Đây là một bài văn tế nổi tiếng không chỉ trong văn học Hán Nôm ở Gia Định mà còn trong cả văn học cổ Việt Nam, ở đó sự kết hợp giữa tình cảm và nghệ thuật đã đạt tới mức tuyệt diệu, có thể nói là hay nhất trong những bài văn tế quan phương thời phong kiến, cùng với bài Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu làm thành hai đỉnh cao về văn tế trong văn học Hán Nôm Việt Nam.

Nhiều người vẫn biết bài Văn tế tướng sĩ Tiền quân mở đầu với câu “Trời Đông Phố vận ra Sóc cảnh” dùng trong lễ tế các tướng sĩ Tiền quân trận vong của Nguyễn Văn Thành tổ chức năm 1804 ở Thăng Long, nhưng ít người biết trước khi dùng bài ấy Nguyễn Văn Thành từng nhờ một văn thần cũ của Tây Sơn là Phan Huy Ích viết một bài khác. Hoàng Thúc Trâm trong Quốc văn đời Tây Sơn, Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1951, tr. 97 - 99, cho biết văn bản bài văn tế ấy của Phan Huy Ích đề là “Giáp tý (1804) xuân, nghĩ Chưởng Tiền quân Tổng trấn quan khao tế bản quân trận cố tướng sĩ quốc âm văn” và mở đầu bằng câu “Mây Nam ngất mấy từng non nước, trông cõi bờ hằng nhớ lối chinh hành...”, nhưng Nguyễn Văn Thành không ưng dùng bài ấy mà sai người viết một bài khác, nên bài của Phan Huy Ích ít người biết tới. Và quả thật nếu theo văn bản bài Văn tế tướng sĩ trận vong trong Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên, Mặc Lâm, Sài Gòn, 1968, tập II, tr. 163 – 165, thì bài văn tế của Phan Huy Ích rất nhạt nhẽo, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại thì yếu về tính tư tưởng, tuy lời lẽ văn hoa, dùng nhiều điển cố nhưng không làm rõ được lòng thương tiếc đối với tướng sĩ bản bộ cũng như niềm kiêu hãnh về thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Tây Sơn nơi một viên Chưởng Tiền quân Tổng trấn Bắc Thành của nhà Nguyễn như Nguyễn Văn Thành. Nhưng bài Văn tế tướng sĩ Tiền quân thì khác. Ngay từ phần Tán, nó đã nêu bật được nỗi gian truân của quân Nguyễn Ánh trong một phần tư thế kỷ xông pha tên đạn để tới được Thăng Long năm 1802:
Than ôi!
Trời Đông Phố vận ra Sóc cảnh, trải bao phen gian hiểm mới có ngày nay, Nước Lô Hà chảy xuống Lương Giang, nghĩ những kẻ phiêu linh, kể từ thuở nọ.
Cho hay sinh là ký mà tử là quy, Mới biết mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ.
Đây là hình ảnh các tướng sĩ Tiền quân hy sinh trong những trận giao tranh với quân Tây Sơn:
Kẻ thì chen chân ngựa quyết giật cờ trước trận, xót nhẽ gan vàng mà mệnh bạc, nắm lông hồng theo đạn lạc tên bay, Kẻ thì vin mũi thuyền toan cướp giáo giữa dòng, thương thay phép trọng để thân khinh, phong da ngựa mặc bèo trôi sóng vỗ.
Trong phần Ai, bài văn tế khẳng định công lao của những người đã chết, an ủi họ rằng triều Nguyễn sẽ không quên gia đình của họ, mong họ dưới chín suối vẫn là tướng sĩ của Tiền quân và trung thần của triều Nguyễn:
Buổi chinh chiến hoặc là oan hay chẳng, cũng chớ nề kẻ trước người sau, hàng trên lớp dưới, khao thưởng rồi sẽ tấu biểu chương cho, Hội thanh bình đừng có nghĩ rằng không, dầu ai còn cha già mẹ yếu, vợ goá con côi, an tập hết cũng ban tồn tuất đủ.
Hồn phách đâu đều ngày tháng Thuấn Nghiêu, Hài cốt đó cũng nước non Thang Vũ.
Cơ huyền diệu hoặc thăng trầm chưa rõ, thiêng thì về cố quận để hương thơm lửa sáng, kiếp tái sinh lại nhận cửa Tiền quân, Niềm tôn thân dù sinh tử chớ nề, linh thì hộ hoàng triều cho bể lặng sông trong, tuy vạn kỷ chẳng dời ngôi bảo tộ.
Ngay cả trong lời yên ủi vong linh những người đã khuất, bài văn tế này cũng bộc lộ sự tự mãn và tự tin về kết quả mà tập đoàn Nguyễn Ánh vừa giành được. Có thể nói rằng với những lời lẽ khích thiết làm xúc động lòng người, bài văn tế này là một văn kiện chính trị quan trọng của chính quyền Gia Long trong những ngày đầu cai trị Bắc Thành, khi họ vừa phải khẳng định địa vị chính thống của mình vừa phải có một sách lược hoà giải và hoà hợp dân tộc nhằm giảm thiểu tối đa sự chống đối của các cựu thần nhà Tây Sơn cũng như Lê Trịnh. Giai thoại văn học dưới đây có thể cho thấy tình thế chính trị tế nhị này của chính quyền Gia Long đồng thời làm rõ hơn nội dung bài Văn tế tướng sĩ Tiền quân.

Tương truyền trong một buổi họp mặt nhiều nhân sĩ Thăng Long bàn việc tế tướng sĩ Tiền quân, Nguyễn Văn Thành đề nghị mỗi người viết một đôi liễn đối. Sau khi từng người đọc lên, được ý này thì mất ý khác, cử toạ nhao nhao nghị luận. Chỉ có một người là Khoá Liễn cứ ngồi cười ruồi, Nguyễn Văn Thành bực mình hỏi câu đối của ông ta đâu, ông ta nói là chưa viết. Thành càng bực, bèn hỏi tên họ, đến khi biết ông ta chỉ là một Sinh đồ đã toan phát tác, hỏi thế tại sao lại dám bất kính với các vị khoa bảng đang có mặt. Khoá Liễn tạ lỗi, nói không dám bất kính, Thành bèn nói vậy thì thử làm một câu đối nghe xem. Khoá Liễn nói “Bao nhiêu chữ hay các ông ấy đã dùng cả rồi, tôi xin tập hai câu thơ cổ làm một câu đối có được không?”. Thành nói thế nào cũng được, cứ đọc nghe xem. Khoá Liễn bèn đọc “Nhật mộ hương quan hà xứ thị, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Quê hương trời xế đâu nơi tới, Chinh chiến xưa nay mấy kẻ về), vế trước lấy câu trong bài Đăng Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, vế sau lấy câu trong bài Lương Châu từ của Vương Hàn. Thành nghe xong gật đầu, những người có mặt đều kinh ngạc, kế đó nhao nhao khen ngợi hai câu ấy không những đối rất chỉnh mà còn hợp cảnh hợp tình, đúng là tế tướng sĩ Tiền quân ở Bắc Thành, vừa thương xót họ chết xa nhà vừa an ủi họ trong thân phận làm người thời loạn. Đối với Nguyễn Văn Thành thì cách nói ấy dĩ nhiên là phù hợp, còn đối với các sĩ phu Bắc Hà thì câu đối ấy hoàn toàn không đưa họ vào chỗ ca ngợi tướng sĩ nhà Nguyễn bằng cách hạ thấp nhà Lê và bôi nhọ Tây Sơn.

Cao Tự Thanh

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]