Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [86] [87] [88] [89] [90] [91] [92] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nhâm Tỵ

ĂN THEO CHOÁNG VỚI DỰ ÁN...của bạn ngh.mai:
..khi xem tin Bộ Văn hóa thông qua dự án xây mới 100 rạp hát rạp chiếu phim tổng dự toán 100 nghìn tỷ,trong khi Bộ trưởng Y tế vừa đi thăm các bệnh viện tuyến trên đều quá tải:các bệnh nhân nằm 2,3 thậm chí 4 người 1 giường bệnh,có cháu bệnh nhân ung thư chui từ gầm giường ra để chào tại bệnh viện Ung bướu TPHCM.Đã đành trong mùa đông giá rét,cảm thông cùng cảnh ốm đau nằm viện chung giường đông càng ấm nhưng mỗi người có vết thương,đau đớn ở các vị trí khác nhau trên người lại thêm kim truyền dịch,ống thông,dây nhợ lằng quằng...khổ biết bao nhiêu.Lại nói tình trạng các rạp hát mấy khi đỏ đèn ,có khi nào 2,3 khán giả ngồi chung 1 ghế xem hát xem phim không.Các rạp than ngoài các đại biểu có giấy mời còn vài tấm vé không đủ chi phí buổi diễn,nhiều buổi chỉ bán được mươi,mười lăm vé phải xin lỗi khán giả hoãn buổi chiếu,các rạp phải cho thuê 1 phần làm dịch vụ thương mại,đám cưới để trang trải....vậy mà vẫn xây thêm....hay như Bảo tàng quốc gia,trụ sở Bộ Giao thông vận tải đều hơn trăm nghìn tỷ có thể mỗi đổi được chục cái bệnh viện trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại kiểu như Bệnh viện Ung bướu Đã nẵng.Đã đành phú quý sinh lễ nghĩa khi XH phát triển,kinh tế dồi dào thì công sở và các thiết chế văn hóa quy mô hoành tráng còn dễ hiểu,đằng này.....hay là để tiêu tiền dự án cho dễ còn các con bệnh kia thì makeno
Ngậm ngùi bèn dẫn thơ nói lái của nhà thơ Võ Quê mà rằng"1-...Biến chất công sàn đi chiếm đất
Cánh đồng hoang bởi quán Đồng xanh
Hối mại chính quyền gieo mối hại
Lanh mưu thoái hoá thật lưu manh

2
Hữu dân danh lợi hại dân lành
Tranh hùng tranh thủ mới trung thành
Đầy tớ vét đầy bao tờ đấy
Giành nhau tham nhũng chóng giàu nhanh"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Vì sao Ngọc hoàng phá án nhanh?

Nguyễn Đoàn Thứ ba ngày 19 tháng 3 năm 2013 10:47 AM


Ngọc hoàng thượng đế vừa chỉ đạo phá được một vụ án lớn, nghiêm trọng. Án lớn vì thủ phạm dám làm sai lệch quy định ngàn đời nay trên thiên đình. Nghiêm trọng vì thủ phạm lại không phải là thần dân nhỏ mọn mà là những quan chức lớn của thiên đình.

Chả là gần đây, Ngọc hoàng nhận được nhiều đơn của thần dân trên thiên đình tới tấp gửi đến khiếu nại thiên đình thiên vị, trong khi chỉ cho loài người dưới trần gian được sống trung bình từ 60 đến 80 tuổi, nên họ cứ đến tuổi ấy là phải giã từ dương thế lên đây. Riêng có một kẻ, thiên đình cho sống trên trần gian đến gần 200 tuổi mới phải chết ?!.

Chà, chà. Chuyện quá lạ vì thiên đình không có chủ trương đặc cách như thế. Vậy ai dám làm chuyện tầy đình này. Gọi Nam Tào Bắc Đẩu là hai vị quan chuyên giữ sổ sinh, sổ tử cho loài người dưới trần gian, trình lên sổ sách. Xem sổ tử, tra tên của kẻ bị kiện, thấy rõ ràng ghi kẻ đó sống 199 tuổi. Lại có chữ ký phê chuẩn của Ngọc hoàng, mà chữ ký tươi hẳn hoi, không phải chữ ký photocopy hay chữ ký khắc sẵn trên con dấu để đóng đại trà trên những bằng khen, giấy khen ...

Hay là Ngọc hoàng thiếu tinh thần trách nhiệm, không đọc cứ ký đại, nên gây hậu quả nghiêm trọng. Quần thần chất vấn vậy làm cho Ngọc hoàng tức, vì tính Ngọc hoàng rất cẩn thận, việc sinh tử lại càng phải cẩn thận hơn bao giờ hết. Ngọc hoàng bèn giao sổ tử cho Viện Kỹ thuật Hình sự thuộc Bộ Hình để thẩm định. Hóa ra, ở con số 199 đó,mực viết chữ số 19 là mực cũ, 19 năm sau ai đó đã viết thêm số 9 vào sau dẫy số, thành 199, mực là mực mới hơn.

Ai có thể chữa được con số này. Chỉ có thể là Nam Tào Bắc Đẩu nhận hối lộ nên làm liều, vì đó là 2 kẻ giữ sổ sinh và tử, được bảo quản theo chế đô tối mật, vật bất ly thân, đi đâu cũng phải mang theo, không được cho ai xem khi chưa có lệnh trực tiếp của Ngọc hoàng. Ngọc hoàng bèn ký lệnh bắt tạm giam ngay Nam Tào, Bắc Đẩu, giao cho bộ Hình thẩm vấn.

Quả đúng như hướng chỉ đạo điều tra của Ngọc hoàng là Nam Tào Bắc Đẩu ăn hối lộ. Chả là Quản Lộ tinh thông khoa lý số, giỏi xem tướng. Một hôm, Lộ dạo chơi, gặp Triệu Nhan, 19 tuổi đương cày ruộng, thấy trên quầng mắt có tử khí chỉ còn ba ngày nữa là chết. mới bảo Triệu Nhan về sắm rượu thịt ngày mai đem vào núi Nam Sơn sẽ gặp ông Bắc đẩu giữ sổ tử và ông Nam Tào giữ sổ sinh của loài người, đang ngồi đánh cờ. Thừa lúc hai vị mải đánh cờ, cứ bày rượu thịt ra mâm dâng lên. Đợi cho ăn uống xong, sẽ lạy khóc mà xin tuổi thọ, may ra được sửa sổ lại. Hôm sau, Triệu Nhan bê mâm rượu thịt vào núi Nam Sơn. quả thấy hai vị đó đang ngồi đánh cờ trên thạch bàn, bèn đội mâm rượu thịt đến gần, khẽ khàng đặt trên thạch bàn. Hai ông mải mê đánh cờ, bất giác đưa tay nâng chén... rồi dần dần vừa đánh vừa ăn uống hết cả rượu thịt của Triệu Nhan một cách ngon lành. Lúc bấy giờ, Nhan mới khóc òa lên và lạy lục xin cầu thọ. Hai ông giựt nẩy mình nhìn lại. Nam Tào bảo Bắc Đẩu: Hai ta đã dùng rượu thịt của nó thì phải thương nó. Bắc Đẩu liền rút quyển sổ tử trong mình ra, tìm xét, rồi bảo Nhan: - Năm nay mày 19 tuổi, đáng lý phải chết, giờ đây ta thêm cho một chữ "cửu" sau hai chữ "thập cửu" thì mày sẽ sống đến 199 tuổi. nói xong, Bắc đẩu lấy bút viết thêm vào con số 9.

Vụ án được phá nhanh ngoài sức tưởng tượng. Các phóng viên báo chí trên thiên đình bèn ùa đến phỏng vấn Ngọc hoàng: Tại sao bệ hạ khi nghiên cứu vụ án này lại chỉ đạo theo hướng điều tra Nam Tào Bắc Đẩu ăn hối lộ nên mới sửa lại sổ tử. Ngọc hoàng bảo: Tại ta chăm đọc Tư bản luận của Các Mác. Trong Tư bản luận, Các Mác viết rằng: Đằng sau những quyết định chính trị thường ẩn náu những lợi ích kinh tế. Vậy Nam Tào Bắc Đẩu quyết định lén nâng năm sống của Triệu Nhan lên, ta nghĩ ngay rằng cũng chẳng vì lợi ích chung đâu mà chẳng qua xuất phát từ lợi ích cá nhân của nhóm chúng mà thôi.

Nguyễn Đoàn
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vì sao phá án nhanh?

Chuyện nhỏ như con... chuột

Sáng nay loài chuột xôn xao trước tin con người mở chiến dịch tiêu diệt chuột để tránh hoạ từ virút Hanta. Hoảng hốt nhất là mấy con chuột lông nâu:
– Chết rồi, nghe nói con người vừa lên kế hoạch truy diệt chuột cống lông nâu! Đứa nào có thuốc nhuộm lông cho tụi tao mượn gấp!

Lũ chuột loay hoay bày nhau cách xài nhớt, mực tàu, lọ nghẹ... nhưng đều không được tán thành:
– Mấy cái đó bẩn lắm, lại không bền nữa, không chơi!

Cả đám bực tức:
– Tình thế nguy cấp mà còn chảnh! Tụi bây đúng là con sâu làm rầu nồi canh. Bao năm nay yên lành, có thấy đợt diệt chuột nào đâu, giờ chỉ vì mấy cái đứa lông nâu này mà loài chuột mắc hoạ chung!

Lũ chuột nâu buồn rầu:
– Nói vậy là xúc phạm đến lòng... tự trọng của bọn tao! Đã thế thì bọn tao về quê vậy, chúc tụi bây ở lại mạnh khoẻ!

Thấy tình hình có vẻ nghiêm trọng, một con chuột già giơ đuôi:
– Thôi thôi không phải đi đâu hết. Nghe hỏi nè: Chuột có được gọi là “giặc” không?
– Không.
– Chuột có bị coi là “nội xâm” không?
– Không hề.
– Thế có bị lên án là “quốc nạn”?
– Cũng không!

Chuột già vuốt râu:
– Thế thì yên tâm đi. Có thứ bị con người tuyên án là “giặc”, là “nội xâm”, là “quốc nạn” mà càng “quyết tâm” chống thì càng phây phây kia kìa!

NGƯỜI GIÀ CHUYỆN
(Báo SGTT)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nhâm Tỵ

NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY MÀ ĐAU...
 Hồi trước,chánh phủ Nhật đổ vì đưa chánh sách tăng thuế không hạp lòng dân.Hôm nay,dân đảo Síp từ chối khoản viện trợ 100 triệu euro bởi điều kiện kèm theo là phải đánh thuế vào tiền gửi ngân hàng.Trông người mà ngẫm đến ta:viện phí tăng,tăng phí phương tiện giao thông....lại có các Nhà...tham mưu Chánh phủ đánh thuế vào tiền gởi tiết kiệm hòng cứu thị trường bất động sản....tuyền là những chuyện buồn thay.Ngửa mặt lên trời ngâm ngợi mấy bài thơ nói lái của nhà thơ Võ Quê rằng:"
1-Dầu xăng tăng giá dạ giăng sầu
Đầu tiên trăn trở bạc tiền đâu
Giật gấu vá vai theo vật giá
Thâu đêm khắc khoải nghĩ thêm đau

2.Vật giá leo thang gạo lỏng nồi
Nỗi lòng xa xót bạn nghèo ơi
Ngồi eo sèo với bao gian khó
Gió khan đắng họng tái tê đời
(Thơ Võ Quê)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Nghi vấn quanh nhân vật Cao Lỗ

Hà Văn Thùy Thứ năm ngày 21 tháng 3 năm 2013 1:18 PM

Sau hơn nghìn năm nổi trôi trong dân gian, vào thế kỷ XIV, cùng với An Dương Vương, Cao Lỗ được đưa vào sách Việt điện u linh tập và Lĩnh Nam chích quái. Tới giữa thế kỷ XVII hai nhân vật vốn là huyền thoại này hiện diện trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Cao Lỗ được phong vương, phong thần, được tôn thờ lên tới chót đỉnh giới thần linh Việt. Mới đây, trong một hội thảo tầm cỡ quốc gia tổ chức tại Hà Nội, một lần nữa Cao Lỗ được tôn vinh là danh tướng thời dựng nước!

Điều khiến không ít người băn khoăn là, ngoài việc tôn xưng có vẻ mùi mẫn, các “báo cáo khoa học” trong Hội thảo không cung cấp thêm được gì mới về thân thế người được tôn vinh. Đương nhiên, những nghi vấn 2000 năm nay về nguồn gốc nhân vật này vẫn còn nguyên đó! Chí ít có ba câu hỏi cần được giải đáp:

Câu hỏi thứ nhất: Thục Chế, người nước Thục, là kẻ bị nhà Tần truy sát, chạy tới Tây Bắc nước ta, ở nhờ đất Vua Hùng. Y nhiều lần lấn chiếm đất của Hùng Vương và bị đánh bại. Tới đời con y là Thục Phán đã đánh thắng Hùng Duệ Vương, chiếm Lạc Việt, lập nước Âu Lạc. Như vậy, trong thời gian dài, khoảng 40-50 năm, giữa triều đình lưu vong nhà Thục với dân Lạc Việt là thù địch. Từ đây một vấn đề nảy sinh: quân Thục cát cứ ở Tây Bắc, trong khi đó Cao Lỗ quê ở  Bắc Ninh thì vì sao, ngay khi Thục Phán vào Bạch Hạc chiếm ngôi vua Hùng, Cao Lỗ đã có mặt để giúp nhà Thục? Cao Lỗ từ Gia Bình tới gặp Thục Phán lúc nào? Nếu gặp gỡ trong vai trò kẻ bị xâm lăng với kẻ cầm đầu cuộc xâm lăng thì không thể có mối thân tình mau lẹ tới vậy! Phải chăng, Cao Lỗ đã từ Gia Bình (quê nhà) lẻn lên Yên Bái đầu quân với giặc Thục? Nếu vậy, Cao Lỗ là một tên bán nước cầu vinh, một kẻ tội đồ?!

Câu hỏi thứ hai: Vào thời điểm cướp Lạc Việt, dựng Âu Lạc, Thục Phán khoảng 20 tuổi (theo sách vở, Phán chết khi 70 tuổi, ở ngôi 50 năm). Cao Lỗ có thể hơn Phán vài tuổi, khoảng 5 tuổi chẳng hạn. Vậy một điều cần làm rõ: chàng thanh niên nông dân Lạc Việt vốn không quen chiến trận, bằng cách nào bỗng chốc trở thành thiên tài quân sự chỉ huy đắp thành, chế nỏ?

Câu hỏi thứ ba: Các sách vở đều ghi Cao Lỗ quê quán ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh - nhưng điều đó đáng tin không? Nếu đúng như sách ghi thì cho tới nay, hậu duệ của họ Cao ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh phải là một đại tộc. Nhưng thật bất ngờ, mới đây, ông Cao Bá Nghiệp, trong khi đi tìm dấu tích họ Cao dòng Cao Bá Quát, đã tới huyện Gia Bình (Đại Than) thì thấy ở đây không hề có họ Cao! Giải thích làm sao đây? Chắc rồì sẽ có ai đó “ní nuận”: “Triệu Đà sau khi chiếm Âu Lạc, trả thù họ Cao, nên họ Cao ở Đại Than phải bỏ xứ, mai danh ẩn tích?!” Ai tin điều này thì tùy nhưng khó mà chứng minh rằng Gia Bình (Đại Than) là quê hương của Cao Lỗ!

Những nghi vấn về Cao Lỗ là có thực. Trong khi chưa giải tỏa được những mắc mớ trên thì việc xưng tụng rồi xây đài dựng miếu cho nhân vật huyền thoại này là chuyện khôi hài!

                                                     Sài Gòn, cuồi tháng Giêng
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chao chang

Cách phân làn ôtô vô lý ở Việt Nam
VnExpress.netVnExpress.net – Thứ hai, ngày 25 tháng hai năm 2013

   Email
   In ra

Thế giới làm hàng trăm năm nay là phân làn theo tốc độ, ai đi nhanh sang làn trái, đi chậm sang làn phải, không cản trở nhau (Hà Nam Tú).

Chúng ta đã phân làn theo phương tiện lại còn kẻ vạch đứt, nghĩa là vừa cấm xe con sang làn phải, vừa cho phép cắt vạch đứt, ngầm hiểu là "chỉ để nhường đường rồi về ngay" mà không định nghĩa thế nào là ngay, và thế nào là vừa đủ. Tham gia giao thông không thể mơ hồ "chắc không sao" gây ra tranh cãi và kẽ hở để CSGT nhận mãi lộ.
Phân làn theo phương tiện trên cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Ảnh: Văn Định.

Trên đường 5, CSGT giải thích cho tôi rất buồn cười là "xe con phải đi vào làn trái, gần đến giao lộ thì chuyển vào giữa để đi thẳng, rồi lại sang làn trái" trong khi biển nhắc lại không có, biển phân làn theo hướng không có, và không biết thế nào là gần đến ! Kết cục - không thể lập biên bản cho tôi, người đã có ý thức đi vào làn phải nhường đường cho các xe khác (do tôi chở người già, con nhỏ không muốn đi nhanh). Tuy nhiên các anh vớt vát lại bằng câu "do thấy anh chở gia đình nên chỉ nhắc nhở".

Giải pháp cực kỳ đơn giản, trên đường cao tốc, đường quốc lộ nhiều làn bỏ phân làn theo phương tiện mà phân làn theo tốc độ như toàn thế giới vẫn làm từ cả trăm năm nay. CSGT đi tuần tra liên tục (kiểu highway patrol) giám sát, dừng phạt (các xe đi ngoằn ngoèo, vượt ẩu, cản trở...) và hướng dẫn linh động (khi có xe hỏng, vật cản hay sự cố giữa đường chẳng hạn) chứ không lập trạm, chia nhóm phục kích, rình bẫy xe cắt vạch.

Tóm lại là bỏ hẳn "sáng kiến" phân làn theo phương tiện, một sáng kiến có thể làm suy sụp đạo đức giao thông của cả một thế hệ lái xe Việt Nam, khiến lái xe Việt Nam không thể hòa nhập với thế giới và không có khách nuớc ngoài nào dám lái xe ở Việt Nam.

Nhưng ai sẽ thực hiện đây? Chỉ biết mong chờ, hy vọng không quá muộn.

Hà Nam Tú
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

chao chang

http://trannhuong.com/tin...71/cao-lo--ong-la-ai.vhtm

Cao Lỗ- Ông là ai?
Nguyễn Chính Viễn (St)

Thứ sáu ngày 22 tháng 3 năm 2013 4:55 AM

Theo BKTT : Cao Lỗ (? - 179 trước Công nguyên) còn gọi là Cao Nỗ, Cao Thông, Đô Lỗ, Thạch Thần, hay Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần là một tướng tài của Thục Phán An Dương Vương, quê quán tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Tương truyền, ông là người chế ra nỏ liên châu (bắn được nhiều mũi tên một phát) mà còn được gọi là nỏ thần.
Ông là người khuyên Thục An Dương Vương dời đô xuống đồng bằng, tìm đất đóng đô và là người được An Dương Vương giao nhiệm vụ thiết kế và chỉ huy công trình xây thành Cổ Loa. Cao Lỗ là một anh hùng sáng tạo văn hóa, là biểu tượng của trí tuệ, sức mạnh Việt Nam ngay từ buổi đầu dựng nước, dựng đô.

Tại kì họp ngày 5 tháng 8 năm 2005, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã quyết định lấy tên ông để đặt tên cho một con đường ở trung tâm huyện Đông Anh . Cao Lỗ là người sáng chế ra nỏ liên châu (nỏ thần): bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi là: "Linh Quang Thần Cơ". Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần. Cao Lỗ huấn luyện cho hàng vạn binh sỹ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương Vương thường xem tập bắn trên "Ngự xa đài", dấu vết này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành nội). Là người phát minh ra nỏ thần, lại có tài bắn nỏ nên dân gian thường gọi ông là Ông Nỏ.

Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, chúng đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy nội và phải lui binh. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc. Triệu Đà bèn lập xảo kế thông gia cho con trai là Trọng Thủy lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Cao Lỗ phản đối, khuyên vua không nên nhận, nhưng An Dương Vương không nghe còn nghe lời dèm pha của Lạc hầu. Cao Lỗ dần dần bị vua xa lánh, ông bỏ đi tìm nơi ở ẩn. Sau khi Trọng Thủy biết được bí mật phòng thủ của An Dương Vương và về mách cho vua cha, Triệu Đà mang quân sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương thua chạy. Quân Triệu đuổi theo. Cao Lỗ biết tin, ra đón đường chặn đánh quân Triệu cho vua chạy thoát nhưng do Mỵ Châu tin lời của Trọng Thủy, rải lông ngỗng theo sau để Trọng Thủy lần theo nên cả hai đã tử trận. Các thuyết liên quan tới nguồn gốc, phả hệ Cao Lỗ Có thuyết cho rằng cái tên Cao Lỗ không phải là họ Cao, mà do gắn với đá thạch, núi đá, rằng Cao Lỗ là một vị thần địa phương - thần Đá - đã được thu phục trong quá trình tiến xuống miền đồng bằng của An Dương Vương, và trở thành một vị tướng của nhà vua. Khi chết, ông trở thành thần bảo hộ cho vùng Việt Trì, Bạch Hạc.
Nhà Trần đã sắc phong cho ông là “Quả nghị Cương chính Uy huệ Chính thần Đại vương”.

Theo GS. Cao Thế Dung "họ Cao ở Nghệ An, theo thể phả, thủy tổ là ông Cao Lỗ, gốc Ngòi Sảo, Bắc Ninh, người đã chế tạo ra nỏ liễn mà Triệu Đà gọi là nỏ thần. Họ Cao di ra Thăng Long rồi từ Thăng Long vào Nghệ An, sau một hệ trở ra Sơn Nam (Nam Định) định cư tại đây. "Thám Hoa Cao Quýnh đậu Tiến sĩ (cập đệ, đệ tam danh) triều Lê Thánh Tông là hậu duệ của Thủy tổ Cao Lỗ" Đền thờ Cao Lỗ Theo dân gian, khi bị thương nặng ở cổ, tướng quân Cao Lỗ đã buộc lại và thúc ngựa chạy tới Ái Mộ (xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm) nghỉ một lát rồi lại chạy tiếp về vùng Bình Than, Lục Đầu được ít lâu sau thì mất. Tại Ái Mộ (xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, tại xã Quảng An (huyện Từ Liêm, Hà Nội), Bắc Ninh, Bình Than, Nghệ An và nhiều vùng khác đều có đền thờ tướng quân Cao Lỗ. Tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có đền thờ Cao Lỗ ở trong chùa Giác Hạnh tại địa chỉ số nhà 51 đường Ông Ích Khiêm Thuộc quận 11 .

Theo TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG(Tạ Chí Ðại Trường : Thần, Người và Đất Việt, nxb. Văn Học, Mỹ, 2000, tr. 41-43) Theo Ðại Việt sử ký toàn thư (1697), An Dương Vương có một bề tôi là Cao Lỗ, người đã dùng móng của thần Kim Quy mà chế ra nỏ thần . Tạ Chí Ðại Trường dùng “máy quang tuyến thời gian” soi vào Cao Lỗ và thấy đó thực ra là một thần đá!Ðại khái, vốn xưa ở ta (như ở nhiều nơi khác trên thế giới) có tục thờ đá.

Cao Lỗ hay Ðô Lỗ chẳng qua là từ Hán mô tả một đống đá: Cao là cao, Lỗ là lù lù, Ðô là đẹp đẽ. Về sau, do nhà nước Việt dần dần thiên về Nho giáo và muốn thu các thần truyền thống vào trong phạm vi thế lực của mình, Cao Lỗ được phong làm “vương”. Cũng do ảnh hưởng Tàu, Cao Lỗ về sau lại hóa thành thần Huyền Thiên Trấn Vũ trong Ðạo giáo Trung Quốc!Về việc các nho sĩ viết lại thần thoại, để ý là chỉ trong vòng không tới một trăm năm mà sự kiện Cao Lỗ là thần đã bị bỏ ra khỏi sách: Việt điện u linh tập(1329) có kể, nhưng Lĩnh Nam chích quái (cuối thế kỷ XIV) thì không (Thu Tứ)

Hai quyển sách xưa của ta nhắc đến ông là VÐULT và LNCQ có những khác nhau tận căn bản, trừ việc nhận ông là vua. Ở LNCQ (...) An Dương Vương có một bề tôi là Cao Lỗ, người chế ra chiếc nỏ thần (...) Truyện của VÐULT, “Quả Nghị Cương Chính Uy Huệ Vương”, coi Cao Lỗ là bầy tôi của An Dương Vương nhưng lại là một vị thần được thờ cúng, trong khi An Dương Vương vắng mặt trên đền đài của các triều vua buổi đầu độc lập. Ít ra thì điều đó cũng chứng tỏ rằng tính cách thiêng liêng của Cao Lỗ đã nổi bật hơn, không nói là đã khuynh loát An Dương Vương. Sự thờ cúng Cao Lỗ là của truyền thống ăn sâu vào trong thời gian khiến con người quan tâm đến thần linh địa phương như Cao Biền, vì thấm nhuần tư tưởng Ðạo Giáo của thời đại, đã phải lưu ý mà lập đền thờ.

Cao Lỗ là ai? Sử ký của Ðỗ Thiện đời Lý dẫn Giao Chỉ ký cho biết Cao Lỗ có “tục hiệu” là Ðô Lỗ hoặc rõ hơn, là thần Ðá (Thạch thần). Tục hiệu là chứng cớ xác định nguồn gốc và tính chất của Thần. Thần Ðá nấp sau danh hiệu Hán hóa Cao Lỗ, lù lù cao lớn, rõ ràng vẫn là đá lù lù đẹp đẽ (đô lỗ), không mất tính chất chỉ nội dung bản địa của Thần. Rồi đến khi người ta bớt lưu ý đến hình dạng, tính chất nguyên thủy của Thần thì tước phong các năm 1285, 1288 để chỉ nội dung đức tính gán cho Thần cũng vẫn vướng víu ý nghĩa đá: cứng cỏi (quả nghị), cứng thẳng (cương chính).

Truyện tích và hội lễ “rước vua sống” diễn ra trong hội đền An Dương Vương ngày nay cho ta thoáng thấy mối liên quan thực của ông vua và thần. Truyện tích kể rằng lũ yêu quái tập trung ở làng Nhồi (thuộc khu thành giữa ngày nay) đã cản trở An Dương Vương xây thành Cổ Loa.
Nhờ có Huyền Thiên Trấn Vũ khu trừ, thành mới xây xong, An Dương Vương bèn lập đền thờ và hàng năm thường đến đó bái tạ. Ngày nay, trong lễ hội, có người đóng giả Quân Vương ngồi trên kiệu, đến tận đền Nhồi bước xuống bái lạy.Một ông vua của chính quyền theo quan niệm Nho Giáo không lạy thần mà chỉ lạy Trời, vị thần tối cao của mình. Ông An Dương Vương của thời sơ sử lạy thần đền Nhồi là ông thủ lĩnh lạy vị thần bảo trợ vùng đất của mình. Rõ ràng trong vết tích nguyên thủy, thần bảo trợ An Dương Vương là một thần đá, và Vương mất nước nhưng thần đá vẫn được thờ. Thế rồi vì quan niệm vương thấm nhuần trong đầu óc các nho sĩ Trung Quốc, các quan lại ở Giao Chỉ, ở phủ Ðô Hộ An Nam, người ta lật ngược tương quan cũ để cho thần Cao Lỗ làm bầy tôi An Dương Vương. Cho đến thời đại độc lập thì An Dương Vương càng nổi bật lên, nhất là khi ý niệm Thiên tử được củng cố. Ông thần mà vua đến cầu - dù là vua giả - cũng không thể là thần đá, do đó có thần Huyền Thiên Trấn Vũ, một ông vua trên trời của Ðạo Giáo, đến thay thế khiến cho hành động đó trở thành hợp lý và tục lệ thích ứng thêm với đổi thay để được duy trì đến tận ngày nay .
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Nhà văn Nguyên Ngọc: Dân chủ không phải cái đem cho

Thu Nhi (thực hiện) Thứ ba ngày 26 tháng 3 năm 2013 5:15 AM

Giải phóng đích thực bao giờ cũng là tự giải phóng. Dân chủ không phải là cái đem cho. Hơn ở đâu hết, trong giáo dục điều ấy càng rõ và thiết yếu.
- Được biết ông từng đứng lớp, bằng quan sát của mình, theo ông, có khác biệt nhiều không giữa học trò giỏi và học trò kém? Đó có phải là ở thái độ và kết quả học tập?

- Trước đây tôi có đi dạy, gần đây có đứng lớp, chưa nhiều, và có làm việc với sinh viên, cũng chưa thật nhiều lắm. Nhưng cũng đủ để tôi nhận ra một điều, đối với tôi là hết sức thú vị, tôi đã nhiều lần kiểm tra, thấy là đúng.

Điều ấy thế này: Nói chung không có học trò kém, có lẽ trừ một số ít trường hợp rất cá biệt, ở rất ít người có thể bị "tai nạn" tổn thương về mặt sinh lý thế nào đấy. Còn thì ở mỗi người, mỗi học sinh, mỗi sinh viên đều có một điểm gì đó đặc sắc.

- Nếu mỗi người đều có những tiềm năng đặc biệt thì theo ông tại sao trên thực tế, có người xuất sắc, có người không?

- Sở dĩ điều đó không bộc lộ ra có lẽ chủ yếu là vì hai nguyên nhân: Thứ nhất, chúng ta muốn mọi người đều giống nhau. Muốn đào tạo nên những người giống hệt nhau, có những đặc sắc y như nhau, mà nhân loại thì đa dạng đến vô tận, thậm chí trong suốt lịch sử không bao giờ có hai người hoàn toàn lặp lại.

Thứ hai, ta còn dở, không nhận ra được cái đặc sắc tiềm ẩn trong từng người. Và điều này còn quan trọng hơn nhiều, chính người đó, em học sinh hay sinh viên đó cũng không nhận ra được chỗ đặc sắc riêng của mình, chính em cũng yên trí mình tầm thường, vô vị, thậm chí u mê, dốt nát, và yên phận với số kiếp "trời đày", "bẩm sinh" ấy, thường khi suốt đời.

- Vậy tức là nền GD của chúng ta đã sai ngay từ cách đặt vấn đề?

- Tôi nghĩ chính sự khác biệt của từng cá thể chứa đựng toàn bộ ý nghĩa, thiên chức, có thể cả nội dung của công cuộc thiêng liêng mà ta gọi là GD. Giáo dục trước hết phải bắt đầu bằng niềm tin rằng mọi người, mỗi người đều đặc sắc, đều chứa sâu trong mình, giấu kín trong mình một năng lực nào đó.

Tạo hóa không bất công với ai hết, ai cũng giỏi về một cái gì đó, người cái này, người cái khác. Không có niềm tin ấy thì không thể, cũng không nên làm GD.

Ý nghĩa của GD, thiên chức của nó, điều khiến nó là nghề cao quý nhất là ở chỗ nó làm công việc khó khăn và thú vị nhất, hay ho và hạnh phúc nhất: Tìm cho ra, phát hiện và giải phóng cái đặc sắc chìm ẩn trong mỗi học sinh, sinh viên.

Hoặc nói cho đúng hơn, GD là giúp cho mỗi con người, mỗi học sinh, mỗi sinh viên trước hết tin rằng mình là đặc sắc. Rằng mình có đặc sắc riêng, tự mình dò tìm và nhận ra được cái đặc sắc ấy, và tự giải phóng nó, vì mình và vì xã hội, để cho mình tự tin làm người đàng hoàng, và đem cái đặc sắc của mình cống hiến cho xã hội.

Như vậy, hiểu cho thật đúng, GD là một cuộc tìm kiếm và giải phóng. Người thầy tìm kiếm cái đặc sắc riêng ở mỗi người học. Người học tự tìm kiếm trong chính mình, tìm kiếm cho ra chỗ đặc sắc riêng của mình, cùng với, hợp tác khăng khít với người bạn lớn là người thầy. Một cuộc dò tìm, tự dò tìm đẹp nhất trong mọi dò tìm, khám phá ở đời.

Đánh thức

- Điều đó mang đến cho việc giảng dạy và học tập những ý nghĩa mới, khác hơn rất nhiều với những gì chúng ta đang cảm thấy, và dường như thấy sai ở một chỗ nào đó chưa xác định được?

- Có rất nhiều khía cạnh sâu sắc khi GD được nhìn và hiểu như vậy.

Trước hết GD sâu đậm tính nhân văn, và GD cũng dân chủ sâu sắc nhất. Nhân văn thì quá rõ rồi, vì nó nhằm giải phóng những gì tốt đẹp nhất ở con người. Con người càng đậm chất người khi biểu lộ được tất cả những gì tốt đẹp nhất trong mình.

Dân chủ, vì giải phóng đích thực bao giờ cũng là tự giải phóng. Dân chủ không phải là cái đem cho, dân chủ đem cho thì không phải là dân chủ, dân chủ là giúp cho người ta vùng lên tự giải phóng. Hơn ở đâu hết, trong GD điều ấy càng rõ và thiết yếu.

Như vậy GD quả là công cuộc vô cùng khó khăn, phức tạp, tinh tế (còn gì phức tạp, tinh tế hơn con người, từng con người), nhưng cũng là công việc luôn mới mẻ và đầy hạnh phúc, hạnh phúc nhất.

Luôn mới và hạnh phúc vì mỗi lần ta lại đứng trước một con người, một thế giới mới, khác biệt, chưa từng có, vô cùng bí mật, để mà bắt đầu một cuộc dò tìm và khám phá, giải phóng mới, chưa từng có.

Đi học là hạnh phúc vì được làm cuộc dò tìm trong thế giới của chính mình, đối với chính mình, cũng hết sức bí ẩn, tự khám phá và tự giải phóng. Nói theo cách nào đó, đi học là "tự sinh ra mỗi ngày".

Giáo dục là sáng tạo, sáng tạo không ngừng. Mỗi lần lại tạo ra và tự tạo ra tác phẩm mới, chưa từng có. Tôi thường nghĩ đến Tchékov khi bàn đến GD, khi nói về dạy và học. Định nghĩa công việc của người nghệ sĩ tạc tượng trên đá, Tchékov bảo: Tạc một khuôn mặt vào tảng đá là tước đi khỏi tảng đá tất cả những gì không phải là khuôn mặt.

Bởi vì khuôn mặt vốn đã có trong tảng đá rồi, giấu kín trong đó rồi. Người nghệ sĩ là người tin sự hiện diện còn chưa bộc lộ, còn bị giấu kín ấy, nhìn thấy nó qua đá, và bằng động tác gọi là "sáng tác" lột nó ra khỏi tảng đá vốn nhốt nó.

Mỗi lần lại đánh thức, mỗi lần làm một cuộc đánh thức, và vì là đánh thức những gì tốt đẹp nhất, hay ho, mạnh mẽ nhất trong từng con người giữa vô số người vốn vô cùng đa dạng, nên chẳng có cuộc đánh thức nào giống cuộc nào. Vừa cơ bản vừa sáng tạo không ngừng. Giáo dục vì thế là một khoa học và một nghệ thuật, khoa học và nghệ thuật khó nhất và đẹp nhất.

- Tức là GD phải luôn sáng tạo, không khô cứng, không áp đặt?

- "Thao tác" chủ yếu của GD là khêu gợi, GD tuyệt đối đối lập với áp đặt. Bởi vì, dù có giỏi đến mấy người thầy cũng chỉ có thể giải phóng được tiềm năng của người học bằng tác động sao đó, cho người học tự giải phóng được chính mình.

Như ai cũng đã biết, đối với một người là vậy, mà đối với một dân tộc cũng vậy, không tự giải phóng, không tự mình vùng dậy, bằng sức lực của chính mình thì chỉ là giải phóng giả, rốt cuộc nô lệ vẫn mãi nô lệ! Mãi tăm tối, âm u. Giáo dục bằng áp đặt thì chỉ làm cho người ta u mê thêm.

Thu Nhi (thực hiện)
Nguồn VNN.VN
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nhâm Tỵ

Thân tặng bạn Vịt Anh tác giả bài:"Cái làn chị xách trên tay" hai câu trong bài thơ nói lái của Bùi Giáng:
                     Lọt cồn trận gió đi hoang
                   Tồn liên ở lại xin làn dồn ra
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Người bác sĩ đã chết để nhân loại được sống

Ngày này 10 năm về trước, cả thế giới hoảng loạn về đại dịch SARS. Bác sĩ Carlo Urbani (người Italy) đã đến Việt Nam, dành trọn tâm sức, trí tuệ để đẩy lùi căn bệnh đang đe dọa sự sống toàn cầu.
Bệnh viện Việt - Pháp: Cuộc chiến cam go với căn bệnh lạ
SARS - mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng với y tế toàn cầu
Ngày 29/3/2003, bác sĩ Carlo trút hơi thở cuối cùng. Nói về sự ra đi của ông, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khi đó là Kofi Annan đã viết: Carlo ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của đại gia đình Liên Hợp Quốc. Ông đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe, cứu sống người bệnh. Carlo là người đã có công trong việc phát hiện sớm dịch SARS. Trớ trêu thay, khi Carlo đang nỗ lực giành giật từng bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần thì chính căn bệnh quái ác ấy đã cướp đi mạng sống của ông...

Bà Pascale Brudon, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Việt Nam nhấn mạnh: “Carlo là một con người tuyệt vời, nếu không có ông có lẽ tất cả chúng ta đều bị dịch SARS tàn phá”.

http://l.f13.img.vnecdn.net/2013/03/28/carlo-urbani-1-jpg-1364446429_500x0.jpg
Bác sĩ Carlo Urbani. Ảnh: thefamouspeople.com
Carlo Urbani - người đầu tiên nhận diện Hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS)

Ngày 26/2/2003, bác sĩ Carlo Urbani được mời đến Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) để khám cho một bệnh nhân viêm phổi. Ông đã sớm nhận ra sự bất thường và ngay lập tức cảnh báo cho WHO, đồng thời cùng Bộ Y tế Việt Nam thúc đẩy việc lập hàng rào cách ly ngăn chặn dịch bệnh lây lan.


Bệnh SARS được phát hiện đầu tiên vào tháng 3 năm 2003, khi Bệnh viện Việt - Pháp (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhân nước ngoài mắc bệnh lạ. Kể từ đó, SARS đã giết chết 774 người trong tổng số hơn 8.000 ca nhiễm trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, dịch đã hoành hành trong 45 ngày, gây nhiễm 65 người, làm 5 người tử vong.
Dịch khởi phát từ Hong Kong, nhưng ở thời điểm đó các chuyên gia y tế đang nghi là cúm gia cầm. Chỉ trong thời gian ngắn, SARS vượt khỏi biên giới Hong Kong lan tới 37 quốc gia. Người nhiễm bệnh nhanh chóng suy hô hấp, suy đa phủ tạng và tử vong. Sau khi nhận được sự cảnh báo của bác sĩ Carlo từ Việt Nam, nỗi hoảng loạn bao trùm thế giới. Ở những quốc gia có dịch SARS, khẩu trang y tế bán chạy nhất, trường học đóng cửa, nhà hàng đóng cửa, các trung tâm mua sắm vắng hoe, sản xuất bị đình trệ, người nước ngoài bỏ về nước...

Bác sĩ Carlo cũng được cảnh báo sự nguy hiểm, ông hoàn toàn có quyền và có lý do để về nước. Nhưng Carlo không bận tâm, ông thường xuyên túc trực bên giường bệnh, an ủi động viên và tìm cách chữa trị cho bệnh nhân. Là một chuyên gia bệnh truyền nhiễm, bằng những nghiên cứu đầu tiên của mình ở Việt Nam, Carlo đã giúp các đồng nghiệp nhanh chóng xác định virus gây bệnh.


Cuối tháng 3/2003, cả thế giới báo động vì căn bệnh bí ẩn sau được gọi tên là SARS, khắp nơi khẩu trang bán chạy như tôm tươi, nhiều nước đã phải ra lệnh cấm xuất nhập cảnh. Ảnh: AP.
Tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet viết: Biết rằng công việc của mình đang làm là nguy hiểm, nhưng Carlo Urbani nói với vợ “Nếu không làm những công việc này thì chúng ta đến đây để làm gì? Chẳng lẽ ngồi đọc thư điện tử, ký văn bản giấy tờ, đi dự tiệc? Chúng ta không được ích kỷ, mà phải suy nghĩ và hành động vì sự sống của người khác”.

Trung tuần tháng 3/2003, bác sĩ Carlo đi dự hội nghị khoa học ở Thái Lan. Vừa đặt chân xuống sân bay, ông thấy người mệt mỏi và sốt. Là người tiếp xúc trực tiếp và đối phó với căn bệnh SARS, Carlo hiểu rất rõ điều gì đang đến với mình. Một đồng nghiệp là bạn thân của ông đã lao đến ôm. Nhưng Carlo gạt đi, yêu cầu người bạn tránh xa, rồi ông kiên nhẫn đợi xe cứu thương đến.

Bà Giuliani Chiorrini đưa các con đến Bangkok, qua cửa kính, Carlo kịp nhìn mặt vợ con lần cuối, trong đó có đứa con út vừa tròn 4 tuổi.

Trong một khoảnh khắc tỉnh táo, đồng nghiệp thông báo cho Carlo cơn sốt của ông đã hạ. Nhưng Carlo không hề ảo tưởng, ông biết SARS đã không tha mạng sống cho ông. Tâm nguyện trước khi nhắm mắt, Carlo đề nghị các bác sĩ cắt lá phổi của mình để lại làm tiêu bản nghiên cứu. Và ông mãn nguyện: “Công việc liên quan đến tôi, dù nguy hiểm nhưng tôi thấy thoải mái, giờ đây tôi đã có tất cả”.

Sau khi Carlo mất 2 tuần, virus Corona đã được chỉ mặt vạch tên, đại dịch SARS được khống chế.

“Nhiệm vụ của bác sĩ là đến bên người bệnh”

Đó là câu nói giản dị của bác sĩ Carlo khi ông đại diện cho Tổ chức Bác sĩ Không biên giới lên nhận giải Nobel hòa bình tại Stockholm (Thụy Điển) năm 1999. Câu nói này đã trở thành triết lý cho tất cả những nhân viên y tế đang khoác trên mình tấm áo choàng trắng.

Bác sĩ Carlo là người yêu cái đẹp, ông dành tình cảm đặc biệt cho âm nhạc, yêu thích hầu hết các bộ môn nghệ thuật. Nhưng trong sâu thẳm trái tim, bác sĩ Carlo còn có một tình yêu vĩ đại khác: đó là tình yêu thương vô bờ dành cho con người. Tuổi trẻ của bác sĩ Carlo gắn với công việc từ thiện, nhất là những người bị tật nguyền. Khi trở thành bác sĩ, những kỳ nghỉ hè thay vì đi du lịch hưởng thụ, Carlo tranh thủ khoác ba lô đầy thuốc đến Châu Phi.

Ông nhận thấy, ở những quốc gia nghèo đói như Châu Phi, nguyên nhân tử vong chính lại đến từ những căn bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi một cách đơn giản. Ông thất vọng mỗi khi chứng kiến bệnh nhân không phải chết vì bệnh lạ, mà chết vì những căn bệnh thông thường như tiêu chảy cấp hay viêm phổi, bởi không ai chịu mang thuốc đến cho người bệnh.

Sau bao ngày trăn trở, Carlo quyết định rời bệnh viện để trở thành chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới mang thuốc đến cho người bệnh nghèo. Bạn bè coi việc Carlo gia nhập các bác sĩ WHO giống như việc ông từ bỏ cuộc sống giàu sang để quay lại thế giới của người nghèo.

Trong thời gian ở Việt Nam, bác sĩ Carlo tập trung nghiên cứu và điều trị bệnh giun đũa, một căn bệnh trở thành nỗi ám ảnh với ông. Carlo luôn băn khoăn tự hỏi: Chỉ cần vài nghìn tiền thuốc, mỗi năm uống 2 lần là tất cả trẻ em đều hết bệnh giun, cơ thể không bị hao mòn, vậy mà tại sao rất ít người chịu làm? Một đồng nghiệp của Carlo, bác sĩ Palmer nhận xét: "Giun đũa không có gì hấp dẫn, nhưng hầu hết trẻ em xứ nhiệt đới đều mắc, còn bác sĩ Carlo là kẻ chống giun đũa quá khích".

Ở Hà Nội, bác sĩ Carlo tự đi xe máy. Thỉnh thoảng ông đưa vợ con về các làng quê, sống cùng những người nông dân chân lấm tay bùn.

Tưởng nhớ đến ông, Tổng thống Italy Azeglio Ciampi từng nói: Ngành y tế thế giới có bổn phận ghi nhớ một vị bác sĩ anh hùng, một công dân can đảm, một người cha gia đình, một người chồng gương mẫu đã bị cướp đi bởi một căn bệnh kinh khủng do chính ông đang lần tìm ra nguyên nhân...

Trần Văn Phúc (Tổng hợp từ The Lancet; UN News Centre; WHO)
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [86] [87] [88] [89] [90] [91] [92] ... ›Trang sau »Trang cuối