Dưới đây là các bài dịch của Trịnh Lữ. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

“Thiên nhiên - bậc nhất mẹ hiền...” (Emily Dickinson): Bản dịch của Trịnh Lữ

Thiên nhiên — bậc nhất Mẹ Hiền,
Với Con chỉ một nỗi niềm xót thương
Đứa ốm đau — đứa tha hương
Lời răn Mẹ vẫn du dương khoan hòa

Nơi đồi cao — giữa Rừng xa
Kẻ lữ hành có nghe ra những lời
Mẹ ngăn đàn sóc mải chơi
Nhắc con Chim nọ đang hơi quá nhời.

Như Chiều Hè — Ấm áp trôi
Chuyện trò với Mẹ thảnh thơi yên hòa
Có Mẹ đâu cũng là Nhà
Cả khi ác lặn cũng là bình yên

Tiếng Mẹ ngân — lời Phúc Duyên
Xua tan sợ hãi tương liên nguyện cầu
Con Dế nhỏ hết lo âu
Bông Hoa dại hết u sầu vô danh

Khi Đàn Con đã ngủ lành
Bấy giờ Mẹ mới đành lòng quay đi
Sao trời thắp sáng một khi
Trời cao Mẹ lại cúi về nơi đây

Vô biên — Tình Mẹ tràn đầy
Âu lo lòng mẹ sâu dày còn hơn
Khi Ngón Vàng Mẹ đặt Môi
Nỗi niềm Im tiếng — Muôn nơi khoan hòa


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Con đường chưa đi (Robert Frost): Bản dịch của Trịnh Lữ

Con đường rẽ làm đôi giữa rừng lá vàng,
Biết làm sao, tôi chỉ có thể chọn một mà thôi
Thân phận lữ hành, tôi đứng mãi
Nhìn theo một lối rẽ bên này
Đến tận nơi vệt đường khuất dạng sau bụi cây;
Thế rồi tôi lại bước vào lối rẽ bên kia
Có khác gì đâu, mà có khi lại có lí hơn kìa
Vì cỏ rậm trên mặt đường như thèm muốn người đi;
Nhưng thật ra có đôi chỗ đây kia
Cũng đã thấy dấu mòn như con đường nọ,
Và thế là buổi mai hôm đó
Trước hai con đường lá rơi đầy chưa đen vết chân ai
Tôi đành hẹn sẽ quay lại con đường không đi một ngày
nào đó
Nhưng lòng thừa hiểu nào biết đến bao giờ
Đường lại đưa đường làm sao biết trước.
Tôi sẽ kể chuyện này trong một tiếng thở dài
Rằng đâu đó ngày xưa đã lâu lắm rồi:
Con đường rẽ làm đôi giữa một khu rừng, và tôi -
Tôi đã chọn lối mòn ít có ai đi,
Và điều đó đã làm đổi thay tất cả.

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]