“Tôi không có tội!”, “Để tôi trông...” (1)
Ý chí, niềm tin,... toả ánh hồng
Bất khuất, hiên ngang! Ngời Tổ Quốc
Lạc quan, khí phách! Rạng non sông
Anh hùng – bất tử - trong dân chúng (2)
Thần đảo – Linh thiêng – chốn cộng đồng (3)
Bia mộ: Lạ kỳ - lưu bốn tấm (4)
Danh thơm tồn vọng với non sông

(1) Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933, ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (Nay là tỉnh Bà Rịa, Vũng Tầu), thân sinh là ông Võ Văn Hợi và bà Nguyễn Thị Đậu. Chị là con thứ năm trong gia đình có 6 con. Năm 14 tuổi theo anh trai lên vùng chiến khu chống Pháp, tham gia nhiều trận chiến đấu bảo vệ quê hương, dùng lựu đạn diệt nhiều tên địch. Tháng 11-1948, ném lựu đạn diệt hai tên chỉ điểm Pháp, rồi bị bắt. Khi nhận án tử hình, chị không run sơ, đã hô to: “Đả đảo thực dân Pháp”, “Kháng chiến nhất định thắng lợi!”. Năm 1952, trước giờ hành hình, cha sứ muốn làm lễ rửa tội cho chị; Chị nói: “Tôi không có tội! Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi mới có tội.” Khi đến pháp trường, chị kiên quyết không chịu quỳ, yêu cầu: “Không cần bịt mắt tôi! Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ cam đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người”. Rồi chị hát Tiến Quân ca, hô vang lời cuối cùng: “Đả đảo thực dân Pháp, VN độc lập muôn năm, Hồ Chủ Tịch muôn năm”

(2) Chị bị giam ở nhà tù Đất Đỏ, trong hơn một tháng, chị không khai báo. Địch chuyển chị về khám Chí Hoà, chị tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám, đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống nhà tù.Pháp mở toà, kết án tử hình, nhưng không dám giết bởi chị chưa đến tuổi vị thành niên. Chúng đưa chị ra Côn Đảo. Ở đây, chị được kết nạp vào Đảng Lao Động VN, được công nhận là đảng viên chính thức ngay trước đêm hy sinh. Cuộc đời cách mạng và cái chết bất khuất của người con gái Đất Đỏ trở thành huyền thoại. Ngày 2-8-1993, Nhà Nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Nhà lưu niệm và tượng đài anh hùng Võ Thị Sáu nằm ở ngã tư Đất Đỏ, thuộc xã Phước Long Thọ, xung quanh nhà trồng nhiều cây Lê ki ma, loài hoa gắn liền với nữ anh hùng của quê hương Đất Đỏ.

(3) Dân Côn Đảo tôn kính, gọi vị nữ anh hùng là Cô Sáu, coi cô Sáu như là vị thần phù hộ cho Côn Đảo quanh năm mưa thuận, giáo hoà, cho dân ra khơi đánh cá thuận buồm, xuôi gió. Có rất nhiều giai thoại về sự linh thiêng của cô Sáu. Ai ra Côn Đảo, đến nghĩa trang Hàng Dương được nghe nhiều huyền thoại về cô Sáu. Những câu chuyện linh thiêng, bí ẩn, nhưng ẩn chứa sự ngưỡng mộ, tôn thờ theo truyền thống Á Đông đối với những người anh hùng, vì dân, ví nước đã được bất tử hoá thành một vị thần.Những câu chuyện kể về chị Sáu không có trong sử sách, nhưng còn lưu truyền mãi mãi như những truyền thuyết dân gian....

(4) Trên mộ chị Sáu có tới 4 tấm bia, là một điều kỳ lạ hiếm thất: - Tấm bia thứ nhất bằng xi măng, do kíp tù làm thợ hồ ở khám làm, ghi rõ họ tên, quê quán, ngày hy sinh, đặt ở đầu mộ ngay tối 23-1-1952, sau khi chị bị địch bắn. Kẻ thù nhiều lần phá huỷ bia và san bằng mộ. Nhưng sáng sau lại đã có tấm bia mới dụng lên và ngôi mộ được đắp càng cao hơn.
- Bia thứ hai màu trắng, cùng ở phía trước, nhưng nằm bên trái ngôi mộ với dòng chữ:“Liệt nữ Võ Thị Sáu sinh năm 1933, tại Bà Rịa, mất ngày 23-1-1952”, là do vợ chồng Tăng Tư khi ra đảo nhận chức phó Tỉnh trưởng tỉnh Côn Đảo (1960), lúc vợ y đang mang bệnh nan y. Vợ chồng y nghe tiếng chị Sáu, đã âm thầm lập ban thowftrong nhà, cầu xin chị phù hộ. Năm 1964, Tăng Tư được lên chức tỉnh trưởng và vợ y cũng khỏi bệnh. Tăng Tư làm lễ tạ và xin trùng tu ngôi mộ chị và làm bia này.
- Bia thứ ba bằng đá đen với dòng chữ phủ nhũ vàng: “Liệt sỹ anh hùng lực lượng vũ trang nhân daanVox Thị Sáu hy sinh năm 1933....”, đặt ở vị trí trung tâm mộ. Đó là tấm bia với danh nghĩa Nhà nước và nhân dân ghi công chị.
- Bia thứ tư: bằng đá, phía sau tấm bia này là một phiến đá hoa cương hình tròn, đường kính gần 2 mét, làm nền, rất bề thế, hài hoà cho phía sau phần mộ, vừa tượng trưng cho ý chí hiên ngang của chị Võ Thị Sáu khi ở tuổi 17. Cũng còn một ý nghĩa là chị mãi mãi vẫn trẻ đẹp và sống mãi cùng non sông gấm vóc như ánh trăng rằm.