sợ chết nhưng cũng không được phép sợ cả cái chết nữa”Thành định nói tiếp câu ấy nhưng anh gìm lại. Anh ta chưa hiểu được điều này. Cũng như mình, trước kia mình có hiểu được điều đó đâu.

Hồi đi đường chín công tác tại một bệnh xá của  một đoàn thanh niên xung phong, một người bác sỹ già đã nói với Thành câu này.Và cũng chính ông đã làm cho anh hiểu câu nói đó. Đêm hôm ấy,Thành đang ngồi nói chuyện với ông thì người y sỹ trực hốt hoảng chạy vào báo cáo
     -Cô Tâm ngáp cá rồi.
Thành đứng bật dậy vớ vội cái ống nghe định chạy đi thì người bác sỹ già giữ anh lại. Ông đưa cho Thành một chiếc áo Blu và cũng lấy một chiếc mặc vào. Ông hỏi lại người y sỹ trực bằng một giọng điềm tĩnh gần như lạnh lẽo.
     -Ngáp cá rồi à?
Không một chút vội vàng, ông dẫn hai người lên lán cấp cứu. Vừa đi ông vừa hỏi người y sỹ trực diễn biến của bệnh nhân trong những giờ vừa qua. Một cành cây khô vướng vào áo Thành. Anh cầm lấy tà áo giật mạnh. Như cố tình chọc tức anh, cành cây càng quấn vào tà áo nhiều hơn. Người bác sỹ già dừng lại, ông bình tĩnh gỡ hộ anh chiếc áo. Lòng Thành nóng như lửa đốt. Anh chỉ muốn chạy một mạch lên lán xem sao.

Bệnh nhân là một cô gái thanh niên xung phong. Cô bị đái ra huyết sắc tố, một bệnh mới xuất hiện lần đầu tiên ở đây. Mới bước vào lán, Thành biết ngay cô gái không thể qua khỏi. Cô đang ngáp cá.  Miệng cô mở ra hớp từng ngụm không khí như một con cá vừa bị ném lên bờ. Người bác sỹ già tỉ mẩn xem lại cuốn sổ theo dõi nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim của cô gái trong lúc Thành đặt vội ống nghe lên ngực cô. Tai Thành ù đi vì nhịp tim lúc trong , lúc đục, lúc mạnh, lúc yếu. Lúc thong thả điểm từng nhịp một, lúc lại đập hối hả, gấp gáp như vó của một con ngựa đang phi nước đại. Người bác sỹ già chậm chạp đặt ống nghe lên ngực cô gái. Một lúc sau, ông gỡ ống nghe ra nói khẽ.
- Tim mạch trụy mất rồi.

Ba người thức suốt đêm đó bên cô gái. Người bác sỹ già ngồi rất im, thỉnh thoảng ông lại ra những mệnh lệnh cần thiết. Còn Thành anh ngồi sâu vào trong một góc lán. Đầu óc rối bời. Tất cả những kiến thức đã học hiện lên cùng một lúc nhào lộn trong đầu. Chen vào giữa mớ kiến thức đó là khuôn mặt tái mét và cái miệng mở to đang ngáp ngáp của cô gái. Cuối cùng không đủ sức để nghĩ nữa, Thành thả mình ra nghĩ vơ vẩn. Anh nghĩ về cái chết và bỗng thấy thương người con gái không quen biết sẽ chết trong đêm nay vô cùng. Nửa đêm người bác sỹ già quay sang bảo anh.
     -Cậu về nghỉ đi để đêm mai còn trực.

Thành đứng dậy về ngay. Quả thật Thành muốn về từ lâu rồi. Không phải vì mệt mỏi mà vì anh tin rằng bệnh nhân nhất định sẽ chết. Anh có ở đây chăng nữa cũng chỉ là để chứng kiến những giây phút cuối cùng của một cuộc đời. Với Thành điều ấy trở thành nặng nề không thể chịu nổi.

Bốn giờ sáng, người bác sỹ già trở về phòng. Thành nhỏm dậy hỏi ngay.
     -Cô ta thế nào rồi anh?
     -Chết rồi.

Ông cởi chiếc áo Blu treo lên vách, không quay lại, trả lời Thành. Giọng ông vẫn lạnh tanh như cũ. Nghe hai tiếng “Chết rồi”cụt lủn của ông mà Thành thấy gai lạnh cả người. Nói xong ông thổi tắt đèn chui vào màn.
Liền một tuần sau đó những ca như thế xẩy ra liên tiếp. Thành không dám xuống lán cấp cứu nữa. Anh sợ. Chưa bao giờ tỉ lệ tử vong cao như thế. Một trăm phần trăm. Người bác sỹ già đêm nào cũng kiên nhẫn ngồi dưới lán cấp cứu rồi mờ sáng trở về mang theo một cái tin  quá quen thuộc và cũng quá nặng nề. “Chết”. Những đêm như thế còn lại một mình Thành ở nhà. Anh thấy rất chán nghề. Không có gì chán bằng phải cống hiến đời mình cho một nghề nghiệp luôn luôn bất lực trước cái chết, luôn luôn bị giày vò, cắn rứt trước sự bất lực của mình. Mình còn xuống dưới lán mà làm gì? Để chứng kiến cái chết như một người cố đạo đến làm lễ rửa tội cho con chiên trước khi chết hay sao? Anh nằm mà không sao ngủ với một nỗi chán chường đè nặng trong lòng. Đến một buổi sáng, anh sững người khi người bác sỹ già báo tin.
     -Cô ta sống rồi
Ông báo tin đó cũng với cái giọng bình thản lạnh lùng như cũ. Thành nhìn ông. Trong đôi mắt quầng thâm, trũng sâu vằn lên những tia máu nhỏ tuyệt nhiên không hề ánh lên một tia sáng nào khác thường. Ông chậm chạp đến bên bàn rót một bát nước. Đột ngột ông bảo Thành.
     -Cái dũng cảm của người thầy thuốc khác hẳn với cái dũng cảm của những người lính bình thường. Người thầy thuốc không những không sợ chết mà còn không được phép sợ cả cái chết nữa. - Ông nhấn mạnh vào mấy chữ “Cả cái chết nữa”--.Dám nhận lấy những thất bại day dứt nhất, đấy mới là lòng dũng cảm của một người thầy thuốc. Cái ấy cậu chưa có. Cậu hiểu tôi nói chứ?

Thành gật đầu im lặng. Cũng trong ngày hôm đó, Thành mới biết cũng chính người thầy thuốc già luôn luôn không vội vàng ấy đã đi một quãng đường rừng đầy dốc dài gần  năm mươi cây số trong có tám tiếng để cứu sống một thương binh.

Bây giờ anh đã hiểu điều đó và đã rèn luyện để cho mình có được lòng dũng cảm đó. Còn anh chàng này, Bao giờ anh ta mới có được điều đó?

                             *
                      *            *