Dưới đây là các bài dịch của Tiên Sơn. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 1 trang (9 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Cảnh tinh phú (Đào Sư Tích): Bản dịch của Nguyễn Đức Vân, Tiên Sơn

Nắm chốt chấn hưng việc trời,
Sao sáng rọi soi đêm tối.
Ân đức thấm khắp gần xa,
Muôn vậ tốt tươi chói lọi.
Vô tư đức đã dồi dào,
Trời bèn ứng ban điềm mới.
Vì thế điềm tốt lạ Cảnh Tinh, sở dĩ muôn đời mới xuất hiện, là để làm nổi bật phúc lớn thái bình đó chăng!
Kìa xem: Màu sắc huy hoàng, anh hoa bát ngát,
Rọi vừng trăng bạc trắng ngần, choán dòng sông Ngân xanh ngắt.
Cạnh ngôi Đế Toạ rỡ ràng, phản chiếu mặt trời vằng vặc,
Long lanh Tích Mộc bến trời, Phụ Lộ bên sao nổi sắc,
Sáng ngời Chu Bá, ánh rọi nghiêng nghiêng.
Hàm Dự chiếu soi, tia giao rừng rực,
Này sắc nghiêm trang mà bóng lạnh lùng, chính đó là sao Cách Trạch theo bên sao Đức.
Đời vua Đường Nghiêu, thiên hạ sáng ngời, bầu trời chói lọi, rực rỡ khắp nơi.
Sao đến cuối đời Hán Đường, luôn tối tăm mờ mịt đất trời!
Nay nhân gặp buổi thịnh thời, bầu trời lại rạng.
Người người xem thấy sướng vui, đủ nghiệm phép trời toả sáng.
Điềm tốt lạ lùng rất mực, làm cho thiên hạ thái bình.
Âm dương hoà hợp, đất trời yên minh,
Mưa hoà gió thuận, lúa tốt cây xanh.
Khói lửa ba bề yên tĩnh, gió nhân tám cõi bay quanh.
Lễ nhạc sáng tỏ, phép tắc phân minh.
Người yên vật thịnh, chính tốt hình thanh.
Âu ca muôn phương rộn tiếng, ngợi khen bốn bể lừng danh.
Thật đủ để nêu cao nước nhà thịnh trị, và dâng lên một đấng điềm lành.
Nhưng thường xét thấy rằng:
Trời người một lẽ, cảm thông rất mực.
Ứng nghiệm không ở trời mà ở người, tốt lành không tại điểm mà tại đức.
Cho nên: trời giúp vua Thuấn, không tại sánh bầy thất chính, mà tại thiên thời vâng kính.
Trời ban cho vua Vũ, không tại trình bày Lạc thư, mà tại sửa sang sáu phủ.
Huống gì hiện nay: đạo mở Hiên Hy, chính trị vượt hơn Thuấn Nghiêu,
Đức tốt sáng ngời, trăm quan vâng theo.
Cưỡi Ky, Vĩ, sánh khách Thương gia,
Ứng sao Mão, khinh người Hán triều.
Thế thì, chỉnh đốn cõi bờ, định yên đất nuớc,
Để Cảnh Tinh đưa lại điềm lành, thực hợp với Đồ Thư đời trước.
Không điều gì mà không nhờ thánh hoàng ta khéo vận dụng tài năng để mở rộng cho muôn đời bằng mưu lược.
Thần kính cẩn chấp tay cúi đầu mà dâng lời rằng:
Kìa xem điều báu,
Rực rỡ trời cao.
Điềm của thái bình,
Phúc biết dường bao.
Với thánh hoàng ta,
Tại đức không tại sao.

Ảnh đại diện

Mông Lý dịch ngẫu thành (Lê Cảnh Tuân): Bản dịch của Tiên Sơn

Mái chèo gác bãi cát khô,
Nhìn lên xóm trước, bóng mờ bên sông.
Chập chờn như có, như không,
Nhà đâu mấy mái lẩm trong khói chiều.

Ảnh đại diện

Cám Châu giang trung phùng tiên tỵ kỵ nhật (Lê Cảnh Tuân): Bản dịch của Tiên Sơn

Đất lạ long đong, mộ mẹ xa,
Lại thêm tiết giỗ bỏ trôi qua.
Thảo thơm chốn cũ ai hương khói,
Hiếu đễ quê người dạ xót xa.
Bốn chục năm dư đời thiếu mẹ,
Tám ngàn dặm chẵn khách không nhà.
Nỗi đau xé ruột khôn cầm được,
Trước gió tuôn rơi lệ ướt nhoà!

Ảnh đại diện

Diệp mã nhi phú (Nguyễn Phi Khanh): Bản dịch của Tiên Sơn, Phạm Đức Duật

Một con vật bé bỏng tí ti, vượt tài xảo diệu của hoá ky.
Sao thiêng thiêng mà là lạ, lại quái quái mà kỳ kỳ.
Hình tuy giống hệt loài trùng, thân lại đúng là chiếc lá.
Tìm khắp sách truyện kinh xưa, chẳng một ai hề biết cả.
Nó chẳng phải vật trên cây trong trại Kim Âu mà hoá thành con ngựa lá đó sao!

Xem nó:
Tươi xanh nổi sắc, đẹp đẽ khác thường.
Lưng liên tiếp xương sống, bụng lờ mờ vằn ngang.
Ai cắt ai gọt, kìa móng kìa sừng.
Tưởng lại thời mông muội, cùng long mã sánh hàng.
Dấu vết tuy kề nơi rừng suối, mà chí thực ruổi rong khôn lường,
Nằm nghỉ dưới trang Hầu Lĩnh, tắm mình ngoài nắng Phù Tang.
Gió lay cành bóng, giật mình ngỡ sắp mang dàm ngọc.
Ráng lướt thân cây, thoáng trông tưởng mới buộc cương vàng.
Gặp được bác làm vườn nọ tưởng Bá Nhạc đó chăng?
Mới nháy mắt ở bên rừng rậm, đã đặt mình trên đám tiệc sang.
Một lời mới ngỏ, giá đáng ngàn vàng.
Đám liễu, đào tùng còn thấy ở thiên “Chu tụng”.
Cây dâu hoắc thục còn chép ở thơ “Mân phong”.
Huống vật này coi thì rất nhỏ, nhưng tạo hoá ngụ ý rất sâu.
Không sinh nơi ruộng đồng hoang dã, mà vào động tiên nương bóng.
Chẳng lánh vùng bến hiu quạnh, mà tới miền đất phúc ngao du.
Vậy chẳng phải vật thiêng trong loài lá, giống lạ trong loài mao đó ư!

Xem xét xưa nay, ngàn xưa vẫn thế.
Rùa lên khi trị thuỷ vừa xong, lân hiện lúc kinh kia đã viết.
Thực là buổi vận hội đương nhiên, nhưng cũng bởi thánh hiền dốc sức.
Thánh tướng ta lấy tâm tạo hoá làm tâm, dùng trí hoá công làm trí.
Tay thước trời dựng xây vũ trụ, thân khuôn lớn đúc nên mọi thứ.
Phàm là vật trong trời đất, chẳng vật nào không nhảy múa trước xuân phong, đượm nhuần trong hoà khí.
Người ước mong thoả nỗi ước mong, kẻ sinh sống vui niềm sinh sống.
Người khéo khôn trổ hết khéo khôn, kẻ tài kỳ dốc nghề tài kỳ.
Đến loài trùng nhỏ cung quăng đua tài khéo cũng thoả chí.
Nhân xem vật mà sinh tình, thầm cảm tin về vận khí.
Về ghi chép: ông Đường Thúc được lúc tốt có thiên kinh kia.
Về thưởng ngoạn: vua Thành Vương cắt lá vông không trò chơi ấy.
Nếu không phải tạo vật diệu huyền, hoá công tuyệt xảo thì sao được như thế!

Kính xem: tài năng thánh trí, khó kẻ luận bàn.
Lại trộm nghĩ: suy xét lòng trời, dõi tìm nhân sự.
Ví bằng sinh sâu thiêng lạ trên cây, sao bằng sản kẻ sĩ cao thượng, người kỳ tài trong thiên hạ?
Ví bằng vịnh thơ ngựa lá, sao bằng đọc thơ “Hữu bật” trong thiên “Lỗ tụng”, giải về “Đức ký” ở “Lỗ luận”?
Thế nên đối với vật thiêng lạ cũng đã yêu thương; huống gì đối với loài xảo diệu còn hơn, và cực kỳ thiêng lạ?
Xin hãy đổi lòng yêu vật thành lòng trọng người hiền; đem chí đãi vật thành chí đãi vật làm chí đãi kẻ sĩ.
Xem lá cây nhớ thơ “Vực phốc” trọng dụng con người, thơ “Thanh nga” dạy nuôi tài sĩ.
Ngắm ngựa lá tưởng vẻ đẹp trong “Quan thư”, “Thước sào”, đức nhân trong “Sô ngu”, “Lân chỉ”.
Quán đãi hiền, ngựa hay mua được, vàng không sợ phí.
Màn tiếp khách, Ôn nọ mời về, Thạch kia vừa ý.
Khiến cho chốn triều đình tượng vẽ được tìm, vùng rừng rứ rồng nằm phấn khí.
Được như thế thì phô trương điều lành, ngợi ca đức tốt há chẳng lớn lao rực rỡ hay sao?

Ôi! Kẻ học trò hèn mọn này có đáng gì, chỉ may sao gặp thời thịnh trị.
Ngôi khách quí thẹn dự bên màn, đầu bài phú vâng theo thịnh ý.
Công khắc há dốc hết tài hèn, nghề chạm sâu theo bề cũ kỹ.
Mượn vật mọn gửi gắm tình hoài, “được người hiền” dâng làm điềm quí.

Ảnh đại diện

Sơn trung (Nguyễn Phi Khanh): Bản dịch của Tiên Sơn, Đào Phương Bình

Mưa qua, cây đậm xanh xanh khói,
Mây ráng chiều hôm rực rực lên.
Tỉnh giấc nào hay xuân sớm muộn,
Non sâu văng vẳng tiếng hồn quyên.

Ảnh đại diện

Hoá thành thần chung (Nguyễn Phi Khanh): Bản dịch của Tiên Sơn, Huệ Chi

Vẳng tự chùa xa tới,
Tiếng thưa lọt mui bồng.
Triều dâng trời đất rạng,
Trăng bạc, sông mênh mông

Ảnh đại diện

Hoàng giang dạ vũ (Nguyễn Phi Khanh): Bản dịch của Tiên Sơn, Huệ Chi

Mưa thu trên bến Liệu,
Thánh thót rỏ mui thuyền.
Đèn khi mờ khi tỏ,
Hồ hải chốc mười niên.

Ảnh đại diện

Khách xá (Nguyễn Phi Khanh): Bản dịch của Hiến Nam, Tiên Sơn

Chút rượu nga nhi, mình tự rót,
Buộc ràng, vượn hạc chạnh hồn tim.
Bên hoa am cỏ, xuân càng đậm,
Ngoài liễu phên tre, khách dễ tìm.
Tàu chuối gió ru, trưa lịm giấc,
Rèm song mưa tưới, giọng thơ êm.
Thị phi nào bén bên song, ghế,
Tỉnh đậy châm hương dạo khúc cầm.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thu nhật khiển hứng (Nguyễn Phi Khanh): Bản dịch của Tiên Sơn, Huệ Chi

Sân hoè gối khách phận chim hồng,
Mái tóc như sương muốn rối tung.
Nghìn dặm mưa mai then ních chặt,
Ba thu lá rụng mắt buồn trông.
Thói đời ấm lạnh tuỳ tay quạt,
Giải muộn xui ta cạn chén nồng.
Chiếc gối song tây vừa tỉnh giấc,
Vịnh vần thơ mới dạy thư đồng.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 1 trang (9 bài trả lời)
[1]