Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [36] [37] [38] [39] [40] [41] [42] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Poet Hansy

ÁP ĐÁO TẠI GIA


Thành ngữ Việt có câu “Áp đáo tại gia” 壓到在家, có nghĩa “xông đến nhà để gây sự”. Trong kho tàng thành ngữ tục ngữ Việt, thì đây là một trong những câu liên quan đến luật tục, hình án. Tuy cấu tạo toàn Hán, nhưng có lẽ đây là bản Việt tạo, nên không thấy xuất hiện trong Hán ngữ.

“Áp đáo tại gia” được hiểu ở những trường hợp như:

1-Gây gổ, xích mích, đánh nhau ở ngoài đường, bên Này đã bỏ chạy về nhà, bên Kia không buông tha, tiếp tục truy đuổi, kéo đến tận nhà để đánh đập, uy hiếp.

2-Vốn có hiềm khích với nhau trước, nay đang yên đang lành, bên Này chủ động kéo đến nhà bên Kia gây sự, thậm chí xông vào nhà hành hung, chém giết, v.v…

Theo quan niệm của dân gian, dù với bất cứ lý do gì, thì hành vi “áp đáo tại gia” đều bị xem là sai trái.

Vì sao vậy?

- “Tư gia” cũng thiêng liêng và bất khả xâm phạm giống như lãnh thổ của “quốc gia”. Tư gia bị côn đồ xâm nhập chẳng khác nào đất nước bị ngoại bang xâm phạm.

-Trong tình huống “nóng”, một kẻ đã chịu thua chạy về nhà mà vẫn bị đối phương “áp đáo tại gia”, thì đó là hành vi truy sát, cố ý gây thương tích.

-Khi một người đang ở yên trong ngôi nhà của mình, có nghĩa kẻ đó không còn/có hành vi nào gây nguy hiểm cho xã hội hay cá nhân khác nữa. Bởi vậy, cho dù bất cứ lý do gì, bỗng dưng kéo đến tận nhà người ta gây sự, hành hung, thì hành vi này đều bị dư luận xã hội, luật tục, luật pháp lên án, nghiêm trị, và là tình tiết tăng nặng đối với kẻ “áp đáo tại gia”, tình tiết giảm nhẹ đối hành vi phòng vệ chính đáng của gia chủ,v.v….

Quyền bất khả xâm phạm về lãnh địa, đặc biệt là xâm phạm về thân thể khi đang ở yên trong ngôi nhà của mình không chỉ là giữa người với người. Đây còn là cách ứng xử phải đạo của con người đối với loài vật trong thế giới tự nhiên. Ví như tục ngữ Việt Nam có các câu: “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên mây; Chớ khua tổ kiến trên cây, chớ đánh cáo cầy ngoài nội; “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên chín tầng mây”…

Các nhà biên soạn từ điển thường giải thích: “Không nên đánh kẻ thù khi chúng đang ở thế thuận lợi”. Tuy nhiên, giải thích như vậy là không hiểu ý dân gian.

Xét nghĩa đen, “rắn” có thể cắn chết người; “kiến” đốt người; “cáo cày”, “đại bàng” săn bắt gia cầm, vật nuôi của người. Tuy nhiên, tất cả chúng đều nhỏ bé và yếu thế trước sức mạnh của con người. Mặt khác, dân gian cho thấy những con vật này đều đang sống trong lãnh địa, hang ổ của chúng: “rắn trong hang” (vô hại), “tổ kiến trên cây” (không đụng chạm gì đến con người), “cáo cày ngoài nội” (cách biệt xóm làng), “đại bàng trên núi”, “đại bàng trên mây”, thậm chí là “đại bàng trên chín tầng mây” (quá xa cách).

Dù mượn vật để nói người, nhưng dân gian cũng cho chúng ta thấy một quan điểm ứng xử với thế giới tự nhiên rất nhân văn, tiến bộ: khi muông thú đang ở yên trong ngôi nhà của chúng, không hề xâm phạm hay gây nguy hiểm, làm hại gì đến con người, thì con người cũng không nên “áp đáo tại gia”, phá hại, xâm phạm môi trường sống yên lành của chúng.

Nguyên tắc ứng xử giữa người với vật còn như vậy, huống hồ giữa người với người!


HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHƯA CÓ TRÂU SẮM TRÂU TRƯỚC
CHƯA CÓ VỢ SẮM VỢ SAU


Ông Hà Văn Ban sinh thời làm Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá. Một hôm ông đến thăm Hội Văn học nghệ thuật. Nói về sản xuất nông nghiệp, ông Hà Văn Ban dẫn ra một câu tục ngữ phổ biến của dân tộc Thái: “Chưa có trâu sắm trâu trước, chưa có vợ sắm vợ sau”.

Đó là cách ví von thú vị của bà con Thái. Cũng ý nghĩa như người Việt (Kinh) nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp” mang tính triết lý dân gian. Ở quê tôi xưa, tỉnh Hưng Yên, làng Nhân Lý, chỉ chuyên cày trâu vì đất thịt nặng. Có trường hợp bốn, năm nhà, thậm chí 8 nhà cùng chung một con trâu, mỗi nhà một móng. Nếu không, nhà nông phồng tay sái cánh cuốc đất. Vì thế, một con trâu giá tiền bằng ba, bốn con bò. Đã thế, nuôi trâu tốn công lắm. Ở làng tôi (làng Văn Đoài, xã Quảng Hoà, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá) nhà nào nuôi trâu, thường phải lên tận núi Nưa (cách 15 km) để cắt cỏ, người ta gọi là “nuôi trâu bò trên vai”. Nửa đêm nó đánh sừng vào chuồng côm cốp chủ nuôi phải thức dậy lấy thức ăn cho nó. Nhà nông quý trâu như bạn. Ngày tết, người ăn tết cũng phải cho trâu ăn tết. Chủ nuôi cắt những lát bánh chưng kẹp giữa nắm cỏ non đút vào tận mồm trâu, để tỏ lòng nhớ ơn trâu bốn mùa vất vả “con trâu đi trước, con người theo sau” làm ra đủ thứ nếp, tẻ thơm ngon nhưng chỉ ăn rơm cỏ, nhường cơm gạo nuôi người.

Trâu bò có con tốt, con xấu. Dân gian đúc kết kinh nghiệm thành những câu tục ngữ truyền miệng lâu đời, các lái trâu, lái bò không thể không biết tới. Xin dẫn ra đây một số câu làm ví dụ:

- Mõm gầu giai, tai lá mít, đít lồng bàn là giống trâu tốt, tạp ăn, không giun sán, bệnh tật.

- Sừng cánh ná, dạ bình vôi: Cánh ná là cánh nỏ, sừng trâu cong cong đều, hình cánh cung, không thích chọi nhau cũng không sợ trâu khác đánh. Dạ bình vôi: Bụng trâu to tròn ăn khoẻ nhưng không nhiều lắm.

- Mua trâu coi vó, hỏi vợ ngó tông: Vó trâu (cẳng trâu) nhỏ, tròn, không béo, móng trâu hình lá đề (hai móng) lội bùn sâu, bùn lầy rất khoẻ. Khi mua trâu chú ý xem vó trâu cũng như trước khi hỏi vợ thì nên tìm hiểu dòng giống nhà vợ.

- Ba loa, bảy ốc thì giàu: Hiếm có con trâu, ta tìm thấy trên mình nó có tới bảy cái xoáy tròn và ba cái loa, không thành hình ốc xoáy mà loe to.

- Trâu cười người khóc. Có những con trâu thấy chủ nhe, nhăn hàm răng trắng nhởn tựa như cười với chủ, người ta gọi là “trâu hí chủ”. Nuôi loại trâu này chỉ có hại cho chủ.

- Trâu bạc đi mô mất mùa đó: Nhà nông không thích nuôi trâu bạc vì mầu bạc là mầu trắng, đồng nghĩa với đồng trắng nước trắng, mùa màng mất trắng. Người có mang kiêng bước qua thừng trâu bạc, sợ bị lên tháng. Trong thực tế, rất hiếm trâu bạc.

- Ruộng sâu, trâu nái, gái nhà giàu. Ruộng sâu có thể thâm canh, không sợ bị khô hạn. Trâu nái: Trâu cái có khả năng sinh con, con nó lớn lên bán được tiền. Gái nhà giàu lắm của hồi môn.

- Khô chân gân mặt đắt mấy cũng mua: Mua trâu bò mặt nó phải nổi gân, tướng khoẻ mạnh, chân khô kéo cày khoẻ, lội bùn nước nhanh.

- Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt: Giống bò Thanh Hoá chủ yếu là bò vàng, lông màu vàng đặc trưng êm dịu, tầm vóc nhỏ, vừa, dáng đẹp, mượt mà, đuôi dài, trong khi sừng ngắn, có con cong queo, quặp vào rất xấu. Bò dễ nuôi, chịu khó gặm cỏ, các loại cỏ khô, già. Nó không có hàm trên mà gặm đi gặm lại cả đến từng gốc cỏ, rễ cỏ. Nó giỏi leo trèo từ chân núi thấp đến đỉnh đồi cao. Cảnh từng đàn bò vàng gặm cỏ trên đồi núi trọc vẽ lên không gian làng quê những đường nét đẹp như tranh. Bò no, đói cũng cam chịu, nắng mưa, nóng lạnh không hề tỏ vẻ phá phách. Bò có nhiều đức tính tốt, cả ngày kéo cày, kéo bừa, lầm lũi bước chân không kể đồng cạn, đồng sâu, ruộng khô, ruộng nước. Nhìn những con bò thấp nhỏ, gân cổ, vươn đầu mang cái ách đè nặng trên vai gầy nhô lên để kéo cày lội bì bõm hoặc ì ọp dưới ruộng nước, người nông dân không khỏi động lòng thương, nếu cần chỉ giục khéo “đi đi em!”. Con trâu thì to lớn, “khoẻ như trâu”, ngoài kéo cày còn kéo gỗ, kéo xe... Nó không đi được lối quạnh, góc ngoẹo, khúc ngoẹo khi cày bừa, chỉ nhằm đường thẳng mà đi. Có con khôn khéo tìm cách tránh lối chưa cày, liệu chừng lái cái cày vào luống đất đã cày mà đi cho nhẹ. Trâu lại kén cỏ ngon, nửa đêm đói bụng đánh sừng vào then chuồng kêu vang công cốc đòi ăn, chủ nhà đang ngủ thức dậy lấy rơm, cỏ cho ăn, mới ngủ yên được. Vì vậy dân gian thường mắng con bò chịu thương chịu khó: “Ngu như bò”, “Dốt như bò”... Còn trâu lại được khen: “Khoẻ như trâu”, “Như trâu ba mùa”, “Ruộng sâu trâu nái”...

Luật lệ triều đình từ đời Lý đã cấm giết trâu. Đại lễ tế Hoàng đế, Đại vương mới được dùng trâu. Bậc dưới thì bò me. Lễ thần, gia tiên thì gà trống chưa thiến. Chốn hương thôn, gia tư muốn giết trâu, bò đều phải xin phép lý trưởng. Những con đại gia súc ấy chẳng may bị chết, nhà chủ phải trình lý trưởng, hương kiểm khám xét mới được chôn, thủ tục phiền phức, tốn kém. Đó là cái tệ, còn cái lệ rất tốt là để bảo vệ gia súc cày kéo.

Trâu bò đẻ ra hoặc mua phải con đốm đuôi thì nuôi chỉ có hại. Nếu đốm cả đầu cả đuôi lại tốt. Thực tế giống bò vàng nhiều con có chấm đốm trắng giữa trán, đốm đuôi cũng thường thấy. Nói chung, đều nuôi được cả. Trâu bò có nết riêng: Siêng năng, chậm chạp, lười biếng, nhanh nhẹn, kén ăn, khéo gặm cỏ,... đều nuôi được vì có thể dạy bảo chúng.

- Mua trâu coi vó, mua bò coi răng: Bò răng cùn là bò già đã nhiều tuổi, sức kéo kém, bò cái có thể không thể sinh sản hoặc chỉ đẻ một vài lứa rồi thôi.

- Bò cóc cóc nuôi: Con bò tầm vóc nhỏ, bụng to phình như bụng cóc, lầm tưởng là con me (bê), sự thực nó bị còi cọc, kém chăm sóc từ nhỏ, nuôi nó vô tích sự, cuối cùng sinh ốm đau mà chết, tốn công hại của. Vì thế ca dao trào phúng dân gian có câu:

Nhà anh khéo liệu khéo lo

Bán một con bò mua cái ễnh ương

Đem về thả ở gầm giường

Nó kêu ương ọp lại thương con bò.

Thuốc chữa bệnh trâu bò:

Trâu cũng như bò đều dễ mắc bệnh. Sương tháng 9, tháng 10 âm lịch là sương độc, trâu bò chăn thả quá sớm sương chưa tan, chúng ăn phải cỏ sương dễ bị bệnh. Những bệnh thường thấy ở trâu bò:

- Bệnh đường ruột: Cho trâu, bò ăn sống hoặc uống nước sắc các loại lá cây có chất kháng sinh như lá chè, lá ổi, lá ngấn (uống riêng, hoặc phối hợp 3 thứ), lá lấu, lá khổ sâm, lá khôi, lá sắn thuyền... Nhốt trâu, bò cho ăn rơm, cỏ sạch, uống nước sạch.

- Bệnh lở mồm, long móng: Cho ăn củ bình vôi, cây bìm bìm thái lát trộn với cám gạo.

- Bệnh tổ kiến: Trâu không có yếm cổ như bò. Cổ trâu gần cục hầu nếu bị sưng to tướng, tìm lấy chính tổ kiến trên cành cây, đốt lấy khói xông vào chỗ sưng đau... Đó là những bài thuốc rất kinh nghiệm.

Trước đây tỉnh ta có hai chợ trâu bò lớn: Chợ Tỉnh (thị xã Thanh Hoá) và chợ Bản, huyện Yên Định. Về lịch sử, chợ Tỉnh mới có khoảng đầu thế kỷ XX, chợ Bản khá lâu đời, từ thời Hậu Lê. Chợ Tỉnh rộng thênh thang, chợ Bản nổi tiếng kiến thiết đẹp, lều quán từng hàng lối, hàng hoá phân loại đâu ra đó. Trong chợ rất sạch sẽ, các cụ nói vì địa thế xây dựng ở miệng con cóc, cho nên con ruồi, cái muỗi cũng không có. Đường chính vào chợ có cầu kiểu thượng gia hạ kiều bắc qua sông Mạn Định. Nhà cầu như cái nhà 5 gian (số lẻ – số dương) tất nhiên kèo phải 6 vì, lợp ngói, chiều dài 12m, rộng 4,5m. Hai bên cầu có lan can, ở gian giữa đặt bàn thờ thần, với đôi câu đối(*):

Hoành giang hữu lộ thông Nam Bắc

Dục tú trung linh tự cổ kim

(Tạm dịch: Ngang sông có đường thông Nam Bắc

Ở giữa có nơi thờ thần thiêng xưa nay).

Tương truyền chợ Bản do Lê Đình Kiên người Tứ Xã Bản lập lên. Ông cũng lập thương cảng Phố Hiến mở mang cho tàu nước ngoài vào ra buôn bán, để thành “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Chợ Bản họp mỗi tháng 6 phiên. Mỗi phiên, rầm rập hàng trăm con trâu bò từ các ngả đường vùng cao Quan Hoá, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, các huyện trung du Thọ Xuân, Thiệu Hoá... tập trung về chợ Bản, để từ đây ra tận đồng bằng Bắc bộ cung cấp sức kéo và nhu cầu thực phẩm.

Thịt bò Thanh Hoá ngon nổi tiếng. Khách nước ngoài đến Hà Nội, Hải Phòng thích đặc biệt các món chế biến từ thịt bò. Nhất là các thứ phở bò: Phở nước, xào khô, xào mềm, xào giòn, tái lăn, bò nạm, bít tết... Thời Pháp thuộc, Tây thích ăn thịt bò, người ta hát ví:

Thịt bò nấu với cà chua

Con gái làng Cốc túa rua lộn chồng.

(Làng Cốc là địa danh phiếm chỉ, vì tỉnh ta làng Cốc nhiều nơi có, Túa rua tiếng Tây chữ Tú là tất cả).

Dân gian lại phổ biến câu:

Thịt bò nấu với khế chua

Tây Tàu thì cũng măng rua xực phàn

(Măng rua tức măng rê tiếng Tây, xực phàn tiếng Tàu là ăn nhậu).

Mang tính triết lý sâu sắc hơn cả là:

Ăn thịt bò lo ngay ngáy

Ăn mắm cáy ngáy kho kho!

Thịt trâu hiếm, trở thành đặc sản. Câu tục ngữ “Chàng rể chớ nấu thịt trâu, nàng dâu chớ rang cơm nguội” (thịt trâu nấu hao, cơm nguội rang cũng vậy) bây giờ đã xưa cũ. Khách du lịch năm châu bốn biển mỗi năm hàng triệu người đến Việt Nam đều khoái khẩu nhất món phở bò, thịt trâu nấu lá lồm.

Từ ngày đồng ruộng cơ khí hoá nông nghiệp, con trâu sắt phi nước đại băng băng trên cánh đồng mẫu lớn tưới tiêu chủ động, vai trò con trâu đen, con bò vàng, hai anh em đại gia súc tưởng như chỉ còn “là đầu cơ nghiệp” đối với ông đồ tể. Nhưng không, hoàn toàn không! Rất nhiều thửa ruộng, đám nương, khu vườn, bờ rẫy, ven đồi... hình thù đủ loại, mọi kiểu: bậc thang, hốc đá, góc xéo, ngoắt ngoéo, xiên xẹo, quanh queo... nếu không có con bò bốn chân khẳng khiu chăm chỉ, khéo léo, chịu khó len lỏi thì bàn tay người nông dân sao khỏi sái cánh, phồng da, trớt thịt, bỏ thương vương tội! Thương gì? Thương tiếc đám đất, mảnh ruộng bị bỏ hoang cỏ mọc, mà tấc đất tấc vàng, cho ta của ngọc thực nuôi sống người.

Nông thôn mới vẫn còn nhà nghèo, cận nghèo, nghèo nhất thời, nghèo lâu dài... bởi hàng trăm lý do. Vì thế, hàng năm các tổ chức xã hội, cơ quan, đoàn thể, hoặc cá nhân hay tập thể có lòng từ thiện đem bò về làng bản trao tặng người nghèo nhà khó, phần lớn bò cái. Giống bò dễ nuôi, mắn đẻ, nhanh chóng sinh lợi, một vốn không phải bốn lời mà mẹ đẻ con, con thành mẹ, nảy nở sinh sôi theo cấp số nhân. Nhiều nhà nghèo nhờ vậy nhanh chóng thoát nghèo, một số gia đình trở nên khấm khá.

Nhìn ra bái cỏ hoặc đồi núi từ đồng bằng đến vùng cao bức tranh nông thôn tô đậm màu vàng, nét vàng đặc trưng của giống bò vàng xứ Thanh. Đẹp nhất là những đồi cao núi thấp, đàn bò nhuộm nắng vàng rực di chuyển từ chân lên đỉnh rồi lại từ đỉnh xuống chân, chung quanh là những con trâu đen như trái sim chín khổng lồ làm khung viền lung linh, sinh động. Tất cả đó là màu sắc của đầu cơ nghiệp ấm no, hạnh phúc, của làng quê đổi mới.

HOÀNG TUẤN PHỔ
(*). Tài liệu của học giả Pháp và nhà sưu tầm Việt.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

CHẲNG AI BÁN ĐẮT
MÀ NGỒI CHỢ TRƯA


Tục ngữ Việt Nam có câu “Chẳng ai bán đắt mà ngồi chợ trưa”. “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Chưa từng thấy ai lại ưa bán đắt để phải ngồi lì ngoài chợ cho tới tận trưa (mới được ra về). Hay dùng để dặn mọi người chuyên buôn bán chớ có tham một vài món lợi nhỏ mà tự làm khổ chính mình”.

         Tuy nhiên, cả nghĩa đen và nghĩa bóng soạn giả đều giảng không chính xác.

         Xưa kia chợ sáng thường họp rất sớm và đến đến nửa buổi là bắt đầu tan chợ. Cả kẻ bán lẫn người mua đều tính toán sao cho việc mua bán kết thúc sớm để trở về nhà, có khi đường rất xa. Bởi thế, “chợ trưa” hiểu theo nghĩa bóng chỉ tình trạng ế ẩm, quá lứa lỡ thì, mà Việt nam tự điển (Lê Văn Đức) giảng là: “chợ trưa • (B) Gái về già, lỡ-thời: Em về giục mẹ cùng cha, Chợ trưa dưa héo kẻo mà buồn thay (CD).

Chỉ lỡ buổi chợ hoặc hàng hoá ế ẩm, thì kẻ mua người bán mới gặp nhau lúc chợ trưa. Thế nên dân gian có câu “Ông đi chợ trưa gặp bà bán ế”, ý nói đôi bên cùng may mắn, đúng dịp; kẻ muộn màng gặp người ế ẩm (đồng nghĩa “Gái lỡi thì gặp quan tri goá vợ”; “Buồn ngủ gặp chiếu manh/Vừa khi chồng bỏ gặp anh đứng/giữa đường”).

Như vậy để hiểu đúng câu tục ngữ, có hai điều cần chú ý:

1-“Bán đắt” trong “Chẳng ai bán đắt mà ngồi chợ trưa” có nghĩa đắt khách, đắt hàng, bán chạy, hàng hoá được nhiều người mua, chứ không phải “bán đắt” = tham lam, bán với giá cắt cổ, mà Nguyễn Đức Dương gọi là “tham một vài món lợi nhỏ mà tự làm khổ chính mình”.

2-Phân biệt sự khác nhau giữa “mà” và “để”:

- Mà = “từ biểu thị điều nêu ra sau đó là không phù hợp với điều vừa nói đến” (Từ điển điển tiếng Việt - Vietlex), chính là nghĩa của “mà” trong câu tục ngữ đang bàn: “Chẳng ai bán đắt mà ngồi chợ trưa” = Chẳng ai bán đắt hàng mà lại phải ngồi tới tận lúc chợ trưa để bán.

-Trong khi để =  “từ biểu thị điều nêu ra sau đó là kết quả tự nhiên và không hay của việc vừa nói đến” (Từ điển Vietlex), một từ không có trong câu tục ngữ đang xét). Theo đây, chỉ một khi sửa câu tục ngữ thành “Chẳng ai bán đắt để ngồi chợ trưa”, mới có thể hiểu theo cách giảng của Nguyễn Đức Dương = “Chẳng ai lựa chọn cách bán với giá đắt, để rồi phải ngồi tới lúc chợ trưa để bán”.

Như vậy, câu “Chẳng ai bán đắt mà ngồi chợ trưa”, nghĩa đen được hiểu: kẻ bán nói rằng hàng mình đắt khách, nhưng một sự thực hiển nhiên không thể chối cãi: nếu “bán đắt” (đắt hàng), thì kẻ bán đã không phải ngồi tới tận lúc “chợ trưa”. Đã ngồi đến lúc “chợ trưa” là có vấn đề. Thế nên, dân gian còn có câu: “Của ngon ai để chợ trưa/Chẳng dưa quạ mổ cũng cà chín cây” (Ca dao). Đại Nam quấc âm tự vị: “Ai tầng bán đắt mà ngồi chợ trưa: hiểu về gái mới lớn, có duyên thì lấy chồng sớm, vô duyên thì phải muộn mằn”.


Về nghĩa bóng, không phải câu này “dùng để dặn mọi người chuyên buôn bán chớ có tham một vài món lợi nhỏ mà tự làm khổ chính mình” (như Nguyễn Đức Dương giải thích), mà lật tẩy, ám chỉ trường hợp ế ẩm, hẩm hiu mà còn làm cao, giả bộ ta đây còn đợi giá: “Đã đem mình bán cửa tao, Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này!” (Truyện Kiều); hay “Ba chồng để ngọn sông Đào, Trở về đóng cửa làm cao chưa chồng” (Ca dao).

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

GẮP LỬA BỎ TAY NGƯỜI!


Nói về việc bị vu oan giá hoạ, thành ngữ Việt Nam có câu “Gắp lửa bỏ tay người” (dị bản Gắp lửa bỏ bàn tay; Bỏ lửa tay người; Gắp than bỏ tay người…).

Cũng ám chỉ chuyện vu oan giá hoạ, thành ngữ Hán có câu gần nghĩa “Di thi giá hoạ” 移屍嫁禍 (Đem xác chết để vu vạ cho người). Khác với “Gắp lửa bỏ tay người”, “Di thi giá hoạ” còn được xem như một mưu kế hãm hại đối phương. Võ Mị Nương (tức Võ Tắc Thiên) từng áp dụng mưu kế độc ác này khi tự tay bóp chết đứa con đẻ của mình để vu oan cho Hoàng hậu.

Đồng nghĩa với “Gắp lửa bỏ tay người” còn có “Ngậm máu phun người” (gốc Hán “Hàm huyết phún nhân” - 含血喷人), chỉ việc đặt điều, vu khống, gieo tai vạ cho người khác một cách đê tiện, độc ác, bất chấp đạo lý. Cái độc ác hơn nữa là chính kẻ ngậm máu kia đã giết người, nhưng lại vấy máu lên người khác để vu oan giá hoạ, phủi sạch tội lỗi.

Vu oan, giá hoạ cho người khác là tội trời không dung đất không tha. Và dân gian cho rằng, chưa cần đợi đến lúc trắng đen rõ ràng, thì bản thân kẻ vu vạ kia đã tức khắc tự nhuốm sự bẩn thỉu độc ác rồi. Bởi vậy câu “Hàm huyết phún nhân” 含血喷人 còn có một dị bản: “Hàm huyết phún nhân, tiên ô kỳ khẩu” 含血喷人, 先污其口, có nghĩa: kẻ ngậm máu phun người thì trước tiên chính mồm kẻ ấy đã bị ô uế, vấy máu vậy!

Trở lại với câu thành ngữ Việt “Gắp lửa bỏ bàn tay”, sách “Thành ngữ bằng tranh” (Biên soạn: Nguyễn Thị Hường Lý, tranh: Nguyễn Quang Toàn-NXB Kim Đồng-2020) giải thích nghĩa đen như sau:

“Các bà đồng cốt có tiết mục gắp cục than hồng bỏ lên bàn tay mình rồi tung tẩy hát múa nhập hồn. Nhưng lại có những bà đồng giả, bà đồng non gắp lửa không dám bỏ bàn tay mình mà lại bỏ bàn tay người khác. Thế mới có câu thành ngữ: Gắp lửa bỏ bàn tay. Ý nói: Vu khống, bịa đặt một cách độc ác để hãm hại người khác”.

Dễ dàng nhận thấy cách giảng nghĩa đen của Nguyễn Thị Hường Lý theo lối suy diễn, một kiểu gắp lửa bỏ tay … bà đồng!

Vì sao?

Xét lời giảng, nếu “bà đồng giả, bà đồng non gắp lửa không dám bỏ bàn tay mình mà lại bỏ bàn tay người khác”, thì làm sao các bà đánh lừa được mọi người về khả năng chế ngự lửa nóng của mình? Không lẽ trên đời này có chuyện đưa kiếm nhờ người khác múa mà vẫn chứng tỏ được tài nghệ của mình?

Thực ra nghĩa đen của câu thành ngữ được hiểu đơn giản hơn nhiều.

Lẽ thường trên đời này người ta có thể cầm nắm muôn vàn thứ vật dụng hay đồ ăn thức uống trong tay, nhưng không ai cầm và có thể cầm nắm được lửa than cháy bỏng, và cũng không ai trực tiếp cầm nắm lửa than trong tay làm gì. Ấy vậy mà có kẻ đang tâm “gắp lửa”, “gắp than” bỏ vào tay người, biến không thành có, bất chấp luân thường đạo lý!

Dân gian không dùng từ “cầm lửa” hay “cầm than”, mà là “gắp lửa”, “gắp than”. Có nghĩa chính kẻ vu oan kia cũng không thể tay không mà chịu được than nóng lửa bỏng trong tay, mà phải dùng que để “gắp” mới có thể làm được cái việc tày trời là không dưng bỏ than, bỏ lửa vào tay người khác.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại là “gắp than”, “gắp lửa”, chứ không phải một thứ bẩn thỉu hay gai góc nào khác? Là vì than nóng, lửa bỏng như vậy mà bỗng dưng “gắp” bỏ vào tay người khác, làm như người ta vốn đang cầm nắm nó trong tay thì còn gì ngang ngược, đang tâm, độc ác cho bằng! Và còn gì phẫn uất hơn khi bỗng dưng phải chịu nỗi oan khiên đau đớn đến cháy da cháy thịt này?

Ngẫm ra mới thấy sự thâm thuý, tài tình của dân gian khi đặt nên thành ngữ “gắp lửa bỏ tay người”!

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

TAY VƠ CHẲNG TÀY MIỆNG LÚM


Tục ngữ Việt Nam có câu “Tay vơ chẳng tày miệng lúm”. “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương –NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh – 2010) thu thập và giải nghĩa như sau:
“Tay vơ chẳng tày miệng lúm Tay dù giỏi thu vén (đến mấy chăng nữa vẫn chẳng kiếm được nhiều của) bằng những kẻ má lúm đồng tiền. Hay dùng để chỉ rõ lợi thế của nhan sắc so với tài thu vén trong việc kiếm tiền”.

         Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa mà soạn giả giảng, thì phải chữa câu tục ngữ thành: “Tay vơ chẳng tày má lúm”. Còn ở đây, dân gian đang nói “miệng lúm”, sao lại hiểu thành “má lúm đồng tiền”?

         Thực ra, “lúm” (tiếng Nghệ) hay “lốm” (tiếng Thanh Hoá) chỉ kiểu ăn bỏ cả vào mồm nhai nuốt một cách gọn lỏn.

       Tất cả các cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay đều không thấy ghi nhận từ “lúm”. Tuy nhiên, “Từ điển tiếng Nghệ” (Trần Hữu Thung – Thái Kim Đỉnh - NXB Nghệ An, 1998) đã thu thập và giải thích như sau: “Lúm: lúm hay lủm – ăn (nói vui – châm biếm). Vd- Hắn lúm sạch trơn”.

         Về “lốm” tiếng Thanh Hoá, trong bài thơ “Năm Tý nói chuyện chuột” (Mai Bình - báo Thanh Hoá - 1984) có câu: “Lạ nhỉ? Chơi không toan gọn lốm/Ơ kìa! Ngồi rỗi chực ngon xơi!”. Ở đây, “gọn lốm” cũng có nghĩa là ăn một cách ngon ơ.

         Lại nói về “lúm” = “lủm” mà “Từ điển tiếng Nghệ” ghi nhận. Có tới 8 cuốn từ điển tiếng Việt mà chúng tôi có trong tay (từ cổ chí kim) thu thập và giải nghĩa của “lủm” này. Sau đây, xin dẫn 4 cuốn từ điển đại diện cho 4 thời kỳ lịch sử, ở cả hai miền Nam – Bắc, trích lần lượt như sau:

         -Đại Nam quấc âm tự vị (1895): “lủm. n: ăn gọn, nuốt cái một. lủm đi (id); lủm phứt (id); Bốc lủm: Ăn như Chà-và, và bốc và lủm; Lủm lảm (lổm lảm) bộ háu ăn”.

         -Việt Nam tự điển (1931): “lủm: bỏ gọn vào mồm mà ăn <> Bỏ lủm cái kẹo vào mồm”.

         -Từ điển Lê Văn Đức (1974): “lủm • đt. Thảy vào miệng ăn gọn-gàng: Bốc lủm, lủm một miếng. • (R) Ăn, sống: Làm không đủ lủm • (lóng) Ăn tươi, vồ, thắng cách dễ-dàng: Bộ mầy không đủ cho nó lủm đâu. • dt. Miếng, dung-lượng của miệng: Không đủ một lủm”.

         -Từ điển Vietlex (2017): “lủm • đg. [kng] ăn gọn cả miếng. lủm cả miếng bánh ngon ơ ~ “Mụ mần chi rứa cho mất công. Quan với các thầy chia nhau lủm hết từ đời mô rồi.” (Bùi Hiển ). Đn: lẻm”.

Như vậy, câu “Tay vơ chẳng tày miệng lúm” dân gian ám chỉ kẻ làm ra thì ít mà ăn tiêu thì nhiều (các dị bản đồng nghĩa: “Bóc ngắn cắn dài”, “Làm không đủ lủm”; “Làm gang, ăn sải”…).

         Chỉ vì không hiểu “lúm” là gì, soạn giả “Từ điển tục ngữ Việt” đã suy diễn: “tay vơ” (quơ, cào, dùa, lấy bừa, cốt cho được nhiều) thành “tay vơ”  với nghĩa “giỏi thu vén”, biến “lúm” (động từ) thành “lúm” (tính từ) rồi giảng sai luôn nghĩa của câu tục ngữ: kẻ “làm ít ăn nhiều” bỗng chốc hoá thành cô gái “nhan sắc” có lợi thế “má lúm đồng tiền” duyên dáng nào đó.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MƯA RỪNG CỌ, GIÓ RỪNG THÔNG


“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Mưa rừng cọ; gió rừng thông (Gặp) mưa trong rừng cọ cũng như gió trong rừng thông (thì chớ có lo ướt cũng như lo lạnh vì đã được cọ cũng như thông che chắn hết cho rồi)”.
Đây là một câu tục ngữ không có gì khó hiểu, nhưng vẫn bị soạn giả giải thích sai hoàn toàn.

Với “mưa rừng cọ”: Lá cọ bản rộng, dày, cứng, như chiếc ô che mưa nắng. Thế nên, trong rừng cọ, chỉ cần mấy hạt mưa lắc rắc, những chiếc ô xanh tươi đang xoè rộng lập tức dậy lên muôn ngàn tiếng lộp bộp, lào rào như thác đổ.

Ngữ liệu về “mưa rừng cọ” thì vô cùng phong phú, nhưng sau đây chỉ xin đưa ra hai ví dụ:

-“Trong nắng gió, trong giá sương, cọ lặng lẽ. Nhưng khi mưa xuống là cọ reo vui. Mưa rừng cọ, gió rừng thông. Những hạt mưa dạo đầu lộp bộp. Mưa vào cuộc, vào cơn, vào trận ào ạt râm ran triền miên” (“Rừng cọ” - Cao Văn Tư - báo Tin tức - 2013).

-“Đã có ai lắng nghe/Tiếng mưa trong rừng cọ/Như tiếng thác dội về/Như ào ào trận gió…”. (“Mặt trời xanh của tôi” - Nguyễn Viết Bình - “Tiếng Việt 3”).

Với “gió rừng thông”: Thông là cây lá kim. Bởi vậy, trong rừng thông, chỉ cần thoảng làn gió nhẹ, thông đã reo vi vu như tiếng nhạc cung đàn đang ngân lên đâu đó; gió thổi mạnh một chút đã nghe tiếng vi vút như muôn ngàn ngọn roi quất vào không khí. Thế nên, thơ, nhạc thường ví tiếng gió trong rừng thông là thông reo, thông hát, thông ru là vậy.


Trong Hán ngữ, có từ “tùng đào” 松濤 (sóng tùng), “tùng phong” (gió tùng). Hán ngữ đại từ điển giảng:

-“sóng tùng: gió lay động rừng tùng, thanh âm nghe như sóng vỗ, nhân đó gọi là “sóng tùng”. Đường Thuận Chi đời Minh (trong bài “Thương Thuý đình”) có thơ rằng: “Gió thổi sóng tùng reo/Gió ngưng sóng tùng lặng” [松濤: 風撼松林,聲如波濤,因稱松濤; 明 唐順之, “蒼翠亭”: “風來松濤生,風去松濤罷”];

-”tùng phong: gió trong rừng tùng. Nam Sử - Ẩn dật truyện - Đào Hoằng Cảnh viết: “Yêu sao gió tùng. Trước đình viện trồng toàn tùng, mỗi khi gió tùng reo, nghe vui như tiếng nhạc” [松風: 松林之風. 南史 - 隱逸傳下- 陶弘景: “特愛松風,庭院皆植松,每聞其響,欣然為樂”].

Phan Huy Ích có câu thơ: “Nhất chẩm tùng phong thuỵ đáo minh” 一枕松風睡到明 (Một chiếc gối, trong gió tùng, say giấc cho đến sáng).

“Tùng” trong “đào tùng”, “tùng phong” chính là cây thông vậy.


Đến đây, câu hỏi đặt ra, là giải thích của soạn giả Nguyễn Đức Dương có thể xem là một cách hiểu khác về tục ngữ “Mưa rừng cọ, gió rừng thông” không? Câu trả lời là “không”! Vì nếu nói về tác dụng che mưa khỏi ướt, thì chỉ cần trú dưới lá của một cây cọ thôi đã khỏi ướt, cần gì đến cả “rừng cọ”? Cũng như nếu nói về tác dụng chắn gió, thì rừng già hỗn giao nhiều tầng nhiều tán còn kín gió hơn “rừng thông” thuần loài nhiều lần.

Như vậy, “Mưa rừng cọ, gió rừng thông” tạo nên thanh âm đặc biệt, không giống với tiếng gió tiếng mưa ở bất cứ loại rừng nào khác. Chính đặc trưng này đã khiến mưa rừng cọ, gió rừng thông đi vào âm nhạc, thi ca tự ngàn xưa. Và dân gian đã đúc kết kinh nghiệm, nhận thức về sự vật hiện tượng diễn ra trong tự nhiên: Tiếng mưa trong rừng cọ nghe rất lớn, tiếng gió trong rừng thông nghe rất mạnh. Không phải "(Gặp) mưa trong rừng cọ cũng như gió trong rừng thông (thì chớ có lo ướt cũng như lo lạnh vì đã được cọ cũng như thông che chắn hết cho rồi)”, như giải thích của tác giả “Từ điển tục ngữ Việt”.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BÌM BÌM ĐÂU DÁM LEO NHÀ GẠCH


“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Bìm bìm đâu dám leo nhà gạch: Bìm bìm là thứ dây leo rất e ngại khi leo vào các nhà gạch (vì cái nóng kinh khủng toả ra từ nó có thể thiêu cháy dễ dàng cả dây bìm bìm tươi). Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Đã hèn mọn thì chớ có bám víu vào các quý ông cao sang mà dễ bị thiệt đến thân”.

Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng soạn giả đều giảng không chính xác.

Bìm bìm (Ipomomea hederacea Jacq) thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae), chữ gọi “khiên ngưu” 牽牛. Đây cũng là tên vị thuốc Bắc chữa phù thũng, thông đại tiểu tiện…

Tương truyền, ngày xưa có người dắt trâu đến để đổi lấy phương thuốc chữa bệnh từ bìm bìm (dị bản: dắt trâu đến để cảm ơn người đã mách cho bài thuốc chữa khỏi bệnh từ bìm bìm), nên loài cây này có tên “khiên ngưu” 牽牛 (dắt trâu). Lại có thuyết cho rằng, vì trong hoa bìm bìm có hình ngôi sao, thời kỳ hoa nở lại trùng với sự xuất hiện của chòm sao Khiên Ngưu 牽牛 mùa hè (tức Ngưu Lang tinh 牛郎星 hay Ngưu Lang Chức Nữ tinh 牛郎織女星), nên dân gian gọi loài hoa này là “khiên ngưu”. Dược điển “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Đỗ Tất Lợi có ghi nhận vị thuốc này.

Trong thực tế, bìm bìm là cây phát triển mạnh về mùa hè, giỏi chịu nắng nóng. Bởi thế người ta dẫn dụ bìm bìm leo lên phủ kín mái tôn, mái fibro xi măng (những vật liệu hấp thu nhiệt rất lớn), để chống nóng cho quán xá, chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Theo đây, về nghĩa đen: “Bìm bìm đâu dám leo nhà gạch” không phải vì sợ “cái nóng kinh khủng toả ra từ nó có thể thiêu cháy dễ dàng cả dây bìm bìm tươi”, như lý giải của Nguyễn Đức Dương.

Vậy, tại sao bìm bìm lại “đâu dám leo nhà gạch”?

Bìm bìm phát triển cực mạnh, vứt đâu cũng sống. Dù là một vị thuốc Bắc, nhưng với người Việt, bài thuốc có vị “khiên ngưu” không thông dụng. Mặt khác, nếu cần thì người ta thu hái bìm bìm hoang dại rất sẵn có trong tự nhiên, chứ không bao giờ trồng. Bởi thế, dân gian không cho bìm bìm sống ở khu vực phong quang, hay đất đai gieo trồng, vì một khi đã leo lên được chỗ nào thì bìm bìm tồn tại và phát triển năm này qua năm khác, mọc lấn át tất cả. Sự che phủ dày đặc của bìm bìm không chỉ phá hỏng cây cối, mà còn phá hỏng rào giậu.

Mà rào giậu thì sao?

Lẽ thường, rào giậu không chỉ là địa giới phân chia nhà này với nhà kia, mà còn là phên giậu bảo vệ, che chắn kẻ gian tà hay gia súc, gia cầm xâm nhập phá hại. Nhìn vào hàng rào có thể đoán biết được gia cảnh giàu nghèo, quy củ hay bệ rạc của chủ nhân. Bởi thế, thành ngữ “giậu nát chó ỉa” được dùng để chỉ cảnh nhà sa sút, tha phương cầu thực, rào giậu không ai chăm sóc. Trong khi tục ngữ “Giậu đổ bìm leo” lại cho thấy, khi rào giậu còn được trông nom, tu bổ, thì không ai để cho bìm bìm leo lên cả. Chỉ khi gia cảnh tiêu điều hoang phế, “giậu nát chó ỉa”, thì bìm bìm mới có cơ hội leo lên. “Giậu đổ” thì “bìm leo”! Chính nghĩa đen này đã làm nên nghĩa bóng: kẻ tiểu nhân gặp lúc người ta thất thế mới thừa cơ vùi dập, lấn lướt, làm những điều mà trước đó chẳng dám ho he, động đậy.

Đến đây có người sẽ hỏi, vậy tại sao ông Lục Du đời Tống bên Tàu lại có câu thơ: “Xứ xứ bìm bìm hoa tím giậu” (籓籬處處蔓牽牛 - Phiên ly xứ xứ mạn khiên ngưu)? Và bên Ta cũng có bài tập đọc từng đi vào ký ức bao người: “Có dây bìm bìm/Leo lên bờ giậu/Bướm vàng đến đậu/Hoa tím rung rinh”?

Như vậy, bìm bìm vẫn leo lên bờ giậu đấy chứ!

Thế nhưng, “giậu đổ” là loại giậu nào?

Loại giậu bằng cây xanh thường dùng để bảo vệ vòng ngoài không bao giờ đổ nát, mục mại, mà chỉ ngày một tươi tốt. Bởi thế, người ta có thể để bìm bìm leo lên loại giậu xanh này cũng không sao. Còn giậu làm bằng tre nứa là loại giậu vòng trong, thường ngăn giữa sân và vườn nhà, bao quanh vườn rau để chống ngăn gia súc, gia cầm vào phá hoại. Nếu không được chăm coi, tu bổ, giậu này sẽ đổ nát.


Giậu bằng tre nứa được giữ thông thoáng, phong quang để phơi quần áo. (“…phơi áo thì phơi bằng sào/Chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao” – Truyện Tấm Cám). Ngoài ra, người ta có thể trồng bên cạnh hàng rau ngót, hay mấy gốc mồng tơi, mướp hương, dây mơ tam thể…nhẹ nhàng mà lại thu hái được sản phẩm. Không ai để giống bìm bìm hoang dại um tùm leo lên, chỉ tổ ẩm ướt, mục mại, rắn rết trú ngụ.

Trở lại với câu “Bìm bìm đâu dám leo nhà gạch”.
Xưa kia, phần nhiều nhà tranh vách đất lụp xụp. Thế nên “nhà gạch” là ngôi nhà quý. Theo đây, nếu như thành ngữ “Giậu nát chó ỉa” ám chỉ cảnh nhà sa sút, tiêu điều, thì câu “nhà ngói sân gạch cây mít” (dị bản “nhà ngói bức bàn”, “nhà ngói cây mít”) lại tả cơ ngơi bề thế, sung túc, vui vầy của người giàu có ở thôn quê. Với bờ giậu, mà một khi “giậu” có “đổ” thì bìm mới “leo” lên được, thì thử hỏi ai người để cho bìm bìm “leo nhà gạch”? “Nhà gạch” cao quý, chứ đâu phải “giậu nát chó ỉa”?

Như vậy, về nghĩa đen: chỗ của bìm bìm là nơi bờ hoang, bãi rậm, “giậu nát chó ỉa”, không phải ở “nhà gạch”. Không ai để cho bìm bìm leo lên nhà gạch, vì đây không phải là chỗ dành cho nó, chứ không phải “vì cái nóng kinh khủng toả ra từ nó có thể thiêu cháy dễ dàng cả dây bìm bìm tươi”, như soạn giả “Từ điển tục ngữ Việt” lý giải.


Về nghĩa bóng: Bìm bìm tượng trưng cho thấp kém, hèn mọn; nhà gạch là nơi chốn cao sang, tôn quý. “Bìm bìm đâu dám leo nhà gạch”, ý nói tự biết thân biết phận, không dám chơi trèo, đua đòi (câu đồng nghĩa “Đũa mốc đâu dám chòi mâm son”). Cũng dựa trên nghĩa đen đã phân tích ở trên, dân gian còn có câu: “bìm bìm lại muốn leo nhà gạch” (phê phán, chế giễu kẻ có thân phận thấp kém lại muốn đua đòi, chơi trèo; đồng nghĩa “Đũa mốc lại chòi mâm son”). Không phải “Đã hèn mọn thì chớ có bám víu vào các quý ông cao sang mà dễ bị thiệt đến thân”, như giải thích của Nguyễn Đức Dương.

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

MẺ KHÔNG ĂN CŨNG CHẾT !


“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Mẻ không ăn cũng chết: Mẻ mà chẳng ăn thì cũng chết (nên có để dành được đâu mà cố để dành) Hay dùng để khuyên mọi người chớ có dè sẻn những thứ không thể để dành được mà uổng công”.

         Soạn giả giải thích nghĩa đen không đúng, dẫn đến nghĩa bóng cũng sai hoàn toàn. Ở đây dân gian nói mẻ mà không được ăn thì cũng chết, chứ đâu phải không ăn đến mẻ thì nó cũng chết?

         “Mẻ” là con gì?

-“Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê-Vietlex): “mẻ • d. chất chua làm bằng cơm nguội để lên men, dùng làm gia vị khi nấu thức ăn”.

-“Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí): “mẻ • Cơm nguội trộn với cái giấm để lâu mà thành ra chất chua”.

Mẻ không phải của nuôi sống người hay làm ra tiền ra bạc gì. Nhưng nhiều món ăn, từ nhà giàu sang cho đến kẻ bần hàn, không có mẻ không xong. Những giấm cá, canh chua, riêu cua, riêu ốc, giả cầy, rựa mận...người người xuýt xoa, kẻ kẻ ngợi khen cũng là nhờ có mẻ.

Mẻ tính mát, trừ táo, giải nhiệt. Lỡ khi bị bỏng, dân gian thường lấy mẻ để xoa lên vết thương, mục đích hạ hoả, giải nóng cho da thịt. Từ “mát mẻ” có một nghĩa là tốt lành, thuận lợi, ví dụ: Mong cho năm nay làm ăn được mát mẻ. Có lẽ bởi thế nên dân gian cho rằng, trong nhà đang nuôi mẻ mà bỗng dưng mẻ chết là điềm đen đủi.

Người ta rất cần đến mẻ, nhưng mẻ lại không được chăm sóc, coi trọng, đến mức dân gian có câu “Khinh người như mẻ”!

Vì sao vậy?

Trong số các thứ “nuôi”, có lẽ mẻ dễ tính nhất, cho nhiều ăn nhiều, cho ít ăn ít. Dụng cụ nuôi mẻ cũng giản đơn. Có khi nuôi trong cái ấm sứt vòi, cái âu vỡ nắp lấm lem bụi bặm, bồ hóng, không cần chăm sóc hàng ngày, vứt vạ vật đầu giàn cuối chạn, mẻ vẫn sống. Lúc cần, sờ đến, mẻ ngấu vẫn trắng tinh như mỡ đông, mùi mẻ chua chua, ngọt ngọt vẫn dậy lên thơm lừng!

Xưa kia thiếu lương thực, bữa ăn chỉ bớt đi vài ba miếng cơm đã là cả một vấn đề. Thế nên nuôi mẻ người ta cho ăn cầm chừng. Cơm nguội, cơm thừa, thậm chí cơm lỡ đã có mùi hơi thiu, xương ống lợn đã gặm hết thịt, mới đến phần mẻ. Dân gian có câu “Coi như mẻ”, “Coi người như mẻ”, “Khinh như mẻ” hay “Khinh người như mẻ”, ý nói ai đó xem hay bị xem thường, xem khinh, cư xử rẻ rúng giống như người ta nuôi mẻ là vậy.

Mẻ ăn ít và ít ăn vẫn sống. Nhưng nếu hoàn toàn không được ăn trong thời gian dài, hết chất tinh bột, vi khuẩn gây men không có môi trường sống, thì mẻ sẽ lâm vào tình trạng bị “úng”, và cuối cùng, mẻ cũng chết đói như thường!

Như vậy, ăn uống là nhu cầu thiết yếu của tất thảy mọi sinh vật. “Mẻ không ăn cũng chết”, ý nói cái gì cũng cần được chăm sóc, nuôi dưỡng. Đến dễ tính như mẻ mà “không ăn cũng chết” cơ mà!   

HOÀNG TUẤN CÔNG
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

BỤNG LÀM DẠ CHỊU


Tam thiên tự dạy ta “腹phúc bụng 膺ưng lòng” (chữ 1779, 1780) nhưng đây chỉ là giảng về nghĩa chứ về từ nguyên thì lại khác.
Bụng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [𩪌] mà âm Hán Việt là phụng vì thiết âm của nó là “phòng dụng thiết” [房用切], như đã cho trong Tập vận. Nhưng âm xưa (Cổ Hán Việt) của chữ phòng [房] là buồng nên theo đó âm xưa của [𩪌] lại là bụng vì “b[uồng]+[d]ụng = bụng. Hiện tượng “B xưa hơn PH” đã được Vương Lực chính thức chứng minh từ năm 1948 tại thiên Hán Việt ngữ nghiên cứu (in trong Hán ngữ sử luận văn tập, Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.209 - 406). Còn nghĩa nữa của [𩪌] là “ngực” (hung dã [匈也]), như Ngọc thiên đã giảng (dẫn theo Hán ngữ đại tự điển). Ngực liền với bụng nên việc chuyển nghĩa từ “ngực” sang “bụng” không phải là chuyện tối kiêng kỵ.
Làm thì có liên quan về nguồn gốc với chữ lãm [攬], mà nghĩa gốc quen thuộc là “cầm, nắm”. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã ghi cho nó 7 cái nghĩa cụ thể nhưng riêng Văn Tân thì lại còn đối dịch nó là “làm” trong Từ điển Trung Việt (NXB Sự thật, 1956).
Dĩ nhiên Văn Tân có cái lý của ông vì cái nghĩa “làm” của lãm [攬] nằm ngay trong ngữ vị từ lãm công [攬工], thường được giảng là “tố trường công” [做長工], nghĩa là “làm thuê dài hạn”. Nếu có người bẻ rằng lãm công [攬工] chỉ thuộc về phương ngữ chứ không phải là một đơn vị từ vựng chung thì ta lại còn có một ngữ vị từ “chung” là lãm hoạt [攬活], có nghĩa là “làm công việc nặng nhọc (để mưu sinh)”. Đằng nào thì cái nghĩa “làm” cũng đã nằm trong hệ nghĩa của từ lãm [攬]. Nói tóm lại thì làm là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [攬], có âm Hán Việt là lãm, mà “làm” là cái nghĩa nằm trong một góc khuất.
Dạ bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ dã [也], hiện nay chỉ dùng theo lối giả tá như là một hư từ nhưng cái nghĩa cực kỳ cổ xưa của nó lại là “bộ phận sinh dục của đàn bà”, như Hứa Thận đã giảng trong Thuyết văn giải tự: “Nữ âm dã. Tượng hình” [女陰也。象形] Đi vào tiếng Việt, dạ có nghĩa rộng như có thể thấy trong dạ con, bụng dạ, lòng dạ...
Chịu bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [遂], mà âm Hán Việt hiện hành là toại, có nghĩa là “hài lòng, thoả mãn; thuận theo”. Nhưng âm gốc của [遂] lại là tuỵ, vì đây là một chữ thuộc vận mục chí [至]. Thiết âm của nó trong Quảng vận là “từ tuý thiết” [徐醉切]. T[ừ]+[t]uý = tuỵ (sở dĩ tuỵ thuộc dấu nặng vì chữ từ thuộc dấu huyền). Tương quan T « CH giữa tuỵ và chịu còn có thể thấy qua: - tạc [笮], dây xoắn bằng lạt tre « chạc trong thừng chạc; - tán [饡], cho canh vào cơm « chan trong chan canh; - tiệm [漸] trong tiệm tiến « chậm trong chậm trễ; - tiên [煎], đun cho cạn « chiên trong chiên xào; - tiết [紲], buộc bằng dây « chít trong chít khăn; - tiệt[截], cắt đứt « chịt (làm cho tắc lại);... Về quan hệ I/Y « IU, ta có: - bỉ [鄙] trong khinh bỉ « bỉu trong dè bỉu;
- bị [被], mắc, dính « bịu trong bận bịu; - quỵ [跪], còn có âm khuỵ, quỳ gối « khuỵu trong khuỵu chân; - trì [持], cầm, giữ « trìu trong trìu mến; - truỵ [墜], rơi xuống, sa xuống « trĩu trong nặng trĩu...

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Poet Hansy

ĐƯỢC VOI ĐÒI TIÊN


Về câu được voi đòi tiên, trang Tiếng Việt giàu đẹp (ngày 20.11.2019) cho biết: “Theo nhiều tư liệu thì câu thành ngữ này vốn bắt nguồn từ một món đồ chơi dân gian được nặn bằng bột màu mà nhiều nơi gọi là “tò he”.
Ngày xưa, ở quê, món đồ chơi này chỉ có hình thù của các con vật (trâu, bò, mèo, chuột...) và hình thù các vị tiên. Ở Nghệ Tĩnh, những món có hình con vật có nơi gọi là “voi”.
Trong câu hát đồng dao về con chim trả cũng có từ này. Khi bắt được con chim trả tranh, một loài chim bói cá nhỏ xinh đẹp, trẻ em thường cầm ngược cái mỏ dài của chim lên để chim lơ lửng và đọc câu hát “Tranh tranh trả trả, múa cho ả coi, đến mai đi chợ ả mua voi cho tranh tranh trả trả”.
Thường thì nặn các con vật màu sắc đơn điệu, ít tốn bột và ít công phu hơn, giá có thể rẻ hơn so với nặn tiên, cần nhiều màu sắc và công sức. Vậy nên nói “được voi đòi tiên” chính là nói đã có những con tò he hình thú vật mà vẫn ham cầu cái hơn nữa, là tò he hình tiên.
Cách giải thích này hợp lý với nghĩa rộng của câu: đã có thứ tốt còn tham thứ cao sang hơn”.
Trên đây là lời kể của trang Tiếng Việt giàu đẹp. Lời kể này sẽ có sức thuyết phục mạnh hơn nếu nó cho biết tại sao những món tò he có hình con vật có nơi lại được gọi là “voi”, một loài “thú lớn sống ở vùng nhiệt đới, mũi dài thành vòi, răng nanh dài thành ngà, tai to, da rất dày, có thể nuôi để tải hàng, kéo gỗ...” (Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm Ngôn ngữ học). Chúng tôi cho rằng trong các món tò he ắt phải có món mang hình dáng của voi. Con voi tò he còn có khả năng nhắc đến hình ảnh oanh liệt của Bà Trưng, Bà Triệu nên người ta mới lấy tên của nó làm đại diện cho tất cả các loại tò he khác chăng?
Xét theo từ nguyên thì voi lại là một từ Việt gốc Hán chứ không phải một từ mà tiếng Hán đã mượn của tiếng Việt. Vật hậu học (phenology) đã chứng minh rằng voi từng sinh sống ngang dọc tại lưu vực Hoàng Hà là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa. Khảo cổ học cũng đã xác nhận sự thật lịch sử này. Còn về mặt văn tự học thì Vương Lực là người đầu tiên đã phát hiện chữ vi [爲] gắn liền với từ voi của tiếng Việt trong thiên Hán Việt ngữ nghiên cứu (Hán ngữ sử luận văn tập, Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.359). Riêng về tự dạng thì văn tự học cũng đã cho thấy hình một con voi trong chữ vi [爲] của giáp cốt văn.
Được là một từ Việt gốc Hán mà trong Việt-ngữ chánh-tả tự-vị, Lê Ngọc Trụ đã quy về chữ đắc [得], có nghĩa là “được”. Chúng tôi cũng nghĩ như thế và cho rằng được là một từ Hán Việt Việt hoá theo quan niệm hiện hành.
Đòi (trong đòi hỏi) là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [隨], mà âm Hán Việt là tuỳ, có nghĩa hữu quan là “truy cầu [追求]” (Hán ngữ đại tự điển, Thành Đô, 1993, nghĩa 6), nghĩa là “theo đuổi, tìm kiếm”. Chữ tuỳ [隨] này, với nghĩa “đi theo”, cũng có một điệp thức đồng âm với đòi trong đòi hỏi, là đòi trong học đòi, theo đòi. Về quan hệ phụ âm đầu T « Đ giữa tuỳ và đòi, ta còn có: - tạc < tộc [鑿], cái đục « đục trong đục khoét; - tấm [𢬶], đánh « đấm trong đấm đá; - tiều [嶕], đỉnh núi (nghĩa 3 trong Hán ngữ đại tự điển) « đèo trong núi đèo; - tống [宋], “cư trú” (= ở, nghĩa 1 trong Hán ngữ đại tự điển) « đóng trong đóng quân... Sự chuyển biến vần từ UY > OI là hiện tượng Hán Việt Việt hoá.
Cuối cùng thì tiên hiển nhiên là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [㒨] hoặc [仙].

AN CHI
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (999 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [36] [37] [38] [39] [40] [41] [42] ... ›Trang sau »Trang cuối