1. Từ văn bản bài thơ và vấn đề phiên dịch...
[...]

2....đến việc hiểu quan điểm lịch sử của nhà Nho Lê Bật Triệu

Hầu hết độc giả bài thơ này, như chúng tôi được biết, đều cho rằng, Lê Bật Triệu có cái nhìn rất thiện cảm với Quang Trung và nhà Tây Sơn và phê phán sự tàn bạo của Gia Long và nhà Nguyễn. Thậm chí nhiều người còn ca ngợi sự can đảm của họ Lê khi ca ngợi Tây Sơn ngay dưới thời Gia Long (đặc biệt khi người ta liên tưởng đến những vụ án văn chương hay “văn tự ngục” thời Gia Long, Minh Mệnh...). Sự thực có phải vậy không? Quả là 2 câu đầu, Lê Bật Triệu có đánh giá Quang Trung như một người anh hùng: “Hai mươi năm thét lác mây gió này/ Anh hùng như thế xưa nay hiếm thấy”. Đánh giá như thế là khách quan, phù hợp với thực tế 20 năm oanh liệt, dũng mãnh của Nguyễn Huệ. Đó cũng là hai câu tổng kết cuộc đời hoạt động, chiến đấu lừng lẫy của vua Quang Trung (trong Hoàng Lê nhất thống chí có kể, các nhà Nho Bắc Hà tuy rất căm ghét Nguyễn Huệ nhưng vẫn phải thừa nhận ông là tay kiệt hiệt, dũng mãnh..). Nhưng theo chúng tôi, bản thân việc sử dụng hình ảnh “thét lác chuyển gió mây” (sất trá chuyển phong vân) cũng có hàm ý châm biếm (có cái ý chỉ sự hung hăng). Đó lại là một phản đề để ông bình luận về lăng mộ, về linh cữu Quang Trung mà ông được chứng kiến: lúc còn sống anh hùng là vậy nhưng kết cục thì ra sao? Những câu thơ tiếp theo sẽ trả lời cho câu hỏi ấy. Đó là những câu đầy ý vị mỉa mai chua chát, thậm chí có ý ngầm so sánh Quang Trung với Tần Thuỷ Hoàng, so việc xây dựng lăng mộ của Quang Trung với việc xây lăng mộ của vị bạo chúa nhà Tần. Hai câu thực (3-4) rõ ràng có ý đó. “Cánh đồng Hàm Dương” (Hàm dã) chứa đây chất độc, chồng chất và thấm đẫm bao nhiêu xương máu của người dân và binh lính. “Ly Sơn” là lăng mộ được Tần Thuỷ Hoàng cho xây dựng từ khi còn trẻ, xây dựng nhiều năm mới xong, hao tổn nhiều tiền tài, sức lực, tính mạng con người. Đây cũng là cái hoạ cho sự suy vong của nhà Tần sau khi Tần Thuỷ Hoàng chết không lâu. Câu thơ có tính cảnh báo sâu sắc cho những triều đại đổ bao công của vào việc xây dựng lăng tẩm hoành tráng, cầu kỳ làm “nhọc sức dân” (trong đó không loại trừ cả triều Nguyễn về sau). Hai câu thực qua cách nói vòng đã dựng lên chân dung Quang Trung như một bạo chúa. Hai câu luận mỉa mai cái việc xây lăng mộ tốn kém, hao tổn đó [của Quang Trung] là vô ích bởi nó cũng không bảo vệ được “tấm thân đường đường tám thước” của bản thân người anh hùng “xoay chuyển gió mây” nọ, thậm chí là “riêng phụ” (đơn độc), để người dưới chín suối “ngậm suông mối hận nghìn thu dằng dặc”. Lời mỉa mai quả rất sâu cay, khắc nghiệt, làm nhạt đi rất nhiều hai tiếng “anh hùng” ông dành tặng cho Quang Trung ở trên. Đúng là, người ta sống dù anh hùng đến mấy, dù dữ dội, oanh liệt thế nào, khi “nhắm mắt xuôi tay” cũng khó tự bảo vệ được tấm thân mình chứ chưa nói gì đến việc bảo vệ triều đại mà mình dựng nên nếu không có ân đức, không có chiến lược lâu dài! Lúc ấy, đành chỉ buông mặc cho số phận, phúc phận mà thôi. Đến hai câu kết thì sự mỉa mai, châm chích đã quá rõ ràng: tấm thân hai vua Quang [Trung], Cảnh [Thịnh] cuối cùng cũng “thịt nát xương tan” như “bột phấn” (phấn), “bột gia vị” (tễ) hay như dân gian thường nói “nát như tương” vậy. Tác giả bình luận: điều đó “khiến cho người đời xưa nay cười chê là Doanh Chính nhà Tần”. Tần Thuỷ Hoàng lẫy lừng là thế, nhưng cái chết cũng thật thầm hại như trong cách kể của Tư Mã Thiên: thi thể bốc mùi khiến quần thần phải mua cá muối chở theo để xua xú uế. Mộ phần ông ta tuy không bị quật lên nhưng tương truyền cũng bị [Hạng Vũ] đốt phá, tan nát. Còn hậu duệ của ông, không thể đến Vạn Thế như tham vọng của vị Hoàng đế này mà chỉ đến Nhị Thế đã suy vong thê thảm, bị giết chết một cách thảm hại (mà ở đây cũng có sự trùng hợp mà Lê Bật Triệu hẳn có nghĩ đến: nhà Tây Sơn của vua Quang Trung cũng chỉ tồn tại được 2 đời). Nhà Nho đã rất hỉ hả với chuyện đó bởi mối thù “phần thư khanh Nho” (đốt sách chôn Nho) của nhà Tần. Như trên đã nói, toàn bài thơ đều dùng những điển tích ám chỉ đến nhà Tần, lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng, sự nghiệp Tần Thuỷ Hoàng v.v... Ơ đây, sự ví von đã rõ. Không thể hiểu “Doanh Chính nhà Tần” ở đây để chỉ Gia Long được bởi bài thơ đang viết về Quang Trung, về linh cữu Quang Trung, sự nghiệp của ông. Câu trên cũng trực tiếp nói về hai cha con Quang Trung thì câu dưới không thể đột ngột chuyển đổi đối tượng như thế được. Bản thân cách gọi “xách mé” niên hiệu các vua Tây Sơn ở tiêu đề (Quang Trung) và đặc biệt là ở câu thứ 7 (Quang, Cảnh) cũng eho thấy thái độ “bất kính” của Lê Bật Triệu. Trên thực tế, đây là một bài thơ có thể xếp vào thể tài vịnh nhân vật lịch sử, trong đó nhân vật trung tâm là vua Quang Trung. Như thế thì Lê Bật Triệu cũng giống như nhiều người khác đều thể hiện tiếng nói ủng hộ nhà Nguyễn (Gia Long) hoặc nhà Lê chứ không phải là ca ngợi hay nuối tiếc cho triều Tây Sơn như chúng ta vẫn tưởng (chẳng hạn, Nguyễn Du trong Long thành cầm giả ca cũng không hề nuối tiếc cho sự nghiệp của nhà Tây Sơn). Nhưng cái giá trị, cái vượt lên thiên kiến chính trị tầm thường của bài thơ chính là ở chỗ, nó còn có ý triết lý cao hơn sự hơn kém, tồn vong, đối đầu giữa các triều đại. Đó là Lê Bật Triệu nói về sự hư vô của kiếp người (kể cả đây là anh hùng vĩ nhân): Sự nghiệp lẫy lừng, hô gió gọi mây là thế, xây dựng mộ phần tính kế trăm nghìn năm [cho bản thân và con cháu] là thế; nhưng rồi cuối cùng ra sao, đều là “hận suông”, ngay tấm thân “đường đường” mình cũng không được bảo toàn, cũng bị phụ, lại bị người đời cười chê như “bạo chúa” Tần Thuỷ Hoàng. Như thế, danh tiếng lại hoá ra tai tiếng; tưởng phúc mà lại trở thành hoạ! Rõ ràng, Lê Bật Triệu nhìn nhận sự kiện lịch sử không đơn thuần bằng con mắt một công dân, một thần tử mà còn dưới con mắt một nhà thơ, một nghệ sĩ (cũng như Nguyễn Du nhìn sự sụp đổ của nhà Tây Sơn trong Long thành cầm giả ca vậy) với sự mẫn cầm với cuộc đời “dâu bể”, với số phận “không quá trăm năm” của con người.

Thái độ của Lê Bật Triệu với nhà Tây Sơn như vậy có thể hiểu được chăng? Hoàn toàn có thể và khá logic. Mặc dù trong tập thơ này, ta thấy có một bài Lê Bật Triệu có cảm tình với bà Thiếu phó (nhiều khả năng là nữ tướng Bùi Thị Xuân với những chi tiết phù hợp với tiểu sử của bà), đó là bài thơ Nôm Vãn Thiếu phó phu nhân 輓少傅夫人 (Điếu bà phu nhân ông Thiếu phó) [bản B, tờ 39b] (đây cũng lại là một bài đánh giá khách quan và công tâm của Lê Bật Triệu với một vị nữ tướng anh hùng, kiên trinh hiếm có vượt lên trên định kiến chính trị). Bài thơ tạm được phiên âm như sau:
Thâm khuê mấy kẻ dạ anh hùng,
Liệt tiết khen ai một tấm lòng.
Cờ đỏ Luỹ Thầy mình giúp chúa,
Lụa đào Cửa Vệ phận theo chồng.
Phai son nghẹn những trai đôi nước,
Dồi phấn buồn thay gái sáu cung.
Nghe nói rằng thiêng, thiêng cũng phải,
Xưa nay chính khí của trời chung.
Nhưng không phải vì thế mà ông có thiện cảm với triều Tây Sơn. Đánh giá Bùi Thị Xuân ông đứng trên quan điểm đạo nghĩa: đây là người phụ nữ anh hùng, tiết liệt, có chính khí (không phân biệt bên nào, không lấy thành bại để luận anh hùng, khí phách). Đọc các tác phẩm văn học trung đại, ta thấy không hiếm những tác phẩm ca ngợi đối phương đứng trên quan điểm đó. Quan điểm về triều đại chính thống, về lý tưởng chính trị thì lại hoàn toàn khác. Đó là quan điểm chính trị phổ biến lúc bấy giờ. Hai bài thơ sau đây (cũng nằm trong tập Nam hành tạp vịnh) chứng minh điều đó.

Bài thứ nhất là Vãn Hà Thái Phó tướng Hoàng công 輓何太副將黄公 (Điếu ông Phó tướng của Hà Thái họ Hoàng) [bản B, tờ 51b-52a]. Bài thơ như sau:
西山寇賊撼浮春,
慷慨披丹副將軍。
切齒不能吞猾賊,
裹尸尚可對先君。
一門父子綱常淚,
萬里山河節義身。
降賊老爺今在否?
相逢何面見忠臣。

Phiên âm:
Tây Sơn khấu tặc hám Phù Xuân,
Kháng khái phi đan phó tướng quân.
Thiết xỉ bất năng thôn hoạt tặc,
Khoả thi thượng khả đối tiên quân.
Nhất môn phụ tử cương thường lệ,
Vạn lý sơn hà tiết nghĩa thân.
Hàng tặc lão da kim tại phủ?
Tương phùng hà diện kiến trung thần.

Tạm dịch:
Bọn giặc cướp Tây Sơn làm rúng động Phù Xuân (Phú Xuân),
Phó tướng quân mở tấm lòng son rất là kháng khái.
Hàm răng xít chặt không thể nuốt bọn giặc giảo hoạt,
Thi thể trần truồng vẫn có thể đối diện với chúa xưa.
Cha con một nhà rơi lệ cương thường,
Núi sông muôn dặm có tấm thân trung nghĩa.
Lão già hàng giặc kia nay có biết ở đâu hay không?
Khi gặp nhau, còn mặt mũi nào mà nhìn bậc trung thần.
Bài thơ thể hiện rõ quan điểm của Lê Bật Triệu, xem Tây Sơn là “giặc cướp” (khấu tặc) [bản A chép là “cuồng khấu”: bọn giặc điên cuồng], “bọn giặc giáo hoạt” (hoạt tặc), “giặc” (hàng tặc), xem việc hy sinh chống lại Tây Sơn là “khẳng khái”, “lòng son”, “trung thần”, “trung nghĩa”, “cương thường”... Còn đương nhiên, bọn “hàng thần” thì bị mỉa mai, chê cười. Thậm chí, hình ảnh “chúa cũ” (tiên quân) còn ấp ủ tâm trạng “hoài cổ”, lý tưởng phò chính thống của tác giả trước cuộc biến loạn to lớn “thay đổi sơn hà” (chữ Nguyễn Du) của thời cuộc.

Bài thứ hai là Ông Môn hoài cổ 翁門懷古 (Đến Cửa Ông nhớ chuyện xưa). Bài thơ được sáng tác theo thể thơ Nôm luật Đường, tạm phiên âm như sau:
Sông Kinh hai cửa một duyềnh du,
Binh hoả tanh bành trải mấy thu.
Kìa cửa Ô Long đềnh lệnh đó,
Nào hồn Phò mã lạc lài đâu.
Cánh bằng quay lại buông Vũng Hới,
Lưới phiếu thu về thả chiếc câu.
Nam Bắc nay đà chung một mối,
Sông trong bể lặng nguyệt làu làu.
Bài thơ có cước chú như sau: “Trong thời Tây Sơn, Phò mã bị chết trận ở nơi đây” 西山年間驸馬治陣亡于此 [bản B, tờ 53a-b]. Vậy đây là một vị Phò mã chết trong trận chiến chống Tây Sơn ở cửa Ô Long/ Cửa Ông (tức cửa Tư Dung, nay là Tư Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Bài thơ thể hiện sự xót xa, thương cầm của ông với vị Phò mã xấu số. Nhưng hai câu cuối, ta lại thấy được niềm vui của tác giả vì “Nam Bắc nay đà chung một mối”. Chẳng có gì là luyến tiếc một triều đại mới qua cả. Hai bài cho thấy quan điểm phù Nguyễn/ phù Lê hay bao quát hơn là “phù chính thống” của Lê Bật Triệu. Ông cũng mang tư tưởng “nhất thống” của nhiều con người đương thời, chán ghét chiến tranh, mong mỏi hoà bình, thống nhất cho đất nước dưới một triều đại mới. Một lần nữa, ta lại thấy Lê Bật Triệu vượt lên trên quan điểm chính trị thông thường để nói lên khát vọng chân thành của mình.

Nếu suy luận như lâu nay chúng ta vẫn nghĩ (Lê Bật Triệu ủng hộ Quang Trung) thì quả thật có sự khiên cưỡng, gò ép ngược hẳn ý của nguyên tác và khiến cho cấu tứ bài thơ trở nên rối rắm, khó hiểu. Còn việc bài thơ tái hiện chân thực sự kiện lịch sử lúc bấy giờ và phần nào cho thấy hình phạt rất khắc nghiệt của Gia Long đối với cựu thù lại là chuyện khác. Nó là giá trị khách quan do tư liệu mang lại (trong sự đối chiếu với các tư liệu khác). Đặt trong bối cảnh xu hướng đánh giá khách quan, khoa học hơn với triều Nguyễn nói chung và Nguyễn Ánh nói riêng, thì vấn đề trên cũng không phải là cái gì quá nghiêm trọng (lưu ý rằng Tây Sơn cũng đã từng làm như vậy với lăng mộ của các chúa Nguyễn)! Thái độ đó cũng thống nhất với thái độ của khá nhiều nhà Nho đương thời như: Nguyễn Du, Phạm Thái, Trần Danh Án, Lê Huy Dao, Vũ Trinh, Lê Quýnh v.v... Nếu ta đã thừa nhận thái độ không mấy thiện cảm có thật của các nhà Nho trên thì cớ làm sao ta lại không chấp nhận quan điểm của Lê Bật Triệu?

Tóm lại, việc đọc lại kỹ lưỡng bài thơ Kiến Quang Trung linh quỹ theo “hướng tiếp cận liên văn bản” (intertextual approach) đã dẫn dắt chúng ta đi từ sự tái diễn giải này đến tái diễn giải khác với các câu hỏi: có địa danh Khuân Sơn hay các địa điểm được cho là nơi có linh cữu Hoàng đế Quang Trung ở đây hay không? Mạch thơ của bài thơ là gì? Bản chất bài thơ phải chăng là vịnh nhân vật lịch sử? Và cuối cùng, quan điểm lịch sử của Lê Bật Triệu thế nào? Mặc dù sự thật không giống như những gì chúng ta kỳ vọng hay vẫn tưởng (địa điểm lăng mộ của Quang Trung; thiện cảm với Tây Sơn hay sự dũng cảm, ngang tàng của nhà Nho Lê Bật Triệu trước búa rìu trừng phạt của nhà Nguyễn; sự tố cáo tội ác của Gia Long và triều Nguyễn; cái nhìn vượt thời đại của một nhà Nho không thành đạt có phần bất mãn với thời thế v.v...), nhưng đó vẫn là cái khách quan hiện hữu, ít nhất là từ những gì ta đọc thấy trên văn bản. Còn sự thật khách quan (nếu có) là cái mà chúng ta hy vọng có thể suy tìm, đeo đuổi trong tương lai dựa trên nhiều sự thật trên những “văn bản” tin cậy hơn nữa.

Nguyễn Thanh Tùng (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]